Phẩm 3: Tương ưng Xá-lợi-phất

PHẨM 3:
TƯƠNG ƯNG XÁ-LỢI-PHẤT

TỤNG NGÀY THỨ NHẤT

等心得戒智師子  

水喻瞿尼陀然梵

教病拘絺象跡喻  

分別四諦最在後

Kệ tóm tắt:

Đẳng tâm, Đắc giới, Trí, Sư Tử,

Thủy dụ, Cù- ni,  Đà-nhiên Phạm

Giáo bệnh, Câu-hy, Tượng tich dụ,

Phân biệt Tứ đế ở sau cùng

21. KINH ĐẲNG TÂM

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, ở trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất [1] cùng chúng Tỳ-kheo vân tập tại giảng đường vào ban đêm, nhân đó đem các nội kết sử và ngoại kết sử [2] mà phân biệt nghĩa lý cho các Tỳ-kheo.

“Này Chư Hiền, trên đời quả thật có hai hạng người. Những gì là hai? Đó là người có nội kết sử, bậc A-na-hàm, không trở lại thế gian này, và người có ngoại kiết sử, không phải là bậc A-na-hàm, sẽ còn trở lại thế gian này. [3]

“Này Chư Hiền, thế nào là người có nội kết sử, bậc A-na-hàm, không còn trở lại thế gian này?

“Nếu có người tu tập các giới cấm, không bị thủng, không sứt mẻ, không  cấu uế, không vẩn đục, hoàn toàn không thể chỉ trích, được bậc Thánh khen ngợi, khéo tu, khéo đầy đủ. Vị ấy nhân tu tập giới cấm, không bị thủng, không sứt mẻ, không  cấu uế, không vẩn đục, hoàn toàn không thể chỉ trích, được bậc Thánh khen ngợi, khéo tu, khéo đầy đủ, nên lại học nhàm tởm dục, không dục và đoạn dục. [4] Nhân bởi học [449a] nhàm tởm dục, ly dục và đoạn dục mà chứng được tịch tịnh tâm giải thoát [5]. Sau khi chứng đắc như vậy, trong cảm thọ lạc mà mến tiếc, không chịu xả ly, [6] trong đời hiện tại không được cứu cánh trí, khi thân hoại mạng chung vượt qua các cõi trời Đoàn thực [7] sanh về các cõi ý sanh khác [8]. Khi sanh về các nơi ấy rồi, vị ấy suy nghĩ thế này: ‘Ta trước kia còn làm người, lúc ấy tu tập các giới cấm, không bị thủng, không sứt mẻ, không  cấu uế, không vẩn đục, hoàn toàn không thể chỉ trích, được bậc Thánh khen ngợi, khéo tu, khéo đầy đủ. Nhân tu tập giới cấm, không bị thủng, không sứt mẻ, không  cấu uế, không vẩn đục, hoàn toàn không thể chỉ trích, được bậc Thánh khen ngợi, khéo tu, khéo đầy đủ, nên lại học nhàm tởm dục, không dục và đoạn dục. Nhân học nhàm tởm dục, không dục và đoạn dục mà chứng được tịch tịnh tâm giải thoát. Sau khi chứng đắc như vậy, trong cảm thọ lạc mà mến tiếc, không chịu xa lìa, trong đời hiện tại không được cứu cánh trí, khi thân hoại mạng chung vượt qua các cõi trời Đoàn thực, sanh về các cõi ý sanh khác, và đang ở nơi đây [9].

“Này Chư Hiền, lại có một hạng người tu tập giới cấm không rách nát, không bị thủng, không sứt mẻ, không  cấu uế, không vẩn đục, hoàn toàn không thể chỉ trích, được bậc Thánh khen ngợi, khéo tu, khéo đầy đủ. Vị ấy nhân tu tập giới cấm, không bị thủng, không sứt mẻ, không  cấu uế, không vẩn đục, hoàn toàn không thể chỉ trích, được bậc Thánh khen ngợi, khéo tu, khéo đầy đủ, nên lại học tập nghiệp đoạn trừ sắc hữu, đoạn trừ tham [10], học xả ly dục. Nhân học tập nghiệp đoạn trừ sắc hữu, đoạn trừ tham, học xả ly dục, mà chứng được tịch tịnh tâm giải thoát. Sau khi chứng đắc như vậy, trong cảm thọ lạc mà mến tiếc, không chịu xa lìa, trong đời hiện tại không được cứu cánh trí, khi thân hoại mạng chung vượt qua các cõi trời Đoàn thực, sanh về các cõi ý sanh khác. Khi sanh về các nơi ấy rồi, vị ấy suy nghĩ thế này: ‘Ta trước kia còn làm người, lúc ấy tu tập các giới cấm, không bị thủng, không sứt mẻ, không  cấu uế, không vẩn đục, hoàn toàn không thể chỉ trích, được bậc Thánh khen ngợi, khéo tu, khéo đầy đủ. Nhân tu tập giới cấm, không bị thủng, không sứt mẻ, không  cấu uế, không vẩn đục, hoàn toàn không thể chỉ trích, được bậc Thánh khen ngợi, khéo tu, khéo đầy đủ, nên lại học tập nghiệp đoạn trừ sắc hữu, đoạn trừ tham; học tập xả ly dục. Nhân học tập nghiệp đoạn trừ sắc hữu, đoạn trừ tham, học xả ly dục, mà chứng được tịch tịnh tâm giải thoát. Sau khi chứng đắc như vậy, trong cảm thọ lạc mà mến tiếc, không chịu xa lìa, trong đời hiện tại không được cứu cánh trí, khi thân hoại mạng chung vượt qua các cõi trời Đoàn thực, sanh về các cõi ý sanh khác, và đang ở nơi đây.

“Này Chư Hiền, thế nào là người có ngoại kết sử, không phải A-na-hàm, còn trở lại thế gian này? Nếu có người tu tập các giới cấm, thủ hộ biệt giải thoát luật nghi [11], lại còn khéo thâu nhiếp các oai nghi lễ tiết, thấy những tội lỗi nhỏ nhặt cũng thường sanh tâm lo sợ, thọ trì học giới. Này Chư Hiền, [449b] đó là người có ngoại kết sử, không phải A-na-hàm, sẽ còn trở lại thế gian này”.

Bấy giờ, một số đông thiên chúng Đẳng tâm [12], sắc tượng vời vợi, ánh sáng rực rỡ, lúc đêm gần tàn, đi đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ rồi đứng sang một bên, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tôn giả Xá-lợi-phất, đêm qua cùng chúng Tỳ-kheo vân tập tại giảng đường, nhân đem nội kết sử và ngoại kết sử mà phân biệt nghĩa lý cho các Tỳ-kheo nghe như vầy: ‘Này Chư Hiền, trên đời quả thật có hai hạng người: người có nội kết sử và người có ngoại kết sử.’ Bạch Thế Tôn, Đại chúng đã hoan hỷ, cúi mong Thế Tôn từ bi thương xót mà đến nơi giảng đường.”

Lúc đó Thế Tôn im lặng nhận lời Chư Thiên Đẳng tâm. Chư Thiên Đẳng tâm biết Thế Tôn đã im lặng nhận lời, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi biến mất khỏi chỗ đó.

Không bao lâu, sau khi Chư Thiên Đẳng tâm đi khỏi, Đức Thế Tôn đi đến giảng đường, trải chỗ ngồi mà ngồi trước chúng Tỳ-kheo. Sau khi ngồi xong, Đức Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay, lành thay! Xá-lợi-phất, thầy thật rất khéo léo. Vì sao thế? Vì đêm qua, thầy và chúng Tỳ-kheo vân tập tại giảng đường, nhân đem nội kết sử và ngoại kết sử mà phân biệt nghĩa lý cho các Tỳ-kheo nghe như vầy: ‘Này Chư Hiền, trên đời quả thật có hai hạng người, người có nội kết sử và người có ngoại kết sử’.

“Xá-lợi-phất, lúc đêm gần tàn, Chư Thiên Đẳng tâm đi đến chỗ Ta, cúi đầu làm lễ rồi đứng sang một bên, bạch rằng:

“– Bạch Thế Tôn, Tôn giả Xá-lợi-phất, đêm qua cùng chúng Tỳ-kheo vân tập tại giảng đường, nhân đem nội kết sử và ngoại kết sử mà phân biệt nghĩa lý cho các Tỳ-kheo nghe như vầy: ‘Này Chư Hiền, trên đời quả thật có hai hạng người: người có nội kết sử và người có ngoại kết sử’. Bạch Thế Tôn, Đại chúng đã hoan hỷ, cúi mong Thế Tôn từ bi thương xót mà đến nơi giảng đường.

“Xá-lợi-phất, Ta im lặng nhận lời Chư Thiên Đẳng tâm. Chư Thiên Đẳng tâm biết Ta đã im lặng nhận lời, cúi đầu đảnh lễ sát chân Ta, nhiễu quanh ba vòng rồi biến mất khỏi chỗ đó.

“Xá-lợi-phất, Chư Thiên Đẳng tâm kia hoặc có mười hay hai mươi vị, hoặc ba mươi hay bốn mươi vị, hoặc năm mươi hay sáu mươi vị, cùng đứng trên đầu mũi dùi vẫn chẳng ngại chướng ngại lẫn nhau. Này Xá-lợi-phất, Chư Thiên Đẳng tâm chẳng phải sanh ra trong cõi ấy, nhưng do tụ tập thiện tâm rất rộng rất lớn cho nên Chư Thiên Đẳng tâm hoặc có mười hay hai mươi vị hoặc ba mưoi hay bốn mươi vị, hoặc năm mươi hay sáu mươi vị, cùng đứng trên đầu mũi dùi vẫn chẳng ngại lẫn nhau. Này Xá-lợi-phất, Chư Thiên Đẳng tâm không phải sanh trong cõi trời này rồi mới bắt đầu tu thiện tâm, với tâm cực kỳ rộng lớn, khiến cho chư thiên Đẳng tâm cùng đứng trên đầu mũi dùi vẫn chẳng ngại lẫn nhau. Này Xá-lợi-phất, Chư Thiên Đẳng tâm trước kia khi còn là loài người đã tu tập thiện tâm rất rộng, rất lớn, do đó nên khiến Chư Thiên Đẳng tâm hoặc có mười hay hai mươi vị, hoặc ba mươi hay bốn mươi vị, hoặc năm mươi hay sáu mươi vị, cùng [449c] đứng trên đầu mũi dùi vẫn chẳng chướng ngại lẫn nhau.

“Do đó, này Xá-lợi-phất, nên học pháp tịch tĩnh, các căn tịch tĩnh, tâm ý tịch tĩnh, ba nghiệp thân, khẩu ý tịch tĩnh, hướng về Đấng Thế Tôn và các đồng phạm hạnh có trí. Này Xá-lợi-phất, các hàng dị học dối trá, luôn luôn suy tổn, vĩnh viễn lầm lạc. Vì sao vậy? Vì không được nghe diệu pháp như thế này”.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

 22. KINH THÀNH TỰU GIỚI

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Nếu Tỳ-kheo thành tựu giới, thành tựu định, thành tựu tuệ thì ngay trong đời hiện tại mà ra vào định tưởng thọ diệt [13]; tất có trường hợp này. Nếu ngay trong đời hiện tại mà không chứng được cứu cánh trí [14], khi thân hoại mạng chung, vượt qua khỏi trời Đoàn thực [15], sanh lên các cõi trời Ý sanh [16], tại các cõi ấy mà ra vào định tướng tri diệt; tất có trường hợp này”.

Lúc đó Tôn giả Ô-đà-di [17] cũng hiện diện trong đại chúng. Tôn giả Ô-đà-di nói rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo sanh lên các cõi trời ý sanh khác, mà ra vào định tưởng tri diệt; hoàn toàn không có trường hợp ấy”. [18]

Tôn giả Xá-lợi-phất ba lần lặp lại, nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Nếu Tỳ-kheo thành tựu giới, thành tựu định, thành tựu tuệ thì ngay trong đời hiện tại mà ra vào định tưởng thọ diệt; tất có trường hợp này. Nếu ngay trong đời hiện tại mà không chứng được cứu cánh trí, khi thân hoại mạng chung, vượt qua khỏi trời Đoàn thực, sanh lên các cõi trời Ý sanh, tại các cõi ấy mà ra vào định tướng tri diệt; tất có trường hợp này”.

Tôn giả Ô-đà-di cũng ba lần lặp lại, thưa rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo sanh lên các cõi trời Ý sanh khác, mà ra vào định tưởng thọ diệt; hoàn toàn không có trường hợp ấy”.

Lúc đó Tôn giả Xá-lợi-phất liền suy nghĩ như thế này: “Thầy Tỳ-kheo này cho đến ba lần bác lời ta nói, và cũng không có vị Tỳ-kheo nào tán thán lời ta nói. Vậy ta hãy đi đến Đức Thế Tôn”.

Rồi Tôn giả Xá-lợi-phất đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên.

Sau khi Tôn giả Xá-lợi-phất ra đi chẳng bao lâu, Tôn giả Ô-đà-di cũng đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên.

Nơi đây, Tôn giả Xá-lợi-phất lại nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Nếu Tỳ-kheo thành tựu giới, thành tựu định, thành tựu [b] tuệ thì ngay trong đời hiện tại mà ra vào định tưởng thọ diệt; tất có trường hợp này. Nếu ngay trong đời hiện tại mà không chứng được cứu cánh trí, khi thân hoại mạng chung, vượt qua khỏi trời Đoàn thực, sanh lên các cõi trời Ý sanh, tại các cõi ấy mà ra vào định tưởng thọ diệt; tất có trường hợp này”.

Tôn giả Ô-đà-di lại thưa rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo sanh lên các cõi trời Ý sanh khác, mà ra vào định tưởng thọ diệt; hoàn toàn không có trường hợp ấy”.

Tôn giả Xá-lợi-phất ba lần lặp lại, nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Nếu Tỳ-kheo thành tựu giới, thành tựu định, thành tựu tuệ thì ngay trong đời hiện tại mà ra vào định tưởng thọ diệt; tất có trường hợp này. Nếu ngay trong đời hiện tại mà không chứng được cứu cánh trí, khi thân hoại mạng chung, vượt qua khỏi trời Đoàn thực, sanh lên các cõi trời Ý sanh, tại các cõi ấy mà ra vào định tướng tri diệt; tất có trường hợp này”.

Tôn giả Ô-đà-di cũng ba lần lặp lại, thưa rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo sanh lên các cõi trời Ý sanh khác, mà ra vào định tưởng thọ diệt; hoàn toàn không có trường hợp ấy”.

Tôn giả Xá-lợi-phất suy nghĩ thế này: “Thầy Tỳ-kheo này ở trưóc Đức Thế Tôn, lặp lại ba lần bác lời ta nói, cũng không có vị Tỳ-kheo nào tán thán lời ta nói; vậy ta nên im lặng”.

Lúc ấy Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ô-đà-di, ngươi cho Ý sanh thiên là sắc chăng?”

Tôn giả Ô-đà-di bạch Đức Thế Tôn rằng:

“Quả thật như vậy, bạch Thế Tôn”. [19]

Đức Thế Tôn liền khiển trách:

“Ngươi là người ngu si mờ tối, không có mắt, bằng vào những gì mà có thể luận bàn về A-tỳ-đàm thâm sâu [20]?”

Bấy giờ Tôn giả Ô-đà-di sau khi bị Thế Tôn quở mắng lòng dạ u sầu, cúi đầu im lặng, không còn lời lẽ để biện luận, như có điều suy nghĩ.

Đức Thế Tôn sau khi quở mắng Tôn giả Ô-đà-di rồi, nói Tôn giả A-nan rằng:

“Khi một Tỳ-kheo trưởng lão là bậc Danh đức Thượng tôn mà bị người khác cật vấn, tại sao ngươi bỏ mặc, không chiếu cố? Ngươi, là người ngu si, không có lòng từ, quay lưng lại với bậc Trưởng lão Thượng tôn Danh đức”.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn sau khi quở mắng Tôn giả Ô-đà-di và Tôn giả A-nan, bèn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Nếu Tỳ-kheo thành tựu giới, thành tựu định, thành tựu tuệ thì ngay trong đời hiện tại mà ra vào định tưởng thọ diệt; tất có trường hợp này. Nếu ngay trong đời hiện tại mà không chứng được cứu cánh trí, khi thân hoại mạng chung, vượt qua khỏi trời Đoàn thực, sanh lên các cõi trời ý sanh, tại các cõi ấy mà ra vào định tưởng thọ diệt; tất có trường hợp này”.

Đức Thế Tôn nói như vậy xong liền vào tịnh thất im lặng tĩnh tọa. [450b] Bấy giờ Tôn giả Bạch Tịnh [21] đang hiện diện trong đại chúng. Tôn giả A-nan thưa với Tôn giả Bạch Tịnh rằng:

“Đó là việc làm của vị khác mà tôi bị quở mắng. Thưa Tôn giả Bạch Tịnh, vào xế chiều Thế Tôn rời khỏi tịnh thất mà đến trước chúng Tỳ-kheo, trải tòa ngồi, để cùng thảo luận vấn đề này. Tôn giả Bạch Tịnh, ngài nên trả lời việc này. Tôi rất thẹn với Đức Thế Tôn và các đồng phạm hạnh”.

Bấy giờ vào lúc xế chiều, Đức Thế Tôn từ thiền thất đi ra, đến trước chúng Tỳ-kheo, trải chỗ mà ngồi, rồi Ngài bảo rằng:

“Này Bạch Tịnh, Tỳ-kheo Trưởng lão có mấy pháp để được các đồng phạm hạnh kính mến, tôn trọng?”

Tôn giả Bạch Tịnh thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Trưởng lão nếu có năm pháp sẽ được các đồng phạm hạnh khác tôn trọng, kính mến.

“Những gì là năm?

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Trưởng lão tu tập các giới cấm, thủ hộ biệt giải thoát luật nghi, lại còn khéo thâu nhiếp các oai nghi lễ tiết, thấy những tội lỗi nhỏ nhặt cũng thường sanh tâm lo sợ, thọ trì học giới. Bạch Thế Tôn, vị Tỳ-kheo Trưởng lão Thượng tôn có cấm giới ấy sẽ được các đồng phạm hạnh kính mến tôn trọng.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Trưởng lão học rộng, nghe nhiều, ghi nhớ không quên, tích lũy kiến thức rộng rãi; những pháp nào mà khoảng đầu hoàn hảo, khoảng giữa hoàn hảo, khoảng cuối cùng hoàn hảo, có nghĩa lý, có văn từ, hiển hiện phạm hạnh, thanh tịnh trọn đủ, vị ấy học rộng nghe nhiều các pháp như vậy, học tập nhuần nhuyễn cả ngàn lần, tâm ý tư duy quán sát, thấy rõ ràng và hiểu thấu sâu xa. Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo trưởng lão thượng tôn đa văn ấy sẽ được các đồng phạm hạnh kính mến tôn trọng.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Trưởng lão Thượng tôn có bốn tăng thượng tâm [22], sống an lạc trong đời hiện tại [23], dễ được chớ không khó. Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Trưởng lão Thượng tôn có thiền tư ấy sẽ được các đồng phạm hạnh kính mến tôn trọng.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Trưởng lão tu hành trí tuệ, quán sát sự hưng khởi và suy tàn của các pháp, chứng đắc như thật trí [24], được sự sáng suốt của Thánh tuệ, phân biệt rõ ràng, [25] chân chánh dứt hết khổ. Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Trưởng lão Thượng tôn có trí tuệ sẽ được các đồng phạm hạnh kính mến tôn trọng.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Trưởng lão đã dứt sạch các lậu, không còn kết sử, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời hiện tại tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trụ, ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo trưởng lão thượng tôn đã lậu tận ấy sẽ đưọc các đồng phạm hạnh kính mến tôn trọng”.

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Bạch Tịnh, nếu vị Tỳ-kheo Trưởng lão Thượng tôn [450c] không có năm pháp này, thì do nghĩa nào để cho các đồng phạm hạnh kính mến tôn trọng?”

Tôn giả Bạch Tịnh thưa:

“Bạch Thế Tôn, nếu vị Tỳ-kheo trưởng lão thượng tôn không có pháp này, thì thật không còn điều nào khác hơn để cho các đồng phạm hạnh kính mến tôn trọng. Chỉ còn lấy sự già nua, tóc bạc, răng rụng, sức khỏe ngày càng suy tàn, thân còm chân vẹo, cơ thể nặng nề, hơi thở đưa lên, chống gậy mà đi, thịt teo, da nhăn, xù xì như cây gai, các căn rời rụng, nhan sắc xấu xí. Vị ấy nhân những điều này được các đồng phạm hạnh kính mến, tôn trọng”.

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Quả thật như vậy, quả thật như vậy, nếu Tỳ-kheo Trưởng lão Thượng tôn mà không có năm pháp này, thì thật không còn điều kiện nào khác hơn để cho các đồng phạm hạnh kính mến tôn trọng. Chỉ còn lấy sự già nua, tóc bạc, răng rụng, sức khỏe ngày càng suy tàn, thân còm chân vẹo, cơ thể nặng nề, hơi thở đưa lên, chống gậy mà đi, thịt teo, da nhăn, xù xì như cây gai, các căn rời rụng, nhan sắc xấu xí. Vị ấy nhân những điều này được các đồng phạm hạnh kính mến, tôn trọng.

“Này Bạch Tịnh, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất có đủ năm pháp này, các ngươi phải kính mến tôn trọng. Vì sao thế?

“Này Bạch Tịnh, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất tu tập các giới cấm, thủ hộ biệt giải thoát luật nghi, lại còn khéo thâu nhiếp các oai nghi lễ tiết, thấy những tội lỗi nhỏ nhặt cũng thường sanh tâm lo sợ, thọ trì học giới.

“Lại nữa, này Bạch Tịnh, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất học rộng, nghe nhiều, ghi nhớ không quên, tích lũy kiến thức rộng rãi; những pháp nào mà khoảng đầu hoàn hảo, khoảng giữa hoàn hảo, khoảng cuối cùng hoàn hảo, có nghĩa lý, có văn từ, hiển hiện phạm hạnh, thanh tịnh trọn đủ; học rộng nghe nhiều các pháp như vậy, học tập nhuần nhuyễn cả ngàn lần, tâm ý tư duy quán sát, thấy rõ ràng và hiểu thấu sâu xa.

“Lại nữa, này Bạch Tịnh, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất có bốn tăng thượng tâm, sống an lạc trong đời hiện tại, dễ được chớ không khó.

“Lại nữa, này Bạch Tịnh, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất tu hành trí tuệ, quán sát sự hưng khởi và suy tàn của các pháp, chứng đắc như thật trí, được sự sáng suốt của Thánh tuệ, phân biệt rõ ràng, chân chánh dứt hết khổ.

“Lại nữa, này Bạch Tịnh, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất đã dứt sạch các lậu, không còn kết sử, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời hiện tại tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trụ, ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Này Bạch Tịnh, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất thành tựu năm pháp này, các ngươi nên kính mến tôn trọng”.

Đức Phật thuyết như vậy. Tôn giả Bạch Tịnh và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

23. KINH TRÍ

 [451a] Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Tỳ-kheo Mâu-lợi-phá-quần-nậu [26] xả giới, bỏ đạo. Tỳ-kheo Hắc Xỉ [27] nghe Tỳ-kheo Mâu-lợi-phá-quần-nậu, xả giới, bỏ đạo, liền đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cúi đầu lạy dưới chân rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xong, thưa rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, ngài nên biết Tỳ-kheo Mâu-lợi-phá-quần-nậu, xả giới, bỏ đạo”.

Tôn giả Xá-lợi-phất nói rằng:

“Tỳ-kheo Mâu-lợi-phá-quần-nậu có vui thích ở trong giáo pháp không?”

Tôn giả Hắc Xỉ hỏi lại rằng:

“Tôn giả Xá-lợi-phất có vui thích ở trong giáo pháp nàykhông?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời rằng:

“Này Hắc Xỉ, tôi không hề có sự nghi hoặc đối với giáo pháp này”.

Tỳ-kheo Hắc Xỉ lại hỏi rằng:

“Tôn giả Xá-lợi-phất đối với những việc trong tương lai thì như thế nào?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời rằng:

“Tôi đối với những việc trong tương lai thì cũng không có gì do dự”.

Tỳ-kheo Hắc Xỉ nghe vậy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ Phật cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi xuống một bên, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tôn giả Xá-lợi-phất vừa rồi tự tuyên bố là chứng đắc trí [28], biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa.’”

Đức Thế Tôn nghe xong bảo một vị Tỳ-kheo:

“Ngươi hãy đến chỗ Xá-lợi-phất nói rằng ‘Đức Thế Tôn muốn gọi Thầy.’”

 Tỳ-kheo ấy vâng lời Phật dạy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy lạy Phật rồi đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất thưa rằng:

“Đức Thế Tôn gọi Tôn giả Xá-lợi-phất”.

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi liền đi đến trước Phật, cúi đầu lễ rồi ngồi xuống một bên. Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Xá-lợi-phất, có thật vừa rồi thầy tự tuyên bố là chứng đắc trí, biết như thật, rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’ chăng?”

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, không phải với lời văn ấy, không phải đi với câu ấy mà con nói về nghĩa ấy”.

Đức Thế Tôn bảo:

“Này Xá-lợi-phất, một thiện nam tử tùy phương tiện [29] mà tuyên thuyết, hễ có chứng đắc trí, thì tuyên bố chứng đắc trí”.

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con vừa nói không phải với lời ấy, không phải với câu ấy mà con nói về nghĩa ấy”.

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này Xá-lợi-phất nếu có đồng phạm hạnh nào đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, biết thế nào, thấy thế nào, để có thể tự tuyên bố là chứng đắc trí, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn [451b] tái sanh nữa?’ Này Xá-lợi-phất nghe như vậy thầy sẽ trả lời sao?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu có đồng phạm hạnh đến hỏi con rằng: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, biết thế nào, thấy thế nào, để có thể tự tuyên bố là chứng đắc trí, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa?’ Bạch Thế Tôn, nếu có đồng phạm hạnh đến hỏi con như vậy, con sẽ trả lời như vầy: ‘Chư Hiền, sanh có nhân. Nhân của sự sanh ấy diệt tận, thì biết nhân của sự sanh diệt tận; tôi tự tuyên bố là chứng đắc trí, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa?’ Bạch Thế Tôn nếu có đồng phạm hạnh đến hỏi con như vậy, con sẽ trả lời như thế”.

Đức Thế Tôn khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi như thế, thầy nên trả lời như vậy. Vì sao thế? Vì nói như thế nên biết đó là nghĩa”.

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Xá-lợi-phất, nếu có đồng phạm hạnh đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, sự sanh [30] do nhân gì, duyên gì, sanh gì, căn bản gì [31]?” Thầy nghe những câu hỏi đó, trả lời như thế nào?”

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:

“Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi con rằng: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, sự sanh từ nhân gì, từ nhân gì, duyên gì, sanh gì, căn bản gì?” Con nghe như vậy sẽ trả lời rằng: ‘Này Chư Hiền, sự sanh từ nhân là hữu, từ duyên là hữu, từ sanh là hữu, từ căn bản là hữu’. Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi con như thế, con sẽ trả lời như vậy”.

Đức Thế Tôn khen:

“Hay thay! Hay thay! Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy như thế, thầy nên trả lời như thế. Vì sao thế? Vì nói như vậy nên biết đó là nghĩa”.

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, hữu từ nhân gì, duyên gì, sanh gì, căn bản gì?’ Thầy nghe những lời ấy sẽ trả lời thế nào?”

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi con rằng ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, hữu từ nhân gì, duyên gì, sanh gì, căn bản gì?’ Bạch Thế Tôn con nghe như vậy, con sẽ trả lời thế này: ‘Này Chư Hiền, hữu từ nhân là thủ, [32] duyên là thủ, sanh gì, căn bản là thủ.’ Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi con như thế, con sẽ trả lời như vậy.”

Đức Thế Tôn khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy như thế, thầy nên trả lời như thế. Vì sao thế? [451c] Vì nói như vậy nên biết đó là nghĩa”.

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, thủ từ nhân gì, duyên gì, sanh gì, căn bản gì?’ Thầy nghe những lời ấy sẽ trả lời thế nào?”

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi con rằng ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, thủ từ nhân gì, duyên gì, sanh gì, căn bản gì?” Bạch Thế Tôn, con nghe như vậy, con sẽ trả lời thế này: ‘Này Chư Hiền, thủ từ nhân là ái, duyên là ái, sanh là ái, căn bản là ái’. Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi con như thế, con sẽ trả lời như vậy”.

Đức Thế Tôn khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy như thế, thầy nên trả lời như thế. Vì sao thế? Vì nói như vậy nên biết đó là nghĩa”.

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, thế nào là ái?’ [33] Thầy nghe những lời ấy sẽ trả lời thế nào?”

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi con rằng ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, thế nào là ái?” Bạch Thế Tôn, con nghe như vậy, con sẽ trả lời thế này: ‘Này Chư Hiền, có ba cảm thọ [34]: cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ không lạc không khổ. Ở trong đó mà ham muốn, đắm trước, đó gọi là ái’. Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi con như thế, con sẽ trả lời như vậy”.

Đức Thế Tôn khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy như thế, thầy nên trả lời như thế. Vì sao thế? Vì nói như vậy nên biết đó là nghĩa”.

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, biết thế nào, thấy thế nào để đối với ba thọ không ham muốn, đắm trước?” Thầy nghe vậy rồi trả lời thế nào?”

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi rằng: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, biết thế nào, thấy thế nào để đối với ba thọ không ham muốn, đắm trước?’ Nghe vậy rồi, con sẽ trả lời rằng: ‘Này Chư Hiền, ba thọ này là pháp vô thường pháp khổ, pháp diệt. Pháp vô thường tức là khổ; thấy khổ rồi liền không còn ham muốn, đắm trước đối với ba thọ’. Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi như thế, con sẽ trả lời như vậy”.

Đức Thế Tôn khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy như thế, thầy nên trả lời như thế. Vì sao thế? [452a] Vì nói như vậy nên biết đó là nghĩa”.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này Xá-lợi-phất, lời nói này còn có ý nghĩa nữa để lời nói ấy có thể trả lời vắn tắt. Này Xá-lợi-phất, những gì được cảm thọ, những gì được tạo tác, thảy đều là khổ [35]. Này Xá-lợi-phất, đó gọi là còn một ý nghĩa nữa để lời nói ấy có thể được trả lời vắn tắt”.

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, bội xả [36] thế nào để tự tuyên bố là chứng đắc trí, biết như thật, rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa?’”

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa rằng: “Bạch Thế Tôn, nếu có đồng phạm hạnh đến hỏi con thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, bội xả thế nào để  tự tuyên bố là chứng đắc trí, biết như thật, rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa?’ Con nghe như vậy sẽ trả lời thế này: ‘Này Chư Hiền, tôi do bội xả bên trong [37] mà diệt tận các ái [38], không kinh hãi, không sợ sệt, không nghi, không hoặc, thực hành sự thủ hộ như vậy. Thủ hộ như thế rồi không sanh ra lậu bất thiện [39]’. Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh hỏi con như thế, con sẽ trả lời như vậy.”

Đức Thế Tôn khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy như thế, thầy nên trả lời như thế. Vì sao thế? Vì nói như vậy nên biết đó là nghĩa”.

Đức Phật bảo rằng:

“Này Xá-lợi-phất, lời nói này còn có ý nghĩa nữa để lời nói ấy có thể trả lời vắn tắt. ‘Đối với những kết sử mà Sa-môn nói đến [40], những kết sử ấy không tồn tại nơi ta, thực hành sự thủ hộ như vậy; thủ hộ như thế rồi không còn sanh ra lậu bất thiện nữa’. Này Xá-lợi-phất, đó gọi là còn có ý nghĩa nữa để lời nói ấy có thể trả lời vắn tắt”.

Đức Thế Tôn nói như vậy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh thất tĩnh tọa. Sau khi Đức Thế Tôn đi vào tịnh thất chẳng bao lâu, Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Này Chư Hiền, thoạt tiên tôi chưa kịp gợi ý mà Đức Thế Tôn lại hỏi ý nghĩa đó, tôi đã nghĩ rằng sợ không trả lời được. Này Chư Hiền, khi tôi nói ra ý nghĩa thứ nhất liền được Đức Thế Tôn tán thán, tôi lại nghĩ thế này: ‘Nếu Đức Thế Tôn trong một ngày một đêm, với những lời khác với những câu khác, mà hỏi tôi về nghĩa này, thì tôi vẫn có thể trong một ngày một đêm, với những lời khác, câu khác mà trả lời Đức Thế Tôn về nghĩa ấy. Nếu Đức Thế Tôn trong hai, ba, bốn ngày cho đến bảy ngày bảy đêm với những lời khác câu khác mà hỏi tôi về nghĩa này, thì tôi vẫn có thể trong hai, ba, bốn cho đến bảy ngày bảy đêm với những lời khác, câu khác mà trả lời Đức Thế Tôn về [452b] nghĩa ấy’.”

Tỳ-kheo Hắc Xỉ nghe Tôn giả Xá-lợi-phất nói những lời ấy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vội đến chỗ Phật bạch rằng:

“Sau khi Thế Tôn vào tịnh thất chẳng bao lâu, Tôn giả Xá-lợi-phất nói rất to chẳng thua gì tiếng rống của sư tử, rằng: ‘Này Chư Hiền, thoạt tiên tôi chưa kịp gợi ý mà Đức Thế Tôn lại hỏi ý nghĩa đó, tôi đã nghĩ rằng sợ không trả lời được. Này Chư Hiền, khi tôi nói ra ý nghĩa thứ nhất liền được Đức Thế Tôn tán thán, tôi lại nghĩ thế này: Nếu Đức Thế Tôn trong một ngày một đêm, với những lời khác với những câu khác, mà hỏi tôi về nghĩa này, thì tôi vẫn có thể trong một ngày một đêm, với những lời khác, câu khác mà trả lời Đức Thế Tôn về nghĩa ấy. Nếu Đức Thế Tôn trong hai, ba, bốn ngày cho đến bảy ngày bảy đêm với những lời khác câu khác mà hỏi tôi về nghĩa này, thì tôi vẫn có thể trong hai, ba, bốn cho đến bảy ngày bảy đêm với những lời khác, câu khác mà trả lời Đức Thế Tôn về nghĩa ấy’.”

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này Hắc Xỉ, thật như vậy! Thật như vậy! Nếu Ta trong một ngày một đêm, với những lời khác với những câu khác, mà hỏi Tỳ-kheo Xá-lợi-phất về nghĩa này, thì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất vẫn có thể trong một ngày một đêm, với những lời khác, câu khác mà trả lời Ta về nghĩa ấy. Này Hắc Xỉ, nếu Ta trong hai, ba, bốn ngày cho đến bảy ngày bảy đêm với những lời khác câu khác mà hỏi Tỳ-kheo Xá-lợi-phất về nghĩa này, thì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất vẫn có thể trong hai, ba, bốn cho đến bảy ngày bảy đêm với những lời khác, câu khác mà trả lời Ta về nghĩa ấy. Vì sao thế? Này Hắc Xỉ, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất đã thấu đạt sâu xa về pháp giới [41] vậy”.

Phật thuyết như vậy, Tôn giả Xá-lợi-phất và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

24. KINH SƯ TỬ HỐNG

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Thế Tôn cùng với đại chúng Tỳ-kheo an cư mùa mưa tại nước Xá-vệ. Tôn giả Xá-lợi-phất cũng an cư mùa mưa tại nước Xá-vệ. Lúc ấy Tôn giả Xá-lợi-phất an cư mùa mưa tại nước Xá-vệ xong, đã trải qua ba tháng, sau khi vá sửa các y rồi, liền xếp y ôm bát đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, lui qua một bên rồi thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, con an cư mùa mưa ở nước Xá-vệ vừa xong. Bạch Thế Tôn, bây giờ con muốn trú trong nhân gian”.

Đức Phật [452c] nói rằng:

“Này Xá-lợi-phất, ngươi hãy đi đến nơi nào theo ý muốn. Những người nào chưa được hóa độ hãy khiến cho được hóa độ. Những người nào chưa được giải thoát hãy khiến cho họ được giải thoát. Những người nào chưa chứng Niết-bàn hãy cho chứng đắc Niết-bàn. Này Xá-lợi-phất, ngươi hãy đi đến nơi nào theo ý muốn”.

Rồi thì, Tôn giả Xá-lợi-phất sau khi nghe những lời Phật nói, ghi nhớ kỹ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, đi quanh ba vòng, rồi lui ra, trở về phòng riêng, dọn dẹp giường ghế, xếp y, ôm bát, ra đi trú trong nhân gian.

Sau khi Tôn giả Xá-lợi-phất ra đi chẳng bao lâu, có một đồng phạm hạnh ở trước Đức Phật phạm vào pháp tương vi [42], vị ấy bạch Thế Tôn:

“Hôm nay Tôn giả Xá-lợi-phất sau khi khinh mạn con rồi đi trú trong nhân gian”.

Đức Thế Tôn nghe rồi, bảo một vị Tỳ-kheo rằng:

‘Ngươi hãy tìm đến chỗ Xá-lợi-phất, bảo với Xá-lợi-phất rằng: ‘Đức Thế Tôn gọi thầy rằng, sau khi thầy đi không bao lâu có một đồng phạm hạnh ở trước Ta phạm pháp tương vi, nói thế này: Bạch Thế Tôn, hôm nay Tôn giả Xá-lợi-phất sau khi khinh mạn con, rồi đi trú trong nhân gian.’”

Thế Tôn nghe xong, liền bảo một Tỳ-kheo:

“Ngươi hãy đi đến Xá-lợi-phất nói rằng Thế Tôn cho gọi Thầy.”

Vị Tỳ-kheo kia vâng lời Đức Phật dậy, rời chỗ ngồi đứùng dậy, đảnh lễ Đức Phật rồi ra đi. Bấy giờ Tôn giả A-nan đứng sau Đức Thế Tôn, đang cầm quạt hầu Đức Phật.

Sau khi vị Tỳ-kheo kia đi chẳng bao lâu, Tôn giả A-nan liền cầm chìa khóa cửa, đi đến khắp các phòng, gặp các vị Tỳ-kheo nào cũng nói như thế này:

“Lành thay, Chư Tôn, hãy kíp đến giảng đường. Vì hôm nay Tôn giả Xá-lợi-phất sẽ đứng trước Đức Phật mà rống tiếng sư tử. Những gì mà Tôn giả Xá-lợi-phất nói ra đều sâu xa, tịch tĩnh ở trong tịch tĩnh, vi diệu ở trong vi diệu. Những lời như vậy sau khi các vị và tôi nghe được rồi, nên khéo tụng tập, nên khéo ghi nhớ”.

Các Tỳ-kheo nghe Tôn giả A-nan nói như vậy, tất cả đều đến giảng đường.

Bấy giờ vị Tỳ-kheo kia đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất thưa rằng:

“Đức Thế Tôn gọi Thầy, bảo rằng, sau khi Thầy đi không bao lâu có một đồng phạm hạnh ở trước Đức Thế Tôn, phạm pháp tương vi, nói thế này: ‘Bạch Thế Tôn, hôm nay Tôn giả Xá-lợi-phất sau khi khinh mạn con, rồi đi trú trong nhân gian.’”

Tôn giả Xá-lợi-phất sau khi nghe như vậy, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi lui sang mọât bên. Đức Phật liền bảo rằng:

“Này Xá-lợi-phất, sau khi ngươi đi không bao lâu, có một đồng phạm hạnh ở trước Ta, phạm pháp tương vi, nói thế này: ‘Bạch Thế Tôn hôm nay Tôn giả Xá-lợi-phất sau khi khinh mạn con, rồi đi trú trong nhân gian.’ Này Xá-lợi-phất, có thật sau khi khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi ngươi đi trú trong nhân gian chăng?”

 [453a] Tôn giả Xá-lợi-phất bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu người nào không có niệm thân trên thân [43] thì người ấy mới khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian?

“Bạch Thế Tôn, như một con trâu gãy sừng [44], rất nhường nhịn, hiền lành, dễ sai khiến, dễ chế ngự. Nó từ thôn này đi đến thôn khác, từ xóm này đi đến xóm khác; những nơi nó đi qua, không có gì bị xâm phạm. Bạch Thế Tôn, con cũng vậy. Tâm con như con trâu gãy sừng, không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, làm sao con lại khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian?

“Bạch Thế Tôn, như con của một người Chiên-đà-la [45] bị chặt hai tay, tâm ý rất thấp hèn. Nó từ thôn này đi đến thôn khác, từ xóm này đi đến xóm khác, những nơi nó đi ngang qua không có gì bị xâm phạm. Bạch Thế Tôn con cũng như thế. Tâm con như con của mọât người Chiên-đà-la bị chặt hai tay, không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, làm sao con lại khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian?

“Bạch Thế Tôn, cũng như mặt đất dung nạp tất cả đồ sạch, đồ bẩn, đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng. Đất không phải vì thế mà khởi sự thương ghét, không lấy làm sỉ nhục, xấu xa, không hổ, cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn, con cũng như vậy. Tâm con như mặt đất kia, không ghét, không oán, cũng không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, làm sao con lại khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian?

“Bạch Thế Tôn, cũng như dòng nước rửa sạch tất cả các đồ sạch, đồ bẩn, đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng. Nước ấy không vì thế mà có sự yêu ghét, không lấy làm sỉ nhục, xấu xa, không hổ, cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn, con cũng như vậy. Tâm con như nước kia, không ghét, không oán, cũng không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có [453b] niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, làm sao con lại khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian?

“Bạch Thế Tôn, cũng như ngọn lửa đốt cháy tất cả các đồ sạch, đồ bẩn, đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng. Lửa không vì thế mà có sự yêu ghét, không lấy làm sỉ nhục, xấu xa, không hổ, cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn, con cũng như vậy. Tâm con như lửa kia, không ghét, không oán, cũng không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, làm sao con lại khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian?

“Bạch Thế Tôn, cũng như ngọn gió thổi bay đi đồ sạch đồ bẩn, đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng. Gió cũng không vì thế mà có sự yêu ghét, không lấy làm sỉ nhục, xấu xa, không hổ, cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn, con cũng như vậy. Tâm con như gió kia, không ghét, không oán, cũng không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, làm sao con lại khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian?

“Bạch Thế Tôn, cũng như cây chổi quét sạch đồ bẩn, đồ sạch, đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng. Chổi vẫn không vì thế mà có sự yêu ghét, không lấy làm sỉ nhục, xấu xa, không hổ, cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn, con cũng như vậy. Tâm con như cây chổi kia, không ghét, không oán, cũng không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, làm sao con lại khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian?

“Bạch Thế Tôn, cũng như cái giẻ lau [46], chùi lau tất cả các đồ bẩn đồ sạch, đại tiện tiểu tiện, nước mũi nước miếng, cái giẻ lau cũng không vì thế mà có sự yêu ghét, không lấy làm sỉ nhục, xấu xa, không hổ, cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn, con cũng như vậy. Tâm con như cái gỉ lau kia, không ghét, không oán, cũng không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, [453c] làm sao con lại khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian?

“Bạch Thế Tôn, cũng như cái bình đựng dầu mỡ [47] nứt nẻ nhiều chỗ. Người ta đựng đầy mỡ rồi để nó dưới ánh mặt trời. Nó chảy rỉ khắp, thắm ướt tất cả. Nếu người có mắt đứng bất cứ nơi nào, sẽ thấy bình mỡ ấy, nứt nẻ nhiều chỗ, đựng đầy mỡ rồi được để dưới ánh mặt trời, chảy rỉ khắp, thắm ướt tất cả. Bạch Thế Tôn, con cũng như thế. Con thường quán sát thân này có chín lỗ, đồ bất tịnh chảy rỉ khắp, thấm ướt khắp. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, làm sao con lại khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian?

“Bạch Thế Tôn, cũng như một người ưa thích tuổi thiếu niên của mình, tắm gội sạch sẽ, xông thân thể bằng hương thoa, mặc áo trắng, đeo vòng ngọc để trang sức; cạo râu, sửa tóc, đầu đội tràng hoa. Bấy giờ nếu đem ba xác chết mà quấn quanh nơi cổ họng; xác rắn chết, xác người chết, xác chó chết, máu ứ bầm xanh, sình trướng to lên, rất thối tha, rửa nát, nước nhớp chảy tràn. Người ấy sẽ ôm lòng hổ thẹn, rất ghét đồ bẩn uế đó. Bạch Thế Tôn, con cũng như thế; con luôn luôn quán sát những chỗ thối tha không sạch sẽ trong thân này, trong tâm hằng hổ thẹn, rất ghét vật  cấu uế đó. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, làm sao con lại khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian?”

Lúc bấy giờ vị Tỳ-kheo kia liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ sát chân Phật bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con xin sám hối. Bạch Thiện Thệ, con xin sám hối. Con như ngu, như si, như người bất định, như người bất thiện. Vì sao thế? Vì con đã đem lời dối trá để vu khống Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, là đồng phạm hạnh thanh tịnh. Bạch Thế Tôn, con nay xin sám hối tội lỗi, cúi mong Thế Tôn chấp nhận cho. Sau khi con đã phát lồ rồi, sẽ không còn tạo tội nữa”.

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Quả thật vậy, này Tỳ-kheo! Ngươi thật như ngu, như si, như người bất định, như người bất thiện. Vì sao thế? Vì ngươi đã đem lời dối trá hoàn toàn không chân thật để vu khống Tỳ-kheo Xá-lợi-phất phạm hạnh thanh tịnh. Ngươi có thể sám hối tội lỗi, đã phát lồ rồi sau này sẽ không còn tạo tội nữa. Nếu có người nào sám hối tội lỗi đã phát lồ rồi, sau này không còn tạo tội nữa, như thế sẽ được trưởng thành trong Thánh pháp luật mà chẳng bị suy giảm”.

Thế rồi Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Xá-lợi-phất rằng:

“Ngươi nên sẵn sàng nhận sự sám hối tội lỗi của người ngu si kia, chớ để Tỳ-kheo ấy lập tức ở trước ngươi mà đầu bị vỡ thành bảy mảnh”.

Tôn giả Xá-lợi-phất vì thương xót Tỳ-kheo kia nên liền nhận sự sám hối tội lỗi.

Đức Phật thuyết như vậy. [454a] Tôn giả Xá-lợi-phất và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

25. KINH THỦY DỤ (2)

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Này Chư Hiền, hôm nay tôi sẽ nói năm pháp trừ não [48] cho các vị. Hãy lắng nghe, hãy khéo suy nghĩ!”

Các vị Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.

Tôn giả Xá-lợi-phất nói rằng:

(i) “Những gì là năm? Này Chư Hiền, hoặc có một người thân hành không thanh tịnh, nhưng khẩu hành thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ [49].

“Lại nữa, này Chư Hiền, hoặc một người hoặc khẩu hành không thanh tịnh nhưng thân hành thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ.

“Lại nữa, này Chư Hiền, hoặc một người thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh, nhưng tâm có chút thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ.

“Lại nữa, này Chư Hiền, hoặc một người thân hành không thanh tịnh, khẩu và ý hành không thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ.

“Lại nữa, này Chư Hiền, hoặc một người thân hành thanh tịnh, khẩu và ý hành thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ.

(ii.1) “Này Chư Hiền, hoặc có một người thân hành không thanh tịnh, nhưng khẩu hành thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ như thế nào? [50] Này Chư Hiền, cũng như Tỳ-kheo A-lan-nhã [51] thọ trì y áo phấn tảo [52], thấy vải xấu vất trong đống rác, bẩn dáy hoặc vì bị đại tiện; hoặc tiểu tiện, nước mũi, nước miếng và các đồ bất tịnh khác thấm bẩn. Thấy rồi, tay trái cầm lên; tay phải căng rộng ra; nếu chẳng phải bị đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng và các đồ bất tịnh khác thấm bẩn, lại không có rách lủng, liền xếp cất lấy. Cũng vậy, này Chư Hiền, đối với một người thân hành không thanh tịnh, nhưng khẩu hành thanh tịnh, chớ nghĩ thân hành không thanh tịnh,  mà chỉ nghĩ đến khẩu hành thanh tịnh của người ấy. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ như vậy.

“Này Chư Hiền, hoặc một người hoặc khẩu hành không thanh tịnh nhưng thân hành thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận; nên trừ bỏ như thế nào? Này Chư Hiền, cũng như cách thôn xóm không xa, có hồ nước rất sâu, rêu cỏ che lấp. Có người đi đến, rất nóng bức, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi, bị gió nóng bức bách. [454b] Người ấy đến nơi hồ, cởi áo để trên bờ, rồi nhảy xuống hồ, hai tay khoát rêu ra, khoan khoái mặc tình tắm rửa, trừ bỏ nóng bức, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi. Cũng vậy, này Chư Hiền, đối với một người khẩu không tịnh hạnh, nhưng thân hành tịnh hạnh, chớ nghĩ về khẩu hành không thanh tịnh mà hãy nghĩ về thân hành thanh tịnh của người ấy. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận; nên đoạn trừ như vậy.

“Này Chư Hiền, hoặc một người thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh, nhưng tâm có chút thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ như thế nào? Này Chư Hiền, như trên con đường ngã tư có nước trong dấu chân trâu. Có một người đi đến, trong lúc đang quá nóng bức, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi, gió nóng bức bách. Người ấy nghĩ thế này: ‘Mặc dù nước trong lổ chân trâu ở ngã tư đường này ít, nếu ta dùng tay hoặc lá cây múc lấy, thì sẽ quậy thành đục ngầu, không thể trừ bỏ sự nóng bức vô cùng, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi, cho ta. Ta hãy nên quỳ xuống, tay và đầu gối áp sát mặt đất, dùng miệng uống nước’. Người ấy liền quỳ dài xuống, tay và đầu gối áp sát mặt đất, dùng miệng uống nước. Người ấy liền trừ được sự nóng bức vô cùng, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi. Cũng vậy, này Chư Hiền, đối với người thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh, nhưng tâm có chút thanh tịnh, chớ nên nghĩ đến thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh, mà chỉ nên nghĩ đến tâm có chút thanh tịnh của người ấy. Này Chư Hiền, nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận; nên đoạn trừ như vậy.

“Này Chư Hiền, hoặc một người thân hành không thanh tịnh, khẩu và ý hành không thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ như thế nào? Này Chư Hiền, cũng như có người đi xa trên con đường dài; nửa đường mắc bệnh rất là khốn đốn, héo hắt, cô độc, không bạn bè; thôn xóm phía sau càng lúc càng xa mà thôn xóm phía trước lại chưa đến. Nếu có người đi đến, đứng bên cạnh, thấy người bộ hành này đi xa trên con đường dài, nửa đường mắc bệnh rất là khốn đốn, héo hắt, cô độc, không bạn bè, thôn xóm phía sau càng lúc càng xa mà thôn xóm phía trước thì chưa đến. Người kia nếu được người chăm sóc, từ giữa cánh đồng xa xôi dắt đến thôn ấp, cho uống thang thuốc hay, bồi dưỡng bằng đồ ngon mỹ diệu, được chăm sóc kỹ lưỡng; như vậy người ấy chắc chắn được lành bớt. Đó là người kia có lòng thương xót, có từ niệm đối với người bệnh này. Cũng vậy, này Chư Hiền, hoặc một người thân hành không thanh tịnh, khẩu và ý hành không thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, nên nghĩ thế này: ‘Vị này thân hành không thanh tịnh, khẩu và ý hành không thanh tịnh, đừng để cho vị này do bởi thân hành không thanh tịnh, khẩu và ý hành không thanh tịnh, mà khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Nếu vị này gặp thiện tri thức, [454c] sẽ bỏ thân hành không thanh tịnh để tu thân hành thanh tịnh; trừ bỏ khẩu và ý hành không thanh tịnh để tu khẩu và ý hành thanh tịnh. Do vậy, vị này sẽ do thân hành thanh tịnh, khẩu và ý hành thanh tịnh mà khi thân hoại mạng chung chắc chắn sanh đến thiện xứ, cho đến sanh thiên giới’. Đó là vị kia có lòng thương xót, có từ niệm đối với vị này. Nếu người có trí mà sanh lòng hờn giận, nên đoạn trừ như vậy.

“Này Chư Hiền, hoặc có một người thân hành thanh tịnh, khẩu và ý hành thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ như thế nào? Này Chư Hiền, cũng như ngoài thôn xóm không xa, có hồ nước tốt, đã trong lại ngọt, đáy sâu bằng phẳng, đầy đặn, cỏ biếc ngập bờ, bốn phía có cây cỏ. Nếu có người đến, rất nóng bức, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi, gió nóng bức bách. Người kia đến bờ rồi, cởi áo để trên bờ, nhảy xuống hồ, khoan khoái mặc tình tắm rửa, trừ bỏ sự nóng bức, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi. Cũng vậy, này Chư Hiền, hoặc có một người thân hành thanh tịnh, khẩu và ý hành thanh tịnh, hãy thường nên nghĩ đến thân hành thanh tịnh, khẩu và ý hành thanh tịnh của người đó. Nếu người có trí thấy mà sanh hờn giận, nên trừ bỏ như vậy.

“Này Chư Hiền, năm pháp trừ não mà tôi vừa nói, chính do vậy mà được nói”.

Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả thuyết, hoan hỷ phụng hành. [53]

26. KINH CÙ-NI-SƯ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại thành Vương Xá, trong rừng Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đa.

Bấy giờ Tỳ-kheo Cù-ni-sư [54] cũng trú tại thành Vương xá, là người sống trong rừng [55], cười đùa kiêu ngạo, tháo động, không chánh niệm như khỉ vượn [56]. Tỳ-kheo Cù-ni-sư vì có chút việc nên đến thành Vương Xá.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất [455a] cùng với chúng Tỳ-kheo sau giờ ăn trưa, vì có chút việc nên vân tập tại giảng đường. Tỳ-kheo Cù-ni-sư sau khi đã làm xong việc trong thành Vương Xá, đi đến giảng đường. Tôn giả Xá-lợi-phất từ đằng xa trong thấy Cù-ni-sư đi đến. Nhân Cù-ni-sư mà bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Này Chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự [57], sống ở nơi vô sự, phải học sự kính trọng và biết tùy thuận quán sát [58]. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà phần nhiều không kính trọng, không biết tùy thuận quán sát, vị ấy sẽ bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự nhưng phần nhiều lại không biết kính trọng, không biết tùy thuận quán sát’. Nếu đến ở trong đại chúng, vị ấy cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học kính trọng và biết tùy thuận quán.

“Này Chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học hạnh không cười giỡn, không tháo động [59]. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà hay cười giỡn, tháo động, thì sẽ bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự nhưng hay cười giỡn, tháo động’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học hạnh không cười giỡn, không tháo động.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học hạnh không nói những đề tài súc sanh [60]. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà hay nói những vấn đề súc sanh, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự nhưng hay nói những đề tài súc sanh’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học không nói những đề tài súc sanh.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học không kiêu ngạo và ít nói năng. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà hay kiêu ngạo và nói năng nhiều sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà lại hay kiêu ngạo và nói năng nhiều’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học không kiêu ngạo và ít nói năng.

 [455b] “Này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học thủ hộ các căn. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà phần nhiều không chịu thủ hộ các căn, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà phần nhiều không chịu thủ hộ các căn. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học thủ hộ các căn.

“Này Chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học biết đủ trong sự ăn uống. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà ham ăn quá dư, quá nhiều, không biết đủ, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà mà ham ăn quá dư, quá nhiều, không biết đủ’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học biết đủ trong sự ăn uống.

“Này Chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học tinh tấn không giải đãi. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà lại thường không tinh tấn, hay giải đãi, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà thường không tinh tấn, trái lại còn giải đãi’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học tinh tấn, không giải đãi.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học chánh niệm và chánh trí. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà không học chánh niệm chánh trí, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà thường không có chánh niệm chánh trí’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học chánh niệm chánh trí.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học biết thời và đúng thời; không đi vào thôn khất thực quá sớm, cũng chẳng trở về quá trễ. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà vào [455c] thôn khất thực quá sớm và trở về quá trễ, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà vào thôn khất thực quá sớm và trở về quá trễ’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học biết thời và đúng thời.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học biết ngồi và ngồi đúng chỗ; không lấn chỗ ngồi của vị Trưởng lão, bị Tỳ-kheo nhỏ khiển trách [61]. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà chiếm chỗ ngồi của bậc trưởng lão, bị các Tỳ-kheo nhỏ chỉ trích, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà chiếm chỗ ngồi của các bậc trưởng lão, bị các Tỳ-kheo nhỏ chỉ trích’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học biết ngồi và ngồi đúng chỗ.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học thảo luận về Luật và A-tì-đàm [62]. Vì sao thế. Này Chư Hiền, khi Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự, hoặc có người đến hỏi về Luật và A-tì-đàm. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mà không biết trả lời về Luật và A-tì-đàm, thì làm cho các Tỳ-kheo khác thường chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự nhưng không biết trả lời về Luật và A-tì-đàm’. Nếu đến ở giữa đại chúng cũng làm cho các Tỳ-kheo thường chỉ trích cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học thảo luận về Luật và A-tì-đàm.

“Này Chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học thảo luận về tịch tĩnh giải thoát [63] và ly sắc [64] cho đến vô sắc định [65]. Vì sao thế? Này Chư Hiền, khi Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự, hoặc có người đến hỏi về tịch tĩnh giải thoát và ly sắc cho đến vô sắc định. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mà không biết trả lời về tịch tĩnh giải thoát và ly sắc cho đến vô sắc định thì làm cho các Tỳ-kheo khác thường chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự này mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự nhưng không biết trả lời về tịch tĩnh giải thoát và ly sắc cho đến vô sắc định’. Nếu đến ở giữa đại chúng cũng làm cho các Tỳ-kheo thường chỉ trích cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự [456a] sống ở nơi vô sự nên học thảo luận về tịch tĩnh giải thoát và ly sắc cho đến vô sắc định.

“Này Chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học thảo luận về lậu tận trí thông. Vì sao thế. Này Chư Hiền, khi Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự, hoặc có người đến hỏi về lậu tận trí thông. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mà không biết trả lời về lậu tận trí thông, thì làm cho các Tỳ-kheo khác thường chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự này mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự nhưng không biết trả lời về lậu tận trí thông’. Nếu đến ở giữa đại chúng cũng làm cho các Tỳ-kheo thường chỉ trích cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học thảo luận về lậu tận trí thông”.

Lúc ấy, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cũng hiện diện trong đại chúng. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên thưa rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, chỉ những Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mới nên học những pháp như vậy, chứ không phải là những Tỳ-kheo ở giữa người đời [66] sao?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời rằng:

“Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự còn nên học những pháp như vậy huống gì là Tỳ-kheo sống giữa nhân gian?”

Như vậy hai vị Tôn giả cùng khen tán lẫn nhau, tán thán “Lành thay!” Sau khi nghe những điều được nói, từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

Kính trọng, không cười cợt,

Không phiếm luận, kiêu ngạo,

Hộ căn, ăn biết đủ,

Tinh tấn, chánh niệm, trí,

Biết thời, ngồi đúng chỗ,

Thảo luận Luật, Tỳ-đàm,

Và tịch tĩnh giải thoát,

Lậu tận thông cũng vậy.

     27. KINH PHẠM CHÍ ĐÀ-NHIÊN

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại thành Vương Xá trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa, cùng chúng Đại Tỳ-kheo an cư mùa mưa.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất đang ở nước Xá-vệ cũng an cư mùa mưa.

 Lúc ấy, có một Tỳ-kheo ở thành Vương Xá, sau khi trải qua ba tháng an cư mùa mưa xong, vá sửa lại các y, rồi xếp y, ôm bát từ thành Vương Xá đi đến nước Xá-vệ, ở trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Tỳ-kheo ấy đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, [456b] cúi đầu đảnh lễ dưới chân  rồi ngồi sang một bên.

Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi:

“Này Hiền giả, Thế Tôn an cư tại thành Vương Xá. Thánh thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường không?”

Vị Tỳ-kheo đáp:

“Thật vậy, bạch Tôn giả Xá-lợi-phất. Thế Tôn an cư tại thành Vương Xá. Thánh thể được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái và khí lực bình thường”.

Lại hỏi:

“Này Hiền giả, đại chúng Tỳ-kheo và đại chúng Tỳ-kheo-ni an cư mùa mưa tại thành Vương xá; Thánh thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường không? Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp không”

Đáp:

“Thật vậy, bạch Tôn giả Xá-lợi-phất. Đại chúng Tỳ-kheo và đại chúng Tỳ-kheo-ni an cư mùa mưa tại thành Vương xá; Thánh thể an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường. Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp”.

Lại hỏi:

“Này Hiền giả, chúng Ưu-bà-tắc và chúng Ưu-bà-di trú tại thành Vương Xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường không? Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp không?”

Đáp:

“Thật vậy, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Chúng Ưu-bà-tắc và chúng Ưu-bà-di trú tại thành Vương Xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường. Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp”.

Lại hỏi:

“Này Hiền giả, tất cả các Sa-môn, Bà-la-môn, dị học an cư mùa mưa tại thành Vương xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường không? Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp không?”

Trả lời rằng:

“Thật vậy, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, tất cả các Sa-môn, Bà-la-môn, dị học an cư mùa mưa tại thành Vương xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường. Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp”.

Lại hỏi rằng:

“Này Hiền giả, tại thành Vương Xá có một Bà-la-môn tên là Đà-nhiên [67], vốn là bạn của tôi trước kia tôi chưa xuất gia; Hiền giả có biết vị ấy không?”

Trả lời rằng:

“Thưa có biết”.

Lại hỏi rằng:

“Hiền giả, Bà-la-môn Đà-nhiên ở thành Vương Xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường không? Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp không?”

Đáp:

“Tôn giả Xá-lợi-phất, Bà-la-môn Đà-nhiên ở thành Vương Xá, thân thể an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, [456c] khí lực bình thường. Nhưng ông ấy không muốn thăm viếng Đức Phật và không ưa nghe pháp”.

“Vì sao thế?”

“Tôn giả Xá-lợi-phất, Bà-la-môn Đà-nhiên không tinh tấn, phạm vào các cấm giới. Ông ấy dựa thế Vua để dối gạt [68] các Bà-la-môn, Cư sĩ; dựa thế các Bà-la-môn, cư sĩ để dối gạt Vua”.

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi, và ba tháng an cư mùa mưa ở nước Xá-vệ đã qua, sau khi vá sửa các y, ngài xếp y, ôm bát từ nước Xá-vệ đi đến thành Vương Xá, ở trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa.

Bấy giờ đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, Tôn giả Xá-lợi-phất, khoác y, ôm bát vào thành Xá-vệ, lần lượt đi khất thực. Sau khi khất thực xong, ngài đi đến nhà của Bà-la-môn Đà-nhiên.

Lúc ấy, Bà-la-môn Đà-nhiên từ nhà đi ra, đến bên bờ suối, đang hành hạ cư dân [69]. Bà-la-môn Đà-nhiên từ xa trông thấy Tôn giả Xá-lợi-phất, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa áo, chắp tay hướng đến Tôn giả giả Xá-lợi-phất mà tán thán rằng:

“Kính chào Xá-lợi-phất, đã lâu lắm rồi Xá-lợi-phất không đến đây”.

Rồi Bà-la-môn Đà-nhiên, với lòng cung kính, ôm Tôn giả Xá-lợi-phất dìu vào nhà, trải giường đẹp mà mời ngồi. Tôn giả Xá-lợi-phất liền ngồi trên giường đó. Bà-la-môn Đà-nhiên thấy Tôn giả Xá-lợi-phất đã ngồi xuống, liền bưng một cái chậu sữa bằng vàng [70] mời Tôn giả Xá-lợi-phất ăn. Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

“Thôi, thôi, Đà-nhiên, chỉ trong lòng vui là đủ!”

Bà-la-môn Đà-nhiên lặp lại ba lần mời ăn. Tôn giả Xá-lợi-phất cũng ba lần nói rằng:

“Thôi, thôi, Đà-nhiên, chỉ trong lòng vui là đủ!”

Lúc đó Bà-la-môn Đà-nhiên nói rằng:

“Xá-lợi-phất, cớ gì vào nhà như thế này mà chẳng chịu ăn?”

Đáp:

“Này Đà-nhiên, ông không tinh tấn lại phạm vào các giới cấm. Dựa thế vào Vua để dối gạt Bà-la-môn, Cư sĩ; dựa thế Bà-la-môn, Cư sĩ để dối gạt Vua”.

Bà-la-môn Đà-nhiên trả lời rằng:

“Xá-lợi-phất, nên biết, nay tôi còn sống tại gia, lấy gia nghiệp làm bổn phận. Tôi còn phải lo cho mình được an ổn, cung cấp cha mẹ, săn sóc vợ con, cung cấp nô tỳ, phải nộp thuế cho Vua, thờ tự thiên thần, cúng tế tổ tiên, và còn phải bố thí cho các Sa-môn, Bà-la-môn để sau này còn được sanh lên các cõi trời, mong được trường thọ, được quả báo an lạc. Xá-lợi-phất, các việc ấy không thể nào bỏ đi, một mực theo đúng pháp”.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất bảo rằng:

“Này Đà-nhiên, nay tôi hỏi ông, tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Bà-la-môn Đà-nhiên, ông nghĩ thế nào? Nếu có người vì cha mẹ mà [457a] tạo các việc ác. Vì tạo ác nên khi thân hoại mạng chung nó đi thẳng vào cõi ác, sanh vào địa ngục. Sanh vào địa ngục rồi, khi ngục tốt bắt trói hành hạ rất khổ sở, người ấy nói với ngục tốt thế này: ‘Ngục tốt, hãy biết cho, chớ hành hạ tôi. Vì sao? Tôi đã vì cha mẹ mà tạo các nghiệp ác’. Thế nào, Đà-nhiên, người ấy có thể thoát khỏi sự khổ sở ấy bởi ngục tốt không?”

Bà-la-môn Đà-nhiên trả lời rằng:

“Không thể”.

 Lại hỏi:

“Này Đà-nhiên, ông nghĩ thế nào? Nếu có người vì vợ con mà tạo các việc ác. Vì tạo ác nên khi thân hoại mạng chung, nó đi thẳng vào cõi dữ, sanh vào địa ngục. Sanh vào địa ngục rồi, khi bị ngục tốt bắt trói, hành hạ rất khổ sở, người ấy nói vơi ngục tốt như thế này: ‘Ngục tốt, hãy biết cho, chớ hành hạ tôi. Vì sao? Tôi đã vì vợ con mà tạo các nghiệp ác’. Thế nào, Đà-nhiên, người ấy có thể nào thoát khỏi sự khổ sở ấy với ngục tốt không?”

Bà-la-môn Đà-nhiên trả lời rằng:

“Không thể”.

 Lại hỏi:

“Này Đà-nhiên, ông nghĩ thế nào? Nếu có người vì nô tỳ mà tạo các việc ác, vì tạo ác nên khi thân hoại mạng chung, nó đi thẳng vào cõi ác, sanh vào địa ngục. Sanh vào địa ngục rồi, khi bị ngục tốt bắt trói hành hạ rất khổ sở, người ấy nói với ngục tốt như thế này: ‘Ngục tốt, hãy biết cho, chớ hành hạ tôi. Vì sao? Tôi đã vì nô tỳ mà tạo các nghiệp ác’. Thế nào, Đà-nhiên, người ấy có thể nào thoát khỏi sự khổ sở ấy với ngục tốt không?”

Bà-la-môn Đà-nhiên trả lời rằng:

“Không thể”.

Lại hỏi:

“Này Đà-nhiên, ông nghĩ thế nào? Nếâu có người vì quốc vương, vì thiên thần, vì tổ tiên, vì Sa-môn, Bà-la-môn mà tạo các việc ác. Vì tạo ác nên khi thân hoại mạng chung, nó đi thẳng vào cõi ác, sanh vào địa ngục. Sanh vào địa ngục rồi, khi bị ngục tốt bắt trói hành hạ rất khổ sở, người ấy nói với ngục tốt mà nói thế này: ‘Ngục tốt, hãy biết cho, chớ hành hạ tôi. Vì sao? Tôi đã vì quốc vương, vì thiên thần, vì tổ tiên, vì Sa-môn, Bà-la-môn mà tạo các nghiệp ác’. Thế nào, Đà-nhiên, người ấy có thể nào thoát khỏi sự khổ sở ấy với ngục không?”

Bà-la-môn Đà-nhiên trả lời rằng:

“Không thể”.

“Này Đà-nhiên, một thiện gia nam tử vẫn có thể như pháp, như nghiệp, như công đức [71] mà làm ra tiền của, để tôn trọng kính phụng, hiếu dưỡng cha mẹ, làm các việc phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác.

“Này Đà-nhiên, một thiện gia nam tử như pháp, như nghiệp, như công đức, mà làm ra tiền của, để tôn trọng, kính phụng, hiếu dưỡng cha mẹ, làm các việc phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác. Đà-nhiên, nếu một thiện gia nam tử như pháp, như nghiệp, như công đức mà làm ra tiền của, để tôn trọng kính phụng, hiếu dưỡng cha mẹ, làm các việc phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác, người ấy được cha mẹ [457b] thương yêu và nói thế này: ‘Mong cho con được mạnh khỏe, sống lâu vô cùng. Vì sao thế?Vì ta nhờ con nên được an ổn khoái lạc’. Này Đà-nhiên, nếu người nào được cha mẹ thương yêu rất mực, đức người đó ngày càng tăng thêm, không bao giờ suy giảm.

“Này Đà-nhiên, một thiện gia nam tử vẫn có thể như pháp, như nghiệp, như công đức mà làm ra tiền của, yêu thương và săn sóc vợ con, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác.

 “Này Đà-nhiên, nếu một thiện gia nam tử như pháp, như nghiệp, như công đức, mà làm ra tiền của, yêu thương và săn sóc vợ con, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác, người ấy được vợ con tôn trọng, và nói thế này: ‘Mong cho tôn trưởng được mạnh khỏe, sống lâu vô cùng. Vì sao thế? Vì chúng tôi nhờ tôn trưởng nên được an ổn khoái lạc’. Này Đà-nhiên, nếu người nào được vợ con tôn trọng rất mực, đức người đó ngày càng tăng thêm, không bao giờ suy giảm.

“Này Đà-nhiên, một thiện gia nam tử vẫn có thể như pháp, như nghiệp, như công đức mà làm ra tiền của, yêu thương, chu cấp và săn sóc nô tỳ, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác. 

“Này Đà-nhiên, nếu một thiện gia nam tử như pháp, như nghiệp, như công đức, mà làm ra tiền của, yêu thương, chu cấp và săn sóc nô tỳ, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác, người ấy được nô tỳ tôn trọng, và nói thế này: ‘Mong cho đại gia được mạnh khỏe, sống lâu vô cùng. Vì sao thế? Vì chúng tôi nhờ đại gia nên được an ổn’. Này Đà-nhiên, nếu người nào được nô tỳ tôn trọng rất mực, đức người đó ngày càng tăng thêm, không bao giờ suy giảm. 

“Này Đà-nhiên, một thiện gia nam tử vẫn có thể như pháp, như nghiệp, như công đức mà làm ra tiền của, tôn trọng cúng dường các vị Sa-môn, Bà-la-môn, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác.

“Này Đà-nhiên, nếu một thiện gia nam tử như pháp, như nghiệp, như công đức, mà làm ra tiền của, tôn trọng cúng dường các vị Sa-môn, Bà-la-môn, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác, người ấy được các Sa-môn, Bà-la-môn yêu mến rất mực, và nói thế này: ‘Mong cho thí chủ được mạnh khỏe, sống lâu vô cùng. Vì sao thế? Vì chúng tôi nhờ thí chủ nên được an hưởng khoái lạc’. Này Đà-nhiên, nếu người nào được các Sa-môn, Bà-la-môn yêu mến rất mực, đức người đó ngày càng tăng thêm, không bao giờ suy giảm”.

Bấy giờ Bà-la-môn Đà-nhiên liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa áo, chắp tay hướng về phía Xá-lợi-phất thưa rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, tôi có người vợ yêu tên là Đoan Chánh [72]. Tôi vì say mê nó nên đã buông lung, tạo quá nhiều ác nghiệp tội lỗi. Thưa [457c] Tôn giả Xá-lợi-phấtû, bắt đầu từ đây tôi bỏ người vợ Đoan Chánh kia, xin quy y với Tôn giả Xá-lợi-phất”.

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời rằng:

“Này Đà-nhiên, ông chớ quy y tôi. Ông nên quy y nơi Phật là Đấng mà tôi quy y”.

Bà-la-môn Đà-nhiên thưa rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, từ hôm nay tôi xin quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Cúi mong Tôn giả Xá-lợi-phất nhận tôi làm Ưu-bà-tắc của Phật; trọn đời xin tự quy y cho đến mạng chung”.

Thế rồi Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết pháp cho Bà-la-môn Đà-nhiên, khai thị, giáo giới, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Sau khi dùng vô lượng phương tiện để thuyết pháp khai thị, giáo giới, khích lệ, làm cho hoan hỷ, Ngài liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến thành Vương Xá.

Ở đây được vài ngày, ngài xếp y, ôm bát rời thành Vương xá ra đi, đến Nam sơn [73], trụ trong rừng Thi-nhiếp-hòa [74], thuộc phía Bắc thôn Nam sơn.

Bấy giờ có một vị Tỳ-kheo đi đến thành Vương Xá. Ở đây được vài ngày, xếp y ôm bát từ thành Vương xá ra đi, đến Nam sơn cũng trụ trong rừng Thi-nhiếp-hòa, thuộc phía Bắc thôn Nam sơn.

Rồi vị Tỳ-kheo ấy đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cúi đầu đảnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên. Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi rằng:

“Hiền giả từ nơi nào tới đây và trú ở đâu?”

Tỳ-kheo ấy trả lời rằng:

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, tôi từ thành Vương Xá đi đến đây và trú ở thành Vương Xá”.

 Lại hỏi rằng:

“Hiền giả ngài có biết Bà-la-môn Đà-nhiên ở thành Vương Xá, vốn là bạn của tôi xưa kia lúc tôi chưa xuất gia không?”

“Thưa có biết”.

Lại hỏi rằng:

“Này hiền giả, Bà-la-môn Đà-nhiên ở thành Vương Xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường và có thường thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp không?”

Trả lời rằng:

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, Bà-la-môn Đà-nhiên thường đến thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp; nhưng không được khỏe mạnh, khí lực dần dần suy yếu. Vì sao vậy? Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, hiện giờ Bà-la-môn Đà-nhiên mang tật bệnh rất khốn khổ, nguy hiểm khôn chừng, do đó có thể mạng chung”.

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe xong lời ấy, liền xếp y ôm bát rời Nam sơn ra đi, đến thành Vương Xá, trú trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa. Bấy giờ đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, Tôn giả Xá-lợi-phất khoác y, ôm bát đi đến nhà Bà-la-môn Đà-nhiên. Bà-la-môn Đà-nhiên từ đằng xa trông thấy Tôn giả Xá-lợi-phất đi đến, muốn rời giường đứng dậy. Tôn giả Xá-lợi-phất thấy Bà-la-môn Đà-nhiên muốn rời giường đứng dậy, liền ngăn ông ấy rằng:

“Này Bà-la-môn Đà-nhiên, ông cứ nằm, đừng đứng dậy. [458a] Đã có giường khác đây, rồi tôi sẽ ngồi riêng”.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất liền ngồi xuống giường ấy, rồi bảo rằng:

“Hôm nay bệnh tình ra sao? Ăn uống được nhiều ít? Sự đau đớn bớt dần, không đến nỗi tăng thêm chăng?”

Đà-nhiên trả lời rằng:

“Bệnh tình con rất là khốn đốn, ăn uống chẳng được gì cả; đau đớn chỉ tăng thêm mà không thấy giảm bớt tí nào. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, giống như người lực sĩ đem con dao bén nhọn đâm vào đầu, chỉ sanh sự khốn khổ quá mức thôi. Đầu con hôm nay cũng nhức nhối giống như vậy. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, cũng như lực sĩ lấy sợi dây thừng chắt đem quấn riết chung quanh đầu, chỉ sanh sự khốn khổ quá mức. Đầu con hôm nay cũng nhức nhối giống như vậy. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, cũng như người mổ trâu, đem con dao bén mổ bụng trâu, chỉ sanh sự đau đớn quá mức. Bụng con hôm nay cũng quặn đau giống như vậy. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, cũng như hai lực sĩ bắt một người ốm yếu đem nướng trên ngọn lửa, chỉ sanh ra sự đau khổ đến cùng cực. Thân thể con hôm nay đau đớn, cả mình sanh ra khổ sở, chỉ tăng thêm chớ không giảm bớt; cũng giống như vậy”.

Tôn giả Xá-lợi-phất bảo rằng:

“Này Đà-nhiên, bây giờ tôi hỏi ông, tùy sự hiểu biết mà ông trả lời. Này Bà-la-môn Đà-nhiên, địa ngục và súc sanh, nơi nào tốt đẹp hơn?”

Đà-nhiên trả lời rằng:

“Súc sanh tốt đẹp hơn”.

 Lại hỏi rằng:

“Này Đà-nhiên, súc sanh và ngạ quỉ, loài nào tốt đẹp hơn?”

Đà-nhiên trả lời rằng:

“Ngạ quỉ tốt đẹp hơn”.

 Lại hỏi rằng:

“Này Đà-nhiên, ngạ quỉ và loài người, loài nào tốt đẹp hơn?”

Đà-nhiên trả lời rằng:

“Loài người tốt đẹp hơn”.

 Lại hỏi rằng:

“Này Đà-nhiên, người và Tứ Vương thiên, cõi nào tốt đẹp hơn?”

Đà-nhiên trả lời rằng:

“Tứ thiên vương tốt đẹp hơn”.

 Lại hỏi rằng:

Này Đà-nhiên, Tứ Vương thiên và Tam Thập Tam thiên, cõi nào tốt đẹp?

Đà-nhiên trả lời rằng:

“Tam Thập Tam thiên tốt đẹp hơn”.

Lại hỏi rằng:

“Tam Thập Tam thiên với Diệm-ma thiên cõi nào tốt đẹp hơn?”

Đà-nhiên trả lời rằng:

“Diệâm-ma thiên tốt đẹp hơn.”

 Lại hỏi rằng:

“Này Đà-nhiên, Diệm-ma thiên với Đâu-suất-đà thiên, cõi nào tốt đẹp hơn?”

Đà-nhiên trả lời rằng:

“Đâu-suất-đà thiên tốt đẹp hơn”.

Lại hỏi rằng:

“Này Đà-nhiên, Đâu-suất-đà thiên với Hóa Lạc thiên cõi nào tốt đẹp hơn?”

Đà-nhiên trả lời rằng:

“Hóa Lạc thiên tốt đẹp hơn”.

 Lại hỏi rằng:

“Này Đà-nhiên, Hóa Lạc thiên với Tha Hóa lạc thiên, cõi nào tốt đẹp hơn?”

Đà-nhiên trả lời rằng:

“Tha Hóa Lạc thiên tố dẹp hơn.”

“Này Đà-nhiên, Tha Hóa lạc thiên với Phạm thiên cõi nào tốt đẹp hơn?”

Đà-nhiên trả lời rằng:

“Phạm thiên là tốt đẹp hơn cả. Phạm thiên là tối Thắng Lâm”.

Tôn giả Xá-lợi-phất bảo rằng:

“Đức Thế Tôn là bậc tri kiến, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, có nói về bốn Phạm trụ [75]. Nếu một thiện gia nam tử hay một thiện gia nữ tử nào tu tập nhiều, đoạn dục, xả niệm tưởng về dục, khi thân hoại mạng chung [458b]sẽ sanh lên cõi Phạm thiên. Những gì là bốn?

“Này Đà-nhiên, Thánh đệ tử đa văn có tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với hai, ba bốn phương, tứ duy và thượng hạ, thấu khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không sân hận, không não hại, bao la, quảng đại, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn khắp tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, tâm câu hữu với bi, hỷ; với xả, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với hai, ba bốn phương, tứ duy và thượng hạ, thấu khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không sân hận, không não hại, bao la, quảng đại, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn khắp tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Đà-nhiên, đó là Đức Thế Tôn, là bậc Tri Kiến, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, có nói về bốn Phạm trụ. Nếu một thiện gia nam tử hay một thiện gia nữ nào tu tập nhiều, đoạn dục, xả niệm tưởng về dục, khi thân hoại mạng chung sẽ sanh lên cõi Phạm thiên”.

Bấy giờ, sau khi giáo hóa cho Đà-nhiên, nói về pháp Phạm thiên, Tôn giả Xá-lợi-phất từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi. Tôn giả Xá-lợi-phất từ thành Vương Xá đi, chưa đến Trúc lâm vườn Ca-lan-đa, đang nửa đường ấy, Bà-la-môn Đà-nhiên do tu tập bốn Phạm trụ, đoạn dục, xả dục niệm, thân hoại mạng chung sanh lên cõi Phạm thiên.

Bấy giờ Đức Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô lượng đại chúng đang vây quanh trước sau. Đức Thế Tôn thấy Tôn giả Xá-lợi-phất từ đàng xa đi tới, nói với các thầy Tỳ-kheo rằng:

“Tỳ-kheo Xá-lợi-phất là bậc thông tuệ, tốc tuệ, tiệp tuệ, lợi tuệ, quảng tuệ, thâm tuệ, xuất yếu tuệ, minh đạt tuệ, biện tài tuệ [76]; Tỳ-kheo Xá-lợi-phất đã thành tựu thật tuệ. Tỳ-kheo Xá-lợi-phất đã giáo hóa Bà-la-môn Đà-nhiên, nói về Phạm thiên rồi mới về đây. Nếu lại giáo hóa cao hơn nữa thì người kia nhanh chóng biết pháp tùy pháp [77]”.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên. Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này Xá-lợi-phất, vì sao ông không giáo hóa Bà-la-môn Đà-nhiên bằng một pháp cao hơn Phạm thiên? Nếu ông giáo hóa cao hơn thì người kia sẽ nhanh chóng biết pháp tùy pháp”.

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, các Bà-la-môn từ lâu đời ái trước Phạm thiên, ưa thích Phạm thiên, cho Phạm thiên là rốt ráo, Phạm thiên là tôn quý, thật có Phạm thiên là Phạm thiên của ta. Do đó, bạch Thế Tôn, nên con đã giáo hóa như vậy”.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả Xá-lợi-phất và vô lượng trăm nghìn đại chúng, sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

28. KINH GIÁO HÓA BỊNH

 [458c01] Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Trưởng giả Cấp Cô Độc [78] mang bệnh nguy kịch. Trưởng giả bảo người giúp việc rằng:

“Ngươi hãy đi đến chỗ Đức Phật, vì ta mà đảnh lễ dưới chân Đức Thế Tôn hỏi thăm sức khỏe, xem Thánh thể có được an khang, khỏe mạnh, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực có được bình thường không? Rồi nói như vầy: ‘Trưởng giả Cấp Cô Độc cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, thăm hỏi Đức Thế Tôn Thánh thể có được an khang, khỏe mạnh, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực có được bình thường không?’ Sau khi ngươi đã vì ta mà thăm hỏi Đức Thế Tôn rồi, hãy đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, hãy vì ta mà đảnh lễ dưới chân ngài rồi hỏi thăm Tôn giả xem Thánh thể có được an khang, khỏe mạnh, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực có được bình thường không? Rồi nói như vầy: ‘Trưởng giả Cấp Cô Độc cúi đầu đảnh lễ dưới chân Tôn giả Xá-lợi-phất, thăm hỏi Thánh thể có được an khang, khỏe mạnh, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực có được bình thường không? Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, Trưởng giả Cấp Cô Độc đang mang bệnh tật rất ngặt, nay đã đến hồi nguy kịch. Trưởng giả Cấp Cô Độc với tâm chí thiết rất muốn được gặp Tôn giả Xá-lợi-phất, nhưng cơ thể quá yếu đuối không còn chút khí lực để đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất được. Lành thay, Tôn giả Xá-lợi-phất, xin ngài hãy vì lòng từ, mong ngài đến nhà Trưởng giả Cấp Cô Độc.’”

Bấy giờ, sau khi vâng lời dạy của Trưởng giả Cấp Cô Độc, người giúp việc liền đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Đức Phật rồi đứng sang một bên thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, Trưởng giả Cấp Cô Độc cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, thăm hỏi Đức Thế Tôn Thánh thể có được an khang, khỏe mạnh, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực có được bình thường không?”

Đức Thế Tôn bảo sứ giả rằng:

“Mong cho Trưởng giả Cấp Cô Độc an hưởng khoái lạc. Mong cho Chư Thiên, A-tu-la, Càn-thát-bà, La-sát và các chủng loại khác, thân thể được an ổn khoái lạc”.

Người giúp việc nghe Phật dạy như thế, ghi nhớ kỹ, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, đi quanh ba vòng, rồi đi đến Tôn giả Xá-lợi-phất, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi sang một bên và thưa rằng:

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, Trưởng giả Cấp Cô Độc cúi đầu đảnh lễ dưới chân ngài, xin thăm hỏi Tôn giả Thánh thể có được an khang, khỏe mạnh, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực có được bình thường không? Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, Trưởng giả Cấp Cô Độc đang mang bệnh tật rất hiểm nghèo, nay đã đến hồi nguy kịch. Trưởng giả Cấp Cô Độc với tâm chí thiết rất muốn được gặp Tôn giả Xá-lợi-phất, nhưng cơ thể quá yếu đuối, không còn chút khí lực để đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất được. Lành thay, Tôn giả Xá-lợi-phất, [459a] xin ngài hãy vì lòng từ, mong ngài đến nhà Trưởng giả Cấp Cô Độc”.

Tôn giả Xá-lợi-phất liền im lặng nhận lời. Bấy giờ sứ giả biết Tôn giả Xá-lợi-phất đã im lặng nhận lời, bèn rời chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh ba vòng rồi ra về.

Sau khi đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, Tôn giả Xá-lợi-phất khoác y, ôm bát đi đến nhà Trưởng giả Cấp Cô Độc. Trưởng giả Cấp Cô Độc thấy Tôn giả Xá-lợi-phất từ đàng xa đi đến, muốn ngồi dậy lhỏi giường. Tôn giả Xá-lợi-phất thấy Trưởng giả Cấp Cô Độc muốn từ giường ngồi dậy, liền cản lại rằng:

“Này Trưởng giả, chớ ngồi dậy. Còn giường khác đây, tôi sẽ ngồi riêng”.

Tôn giả Xá-lợi-phất liền ngồi lên giường ấy, rồi hỏi rằng:

“Bệnh trạng của Trưởng giả hôm nay thế nào? Ăn uống được nhiều ít? Sự đau đớn giảm dần không đến nỗi tăng thêm chăng?”

Trưởng giả Cấp Cô Độc trả lời rằng:

“Bệnh tình của con rất nguy kịch, ăn uống chẳng được gì cả. Sự đau đớn chỉ tăng thêm chứ không thấy giảm bớt chút nào”.

Tôn giả Xá-lợi-phất bảo rằng:

“Này Trưởng giả chớ sợ [79]. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si, thành tựu bất tín, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả ngày nay không hề có sự bất tín, mà chỉ có sự thượng tín. Do thượng tín ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do thượng tín ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm, vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.

“Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si do ác giới, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có ác giới, mà Trưởng giả chỉ có thiện giới. Do thiện giới ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do thiện giới ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.

“Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si không có đa văn, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có sự không đa văn. Do đa văn ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do đa văn ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.

“Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si nhân có sự xan tham, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả [459b] không hề có xan tham mà chỉ có huệ thí. Do huệ thí ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do huệ thí ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.

“Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si nhân có ác tuệ, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có ác tuệ mà chỉ có thiện tuệ. Do thiện tuệ ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do thiện tuệ ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.

“Này Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si nhân có tà kiến, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có tà kiến mà chỉ có chánh kiến. Do chánh kiến ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do chánh kiến ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.

“Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si nhân có tà tư duy [80], thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có tà chí mà chỉ có chánh chí. Do chánh chí ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do chánh chí ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.

“Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si nhân có tà giải, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có tà giải mà chỉ có chánh giải. Do chánh giải ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do chánh giải ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.

“Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si nhân có tà thoát, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có tà thoát mà chỉ có chánh thoát. Do chánh thoát ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do chánh thoát ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.

“Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? [459c] Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si nhân có tà trí, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có tà trí mà chỉ có chánh trí. Do chánh trí ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do chánh trí ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn”.

Bấy giờ bệnh trạng của Trưởng giả Cấp Cô Độc liền được thuyên giảm, bình phục như cũ [81], rời chỗ nằm ngồi dậy, khen Tôn giả Xá-lợi-phất rằng:

“Lành thay! Lành thay! Ngài thuyết pháp cho bệnh nhân, thật kỳ diệu, thật hy hữu! Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, khi con nghe xong bài pháp giáo hóa cho bệnh nhân ấy liền chấm dứt thống khổ, lại sanh khoái lạc vô cùng. Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, bây giờ bệnh con đã thuyên giảm hẳn, bình phục như cũ. Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, trước kia nhân có chút việc cần làm, con đi đến thành Vương xá, tạm trú trong nhà một Trưởng giả [82]. Lúc ấy vị Trưởng giả kia buổi sáng hôm sau sẽ cúng dường cơm cho Đức Phật và Chúng Tỳ-kheo. Bấy giờ qua đêm ấy, lúc trời gần sáng, vị Trưởng giả kia sai con cháu, nô tỳ, sứ giả và quyến thuộc: ‘Các ngươi hãy dậy sớm, cùng nhau bày biện, trang hoàng. Những người kia đều vâng lời, cùng nhau xếp việc bếp núc, bày biện cỗ bàn với những loại ngon đẹp. Còn Trưởng giả đích thân trải bày một chỗ ngồi cao, trang nghiêm vô lượng.

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, sau khi thấy vậy, con liền nghĩ thế này: ‘Hôm nay vị Trưởng giả này có việc hôn nhân hay lễ hội rước dâu, hay việc thỉnh Quốc vương hay việc mời Đại thần, mà lại sắm sửa tiệc cơm, mở cuộc đãi đằng lớn như vậy?’

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, suy nghĩ như vậy rồi, con liền hỏi vị Trưởng giả kia rằng:

“– Ông vì việc hôn nhân hay vì lễ hội rước dâu, việc thỉnh Quốc vương hay việc mời Đại thần, mà lại sắm sửa tiệc cơm, mở cuộc đãi đằng lớn như vậy?

“Lúc ấy vị Trưởng giả kia liền trả lời con rằng:

“– Tôi không phải vì việc hôn nhân, việc thỉnh Quốc vương hay việc mời Đại thần, nhưng tôi sắm sửa tiệc cơm, thi thiết cuộc đại thí, vì sáng nay tôi sẽ cúng cơm cho Đức Phật và chúng Tỳ-kheo.

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, vì con chưa từng được nghe danh hiệu Đức Phật, nên khi nghe rồi toàn thân lông dựng ngược. Con lại hỏi rằng:

“– Trưởng giả nói Phật, vậy thế nào là Phật?

“Lúc ấy vị Trưởng giả kia trả lời con rằng:

“– Ông chưa được nghe sao? Có vị dòng dõi họ Thích, từ giã dòng họ Thích, cạo bỏ râu tóc, khoác y ca-sa, với lòng tin chí thiết, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, chứng quả Vô thượng Chánh đẳng chánh giác. Vị ấy được gọi là Phật.

“Con lại hỏi rằng:

“– Trưởng giả vừa nói Chúng [83]. Vậy thế nào là đại chúng?

“Bấy giờ vị Trưởng giả kia trả lời con rằng:

“– Còn có rất nhiều vị, có dòng họ và tông tộc khác nhau, cạo bỏ râu tóc, khoác y ca-sa, với lòng tin chí thiết, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, để theo Phật đạo. Đó [460a] gọi là Chúng. Đức Phật và chúng ấy, tôi sắp thỉnh đến.

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, con lại hỏi vị Trưởng giả ấy rằng:

“– Đức Thế Tôn bây giờ đang ở nơi nào? Tôi muốn đi đến thăm.

“Bấy giờ vị Trưởng giả kia trả lời con rằng:

“– Đức Thế Tôn hiện đang ở thành Vương Xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa. Ông có muốn đến đó thì tùy ý.

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, lúc ấy con nghĩ thế này: ‘Mong cho mau sáng để nhanh chóng đi đến thăm Phật.’ Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, bấy giờ với tâm chí thành, con muốn đến thăm Phật, nên lúc đang đêm ấy mà tưởng đã sáng rồi, liền từ nhà vị Trưởng giả kia ra đi, đến trạm dừng nơi cổng thành [84]. Bấy giờ tại trạm dừng nơi cổng thành có hai người lính gác, một người gác đầu hôm thì cho hành khách bên ngoài vào thành, không làm trở ngại gì, một người gác cuối đêm thì cho hành khách ở trong thành đi ra cũng không làm trở ngại gì. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, con lại nghĩ thế này: ‘Đêm hãy còn chưa sáng lắm. Vì sao vậy? Vì ở tại cổng thành có hai người lính gác; một người gác đầu hôm thì cho hành khách bên ngoài vào thành, không làm trở ngại gì; một người gác cuối đêm thì cho hành khách ở trong thành đi ra cũng không làm trở ngại gì’. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, con vượt qua trạm dừng chân ở cửa thành để đi ra bên ngoài không lâu, ánh sáng biến mất và trời tối hẳn lại. Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, toàn thân lông dựng ngược, con liền sợ hãi, mong sao đừng có người nào hay loài phi nhân đến xúc nhiễu con. Bấy giờ, tại trại dừng chân ở cửa thành có một vị trời [85], từ thành Vương xá đến Trúc lâm, vườn Ca-lan-đà, ánh sáng tỏa chiếu khắp nơi, đến bảo con rằng: ‘Này Trưởng giả, chớ sợ. Vì sao vậy? Tôi đời trước đây vốn là bằng hữu của ông, tên thật là Mật-khí [86], vào lúc còn trẻ tuổi chúng ta rất yêu mến nhau. Này Trưởng giả, thuở xưa ấy, tôi đi đến chỗ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, cúi đầu đảnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên thuyết pháp cho tôi, khai thị, khích lệ, thành tựu hoan hỷ. Sau khi dùng vô lượng phương tiện để thuyết pháp, khai thị, khích lệ, thành tựu hoan hỷ cho tôi rồi, ngài ban cho tôi pháp ba tự quy, và trao cho năm giới. Này Trưởng giả, tôi do ba tự quy y và thọ trì năm giới, nên khi thân hoại mạng chung sanh lên trời Tứ Vương thiên, sống ở trong trạm dừng tại cổng thành này. Trưởng giả hãy đi mau lên, Trưởng giả hãy đi vội lên, quả thật đi tốt hơn là đứng lại.

“Vị trời ấy nói lên bài kệ để khuyên con như sau:

Được trăm ngựa, nữ tỳ,

Trăm xe đầy châu báu;

Không bằng phần mười sáu

Một bước đi đến Phật.

Trăm voi trắng tối thượng,

Thắng Lâm yên cương vàng bạc;

Không bằng phần mười sáu

Một bước đi đến Phật.

 [460b]Trăm nữ nhân đẹp đẽ,

Đeo chuỗi ngọc tràng hoa;

Không bằng phần mười sáu,

Một bước đi đến Phật.

Chuyển luân vương kính trọng

Báu ngọc nữ bậc nhất;

Không bằng phần mười sáu,

Một bước đi đến Phật.

“Vị trời nói tụng xong, rồi khuyên con rằng:

“– Này Trưởng giả, đi nhanh lên! Này Trưởng giả, đi nhanh lên! Quả thật đi tốt hơn đứng lại.

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, con lại nghĩ thế này: ‘Đức Phật có ân đức che chở bao trùm. Pháp và Chúng Tỳ-kheo cũng có ân đức bao trùm. Vì sao vậy? Cho đến bậc trời cũng muốn ta đến yết kiến’.

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, con do ánh sáng ấy mà đi đến Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa. Bấy giờ đêm còn chưa sáng tỏ, Đức Thế Tôn từ thiền thất đi ra, kinh hành ở khoảng đất trống để chờ con. Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, từ xa con trông thấy Đức Thế Tôn đẹp đẽ trang nghiêm như mặt trăng giữa các vì tinh tú, ánh sáng chói lọi rực rỡ, sáng rực như tòa núi toàn vàng, đầy đủ tướng tốt, oai thần vời vợi, các căn tịch tĩnh, chẳng có gì che khuất, thành tựu điều ngự, tức tâm tĩnh mặc. Con thấy rồi, liền hoan hỷ đi đến trước Đức Phật, đảnh lễ sát dưới chân, rồi kinh hành theo Ngài, theo pháp của bậc Trưởng giả mà nói bài tụng thăm hỏi rằng:

Thế Tôn ngủ an ổn,

Đến trọn đêm khỏe chăng?

Bà-la-môn diệt độ,

Vì không nhiễm trước dục.

Xả ly tất cả nguyện,

Được an ổn vô cùng.

Tâm trừ không nóng bức

Ngủ an lạc vui vẻ.

“Bấy giờ Đức Thế Tôn vừa đi đến cuối đường kinh hành, liền trải ni-sư-đàn, ngồi kiết già. Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất. Lúc ấy, con đảnh lễ dưới chân Phật rồi ngồi sang một bên. Đức Thế Tôn thuyết pháp cho con, khai thị, giáo giới, làm cho lợi ích, khiến cho hoan hỷ, như pháp thông lệ của chư Phật, trước nói pháp đoan chánh, để người nghe hoan hỷ. Đó là nói thí, nói giới, nói pháp sanh thiên, chê dục vọng là tai họa, sanh tử là nhơ uế; ngợi khen vô dục là đạo phẩm vi diệu, bạch tịnh. Đức Thế Tôn nói những pháp như vậy cho con nghe rồi, Đức Phật biết con có tâm hoan hỷ, tâm cụ túc, tâm nhu nhuyến, tâm kham nhẫn, tâm vươn lên, tâm chuyên nhất, tâm không nghi, tâm không che lấp, có khả năng kham thọ chánh pháp, nghĩa là những điều chánh yếu nào mà chư Phật nói ra; Thế Tôn liền nói: Khổ, Tập, Diệt, Đạo cho con. Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, ngay khi con ngồi đấy đã thấy được bốn Thánh đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng như tấm vải trắng dễ nhuộm thành màu sắc, con cũng như vậy, [460c] ngay trên chỗ đang ngồi đã thấy bốn Thánh đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, con đã thấy pháp, đắc pháp, giác ngộ pháp bạch tịnh, đoạn nghi, độ hoặc, không còn tôn sùng ai, cũng chẳng theo người khác, không còn do dự, đã trụ nơi quả chứng, được sự không sợ hãi đối với giáo pháp Đức Thế Tôn, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Đức Thế Tôn bạch rằng:

“– Bạch Thế Tôn, con hôm nay tự quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Xin nguyện Thế Tôn chấp nhận cho con làm Ưu-bà-tắc; bắt đầu từ hôm nay sẽ trọn đời tự quy y, cho đến lúc mạng chung.

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, con liền chắp tay thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, ngưỡng mong Thế Tôn nhận lời mời của con cùng Chúng Tỳ-kheo đến nước Xá-vệ để an cư mùa mưa.

“Lúc ấy Đức Thế Tôn hỏi con rằng:

“– Ông tên là gì, nhân dân nước Xá-vệ gọi ông là gì?

“Con liền trả lời rằng:

“– Con tên là Tu-đạt-đa [87]. Vì con thường cung cấp cho những người cô độc, do đó nhân dân nước Xá-vệ gọi con là Cấp Cô Độc [88].

“Bấy giờ Đức Thế Tôn lại hỏi con rằng:

“– Tại nước Xá-vệ, ông đã có phòng xá gì chưa?

“Con trả lời rằng:

“– Tại nước Xá-vệ con chưa có phòng xá gì cả.

“Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo con rằng:

“– Nếu có phòng xá thì các Tỳ-kheo mới có thể vãng lai, mới có thể trú ngụ được.

“Con lại thưa rằng:

“– Thật vậy, bạch Thế Tôn. Vì thế con sẽ xây cất phòng xá để các thầy Tỳ-kheo có thể vãng lai, và có thể trú ngụ nước Xá-vệ. Mong Đức Thế Tôn cho một vị đến giúp con.

“Bấy giờ Đức Thế Tôn liền sai Tôn giả Xá-lợi-phất; khiến Tôn giả Xá-lợi-phất đến giúp đỡ [89].

“Bấy giờ sau khi nghe Đức Phật dạy xong, con khéo léo ghi nhớ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Phật, đi quanh ba vòng rồi ra về.

“Khi công việc cần làm tại thành Vương xá đã hoàn tất, con cùng Tôn giả Xá-lợi-phất đi đến nước Xá-vệ. Nhưng không vào nước Xá-vệ, cũng chẳng trở về nhà mà lập tức đi dạo khắp nơi bên ngoài thành để xem chỗ nào có thể đi lại tốt nhất, ban ngày không ồn ào, ban đêm thì tịch tĩnh, không có muỗi mòng, cũng không ruồi bọ, không lạnh, không nóng, có thể xây phòng xá để cúng dường Đức Phật và đại chúng.

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, bấy giờ con chỉ thấy vườn của Thắng Lâm Đồng tử [90] là đi lại tốt nhất, ban ngày không ồn ào, ban đêm thì tịch tĩnh, không có muỗi mòng, cũng không ruồi bọ, không lạnh, không nóng. Con thấy rồi liền suy nghĩ thế này: ‘Chỉ có chỗ này là tốt nhất để xây cất phòng xá để cúng dường Phật và đại chúng’. Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, lúc ấy con vào nước Xá-vệ, nhưng cũng chưa về nhà, liền đi đến chỗ Thắng Lâm Đồng tử thưa rằng:

“– Thưa Đồng tử, ngài có thể bán khu vườn kia lại cho tôi không?

“Bấy giờ Đồng tử bảo con rằng:

“– Trưởng giả nên biết, tôi không bán khu vườn đâu.

“Cứ như vậy lần hai rồi lần ba, con thưa rằng:

“– Thưa Đồng tử, ngài có thể bán khu vườn kia lại cho tôi không?

“Bấy giờ Đồng tử cũng lại lần thứ hai, lần thứ ba bảo rằng:

“– Tôi không bán khu vườn đâu. Chỉ khi nào ức ức [91] trải đầy.

“Con liền thưa rằng:

“– Này Đồng tử, ngài đã quyết định giá cả, chỉ còn việc trao tiền nữa thôi.

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, người thì nói đã quyết định giá cả, người thì nói chưa quyết định giá cả, cùng nhau tranh tụng lớn. Rồi dắt nhau đến pháp đình [92] nước Xá-vệ để phán quyết về việc này. Bấy giờ vị pháp quan [93] nước Xá-vệ bảo Thắng Lâm Đồng tử rằng:

“– Này Đồng tử, thế là ngươi đã quyết định giá cả rồi, chỉ còn việc nhận tiền nữa thôi.

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, con liền vào nước Xá-vệ, trở về nhà lấy tiền, dùng voi ngựa và xe cộ để chuyên chở các kho lẫm đem đến, đã xuất ra tới ức ức để trải khắp mặt đất, nhưng còn vài chỗ chưa khắp đến. Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, con nghĩ như vầy: Nên xuất ở kho nào nữa để đem đến trải khắp chỗ dư này, không thừa cũng không thiếu? Bấy giờ Thắng Lâm Đồng tử liền bảo con rằng:

“– Này Trưởng giả, nếu có ăn năn về số tiền này thì hãy tự mang trở về, khu vườn trả lại cho tôi.

“Con bảo với Đồng tử rằng:

“– Quả thật tôi không có ăn năn; mà tôi còn suy nghĩ xem nên lấy ở kho nào nữa để mang trải khắp chỗ dư này không thừa cũng không thiếu.

“Bấy giờ Thắng Lâm Đồng tử liền suy nghĩ như vầy: ‘Đức Thế Tôn hẳn là một bậc cao cả, có đức hựu lớn. Pháp và Đại chúng Tỳ-kheo hẳn cũng là rất cao cả, có đức hựu lớn. Vì sao thế? Vì có vậy mới làm cho Trưởng giả thi thiết sự cúng dường vĩ đại, coi rẻ của cải đến thế. Nay ta có lẽ xây cất nhà cổng ngay nơi này để cúng dường Đức Phật và Đại chúng Tỳ-kheo’. Rồi Thắng Lâm Đồng tử liền bảo vói con rằng:

“– Này Trưởng giả, hãy thôi đi, đừng xuất tiền để trả khoảng đất còn lại nữa. Vì ngay chỗ này tôi sẽ cất cất nhà cổng cúng dường Đức Phật và đại chúng Tỳ-kheo.

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, vì lòng từ mẫn nên con đồng ý để lại chỗ ấy cho Thắng Lâm Đồng tử.

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, rồi ngay trong mùa hạ ấy, con cho xây mười sáu dãy nhà lớn [94], sáu mươi câu-hi [95]. Tôn giả Xá-lợi-phất giúp đỡ con việc ấy. Thế nhưng Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết pháp để giáo hóa người bệnh, còn rất kỳ diệu, hy hữu hơn. Con nghe bài pháp giáo hóa người bệnh này rồi, bệnh khổ quá nặng nề ấy liền được giảm bớt, lại phát sanh ra sự an lạc vô cùng.

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, bây giờ con không còn bệnh nữa, và được an ổn. Mong Tôn giả Xá-lợi-phất [461b] ở lại đây thọ trai”.

 Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất im lặng nhận lời. Lúc ấy Trưởng giả biết Tôn giả Xá-lợi-phất đã im lặng nhận lời, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, tự mình lấy nước rửa, đem tất cả các thứ đồ ăn ngon, tinh khiết, dồi dào, các loại nhai và nuốt [96], tự tay dọn sớt, cho đến khi Tôn giả được no đủ. Ăn xong, dọn dẹp và lấy nước rửa tay xong, ông trải một chỗ ngồi nhỏ, ngồi riêng để nghe pháp.

Sau khi Trưởng giả ngồi xong, Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết pháp cho ông khai thị, giáo giới, làm cho hoan hỷ. Sau khi dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho Trưởng giả, khai thị, giáo giới, làm cho hoan hỷ rồi, Ngài từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

Bấy giờ Đức Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô lượng đại chúng vây quanh trước sau. Từ đàng xa Đức Thế Tôn thấy Tôn giả Xá-lợi-phất đi lại, liền bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Tỳ-kheo Xá-lợi-phất là bậc thông tuệ, tốc tuệ, tiệp tuệ, lợi tuệ, quảng tuệ, thâm tuệ, xuất yếu tuệ, minh đạt tuệ, biện tài tuệ, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất đã thành tựu thật tuệ [97]. Vì sao vậy? Vì về bốn hạng Tu-đà-hoàn [98] mà Ta đã nói sơ lược, thì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất triển khai thành mười hạng để nói cho Trưởng giả Cấp Cô Độc.

Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo nghe Phật nói xong hoan hỷ phụng hành. [99]

29. KINH ĐẠI CÂU-HI-LA

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại thành Vương Xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa.

Bấy giờ, vào lúc xế chiều, Tôn giả Xá-lợi-phất từ chỗ tĩnh tọa đứng dậy, đi đến chỗ Tôn giả Đại Câu-hi-la [100], chào hỏi lẫn nhau, rồi ngồi xuống một bên.

Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Đại Câu-hi-la như vầy:

“Tôi có điều muốn hỏi, mong ngài nghe cho chăng?”

Tôn giả Đại Câu-hi-la trả lời rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, ngài muốn hỏi điều gì xin cứ hỏi, tôi nghe rồi sẽ suy nghĩ”.

Tôn giả Xá-lợi-phất [461c] hỏi rằng:

“Này Hiền giả Đại Câu-hi-la, có điều kiện nào mà nhân điều kiện đó mà Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh [101] và thể nhập chánh pháp không?”

Tôn giả Đại Câu-hi-la trả lời rằng:

“Có vậy, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Đó là có Tỳ-kheo biết bất thiện và biết căn của bất thiện.

“Thế nào là biết bất thiện? Ác hành của thân là bất thiện, ác hành của khẩu là bất thiện, và ác hành của ý là bất thiện. Đó là biết bất thiện.

“Thế nào là biết bất thiện căn? Tham là căn của bất thiện, nhuế, và si là căn của bất thiện. Đó là biết căn của bất thiện.

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu có Tỳ-kheo biết bất thiện và biết căn của bất thiện như vậy, đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp.

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều kiện nào mà nhân điều kiện đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?

“Có vậy, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Đó là có Tỳ-kheo biết thiện và biết căn của thiện.

“Thế nào là biết thiện? Diệu hành của thân là thiện. Diệu hành của ý và khẩu là thiện. Đó là biết thiện.

“Thế nào là biết căn của thiện? Vô tham là căn của thiện, vô nhuế và vô si là căn của thiện. Đó là biết căn của thiện.

“Này Tôn giả Xá-lợi-phất. Nếu có Tỳ-kheo biết thiện và biết thiện căn như vậy, đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp.

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”

Tôn giả Đại Câu-hi-la trả lời rằng:

“Có, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Nghĩa là Tỳ-kheo biết như thật về thức ăn, biết như thật về tập của thức ăn, về diệt của thức ăn và đạo của thức ăn. [102]

“Thế nào là biết như thật về thức ăn? Có bốn loại thức ăn: Một là đoàn thực, thô và tế [103]; hai là xúc thực [104]; ba là ý tư thực [105]; bốn là thức thực [106]. Đó là biết như thật về thức ăn.

“Thế nào là biết như thật về tập của thức ăn [107]? Do ái mới có thức ăn. Đó là biết như thật về tập của thức ăn.

“Thế nào là biết như thật về diệt của thức ăn? Ái diệt tức là thức ăn diệt. Đó là biết như thật về diệt của thức ăn.

“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của thức ăn [108]? Tám chi Thánh đạo, từ chánh kiến cho tới chánh định là tám. [462a] Đó là biết như thật về diệt đạo của thức ăn.

“Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo biết như thật về thức ăn, biết như thật về tập của thức ăn, thực diệt và thực diệt đạo của thức ăn như vậy; đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?

“Có, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về lậu, biết như thật về tập của lậu, diệt của lậu và diệt đạo của lậu.

“Thế nào là biết như thật về lậu? Có ba lậu là dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu [109]. Đó là biết như thật về lậu.

“Thế nào là biết như thật về tập của lậu? Do vô minh mới có lậu. Đó là biết như thật về tập của lậu.

“Thế nào là biết như thật về diệt của lậu? Do vô minh diệt thì lậu diệt. Đó là biết như thật về diệt của lậu.

“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của lậu? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho tới chánh định là tám. Đó là biết như thật về diệt đạo của lậu.

“Này Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo biết như thật về lậu, biết như thật về tập của lậu, diệt của lậu và diệt đạo của lậu như vậy; đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”

“Có, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về Khổ, biết như thật về Khổ tập, Khổ diệt và Khổ diệt đạo.

“Thế nào là biết như thật về Khổ? Sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, oán tắng hội khổ, ái biệt ly khổ, sở cầu bất đắc khổ, nói tóm lại năm thủ uẩn khổ. Đó là biết như thật về khổ.

“Thế nào là biết như thật về Khổ tập? [462b] Do già-chết mới có khổ. Đó là biết như thật về khổ tập.

“Thế nào là biết như thật về Khổ diệt? Già-chết diệt tức khổ diệt. Đó là biết như về Khổ diệt.

“Thế nào là biết như thật về Khổ diệt đạo? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về Khổ diệt đạo.

“Này Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo biết như thật về Khổ, biết như thật về Khổ tập, Khổ diệt và Khổ diệt đạo như vậy, đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”

“Có, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về già chết, biết như thật về tập khởi của già chết, diệt của già chết và diệt đạo của già chết.

“Thế nào là biết như thật về già? Đó là, người kia già cả, đầu bạc, răng rụng, sự cường tráng càng ngày càng suy giảm, thân còng, chân vẹo, cơ thể nặng nề, hơi thở đưa lên, chống gậy mà đi, thịt teo rút, da nhăn như cây gai, các căn rụng rời, nhan sắc xấu xí. Đó là biết như thật về già.

“Thế nào là biết như thật về chết? Đó là, chúng sanh kia và tất cả chủng loại sai biệt của chúng sanh kia, khi mạng chung, cơn vô thường đến, thì chết rồi chôn và tan rã, tuổi thọ chấm dứt và bị phá hoại, mạng căn bế tắc; đó là của chết. Trước kia là nói về già, đây là nói về chết. Đó gọi là lão tử. Đó là biết như thật về già-chết.

“Thế nào là biết như thật về tập của già chết? Đó là, do sanh mà có già chết. Đó là biết như thật về tập của già chết.

“Thế nào là biết như thật về diệt của già chết? Đó là, sanh diệt tức già chết diệt. Đó là biết như thật về diệt của già chết.

“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của già chết? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về diệt đạo của già chết.

“Này Tôn giả Xá-lợi-phất. Nếu có Tỳ-kheo biết như thật về già chết. Biết như thật về tập của già chết, diệt của già chết và diệt đạo của già chết như vậy; đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả [462c] Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”

“Có, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về sanh, biết như thật về tập của sanh, diệt của sanh và diệt đạo của sanh.

“Thế nào là biết như thật về sanh? Đó là, chúng sanh kia và tất cả chủng loại sai biệt của chúng sanh kia, đến lúc sanh thì sanh, đến lúc xuất thì xuất, đến lúc thành thì thành; khi phát khởi năm uẩn liền có mạng căn. Đó là biết như thật về sanh.

“Thế nào là biết như thật về tập của sanh? Do hữu mà có sanh. Đó là biết như thật về tập của sanh.

“Thế nào là biết như thật về diệt của sanh? Hữu diệt tức sanh diệt. Đó là biết như thật về diệt của sanh.

“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của sanh? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về diệt đạo của sanh.

“Này Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo biết như thật về sanh, biết như thật về tập của sanh, diệt của sanh và diệt đạo của sanh như vậy; đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”

“Có, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về hữu, biết như thật về tập của hữu, diệt của hữu và diệt đạo của hữu.

“Thế nào là biết như thật về hữu? Có ba hữu: Dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu [110]. Đó là biết như thật về hữu.

“Thế nào là biết như thật về tập của hữu? Do thủ [111] mà có hữu. Đó là biết như thật về hữu tập.

“Thế nào là biết như thật về hữu diệt? Thủ diệt tức hữu diệt. Đó là biết như thật về hữu diệt.

“Thế nào là biết như thật về hữu diệt đạo? Tám chi Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về hữu diệt đạo?

“Này Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo biết như thật về hữu, biết như thật về hữu tập, hữu diệt và hữu diệt đạo như vậy; đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi hoan hỷ khen [463a] rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”

“Có, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về thủ, biết như thật về tập của thủ, diệt của thủ và diệt đạo của thủ.

“Thế nào là biết như thật về thủ? Đó là bốn thủ [112]: dục thủ, giới thủ, kiến thủ và ngã thủ. Đó là biết như thật về thủ.

“Thế nào là biết như thật về tập của thủ? Do ái mà có thủ. Đó là biết như thật về tập của thủ.

“Thế nào là biết như thật về diệt của thủ? Nghĩa là ái diệt thì thủ diệt. Đó là biết như thật về diệt của thủ.

“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của thủ? Tám chi Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về  diệt đạo của thủ.

“Này Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo biết như thật về thủ, biết như thật về tập của thủ, diệt của thủ và diệt đạo của thủ như vậy; đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”

“Có, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về ái, biết như thật về tập của ái, diệt của ái và diệt đạo của ái.

“Thế nào là biết như thật về ái? Có ba ái: dục ái, sắc ái và vô sắc ái [113]. Đó là biết như thật về ái.

“Thế nào là biết như thật về tập của ái? Do thọ [114] mà có ái. Đó là biết như thật về tập của ái.

“Thế nào là biết như thật về diệt của ái? Thọ diệt tức ái diệt. Đó là biết như thật về diệt của ái.

“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của ái? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về diệt đạo của ái.

“Này Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo biết như thật về ái, biết như thật về tập của ái, diệt của ái và diệt đạo của ái như vậy; đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập [463b] chánh pháp.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”

“Có, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về thọ, biết như thật về tập của thọ, diệt của thọ và diệt đạo của thọ.

“Thế nào là biết như thật về thọ? Có ba thọ: lạc thọ [115], khổ thọ và bất lạc bất khổ thọ. Đó là biết như thật về thọ.

“Thế nào là biết như thật về tập của thọ? Do xúc [116] mà có thọ. Đó là biết như thật về tập của thọ.

“Thế nào là biết như thật về diệt của thọ? Do xúc diệt nên thọ diệt. Đó là biết như thật về diệt của thọ.

“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của thọ? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho đến chánh định. Đó là biết như thật về diệt đạo của thọ.

“Này Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo biết như thật về thọ, biết như thật về tập của thọ, diệt của thọ và diệt đạo của thọ như vậy; đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”

“Có, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về xúc, biết như thật về tập của xúc, diệt của xúc và diệt đạo của xúc.

“Thế nào là biết như thật về xúc? Có ba xúc [117]: lạc xúc, khổ xúc và bất lạc bất khổ xúc. Đó là biết như thật về xúc.

“Thế nào là biết như thật về tập của xúc? Do sáu xứ mà có xúc. Đó là biết như thật về tập của xúc.

“Thế nào là biết như thật về diệt của xúc? Sáu xứ diệt tức xúc diệt. Đó là biết như thật về diệt của xúc.

“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của xúc? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về diệt đạo của xúc.     

“Này Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo biết như thật về xúc, biết như thật về tập của xúc, diệt của xúc và diệt đạo của xúc như vậy; đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”

“Có, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về sáu xứ [118], biết như thật về tập của sáu xứ, diệt của sáu xứ và diệt đạo của sáu xứ.

“Thế nào là biết như thật về sáu xứ? Nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ. Đó là biết như thật về sáu xứ.

“Thế nào là biết như thật về tập của sáu xứ? Do danh sắc mà có sáu xứ. Đó là biết như thật về tập của sáu xứ.

“Thế nào là biết như thật về diệt của sáu xứ? Danh sắc diệt tức sáu xứ diệt. Đó là biết như thật về diệt của sáu xứ.

“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của sáu xứ? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về diệt đạo của sáu xứ.

“Này Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo biết như thật về sáu xứ, biết như thật về tập của sáu xứ, diệt của sáu xứ và diệt đạo của sáu xứ như vậy; đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”

“Có, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, đó là có Tỳ-kheo biết như thật về danh sắc [119], biết như thật về tập của danh sắc, diệt của danh sắc và diệt đạo của danh sắc.

“Thế nào là biết như thật về danh sắc? Đó là bốn uẩn phi sắc [120] là danh. Thế nào là biết về sắc? Bốn đại [121] và sắc do bốn đại tạo [122]. Đây là nói về sắc. Trước đó nói về danh, đó là danh sắc. Đó là biết như thật về danh sắc.

Thế nào là biết như thật về tập của danh sắc? Do thức mà có danh sắc. Đó là biết như thật về tập của danh sắc.

“Thế nào là biết như thật về diệt của danh sắc? Thức [464a] diệt tức danh sắc diệt? Đó là biết như thật về diệt của danh sắc.

“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của danh sắc? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về diệt đạo của danh sắc.

“Này Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo biết như thật về danh sắc, biết như thật về tập của danh sắc, diệt của danh sắc và diệt đạo của danh sắc như vậy; đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”

“Có, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về thức [123], biết như thật về tập của thức, diệt của thức và diệt đạo của thức.

“Thế nào là biết như thật về thức? Có sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Đó là biết như thật về thức.

“Thế nào là biết như thật về tập của thức? Do hành mà có thức. Đó là biết như thật về tập của thức.

“Thế nào là biết như thật về diệt của thức? Hành diệt tức thức diệt. Đó là biết như thật về diệt của thức.

“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của thức? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về diệt đạo của thức.

“Này Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo biết như thật về thức, biết như thật về tập của thức, diệt của thức và diệt đạo của thức như vậy, đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”

“Có, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về hành [124], biết như thật về tập của hành, diệt của hành và diệt đạo của hành.

“Thế nào là biết như thật về hành? Có ba hành [125]: thân hành, khẩu hành và ý hành. Đó là biết như thật về hành.

“Thế nào là biết như thật về tập của hành? [464b] Do vô minh mà có hành. Đó là biết như thật về tập của hành.

“Thế nào là biết như thật về diệt của hành? Vô minh diệt tức hành diệt. Đó là biết như thật về diệt của hành.

“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của hành? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về diệt đạo của hành.

“Này Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo biết như thật về hành, biết như thật về tập của hành, diệt của hành và diệt đạo của hành như vậy, đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hi-la, nếu có Tỳ-kheo mà vô minh đã dứt, minh đã phát sanh, thì vị ấy còn phải làm những gì nữa?”

Tôn giả Đại Câu-hi-la trả lời rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo nào mà vô minh đã dứt, minh đã phát sanh, thì vị ấy không còn gì phải làm nữa.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:

“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”

Tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.

Hai vị Tôn giả cùng nhau nói về nghĩa như vậy, thảy đều hoan hỷ phụng hành, từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

30. KINH TƯỢNG TÍCH DỤ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Này Chư Hiền, nếu có vô lượng thiện pháp, thì tất cả các thiện pháp ấy đều thu nhiếp vào bốn Thánh đế, đi vào trong bốn Thánh đế. Nghĩa là, trong tất cả pháp, bốn Thánh đế là tối thượng bậc nhất. Vì sao thế? Vì nhiếp thọ tất cả các thiện pháp.

“Này Chư Hiền, cũng như trong các dấu chân của loài thú vật, dấu chân voi là bậc nhất. Vì sao thế? Vì dấu chân voi rất là to lớn vậy. Cũng vậy, này Chư Hiền, có vô lượng thiện pháp, thì tất cả các thiện pháp ấy đều thu nhiếp vào bốn Thánh đế, đi vào trong bốn Thánh đế. Nghĩa là trong tất cả pháp, bốn Thánh đế là tối thượng bậc nhất.

“Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập, Khổ diệt và Khổ diệt đạo Thánh đế.

“Này Chư Hiền, thế nào là Khổ Thánh đế? Đó là, sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, oán ghét mà tự hội là khổ, thương yêu [464c] mà biệt ly là khổ, mong cầu mà không được là khổ, nói tóm lược năm thủ uẩn là khổ.

“Này Chư Hiền, những gì là năm thủ uẩn? Đó là sắc thủ uẩn, thọ, tưởng hành và thức thủ uẩn.

“Này Chư Hiền, cái gì là sắc thủ uẩn? Những gì có sắc, tất cả đều là bốn đại và bốn đại tạo.

“Này Chư Hiền, những gì là bốn đại? Đó là địa giới, thủy giới, hỏa giới và phong giới.

“Này Chư Hiền, cái gì là địa giới? Chư Hiền, địa giới có hai, có nội địa giới và có ngoại địa giới.

“Này Chư Hiền, những gì là nội địa giới [126]? Đó là, những gì ở trong thân, được thâu nhiếp trong thân như vật cứng, có tính chất cứng, được chấp thủ bên trong. [127] Đó là những gì? Đó là tóc, lông, móng, răng, da thô và mịn, thịt, gân, xương, tim, thận, gan, phổi, lá lách, ruột, bao tử, phẩn và những thứ khác tương tự như vậy ở trong thân, được thâu nhiếp bên trong, có tính chất cứng, được chấp thủ bên trong. Đó là nội địa giới.

“Này Chư Hiền, ngoại địa giới, đó là lớn, là tịnh, là không đáng tởm [128]. “Này Chư Hiền, có lúc bị thủy tai, khi ấy ngoại địa giới tiêu diệt [129].

“Này Chư Hiền, ngoại địa giới này cực kỳ lớn, cực kỳ tịnh, cực kỳ không đáng tởm. Đó là pháp vô thường, pháp cùng tận, pháp suy vong, pháp biến dịch, huống là xác thân tạm thời đình trú, được duy trì chấp thủ bởi tham ái này. Nghĩa là kẻ phàm phu ngu si, không đa văn, suy nghĩ như vầy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. [130] Đa văn Thánh đệ tử không nghĩ như vậy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Vị ấy vì sao nghĩ như vậy? Nếu có người khác mắng chửi, đánh đập, giận giữ, quở trách, thì vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra khổ này là từ nhân duyên, chứ không phải không có nhân duyên. Cái gì là duyên? Duyên vào khổ xúc’. Vị ấy quán xúc là vô thường; rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. [131] Sau đó, có người đến nói với vị ấy bằng lời lẽ dịu dàng. Vị ấy suy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra sự lạc này là từ nhân duyên chớ không phải không nhân duyên. Cái gì là duyên? Duyên vào lạc xúc’. Vị ấy quán xúc là vô thường, rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó, hoặc có người thơ ấu, niên thiếu, trung niên hay trưởng lão đến làm việc không xứng ý với vị ấy; hoặc nắm tay thoi, hoặc lấy đá ném, hoặc dao, hoặc gậy đập. Vị ấy suy nghĩ thế này: ‘Ta thọ thân này vốn là sắc pháp, thô chất, thuộc bốn đại chủng, do cha mẹ sanh, được nuôi lớn bằng ăn uống, được che kín bởi y phục, được chăm sóc bằng tắm rửa, nằm ngồi bồng bế; nó là pháp phá hoại, pháp diệt tận, pháp ly tán. [465a] Ta vì thân này mà đến nỗi bị tay thoi, đá ném, dao gậy đập’. Do lẽ đó vị kia rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Ta thọ thân này đáng để cho tay thoi, đá ném, dao gậy đập, chỉ nên siêng năng học giáo pháp của Đức Thế Tôn’.

“Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy: ‘Giả sử có giặc cướp đến cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra. Nếu ngươi khi bị giặc cướp cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra, mà tâm ngươi hoặc biến dịch, hoặc nói năng hung dữ, tức các ngươi đã suy thối. Các ngươi nên nghĩ như vầy: giả sử có kẻ giặc cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ta ra, mong sao nhân đó mà tâm ta không biến dịch, không nói năng hung dữ, sẽ khởi tâm thương xót đối với người đến xẻ manh mún thân thể ta ra; vì người đó mà tâm ta câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng thế với hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến mãn tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, quảng đại, vô biên, vô lượng, kéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ’.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo kia, nếu do Phật, Pháp và Chúng, mà vẫn không an trú nơi xả tương ứng với thiện, thì này Chư Hiền, Tỳ-kheo ấy nên hổ thẹn, nên xấu hổ rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’.

“Này Chư Hiền, như người dâu lúc mới rước về, gặp mặt cha mẹ chồng, hay gặp người chồng của mình thì xấu hổ, thẹn thùng. [132] Này Chư Hiền, nên biết, Tỳ-kheo kia cũng lại như vậy, nên xấu hổ thẹn thùng rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’. Người ấy do hổ thẹn xấu hổ, nên liền an trú nơi xả tương ứng với thiện. Đó là diệu, là tịnh, là tịch diệt, nghĩa là xả ly tất cả hữu [133], lìa ái, vô dục, diệt tận hoàn toàn. Này Chư Hiền, đó là Tỳ-kheo học tất cả đại.

“Này Chư Hiền, cái gì là thủy giới [134]? Chư Hiền, thủy giới có hai; có nội thủy giới và có ngoại thủy giới. Chư Hiền, cái gì là nội thủy giới? Đó là ở trong thân, được thâu nhiếp bên trong thân, những gì là nước, thuộc về nước, ẩm ướt, bị chấp thủ bên trong. Đó là những gì? Đó là mỡ, óc [135], nước mắt, mồ hôi, nước mũi, nước miếng, mủ, máu, tủy, nước dãi, nước tiểu, tất cả những chất khác tương tự như vậy ở trong thân, được thâu nhiếp bên trong thân, những gì là nước, thuộc về nước, ẩm ướt, bị chấp thủ bên trong. Này Chư Hiền, đó là nội thủy [465b] giới.

“Này Chư Hiền, ngoại thủy giới, đó là lớn, là tịnh, là không đáng tởm. “Này Chư Hiền, có lúc bị hỏa tai, khi ấy ngoại thủy giới tiêu diệt [136].

“Này Chư Hiền, ngoại địa giới này cực kỳ lớn, cực kỳ tịnh, cực kỳ không đáng tởm. Đó là pháp vô thường, pháp cùng tận, pháp suy vong, pháp biến dịch, huống là xác thân tạm thời đình trú, được duy trì chấp thủ bởi tham ái này [137]. Nghĩa là kẻ phàm phu ngu si, không đa văn, suy nghĩ như vầy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Đa văn Thánh đệ tử không nghĩ như vậy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Vị ấy vì sao nghĩ như vậy? Nếu có người khác mắng chửi, đánh đập, giận giữ, quở trách, thì vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra khổ này là từ nhân duyên, chứ không phải không có nhân duyên’. Cái gì là duyên? Duyên vào khổ xúc. Vị ấy quán xúc là vô thường; rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó, có người đến nói với vị ấy bằng lời lẽ dịu dàng, vị ấy suy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra sự lạc này là từ nhân duyên chớ không phải không nhân duyên’. Cái gì là duyên? Duyên vào lạc xúc. Vị ấy quán xúc là vô thường, rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó, hoặc có người thơ ấu, niên thếu, trung niên hay trưởng lão đến làm việc không xứng ý với vị ấy; hoặc nắm tay thoi, hoặc lấy đá ném, hoặc dao, hoặc gậy đập. Vị ấy suy nghĩ thế này: ‘Ta thọ thân này vốn là sắc pháp, thô chất, thuộc bốn đại chủng, do cha mẹ sanh, được nuôi lớn bằng ăn uống, được che kín bởi y phục, được chăm sóc bằng tắm rửa, nằm ngồi bồng bế; nó là pháp phá hoại, pháp diệt tậân, pháp ly tán. Ta vì thân này mà đến nỗi bị tay thoi, đá ném, dao gậy đập’. Do lẽ đó vị kia rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Ta thọ thân này đáng để cho tay thoi, đá ném, dao gậy đập, chỉ nên siêng năng học giáo pháp của Đức Thế Tôn’.

“Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy: ‘Giả sử có giặc cướp đến cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra. Nếu ngươi khi bị giặc cướp cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra, mà tâm ngươi hoặc biến dịch, hoặc nói năng hung dữ, tức các ngươi đã suy thối. Các ngươi nên nghĩ như vầy: giả sử có kẻ giặc cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ta ra, mong sao nhân đó mà tâm ta không biến dịch, không nói năng hung dữ, [465c] mà nên khởi tâm thương xót đối với người đến xẻ manh mún thân thể ta ra; vì người đó mà tâm ta câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng thế với hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến mãn tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, quảng đại, vô biên, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ’.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo kia, nếu do Phật, Pháp và Chúng, mà vẫn không an trú nơi xả tương ứng với thiện, thì này Chư Hiền, Tỳ-kheo ấy nên hổ thẹn, nên xấu hổ rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’.

“Này Chư Hiền, như người dâu lúc mới rước về, gặp mặt cha mẹ chồng, hay gặp người chồng của mình thì xấu hổ, thẹn thùng. Này Chư Hiền, nên biết, Tỳ-kheo kia cũng lại như vậy, nên xấu hổ thẹn thùng rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’. Người ấy do hổ thẹn, xấu hổ, nên liền an trú nơi xả tương ứng với thiện. Đó là diệu, là tịnh, là tịch diệt, nghĩa là xả ly tất cả hữu, lìa ái, vô dục, diệt tận hoàn toàn. Này Chư Hiền, đó là Tỳ-kheo học tất cả đại.

“Này Chư Hiền, thế nào là hỏa giới? Này Chư Hiền, hỏa giới có hai; có nội hỏa giới và có ngoại hỏa giới. [138] Này Chư Hiền, thế nào là nội hỏa giới? Đó là ở trong thân, được thâu nhiếp ở trong thân, những gì là lửa, có tính chất nóng, được chấp thủ trong thân. Đó là những gì? Đó là, thân nóng hấp, thân nóng bức, bức rức, ấm áp, và sự tiêu hóa ẩm thực, tất cả những chất khác tương tự như vậy ở trong thân, được thâu nhiếp bên trong thân, thuộc tính nóng, được chấp thủ bên trong. Này Chư Hiền, đó là nội hỏa giới.

“Này Chư Hiền, ngoại hỏa giới, đó là lớn, là tịnh, là không đáng tởm.

“Này Chư Hiền, có lúc khi ngoại hỏa giới phát khởi, nó đốt cháy thôn ấp, thành quách, núi rừng, đồng ruộng; cháy như vậy rồi lan đến đường cái, đến sông nước, cho đến khi không còn gì cháy mới tắt. Chư Hiền, sau khi ngoại hỏa giới diệt, nhân dân muốn lấy lửa hoặc dùng gỗ hay tre cọ vào nhau, hoặc dùng đá lửa bằng châu ngọc [139].

“Này Chư Hiền, ngoại hỏa giới này cực kỳ lớn, cực kỳ tịnh, cực kỳ không đáng tởm. Đó là pháp vô thường, pháp cùng tận, pháp suy vong, pháp biến dịch, huống là xác thân tạm thời đình trú, được duy trì chấp thủ bởi tham ái này. Nghĩa là kẻ phàm phu ngu si, không đa văn, suy nghĩ như vầy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Đa văn Thánh đệ tử không nghĩ như vậy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Vị ấy vì sao nghĩ như vậy? Nếu có người khác mắng chửi, đánh đập, giận dữ, quở trách, thì vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra [466a] khổ này là từ nhân duyên, chứ không phải không có nhân duyên’. Cái gì là duyên? Duyên vào khổ xúc. Vị ấy quán xúc là vô thường; rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó, có người đến nói với vị ấy bằng lời lẽ dịu dàng, vị ấy suy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra sự lạc này là từ nhân duyên chớ không phải không nhân duyên’. Cái gì là duyên? Duyên vào lạc xúc. Vị ấy quán xúc là vô thường, rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó, hoặc có người thơ ấu, niên thiếu, trung niên hay trưởng lão đến làm việc không xứng ý với vị ấy; hoặc nắm tay thoi, hoặc lấy đá ném, hoặc dao, hoặc gậy đập. Vị ấy suy nghĩ thế này: ‘Ta thọ thân này vốn là sắc pháp, thô chất, thuộc bốn đại chủng, do cha mẹ sanh, được nuôi lớn bằng ăn uống, được che kín bởi y phục, được chăm sóc bằng tắm rửa, nằm ngồi bồng bế; nó là pháp phá hoại, pháp diệt tậân, pháp ly tán. Ta vì thân này mà đến nỗi bị tay thoi, đá ném, dao gậy đập’. Do lẽ đó vị kia rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Ta thọ thân này đáng để cho tay thoi, đá ném, dao gậy đập, chỉ nên siêng năng học giáo pháp của Đức Thế Tôn’.

“Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy: ‘Giả sử có giặc cướp đến cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra. Nếu ngươi khi bị giặc cướp cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra, mà tâm ngươi hoặc biến dịch, hoặc nói năng hung dữ, tức các ngươi đã suy thối. Các ngươi nên nghĩ như vầy: Giả sử có kẻ giặc cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ta ra, mong sao nhân đó mà tâm ta không biến dịch, không nói năng hung dữ, sẽ khởi tâm thương xót đối với người đến xẻ manh mún thân thể ta ra; vì người đó mà tâm ta câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng thế với hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến mãn tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, quảng đại, vô biên, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ’.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo kia, nếu do Phật, Pháp và Chúng, mà vẫn không an trú nơi xả tương ứng với thiện, thì này Chư Hiền, Tỳ-kheo ấy nên hổ thẹn, nên xấu hổ rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’.

“Này Chư Hiền, như người dâu lúc mới rước về, gặp mặt cha mẹ chồng, hay gặp người chồng của mình thì xấu hổ, thẹn thùng. Này Chư Hiền, nên biết, Tỳ-kheo kia cũng lại như vậy, nên xấu hổ thẹn thùng rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’. Người ấy do hổ thẹn xấu hổ, nên liền an trú nơi xả tương ứng với thiện. Đó là diệu, là tịnh, là tịch diệt, nghĩa là xả tất cả hữu, lìa ái, vô dục, diệt tận hoàn toàn. Này Chư Hiền, đó là Tỳ-kheo học tất cả đại.

“Này Chư Hiền, thế nào là phong giới? Này Chư Hiền, ở đây phong giới có hai; có nội phong giới và ngoại phong giới. [140] Này Chư Hiền, thế nào là nội phong giới? Đó là ở trong thân, được thâu nhiếp ở trong thân những gì là gió, thuộc tính chuyển động của gió, bị chấp thủ bên trong. Đó là những gì? Đó là gió đi lên, gió đi xuống, gió trong bụng, gió ngang [141], gió co thắt lại, gió như dao cắt [142], gió nhảy lên, gió phi đạo, gió thổi qua tay chân, gió của hơi thở ra, gió của hơi thở vào, tất cả những chất khác tương tự như vậy ở trong thân, được thâu nhiếp bên trong thân, những gì là gió, thuộc tính chuyển động của gió, được chấp thủ bên trong. Này Chư Hiền, đó là nội phong giới.

“Này Chư Hiền, ngoại phong giới, đó là lớn, là tịnh, là không đáng tởm.

“Này Chư Hiền, có lúc ngoại phong giới phát khởi lên. Khi ngoại phong giới phát khởi thì nhà sập, cây bị tróc, núi lở; khi núi non đã lở rồi, gió liền dừng lại, mảy lông cũng chẳng lay động. Này Chư Hiền, sau khi ngoại phong giới dừng lại, nhân dân tìm kiếm gió, hoặc dùng quạt, hặc dùng lá đa, hoặc dùng áo tìm gió.

“Này Chư Hiền, ngoại phong giới này cực kỳ lớn, cực kỳ tịnh, cực kỳ không đáng tởm. Đó là pháp vô thường, pháp cùng tận, pháp suy vong, pháp biến dịch, huống là xác thân tạm thời đình trú, được duy trì chấp thủ bởi tham ái này. Nghĩa là kẻ phàm phu ngu si, không đa văn, suy nghĩ như vầy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Đa văn Thánh đệ tử không nghĩ như vậy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Vị ấy vì sao nghĩ như vậy? Nếu có người khác mắng chửi, đánh đập, giận giữ, quở trách, thì vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra khổ này là từ nhân duyên, chứ không phải không có nhân duyên’. Cái gì là duyên? Duyên vào khổ xúc. Vị ấy quán xúc là vô thường; rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó có người đến nói với vị ấy bằng lời lẽ dịu dàng, vị ấy suy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra sự lạc này là từ nhân duyên chớ không phải không nhân duyên’. Cái gì là duyên? Duyên vào lạc xúc. Vị ấy quán xúc là vô thường, rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. [466c] Sau đó, hoặc có người thơ ấu, niên thiếu, trung niên hay trưởng lão đến làm việc không xứng ý với vị ấy; hoặc nắm tay thoi, hoặc lấy đá ném, hoặc dao, hoặc gậy đập. Vị ấy suy nghĩ thế này: ‘Ta thọ thân này vốn là sắc pháp, thô chất, thuộc bốn đại chủng, do cha mẹ sanh, được nuôi lớn bằng ăn uống, được che kín bởi y phục, được chăm sóc bằng tắm rửa, nằm ngồi bồng bế; nó là pháp phá hoại, pháp diệt tậân, pháp ly tán. Ta vì thân này mà đến nỗi bị tay thoi, đá ném, dao gậy đập’. Do lẽ đó vị kia rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Ta thọ thân này đáng để cho tay thoi, đá ném, dao gậy đập, chỉ nên siêng năng học giáo pháp của Đức Thế Tôn’.

“Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy: ‘Giả sử có giặc cướp đến cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra. Nếu ngươi khi bị giặc cướp cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra, mà tâm ngươi hoặc biến dịch, hoặc nói năng hung dữ, tức các ngươi đã suy thối. Các ngươi nên nghĩ như vầy: giả sử có kẻ giặc cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ta ra, mong sao nhân đó mà tâm ta không biến dịch, không nói năng hung dữ, sẽ khởi tâm thương xót đối với người đến xẻ manh mún thân thể ta ra; vì người đó mà tâm ta câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng thế với hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến mãn tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, quảng đại, vô biên, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ’.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo kia, nếu do Phật, Pháp và Chúng, mà vẫn không an trú nơi xả tương ứng với thiện, thì này Chư Hiền, Tỳ-kheo ấy nên hổ thẹn, nên xấu hổ rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’.

“Này Chư Hiền, như người dâu lúc mới rước về, gặp mặt cha mẹ chồng, hay gặp người chồng của mình thì xấu hổ, thẹn thùng. Này Chư Hiền, nên biết, Tỳ-kheo kia cũng lại như vậy, nên xấu hổ thẹn thùng rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’. Người ấy do hổ thẹn xấu hổ, nên liền an trú nơi xả tương ứng với thiện. Đó là diệu, là tịnh, là tịch diệt, nghĩa là xả tất cả hữu, lìa ái, vô dục, diệt tận hoàn toàn. Này Chư Hiền, đó là Tỳ-kheo học tất cả đại.

“Này Chư Hiền, cũng như nhờ cây gỗ, nhờ bùn đất, nhờ cỏ và nước, che kín trong một khoảng không nên sanh ra cái tên gọi là ‘nhà’. Chư Hiền, nên biết, thân này cũng lại như vậy, nhờ gân cốt, nhờ da dẻ, nhờ thịt, máu bao bọc một khoảng không [467a] nên sanh ra cái tên gọi là ‘thân’. [143]

“Này Chư Hiền, như có người bị hư nhãn xứ bên trong, nên ngoại sắc không được ánh sáng rọi đến, thành ra không có niệm [144] và nhãn thức không phát sanh. Này Chư Hiền, nếu nội nhãn xứ không bị hư hoại thì ngoại sắc sẽ được ánh sáng rọi đến và liền có niệm, nên sanh ra nhãn thức.

“Này Chư Hiền, nhãn xứ bên trong và sắc, cùng với nhãn thức biết ngoại sắc, đó thuộc về sắc uẩn. Nếu có thọ, đó là thọ uẩn. Nếu có tưởng thì đó là tưởng uẩn. Nếu có tư thì đó là tư uẩn. Nếu có thức thì đó là thức uẩn. Như vậy quán sát sự hội hợp của các uẩn.

“Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy: ‘Nếu ai thấy duyên khởi tức thấy pháp; nếu thấy pháp tức thấy duyên khởi [145]’. Vì sao thế? Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn nói năm thủ uẩn từ nhân duyên mà sanh. Sắc thủ uẩn; thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn cũng vậy.

“Này Chư Hiền, nếu nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý xứ bên trong bị hư hoại thì các pháp bên ngoài sẽ không được ánh sáng rọi đến nên không có niệm, do đó ý thức không sanh khởi được. Này Chư Hiền, nếu nội ý xứ không bị hư hoại thì pháp bên ngoài sẽ được ánh sáng rọi đến và liền có niệm nên sanh ra ý thức [146].

“Này Chư Hiền, ý thức bên trong và pháp cùng với ý thức biết sắc pháp bên ngoài, đó thuộc về sắc uẩn. Nếu có thọ, đó là thọ uẩn. Nếu có tưởng thì đó là tưởng uẩn. Nếu có tư thì đó là tư uẩn. Nếu có thức thì đó là thức uẩn. Như vậy quán sát sự hội hợp của các uẩn.

“Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy: ‘Nếu ai thấy duyên khởi tức thấy pháp; nếu thấy pháp tức thấy duyên khởi’. Vì sao thế? Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn nói năm thủ uẩn từ nhân duyên mà sanh. Sắc thủ uẩn; thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn cũng vậy. Vị ấy nhàm tởm năm thủ uẩn này, thuộc trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai này, do nhàm tởm nên vô dục, vô dục liền giải thoát, giải thoát rồi liền biết giải thoát, biết một cách như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Này Chư Hiền, đó là Tỳ-kheo đã học tất cả về đại”.

Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết xong, hoan hỷ phụng hành.

31. KINH PHÂN BIỆT THÁNH ĐẾ

 [467b1] Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc [147].

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Đây là pháp dược tuyên thuyết chân chánh vạn hành [148], tức là bốn Thánh đế, được thâu nhiếp toàn diện, được quán chiếu toàn diện, được phân biệt, được phơi mở, được mở bày, được thi thiết, được hiển thị, được thú hướng [149].

“Trong quá khứ, các Đức Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, cũng có sự công bố chánh pháp tối thượng này, tức là bốn Thánh đế, được thâu nhiếp toàn diện, được quán chiếu toàn diện, được phân biệt, được phơi mở, được mở bày, được thi thiết, được hiển thị, được thú hướng.

“Trong đời vị lai, các Đức Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, cũng có sự công bố chánh pháp tối thượng này, tức là bốn Thánh đế, được thâu nhiếp toàn diện, được quán chiếu toàn diện, được phân biệt, được phơi mở, được mở bày, được thi thiết, được hiển thị, được thú hướng.

“Trong đời hiện tại, Ta là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, cũng có sự công bố chánh pháp tối thượng này, tức là bốn Thánh đế, được thâu nhiếp toàn diện, được quán chiếu toàn diện, được phân biệt, được phơi mở, được mở bày, được thi thiết, được hiển thị, được thú hướng.

“Tỳ-kheo Xá-lợi-phất [150] là bậc thông tuệ [151], tốc tuệ, tiệp tuệ, lợi tuệ, quảng tuệ, thâm tuệ, xuất yếu tuệ, minh đạt tuệ, biện tài tuệ. Tỳ-kheo Xá-lợi-phất thành tựu thật tuệ. Vì sao vậy? Vì ta nói sơ lược về bốn Thánh đế thế này, thì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất có thể vì người khác mà giáo hóa toàn diện, quán chiếu toàn diện, phân biệt, phơi mở, mở bày, thi thiết hiển thị, thú hướng.

“Khi Tỳ-kheo Xá-lợi-phất giáo hóa toàn diện, quán sát toàn diện, phân biệt, phơi mở, mở bày, thi thiết, hiển thị, thú hướng, làm cho vô lượng người đạt đến chánh quán. Tỳ-kheo Xá-lợi-phất có khả năng hướng dẫn bằng chánh kiến vậy.

“Tỳ-kheo Mục-kiền-liên có khả năng làm cho đứng vững nơi chân tế tối thượng [152], nghĩa là cứu cánh lậu tận. Tỳ-kheo Xá-lợi-phất sanh ra các đồng phạm hạnh, cũng như sanh mẫu; Tỳ-kheo Mục-kiền-liên trưởng dưỡng các đồng phạm hạnh cũng như dưỡng mẫu. Do đó các đồng phạm hạnh nên phụng sự, cung kính cúng dường, lễ bái Tỳ-kheo Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Vì sao vậy? Vì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên mong cầu phước lợi và thiện ích, cũng cầu sự an ổn và khoái lạc cho các đồng phạm hạnh”.

Sau khi Đức Thế Tôn nói như vậy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh thất tĩnh tọa. Lúc đó, Tôn giả Xá-lợi-phất nói với các Tỳ-kheo:

“Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn vì chúng ta mà xuất hiện thế gian, vì mọi người mà giáo hóa, khai thị toàn diện, phân biệt, phơi mở, mở bày, thi thiết, hiển thị, thú hướng bốn Thánh đế này.

“Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập, Khổ diệt, Khổ diệt đạo Thánh đế.

“Này Chư Hiền, thế nào là Khổ Thánh đế? Đó là sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, oán tắng hội khổ, ái biệt ly khổ, [467c] sở cầu không toại khổ, tóm lại năm thủ uẩn là khổ [153].

“Này Chư Hiền, nói sanh là khổ; nói thế là vì lẽ gì? Này Chư Hiền, sanh là chúng sanh kia, với chủng loại sai biệt của chúng sanh kia, sanh thì sanh, xuất hiện thì xuất hiện, thành hình thì thành hình, hiện khởi [154] năm uẩn, đã có mạng căn. Như vậy gọi là sanh.

“Này Chư Hiền, sanh là khổ, đó là chúng sanh khi sanh thân nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện [155]. Tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Này Chư Hiền, vì lẽ ấy mà nói sanh là khổ.

“Này Chư Hiền, nói già là khổ; nói thế là vì lẽ gì? Này Chư Hiền, già nghĩa là chúng sanh kia, với chủng loại sai biệt của chúng sanh kia, kẻ kia trở nên già yếu, đầu bạc răng rụng, sự cường tráng ngày càng suy yếu, thân còng, chân vẹo, cơ thể nặng nề, hơi thở đưa lên, phải chống gậy mà đi, thịt rút, da nhăn, xù xì như cây gai, các căn hư hoại, nhan sắc xấu xí. Như vậy gọi là già.

“Này Chư Hiền, già là khổ, là chúng sanh khi già thì thân nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Này Chư Hiền, vì lẽ ấy mà nói già là khổ.

“Này Chư Hiền, nói bệnh là khổ; nói thế là vì lẽ gì? Này Chư Hiền, bệnh là đầu đau, mắt đau, tai đau, mũi đau, mặt đau, môi đau, răng đau, lưỡi đau, nướu đau, cổ đau, phong suyễn, ho hen, ói mữa, cứng họng, bệnh điên, bệnh động kinh, ung thư, mọc bướu, kinh nguyệt tràn, viêm đỏ, nóng hực, khô héo, bệnh trĩ, mụn nhọt, kiết lỵ, và tất cả những bệnh tương tự như vậy, từ xúc mà sanh ra, không rời khỏi tâm, ở ngay trong thân. Như vậy gọi là bệnh. Này Chư Hiền, bệnh khổ là: Chúng sanh khi bệnh thì thân nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, [468a] cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Này Chư Hiền, vì lẽ ấy nói bệnh là khổ.  

“Này Chư Hiền, nói chết là khổ; nói thế là vì lẽ gì? Này Chư Hiền, chết là chúng sanh kia, với chủng loại sai biệt của chúng sanh kia, mạng chung, vô thường, chết chôn, tan rã, tuổi thọ chấm dứt, hủy hoại, mạng căn bế tắc, như vậy gọi là chết. Này Chư Hiền, chết là khổ. Đó là chúng sanh khi chết, thân nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Này Chư Hiền, vì lẽ ấy mà nói chết là khổ.

“Này Chư Hiền, nói oán tắng hội là khổ [156]; nói thế là vì lẽ gì? Này Chư Hiền, oán tắng hội, nghĩa là, chúng sanh thật có sáu nội xứ: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý xứ vốn không khả ái mà chúng cùng tụ hội ở một chỗ, có sự gắn bó, hòa hợp, tập hợp. Sự hòa hợp ấy là khổ. Cũng vậy các ngoại xứ, xúc, thọ, tưởng, tư, ái [157], cũng lại như vậy. Này Chư Hiền, chúng sanh thật có sáu giới: đất, nước, lửa, gió, hư không và thức giới vốn không khả ái mà chúng cùng tụ hội ở một chỗ, có sự gắn bó, hòa hợp, tập hợp. Sự hòa hợp ấy là khổ. [158] Như vậy gọi là oán tắng hội khổ. Này Chư Hiền, oán tắng hội là khổ, đó là chúng sanh khi có sự tụ hội của những thứ oán ghét, thân nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Này Chư Hiền, vì lẽ ấy mà nói oán tắng hội là khổ.  

“Này Chư Hiền, nói ái biệt ly khổ [159]; nói thế là vì lẽ gì? Này Chư Hiền, ái biệt ly khổ, đó là chúng sanh thật có sáu xứ bên trong: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý xứ vốn khả ái, nhưng chúng phân tán thành khác biệt, không tương ứng, biệt ly không tụ hội, không gắn bó, không tập hợp, không hòa hợp, đó là khổ. Cũng vậy, các ngoại xứ: xúc, thọ, tưởng, tư, ái, cũng lại như vậy. Này Chư Hiền, chúng sanh quả thực có sáu giới: đất, nước, lửa, gió, hư không và thức giới vốn khả ái nhưng chúng phân tán thành khác biệt, không tương ứng, không gắn bó, không hòa hợp, không tập hợp, đó là khổ. Như vậy gọi là [468b] ái biệt ly. Này Chư Hiền, ái biệt ly là khổ nghĩa là chúng sanh khi xa cách nhau, thân nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Này Chư Hiền, vì lẽ ấy mà nói ái biệt ly khổ là khổ.

“Này Chư Hiền, nói sở cầu không toại là khổ [160]; nói thế là vì lẽ gì? Này Chư Hiền, nghĩa là chúng sanh lệ thuộc vào sanh pháp [161], không thể lìa xa sanh pháp, nhưng lại ước muốn rằng: ‘Mong tôi không sanh ra’, điều ấy quả thật không thể muốn mà được. Với sự già, sự chết, sự ưu sầu, buồn lo mà ước muốn rằng: ‘Mong tôi không có buồn lo’. Điều ấy không thể muốn mà được. Này Chư Hiền chúng sanh nào thấy quả thật sanh là khổ, không đáng vui, không đáng yêu, không đáng nghĩ nhớ, người ấy nghĩ thế này: ‘Nếu sự sanh của ta khổ, không đáng vui, không đáng yêu, không đáng nghĩ nhớ, mong sao chuyển đổi nó thành đáng yêu, đáng nghĩ nhớ’. Điều đó không thể muốn mà được. Này Chư Hiền, chúng sanh nào thấy quả thật sanh là lạc đáng yêu, đáng nghĩ nhớ, người ấy nghĩ như vầy: ‘Nếu sự sanh của ta là lạc, đáng yêu, đáng nghĩ nhớ, mong sao nó là pháp thường hằng, vĩnh cữu và không biến dịch’. Điều ấy không thể muốn mà được.

“Này Chư Hiền, chúng sanh nào quả thật sanh tư tưởng [162] mà không đáng vui, không đáng yêu, không đáng nghĩ nhớ, người ấy suy nghĩ thế này: ‘Nếu ta sanh tư tưởng mà không đáng vui, không đáng yêu, không đáng nghĩ nhớ, mong sao nó đổi thành mà đáng yêu, đáng nghĩ nhớ’. Điều ấy không thể muốn mà được. Này Chư Hiền, chúng sanh nào quả thật sanh tư tưởng, đáng yêu, đáng nghĩ nhớ, người ấy nghĩ như vầy: ‘Nếu tư tưởng ta sanh ra đáng yêu, đáng nghĩ nhớ, mong sao nó là pháp thường hằng, vĩnh cửu và không biến dịch’. Điều ấy không thể muốn mà được. Này Chư Hiền, vì lẽ ấy mà nói sở cầu bất đắc là khổ.

“Này Chư Hiền, nói lược năm thủ uẩn là khổ; nói thế là vì lẽ gì? Đó là sắc thủ uẩn; thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn. Này Chư Hiền, vì lẽ ấy mà nói năm thủ uẩn là khổ.

“Này Chư Hiền, thời quá khứ là Khổ Thánh đế; thời vị lai và hiện tại là Khổ Thánh đế. Đó là điều chắc thật không hư đối, không xa rời sự thật, cũng chẳng phải điên đảo, được thẩm sát một cách chắc thật. Những gì hợp với sự chắc thật như vậy, là sở hữu của Thánh, được nhận thức bởi Thánh, được thấu suốt bởi Thánh, được thấy bởi Thánh, là sự giác ngộ tối thượng chân chánh của bậc Thánh. Do dó nói là Khổ Thánh đế.

“Cái gì là ái tập Khổ tập Thánh đế? Nghĩa là chúng sanh thật có sáu xứ tham ái bên trong: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý xứ. [163] Trong đó nếu có ái, có cấu bẩn, có ô nhiễm, có đắm trước, [468c] đó gọi là tập.

“Này Chư Hiền, Đa văn Thánh đệ tử biết rằng: ‘Ta biết pháp như vậy, thấy như vậy, hiểu như vậy, nhận định như vậy và tri giác như vậy, đó là ái tập Khổ tập Thánh đế.

“Biết như vậy là biết như thế nào? Nếu có người tham ái vợ con, nô tỳ, kẻ sai bảo, quyến thuộc, ruộng đất, nhà cửa, quán xá, tài vật xuất vốn và lời lãi, tạo tác những nghiệp có ái, có cấu bẩn, có nhiễm, có trước, đó gọi là tập. Người kia biết ái tập Khổ tập Thánh đế này. Cũng vậy, ngoại xứ xúc, thọ, tưởng, hành, ái, cũng lại như vậy.

“Này Chư Hiền, chúng sanh quả thực có sáu giới tham ái: đất, nước, lửa, gió, hư không, thức giới, trong đó nếu có ái, có cấu bẩn, có nhiễm, có trước, đó gọi là tập.

“Này Chư Hiền, Đa văn Thánh đệ tử biết rằng ‘Ta biết pháp như vậy, thấy như vậy, hiểu như vậy, nhận định như vậy và tri giác như vậy, đó là ái tập Khổ tập Thánh đế.

“Biết như vậy là biết như thế nào? Nếu có người tham ái vợ con, nô tỳ, kẻ sai bảo, quyến thuộc, ruộng đất, nhà cửa, quán xá, tài vật xuất vốn và lời lãi, tạo tác những nghiệp có ái, có cấu bẩn, có nhiễm, có trước, đó gọi là tập. Người kia biết ái tập Khổ tập Thánh đế này. Thời quá khứ là khổ Thánh đế; thời vị lai và hiện tại là Khổ Thánh đế. Đó là điều chắc thật không hư đối, không xa rời sự thật, cũng chẳng phải điên đảo, được thẩm sát một cách chắc thật. Những gì hợp với sự chắc thật như vậy, là sở hữu của Thánh, được nhận thức bởi Thánh, được thấu suốt bởi Thánh, được thấy bởi Thánh, là sự giác ngộ tối thượng chân chánh của bậc Thánh. Do dó nói là Khổ Thánh đế.

Này Chư Hiền, thế nào là ái diệt Khổ diệt Thánh đế? Nghĩa là chúng sanh thực có sáu xứ tham ái bên trong: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý xứ. Chúng sanh ấy giải thoát, không nhiễm, không đắm trước, đoạn bỏ hoàn toàn, vô dục, diệt tận, tĩnh tịch; đó gọi là Khổ diệt.

“Này Chư Hiền, Đa văn Thánh đệ tử biết rằng ‘Ta biết pháp như vậy, thấy như vậy, hiểu như vậy, nhận định như vậy và tri giác như vậy, đó là ái diệt Khổ diệt Thánh đế.

“Biết như vậy là biết như thế nào? Nếu có người nào không tham ái vợ con, nô tỳ, kẻ sai bảo, quyến thuộc, ruộng đất, nhà cửa, quán xá, tài vật xuất vốn và lời lãi, đó không phải là tạo tác nghiệp, người ấy nếu giải thoát, không nhiễm, không đắm trước, đoạn bỏ hoàn toàn, vô dục, diệt tận, tĩnh tịch; đó gọi là ái diệt, Khổ diệt Thánh đế. Cũng thế, ngoại xứ xúc, thọ, tưởng, tư, ái, cũng lại như vậy.

“Này Chư Hiền, chúng sanh quả thật có [469a] sáu giới tham ái: đất, nước, lửa, gió, hư không, thức giới; người ấy nếu giải thoát, không nhiễm, không đắm trước, đoạn bỏ hoàn toàn, vô dục, diệt tận, tĩnh tịch; đó gọi là ái diệt, Khổ diệt Thánh đế. Này Chư Hiền, Đa văn Thánh đệ tử biết rằng ‘Ta biết pháp như vậy, thấy như vậy, hiểu như vậy, nhận định như vậy và tri giác như vậy, đó là ái diệt Khổ diệt Thánh đế.

“Biết như vậy là biết như thế nào? Nếu có người nào không tham ái vợ con, nô tỳ, kẻ sai bảo, quyến thuộc, ruộng đất, nhà cửa, quán xá, tài vật xuất vốn và lời lãi, đó không phải là tạo tác nghiệp, người ấy nếu giải thoát, không nhiễm, không đắm trước, đoạn bỏ hoàn toàn, vô dục, diệt tận, tĩnh tịch; đó gọi là ái diệt, Khổ diệt Thánh đế. Thời quá khứ là khổ Thánh đế; thời vị lai và hiện tại là Khổ Thánh đế. Đó là điều chắc thật không hư đối, không xa rời sự thật, cũng chẳng phải điên đảo, được thẩm sát một cách chắc thật. Những gì hợp với sự chắc thật như vậy, là sở hữu của Thánh, được nhận thức bởi Thánh, được thấu suốt bởi Thánh, được thấy bởi Thánh, là sự giác ngộ tối thượng chân chánh của bậc Thánh. Do dó nói là ái diệt Khổ diệt Thánh đế.

“Này Chư Hiền, thế nào là Khổ diệt đạo Thánh đế? Đó là chánh kiến, chánh tư duy [164], chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn [165], chánh niệm và chánh định.

“Này Chư Hiền, thế nào là chánh kiến? Đó là khi vị Thánh đệ tử khi suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; [166] hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh. Hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát [167] tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó là sự giản trạch, giản trạch toàn diện, giản trạch quyết định, giản trạch pháp, nhận định, toàn diện nhận định, quán sát minh đạt. Đó là chánh kiến [168].

“Này Chư Hiền, thế nào là chánh tư duy? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó là sự tư sát, tư sát toàn diện, tùy thuận tư sát, điều nào nên niệm thì niệm, điều nào nên hy vọng thì hy vọng [169]. Đó là chánh tư duy.

“Này Chư Hiền, thế nào là chánh ngữ? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó ngoài bốn diệu hành thuộc miệng, còn các ác hành khác nơi miệng đều viễn ly, đoạn trừ, không hành, không tạo tác, không tập hợp và không tụ hội. Đó là chánh ngữ.

 [469b] “Này Chư Hiền, thế nào là chánh nghiệp? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó ngoài ba diệu hành thuộc thân, còn các ác hành khác nơi thân đều viễn ly, đoạn trừ, không hành, không tạo tác, không tập hợp và không tụ hội. Đó là chánh nghiệp.

“Này Chư Hiền, thế nào là chánh mạng? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó phải là mong cầu vô lý, không do nhiều tham dục mà không biết vừa đủ, không làm các thứ xảo quyệt bùa chú, để sinh sống bằng tà mạng. Chỉ theo chánh pháp mà mong cầu y phục, chớ không phải với phi pháp, cũng theo chánh pháp để mong cầu thực phẩm, giường chõng, chớ không phải với phi pháp. Đó là chánh mạng.

“Này Chư Hiền, thế nào là chánh tinh tấn? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó, nếu có phương tiện tinh tấn thì quả quyết, tinh cần để mong cầu, có khả năng để thú hướng, chuyên chú không xả bỏ, cũng không suy thối, quyết định hàng phục tâm mình. Đó là chánh tinh tấn.

“Này Chư Hiền, thế nào là chánh niệm? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó, nếu tâm tùy thuận niệm, phản chiếu giải thoát niệm [170], suy niệm, biến mãn suy niệm, liên tục ức niệm, tâm niệm không xao lãng. Đó là chánh niệm.

“Này Chư Hiền, thế nào là chánh định? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó, nếu tâm trụ, thiền trụ, thuận trụ, không loạn, không tán, chuyên nhất [171]. Đó là chánh định.

“Này Chư Hiền, thời quá khứ là Khổ diệt đạo Thánh đế; [489c] thời vị lai và hiện tại là Khổ diệt đạo Thánh đế. Đó là điều chắc thật không hư dối, không xa rời sự thật, cũng chẳng phải điên đảo, được thẩm sát một cách chắc thật. Những gì hợp với sự chắc thật như vậy, là sở hữu của Thánh, được nhận thức bởi Thánh, được thấu suốt bởi Thánh, được thấy bởi Thánh, là sự giác ngộ tối thượng chân chánh của bậc Thánh. Do dó nói Khổ diệt đạo Thánh đế”.

Rồi ngài nói bài tụng rằng:

Phật thấu triệt các pháp,

Thấy vô lượng thiện đức,

Khổ, tập, diệt, đạo đế,

Khéo hiển hiện phân biệt.

Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết, hoan hỷ phụng hành. [172]

 


 [1] Xá-lợi-phất 舍梨子. Pāli: Sāriputta.

 [2] Hán: nội kết 內結. Pāli (A. i. 63): ajjhattasaṃyojana. ngoại kết , bahiddhā-saṃyojana. Sớ giải: năm thuận hạ phần kết gọi là nội kết (orambhāgiyāni vā pañca saṃyojāni ajjhattấṃyojanaṃ nāma), năm thuận thượng phần kết gọi là ngoại kết (uddhambhāgiyāni pañca bahiddhāsaṃyojanaṃ).

 [3] Định nghĩa này của bản Hán không phù hợp với bản Pāli, A. I 63: katamo ajjhattasaṃyojano puggalo? …so tato cuto āgāmī, āgantā itthattaṃ, thế nào là người có nội kết? Ngưới ấy chết ở đây, rồi còn trở lại thế gian này. Đây chỉ trường hợp của Tu-đà-hoàn. katamo bahiddhāsaṃyojano puggalo?... so tato cuto anāgāmī hoti, anāgantā itthattaṃ, thế nào là người có ngoại kết? … Vị ấy sau chết ở, rồi không trở lại thế gian này nữa. Tức là vị A-na-hàm.

 [4] Hán: yểm dục, vô dục, đoạn dục 厭欲無欲斷欲. Pl. ibid.: so kāmānaṃyeva nibbidāya virāgāya nirodhāya paṭipanno hoti, vị ấy tu tập hương đến yểm dục, ly dục, diệt tận dục.

 [5] Hán: tức tâm giải thoát 息心解脱. Pl.: aññantaraṃ santaṃ cetovimuttiṃ, một loại tâm giải thoát tịch tĩnh nào đó. Sớ giải: tức đẳng chí thiền thứ tư trong tám đẳng chí (aṭṭhasu samāpattíu aññataraṃ cututthajjhānasamāpattiṃ).

 [6] Xem cht. 9 ở dưới.

 [7] Hán: Đoàn thực thiên 摶食天. Pāli: Kabaliṃkārahārabhakkha-deva. Cf. Tì-bà-sa 153 (778c 4): vị Bất-hoàn chứng diệt tận định, sau khi chết, vượt qua các đoạn thực thiên 段食天, sanh trong các có thân do ý thành 意成身.

 [8] Ý sanh thiên 意生天 (Pāli: manomayakāya-devatā), cõi trời có thân do ý sanh. Nhưng bản Pl.ibid:  aññataṛau devanikāyaṃ upajjati, vị ấy sinh một cõi trời nào đó. Sớ giải: đây chỉ một trong năm Tịnh cư thiên (pañcasu suddhāvāsadevanikāýeu).

 [9] Một vị thượng lưu A-na-hàm, sau khi đã đoạn trừ năm hạ phần kết, nhưng do vị ngọt trong cảm thọ lạc của các Sắc giới tịnh lự vị ấy lần lượt thác sanh từ cõi trời Phạm thiên của Sơ thiền, cho tới khi thác sanh đến Sắc cứu cánh của Tứ thiền ở đó mà nhập Niết-bàn (Xem Đại Tỳ-bà-sa 17, tr, 875c)..

 [10]  Chỉ đoạn trừ tham ái dẫn tái sanh Sắc giới.

 [11] Hán: thủ hộ tùng giải thoát 守護從解脫. Pāli: pātimokkhasaṃsarasaṃvuto, được thủ hộ bằng sự phòng hộ của Pātimokkha.

 [12]  Đẳng tâm thiên 等心天. Pāli: Samacittādevatā.

 [13]Tưởng tri diệt định 想知滅定. Pāli: saññāvedayitanirodha-samāpatti.

 [14] Hán: đắc cứu cánh trí , chỉ chứng đắc A-la-hán quả. Pāli: aññā-ārādhānā.

 [15] Đoàn thực thiên . Pāli: Kabalīkārāhārabhakkha-devatā.

 [16] Ý sanh thiên 意生 . Pāli: manomayakāya-devatā.

 [17]  Ô-đà-di . Pāli: Udayī.

 [18] Đoạn kinh được dẫn bởi Tì-bà-sa 153 (tr. 778c04).

 [19] Pāli (A.iii 193): Udāyi trả lời: ye te bhante devā ārupino saññāmayā ti, đó là chư Thiên thuộc Vô sắc do tưởng tạo thành’.

 [20] Thậm thâm A-tì-đàm 甚深阿毗曇; bản Pāli tương đương không đề cập ý tưởng này.

 [21] Bạch Tịnh . Pāli: Upavāṇa.

 [22] Tứ tăng thượng tâm 四增上心. Pāli: catunnaṃ jhānānaṃābhicetasikānaṃ, bốn thiền, thuộc tăng thượng tâm.

 [23] Hán: hiện pháp lạc cư (=trú) 現法樂居. Pāli: diṭṭhadhammasukhavihāra: hiện pháp lạc trú, chỉ an lạc do bốn thiền mang lại.

 [24]  Hán: đắc như thị trí .

 [25] Tức Thánh quyết trạch (Pl. ariyā nibbedhikāya). Xem cht. 14 kinh 3 (Thành dụ).

 [26] Mâu-lợi-phá-quần-nậu 牟利破群 [-+]. Pāli: Moliyaphagguna.

 [27] Hắc Xỉ 黑齒. Pāli: Kalārakhattiya.

 [28] Hán: thuyết đắc trí 說得智. Pāli: aññā vyākatā, tuyên bố về cứu cánh trí. tức tuyên bố chứng đắc A-la-hán (arahattaṃ vyākataṃ).

 [29] Hán: tùy kỳ phương tiện 隨其方便. Pāli: yena kenaci pariyāyena, bằng pháp môn (phương pháp) nào.

 [30] Sanh , Pl.: jāti, trong 12 chi.

 [31]  Hán: nhân, duyên, sanh, bản 生因緣本: bốn hành tướng của nhân tập khởi (samudaya). Cf. Câu-xá 16 (tr. 135c6), bốn hành tướng của tập đế: nhân, tập sanh, duyên.  Pl., thành cú: kiṃndānā kiṃsamudayā kịmjātikā kiṃpabhavā, duyên do (nhân duyên) gì, tập khởi gì, sanh (=chủng loại) gì, bản nguyên gì. Sớ giải: yasmā taṃ tato samudeti jāyati pabhavati, tasmā samudayo jāti pabhavo, cái mà từ đó nó khởi lên, cái đó là tập kởi; cái mà từ đó nó được sanh ra, cái đó là sanh; cái mà từ đó nó phát sanh,  cái đó là bản nguyên

 [32] Hán: thọ . Pāli: upādāna.

 [33] Pl. (S. ii. 53), vẫn hỏi như trên: ái từ nhần gì,…?

 [34] Hán: giác . Pāli: vedāna.

 [35]  Pāli: yaṃ kiñci vedayitaṃ taṃ dukkhasmiṃ ti, cái gì được cảm thọ, cái ấy ở trong khổ.

 [36]Hán: bối nhi bất hướng 背而不向, cũng nói là bối xả, đậy chỉ (tám) giải thoát, mà diệt thọ tưởng định là cao nhất. Pāli: vimokkhā.

 [37] Hán: nội bối nhi bất hướng 內背而不向. Pāli: ajjhattaṃ vimokkhā.

 [38] Pāli: sabbupādānakkhayā, tất cả chấp thủ diệt tận.

 [39] Pāli: yathā sataṃ viharantaṃ āsavā ānussavanti, do sống chánh niệm như thế các lậu không còn rỉ chảy.

 [40] Pāli: ye āsavā samanena vuttā, những lậu hoặc mà Sa-môn nói đến.

 [41] Hán: thâm đạt pháp giới 深達法界. Pāli: dhammadhātu-suppaṭividha, lý giải sâu ắc về pháp giới.

 [42] Hán: phạm tương vi pháp . Có lẽ Pāli (A. iv. 374): khīyadhammaṃ āpanno (āpajjati): rơi vào trạng thái ưu uất; đang cơn bất bình. Đây chỉ Tỳ-kheo kia đang có điều bất mãn hay oán hận ngài Sāriputta.

 [43] Hán: thân thân niệm 身身念. Pāli: kāye kāyagatāsati anupaṭṭhitā, chánh niệm về thân hành (các động thái của thân) được xác lập trên thân.

 [44] Hán: tiệt giác ngưu 截角牛. Pāli: usabho chinnavisāṇo, con trâu chúa (trâu đực) mà cặp sừng đã bị cắt.

 [45] Hán: Chiên-đà-la , người thuộc giai cấp cùng đinh, ngoại giai cấp. Pāli: caṇḍāla.

 [46] Nguyên bản Hán: bô-chiên-ni 晡旃尼. Pāli: puñchanī, cái giẻ lau.

 [47] Hán: cao bình 膏瓶. Pāli: medakathālikaṃ; bình (hủ) đựng dầu hay mỡ để nấu ăn.

 [48] Ngũ trừ não pháp 五除惱法. Pāli (A. iii. 186). : pañca āghātapaṭivinayā, năm yếu tố kềm chế sự hờn giận.

 [49] Pāli: evārupe  puggale āghāto paṭivinetabbo, sự hờn giận cần được kềm chế đối với người (có thân hành) như vậy.

 [50] Nghĩa là, làm cách nào để không khởi tâm hơn giận đối với con người như vậy.

 [51] Nguyên bản Hán: A-luyện-nhã Tỳ-kheo 阿練若毗 . Pāli: araññaka-bhikkhu, Tỳ-kheo sống trong rừng vắng; không sống trong các tinh xá.

 [52] Hán: trì phấn tảo y 持糞掃衣. Pāli: paṃsakulika, người tu theo hạnh chỉ mặc y phục từ vải đã bị liệng bỏ như là rác.

 [53] Bản Hán, hết quyển 4.

 [54] Cù-ni-sư . Pāli: Gulissāni (Goliyāni).

 [55] Hán: tại vô sự thất 在無事室. Pāli (M. i. 468): (gulissāni nāma bhikkhu) āraññiko, (Tỳ-kheo Gulissāni) là người sống trong rừng (Tỳ kheo a-lan-nhã). Nhưng hán dịch có thẻ từ araññavihārī (= araññaka), vì vihāra có nghĩa là trú xứ, cũng nghĩa là tinh xá, am thất.

 [56] Pāli: (āraññiko) padasamācāro, (là ẩn sĩ sống trong rừng, nhưng) là người có hành vi thô tháo.

 [57] Vô sự Tỳ-kheo 無事比丘, Tỳ kheo a-lan-nhã sống tại a-lan-nhã (rừng). Pāli: āraññaka-bhikku.

 [58]Pāli: āraññkena bhikkhunā saṃghagatena saṅghe viharante sabrahmacārisu sagāravena bhavitabbaṃ sappatussena, “Tỳ-kheo a-lan-nhã (tu hạnh sống ở rừng), khi đến sống giữa Tăng, cần phải tôn trọng, cung kính các đồng phạm hạnh.”

 [59] Hán: bất điệu tiếu, bất táo nhiễu 不調笑不躁擾. Pāli: anuddhata, không trạo cử, acapala, không náo động.

 [60] Hán: súc sanh luận . Pāli: tiracchāna-kathā, câu chuyện bàn về các vấn đề từ vua chúa, trộm cướp cho đến chuyên sông biển, nam nữ linh tnh; chuyện vô ích, trở ngại sự tu tập. Nhưng, đoạn này, trong bản Pāli tương đương: amukhararena bhavitabbaṃ avikiṇṇavācena, không nên lắm lời, không nên nói tạp nhạp.

 [61]Pāli: there ca bhikkhū nānupakhajja nisīdissāmi nave ca bhikkhū na āsanena paṭibāhissāmi, không chiếm chỗ ngồi của các Tỳ-kheo Thượng tọa; không đuổi các vị tân Tỳ-kheo khỏi chỗ ngồi.

 [62] Luật, A-tì-đàm 律阿毗曇. Pāli: abhivinaya, abhidhamma, chỉ phần tinh nghĩa của luật (vinaya) và pháp (dhamma); không phải A-tì-đàm của Luận tạng.

 [63] Hán: tức giải thoát . Pāli: santa-vimokka.

 [64] Hán: ly sắc . Pāli: atikkamma rūpe, vượt qua sắc pháp.

 [65] Hán: nãi chí vô sắc định 乃至無色定. Pāli: āruppā tattha yogo karaṇīyo, tu tập về các vô sắc.

 [66] Hán: nhân gian Tỳ-kheo 人間毗丘. Pāli: gāmantavihārin, (Tỳ-kheo) sống tại các thôn xóm.

 [67] Đà-nhiên 陀然. Pāli: một người Bà-la-môn tên là Dhānañjāni (cũng viết, Dhanañjāni), ở Taṇḍulapālidvāra; không nói sự kiện là bạn cũ.

 [68] Hán: khi cuống . Pāli: rājānaṃ nissāya brāhmaṇagahapatike vilumpati, “dựa thế vua cướp bóc các gia chủ Bà-la-môn.”

 [69] Hán: khổ trị cư dân 苦治居 . Pāli: tena kho pana samayena dhanañjāni brāhmaṇo bahinagare gāvo goṭṭhe dohapeti, “Lúc bấy giờ Bà-la-môn Dhanañjāni đang sai người vắt sữa bò trong chuồng bò ở ngoài thành”.

 [70] Hán: kim táo quán . Pāli: chỉ nói mời uống sữa.

 [71] Hán: như pháp như nghiệp như công đức 如法如業如功德. Pāli: Sahetukā dhammikā kammantā: những nghề nghiệp đúng pháp, có nhân.

 [72] Bản Pāli không nói tên người vợ. Sự mê hoặc này, trong bản Pāli, là lời tường thuật của vị Tỳ-kheo mà ngài Xá-lợi-phất hỏi thăm các tin tức chứ không phải là lời tự thú của Đà-nhiên.

 [73] Nam sơn . Pāli: Dakkhiṇagiri, một ngọn núi ở phía Nam thành Vương xá.

 [74] Rừng cây siṃsapa; xem các cht. trên. Nam sơn Bắc thôn và Thi-nhiếp-hòa lâm: không rõ các địa danh này.

 [75] Phạm thất 梵室: Phạm trú 梵住. Pāli: brahmavihāra.

 [76]  Hán: thông tuệ, tốc tuệ, tiệp tuệ, lợi tuệ, quảng tuệ, thâm tuệ, xuất yếu tuệ, minh đạt tuệ, biện tài tuệ 聰慧速慧捷慧利慧廣慧深慧出要慧明達慧辯才慧.
Bản Pāli ở đây không nói các đặc điểm trí tuệ của ngài Xá-lợi-phất, nhưng có thể tìm thấy đoạn tương đương M.iii, tr, 25: paṇḍito (tuệ thông bác), mahāpāñño (đại tuệ), javanapāñño (tuệ nhạy bén, tiệp tuệ), tikkhapāñño (tuệ sắc bén, lợi tuệ), nibbedhikapāñño (tuệ sâu sắc, quyết trạch tuệ).

 [77] Hán: tri pháp như pháp 知法如法. Pāli: dhamma-anudhamma.  Đoạn văn này, Pāli tương đương: (...) sati uttarikaraṇīye hīne brahmaloke patiṭṭhāpetvā ..., “trong khi có pháp cao hơn nữa cần chứng, nhưng lạï xác lập ở Phạm thiên giới...”

 [78] Trưởng giả Cấp Cô Độc 長者給孤獨; Pāli, Ānathapiṇḍika.

 [79]  Nội dung bài thuyết pháp sau đây không đồng nhất với bản Pāli tương đương.

 [80] Bản Hán:tà chí , đối lập với chánh tư duy trong Thánh đạo tám chi.

 [81] Bản Pāli, sau đó, khi Sāriputta đi khỏi, Trưởng giả Cấp Cô Độc mạng chung.

 [82] Từ đây trở xuống, nội dung tương đương được tìm thấy trong luật bộ Pāli, Vin. ii. 154. Cf. Tứ phần 50 (938b21tt).

 [83] Chúng , tức tăng(-già), Pāli: saṅgha.

 [84] Hán: Thành tức môn 城息門; Pāli: sivakadvāra.

 [85] Pāli, đã dẫn, một Dạ-xoa tên là Sīvaka.

 [86] Mật khí (). Có lễ là từ phiên âm, gần với Pāli: Sīvaka.

 [87] Tu-đạt-đa 須達多. Pāli: Sudatta.

 [88] Cấp Cô Độc . Pāli: Anāthapiṇḍika.

 [89] Các chi tiết liên hệ luật tạng. Luật Pāli và bản hán khác nhau.

 [90] Thắng Đồng tử . Vin.ii.154ff. Jetakomara, con trai vua Pasenadi (Ba-tư-nặc), về sau bị vua Vidudabha người em trai cùng cha khác mẹ giết vì khước từ tham gia cuộc chiến tàn sát dòng họ Thích. Các phiên âm quen thuộc khác: Kỳ-đà Thái tử 衹陀 太子, Thê-đa 逝多.

 [91] Cả Vin.ii. đã dẫn, cũng không nói loại tiền gì.

 [92] Hán: đại quyết đoán xứ 大決斷處.

 [93]  Hán: đại quyết đoán nhân . Biện lý đại thần.

 [94]  Hán: đại ốc  , tức Pāli: vihāra (tinh xá).

 [95]  Hán: câu-hi  , tức Pāli: koṭṭhaka, chỉ nhà kho, phòng hay phòng kín.

 [96] Hán: thực đạm hàm tiêu 食噉含消, loại thực phẩm cần phải cắn, và loại ngậm cho tiêu; tức loại cứng và loại mềm.

 [97]  Xem cht.14, kinh số 27.

 [98]  Có lẽ là bốn Dự lưu chi: 1/ Thân cận thiện xứ, 2/ Kiến văn chánh pháp, 3/ Như lý tác ý, 4/ Pháp tùy pháp hành, mà ngài Xá-lợi-phất đã quảng diễn thành mười, như trong kinh: 1/ Tín, 2/ Giới, 3/ Đa văn, 4/ Huệ thí, 5/ Thiện tuệ, 6/ Chánh kiến, 7/ Chánh trí, 8/ Chánh giải, 9/ Chánh thoát, 10/ Chánh trí.

 [99] Bản Hán, hết quyển 6.

 [100] Đại Câu-hi-la 大拘絺羅. Pāli: Mahākoṭṭhita, hoặc Mahākoṭṭhika.

 [101] Bất hoại tịnh 不壤淨. Pāli: avecca-pasāda: bất động tín, bất hoại tín, hay chứng tịnh.

 [102] Thực . Pāli: āhāra.

 [103] Đoàn thực thô tế 摶食粗細, hay đoạn thực, thực phẩm vật chất. Pāli: kabaliṅkāro āhāro oḷāriko vā sukkumo.

 [104] Nguyên-Hán: canh lạc thực 更樂食, thức ăn là sự xúc chạm, chỉ sự tiếp xúc giữa căn và cảnh. Pāli: phasso āhāro.

 [105]Ý tư thực 意思食, hay hý luận thực, thức ăn là ý chí hy vọng. Pāli: manosañcetanā-āhāro.

 [106] Thức thực , thức ăn là thức. Pāli: viññāṇaṃ āhāro.

 [107] Hán: thực tập 食集. Pāli: āhāra-samudaya.

 [108] Hán: thực diệt đạo 食滅道. Pāli: āhāra-nirodha-gāminipṭipadā.

 [109] Ba lậu: dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu 欲漏, 有漏, 無明漏. Pāli: kāma-āsavā, bhava-āsavā, avijjā-āsavā.

 [110] Ba hữu: dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu 欲有, 色有, 無色有. Pāli: kāma-bhava, rūpa-bhava, ārūpa-bhava.

 [111] Nguyên-­Hán: thọ . Pāli: upādāna.

 [112] Hán: tứ thọ 四受: dục thủ 欲取, giới thủ 戒取, kiến thủ 見取, ngã thủ 我取. Pl. : kāmupādānaṃ diṭṭhupādānaṃ sīlabbatupādanaṃ attavādupādānaṃ.

 [113] Ba ái: dục ái, sắc ái, vô sắc ái 欲愛, 色愛, 無色愛. Pāli: kāma-taṇhā, rūpa-taṇhā, arūpa-taṇhā.

 [114] Nguyên-Hán: giác ; Pāli: vedanā.

 [115] Hán: ba giác, tức ba thọ: khổ thọ 苦受, lạc thọ 樂受, bất khổ bất lạc thọ 不苦不樂受. Pāli: tisso vedanā, sukhā vedanā dukkhā vedanā adukkhamasukhā vedanā.

 [116] Hán: canh lạc 更樂. Pāli: phassa.

 [117] Hán: ba canh lạc: lạc canh lạc 樂更樂, khổ canh lạc 苦更樂, bất lạc bất khổ canh lạc 不樂不苦更樂.

 [118] Lục xứ . Pāli: cha ayātanāni.

 [119] Danh sắc 名色. Pāli: nāma-rūpa.

 [120] Tứ phi sắc ấm 四非色陰. Pāli: cattāro arūpakkhandhā, gồm thọ, tưởng, hành và thức.

 [121] Tứ đại 四大. Pāli: cattāro mahābhūtā.

 [122] Tứ đại tạo vi sắc 四大造為色. Pāli: catumaṃ mahābhūtānaṃ upādāya rūpaṃ.

 [123] Thức . Pāli: viññāṇa.

 [124] Hành . Pāli: saṃkhāra.

 [125]  Ba hành: thân hành , khẩu hành , ý hành . Pāli: tayo saṃkhāra, kāyasaṃkhāro vacīsaṃkhāro cittasaṃkhāro.

 [126]  Nội địa giới . Pāli: ajjhattikā paṭhavīdhātu.

 [127] Nội chi sở thọ內之所受. Pl.: ajjhattaṃ upādinnaṃ.

 [128] Đại, tịnh, bất tắng ố , , . Đại vì kích thước lớn hay phổ biến. Nói tịnh và bất tắng ố, vì không phải là đối tượng để quán bất tịnh.

 [129] Pāli: hoti... samayo yam bāhirā āpodhātu pakuppati, antarahitā tasmiṃ samaye bāhirā paṭhavīdhatu, có một thời ngoại thủy giới bị chấn động (thịnh nộ), khi ấy ngoại địa giới biến mất.

 [130] Hán: (…) ngã  thị bỉ sở 我是彼所. Pl.: taṃ netaṃ  mama, nesohasmi, na meso attā, nó không phải là của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi.”

 [131] Pl. (M.i. 196): tassa dhatārammaṇameva cittaṃ pakkandati pasīdati santiṭṭhati adhimuccati, vị ấy duyên nơi giới mà tâm hoan hỷ, an tịnh, tĩnh chỉ, quyết định.

 [132] Pl.: suṇisā sasuraṃ disvā saṃvijjati saṃvegaṃ āpajjati, cô dâu thấy bó chồng thì hết sức run sợ.

 [133] Hán: diệu, tức tịch, xả, ly , tức diệt, tịnh, diệu, ly, bốn hành tướng của diệt đế theo Hữu bộ; xem Câu-xá 23  tr.119b).

 [134] Thủy giới . Pāli: āpodhātu.

 [135]  Hán: não căn (chỉ tủy sống); bản Nguyên, Minh: chi nhãn (con mắt có mỡ, hay mỡ nơi con mắt). Không tìm thấy tương đương trong bản liệt kê của Pāli.

 [136] Pāli: hoti... samayo yam bāhirā āpodhātu pakuppati, sā gamaṃ pi vahati, nigamaṃ pi vahati, có một thời ngoại thủy giới bị chấn động (cuồng nộ), nó cuốn đi làng mạc, thị trấn...

 [137] Hán: ái sở thọ . Pāli: taṇhupādiṇṇa...

 [138] Pl.: tejodhātu siyā ajjhattikā siyā bāhirā, hỏa giới, hoặc nội hoặc ngoại.

 [139] Hán: hoặc dĩ châu toại 或以珠燧. Pāli: kukkuṭapattena pi nahārudaḍulena, bằng lông cánh gà, hoặc bằng dây gân.

 [140] Pl.: vāyodhātu siyā ajjhattikā siyā bāhirā, phong giới, hoặc nội hoặc ngoại.

 [141] Hành phong . Kinh 162 nói: hiếp phong. Pháp uẩn 21 (tr.503) cũng nói vậy. Có lẽ Pāli: koṭṭhāsayā vātā, mà Sớ giải nói: antānaṃ antovātā, gió từ bên này qua bên kia, tức gió ngang (hông).

 [142] Đao phong , gió lúc chết, rát như dao cắt.

 [143] Pl.: rūpaṃ tveva saṅkhaṃ gacchati, được biết như là sắc.

 [144] Hán: vô hữu niệm 無有念. Pl. (M.i. 190): no ca tajjo samannāhāro hoti, không có  sự tập trung tương ưng,  tức tác ý không khởi lên được. Xem cht. 21 dưới.

 [145]  Pāli (M. i. 191): yo paticcasamuppādaniṃ passati so dhamman passati, yo dhamman passati so paticcasamuppādaṃ passati.

 [146] Dẫn chứng của Đại Tỳ-bà-sa 12, (tr, 58c 19). Nhược hữu nội ý xứ bất hoại, ngoại pháp hiện tiền, cập năng sanh tác ý chánh khởi, nhĩ thời ý thức sanh若內意處不壞外法處現前及能生作意正起爾時意識生, “Nếu bên trong ý xứ không bị hoại, bên ngoài pháp xứ hiện tiền và ngay lúc ấy tác ý khởi lên, bấy giờ ý thức xuất hiện.”

 [147] Các bản Hán đều nói Phật tại Xá-vệ. Bản Pāli tương đương: tại Bārāṇasi (Ba-la-nại), trong Isipatane Migadāye,  Chư tiên đọa xứ, vườn Lộc dã.

 [148]Chánh hành thuyết pháp 正行說法; No.32: Chơn chánh thuyết pháp
真正說法. Bản Pāli (M. iii. 248): anuttaraṃ dhammacakkaṃ pavattitaṃ, Vô thượng Pháp luân được vận chuyển.

 [149] Hán: quảng nhiếp 廣攝, quảng quán 廣觀, phân biệt 分別, phát lộ 發露, khai ngưỡng 開仰, thi thiết 施設, hiển thị 顯示, thú hướng 趣向. Pāli: ācikkhanā (khai thị), desanā (tuyên thuyết), paññāpanā (thi thiết), paṭṭhapanā (an lập), vivaraṇā (khai hiển), vibhajanā (phân biệt), uttānīkammaṃ (hiển phát).

 [150] Pāli: Các Tỳ-kheo hãy gần gũi Sāriputta (Xá-lợi-phất) và Moggallāna (Mục-kiền-liên), là những Tỳ-kheo thông tuệ...

 [151] Tán thán trí tuệ của ngài Xá-lợi-phất, bản này và No.32 giống nhau, chỉ khác về dịch ngữ. Về mười loại trí tuệ được kể ở đây, các bản Pāli chỉ kể có bảy (xem M. 111). Xem kinh 27 (Phạm chí Đà-nhiên).

 [152] Hán: tối thượng chân tế 最上真際. Pāli: sāriputto sotāpattiphale vineti, moggallāno uttamatthe, “Xá-lợi-phất điều phục người nơi quả D ự lưu; Mục-kiền-liên dẫn đến mỵc đích cứu cánh.

 [153] Hán: ngũ thạnh ấm khổ 五盛陰苦. Pāli: pañcupādānakkhandhā dukkhā.

 [154] Hán: sanh , xuất , thành , hưng khởi . Pāli: jāti (sanh), sañjāti (xuất sanh), okkanti (xuất hiện), abhinibbatti (sanh khởi), khandhanānaṃ pātubhāvo (hiển hiện năm uẩn), āyatanānaṃ paṭilābho (đạt được các căn). Bản Hán, có tám khổ; bản Pāli chỉ kể năm khổ: jāti (sanh), jarā (già), maraṇaṃ (chết), soka-parideva-dukkha-domanassupayāsā (sầu bi khổ ưu não), picchaṃ na labhati (không đạt được mong cầu), saṅkhittena pañcupādānakkhandhā dukkhā.

 [155] Hán: thân thọ khổ, thọ, biến thọ; giác, biến giác 身受苦受遍受覺遍覺. Tham chiếu Pháp uẩn 6 (Đại 26, tr.480a): Lãnh nạp nhiếp thọ, chủng chủng thân khổ sự 領納攝受種種身苦事, lãnh nạp và nhiếp thọ mọi hình thái khổ khác nhau.

 [156] Thù ghét mà tụ hội. Tì-bà-sa: phi ái hội khổ 非愛會苦. Bản Pāli không đề cập.

 [157] Hán: canh lạc, giác, tưởng, tư, ái 更樂覺想思愛.

 [158] Cf. Tì-bà-sa 78 (tr. 402b19): “khi cảnh không khả ái kết hợp vói thân, bấy giỡ các thứ hkổ được dẫn sanh, đó là phi ái hội khổ.”

 [159]Bản Pāli không đề cập.

 [160] Pāli: picchaṃ na labhati.

 [161] Hán: chúng sanh sanh pháp 眾生生法. Pāli: jātidhammānaṃ sattānaṃ (...).

 [162] Hán: thật sanh tư tưởng 實生思想.

 [163] Ái nội lực xứ 愛內六處, tức sáu ái thân. Cf. Tập dị 15, tr. 429b26. Cf. D. iii. 244: cha taṇhākāyā.

 [164] Nguyên-Hán: chánh chí .

 [165] Nguyên-Hán: chánh phương tiện 便.

 [166] Pl.: katamā sammādiṭṭhi? dukkhe ñāṇaṃ, dukkhasamudaye ñāṇaṃ, dukkhanirodhe ñāṇaṃ, dukkhanirodhagṃāniyā paṭiâdāya ñāṇaṃ, chánh kiến là gì? khổ trí, tập tria, diệt trí, đạo trí.

 [167]  Vô trước niệm quán thiện tâm giải thoát . Tham chiếu Pháp Uẩn 6 (Đại 26, tr.481c): Vô lậu tác ý tương ưng (ư pháp giản trạch), (sự giản trạch pháp) tương ưng với tác ý vô lậu.

 [168] Hán: trạch, biến trạch, quyết trạch, trạch pháp; thị, biến thị, quán sát minh đạt , , 決擇, 擇法; , 遍視, 觀察明達. Tham chiếu Pháp uẩn 6 (tr.481c): (ư pháp) giản trạch, cực giản trạch, tối cực giản trạch; liễu, biến liễu, cận liễu; cơ hiệt, thông đạt, thẩm sát, thông duệ, giác minh tuệ hành ( ) 簡擇, 極簡擇, 最極簡擇; , 遍了, 近了; 機黠, 通達, 審察, 聰叡, 覺明慧行.

 [169] Hán: tứ, biến tứ, tùy thuận tứ... khả niệm... khả vọng , 遍伺, 隨順伺可念 . Tham chiếu Pháp uẩn 6 đd trên: tư duy... tầm cầu... suy mịch... linh tâm ư pháp thô động nhi chuyển 思惟尋求推覓令心於法粗動而轉.

 [170] Hán: bối bất hướng niệm 背不向念; chánh niệm liên hệ đến tám bối xả hay tám giải thoát.

 [171] Nhiếp chỉ ; được hiểu là  tâm nhất cảnh tánh: tâm và cảnh lhiệp nhất.

 [172] Bản Hán, hết quyển 7.