Phẩm 1: Bảy pháp

PHẨM 1: BẢY PHÁP

TỤNG NGÀY THỨ NHẤT

善法晝度樹  

城水木積喻

善人往世福

日車漏盡七

 Kệ tóm tắt:

Thiện pháp, Trú độ thọ,

Thành, Thủy, Mộc tích dụ,

Thiện nhân vãng, Thế phước,

Nhật, Xa, Lậu tận bảy

1. KINH THIỆN PHÁP

 [421a13] Tôi nghe như vầy:

Một thời Thế Tôn trú tại [1] tại nước Xá-vệ, ở trong rừng Thắng Lâm [2] vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Tỳ-kheo nào thành tựu bảy pháp tất được hoan hỷ an lạc trong pháp Hiền Thánh, thẳng tiến đến lậu tận. Bảy pháp đó là gì? Đó là biết pháp, biết nghĩa, biết thời, biết tiết độ, biết mình, biết chúng hội và biết sự hơn kém của người [3].

(1) “Thế nào gọi là Tỳ-kheo biết pháp? Nghĩa là Tỳ-kheo biết chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ-tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu và thuyết nghĩa [4]. Ấy là Tỳ-kheo biết pháp.

Nếu Tỳ-kheo không biết pháp, tức không biết chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu và thuyết nghĩa. Tỳ-kheo như vầy là không biết pháp.

Tỳ-kheo nào khéo biết rõ pháp, đó là biết chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu và thuyết nghĩa. Ấy là Tỳ-kheo khéo biết rõ pháp.

(2) “Thế nào gọi là Tỳ-kheo biết nghĩa? Nghĩa là Tỳ-kheo biết nghĩa của giáo thuyết này hay giáo thuyết kia, biết điều này có nghĩa như thế kia, biết điều kia có nghĩa như thế này. Đó là Tỳ-kheo biết nghĩa.

Nếu Tỳ-kheo không biết nghĩa tức là Tỳ-kheo không biết nghĩa của giáo thuyết này hay giáo thuyết kia; không biết điều này có nghĩa như thế kia, điều kia có nghĩa như thế này. Tỳ-kheo như vậy là không biết nghĩa.

Tỳ-kheo nào khéo biết rõ [421b] nghĩa, đó là biết nghĩa của giáo thuyết này hay giáo thuyết kia, biết điều này có nghĩa như thế kia, biết điều kia có nghĩa như thế này. Đó là Tỳ-kheo khéo biết rõ nghĩa.

(3) “Thế nào gọi là Tỳ-kheo biết thời? Đó là Tỳ-kheo biết thời nào nên tu phương pháp thấp, thời nào nên tu phương pháp cao, thời nào nên tu phương pháp xả [5]. Ấy là Tỳ-kheo biết thời.

Tỳ-kheo nào không biết thời tức là không biết thời nào nên tu phương pháp thấp, thời nào nên tu phương pháp cao, thời nào nên tu phương pháp xả. Tỳ-kheo như vậy là không biết thời.

Tỳ-kheo nào khéo biết rõ thời, đó là biết thời nào nên tu phương pháp thấp, thời nào nên tu phương pháp cao, thời nào nên tu phương pháp xả. Ấy là Tỳ-kheo khéo biết rõ thời.

(4) “Thế nào là Tỳ-kheo biết tiết độ? Đó là Tỳ-kheo biết tiết độ trong việc ăn, uống, đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, im lặng, giảm bớt ngủ nghỉ, tu tập chánh trí. Ấy là Tỳ-kheo biết tiết độ.

Tỳ-kheo nào không biết tiết độ tức là Tỳ-kheo không biết tiết độ trong việc ăn, uống, đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, im lặng, đại tiểu tiện, giảm bớt ngủ nghỉ, tu tập chánh trí. Tỳ-kheo như vậy là không biết tiết độ.

Tỳ-kheo nào khéo biết rõ sự tiết độ, đó là biết tiết độ trong việc ăn, uống, đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, im lặng, giảm bớt ngủ nghỉ, tu tập chánh trí. Ấy là Tỳ-kheo khéo biết rõ sự tiết độ.

(5) “Thế nào là Tỳ-kheo biết mình? Tỳ-kheo tự biết mình có mức độ ấy tín, giới, thí, tuệ, biện, A-hàm và sở đắc [6]. Tỳ-kheo như vậy là biết mình.

Tỳ-kheo nào không biết mình tức là không tự biết mình có mức độ ấy tín, giới, văn, thí, tuệ, biện, a-hàm và sở đắc. Tỳ-kheo như vậy là không biết mình.

Tỳ-kheo nào khéo tự biết rõ mình, đó là biết mình có mức độ ấy tín, giới thí, tuệ, biện, a-hàm và sở đắc. Tỳ-kheo như vậy là khéo biết rõ mình.

(6) “Thế nào là Tỳ-kheo biết chúng hội? Tỳ-kheo biết đây là chúng hội Sát-lị, đây là Bà-la-môn, đây là chúng hội Cư sĩ, đây là chúng hội Sa-môn. Ở nơi các chúng hội ấy, ta nên đi như vậy, đứng như vậy, ngồi như vậy, nói như vậy, im lặng như vậy. Ấy là Tỳ-kheo biết chúng hội.

Tỳ-kheo nào không biết chúng hội tức là không biết đây là chúng hội Sát-lị, đây là chúng hội Bà-la-môn [7], đây là chúng hội Cư sĩ, [8] đây là chúng hội Sa-môn. Ở nơi các chúng hội ấy, ta nên đi như vậy, [421c] đứng như vậy, ngồi như vậy, nói như vậy, im lặng như vậy. Tỳ-kheo như vậy là không biết chúng hội.

Tỳ-kheo nào khéo biết rõ chúng hội, đó là biết đây là chúng hội Sát-lị, đây là Bà-la-môn, đây là chúng hội Cư sĩ, đây là chúng hội Sa-môn. Ở nơi các chúng hội ấy, ta nên đi như vậy, đứng như vậy, ngồi như vậy, nói như vậy, im lặng như vậy. Ấy là Tỳ-kheo khéo biết rõ chúng hội.

(7) “Thế nào là Tỳ-kheo biết sự hơn kém của người [9]? Đó là Tỳ-kheo biết có hai hạng người: có tín và có bất tín, người có tín là hơn, người bất tín là kém.

Người có tín lại có hai hạng: Thường đến gặp Tỳ-kheo và không thường đến gặp Tỳ-kheo. Người đến gặp thấy Tỳ-kheo là hơn, người không thường đến gặp Tỳ-kheo là kém.

Người thường đến gặp Tỳ-kheo lại có hai hạng: có lễ kính và không lễ kính. Người có lễ kính là hơn; người không lễ kính là kém.

Người có lễ kính lại có hai hạng: có hỏi Kinh và không hỏi Kinh. Người có hỏi Kinh là hơn, người không hỏi Kinh là kém.

Người có hỏi Kinh lại có hai hạng: nhất tâm nghe Kinh và không nhất tâm nghe Kinh. Người nhất tâm nghe Kinh là hơn, người không nhất tâm nghe Kinh là kém.

Người nhất tâm nghe Kinh có hai hạng: nghe rồi thọ trì pháp và nghe rồi không thọ trì pháp. Người nghe rồi thọ trì pháp là hơn, người nghe rồi không thọ trì pháp là kém.

Người nghe rồi thọ trì pháp lại có hai hạng: nghe pháp có quán sát nghĩa và nghe pháp không quán sát nghĩa. Người nghe pháp có quán sát nghĩa là hơn, người nghe pháp không quán sát nghĩa là kém.

Hạng nghe pháp quán sát nghĩa lại có hai: biết pháp, biết nghĩa, hướng đến pháp tùy pháp, [10] tùy thuận pháp, thực hành đúng như pháp; và hạng không biết pháp, không biết nghĩa, không hướng về pháp và thứ pháp, tùy thuận pháp và thực hành đúng như pháp.

Người biết pháp, biết nghĩa, hướng về pháp và thứ pháp, tùy thuận pháp, thực hành đúng như pháp là hơn; người không biết pháp, không biết nghĩa, không hướng đến pháp tùy pháp, không tùy thuận pháp, không thực hành đúng như pháp là thấp kém.

Hạng biết pháp, biết nghĩa, hướng đến pháp tùy pháp, tùy thuận pháp, thực hành như pháp lại có hai hạng: Tự làm ích lợi cho mình và cũng làm ích lợi cho người khác, làm ích lợi cho mọi người, xót thương thế gian, [422a] cầu nghĩa lợi và lợi, an ổn khoái lạc cho trời và người; và hạng không tự làm lợi ích cho mình và cũng không làm lợi ích cho người, không xót thương thế gian, không cầu nghĩa lợi và lợi, an ổn khoái lạc cho trời và người.

Nếu người nào tự làm lợi ích, cũng làm lợi ích cho người, làm lợi ích cho mọi người, xót thương thế gian, cầu nghĩa lợi và lợi, an ổn và khoái lạc cho trời người, người ấy là bậc nhất, là lớn, là trên, là tối cao, là hơn hết, là tôn quí, là tuyệt diệu giữa mọi người khác.

Ví như từ bò có sữa, từ sữa có lạc, từ lạc có sinh tô, từ sinh tô có thục tô, từ thục tô có tô tinh [11]. Tô tinh là thứ bậc nhất, là lớn, là trên, là tối cao, là hơn hết, là tôn quí, là tuyệt diệu đối với những loại kia. Cũng vậy, nếu người nào tự làm lợi ích cho mọi người, xót thương thế gian, cầu nghĩa lợi và lợi, an ổn khoái lạc cho trời người, trong hai hạng người như trên đã nói, đã phân biệt, đã thi thiết, người ấy là bậc nhất, là lớn, là trên, là tối cao, là hơn hết, là tôn quí, là tuyệt diệu. Ấy là Tỳ-kheo biết sự hơn kém của người.

Phật thuyết như vậy. Các vị Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

2. KINH TRÚ ĐỘ THỌ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, ở tại Thắng Lâm Lâm trong vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Phật nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu lá cây Trú độ [12] ở Tam Thập Tam Thiên úa vàng [13], lúc đó thiên chúng ở Tam thập thiên vui mừng hớn hở, cho rằng lá cây Trú độ chẳng bao lâu nữa sẽ rụng.

“Rồi thì lá cây ở Tam Thập Tam Thiên đã rụng. Lúc đó Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên vui mừng hớn hở cho rằng lá cây Trú độ chẳng bao lâu nữa sẽ mọc lại.

“Rồi thì lá cây Trú độ ở Tam Thập Tam Thiên đã mọc lại, lúc đó Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên vui mừng hớn hở cho rằng cây Trú độ chẳng bao lâu nữa sẽ kết ra mạng lưới [14].

“Rồi thì cây Trú độ ở Tam Thập Tam Thiên đã kết mạng lưới.

Lúc đó Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên vui mừng hớn hở cho rằng cây Trú độ chẳng bao lâu nữa sẽ nở nụ giống như mỏ chim [15].

“Rồi thì cây Trú độ ở Tam Thập Tam Thiên đã nở nụ giống như mỏ chim.

“Lúc đó Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên cho rằng cây Trú độ chẳng bao lâu nữa sẽ nở hoa giống như cái bát [16].

 [422b] “Rồi thì cây Trú độ ở Tam Thập Tam Thiên đã nở hoa như cái bát. Lúc đó Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên hớn hở cho rằng cây Trú độ chẳng bao lâu hoa sẽ nở tròn trịa. Khi cây Trú độ nở hoa tròn trịa, nó chiếu ra ánh sáng, màu sắc và tỏa ra mùi thơm trong chu vi trăm do-tuần [17]. Lúc bấy giờ vào tháng tư mùa hạ, các vị Tam Thập Tam Thiên vui đùa với năm món dục lạc cõi trời. Đó là Tam Thập Tam Thiên tập trung dưới cây Trú độ mà hưởng thọ sự hoan lạc.

“Theo ý nghĩa như thế, vị Thánh đệ tử cũng vậy. Khi suy nghĩ đến việc xuất gia, lúc đó vị Thánh đệ tử như là chiếc lá úa vàng, cũng giống như lá cây Trú độ ở cõi Tam Thập Tam Thiên vàng úa.

“Lại nữa, khi vị Thánh đệ tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, với chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo; lúc đó vị Thánh đệ tử được gọi là lá rụng, như lá cây Trú độ ở Tam Thập Tam Thiên rụng xuống.

“Lại nữa, khi vị Thánh đệ tử ly dục, ly pháp ác bất thiện, có tầm có tứ [18], có hỷ và lạc phát sinh do viễn ly [19], thành tựu và an trụ [20] Sơ thiền; lúc đó vị Thánh đệ tử được gọi là sanh trở lại như lá cây ở Tam Thập Tam Thiên sanh trở lại.

“Lại nữa, khi vị Thánh đệ tử tầm và tứ đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm không tầm không tứ, có hỷ lạc do định sanh [21] thành tựu và an trụ Nhị thiền. Lúc đó Thánh đệ tử được gọi là sanh màng lưới như cây Trú độ ở Tam Thập Tam Thiên sanh mạng lưới.

“Lại nữa, khi vị Thánh đệ tử lìa hỷ dục, an trụ xả vô cầu [22]với chánh niệm chánh trí, thân cảm giác lạc; điều mà Thánh nói [23] là an trú lạc có xả, và niệm, [24] thành tựu an trụ Tam thiền. Lúc đó Thánh đệ tử được gọi là nở nụ như mỏ chim, cũng như cây Trú độ ở Tam Thập Tam Thiên nở nụ như mỏ chim.

“Lại nữa, khi Thánh đệ tử diệt lạc, diệt khổ; ưu và hỷ từ trước cũng đã diệt, không khổ không lạc, xả và niệm thanh tịnh [25] thành tựu an trụ Tứ thiền. Vị Thánh đệ tử lúc đó được gọi là nở hoa như cái bát vậy, cũng như cây Trú độ ở Tam Thập Tam Thiên nở hoa như cái bát.

“Lại nữa, khi Thánh đệ tử các lậu đã được diệt tận, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời hiện tại này mà tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ; vị ấy biết một cách như thật rằng ‘Sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa [26]’. Lúc đó vị Thánh đệ tử được gọi là hoa nở tròn trịa, cũng giống như cây Trú độ ở Tam Thập Tam Thiên nở hoa tròn trịa.

Đó là vị Tỳ-kheo lậu tận A-la-hán được Tam Thập Tam Thiên tập hội tại chánh điện Thiện pháp hỏi han khen ngợi rằng: ‘Vị Thánh đệ tử tôn quý đó, ở tại thôn [422c] ấp kia, đã cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo, các lậu đã hết, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời hiện tại này tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết một cách như thật rằng, sự sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Đó là sự tập hội của các A-la-hán lậu tận, như chư thiên Tam Thập Tam Thiên cùng tập hội dưới cây Trú độ vậy”.

Phật thuyết như vậy, các vị Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

3. KINH THÀNH DỤ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú nước Xá-vệ, ở trong Thắng Lâm Lâm vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Như vương thành ở biên giới có đầy đủ điều kiện [27] và bốn thứ lương thực sung túc dễ tìm không khó; do đó vương thành không bị ngoại địch đánh phá, ngoại trừ tự phá hoại từ bên trong.

“Những gì là bảy điều kiện mà Vương thành có đầy đủ? Đó là vương thành ở biên giới xây cất vọng gác [28], đắp đất cho chắc không thể phá vỡ, để bên trong được an ổn, chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là việc đầy đủ thứ nhất của vương thành.

“Lại nữa, vương thành ở biên giới, đào hào vét ao cho thật sâu rộng, sửa sang cụ bị để có thể nương tựa, làm cho bên trong được an ổn, chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là việc đầy đủ thứ hai của vương thành.

“Lại nữa, như đường giao thông chung quanh vương thành ở biên giới được dọn dẹp cho bằng phẳng, rộng rãi, để bên trong được an ổn, chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là việc làm đầy đủ thứ ba của vương thành.

“Lại nữa, như ở vương thành biên giới tập trung bốn binh quân: quân voi, quân ngựa, quân xe, quân bộ, để bên trong được an ổn, chế ngự oán địch bên ngoài, đó là việc làm đầy đủ thứ tư của vương thành.

“Lại nữa, như vương thành ở biên giới dự bị binh khí, cung, tên, mâu, kích, để bên trong được an ổn, chế ngự oán địch ở bên ngoài. Đó là việc làm đầy đủ thứ năm của vương thành.

 “Lại nữa, như vương thành ở biên giới lập vị đại tướng trấn thủ, sáng suốt, thao lược, cơ trí, tháo vác, dũng mãnh, cương nghị, giỏi mưu chước, người lành thì cho vào, kẻ không lương thiện thì ngăn cấm, để bên trong được an ổn, chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là việc làm đầy đủ thứ sáu của vương thành.

“Lại nữa, như vương thành ở biên giới xây đắp tường cao cho thật kiên cố, trét bùn, tô đất, để bên trong được an ổn, chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là việc làm đầy đủ thứ bảy của vương thành.

“Bốn thứ lương thực [29] dễ tìm không khó là gì? Đó là vương thành ở biên giới nước, cỏ, [423a] củi, gỗ có sẵn, có dự bị, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là loại lương thực thứ nhất sung túc, dễ tìm không khó ở vương thành.

“Lại nữa, như vương thành ở biên giới thu nạp nhiều lúa gạo và chứa cất lúa mạch, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch ở bên ngoài. Đó là loại lương thực đầy đủ, dễ kiếm không khó ở vương thành.

“Lại nữa, như vương thành ở biên giới chứa nhiều đậu niêm, đại đậu, tiểu đậu [30] để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là loại lương thực thứ ba sung túc, dễ tìm không khó ở vương thành.

“Lại nữa, như vương thành ở biên giới, chứa để dầu bơ, mật, đường mía, cá, muối, thịt khô, tất cả đầy đủ, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là loại lương thực thứ tư sung túc, dễ tìm không khó ở vương thành.

“Như vậy, Vương thành bảy việc đầy đủ, bốn thứ lương thực sung túc, dễ tìm không khó, nên không bị ngoại địch đánh phá, chỉ trừ bên trong tự phá hoại.

“Cũng vậy, nếu Thánh đệ tử cũng được bảy thiện pháp và bốn tăng thượng tâm [31], dễ được không khó, vì thế Thánh đệ tử không bị ma vương lung lạc [32] cũng không theo pháp ác bất thiện, không bị ô nhiễm bởi phiền não, không còn thọ sanh trở lại.

“Bảy thiện pháp mà Thánh đệ tử có được là những gì? Đó là Thánh đệ tử có tín kiên cố, tin sâu nơi Như Lai [33], tín căn đã vững, trọn không tin theo Sa-môn, Bà-la-môn, ngoại đạo, cũng như Thiên ma, Phạm thiên, và các hạng thế gian khác. Đó là Thánh đệ tử được thiện pháp thứ nhất.

“Lại nữa, Thánh đệ tử luôn sống biết tàm [34], điều đáng xấu hổ thì biết xấu hổ, xấu hổ pháp ác bất thiện, phiền não  cấu uế, là thứ khiến thọ các ác báo, gây nên gốc rễ sanh tử. Đó là thiện pháp thứ hai mà Thánh đệ tử có được.

 “Lại nữa, Thánh đệ tử luôn sống biết quý [35], điều đáng xấu thẹn biết xấu thẹn, xấu thẹn pháp ác bất thiện, phiền não  cấu uế là thứ khiến thọ các ác báo, tạo gốc sanh tử. Đó là thiện pháp thứ ba mà Thánh đệ tử có được.

“Lại nữa, Thánh đệ tử thường thực hành tinh tấn [36], đoạn trừ các ác bất thiện pháp, tu các thiện pháp, luôn gắng sức bền chí, chuyên nhất kiên cố, làm các điều thiện, không bỏ phương tiện [37]. Đó là thiện pháp thứ tư mà Thánh đệ tử có được.

“Lại nữa, Thánh đệ tử học rộng nghe nhiều, ghi nhớ không quên, tích lũy sự học rộng. Các pháp nào là toàn thiện ở khoảng đầu, toàn thiện ở khoảng giữa, toàn thiện ở khoảng cuối, có nghĩa có văn, thanh tịnh trọn đủ, phạm hạnh hiển hiện [38], học rộng nghe nhiều các pháp như vậy; học đến cả ngàn lần, chú ý chuyên tâm quán sát, thấy rõ hiểu sâu. Đó là thiện pháp thứ năm mà Thánh đệ tử có được.

“Lại nữa, Thánh đệ tử luôn sông với chánh niệm, thành tựu chánh niệm; những điều đã học tập từ lâu, [423b] đã từng nghe từ lâu, nhớ luôn không quên. Đó là thiện pháp thứ sáu mà Thánh đệ tử có được.

“Lại nữa, Thánh đệ tử tu hành trí tuệ, quán sát pháp hưng suy [39]. Do có trí như vậy, bằng sự phân biệt tỏ tường và thấu suôt của trí tuệ bậc Thánh [40] mà chân chánh diệt tận khổ. Đó là thiện pháp thứ bảy mà Thánh đệ tử có được.

“Những gì là bốn tăng thượng tâm, dễ được không khó mà Thánh đệ tử đạt được? Đó là Thánh đệ tử ly dục, ly pháp ác bất thiện, có tầm có tứ, có hỷ và lạc phát sinh do viễn ly, thành tựu và an trụ Sơ thiền. Đó là tăng thượng tâm thứ nhất dễ được không khó mà Thánh đệ tử đạt đến.

“Lại nữa, Thánh đệ tử tầm và tứ đã dứt, nội tâm tịch tịnh, không tầm không tứ, có hỷ lạc do định sanh, thành tựu và an trụ Nhị thiền. Đó là tăng thượng tâm thứ hai dễ được không khó mà Thánh đệ tử đạt đến.

 “Lại nữa, Thánh đệ tử lìa hỷ dục, an trụ xả vô cầu với chánh niệm chánh trí, thân cảm giác lạc; điều mà Thánh nói là an trú lạc có xả, và niệm, thành tựu an trụ Tam thiền. Đó là tăng thượng tâm thứ ba dễ được không khó mà Thánh đệ tử đạt đến.  

“Lại nữa, Thánh đệ tử diệt lạc, diệt khổ; ưu và hỷ từ trước cũng đã diệt, không khổ không lạc, xả và niệm thanh tịnh, thành tựu an trụ Tứ thiền. Đó là tăng thượng tâm thứ tư dễ được không khó mà Thánh đệ tử đạt đến.

 “Như vậy, Thánh đệ tử được bảy thiện pháp, đạt đến bốn tâm tăng thượng dễ được không khó, không bị Ma vương lung lạc, cũng không theo pháp ác bất thiện, không bị nhiễm bởi nhiễm ô, không còn thọ sanh trở lại.

 “Như vương thành ở biên giới xây cất vọng gác, đắp đất cho chắc không thể phá vỡ, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử có tín kiên cố, tin sâu nơi Như Lai, tín căn đã lập, trọn không theo Sa-môn, Bà-la-môn, Ngoại đạo, cũng như Thiên ma, Phạm thiên và các hạng thế gian khác. Đó là Thánh đệ tử có vọng gác tín tâm để trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp.

“Như Vương thành ở biên giới đào hào vét ao thật sâu rộng, sửa sang thật vững chắc, để có thể nương tựa, làm cho bên trong được an ổn, và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng thế, Thánh đệ tử luôn sống biết tàm, điều đáng xấu hổ biết xấu hổ, xấu hổ pháp ác, bất thiện, phiền não  cấu uế, là thứ khiến thọ các ác báo, tạo gốc rễ sanh tử. Đó là Thánh đệ tử có hồ ao tàm sỉ, trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp.

“Như vương thành ở biên giới dọn dẹp những con đường nối liền chung quanh cho bằng thẳng rộng rãi để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử luôn sống [423c] biết quý, điều đáng thẹn biết thẹn, thẹn pháp ác, bất thiện, phiền não  cấu uế là thứ khiến thọ các ác báo, tạo gốc rễ sanh tử. Đó là Thánh đệ tử có con đường bằng thẳng hổ thẹn để trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp.

 “Như vương thành ở biên giới tập trung bốn binh chủng: tượng quân, mã quân, xa quân, bộ quân, để bên trong được an ổn và chế ngự địch quân ở bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử thường thực hành hạnh tinh tấn, đoạn trừ ác bất thiện, tu các thiện pháp, luôn gắng sức bền chí, chuyên nhất kiên cố, làm các điều thiện, không bỏ phương tiện, đoạn trừ ác bất thiện, tu các thiện pháp, hằng tự sách tấn, chuyên nhất, kiên cố, làm các gốc rễ thiện, không bỏ phương tiện. Đó là Thánh đệ tử có quân lực tinh tấn để trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp.

“Như vương thành ở biên giới, chuẩn bị binh khí, cung tên, mâu kích, để bên trong được an ổn, và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử học rộng nghe nhiều, ghi nhớ không quên, tích lũy sự nghe rộng. Các pháp nào là toàn thiện ở khoảng đầu, toàn thiện ở khoảng giữa, toàn thiện ở khoảng cuối, có nghĩa có văn, thanh tịnh trọn đủ, phạm hạnh hiển hiện, học rộng nghe nhiều các pháp như vậy; học đến cả ngàn lần, chú ý chuyên tâm quán sát, thấy rõ hiểu sâu. Đó là Thánh đệ tử có binh khí đa văn, để trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp.

“Như vương thành ở biên giới lập vị đại tướng trấn thủ sáng suốt, thao lược, cơ trí, tháo vác, dũng mãnh, cương nghị, giỏi mưu chước, người hiền thì cho vào, kẻ bất lương thì ngăn cấm, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử luôn sống chánh niệm, thành tựu chánh niệm, những gì đã từng thực tập từ lâu, đã từng nghe từ lâu, nhớ luôn không quên. Đó là Thánh đệ tử có đại tướng trấn thủ niệm để trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp.

“Như vương thành ở biên giới xây đắp tường cao cho thật kiên cố, trét bùn tô đất, để bên trong được an ổn, và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng vậy Thánh đệ tử tu hành trí tuệ, quán pháp hưng suy. Bằng Thánh tuệ phân biệt tỏ tường và thấu suốt mà chân chánh diệt tận khổ. Đó là Thánh đệ tử có bức tường trí tuệ, để trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp.

“Như vương thành ở biên giới có chuẩn bị sẵn nước, cỏ, củi, gỗ, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử ly dục và ác bất thiện pháp, có tầm có tứ, có hỷ lạc do viễn ly, thành tựu an trụ Sơ thiền, sống an lạc không thiếu thốn, an ổn khoái lạc, tự mình đi đến Niết-bàn.

“Như vương thành ở biên giới thu nạp nhiều lúa gạo và chứa nhiều cây lúa mạch, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử đã dứt tầm tứ, nội tĩnh nhất tâm, không tầm không tứ, hỷ lạc do định sanh, [324a] thành tựu an trụ Nhị thiền, lạc trụ không thiếu thốn, an ổn, khoái lạc, tự mình đi đến Niết-bàn.

“Như vương thành ở biên giới chứa nhiều niêm đậu, đại đậu, và tiểu đậu, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử lìa hỷ dục, an trụ xả vô cầu với chánh niệm chánh trí, thân cảm giác lạc; điều mà Thánh nói là an trú lạc có xả, và niệm, thành tựu an trụ Tam thiền, sống an lạc không thiếu thốn, an ổn khoái lạc, tự mình đi đến Niết-bàn.

“Như vương thành ở biên giới chứa cất bơ, dầu, mật mía, đường, cá, muối, thịt khô, tất cả đầy đủ. Để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử diệt lạc, diệt khổ; ưu và hỷ từ trước cũng đã diệt, không khổ không lạc, xả và niệm thanh tịnh, thành tựu an trụ Tứ thiền, sống an lạc không thiếu thốn, an ổn khoái lạc, tự mình đi đến Niết-bàn”.

 Phật thuyết như vậy. Các Thầy Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

4. KINH THỦY DỤ(1)

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, ở trong Thắng Lâm Lâm vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Ta sẽ giảng cho các ngươi nghe về bảy hạng người ở dưới nước. Các ngươi hãy lắng nghe, lắng nghe, và khéo suy nghĩ!”

Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.

Đức Phật dạy:

“Những gì là bảy? Hoặc có người nằm mãi dưới nước. Hoặc có một hạng người ngoi lên khỏi nước rồi chìm trở lại. Hoặc có người ngoi lên khỏi nước rồi trụ, trụ rồi nhìn quanh. Hoặc có người ngoi lên khỏi khỏi nước rồi trụ, trụ rồi nhìn quanh, nhìn rồi lội qua. Hoặc có người ngoi lên khỏi khỏi nước rồi trụ; trụ rồi nhìn quanh; nhìn rồi lội qua; lội qua rồi đến bờ bên kia. Hoặc có người ngoi lên khỏi khỏi nước rồi trụ; trụ rồi nhìn quanh; nhìn rồi lội qua; lội qua rồi đến bờ bên kia; đến bờ bên kia rồi được gọi là người đứng trên bờ [41].  

“Cũng vậy, Ta sẽ giảng cho các ngươi nghe về bảy hạng người như ví dụ về nước. Các ngươi hãy lắng nghe, và khéo suy nghĩ”.

Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.

Phật nói:

“Những gì là bảy? Hoặc có người nằm mãi dưới nước. Hoặc có một hạng người ra khỏi nước rồi chìm trở lại. Hoặc có người ra khỏi nước rồi đứng. Hoặc có người ngoi lên khỏi nước rồi trụ, trụ rồi nhìn quanh. Hoặc có người ngoi lên khỏi khỏi nước rồi trụ, trụ rồi nhìn quanh, nhìn rồi lội qua. Hoặc có người ngoi lên khỏi khỏi nước rồi trụ; trụ rồi nhìn quanh; nhìn rồi [424b] lội qua; lội qua rồi đến bờ bên kia. Hoặc có người ngoi lên khỏi khỏi nước rồi trụ; trụ rồi nhìn quanh; nhìn rồi lội qua; lội qua rồi đến bờ bên kia; đến bờ bên kia rồi được gọi là Bà-la-môn đứng trên bờ [42]. Đó là Ta nói vắn tắt về bảy hạng người theo ví dụ về nước. Như đã nói, đã giảng giải trên, các ngươi có biết ý nghĩa gì? Phân biệt gì? Có nhân duyên gì?

Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn rằng:

“Thế Tôn là gốc của pháp. Thế Tôn là Pháp chủ, pháp do Thế Tôn. Kính mong Thế Tôn nói ra, để chúng con sau khi nghe rồi sẽ hiểu biết rộng rãi ý nghĩa”.

Phật dạy:

“Các ngươi hãy lắng nghe, lắng nghe, và khéo suy nghĩ! Ta sẽ phân biệt ý nghĩa ấy cho các ngươi”.

Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.

Phật nói:

“Thế nào là hạng người nằm mãi [43]? Hoặc có những người bị pháp bất thiện che lấp, bị nhiễm bởi nhiễm ô, thọ quả báo của ác pháp, tạo gốc rễ sanh tử. Đó là hạng người nằm mãi dưới nước. Cũng như người chìm lĩm, nằm luôn dưới nước, Ta nói người kia cũng giống như vậy. Đó là hạng người thứ nhất của ví dụ về nước, thế gian quả thực có hạng người như vậy.

“Thế nào là hạng người ngoi lên khỏi nước rồi chìm lại? Đó là người đã làm trỗi lên tín tâm nơi thiện pháp, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp. Người ấy sau đó lại mất tín tâm, không kiên cố, mất sự trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, không kiên cố. Đó là hạng người ngoi lên rồi chìm lại. Như người chìm trong nước, đã ngoi lên được rồi lại chìm. Ta nói người kia cũng lại như vậy. Đó là hạng người thứ hai của thí dụ về nước. Thế gian quả thực có hạng người như vậy.

“Thế nào là hạng người ngoi lên rồi trụ? Đó là người đã trỗi tín tâm nơi thiện pháp, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp. Người đó về sau tín tâm vẫn kiên cố, chắc chắn không mất, trì giới, bố thí đa văn, trí tuệ đều kiên cố, không mất. Đó là hạng người ngoi lên khỏi nước rồi trụ. Như người chìm trong nước, ngoi lên khỏi nước rồi trụ. Ta nói người kia cũng lại như vậy. Đó là hạng người thứ ba của thí dụ về nước. Thế gian quả thực có hạng người như vậy.

“Thế nào là hạng người ngoi lên rồi trụ; trụ rồi nhìn quanh? Đó là người làm trỗi dậy tín tâm nơi thiện pháp, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp. Người đó về sau tín tâm kiên cố vẫn không mất, trì giới, bố thí đa văn, trí tuệ vẫn kiên cố không mất; trụ trong thiện pháp; biết như thật về Khổ, biết như thật về Khổ tập, Khổ diệt và Khổ diệt đạo. Người kia biết như vậy, thấy như vậy, ba kết liền dứt sạch, đó là thân kiến, giới thủ và nghi. Ba kết đã dứt sạch liền chứng Tu-đà-hoàn, không đọa ác pháp, quyết định thẳng đến [424c] chánh giác, đời sau thọ sanh tối đa bảy lần, [44] qua lại bảy lần trong nhân gian, thiên thượng; rồi chứng đắc biên tế của sự khổ [45]. Đó là hạng người ngoi lên rồi lại trụ, trụ rồi nhìn quanh. Ta nói người kia cũng lại như vậy. Đó là hạng người thứ tư của thí dụ về nước. Thế gian quả thực có hạng người như vậy.

“Thế nào là người ra rồi trụ; trụ rồi nhìn quanh; nhìn quanh rồi lội qua. Đó là người trỗi được tín tâm nơi thiện pháp, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp. Người đó về sau tín tâm vẫn chắc chắn không mất, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ đều đã kiên cố không mất, trú trong thiện pháp. Biết như thật về Khổ, về Khổ tập, về Khổ diệt, về Khổ diệt đạo. Biết như vậy, thấy như vậy, ba kết liền dứt sạch. Đó là, thân kiến, giới thủ, nghi; ba kết đã dứt sạch. Dâm, nộ, si [46] vơi mỏng. Còn phải một lần vãng lai trong nhân gian, thiên thượng. Sau khi qua lại một lần đó rồi liền diệt tận biên tế khổ. Đó là người ngoi lên rồi trụ, trụ rồi nhìn quanh, nhìn rồi lội qua. Như người chìm trong nước, ngoi rồi trụ, trụ rồi nhìn quanh, nhìn rồi đi qua; Ta nói người kia cũng lại như vậy. Đó là hạng người thứ năm của ví dụ về nước. Thế gian quả thực có hạng người như vậy.

“Thế nào là người ngoi lên rồi trụ, trụ rồi nhìn quanh, nhìn quanh rồi lội qua, qua rồi đến bờ bên kia? Đó là người đã làm trỗi dậy được tín tâm nơi thiện pháp, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp. Người đó về sau tín tâm vẫn chắc chắn, không mất. Trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ đều vẫn kiên cố, không mất, trụ trong thiện pháp. Biết như thế, thấy như thế, năm hạ phần kiết dứt sạch. Đó là tham dục, sân nhuế, thân kiến, giới thủ, nghi. Năm hạ phần kiết dứt sạch rồi, sanh vào cõi ấy [47], rồi nhập Niết-bàn, chứng pháp bất thối, không trở lại thế gian này nữa. Đó là người ngoi lên rồi trụ; trụ rồi nhìn quanh; nhìn rồi lội qua; lội qua rồi đến bờ bên kia. Như người chìm trong nước ngoi lên rồi trụ, trụ rồi nhìn quanh, nhìn quanh rồi đi qua, đi qua rồi đến bờ bên kia; Ta nói người kia cũng lại như vậy. Đó là hạng người thứ sáu của ví dụ về nước. Thế gian quả thực có hạng người như vậy.

‘Thế nào là người ngoi lên rồi trụ, trụ rồi nhìn quanh, nhìn quanh rồi lội qua, qua rồi đến bờ bên kia; đến bờ bên kia rồi được gọi là người Bà-la-môn đứng trên bờ? Đó là người đã làm trỗi dậy được tín tâm nơi thiện pháp, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp. Người đó [425a] về sau tín tâm vẫn chắc chắn không mất, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp, biết như thật về Khổ, về Khổ tập, về Khổ diệt, về Khổ diệt đạo. Biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Giải thoát rồi liền biết mình đã giải thoát và biết một cách như thật rằng: Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa. Đó là người ngoi lên khỏi nước rồi trụ, trụ rồi nhìn quanh, nhìn rồi đi qua, qua rồi đến bờ bên kia, đến bờ bên kia rồi được gọi là vị Bà-la-môn đứng trên bờ. Như người chìm trong nước, ngoi lên rồi trụ, trụ rồi nhìn quanh, nhìn rồi đi qua, qua rồi đến bờ bên kia, đến bờ bên kia rồi gọi là người đứng trên bờ; Ta nói người kia cũng lại như vậy. Đó là hạng người thứ bảy của thí dụ về nước. Thế gian quả thực có hạng người như vậy.

“Ta trước có nói sẽ giảng về bảy hạng người chìm trong nước cho các ngươi nghe. Vì vậy, Ta đã nói xong”.

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết hoan hỷ phụng hành.

5. KINH MỘC TÍCH DỤ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại Câu-tát-la [48], trú giữa nhân gian và có đại chúng Tỳ-kheo đi theo.

Bấy giờ Thế Tôn đang đi giữa đường, chợt thấy có đống cây lớn [49] ở một nơi kia đang bùng cháy dữ dội. Thế Tôn thấy vậy, liền bước xuống bên đường, đi đến một cây khác, trải ni-sư-đàn [50], kiết già mà ngồi. Thế Tôn ngồi rồi bảo các Tỳ-kheo:

“Các ngươi có thấy đống cây lớn đằng kia đang bùng cháy không?”

Khi đó các Tỳ-kheo trả lời:

“Bạch Thế Tôn, chúng con có thấy”.

Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:

“Các ngươi nghĩ sao, với đống cây lớn phựt cháy hừng hẫy đó mà hoặc ôm, hoặc ngồi, hoặc nằm; hay là, với người con gái của dòng Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, hay thợ thuyền, [51] đang độ tuổi cường thạnh, tắm gội, xông hương thơm, mặc y phục sạch sẽ, dùng tràng hoa chuỗi ngọc, trang sức thân thể, hoặc ôm, hoặc ngồi, hoặc nằm; việc nào vui sướng hơn?”

Lúc ấy các Tỳ-kheo thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, với đống cây lớn đang phựt cháy hừng hẫy hoặc ôm, hoặc ngồi, hoặc nằm thì rất khổ. Bạch Thế Tôn, hoặc có người con gái dòng Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ hay thợ thuyền, đang độ tuổi cường thạnh, tắm gội, xông hương thơm, mặc y phục sạch sẽ, dùng tràng hoa chuỗi ngọc, trang sức thân thể, mà tới hoặc ôm, hoặc ngồi, hoặc nằm thì rất vui sướng. Thế Tôn!”

 [425b] Thế Tôn bảo:

“Ta sẽ nói cho các ngươi biết, không để cho các ngươi Sa-môn mà lại mất đạo Sa-môn. Các ngươi nếu muốn thành tựu phạm hạnh vô thượng thì thà ôm đống cây lớn đang phừng cháy hừng hẫy, hoặc ngồi, hoặc nằm. Việc ấy mặc dù vì thế mà phải chịu khổ sở, hoặc chết. Nhưng không phải do đó mà thân hoại mạng chung phải thẳng đến ác xứ hay sanh vào địa ngục. Nếu người ngu si phạm giới và không tinh tấn, sanh ra ác pháp bất thiện; không phải là phạm hạnh mà gọi là phạm hạnh, không phải là Sa-môn mà gọi là Sa-môn, hoặc ôm người con gái dòng Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ hoặc thợ thuyền, đang độ tuổi cường thạnh, tắm gội, xông hương thơm, mặc y phục sạch sẽ, dùng tràng hoa chuỗi ngọc trang sức thân thể, hoặc ngồi, hoặc nằm; người ngu si kia vì vậy mà lâu dài không thiện, không nghĩa [52], thọ quả báo ác pháp, khi thân hoại mạng chung thẳng đến cõi xấu, sanh vào địa ngục. Do đó, các ngươi hãy quán sát nghĩa này, quán sát nghĩa kia, quán sát cả hai nghĩa, và hãy suy nghĩ như thế này: ‘Ta xuất gia học đạo không phải vô ích, không phải luống không, mà có quả, có báo, có sự an lạc cùng cực, được sanh vào các thiện xứ để được trường thọ. Ta tiếp nhận áo chăn, đồ ăn uống, giường nệm, thuốc thang của người tín thí, làm cho các thí chủ được phước đức, đại quả báo, đại quang minh. Hãy nên học như vậy”.

Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Các ngươi nghĩ sao, như có lực sĩ lấy sợi dây thừng bằng lông bền chắc cột siết bắp chân [53] cho đến bứt da; bứt da rồi bứt thịt; bứt thịt rồi bứt gân; bứt gân rồi bứt xương; bứt xương cho tới tủy mới thôi. Hoặc nếu từ những người Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ hay thợ thuyền mà nhận sự tín thí, rồi sờ mó thân thể, chi tiết, tay chân. Điều nào vui sướng hơn?”

Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu có lực sĩ lấy sợi dây thừng bằng lông bền chắc cột siết bắp chân cho đến bứt da; bứt da rồi bứt thịt; bứt thịt rồi bứt gân; bứt gân rồi bứt xương; bứt xương cho tới tủy mới thôi. Rất khổ, bạch Thế Tôn. Nếu từ người dòng Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, thợ thuyền mà được cúng thí, rờ rẫm thân thể, chi tiết, tay chân; thì rất vui sướng, Thế Tôn!”

Thế Tôn bảo rằng:

“Ta sẽ nói cho các ngươi biết, không để cho các ngươi học Sa-môn lại mất đạo Sa-môn. Các ngươi nếu muốn thành tựu vô thượng phạm hạnh thì thà để cho lực sĩ đem sợi dây thừng bằng lông, cột siết bắp chân cho tới bứt da, bứt da rồi bứt thịt, bứt thịt rồi bứt gân, bứt gân rồi bứt xương, bứt xương tới tủy mới thôi. Việc ấy mặc dù như vậy mà các ngươi thọ khổ hoặc chết, nhưng không do đó mà thân hoại mạng chung đi đến ác xứ hay sanh [425c] vào địa ngục. Nếu người ngu si phạm giới, không tinh tấn, sanh ra pháp ác và bất thiện, không phải phạm hạnh mà xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà xưng là Sa-môn; từ người dòng Sát-lị, Bà-la-môn, cư sĩ, thợ thuyền thọ nhận sự tín thí, rồi rờ rẫm thân thể, các chi tiết và tay chân. Người ngu si đó vì vậy mãi mãi không thiện, không nghĩa, thọ quả báo ác pháp, khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Vì thế các ngươi hãy quán sát nghĩa này, quán sát nghĩa kia, quán sát cả hai nghĩa. Hãy suy nghĩ thế này: Ta xuất gia học đạo không vô ích, không luống không, mà có quả, có báo, có sự an lạc cùng cực, sanh vào các thiện xứ, để được trường thọ. Ta tiếp nhận áo chăn, đồ ẩm thực, giường nệm, thuốc thang của người tín thí, làm cho các thí chủ được phước đức lớn, được quả báo lớn, được quang minh lớn. Nên học như vậy”.

Phật lại bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Các ngươi nghĩ sao, nếu có lực sĩ đem con dao đã mài giũa sắc bén chặt đứt ngang đùi; hay là từ nơi người dòng Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, thợ thuyền, để thọ nhận sự tín thí, lễ bái, cung kính, đón rước; điều nào sung sướng hơn?”

Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu có lực sĩ đem con dao đã mài giũa sắc bén chặt đứt ngang đùi, thì rất khổ. Thế Tôn, còn từ người Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, hay thợ thuyền mà thọ nhận sự tín thí, lễ bái, cung kính, đón rước thì rất vui sướng”.

Thế Tôn bảo rằng:

“Ta sẽ nói cho các ngươi biết, không để cho các ngươi học Sa-môn mà mất đạo Sa-môn. Các ngươi nếu muốn thành tựu phạm hạnh vô thượng thì thà để cho lực sĩ đem dao bén đã mài giũa chặt đứt ngang đùi. Việc ấy dù do đó mà chịu sự đau khổ, hoặc chết, nhưng không vì vậy mà khi thân hoại mạng chung đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Nếu người ngu si phạm giới không tinh tấn, sanh ra ác pháp bất thiện, chẳng phải phạm hạnh xưng là phạm hạnh, chẳng phải Sa-môn xưng là Sa-môn; rồi từ người Sát-lị, Bà-la-môn, cư sĩ hay thợ thuyền, mà thọ nhận sự tín thí, lễ bái, cung kính, tiếp đón. Người ngu si kia vì thế mãi mãi không được thiện, không được nghĩa, thọ quả báo ác pháp, sau khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Do đó, các ngươi nên quán sát nghĩa này, quán sát nghĩa kia, quán sát cả hai nghĩa. Nên nghĩ thế này: Ta xuất gia học đạo không phải vô ích, không luống không, mà có quả, có báo, có sự an lạc cùng cực, sanh đến các thiện xứ, để được trường thọ, tiếp nhận áo chăn, thực phẩm, giường chiếu của người tín thí, làm cho các thí chủ được phước đức lớn, được quả báo lớn, được quang vinh lớn, nên học như vậy”.

Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Các ngươi [426a] nghĩ sao? Hoặc có lực sĩ đem lá đồng sắt đốt cháy hừng hực, rồi quấn quanh thân thể; hoặc từ người Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, thợ thuyền, mà nhận sự tín thí y phục của người; cái nào vui sướng hơn?”

 Các Tỳ-kheo bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu có lực sĩ đem lá đồng sắt đốt cháy hừng hực rồi quấn quanh thân thể thì rất khổ. Nếu từ người Sát-lị, Bà-la-môn, cư sĩ, thợ thuyền mà thọ lãnh tín thí, y phục của người, thì rất vui sướng”.

Thế Tôn bảo rằng:

“Ta sẽ nói các ngươi biết, không để các ngươi học Sa-môn mà mất đạo Sa-môn. Các ngươi nếu muốn thành tựu phạm hạnh vô thượng thì thà để cho lực sĩ đem lá đồng sắt đốt cháy hừng hực rồi quấn quanh thân thể. Dù việc đó vì thế sẽ chịu sự khổ, nhưng không do vậy mà khi thân hoại mạng chung phải thẳng đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Nếu người ngu si, phạm giới, không tinh tấn, sanh ra pháp ác bất thiện, chẳng phải phạm hạnh xưng là phạm hạnh, chẳng phải Sa-môn xưng là Sa-môn; rồi từ người Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, thợ thuyền thọ lãnh sự tín thí, y phục của người. Người ngu si kia, vì thế mãi không thiện, không nghĩa, thọ quả báo ác pháp. Sau khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Do đó, các ngươi quán sát nghĩa này, quán sát nghĩa kia, quán sát cả hai nghĩa. Nên nghĩ thế này: Ta xuất gia học đạo không phải vô ích, không luống không, mà có quả có báo, có sự an lạc cùng cực, sanh đến các thiện xứ để được trường thọ. Ta nhận lãnh y phục, chăn mền, đồ ẩm thực, giường chiếu, thuốc thang của người tín thí là làm cho các thí chủ được phước đức lớn, được quả báo lớn, được quang minh lớn. Nên học như vậy”.

Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Các ngươi nghĩ sao, hoặc có lực sĩ đem kềm sắt nóng, kéo cho hả miệng ra rồi lấy viên sắt đốt cháy hừng hực quăng vào trong miệng. Viên sắt nóng đó đốt môi; đốt cháy môi rồi đốt cháy lưỡi; đốt lưỡi rồi đốt lợi; đốt lợi rồi đốt cổ; đốt cổ rồi đốt tim; đốt tim rồi đốt bao tử và ruột; đốt bao tử và ruột rồi rơi xuống dưới. Hoặc từ người Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, thợ thuyền, thọ nhận sự tín thí, đồ ăn, vô lượng mùi vị. Việc nào vui sướng hơn?”

Các Tỳ-kheo bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu có lực sĩ đem kềm sắt nóng kéo cho hả miệng, rồi lấy viên sắt đã cháy hừng hực bỏ vào miệng. Viên sắt nóng ấy đốt môi, đốt môi rồi đốt lưỡi, đốt lưỡi rồi đốt lợi, đốt lợi rồi đốt cổ, đốt cổ rồi đốt tim, đốt tim rồi đốt bao tử và ruột, đốt bao tử và ruột rồi [426b] rơi xuống dưới. Việc ấy rất khổ, bạch Thế Tôn, nếu từ người Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, thợ thuyền để lãnh thọ sự tín thí, đồ ăn, vô lượng mùi vị; việc ấy rất vui sướng”.

Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Ta sẽ nói cho các ngươi biết, không để các ngươi học Sa-môn mà để mất đạo Sa-môn. Các ngươi nếu muốn thành tựu phạm hạnh vô thượng thà để lực sĩ đem kềm sắt nóng kéo cho hả miệng ra rồi đem viên sắt đã đốt cháy hừng hực quăng vào trong miệng, viên sắt nóng ấy đốt môi, đốt môi rồi đốt lưỡi, đốt lưỡi rồi đốt lợi, đốt lợi rồi đốt cổ, đốt cổ rồi đốt tim, đốt tim rồi đốt bao tử và ruột, đốt bao tử và ruột rồi rơi xuống. Điều ấy dù do vậy mà phải chịu đau khổ, hoặc chết, nhưng không vì thế mà khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ hay sanh vào địa ngục. Nếu người ngu si phạm giới, không tinh tấn, sanh ra ác pháp bất thiện, chẳng có phạm hạnh xưng là phạm hạnh, chẳng phải Sa-môn xưng là Sa-môn; từ người Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, thợ thuyền mà nhận lãnh sự tín thí, đồ ăn, vô lượng mùi vị. Người ngu si đó vì thế mà mãi mãi không thiện, không nghĩa, chịu quả báo ác pháp, sau khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Vì thế các ngươi nên quán sát nghĩa này, quán sát nghĩa kia, quán sát cả hai nghĩa. Nên nghĩ thế này: Ta xuất gia học đạo không phải vô ích, không luống không, mà có quả có báo, có sự an lạc cùng cực, sanh đến các thiện xứ để được trường thọ. Ta nhận lãnh sự tín thí, y phục, chăn mền, đồ ẩm thực, giường chiếu, thuốc thang của người là làm cho các thí chủ được phước đức lớn, được quả báo lớn, được quang minh lớn. Nên học như vậy”.

Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Các ngươi nghĩ sao, nếu có lực sĩ đem giường sắt hay đồng đốt cháy hừng hực, rồi cưỡng bức người kia phải nằm ngồi trên đó; hoặc là từ các người Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, thợ thuyền mà thọ lãnh sự tín thí, giường chõng hay ngọa cụ của người; việc nào vui sướng hơn?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu có lực sĩ đem giường sắt hay đồng đốt cháy hừng hực rồi cưỡng bức người kia phải nằm ngồi trên đó thì rất khổ. Bạch Thế Tôn, nếu theo các người Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, thợ thuyền mà thọ lãnh sự tín thí, giường chõng, ngọa cụ của người; thì rất vui sướng”.

Thế Tôn bảo rằng:

“Ta sẽ nói cho các ngươi biết, không để các ngươi học Sa-môn mà mất đạo Sa-môn. Nếu các ngươi muốn thành tựu phạm hạnh vô thượng, thì thà để cho lực sĩ đem giường đồng hay sắt đốt cháy hừng hực rồi cưỡng bức phải nằm ngồi trên đó, việc đó vì thế mà chịu sự khổ sở hoặc chết. Nhưng không vì thế mà khi thân hoại mạng chung thẳng đến [426c] ác xứ hay sanh vào địa ngục. Nếu người ngu si phạm giới, không tinh tấn, sanh ra ác pháp bất thiện, chẳng phải phạm hạnh xưng là phạm hạnh, chẳng phải Sa-môn xưng làm Sa-môn, rồi từ những người Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, thợ thuyền để thọ lãnh sự tín thí, ngọa cụ, giường chõng của người; người ngu si đó vì thế mãi mãi không thiện, không nghĩa, thọ quả báo ác, sau khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Vì thế các ngươi nên quán sát nghĩa này, quán sát nghĩa kia, quán sát cả hai nghĩa. Nên nghĩ thế này: Ta xuất gia học đạo không phải vô ích, không phải luống không, mà có quả báo, có sự an lạc vô cùng, sanh đến các thiện xứ để được trường thọ. Ta nhận lãnh sự tín thí, áo mền, đồ ăn uống, giường nằm, thuốc thang của người là làm cho các thí chủ được phước đức lớn, được quả báo lớn, được quang minh lớn. Nên học như vậy”.

Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Các ngươi nghĩ sao, nếu có lực sĩ đem cái nồi lớn bằng sắt hay đồng đốt cháy hừng hực, rồi túm lấy người kia ném ngược vào trong đó; hoặc là từ các người Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, thợ thuyền để thọ lãnh sự tín thí, nhà cửa được tô trét đất bùn, cửa sổ và cửa lớn kín và chặt; có lò sưởi ấm áp. Đằng nào vui sướng hơn?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu có lực sĩ đem cái nồi lớn bằng sắt hay đồng đốt cháy hừng hực, rồi túm lấy người kia ném ngược vào trong đó; thế thì rất khổ. Bạch Thế Tôn, nếu từ các người Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, thợ thuyền mà thọ lãnh sự tín thí, nhà cửa được tô trét đất bùn, cửa sổ và cửa lớn kín và chặt; có lò sưởi ấm áp; thế thì rất vui sướng”.

Thế Tôn bảo rằng:

“Ta sẽ nói cho các ngươi biết, không để cho các ngươi học Sa-môn mà mất đạo Sa-môn. Các ngươi nếu muốn thành tựu phạm hạnh vô thượng thì thà để cho lực sĩ đem nồi lớn bằng đồng hay sắt đốt cháy hừng hực rồi tóm giở ngược lên quăng vào trong nồi, mặc dù vì như thế mà chịu đau khổ hoặc chết, nhưng không vì vậy mà khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ hay sanh vào địa ngục. Nếu người ngu si phạm giới, không tinh tấn, sanh ra ác pháp bất thiện, chẳng có phạm hạnh xưng là phạm hạnh, chẳng phải Sa-môn xưng là Sa-môn, rồi từ người Sát-lị, Bà-la-môn, cư sĩ thợ thuyền để nhận lãnh sự tín thí, nhà cửa được tô trét đất bùn, cửa sổ và cửa lớn kín và chặt; có lò sưởi ấm áp của người. Người ngu si đó vì thế mà mãi mãi không thiện, không nghĩa, thọ quả báo ác, sau khi thân hoại mạng chung, thẳng đến ác xứ, hay sanh vào địa ngục. Vì thế các ngươi nên quán sát nghĩa này, quán sát nghĩa kia, quán sát cả hai nghĩa. Nên nghĩ thế này: Ta xuất gia học đạo không phải vô ích, không phải luống không mà có quả có báo, có sự an lạc cùng cực, sinh đến thiện xứ, [427a] được trường thọ. Ta nhạn lãnh sự tín thí, áo mền, đồ ẩm thực, giường nệm, thuốc thang của người, là làm cho các thí chủ được phước đức lớn, được quả báo lớn, được quang minh lớn. Nên học như thế”.

Khi dạy bài pháp này, sáu mươi vị Tỳ-kheo dứt sạch các lậu, giải thoát kiết sử. Sáu mươi Tỳ-kheo xả giới hoàn tục. Sao vậy? Vì sự giáo huấn của Thế Tôn rất sâu, rất khó, sự học đạo lại rất sâu rất khó.

Phật dạy như thế. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [54]

6. KINH THIỆN NHÂN VÃNG

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ta sẽ nói cho các ngươi biết về bảy nơi mà bậc thiện nhân đi đến và Vô dư Niết-bàn [55]. Các ngươi hãy lắng nghe và hãy suy nghĩ kỹ!”

Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.

Phật dạy:

“Những gì là bảy? Tỳ-kheo nên thực hành như vầy: ‘Ta không có ta, cũng không có cái của ta. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. [56] Cái có thì được đoạn trừ [57].’ Sau khi đoạn trừ, vị ấy đạt được xả. Có lạc mà không nhiễm, hiệp hội mà không đắm trước [58]. Thực hành như thế, sẽ do tuệ mà thấy được đạo lộ tịch tĩnh vô thượng [59], nhưng vẫn chưa được chứng ngộ [60]. Tỳ-kheo thực hành như thế sẽ đi đến đâu? Ví như đốt trấu, vừa nhen đã tắt. Nên biết, Tỳ-kheo kia cũng thế, chút ít mạn chưa trừ hết [61], nhưng năm hạ phần kết [62] đã đoạn hết, chứng Trung Bát-niết-bàn [63]. Đó là nơi đi đến của bậc thiện nhân thứ nhất, thế gian quả thực có người như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo nên thực hành như vậy: ‘Ta không có ta, cũng không có cái của ta. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. Cái đã có thì được đoạn trừ’. Sau khi đoạn, vị ấy đạt được xả. Có lạc mà không nhiễm, hiệp hội mà không đắm trước. Thực hành như thế, sẽ do tuệ mà thấy được đạo lộ tịch tĩnh vô thượng, nhưng vẫn chưa được chứng ngộ. Tỳ-kheo thực hành như thế sẽ đi đến đâu? Ví như đem sắt đốt cháy hừng hực rồi lấy búa đập, đóm lửa văng ra, vừa tung lên không liền tắt. Nên biết, [427b]Tỳ-kheo kia cũng lại như vậy; còn chút mạn chưa trừ hết, nhưng năm hạ phần kết đã đoạn hết, chứng Trung Bát-niết-bàn. Đó là chỗ đi đến của bậc thiện nhân thứ hai, thế gian quả thực có người như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo nên thực hành như vầy: ‘Ta không có ta, cũng không có cái của ta. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. Cái đã có thì được đoạn trừ’. Sau khi đoạn, vị ấy đạt được xả. Có lạc mà không nhiễm, hiệp hội mà không đắm trước. Thực hành như thế, sẽ do tuệ mà thấy được đạo lộ tịch tĩnh vô thượng, nhưng vẫn chưa được chứng ngộ. Tỳ-kheo thực hành như thế sẽ đi đến đâu? Ví như đem sắt đốt cháy hừng hực rồi lấy búa đập, lửa đóm tung lên không, rồi từ không rơi trở lại; rơi chưa đến đất liền tắt. Nên biết, Tỳ-kheo kia cũng giống như thế, còn chút mạn chưa đoạn hết, nhưng năm hạ phần kết đã đoạn hết, chứng Trung Bát-niết-bàn. Đó là chỗ đi đến của bậc thiện nhân thứ ba, thế gian quả thực có người như vậy. [64]

“Lại nữa, Tỳ-kheo nên thực hành như vầy: ‘Ta không có ta, cũng không có cái của ta. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. Cái đã có thì được đoạn trừ’. Sau khi đoạn, vị ấy đạt được xả. Có lạc mà không nhiễm, hiệp hội mà không đắm trước. Thực hành như thế, sẽ do tuệ mà thấy được đạo lộ tịch tĩnh vô thượng, nhưng vẫn chưa được chứng ngộ. Tỳ-kheo thực hành như thế sẽ đi đến đâu? Ví như đem sắt đốt cháy hừng hực rồi lấy búa đập, lửa đóm tung lên không, rồi rơi xuống, tới đất thì tắt. Nên biết, Tỳ-kheo kia cũng giống như thế, còn chút mạn chưa đoạn hết, nhưng năm hạ phần kết đã đoạn hết, chứng Sanh Bát-niết-bàn [65]. Đó là chỗ đi đến của bậc thiện nhân thứ tư, thế gian quả thực có người như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo nên thực hành như vầy: ‘Ta không có ta, cũng không có cái của ta. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. Cái đã có thì được đoạn trừ’. Sau khi đoạn, vị ấy đạt được xả. Có lạc mà không nhiễm, hiệp hội mà không đắm trước. Thực hành như thế, sẽ do tuệ mà thấy được đạo lộ tịch tĩnh vô thượng, nhưng vẫn chưa được chứng ngộ. Tỳ-kheo thực hành như thế sẽ đi đến đâu? Ví như đem sắt đốt cháy hừng hực rồi lấy búa đập, lửa đóm tung lên không, rồi rơi xuống trên nhúm cỏ, liền bốc khói hoặc phụt cháy; cháy hết mới tắt. Nên biết, Tỳ-kheo kia cũng giống như thế, còn chút mạn chưa đoạn hết, nhưng năm hạ phần kết đã đoạn hết, chứng Hành Bát-niết-bàn [66]. Đó là chỗ đi đến của bậc thiện nhân thứ năm, thế gian quả thực có người như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo nên thực hành như vầy: ‘Ta không có ta, cũng không có cái của ta. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. Cái đã có thì được đoạn trừ’. Sau khi đoạn, vị ấy đạt được xả. Có lạc mà không nhiễm, hiệp hội mà không đắm trước. Thực hành như thế, sẽ do tuệ mà thấy được đạo lộ tịch tĩnh vô thượng, [427c] nhưng vẫn chưa được chứng ngộ. Tỳ-kheo thực hành như thế sẽ đi đến đâu? Ví như đem sắt đốt cháy hừng hực rồi lấy búa đập, lửa đóm tung lên không, rồi rơi xuống trên nhiều đám cỏ, liền bốc khói hoặc phụt cháy, cháy hết mới tắt. Nên biết, Tỳ-kheo kia cũng giống như thế, còn chút mạn chưa đoạn hết, nhưng năm hạ phần kiết đã đoạn hết, chứng Vô hành Bát-niết-bàn [67]. Đó là chỗ đi đến của bậc thiện nhân thứ sáu, thế gian quả thực có người như vậy.  

“Lại nữa, Tỳ-kheo nên thực hành như vầy: ‘Ta không có ta, cũng không có cái của ta. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. Cái đã có thì được đoạn trừ’. Sau khi đoạn, vị ấy đạt được xả. Có lạc mà không nhiễm, hiệp hội mà không đắm trước. Thực hành như thế, sẽ do tuệ mà thấy được đạo lộ tịch tĩnh vô thượng, nhưng vẫn chưa được chứng ngộ. Tỳ-kheo thực hành như thế sẽ đi đến đâu? Ví như đem sắt đốt cháy hừng hực rồi lấy búa đập, lửa đóm tung lên không, rồi rơi xuống trên nhiều đám cỏ, liền bốc khói hoặc phụt cháy, cháy luôn cả thôn ấp, thành quách, rừng núi, đồng nội, hoặc đến đường đi, hoặc mé nước, cho đến đất bằng thì tắt. Nên biết, Tỳ-kheo kia cũng giống như thế, còn chút mạn chưa đoạn hết, nhưng năm hạ phần kết đã đoạn hết, chứng Thượng lưu A-ca-nị-trá Niết-bàn [68]. Đó là chỗ đi đến của bậc thiện nhân thứ bảy, thế gian quả thực có người như vậy.

“Vô dư Niết-bàn là gì? Tỳ-kheo nên thực hành như vầy: ‘Ta không có ta, cũng không có cái của ta. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. Cái đã có thì được đoạn trừ’. Sau khi đoạn, vị ấy đạt được xả. Có lạc mà không nhiễm, hiệp hội mà không đắm trước. Thực hành như thế, vi ấy sẽ do tuệ mà thấy được đạo lộ tịch tĩnh vô thượng, và đã được chứng ngộ. Ta nói rằng Tỳ-kheo kia không đi đến phía Đông, không đi đến phía Tây, Nam, Bắc, bốn duy hay thượng, hạ, mà ngay trong đời hiện tại này chứng được đạo lộ tịch tĩnh, diệt tận [69].

“Ta đã nói về nơi đi đến của bảy bậc thiện nhân và Vô dư Niết-bàn xong. Nhân đó mà nói”.

Phật thuyết như thế. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

7. KINH THẾ GIAN PHƯỚC

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú Câu-xá-di [70], ở tại vườn Cù-sa-la [71].

Bấy giờ vào lúc xế chiều, Tôn giả Ma-ha Châu-na [72], rời khỏi nơi tĩnh tọa [73] đứng dậy, đi đến chỗ Phật; đến rồi đảnh lễ, lui ngồi một bên, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể thi thiết [74] thế gian phước được chăng?”

Thế Tôn nói:

“Có thể, này Châu-na! [428a] Có bảy loại phước thế gian, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn. Những gì là bảy?

“Này Châu-na, có thiện gia nam tử hay thiện gia nữ tử [75] có tín tâm cúng thí phòng xá, nhà gác cho đại chúng Tỳ-kheo. Đó là loại phước thế gian thứ nhất, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.

“Lại nữa, Châu-na, có thiện gia nam tử hay thiện gia nữ tử có tín tâm, ở trong các phòng xá, cúng thí giường nằm, đồ ngồi, đệm lông, thảm dệt, chăn len, ngọa cụ trong các phòng xá. Châu-na, đó là loại thế gian phước thứ hai, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.

“Lại nữa, Châu-na, có thiện gia nam tử hay thiện gia nữ tử có tín tâm, ở trong các phòng xá, cúng thí y phục mới mẽ, sạch sẽ, đẹp đẽ. Châu-na, đó là loại thế gian phước thứ ba, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.

“Lại nữa, Châu-na, có thiện gia nam tử hay thiện gia nữ tử có tín tâm, ở trong các phòng xá, thường xuyên cúng thí Chúng Tăng cháo buổi sáng, thức ăn buổi trưa, lại cung cấp người làm vườn [76] để sai bảo; hoặc gió, mưa, tuyết, lạnh, tự mình thân đến khu vườn mà cúng thí chu cấp thêm. Các Tỳ-kheo sau khi ăn, không lo gió, mưa, tuyết lạnh khiến y phục bị ướt át, mà ngày đêm yên vui, tư duy thiền tọa vắng lặng [77]. Châu-na, đó là loại thế gian phước thứ bảy, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.

“Châu-na, có thiện gia nam tử hay thiện gia nữ tử có tín tâm, nếu đã tạo được bảy loại phước thế gian này rồi, hoặc đi, hoặc đến, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc ngủ, hoặc thức, hoặc ngày, hoặc đêm, phước đức ấy thường xuyên phát sinh, càng lúc càng thêm, càng lúc càng rộng.

“Châu-na, ví như nước sông Hằng-già [78] từ nguồn chảy ra, tuôn vào đại hải, ở vào khoảng giữa càng lúc càng sâu, càng lúc càng rộng. Cũng vậy, Châu-na, thiện gia nam tử hay thiện gia nữ tử có tín tâm ấy, đã tạo được bảy loại phước thế gian này rồi thì hoặc đi, hoặc đến, hoặc ngồi, hoặc ngủ, hoặc thức, hoặc ngày, hoặc đêm, phước đức ấy càng sinh, càng lúc càng thêm, càng lúc càng rộng”.

Bấy giờ, Tôn giả Ma-ha Châu-na từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên hữu, gối phải sát đất, quỳ dài, chắp tay, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể thi thiết phước xuất thế gian được chăng?

Thế Tôn bảo rằng:

“Có thể được, Châu-na. Lại có bảy loại phước xuất thế gian, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn. Những gì là bảy? Châu-na, có thiện gia nam tử hay thiện gia nữ tử có tín tâm, nghe Như Lai hoặc đệ tử Như Lai đang trú ở nơi nào đó. [428b] Sau khi nghe, liền hoan hỷ, trong lòng rất phấn khởi. Châu-na, đó là loại phước xuất thế gian thứ nhất, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.

“Lại nữa, Châu-na, có thiện gia nam tử hay thiện gia nữ tử có tín tâm, nghe Như Lai hoặc đệ tử Như Lai sẽ từ nơi kia đến đây. Sau khi nghe, liền sinh hoan hỷ, trong lòng rất phấn khởi. Châu-na, đó là loại phước xuất thế gian thứ hai, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.

“Lại nữa, Châu-na, có thiện gia nam tử hay thiện gia nữ tử có tín tâm, nghe Như Lai hoặc đệ tử Như Lai sẽ từ nơi kia đến đây. Sau khi nghe, liền hoan hỷ, trong lòng rất phấn khởi. Với tâm thanh tịnh, tự thân tới thăm viếng, lễ kính, cúng dường. Sau khi cúng dường, thọ pháp ba tự quy, đối với Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo mà thọ giới cấm [79]. Châu-na, đó là loại phước xuất thế gian thứ bảy, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.

“Châu-na, thiện gia nam tử hay thiện gia nữ tử có tín tâm, nếu tạo được bảy loại phước thế gian này và lại có bảy loại phước xuất thế gian, thì phước của người kia không thế tính được có ngần nào phước, có ngần nào kết quả của phước, có ngần nào phước báo. Chỉ có thể nói là không thể hạn, không thể lượng, và không thể biết được con số đại phước.

“Châu-na, ví như từ châu Diêm-phù có năm con sông: Một là Hằng-già, hai là Dao-vưu-na, ba là Xá-lao-phù, bốn là A-di-la-bà-đề và năm là Ma-xí [80], đều chảy về đại hải. Ở khoảng giữa của chúng, không thể tính được số nước của bao nhiêu thăng, hộc. Chỉ có thể nói là số nước nhiều không thể hạn, không thể lượng, và không thể biết được.

“Cũng vậy, Châu-na, thiện gia nam tử hay thiện gia nữ tử có tín tâm, nếu tạo được bảy loại phước thế gian này và lại có bảy loại phước xuất thế gian, thì phước của người kia không thế tính được có ngần nào phước, có ngần nào kết quả của phước, có ngần nào phước báo. Chỉ có thể nói là không thể hạn, không thể lượng, và không thể biết được con số đại phước”.

Bấy giờ Thế Tôn nói bài tụng rằng:

Con sông Hằng-già

Trong sạch, dễ qua.

Biển nhiều báu quý,

Là vua các sông.

Cũng như nước sông,

Người đời kính phụng;

Mọi nơi chảy về,

Tuôn về biển cả.

Cũng vậy, người nào

Cúng y, thực phẩm,

 [428c] Giường chõng, đệm chăn,

Và những tọa cụ;

Phước báo không lường,

Đưa đến cõi lành,

Cũng như nước sông

Tuôn về biển rộng.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả Ma-ha Châu-na và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

8. KINH THẤT NHẬT

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại tại nước Tì-xá-li [81], trong rừng cây Nại thị [82].

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Tất cả các hành đều vô thường, là pháp không tồn tại lâu dài, pháp chóng đổi thay, pháp không thể nương tựa. Các hành như vậy không nên tham đắm mà phải ghê sợ nhờm tởm, nên tìm sự xả ly, nên tìm giải thoát. Vì sao thế?

“Có lúc không mưa [83]. Ngay khi không mưa ấy tất cả cây cối, trăm thứ lúa, thảy đều khô héo, đổ nát, chết cả, không thể thường trụ. Vì thế tất cả các hành đều vô thường, là pháp không tồn tại lâu dài, pháp chóng đổi thay, pháp không thể nương tựa. Các hành như vậy không nên tham đắm mà phải nhờm tởm, ghê sợ, nên tìm sự xả ly, nên tìm giải thoát.

“Lại nữa, có lúc hai mặt trời cùng xuất hiện. Khi hai mặt trời xuất hiện, các rãnh ngòi, sông lạch, thảy đều khô cạn, không thể thường trụ. Vì thế tất cả các hành đều vô thường, là pháp không tồn tại lâu dài, pháp chóng thay đổi, pháp không thể nương tựa. Các hành như vậy không nên tham đắm mà phải nhờm tởm, ghê sợ, nên tìm sự xả ly, nên tìm giải thoát.

“Lại nữa, lúc có ba mặt trời cùng xuất hiện. Khi ba mặt trời xuất hiện, tất cả dòng sông lớn [84] đều khô cạn, không thể thường trụ. Do đó, tất cả các hành đều vô thường, là pháp không tồn tại lâu dài, pháp chóng đổi thay, pháp không thể nương tựa. Các hành như vậy không nên tham đắm, mà phải nhờm tởm ghê sợ, nên tìm sự xả ly, nên tìm sự giải thoát.

“Lại nữa, có lúc bốn mặt trời cùng xuất hiện. Khi bốn mặt trời xuất hiện, các dòng suối lớn, từ đó phát nguyên năm con sông lớn của châu Diêm-phù: Một là Hằng-già; hai là Dao-vưu-na; ba là Xá-lao-phu; bốn là A-di-la-bà-đề và năm là Ma-xí [85], các dòng cuối nguồn nước lớn ấy đều khô cạn cả, không thể thường trụ. Do đó các hành đều vô thường, là pháp không tồmn tại lâu dài, pháp chóng đổi thay, pháp không thể nương tựa, các hành như vậy không nên tham đắm, mà phải nhờm tởm, ghê sợ, nên [429a] tìm sự xả ly, nên tìm giải thoát.

“Lại nữa, có lúc năm mặt trời cùng xuất hiện. Khi năm mặt trời cùng xuất hiện, nước trong biển lớn sụt xuống một trăm do-tuần; sụt dần đến bảy trăm do-tuần. Khi năm mặt trời xuất hiện như vậy, biển có mực nước bảy trăm do-tuần sụt dần đến một trăm do-tuần. Khi năm mặt trời cùng xuất hiện, nước trong biển lớn sụt một cây đa-la; sụt dần đến bảy cây đa-la [86]. Khi năm mặt trời cùng xuất hiện, những biển có mực nước bảy cây đa-la sụt dần cho đến một cây đa-la. Khi năm mặt trời cùng xuất hiện, nước biển giảm sụt đến mười người [87]; sụt dần cho đến bảy người. Khi năm mặt trời cùng xuất hiện, những biển có mực nước bảy người giảm dần đến vai, đến lưng, đến háng, đến đầu gối, đến mắt cá; cho đến lúc nước biển ráo hết không đủ chìm một ngón chân. Cho nên, tất cả các hành đều vô thường, là pháp không tồn tại lâu dài, pháp chóng thay đổi, pháp chẳng thể nương tựa. Các hành như vậy không nên tham đắm, mà phải nhờm tởm, ghê sợ, tìm sự xả ly, tìm sự giải thoát.

“Lại nữa, có lúc sáu mặt trời xuất hiện. Khi sáu mặt trời cùng xuất hiện, tất cả đại địa, núi chúa Tu-di, thảy đều bốc khói, tạo thành một đám khói. Ví như thợ gốm lúc mới nhen bếp, tất cả đều bốc khói, tạo thành một đám khói. Cho nên, tất cả các hành đều vô thường, là pháp không tồn tại lâu dài, pháp chóng thay đổi, pháp không thể nương tựa. Các hành như vậy không nên tham đắm mà phải nhờm tởm, ghê sợ, nên tìm sự xả ly, tìm sự giải thoát.

“Lại nữa, có lúc bảy mặt trời xuất hiện. Khi bảy mặt trời xuất hiện, tất cả đại địa, núi chúa Tu-di thảy đều phụt cháy bừng bừng, tạo thành một ngọn lửa rực rỡ. Như vậy, khi bảy mặt trời cùng xuất hiện, thì tất cả đại địa và núi chúa Tu-di thảy đều phụt cháy bừng bừng tạo thành một ngọn lửa. Gió thổi ngọn lửa ấy vươn cho đến trời Phạm thiên. Lúc đó, các vị trời Hoảng Dục [88] vừa mới sanh lên cõi này, không rõ thành bại của thế gian. Vì không biết sự thành bại của thế gian, khi thấy ngọn lửa vĩ đại, thảy đều sợ hãi dựng lông mà suy nghĩ như thế này: ‘Lửa không đến đây được chăng? Lửa không đến đây được chăng?’ Các vị trời sinh trước đều biết rõ sự thành bại của thế gian, đều đã thấy việc thành bại của thế gian. Do biết sự thành bại của thế gian, khi thấy ngọn lửa vĩ đại, liền an ủi các vị trời kia rằng: ‘Chớ nên sợ hãi. Lửa cháy chỉ ngang đó, không thể lên đến đây được’.

“Khi bảy mặt trời cùng xuất hiện, núi chúa Tu-di sụp lở, tán hoại, diệt tận, một trăm do-tuần, hai trăm do-tuần, ba trăm do-tuần, [249b] cho đến bảy trăm do-tuần. Khi bảy mặt trời cùng xuất hiện, núi chúa Tu-di và đại địa này cháy tan, hủy diệt, không còn tro than gì cả. Cũng như đốt dầu bơ, cháy cho tiêu hết không còn khói đen [89]. Cũng vậy, khi bảy mặt trời cùng xuất hiện, núi chúa Tu-di và cõi đại địa này cháy không còn tro than. Cho nên, tất cả các hành đều vô thường, là pháp không tồn tại lâu dài, pháp chóng thay đổi, pháp không thể nương tựa. Các hành như vậy không nên tham đắm mà phải nhờm tởm, ghê sợ, tìm sự xả ly, tìm cầu giải thoát.

“Nay Ta nói cho các ngươi biết, ai có thể tin được rằng: ‘Núi chúa Tu-di sẽ sụp đổ?’ Chỉ có những người thấy được sự thật. Nay Ta nói cho các ngươi biết, ai có thể tin được rằng: ‘Nước trong đại hải sẽ khô cạn tất cả?’ Chỉ có những người đã thấy sự thật. Nay Ta nói cho các ngươi biết, ai có thể tin rằng: ‘Tất cả đại địa đều cháy sạch?’ Chỉ có những người đã thấy sự thật. Vì sao vậy?

“Này các Tỳ-kheo, xưa có vị Đại sư tên là Thiện Nhãn [90] được các Tiên nhân ngoại đạo tôn làm bậc thầy [91], đã xả ly dục ái [92], chứng như ý túc. Đại sư Thiện Nhãn có vô lượng trăm ngàn đệ tử. Đại sư Thiện Nhãn dạy Phạm thế pháp cho các đệ tử [93]. Khi đại sư Thiện Nhãn dạy Phạm thế pháp cho các đệ tử, trong số các đệ tử có người phụng hành không đầy đủ pháp ấy. Người ấy sau khi mạng chung hoặc sanh lên cõi trời Tứ Vương hoặc trời Tam Thập Tam, hoặc trời Diệm-ma, hoặc trời Đâu-suất-đà hoặc sanh lên trời Tha Hóa, hoặc sanh lên trời Tha Hóa Lạc.

“Khi đại sư Thiện Nhãn dạy Phạm thế pháp, nếu có người phụng hành đầy đủ pháp ấy, người ấy tu bốn Phạm trụ [94], xả ly các dục, sau khi mạng chung người ấy sanh lên trời Phạm thiên. Lúc ấy đại sư Thiện Nhãn nghĩ như vầy: ‘Ta không nên cùng với các đệ tử cùng sanh chung một nơi nào vào đời sau. Nay ta hãy tu thêm tăng thượng từ [95], sau khi tu tăng thượng từ rồi, mạng chung sẽ được sanh lên trời Hoảng Dục ’.

“Đại sư Thiện Nhãn liền sau đó tu thêm tăng thượng từ. Sau khi tu tăng thượng từ, mạng chung sanh lên trời Hoảng Dục. Đại sư Thiện Nhãn và các đệ tử học đạo không uổng công, đạt được quả báo lớn.

“Này các Tỳ-kheo, các ngươi nghĩ sao? Xưa kia đại sư Thiện Nhãn được hàng Tiên nhân ngoại đạo tôn kính là bậc thầy, xả ly dục ái, chứng như ý túc, các ngươi cho là người nào khác chăng? Chớ nghĩ như vậy. Nên biết, đó là Ta vậy. Vào thời đó, Ta là Thiện Nhãn Đại sư, được [249c] Tiên nhân ngoại đạo tôn kính là bậc thầy, xả ly dục ái, chứng như ý túc. Lúc đó Ta có vô lượng trăm ngàn đệ tử. Ta dạy Phạm thế pháp cho các đệ tử. Khi Ta dạy Phạm thế pháp, trong số các đệ tử có người phụng hành không đầy đủ pháp ấy. Người ấy sau khi mạng chung hoặc sanh lên cõi trời Tứ Vương hoặc trời Tam Thập Tam, hoặc trời Diệm-ma, hoặc trời Đâu-suất-đà, hoặc sanh lên trời Tha Hóa. Khi Ta dạy Phạm thế pháp, nếu có người phụng hành đầy đủ pháp ấy, người ấy tu bốn Phạm trụ, xả ly các dục, sau khi mạng chung người ấy sanh lên trời Phạm thiên. Lúc đó Ta nghĩ như vầy: ‘Ta không nên cùng với các đệ tử cùng sanh chung một nơi nào vào đời sau. Nay ta hãy tu thêm tăng thượng từ. Sau khi tu tăng thượng từ, mạng chung sẽ được sanh lên trời Hoảng Dục’. Sau đó, Ta lại tu thêm tăng thượng từ. Sau khi tu tăng thượng từ, mạng chung được sanh lên trời Hoảng Dục. Thời ấy Ta và các đệ tử học đạo không hư uổng, được quả báo lớn.

“Thời ấy Ta thân hành đạo này để lợi ích cho mình và lợi ích kẻ khác, làm lợi ích cho mọi người, cảm thương thế gian, mong cầu nghĩa lợi lợi và thiện ích, mong cầu sự an ổn khoái lạc cho trời và người. [96] Lúc bấy giờ Ta nói pháp chưa đến chỗ rốt ráo; không rốt ráo bạch tịnh, không rốt ráo phạm hạnh. Vì không rốt ráo phạm hạnh nên bấy giờ Ta không xa lìa được sanh, lão, bệnh, tử, than khóc, buồn rầu; cũng chưa thể thoát được tất cả khổ não.

“Này các Tỳ-kheo, Ta nay xuất hiện ở đời, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hành Túc, [97] Thiên Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu [98], Thiên Nhân Sư, gọi là Phật Thế Tôn [99].

“Ta nay đã làm lợi ích cho chính mình, cũng làm lợi ích cho kẻ khác, làm lợi cho mọi người, cảm thương thế gian, mong cầu nghĩa lợi lợi và thiện ích, mong cầu sự an ổn khoái lạc cho trời và người. Nay Ta thuyết pháp đã đạt được chỗ rốt ráo, rốt ráo bạch tịnh, rốt ráo phạm hạnh. Do rốt ráo phạm hạnh, Ta nay đã lìa khỏi sanh, lão, bệnh, tử, khóc than, buồn rầu. Nay Ta đã được giải thoát mọi khổ não”.

Đức Phật thuyết giảng như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

9. KINH THẤT XA

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại thành Vương Xá, trong tinh xá Trúc Lâm, cùng an cư mùa mưa [430a] với đại chúng Tỳ-kheo.

Tôn giả Mãn Từ Tử [100] cũng an cư mùa mưa tại sinh quán mình. Lúc bấy giờ các Tỳ-kheo địa phương, sau khi đã trải qua ba tháng an cư mùa mưa, khâu vá lại các y đã xong, xếp y, cầm bát, từ sinh quán đi về phía thành Vương Xá. Lần lượt đi về phía trước, đến thành Vương Xá, trú ở tinh xá Trúc Lâm, tại thành Vương Xá.

Bấy giờ các Tỳ-kheo địa phương tới trước Thế Tôn, cúi đầu lễ bái rồi ngồi sang một bên. Thế Tôn hỏi rằng:

“Các Tỳ-kheo, các ngươi từ đâu đến đây? An cư mùa mưa ở đâu?”

Các Tỳ-kheo địa phương ấy thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, chúng con từ sinh quán tới đây và an cư mùa mưa tại sinh quán”.

Thế Tôn hỏi:

“Trong các Tỳ-kheo địa phương, Tỳ-kheo nào được các Tỳ-kheo khen ngợi rằng: ‘Tự mình thiểu dục, tri túc và khen ngợi thiểu dục, tri túc; tự mình độc cư [101] và khen ngợi độc cư; tự mình tinh tấn và khen ngợi tinh tấn; tự mình chánh niệm và khen ngợi chánh niệm; tự mình nhất tâm và khen ngợi nhất tâm; tự mình có trí tuệ và khen ngợi trí tuệ; tự mình lậu tận và khen ngợi lậu tận; tự mình khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ [102] và khen ngợi khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ’ chăng?”

Các Tỳ-kheo địa phương bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tôn giả Mãn Từ Tử ở nơi sinh quán của mình, được các Tỳ-kheo khen ngợi rằng: ‘Tự mình thiểu dục, tri túc và khen ngợi thiểu dục tri túc; tự mình độc cư và khen ngợi độc cư; tự mình tinh tấn và khen ngợi tinh tấn; tự mình chánh niệm và khen ngợi chánh niệm; tự mình nhất tâm và khen ngợi nhất tâm; tự mình có trí tuệ và khen ngợi trí tuệ; tự mình lâu tận và khen ngợi lâu tận; tự mình khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ và khen ngợi khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ’.”

Lúc bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất [103] đang ngồi giữa đại chúng. Tôn giả Xá-lợi-phất suy nghĩ như vầy: “Thế Tôn theo sự thật mà hỏi các Tỳ-kheo địa phương kia. Các Tỳ-kheo địa phương vô cùng khen ngợi Hiền giả Mãn Từ Tử, là người ‘Tự mình thiểu dục, tri túc và khen ngợi thiểu dục, tri túc; tự mình độc cư và khen ngợi độc cư; tự mình tinh tấn và khen ngợi tinh tấn; tự mình chánh niệm và khen ngợi chánh niệm; tự mình nhất tâm và khen ngợi nhất tâm; tự mình có trí tuệ và khen ngợi trí tuệ; tự mình lậu tận và khen ngợi lậu tận; tự mình khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ và khen ngợi khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ’.”

Tôn giả Xá-lợi-phất lại suy nghĩ: “Biết lúc nào tôi mới gặp Hiền giả Mãn Từ Tử để hỏi một vài nghĩa lý? Hiền giả ấy hoặc có thể nghe và trả lời những điều tôi hỏi”.

Bấy giờ Thế Tôn, [430b] sau khi trải qua ba tháng an cư mùa mưa ở thành Vương Xá, khâu vá y xong, bèn xếp y, ôm bát, từ thành Vương Xá đi đến nước Xá-vệ, lần lượt tiến về phía trước, đến nước Xá-vệ, trú trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Tôn giả Xá-lợi-phất và các Tỳ-kheo địa phương cùng ở lại Vương Xá vài ngày, rồi xếp y, ôm bát, đi đến nước Xá-vệ, lần lượt tiến về phía trước, đến nước Xá-vệ, cùng ở tại rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Lúc bấy giờ Tôn giả Mãn Từ Tử ở tại sinh quán mình, sau khi đã trải qua ba tháng an cư mùa mưa, đã khâu vá lại các y, rồi xếp y, ôm bát, từ quê quán mình đi đến nước Xá-vệ, lần lượt tiến về phía trước, đến nước Xá-vệ, cùng ở trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Tôn giả Mãn Từ Tử đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu làm lễ, rồi trải ni-sư-đàn phía trước Như Lai mà ngồi kiết già.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi các Tỳ-kheo rằng:

“Này Chư Hiền, vị nào là Hiền giả Mãn Từ Tử?”

Các Tỳ-kheo bạch Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Xin thưa, vị ngồi trước Như Lai, trắng trẻo, mũi cao như mỏ chim oanh vũ, là vị ấy”.

Tôn giả Xá-lợi-phất đã biết đúng mặt Mãn Từ Tử, liền ghi nhớ kỹ. Tôn giả Mãn Từ Tử sau khi qua đêm, trời hừng sáng, xếp y, cầm bát, đi vào Xá-vệ để khất thực. Sau khi ăn trưa xong lại, thâu dọn y bát, rửa tay chân, vắt ni-sư-đàn lên vai, đến rừng An-đà [104], chỗ đi kinh hành. Tôn giả Xá-lợi-phất cũng sau khi qua đêm, trời hừng sáng, xếp y, cầm bát, đi vào Xá-vệ để khất thực. Sau khi ăn trưa xong lại, thâu dọn y bát, rửa tay chân, vắt ni-sư-đàn lên vai, đến rừng An-đà, chỗ đi kinh hành.

Bấy giờ Tôn giả Mãn Từ Tử đến rừng An-đà, trải Ni-sư-đàn dưới một gốc cây, ngồi kiết già. Tôn giả Xá-lợi-phất cũng đến rừng An-đà, cách Tôn giả Mãn Từ Tử không xa, trải Ni-sư-đàn dưới một gốc cây ngồi kiết già.

Tôn giả Xá-lợi-phất vào lúc xế chiều, rời chỗ thiền tọa, đi đến chỗ Mãn Từ Tử, cùng chào hỏi nhau rồi ngồi sang một bên, và hỏi Tôn giả Mãn Từ Tử rằng:

“Này Hiền giả, phải chăng Hiền giả theo Sa-môn Cù-đàm tu phạm hạnh?”

Đáp rằng:

“Đúng vậy”

“Này Hiền giả, vì lý do gì, có phải vì giới thanh tịnh [105] nên ngài theo Sa-môn Cù-đàm tu phạm hạnh chăng?”

Đáp rằng:

“Thưa, không phải vậy”.

“Vì tâm thanh tịnh [106], vì kiến thanh tịnh [107], vì nghi thanh tịnh [108], vì [430c] đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh [109], vì đạo tích tri kiến [110] thanh tịnh, vì đạo tích đoạn trí thanh tịnh [111] nên Hiền giả theo Sa-môn Cù-đàm tu phạm hạnh chăng?”

Đáp: “Không phải vậy”

Lại hỏi:

“Tôi vừa hỏi Hiền giả rằng: ‘Phải chăng Hiền giả theo Sa-môn Cù-đàm tu phạm hạnh?’ Hiền giả đáp: ‘Đúng vậy’. Rồi tôi hỏi Hiền giả: ‘Có phải vì giới thanh tịnh nên Hiền giả theo Sa-môn Cù-đàm tu phạm hạnh chăng?’ thì Hiền giả đáp: ‘Không phải vậy’; ‘Có phải vì tâm thanh tịnh, vì kiến thanh tịnh, vì nghi thanh tịnh, vì phi đạo tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích đoạn trí thanh tịnh nên Hiền giả theo Sa-môn Cù-đàm tu phạm hạnh chăng?’ thì Hiền giả cũng lại đáp rằng ‘Không phải vậy’. Nhưng theo ý nghĩa nào [112] mà Hiền giả theo Sa-môn Cù-đàm tu phạm hạnh?”

Đáp: “Này Hiền giả, vì Vô dư Niết-bàn vậy [113]”.

Lại hỏi:

“Thế nào, này Hiền giả, có phải vì giới thanh tịnh nên Sa-môn Cù-đàm thi thiết Vô dư Niết-bàn chăng?” [114]

“Đáp: “Không phải vậy”.

Lại hỏi:

“Vì vì tâm thanh tịnh, vì kiến thanh tịnh, vì nghi thanh tịnh, vì đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích đoạn trí thanh tịnh nên Hiền giả theo Sa-môn Cù-đàm thi thiết Vô dư Niết-bàn chăng?”

“Đáp: “Không phải vậy”.

Lại hỏi:

“Tôi vừa hỏi Hiền giả, ‘Thế nào, này Hiền giả, có phải vì giới thanh tịnh nên Sa-môn Cù-đàm thi thiết Vô dư Niết-bàn chăng?’ Hiền giả đáp: ‘Không phải vậy’. ‘Vì tâm thanh tịnh, vì kiến thanh tịnh, vì nghi thanh tịnh, vì đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích đoạn trí thanh tịnh nên Sa-môn Cù-đàm thi thiết Vô dư Niết-bàn chăng?’ Vậy những điều Hiền giả nói có ý nghĩa gì? Làm thế nào để biết được?”

Đáp rằng:

“Này Hiền giả: Nếu vì giới thanh tịnh mà Thế Tôn, Sa-môn Cù-đàm thi thiết Vô dư Niết-bàn, thì đó là lấy hữu dư mà gọi vô dư. Nếu vì tâm thanh tịnh, vì tri kiến thanh tịnh, vì nghi cái thanh tịnh, vì đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích đoạn trí thanh tịnh mà Thế Tôn Sa-môn Cù-đàm thi thiết Vô dư Niết-bàn, thì tức là lấy hữu dư mà gọi là vô dư [115].

“Này Hiền giả, nếu ngoài những pháp đó [116] mà Thế Tôn thi thiết Vô dư Niết-bàn thì phàm phu cũng sẽ Bát-niết-bàn, bởi vì phàm phu cũng ở ngoài các pháp đó [117].

“Này Hiền giả, nhưng do giới thanh tịnh, cho nên tâm thanh tịnh; do tâm thanh tịnh cho nên kiến thanh tịnh; do kiến thanh tịnh cho nên nghi cái [431a] thanh tịnh; do nghi cái thanh tịnh cho nên đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh; do đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh cho nên đạo tích tri kiến thanh tịnh; do đạo tích tri kiến thanh tịnh cho nên đạo tích đoạn trí thanh tịnh; do đạo tích đoạn trí tịnh, cho nên Thế Tôn Sa-môn Cù-đàm thi thiết Vô dư Niết-bàn.

“Hiền giả, xin hãy nghe thêm. Xưa, vua xứ Câu-tát-la là Ba-tư-nặc ở nước Xá-vệ, có việc ở Sa-kê-đế [118].  vua suy nghĩ như vầy: ‘Dùng phương tiện gì để trong một ngày đi từ Xá-vệ đến Sa-kê-đế được?’ Lại suy nghĩ như vầy: ‘Nay ta nên từ Xá-vệ đến Sa-kê-đế, ở giữa đường đó, bố trí bảy cỗ xe’. Rồi thì, từ Xá-vệ đến Sa-kê-đế, ở giữa đường đó, vua bố trí bảy cỗ xe. Bố trí bảy cỗ xe xong, từ Xá-vệ  vua đi đến cỗ xe thứ nhất, ngồi trên cỗ xe thứ nhất đi đến cỗ xe thứ hai. Rồi bỏ cỗ xe thứ nhất cỡi cỗ xe thứ hai đến xe thứ ba; bỏ cỗ xe thứ hai ngồi trên cỗ xe thứ ba đến cỗ xe thứ tư; bỏ cỗ xe thứ ba ngồi trên cỗ xe thứ tư đến cỗ xe thứ năm; bỏ cỗ xe thứ tư ngồi trên cỗ xe thứ năm đến cỗ xe thứ sáu; bỏ cỗ xe thứ năm ngồi trên cỗ xe thứ sáu đến cỗ xe thứ bảy; bỏ cỗ xe thứ sáu ngồi trên cỗ xe thứ bảy; trong một ngày là đến Sa-kê-đế.

“Sau khi làm việc xong ở Sa-kê-đế, ngồi trong chánh điện của  vua, với các đại thần vây quanh. Quần thần tâu rằng:

“Tâu Thiên vương, phải chăng chỉ trong một ngày mà Thiên vương đi từ Xá-vệ đến Sa-kê-đế?

“Vua nói: Đúng vậy.

“Tâu Thiên vương, có phải Thiên vương cỡi cỗ xe thứ nhất mà trong một ngày đi từ Xá-vệ đến Sa-kê-đế?

“Vua nói:

“Không phải vậy.

“Có phải Ngài cỡi cỗ xe thứ hai, cỗ xe thứ ba cho đến cỗ xe thứ bảy từ Xá-vệ đến Sa-kê-đế?

“Không phải vậy.

“Thế nào, này Hiền giả, nếu quần thần lại hỏi nữa, Ba-tư-nặc quốc vương xứ Câu-tát-la sẽ đáp thế nào? Có phải vua trả lời cho quần thần rằng:

“Ta ở Xá-vệ có việc ở Sa-kê-đế, ta nghĩ thế này: ‘Dùng phương tiện gì để trong một ngày đi từ Xá-vệ đến Sa-kê-đế được?’ Lại suy nghĩ như vầy: ‘Nay ta nên từ Xá-vệ đến Sa-kê-đế, ở giữa đường đó, bố trí bảy cỗ xe’. Rồi thì, từ Xá-vệ đến Sa-kê-đế, ở giữa đường đó, ta bố trí bảy cỗ xe. Bố trí bảy cỗ xe xong, từ Xá-vệ ta đi đến cỗ xe thứ nhất, ngồi trên cỗ xe thứ nhất đi đến cỗ xe thứ hai. Rồi bỏ cỗ xe thứ nhất cỡi cỗ xe thứ hai đến cỗ xe thứ ba; bỏ cỗ xe thứ hai [431b] ngồi trên cỗ xe thứ ba đến cỗ xe thứ tư; bỏ cỗ xe thứ ba ngồi trên cỗ xe thứ tư đến cỗ xe thứ năm; bỏ cỗ xe thứ tư ngồi trên cỗ xe thứ năm đến cỗ xe thứ sáu; bỏ cỗ xe thứ năm ngồi trên cỗ xe thứ sáu đến cỗ xe thứ bảy; bỏ cỗ xe thứ sáu ngồi trên cỗ xe thứ bảy; trong một ngày là đến Sa-kê-đế.

“Như vậy! Thưa Hiền giả, Ba-tư-nặc, vua xứ Câu-tát-la, trả lời câu hỏi của quần thần như vậy.

“Cũng vậy, thưa Hiền giả, vì giới thanh tịnh mà tâm thanh tịnh, vì tâm thanh tịnh nên tri kiến thanh tịnh, vì tri kiến thanh tịnh nên nghi cái thanh tịnh, vì nghi cái thanh tịnh, nên đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, vì đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh nên đạo tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích tri kiến thanh tịnh nên đạo tích đoạn trí thanh tịnh, vì đạo tích đoạn trí thanh tịnh nên Thế Tôn thi thiết Vô dư Niết-bàn”.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi Tôn giả Mãn Từ Tử:

“Hiền giả tên là gì? Các đồng phạm hạnh [119] gọi Hiền giả như thế nào?”

Tôn giả Mãn Từ Tử trả lời rằng:

“Hiền giả, tôi hiệu [120] là Mãn. Thân mẫu tôi tên Từ, do đó các đồng phạm hạnh gọi tôi là Mãn Từ Tử”.

Tôn giả Xá-lợi-phất tán thán rằng:

“Lành thay! Lành thay! Tôn giả Mãn Từ Tử! Là đệ tử của Đức Như Lai, trí biện hoàn hảo [121], thông minh, quyết định, an lạc vô úy, thành tựu sự chế ngự, đạt đến đại biện tài, được phướn cam lồ [122], ở trong cam lồ giới [123] tự mình đã chứng ngộ, thành tựu và an trụ. Vì khi hỏi Hiền giả những ý nghĩa vô cùng sâu xa thảy đều được trả lời. Hiền giả Mãn Từ Tử, những đồng phạm hạnh sẽ được nhiều lợi ích, nếu gặp được Tôn giả Mãn Từ Tử, tùy thời mà thăm viếng, tùy thời mà lễ bái. Nay tôi cũng được lợi ích, tùy thời mà thăm viếng, tùy thời mà lễ bái. Những đồng phạm hạnh nên quấn y trên đầu để đội Hiền giả Mãn Từ Tử, vì để được nhiều lợi ích. Nay tôi cũng được nhiều lợi ích, tùy thời mà thăm viếng, tùy thời mà lễ bái”.

Tôn giả Mãn Từ Tử hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Hiền giả tên gọi là gì? Các đồng phạm hạnh gọi Hiền giả như thế nào?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời rằng:

“Tôi tự là Ưu-ba-đề-xá [124]. Thân mẫu tôi là Xá-lợi [125], nên những đồng phạm hạnh gọi tôi là Xá-lợi-phất”.

Hiền giả Mãn Từ Tử tán thán rằng:

“Hôm nay tôi đã bàn luận với vị đệ tử ngang hàng Thế Tôn [126] mà không biết, cùng với bậc Đệ nhị tôn [127] luận bàn mà không biết, cùng với vị Pháp tướng [128] luận bàn mà không biết, cùng luận bàn với vị đệ tử tiếp tục vận chuyển pháp luân đã được vận chuyển [129] mà không biết. Nếu tôi biết Tôn giả là [431c] Xá-lợi-phất thì tôi đã không trả lời nổi một câu, huống chi lại luận bàn sâu xa như thế. Lành thay! Lành thay! Tôn giả Xá-lợi-phất, là đệ tử của Đức Như Lai, trí biện hoàn hảo, thông minh, quyết định, an lạc vô úy, thành tựu sự chế ngự, đạt đến đại biện tài, được phướn cam lồ, ở trong cam lồ giới tự mình đã chứng ngộ, thành tựu và an trụ. Vì Hiền giả đã hỏi những ý nghĩa vô cùng sâu xa. Hiền giả Xá-lợi-phất, những đồng phạm hạnh sẽ được nhiều lợi ích, nếu gặp được Tôn giả Xá-lợi-phất, tùy thời mà thăm viếng, tùy thời mà lễ bái. Nay tôi cũng được lợi ích, tùy thời mà thăm viếng, tùy thời mà lễ bái. Những đồng phạm hạnh nên quấn y trên đầu để đội Hiền giả Xá-lợi-phất, vì để được nhiều lợi ích. Nay tôi cũng được nhiều lợi ích, tùy thời mà thăm viếng, tùy thời mà lễ bái”.

Hai vị Hiền giả khen ngợi nhau như vậy. Cùng khen ngợi nhau như vậy rồi, hoan hỷ phụng hành, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trở về chỗ nghỉ của mình.

10. KINH LẬU TẬN

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú ở Câu-lâu-sấu [130], tại đô ấp Kiếm-ma-sắt-đàm, [131] đô ấp của Câu-lâu.

Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Do tri, do kiến mà các lậu [132] bị tận diệt chớ không phải do không tri, không kiến.

“Sao gọi là do tri, do kiến mà các lậu bị tận diệt? Đó là do có chánh tư duy và không chánh tư duy [133]. Nếu không chánh tư duy thì dục lậu chưa sanh sẽ sanh; đã phát sanh liền tăng trưởng; hữu lậu, vô minh lậu chưa sanh sẽ phát sanh; đã phát sanh liền tăng trưởng. Nếu có chánh tư duy thì dục lậu chưa sanh sẽ không sanh, đã sanh liền tiêu diệt. Hữu lậu và vô minh lậu chưa sanh sẽ không sanh; đã sanh liền tiêu diệt.

“Những người phàm phu ngu si, không được nghe chánh pháp, không được gặp bậc chơn tri thức, không biết Thánh pháp, không được điều phục trong Thánh pháp [134] không biết pháp như thật. Nếu không có chánh tư duy, dục lậu chưa sanh sẽ phát sanh, đã phát sanh liền tăng trưởng; hữu lậu và vô minh lậu chưa sanh sẽ phát sanh; đã phát sanh liền tăng trưởng. Nếu có chánh tư duy, dục lậu chưa sanh sẽ không phát sanh, đã phát sanh liền tiêu diệt; hữu lậu và vô minh lậu chưa sanh sẽ không phát sanh; đã phát sanh liền tiêu diệt. Vì không biết pháp như thật do đó pháp không nên niệm lại niệm, pháp nên niệm lại không niệm. Vì pháp không nên niệm lại niệm, pháp nên niệm lại không niệm, nên dục lậu chưa sanh sẽ phát sanh, đã sanh liền tăng trưởng; hữu lậu và [432a] vô minh lậu chưa sanh liền phát sanh, đã sanh liền tăng trưởng.

“Thánh đệ tử đa văn được nghe Thánh pháp, được gặp bậc chơn tri thức, được điều phục theo Thánh pháp, biết pháp như thật, nhưng nếu không có chánh tư duy, thì dục lậu chưa sanh sẽ phát sanh, đã sanh liền tăng trưởng; hữu lậu và vô minh lậu chưa sanh liền phát sanh, đã sanh liền tăng trưởng. Nếu có chánh tư duy, dục lậu chưa sanh sẽ không sanh, đã sanh liền tiêu diệt; hữu lậu và vô minh lậu chưa sanh sẽ không phát sanh, đã sanh liền tiêu diệt. Sau khi biết pháp như thật, pháp không nên niệm thì không niệm, pháp nên niệm liền niệm. Vì không niệm pháp không nên niệm và niệm pháp nên niệm, nên dục lậu chưa sanh sẽ không phát sanh, đã sanh liền tiêu diệt; hữu lậu và vô minh lậu chưa sanh sẽ không phát sanh, đã sanh liền tiêu diệt.

“Có bảy sự đoạn trừ lậu, phiền não, pháp ưu sầu. Những gì là bảy? Có lậu được đoạn do kiến, có lậu được đoạn do hộ, có lậu được đoạn do ly, có lậu được đoạn do dụng, có lậu được đoạn do nhẫn, có lậu được đoạn do trừ, có lậu được đoạn do tư duy.

“Thế nào là lậu được đoạn do kiến [135]? Kẻ phàm phu không được nghe chánh pháp, không gặp bậc chơn trí thức, không biết Thánh pháp, không được điều phục trong Thánh pháp, không biết như thật về pháp, không có chánh tư duy nên suy nghĩ thế này: ‘Ta có đời quá khứ? [136] Ta không có đời quá khứ ? Do nhân duyên gì ta có đời quá khứ? Đời quá khứ ta như thế nào? Ta có đời vị lai? Ta không có đời vị lai? Do nhân duyên gì ta có đời vị lai? Ta có đời vị lai như thế nào?’ Người ấy hoài nghi về mình rằng [137]: “Thân ta là gì, nó là thế nào? [138] Nay chúng sanh này từ đâu đến, và sẽ đi về đâu? Trước kia do nhân gì mà có, và sẽ do nhân gì mà có?’ Người kia khởi tư duy không chánh như vậy rồi, trong sáu tà kiến, một tà kiến khởi lên cho rằng ‘Quả thật có tự ngã [139]’. Hoặc một tà kiến khởi lên cho rằng ‘Quả thật không có tự ngã’. Hoặc một tà kiến khởi lên cho rằng ‘Tự ngã thấy là tự ngã [140]’. Hoặc một tà kiến khởi lên cho rằng ‘Tự ngã thấy là phi tự ngã [141]’. Hoặc một tà kiến khởi lên cho rằng ‘Chính tự ngã ấy có thể thấy, có thể biết, có thể hành động, có thể sai khiến hành động, có thể đứng dậy, có thể sai khiến đứng dậy, sanh vào nơi này, nơi kia, thọ lãnh thiện báo, ác báo; quyết không từ đâu đến, quyết không phải đã có, quyết không phải sẽ có [142]’. Đó tệ của kiến [143]; bị kiến lay động, bị kết sử của kiến buộc chặt. Kẻ phàm phu ngu si vì thế mà phải chịu cái khổ của sanh, lão, bệnh, tử.

“Đa văn Thánh đệ tử được nghe Thánh pháp, gặp bậc chơn tri thức, được điều phục theo Thánh pháp, biết pháp như thật, biết như thật về Khổ, [432b] biết Khổ tập, biết Khổ diệt và biết như thật Khổ diệt đạo. Biết như thật như thế rồi, ba kết tận trừ. Khi ba kết là thân kiến, giới thủ, và nghi đã trừ hết, chứng quả Tu-đà-hoàn, không còn đọa lạc ác pháp, chắc chắn thẳng tiến đến chánh giác, thọ sanh tối đa bảy đời trong thiên thượng và nhân gian. Sau bảy lần qua lại liền đoạn tận khổ biên. Nếu không có tri kiến, bức rức, ưu buồn bèn phát sanh. Có tri kiến, bức rức, ưu buồn không phát sanh. Đó là lậu được đoạn trừ do kiến.

“Các lậu được đoạn trừ do hộ [144] là gì? Tỳ-kheo khi sắc được thấy bởi mắt mà nhãn căn đụợc phòng hộ thì sẽ do chánh tư duy mà nó được nhìn thấy là bất tịnh vậy. Nếu nhãn căn không được phòng hộ, sẽ do không chánh tư duy mà nó được nhìn thấy là tịnh. Nếu không phòng hộ bức rức, ưu buồn phát sanh. Nếu có phòng hộ, bức rức, ưu buồn không phát sanh. Cũng vậy, với tai, mũi, lưỡi, thân và ý biết pháp mà có phòng hộ ý căn, thì sẽ do chánh tư duy mà nhìn thấy đó là bất tịnh, nếu không phòng hộ ý căn thì sẽ do không chánh tư duy mà nhìn thấy đó là tịnh. Nếu không phòng hộ, bức rức, ưu buồn phát sanh. Nếu có phòng hộ, bức rức, ưu buồn không phát sanh. Đó là các lậu được đoạn trừ do hộ.

“Các lậu được đoạn trừ do ly [145] là gì? Tỳ-kheo khi thấy voi dữ thì nên xa lánh; thấy ngựa dữ, trâu dữ, chó dữ, rắn độc, đường hiểm, nhà tiểu, hầm hố, sông ngòi, suối sâu, vách núi, ác tri thức, ác bằng hữu, ác dị đạo, chòm xóm xấu, nơi cư trú xấu, hoặc Tỳ-kheo khi ở chung một chỗ với các đồng phạm hạnh khiến cho người không nghi ngờ mà sanh nghi ngờ, là những trường hợp phải nên xa lánh [146]. Hãy nên xa lánh tất cả ác tri thức, ác bằng hữu, ác ngoại đạo, ác dị đạo, chòm xóm xấu, nơi cư trú xấu, hoặc Tỳ-kheo khi ở chung một chỗ với các đồng phạm hạnh khiến cho người không nghi ngờ mà sanh nghi ngờ. Nếu không xa lánh thì khởi sanh bức rức, ưu buồn. Nếu xa lánh thì không phát sanh bức rức, ưu buồn. Đó là lậu được đoạn trừ do ly.

“Các lậu được đoạn trừ do dụng [147] là gì? Tỳ-kheo khi thọ dụng y phục, chẳng phải để cầu lợi, chẳng phải để kiêu hãnh, chẳng phải để trang sức, mà vì muỗi mòng, gió mưa, lạnh nóng và vì hổ thẹn. Khi thọ dụng đồ ăn uống chẳng phải vì mưu lợi, chẳng phải để trang sức, chẳng phải để mập béo mà vì để làm thân thể ở đời lâu dài, trừ bức rức, ưu buồn, vì để thực hành phạm hạnh, vì muốn để bệnh cũ tiêu trừ đừng sanh bệnh mới, và vì để sống lâu, an ổn, không bệnh hoạn. Khi thọ dụng nhà cửa, phòng xá, giường nệm, ngọa cụ, không phải để kiêu hãnh, chẳng phải để trang sức, mà vì để lúc mệt mỏi có nơi nghỉ ngơi, [432c] để được tĩnh tọa. Khi thọ dụng thuốc thang không phải để mưu lợi, không phải để kiêu hãnh, không phải để mập béo, mà chỉ để trừ bệnh hoạn, để điều hòa mạng căn, để an ổn không bệnh. Nếu không thọ dụng những thứ ấy thì sẽ sanh phiền não, sầu lo, còn thọ dụng thì không sanh phiền não sầu lo. Đó là lậu được đoạn trừ do dụng.

“Các lậu được đoạn trừ do nhẫn [148] là gì? Tỳ-kheo tinh tấn đoạn trừ pháp ác, bất thiện, tu tập thiện pháp, nên luôn luôn có ý tưởng trỗi dậy [149], chuyên tâm tinh tấn; thà để cho thân thể, da, thịt, gân, xương, máu, tủy khô kiệt tất cả chớ không bỏ tinh tấn. Phải đạt được mục đích mong muốn mới xả sự tinh tấn. Tỳ-kheo lại phải chịu đựng sự đói khát, lạnh nóng, muỗi mòng, ruồi, bọ chét, chấy, dù gió hay nắng bức bách, bị lời dữ, bị đánh đập, cũng đều có thể nhẫn chịu được. Dù thân mạng bệnh tật rất là đau đớn đến nỗi gần muốn tuyệt mạng, và những điều không thể ưa vui được, tất cả đều chịu đựng được. Nếu không nhẫn chịu thì sanh bức rức, ưu buồn, còn nhẫn chịu được thì không sanh phiền não ưu buồn. Đó là lậu được đoạn trừ do nhẫn.

“Có lậu được đoạn trừ do trừ [150] là gì? Tỳ-kheo nếu dục tầm [151] đã sanh mà không đoạn trừ, không xả ly; sanh nhuế niệm, hại niệm đã sanh mà không đoạn trừ, không xả ly. Nếu không trừ diệt, bức rức, ưu buồn phát sanh; còn nếu trừ diệt, bức rức, ưu buồn không phát sanh. Đó là lậu được đoạn trừ do trừ.

“Có lậu được đoạn trừ do tu [152] là gì? Tỳ-kheo tư duy về giác chi thứ nhất là niệm, y viễn ly, y vô dục, y diệt tận, thẳng đến xuất yếu; [153] trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an [154], định, cho đến tư duy về giác chi thứ bảy là xả, y viễn ly, y vô dục, y diệt tận, thẳng đến xuất yếu; nếu không tư duy thì sanh bức rức, ưu sầu, còn có tư duy thì không sanh phiền não ưu sầu. Đó là lậu được đoạn trừ do tư duy.

“Tỳ-kheo nào nào do kiến mà đoạn trừ các lậu được đoạn trừ bởi kiến; do hộ mà đoạn trừ các lậu được đoạn trừ bởi hộ; do ly mà đoạn trừ các lậu được đoạn trừ bởi ly; do dụng mà đoạn trừ các lậu được đoạn trừ bởi dụng; do nhẫn mà đoạn trừ các lậu được đoạn trừ bởi nhẫn; do trừ mà đoạn trừ các lậu được đoạn trừ bởi trừ; do tư duy mà đoạn trừ các lậu được đoạn trừ bởi tư duy; đó gọi là Tỳ-kheo đã đoạn trừ tất cả lậu, đã giải trừ các kết phược, có thể bằng chánh trí mà diệt tận khổ biên”.

Đức Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [155]

 


 [1] Nguyên hán: du . Pl., thành cú tương đương: (…) viharati, trú tại.

 [2] Thắng lâm 勝林, rừng Kỳ đà. Pl.: Jetavana.

 [3] Tri pháp, tri nghĩa, tri thời, tri tiết, tri chúng, tri nhân thắng như 知法知義知時知莭知眾知人勝如. Pāli (A. iv. 113): dhammaññū ca hoti atthaññū ca attaññū ca mattaññū ca kālaññū ca parisaññū ca puggalaparoparaññū ca.

 [4]  Chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu và thuyết nghĩa 正經, 歌詠, 記説, 偈他, 因縁, 撰録, 本起, 此說, 生處, 廣解, 未曾有, 說義. No 27: văn , ca , thuyêt , tụng , thí dụ 譬喻, bản khởi kỷ 本起紀, sự giải 事解, sanh truyện 生傅, quảng bác 廣博, tự nhiên 自然, hành , chương cú 章句. No 215(39.1): khế kinh 契經, kỳ-dạ 祇夜, kệ , nhân duyên 因緣, thí dụ 譬喻, bản mạt 本末, quang bác 廣演, phương đẳng 方等, vị tằng hữu 未曾有, quảng phổ 廣普, thọ quyết 授決, sanh kinh生經. Cả ba bảnđđều liệt kê mười hai bộ. Pāli (A. iv. 113) chỉ có chín: suttaṃ geyyaṃ veyyākaraṇaṃ gāthaṃ udānaṃ ittivuttakaṃ jātakaṃ abbhutadhammaṃ vedallaṃ.

 [5] Hán: hạ tướng, cao tướng, xả tướng 下相, 高相, 捨相. No 1536 (Đ tr.457b): tu chỉ tướng, tu cử tướng, tu xả tướng. No 27: thời tư duy tịch diệt tương, thời tư duy thọ hành tưởng, thời tư duy sân hộ tưởng. Pāli: ayaṃ kālo uḍessa, ayaṃ kālo paripucchāya, ayaṃ kālo yogassa, ayaṃ kālo paṭisallānassā ti. “Đây là thời để giảng thuyết; đây là thời để hỏi; đây là thời để tu tập, đây là thời để tĩnh chỉ’’. Trong bản Hán, đọc uddha(?) hay ucca (cao), thay vì uddesa (giảng giải).

 [6] Hán: tín, giới, văn, thí, tuệ, biện, a-hàm, sở đắc 信戒聞施慧辯阿舍所得. No 27: sửo tín, sở giới, sở văn, sở thie, sở tuệ, sở giải, sở chí, sở nhập 所信所戒所聞所施所慧所解所至
<lb n="0810a24"/>所入No 1536 (tr.457c): tín, giới, văn, xả, tuệ, giáo, chứng, niệm, tộc tánh, biện tài 信戒聞捨慧証念 族姓辯才. Pāli: saddha (tín), sīla (giới), suta (văn), cāga (thí xả), paññā (tuệ), paṭibhāna (biện tài). 

 [7] Nguyên bản: Phạm chí 梵志. Những nơi khác, từnày thường ịch từ tương đương Pāli: parribbājaka: phổ hành giả, ngoại đạo xuất gia. Nhưng đây chỉ Bà-la-môn.

 [8] No 27:  chúng quân tử 君子眾 (Sát-lị) hay chúng lý gia (cư sỹ) 理家眾.

 [9] Hán: tri nhân thắng như  知人勝如. No 125(39.1): tri chúng nhân căn nguyên 知眾人根 [01]. No 1536, đã dẫn: tri nhân thắng liệt 知人勝劣.

 [10] Nguyên hán: hướng pháp thứ pháp向法次法, tức pháp tùy pháp hành, tu tập theo pháp và tùy pháp, hay theo tùy pháp của pháp, theo thuận tự của pháp. Pl.: dhammānudhammapaṭipannna.

 [11] Hán: nhũ, lạc, sinh tô, thục tô, tô tinh 乳酪生酥熱酥酥精. Pāli: khīra (sữa), dadhi (sữa đông hay sữa chua), takka (bơ lỏng, ¼ nước ), navanīta (bơ đặc), sappi (dầu bơ hay bơ tinh, đề hồ). Bản Pāli tương đương không có thí dụ này.

 [12] Hán: trú độ thọ . Pāli: pārichattaka (Skt. pārijāta: viên sinh thọ 圓生樹. Cây san hô (Erythmia Indica) trên trời Đao-lị (Pl. Tāvatiṃsa), làm chuẩn để tính ngày; đồng hồ của trời Đao-lị. No.125 ( 39.2 ) mô tả: gốc cây lớn năm mươi do tuần, cao một trăm do tuần, bóng mát phủ bốn phía, mỗi phía năm mươi do tuần. Các Thiên thần cõi trời Tam Thập Tam Thiên, vào tiết tháng tư thường tụ tập đến đó thưởng ngoạn. No.28 cũng mô tả tương tự.

 [13] No.28: cây ấy tức sinh ra bán nổ-bá- la-xá 半努缽羅舍. Pāli: paṇḍupālasa: (lá cây) héo úa.

 [14] Hán: sinh võng 生網. Pāli: jālakajāta: nảy mầm chồi non. Bản Hán phân tích: jālaka: màng lưới + jāta: đã sinh. No. 28: bảo võng . phân tích: jālaka, lưới; + jāta = jātarūpa (?): vàng (hoàng kim).

 [15] Hán: điểu trác . Pāli: khāraka, chồi hay lộc.

 [16] No.28, hai giai đoạn: câu-châm-ma-la-ca 俱砧摩羅迦. Pāli: kuḍumalaka, nụ hoa vừa lú); và ca-ca-tả 迦迦寫. Pāli, koraka, nụ hoa).

 [17] Nguyên bản: do-tuần 由延 (Pl.: yojana); nhưng phổ thông quen với âm do-tuần.

 [18] Hán: hữu giác hữu quán有覺有觀. Pāli: sa vitakkaṃ savicāraṃ, câu hữu với tầm (suy tầm) và câu hữu với tứ (tư sát).

 [19] Hán: ly sanh hỷ lạc 離生喜樂. Pāli: vivekajaṃ pītisukhaṃ, hỷ và lạc phát sinh từ sự viễn ly (ẩn cư).

 [20] Hán: thành tựu du 成就遊. Pāli: upasampajja viharati, sau khi chứng nhập, vị ấy an trụ (sống trong trạng thái).

 [21] Hán: định sanh hỷ lạc 定生喜樂. Pāli: samādhijaṃ pītisukhaṃ.

 [22] Hán: ly ư hỷ dục, xả, vô cầu du 離於喜欲捨無求遊. Pāli: pītiyā ca virāgā ca uppekkako ca viharati: vị ấy sống (an trú) trong trạng thái xả, không còn hỷ.

 [23] Thánh sở thuyết Thánh sở xả 聖所說聖所捨. No 1537 (tr. 484b): Thánh nói là cần phải xả, tức là xả lạc được cảm giác bởi thân. Sớ giải Pāli: yaṃ taṃ ariyā ācikkhanti… kinti? upekkhako satimā sukhaviharati, điều mà các Thánh nói, đó là gì? an trú lạc có xả và (chánh) niệm.

 [24] Hán: xả niệm lạc trụ không 捨念樂住空, nên đọc đúng: (…) lạc trụ thất 樂住室, Pl. sukhaviharati. Từ tương đương Pl. viharati (vihāra, vihārī): an trú, cư ngụ. Danh từ của nó, Hán thường dịch là trụ; nhưng cũng có bản hán hiểu là đường hay thất (cái nhà) như (bốn) Phạm đường hay Phạm thất mà Pāli tương đương là brahma-vihāra, tức bốn Phạm trụ. Vây, owr đay hán dịch: lạc tru thất, chính xác cần hiểu là lạc trú hay an trú lạc.

 [25] Hán: xả niệm thanh tịnh . No 1537 (tr.485a): “Lúc bấy giờ, hoặc xả, hoặc niệm, thảy đều được thanh tịnh”. Pāli: upekkāsatiparisuddhiṃ.

 [26] Hán: bất cánh thọ hữu 不更受有

 [27] Hán: thất sự cụ túc 七事具足. Pāli: sattehi nagaraparikkārehi, với bảy tư cụ bảo vệ thành trì.

 [28] Hán: lâu lỗ . Pāli: esika, cột trụ bằng đá, thạch trụ.

 [29] Hán: thực . Pāli (A.iv. 105): āhāra. TNM: sự .

 [30] Hán: niêm đậu, đại tiểu đậu  黏豆大小豆.Pāli: tila-mugga-māsāparaṇaṃ, mè (vừng), đậu đỏ, và các loại đậu khác.

 [31] Bảy thiện pháp và bốn tăng thượng tâm 七善法四增上心. Pāli: satta-saḍhammā (bảy pháp vi diệu), và catu-jhāna-abhicetasikā (bốn Thiền tăng thượng tâm).

 [32] Hán: bất vị Ma vương chi sở đắc tiện 不為魔王之所得便. Pāli: akaraṇīyo marassa, không bị Ma vương chinh phục.

 [33] Hán: thâm trước Như Lai 深著如來. Pāli: saddahati Tathāgatassa bodhiṃ, tin tưởng sâu sắc sự giác ngộ của Như Lai.

 [34] Hán: tàm sỉ . Pāli: hirīmā.

 [35] Hán: tu quỷ . Pāli: ottappī.

 [36] Pāli: āraddha-viriya, nỗ lực tinh cần.

 [37] Pāli: anikkhittadhuro kusalesu dhammesu, không từ bỏ gánh nặng trong các thiện pháp.

 [38] Hán: cụ túc thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh 具足淸淨顯現梵行. Pāli, thành cú: kevalaparipuṇṇaṃ parisuddhaṃ brahmacariyaṃ abhivadanti, (các pháp ấy) tán thán phạm hạnh viên mãn và thanh tịnh.

 [39]Hán: quán hưng suy pháp 觀興衰法. Pāli: udayatthagātaminiyā paññāya samannāgato, thành tựu trí tuệ về sự sinh khởi và hoại diệt (của các pháp).

 [40] Hán: Thánh tuệ minh đạt phân biêt hiểu liễu 聖慧明達分別曉了. Pāli, thành cú: ariyā nibbedhikāya, bằng sự quyết trạch của Thánh, Thánh quyết trạch.

 [41] Hán: trú ngạn nhân 住岸人. Pāli: pārangato, đã qua bờ bên kia.

 [42] Hán: trụ ngạn phạm chí 住岸梵志. Pāli: pārangato thale tithati bramano, “người Bà-la-môn đã sang bờ bên kia, đứng trên đất liền”.

 [43] Hán: thường ngọa 常臥. Pāli: sakiṃ nimuggo nimuggo, một lần chìm là chìm luôn.

 [44] Hán: cực thọ thất hữu 極受七有.

 [45] Hán: đắc khổ biên tế . Pāli: dukkhass' antaṃ karoti, chấm dứt sự khổ.

 [46] Tức tham, sân, si. Pl., thành cú: rāgadosamohānaṃ tanuttā.

 [47] Hán: sanh thử gian 生於彼間, chỉ sinh lên các năm cõi trời Tịnh cư. Pl., thành cú: opapātiko hoti tattha parinibbāyī, “hóa sanh lên đó, và nhập Niết-bàn tại đó.”

 [48]Câu-tát-la 拘薩羅. Pāli: Kosala.

 [49] Hán: mộc tích “đống gỗ”. Pāli: aggikkhandhaṃ, đống lửa.

 [50] Hán: ni-sư-đàn 尼師檀 (Pāli: nisīdana): tọa cụ, khăn trải để ngồi.

 [51] Hán: công sư 工師, giai cấp thứ tư (thủ-đà-la hay phệ-xa, Pl.: vessa).

 [52] Hán: bất thiện bất nghĩa . tức bất hạnh và không đạt được mục đích gì.

 [53] Hán: bác (bộ thủ): đánh; có lẽ bộ nhục bắp tay. TNM: thuyễn : bắp chân. Pāli: jaṅghā: bắp chân.

 [54] Bản Hán, hết quyển 1.

 [55] Vô dư Niết-bàn 無餘涅槃; Pl. anupāda-parinibbāna, Niết-bàn không chấp thủ, được hiểu là Niết-bàn không sở y (appaccaya-nibāna).

 [56] Hán: ngã giả vô ngã, diệc vô ngã sở 我者無我亦無 我所 (…). Pāli (A. iv. 70): no cassa no ca me siyā,  na bhavissati na me bhavissati“nó đã không hiện hữu, và nó có thể không phải là của ta; nó sẽ không tồn tại và nó sẽ không phải là của ta.” Sớ giải (AA, iv. 38): no cassa, nó đã không tồn tại, nghĩa là, nếu nghiệp tác thành ngã thể trong quá khứ (atīte attabhāvanibbattakaṃ kammaṃ) đã không tồn tại; và no ca me siyā, thì ở đây, ngã thể này có thể không tồn tại.”

 [57] Hán: dĩ hữu tiện đoạn 已有便斷. Pāli: yadatthi yaṃ bhūtaṃ taṃ pahajāmi, “Với cái gì đang tồn tại, hiện hữu, ta đoạn trừ cái đó”. Sớ giải, ibid.: cái đang tồn tại, hiện hữu (yad atthi yaṃ bhūtaṃ), tức là năm uẩn hiện tại (paccupannakkhandhapañcakaṃ).

 [58] Hán: hữu lạc bất nhiễm, hiệp hội bất trước  有樂不染合會不著. Pāli: so bhave na rajjati, sambahave na rajjati, “vị ấy không đắm trước hữu (không hoan lạc trong cái đang hiện hữu), không đắm trước sinh (không hoan lạc trong cái đang xuất sinh)”.

 [59] Hán: vô thượng tức tích 無上息跡. Pāli: atthuttariṃ padaṃ santaṃ sammapaññāya passati, “bằng chánh trí, vị ấy thấy con đường tịch tĩnh dẫn đến mục đích tối thượng”.

 [60] Pāli: taṃ ca khvassa padaṃ na sabbena sabbaṃ sacchikataṃ hoti, “Nhưng không hoàn toàn thực chứng đạo lộ ấy”.

 [61] Hán: thiểu mạn vị tận 少慢未盡. Pāli: na sabbena sabbaṃ mānānusayo pahīno hoti, na sabbena sabbaṃ bhavarāgānusayo pahīno hoti, na sabbena sabbaṃ avijjānusayo pahīno hoti, “chưa hoàn toàn đoạn trừ mạn tùy miên; chưa hoàn toàn đoạn trừ hữu ái tùy miên; chưa hoàn toàn đoạn trừ vô minh tùy miên”.

 [62] Hán: ngũ hạ phần kiết 五下分結. Pāli: pañca orambhāgiya saṃyojana, 5 kết dẫn đến tái sah Dục giới.

 [63]Trung Bát-niết-bàn 中般涅槃. Pāli: antarāparinibbāyī.

 [64]  Ba ví dụ trên tương ứng với ba cấp Trung Bát-niết-bàn: tốc, phi tốc và kinh cửu (nhanh, không nhanh và lâu); xem Câu-xá 24 (tr.125a).

 [65]Sanh Bát-niết-bàn 生般涅槃. Pāli: upahaccaparinibbāyī, “tổn hại bát-niết-bàn”, nhập Niết-bàn do rút ngắn tuổi thọ sau khi sanh Sắc giới. Từ Pāli upahacca có nghĩa là “làm tổn hại”. Bản Hán, theo từ gốc Skt. là upapadya (Pāli: upapajja) có nghĩa là “sanh”.

 [66] Hành Bát-niết-bàn, hay Hữu hành Bát-niết-bàn 有行般涅槃. Pāli: sasaṃkhāraparinibbāyī..

 [67]Vô hành Bát-niết-bàn 無行般涅槃. Pāli: asaṃkhāraparinibbāyī. Pāli kể Vô hành trước Hữu hành. 

 [68]Thượng lưu A-ca-nị-trá Niết-bàn 上流阿迦膩涅槃 hay thượng lưu sắc cứu cánh Niết-bàn 上流色究竟涅槃. Pāli: uddhaṃsoto akaniṭṭhagāmin.

 [69]  Hán: tức tích diệt độ 息跡滅度.

 [70] Câu-xá-di 拘舍彌 (Kiều-thưởng-di) Pāli: Kosambī.

 [71] Cù-sa-la viên 瞿沙羅 khu vườn do Trưởng giả Cù-sa-la cúng dường Phật. Pāli: Ghositārāma.

 [72] Ma-ha Châu-na 摩訶周那 tên Tỳ-kheo. Pāli: Mahācunda.

 [73] Hán: yển tọa 宴坐 ngồi nghỉ ngơi một mình nơi thanh vắng và tập thiền; thiền tọa độc cư. Pāli: paṭisallāna.

 [74] Thi thiết 施設, từ tương đương Pḷ. paññatti, môt tả; hoặc paññāpeti, tuyên bố.

 [75] Hán: tộc tánh nam, tộc tánh nữ 族姓男族姓女 thiện gia nam tử/ nữ nhân, hoặc thiện nam tử, thiện nữ nhân, những người sinh vào một trong bốn giai cấp. Pl. kulaputta, kuladuhitā.

 [76] Hán: viên dân .

 [77] Đoạn này kể chung có bốn thứ: hai bữa ăn, người làm vườn, và chu cấp khi mưa gió.

 [78] Hằng-già , Hằng. Pāli: Gaṅgā.

 [79]  Đoạn này kể chung cả năm thứ: thăm viếng, lễ bái, cúng dường, thọ tam quy, thọ ngũ giới.

 [80]Ngũ hà lưu 五河流: Hằng-già 恒伽 (Pāli: Gaṅgā), Dao-vưu-na 揺尤那
(Pāli: Yamunā), Xá-lao-phu 舍勞浮, (Pāli: Sarabhū), A-di-la-bà-đề 阿夷羅婆提(Pāli: Aciravatī), Ma-xí 摩企 (Pāli: Mahī).

 [81] Tỳ-xá-li 鞞舍離; Pāli: Vesali. Thủ phủ của bộ tộc Licchava.

 [82] Nại thị thọ viên 柰氏樹園, vườn cây của họ Nại, tức vườn Xoài. Pāli: Ambapālivāna, do kỹ nữ Ambapāli cúng dường Phật.

 [83] Đây chỉ đại hạn vào lúc kiếp hoại.

 [84] Bản Pāli liệt kê bốn sông lớn: Gaṅgā, Yamunā, Aciravatī, Sarabhū.

 [85] Năm sông lớn, xem cht. 11, kinh số 8 trên.

 [86]Đa-la thọ 多羅樹. Pl.: tāla. Cùng loại cây thốt nốt hay cây cọ, dùng làm đơn vị đo chiều cao.

 [87] Trong bản: nhất nhân 一人, chép nhầm. TNM: thập nhân 十人.

 [88] Hoảng dục 晃昱. Các nơi khác: Quang âm thiên 光音天, Cực quang thiên 光天. Pāli: Ābhassarā.

 [89]Yên mặc 熛墨. TNM: yên diệm . No.30: Đốt đèn bằng dầu tô (bơ), cháy đến hết; đèn tắt, dầu cũng cạn sạch.

 [90] Thiện Nhãn . Pāli: Sunetta.

 [91] Pāli: satthā... titthakaro, vị Đạo sư thuộc ngoại đạo.

 [92] Pāli: kāmesu vītarāgo.

 [93] Phạm thế pháp 梵世法. Pāli: brahmalokasahavyatāya dhammaṃi, “pháp dẫn đến sự cộng trú nơi Phạm thiên giới”.

 [94]  Hán: Phạm thất  , tức là Phạm trụ 梵住, gồm bốn vô lượng tâm: từ, bi, hỷ và xả. Pāli: Brahmavihāra. Bản Hán hiểu vihāra là ngôi nhà, hay tinh xá, thay vì là sự an trụ.

 [95] Hán: tăng thượng từ . Pāli: uttari mettā, từ cao hơn.

 [96] Hán: mẫn thương thế gian vị thiên vị nhân cầu nghĩa lợi cập nhiêu ích, cầu an ổn khoái lạc 愍傷世間為天為人求義及饒益求安隱快樂. Pāli. thành cú: lokānukampāya atthāya hitāya sukhāya devanamanussānaṃ, vì mục đích thương tưởng thế gian, vì mục đích lợi ích và an lạc cho chư thiên và loài người. Bản hán hiểu attha là (ý) nghĩa, thay vì là sự lợi ích, hay mục đích.

 [97] Nguyên Hán: Minh Hành thành vi 明行成為. Pl.: vijjācaraṇasampanno, vị đã thành tưu đủ cả Minh (trí) và Hành (giới).

 [98] NguyênHán: Đạo Pháp Ngự 道法御, thường nói là “Điều Ngự Trượng Phu" 調御丈 . Pāli: purisadammasārathi. Ở đây, bản Hán đọc là dhamma (pháp: đạo pháp), thay vì dama (điều phục, huấn luyện) như thường biết. Hán dịch cũng để rơi mất từ purisa: con người. Phật là vị huấn luyện con người, và đánh xe đưa người qua sa nạc sanh tử nên gọi là “điều ngự trượng phu”. Bản Hán thiếu, cần bổ túc cho đủ nghĩa thường hiểu.

 [99] Nguyên Hán: Chúng Hựu 眾祐, Đấng phù hộ mọi loài. Thương biết với hiệu là Thế Tôn.  Pāli: Bhagavant.

 [100] Mãn Từ Tử 滿慈子 (Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử).  Pāli: Puṇṇa Mantāṇiputta.

 [101] Hán: nhàn cư 閑居. Pāli: paviveka, (sống) độc cư, nhàn cư, ẩn dật.

 [102] Hán: tự khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ 自勸發渴仰成就歡喜. Pāli: ovādako viññāpako sandassako samādapako samuttejako sampahaṃsako: vị giáo giới, vị giáo thọ, vị khai thị, vị khích kệ (sách tấn), vị làm cho các đồng phạm hạnh hoan hỷ.

 [103] Nguyên bản: Xá-lợi-phất 舍梨子. Pāli: Sāriputta.

 [104] An-đà lâm 安陀林. Pāli: Andhavana.

 [105] Hán: giới tịnh cố 戒淨故. Pāli: sīlavisuddhattham: mục đích là sự thanh tịnh của giới đức.

 [106] Hán: tâm tịnh 心淨. Pāli: cittavisuddha.

 [107] Hán: kiến tịnh 見淨. Pāli: diṭṭhivisuddha.

 [108] Hán: nghi cái tịnh 疑蓋淨. Pāli: kaṅkhāvitaraṇavisuddha, độ nghi tịnh, trừ nghi tịnh: “thanh tịnh do vượt qua sự hoài nghi”. Bản Hán đọc là kaṅkhāvaraṇavisuddha, “thanh tịnh đối với sự bao trùm của hoài nghi”.

 [109] Hán: đạo phi đạo tri kiến tịnh 道非道知見淨. Pāli: maggāmaggañāṇa-dassanavisuḍha, thanh tịnh do thấy và biết về đạo và phi đạo.

 [110] Hán: đạo tích tri kiến tịnh 道跡知見淨. Pāli: paṭipadāñāṇadassanavisuddha, thanh tịnh do tri kiến về phương pháp hành trì (đạo tích).

 [111] Hán: đạo tích đoạn trí tịnh 道跡斷智淨, sự thanh tịnh do nhận thức toàn diện về đường lối hành trì. Pāli: ñāṇadassanavisuddha, thanh tịnh do tri kiến.

 [112] Hán: dĩ hà nghĩa 以何義. Pāli: kim attham, có mục đich gì?

 [113] Hán: Vô dư Niết-bàn 無餘涅槃. Pāli: anupādāparinibbāna, Niết-bàn không còn chấp thủ.

 [114] Hán: dĩ … cố , vì mục đích. Nhưng, theo bản Pāli (M. i. 148): kiṃ nu kho sīlavisuddhi anupādāparinibbānaṃ, phải chăng (Thế Tôn nói) sự giới tịnh là vô thủ trước Niết-bàn? Xem thêm cht, tiêp theo.

 [115]  So sánh bản Pāli: sīlavisuddhiñ ce āvuso Bhagavā anupādāparinibbānaṃ paññāpeyya, sa-upādānaṃ yeva samānaṃ anupādā parinibbānaṃ paññāpeyya, ... “Nếu Thế Tôn tuyên bố (thi thiết) giới thanh tịnh là Vô dư Niết-bàn thì Ngài cũng tuyên bố Vô dư Niết-bàn bình đẳng với Hữu dư...”

 [116] Tức ngoài những pháp đã kể: giới tịnh, cho đến, tri kiến tịnh.

 [117]  Nghĩa là, phàm phu không có giới tịnh, cho đến, tri kiến tịnh.

 [118] Sa-kê-đế 娑雞帝; các bản Hán đều viết Bà-kê-đế 婆雞帝. Nay theo âm Pāli tương đương sửa lại. Pāli: Sakēta, một thành phố ở phía Bắc Kosala.

 [119] Hán: phạm hạnh nhân 梵行人. Pāli: sabrahmacarī, đồng phạm hạnh, bạn đồng tu.

 [120] Hán: ngã hiệu 我號, bản Tống: ngã phụ hiệu 我父號, tên cha. Pāli: Puṇṇo... me... Nāmaṃ, tên tôi là Puṇṇa.

 [121] Hán: sở tác trí biện 所作智 .

 [122] Hán: cam lộ tràng . Pāli: amataketu (?); từ điển Pāli không có từ này.

 [123] Hán: cam lộ giới 甘露界, đồng nghĩa với Niết-bàn giới. Pāli: amatadhātu: bất tử giới

 [124] Ưu-ba-đề-xá 優波鞮舍. Pāli: Upatissa.

 [125] Xá-lê 舍梨. Pāli: Sāri.

 [126] Để bản: Thế Tôn đệ tử 世尊弟子. TNM: Thế Tôn đẳng đệ tử 世尊等弟子. Pāli: satthukappena vata kira bho sāvakena, (cùng với) vị đệ tử được xem là ngang hàng với Đạo Sư.

 [127]  Đệ nhị tôn 二尊. Nói như vậy, vì Ngài Xá-lợi-phất được kính trọng dưới Đức Phật chỉ một bậc.

 [128] Pháp tướng , vị tướng quân của Chánh pháp. Pāli: dhammasenapāti.

 [129] Hán: chuyển pháp luân phục chuyển đệ tử 轉法輪復轉弟子, nghĩa là hỗ trợ Phật chuyển pháp luân.

 [130] Câu-lâu-sấu 拘樓瘦, phiên âm tương đương Pāli: Kurusu, giữa những người (nước) Kuru. Nhưng, Pāli, M.2: Sāvatthiyaṃ viharati Jetavane..., trú ở Xá-vệ, trong rừng Jeta... No.125 (40.6) cũng vậy, Xá-vệ Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên. No.31, Phật tại Câu-lưu, Tu hội pháp nghị tư duy.

 [131] Kiếm-ma-sắt-đàm Câu-lâu đô ấp 劍磨瑟曇拘樓都邑. Pāli: Kammāsadhamma, thủ phủ của những người Kurū.

 [132] No 31: lưu .

 [133] Chánh tư duy bất chánh tư duy 正思惟不 思惟. No.31. Bổn quán, phi bổn quán 本觀 非本觀, suy niệm đúng đắn và suy niệm không đứng đắn. Pāli: yoniso ca manasikāraṃ ayoniso ca manasikāraṃ, có như lý tác ý và không như lý tác ý (hý luận có phương pháp và không có phương pháp).

 [134] Hán: bất điều ngự Thánh pháp 不調御聖法, nghĩa là, không được huấn luyện, hay điều phục theo Thánh pháp. Pl.: ariyadhamme avinīto.

 [135] Lậu tùng kiến đoạn 漏從見斷. Pāli: āsavā dassanā pahātabbā.

 [136] Pāli (M. i. 7): ahosiṃ nu kho ahaṃ atītam addhānaṃ, “Ta đã hiện hữu trong đời qua khứ chăng?”

 [137] Hán: tự nghi 自疑, ở đây, hoài nghi về sự hiện hữu của mình trong đời hiện tại. Pāli: paccupānnaṃ addhānaṃ kathaṃkathī hoti.

 [138] Hán: kỷ thân hà vị thị, vân hà thị 己身何謂是云何是. Pāli: kin nu kho ‘smi, kathan nu kho ‘smi, “Tại sao ta hiện hữu? Ta hiện hữu như thế nào?”

 [139] Hán: chân hữu thần 真有神, tự ngã được biết như là linh hồn hay thần hồn. Pāli: atthi me attā ti, “Ta có tự ngã”.

 [140] Thần kiến thần 神見神. No.31: Tự kế thân thân kiến 自計身身見. Pāli: attanā va attānaṃ saṃjānāmīti, “do tự mình, tôi biết có tự ngã”.

 [141] Hán: thần kiến phi thần 神見非神. Pāli: attanā va anattānaṃ saṃjānāmīti, “Không do tự mình, tôi biết có tự ngã.”

 [142]  Hán: định vô sở tùng lai..., 定無所從來. Pāli: so kho pana me ayaṃ attā nicco dhuvo sassato avipariṇāmadhammo sassatisamaṃ tath’eva ṭhassatīti, “Tự ngã của ta ấy thường trụ, kiên cố, vĩnh hằng, không biến dịch, tồn tại vĩnh cửu”.

 [143] Hán: kiến chi tệ 見之弊... Pl. ibid.: idaṃ vuccati... diṭṭhigataṃ diṭṭthigahanaṃ diṭṭhikantāraṃ diṭṭhivisūkaṃ diṭṭhivipphanditaṃ diṭṭhisaṃyojanaṃ, “Đó được gọi là sở hành của tà kiến, rừng rậm của tà kiến, đường hiểm của tà kiến, tranh chấp của tà kiến, sự náo động của tà kiến, sự trói buộc của tà kiến”.

 [144] Hán: lậu tùng hộ đoạn 漏從護斷. Pāli: āsavā saṃvarā pahātabbā, các lậu được đoạn trừ do phòng hộ (luật nghi).

 [145] Hán: lậu tùng ly đoạn 漏從離斷. Pāli: āsavā parivajjanā pahātabbā, các lậu được đoạn trừ do bởi sự xả ly (tránh xa).

 [146] Nghĩa là, tránh xa những Tỳ-kheo nào giao du bạn xấu, v.v..., khiến các bạn đồng tu phải nghi ngờ lây cả mình.

 [147] Hán: lậu tùng dụng đoạn 漏從用斷. Pāli: āsavā paṭisevanā pahātabbā, các lậu được đoạn trừ do thọ dụng.

 [148] Hán: lậu tùng nhẫn đoạn 漏從忍斷. Pāli: āsavā adhivāsanā pahātabbā, các lậu được đoạn trừ do sức chịu đựng.

 [149] Hán: thường hữu khởi tưởng 常有起想, luôn luôn có ý tưởng tỉnh thức, không ham ngủ nghỉ.

 [150] Hán: lậu tùng trừ đoạn 漏從除斷. Pāli: āsavā vinodā pahātabbā, lậu đoạn trừ do loại bỏ, trừ khử.

 [151] Nguyên hán: dục niệm 欲念, (nhuế niệm 恚念, hại niệm 害念). Đây chỉ ba bất thiện tầm: dục tầm, sân (nhuế) tầm, hại tầm. Xem No 1(9), kinh “Chúng tâp’. Pl.: kāmavitakkaṃ, vyāpādavitakkaṃ, vihimsāvitakkaṃ.

 [152] Hán: lậu tùng tư duy đoạn 漏從思惟斷. Pāli: āsavā bhāvanā pahātabbā, các lậu được đoạn trừ do tu tập.

 [153] Hán: y ly, y vô dục, y ư diệt tận, thú chí xuất yếu 依離依無欲依於滅盡趣至出要. Pl. thành cú: vivekanissitaṃ virāganissitaṃ nirodhanissitaṃ vossaggapariṇāmiṃ, y viễn ly, y ly dục, y diệt tận, hướng đến xả ly .

 [154] Hán: tức , sự nghỉ ngơi; nhưng thường nói là khinh an. Pāli: passaddhi.

 [155] Bản hán, hết quyển 2.