11. Tương Ưng A-na-luật, Kinh 534-544

11. TƯƠNG ƯNG A-NA-LUẬT [1]

KINH 534. ĐỘC NHẤT [2]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giải A-na-luật đang ở tại tinh xá Tòng lâm. [3] Tôn giả Đại Mục-kiền-liên ở nơi rừng Khủng bố [4] nơi có nhiều cầm thú trong núi Thất-thâu-ma-la, [5] thôn Bạt-kỳ. Bấy giờ, Tôn giả A-na-luật ở một mình chỗ vắng, thiền tịnh tư duy. Tôn giả nghĩ thầm: “Có nhất thừa đạo [6] khiến cho chúng sanh được thanh tịnh, lìa ưu bi, khổ, não, đạt được pháp chơn như. Đó là bốn niệm xứ. Những gì là bốn? Niệm xứ quán thân trên thân, niện xứ quán thọ, tâm, pháp trên pháp. Ai xa lìa bốn niệm xứ là xa lìa Thánh pháp. Người nào xa lìa Thánh pháp là xa lìa Thánh đạo. Người nào xa lìa Thánh đạo là xa lìa pháp giải thoát. Người nào xa lìa pháp giải thoát là không vượt qua khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Ai ưa thích bốn niệm xứ thì cũng tin ưa Thánh pháp. Người nào tin ưa Thánh pháp thì tin ưa Thánh đạo. Người nào tin ưa Thánh đạo là tin ưa pháp cam lồ. Người nào tin ưa pháp cam lồ là thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.”

Bấy giờ, Tôn giả  [139b] Đại Mục-kiền-liên biết được ý nghĩ của Tôn giả A-na-luật, trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay dùng thần lực biến khỏi rừng Khủng bố chỗ nuôi cầm thú trong núi Thất-thâu-ma-la, thôn Bạt-kỳ, và hiện ra trước Tôn giả A-na-luật, tại tinh xá Tòng Lâm nơi thành Xa-vệ, bảo A-na-luật rằng:

“Phải chăng Thầy ở một mình nơi chỗ vắng, thiền tịnh, tư duy nghĩ rằng: Có đạo nhất thừa khiến cho chúng sanh được thanh tịnh, lìa ưu bi, khổ, não, được chơn như. Đó là bốn niệm xứ. Những gì là bốn? Niệm xứ quán thân trên thân, niện xứ quán thọ, tâm, pháp trên pháp. Ai xa lìa bốn niệm xứ là xa lìa Thánh pháp. Người nào xa lìa Thánh pháp là xa lìa Thánh đạo. Người nào xa lìa Thánh đạo là xa lìa pháp giải thoát. Người nào xa lìa pháp giải thoát là không vượt qua khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Ai ưa thích bốn niệm xứ thì cũng tin ưa Thánh pháp. Người nào tin ưa Thánh pháp thì tin ưa Thánh đạo. Người nào tin ưa Thánh đạo là tin ưa pháp cam lồ. Người nào tin ưa pháp cam lồ là thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não?”

Tôgiả A-na-luật nói với Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

“Quả thât vậy! Quả thật vậy! Thưa Tôn giả.”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói Tôn giả A-na-luật:

“Thế nào gọi là tin ưa bốn niệm xứ?”

“Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tỳ-kheo đối với niệm xứ quán thân trên thân, tâm duyên thân, an trụ với chánh niệm, điều phục, tĩnh chỉ, an tĩnh, tịch tĩnh, nhất tâm tăng tiến. Cũng vậy, đối với quán niệm xứ thọ, tâm, pháp, mà an trụ với chánh niệm, điều phục, tĩnh chỉ, an tĩnh, tịch tĩnh, nhất tâm tăng tiến. Thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, đó gọi là Tỳ-kheo tin ưa bốn niệm xứ.”

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên bằng tam-muội chánh thọ như vậy, từ cửa tinh xá Tòng lâm nước Xá-vệ, trở về rừng Khủng bố chõ nuôi cầm thú trong núi Thất-thâu-ma-la nơi thôn Bạt-kỳ.

KINH 535. ĐỘC NHẤT (2) [7]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ... cho đến Tôn giả Đại Mục-kiền-liên hỏi Tôn giả A-na-luật:

“Sao gọi là tu tập, tu tập nhiều bốn niệm xứ?”

Tôn giả A-na-luật nói với Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

“Tỳ-kheo đối với nội thân khởi tưởng yểm ly; đối với nội thân khởi tưởng không yểm ly; tưởng yểm ly, tưởng không yểm ly đều xả, an trụ với chánh niệm, chánh tri. Cũng vậy, ngoại thân, nội ngoại thân; cảm thọ bên trong, cảm thọ bên ngoài, cảm thọ trong ngoài; tâm bên trong, tâm bên ngoài, tâm bên trong ngoài; pháp bên trong, pháp bên ngoài, pháp trong ngoài, khởi tưởng yểm ly, không khởi tưởng yểm ly, tưởng yểm ly và tưởng không yểm ly  [139c] đều xả, an trụ với chánh niệm, chánh tri. Như vậy, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, đó gọi là tu tập, tu tập nhiều bốn niệm xứ.”

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nhập tam muội từ tinh xá Tòng Lâm, nước Xá-vệ, nhờ sức thần thông tam muội, như lực sĩ co duỗi canh tay, trong khoảnh khắc đã trở về rừng khủng Bố đầy cầm thú trong núi Thất-thâu-ma-la tại thôn bạt-kỳ. [8]

KINH 536. THỦ THÀNH DỤC TRÌ [9]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-Vệ. Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên và Tôn giả A-na-luật ở bên hồ tắm Thủ thành, [10] nước Xá vệ.

Rồi Tôn giả Xá-lợi-phất [11] đi đến chỗ Tôn giả A-na-luật, sau khi cùng thăm hỏi sức khỏe nhau, ngồi xuống một bên. Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả A-na-luật:

“Lạ thay, A-na-luật! Có đại oai đức, đại thần lực, do công đức gì, tu tập, tu tập nhiều mà được như vậy?”

Tôn giả A-na-luật trả lời Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Đối với pháp bốn niệm xứ tôi tu tập, tu tập nhiều, nhờ đó nên thành tựu oai đức, thần lực lớn này. Bốn niệm xứ là, niệm xứ quán thân trên nội thân, tinh cần phương tiện, chánh niệm, chánh tri, điều phục tham ưu thế gian. Cũng vậy, niệm xứ quán thân trên ngoại thân, nội ngoại thân; thọ trên nội thọ, ngoại thọ, nội ngoại thọ; nội tâm, ngoại tâm, nội ngoại tâm; nội pháp, ngoại pháp, nội ngoại pháp; tinh cần phương tiện, chánh niệm, chánh tri, điều phục tham ưu thế gian. Đó gọi là Bốn niệm xứ được tu tập, tu tập nhiều, sẽ thành tựu oai đức, thần lực lớn này.

 [140a] “Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, tôi đối với bốn niệm xứ khéo tu tập, nên đối với Tiểu thiên thế giới chỉ cần một ít cố gắng mà có thể quán sát khắp tất cả. Như người mắt sáng ở trên lầu nhìn xuống, thấy mọi vật trên đất bằng. Cũng như vậy, tôi cũng chỉ cần ít cố gắng mà có thể quán Tiểu thiên thế giới. Như vậy, tôi đối với Bốn niệm xứ tu tập, tu tập nhiều, nên thành tựu oai đức thần lực lớn này.”

Hai vị Tôn giả cùng bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

KINH 537. MỤC-LIÊN SỞ VẤN [12]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-Vệ. Bấy giờ các Tôn giả Xá-lợi-phất, Đại Mục-kiền-liên, A-nan, A-na-luật cũng đều ở nước Xá vệ.  

Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đến chỗ Tôn giả A-na-luật, sau khi cùng nhau thăm hỏi sức khỏe, rồi ngồi xuống một bên.

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên hỏi Tôn giả A-na-luật:

“Nhờ công đức gì, tu tập, tu tập nhiều, mà đạt được oai đức, thần lực lớn như vậy?”

Tôn giả A-na-luật trả lời Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

“Đối với pháp bốn niệm xứ tôi tu tập, tu tập nhiều, nhờ đó nên thành tựu oai đức, thần lực lớn này. Bốn niệm xứ là, niệm xứ quán thân trên nội thân, tinh cần phương tiện, chánh niệm, chánh tri, điều phục tham ưu thế gian. Cũng vậy, niệm xứ quán thân trên ngoại, nội ngoại thân; nội thọ, ngoại thọ, nội ngoại thọ; nội tâm, ngoại tâm, nội ngoại tâm; nội pháp, ngoại pháp, nội ngoại pháp; tinh cần phương tiện, chánh niệm, chánh tri, điều phục tham ưu thế gian. Đó gọi là bốn niệm xứ được tu tập, tu tập nhiều, sẽ thành tựu oai đức, thần lực lớn này. Đối với ngàn núi Tu-di, tôi chỉ dùng chút phương tiện mà có thể xem xét tất cả. Như người mắt sáng leo lên đỉnh núi cao, nhìn xuống thấy nghìn rừng cây đa-la. Cũng vậy, đối với bốn tứ niệm xứ tôi tu tập, tu tập nhiều, nên thành tựu được oai đức, thần lực lớn này. Tôi chỉ dùng chút phương tiện mà thấy được cả ngàn núi Tu di. Như vậy, thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, đối với bốn niệm xứ tôi tu tập, tu tập nhiều, nên thành tựu oai đức, thần lực lớn này.”

Hai vị Tôn giả bàn luận xong, mỗi người liền từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.

KINH 538. A-NAN SỞ VẤN [13]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất, Đại Mục-kiền-liên và A-na-luật ở bên hồ tắm Thủ thành, nước Xá vệ.

Tôn giả A-nan đi đến chỗ Tôn giả A-na-luật, sau khi cùng thăm  [140b] hỏi sức khỏe nhau, rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả A-nan hỏi Tôn giả A-na-luật:

“Nhờ công đức gì, tu tập, tu tập nhiều, mà được thành tựu oai đức, oai lực, và thần thông lớn như vậy?”

Tôn giả A-na-luật trả lời Tôn giả A-nan:

“Đối với pháp bốn niệm xứ tôi tu tập, tu tập nhiều, nhờ đó nên thành tựu oai đức, thần lực lớn này. Bốn niệm xứ là, niệm xứ quán thân trên nội thân, tinh cần phương tiện, chánh niệm, chánh tri, điều phục tham ưu thế gian. Cũng vậy, niệm xứ quán thân trên ngoại thân, nội ngoại thân; nội thọ, ngoại thọ, nội ngoại thọ; nội tâm, ngoại tâm, nội ngoại tâm; nội pháp, ngoại pháp, nội ngoại pháp; tinh cần phương tiện, chánh niệm, chánh tri, điều phục tham ưu thế gian. Như vậy, Tôn giả A-nan, đối với bốn niệm xứ này tôi tu tập, tu tập nhiều, nên chỉ cần chút phương tiện, bằng thiên nhãn thanh tịnh vượt hơn mắt người, tôi xem thấy các chúng sanh lúc sinh, lúc chết, tướng mạo hoặc đẹp hoặc xấu, sắc cao quí, sắc hạ tiện; cõi lành, cõi ác, tùy theo nghiệp mà thọ sinh, tất cả đều thấy như thật. Chúng sanh như vậy do thân, miệng, ý đều tạo việc ác, phỉ báng Hiền Thánh; do nhân duyên tà kiến hủy báng Hiền Thánh, nên khi thân hoại mạng chung, sinh vào trong địa ngục. Chúng sanh như vậy do thân, miệng, ý làm việc lành, không phỉ báng Hiền thánh, thành tựu chánh kiến; do nhân duyên này nên khi chết đươc sinh lên cõi trời. Thí như người mắt sáng đứng nơi ngã tư đường nhìn thấy mọi người qua lại, hoặc nằm ngồi. Tôi cũng vậy, đối với bốn niệm xứ tu tập, tu tập nhiều, nên thành tựu được oai đức, oai lực thần thông lớn này. Tôi thấy mọi chúng sanh lúc sinh, lúc chết, cõi lành, cõi ác. Chúng sanh như vậy do thân, miệng, ý làm ác, phỉ báng Hiền Thánh; do nhân duyên tà kiến mà sinh vào địa ngục. Chúng sanh như vậy do thân, miệng, ý làm việc lành, không phỉ báng Hiền Thánh; do nhân duyên chánh kiến này, khi thân hoại mạng chung sẽ được sinh lên cõi trời.”

“Như vậy, Tôn giả A-nan, đối với bốn niệm xứ tôi tu tập, tu tập nhiều, nên thành tựu được oai đức, oai lực, thần thông lớn này.”

Hai vị Tôn giả bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

KINH 539. SỞ HOẠN [14]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả A-na-luật  [140b] đang ở tại tinh xá Tòng lâm, nước Xá-vệ; thân bị bệnh khổ.

Lúc ấy, có nhiều Tỳ-kheo đi đến chỗ Tôn giả A-na-luật. Sau cùng nhau hỏi thăm sức khỏe, ho đứng qua một bên, thưa Tôn giả A-na-luật:

“Thưa Tôn giả A-na-luật, bệnh của Tôn giả nặng hay nhẹ, có chịu đựng được không? Bệnh giảm dần dần, không tăng thêm chăng?”

Tôn giả A-na-luật đáp:

“Bệnh tôi không yên, thật là khó chịu đựng, đau đớn tòan thân, càng lúc nặng thêm, không bớt.”

Rồi Tôn giả nói ba thí dụ như kinh Xoa-ma [15] ở trên đã nói; rồi tiếp:

Dù thân tôi bị đau đớn như thế này, nhưng tôi vẫn chịu đựng được, với chánh niệm, chánh tri.

Các Tỳ-kheo hỏi Tôn giả A-na-luật:

“Tâm an trụ ở chỗ nào mà có thể chịu đựng được cái khổ lớn như vậy với chánh niệm, chánh tri?”

Tôn giả A-na-luật bảo các Tỳ-kheo:

“Tâm trụ bốn niệm xứ nên mỗi khi tôi cử động, thân thể dù có bị đau đớn, cũng có thể chịu đựng được với chánh niệm, chánh tri. Những gì là bốn niệm xứ? Đó là, niệm xứ quán thân trên nội thân  cho đến niệm xứ quán thọ, tâm, pháp. Đó gọi là trụ bốn niệm xứ, có thể chịu đựng tất cả mọi đau đớn nơi thân, với chánh niệm, chánh tri.”

Các Tôn giả cùng nhau bàn luận xong, tùy hỷ hoan hỷ, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

KINH 540. SỞ HOẠN (2) [16]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-Vệ. Bấy giờ Tôn giả A-na-luật đang ở tại tinh xá Tòng lâm, nước Xá vệ; bệnh mới vừa giảm bớt chưa bao lâu.

Lúc ấy, có nhiều Tỳ-kheo đến hỏi thăm sức khỏe, rồi ngồi xuống một bên, họ hỏi Tôn giả A-na-luật:

“Tôn giả có được an ổn, cảm thấy an lạc không?”

Tôn giả A-na-luật đáp:

“Tôi được an ổn, cảm thấy an lạc. Các thứ đau đớn nơi thân thể đều đã bớt dần.”

Các Tỳ-kheo lại hỏi Tôn giả A-na-luật:

“Tâm trụ ở chỗ nào mà những đau nhức của thân dần dần được an ổn?”

Tôn giả A-na-luật đáp:

“Tôi an trụ bốn niệm xứ, nên những đau nhức của thân dần dần được an ổn. Những gì là bốn niệm xứ? Đó là, niệm xứ quán thân trên nội thân … cho đến niệm xứ quán thọ, tâm, pháp. Đó gọi là trụ bốn niệm xứ. Do an trụ bốn niệm xứ này nên những đau nhức của thân dần dần được an ổn.”

Các Tôn giả bàn luận xong, tùy hỷ vui vẻ, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

KINH 541. HỮU HỌC LẬU TẬN [17]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-Vệ. Bấy giờ Tôn giả A-na-luật ở tại tinh xá Tòng lâm, nước Xá vệ. Lúc ấy, có nhiều Tỳ-kheo đến chỗ Tôn giả A-na-luật. Sau khi cùng nhau hỏi thăm sức khỏe, họ ngồi xuống một bên, hỏi Tôn giả A-na-luật:

“Nếu Tỳ-kheo còn ở địa vị hữu học [18] mà hướng thượng muốn cầu an trụ Niết bàn an ổn; Thánh Đệ tử tu tập,  [141a] tu tập nhiều như thế nào để ở trong pháp luật này có thể dứt sạch các lậu, tâm giải thoát vô lậu, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự tri tác chứng, tự biết: Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa?”

Tôn giả A-na-luật bảo các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo còn ở địa vị hữu học mà hướng thượng muốn cầu an trụ Niết bàn an ổn; Thánh Đệ tử tu tập, tu tập nhiều như thế nào để ở trong pháp luật này có thể dứt sạch các lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự biết tác chứng, biết rằng, Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa? Hãy an trụ nơi bốn niệm xứ. Những gì là bốn niệm xứ? Đó là, niệm xứ quán thân trên nội thân, cho đến niệm xứ quán thọ, tâm, pháp. Tu tập bốn niệm xứ như vậy, tu tập nhiều, ở trong pháp luật này có thể dứt sạch các lậu, tâm giải thoát vô lậu, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự biết tác chứng, biết rằng, Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả A-na-luật nói xong, tùy hỷ vui vẻ, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.

KINH 542. A-LA-HÁN TỲ-KHEO [19]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-Vệ. Bấy giờ Tôn giả A-na-luật ở tại tinh xá Tòng lâm, nước Xá-vệ.

Lúc ấy, có nhiều Tỳ-kheo đến chỗ Tôn giả A-na-luật. Sau khi cùng nhau hỏi thăm sức khỏe, họ ngồi xuống một bên, hỏi Tôn giả A-na-luật:

“Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu, việc làm đã xong, đã trút bỏ gánh nặng, lìa các kiết sử hữu, bằng chánh trí tâm khéo giải thoát; vị ấy cũng tu bốn niệm xứ chăng?”

Tôn giả A-na-luật trả lời các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo mà các lậu đã dứt sạch, việc làm đã xong, đã trút bỏ gánh nặng, đã lìa các kết sử hữu, bằng chánh trí tâm khéo giải thoát; vị ấy cũng tu bốn niệm xứ. Vì sao? Vì để đắc những gì chưa đắc, chứng những gì chưa chứng, hiện tại sống an lạc. Tại sao như thế? Vì tôi cũng đã lìa các hữu lậu, đã đắc quả A la hán, việc làm đã xong, tâm khéo giải thoát, cũng tu bốn niệm xứ, để đắc những gì chưa đắc, chứng những gì chưa chứng, đến chỗ chưa đến, cho đến hiện tại sống an lạc.”

Các Tôn giả bàn luận xong, đều tùy hỷ vui vẻ, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy, ra đi.

KINH 543. HÀ CỐ XUẤT GIA [20]

 [141b]Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-Vệ. Bấy giờ Tôn giả A-na-luật ở tại tinh xá Tòng lâm, nước Xá vệ.

Lúc ấy, có nhiều chúng xuất gia ngoại đạo đi đến chỗ Tôn giả A-na-luật. Sau khi cùng nhau hỏi thăm sức khỏe, họ ngồi xuống một bên, hỏi Tôn giả A-na-luật:

“Thưa Tôn giả, vì cớ gì Tôn giả xuất gia ở trong pháp của Sa-môn Cù đàm?”

Tôn giả A-na-luật đáp:

“Vì để tu tập.”

Lại hỏi:

“Tu tập những gì?”

Đáp:

“Tu các căn, tu các lực, tu các giác phần, tu các niệm xứ. Các ông muốn nghe tu những gì ?”

Lại hỏi:

“Căn, lực, giác phần; những danh tự ấy chúng tôi chưa biết; huống chi là lại hỏi nghĩa. Nhưng chúng tôi muốn nghe niệm xứ.”

Tôn giả A-na-luật bảo:

“Các ông hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, tôi sẽ vì các ông mà nói. Tỳ-kheo tu niệm xứ quán thân trên nội thân cho đến niệm xứ quán pháp trên pháp.”

Bấy giờ, chúng xuất gia ngoại đạo sau hi nghe Tôn giả A-na-luật nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

KINH 544. HỨƠNG NIẾT-BÀN [21]

Tôi nghe như vầy:

Khi đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-Vệ. Bấy giờ Tôn giả A-na-luật ở tại tinh xá Tòng lâm, nước Xá vệ. Khi ấy Tôn giả A-na-luật nói với các Tỳ-kheo:

“Ví như cây lớn sanh trưởng mà nghiêng xuống dưới; càng nghiêng sâu càng muốn đổ. [22] Nếu chặt rễ nó, cây sẽ phải ngã, thuận theo chiều nghiêng xuống. Cũng vậy, Tỳ-kheo tu bốn niệm xứ, lâu ngày nhắm thẳng tới, đào sâu, vận chuyển, hướng đến viễn ly; nhắm thẳng tới, đào sâu, vận chuyển, hướng đến giải thoát; nhắm thẳng tới, đào sâu, vận chuyển, hướng đến Niết bàn.” [23]

Tôn giả A-na-luật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đã nói, hoan hỷ phụng hành.

 


 [1] Ấn Thuận Hội biên, Tụng vi. Đệ tử sở thuyết, 30. Tương ưng A-na-luật. Gồm các kinh Đại chánh 535 (nửa sau quyển 19)-544 (nửa đầu quyển 20). Tương đương Pāli: S. 52 Anuruddhasaṃyutta.

 [2] Đại chánh, kinh 535. Pāli, S.52.1 Rahogata.

 [3] Bản Pāli, trong tinh xá Cấp-cô-độc.

 [4] Khủng bố trù lâm 恐怖稠林. Pāli: Bhesakalāvana.

 [5] Thất-thâu-ma-la sơn 失收摩羅山. Pāli: Suṃsumāragiri, núi Cá sấu.

 [6] Nhất thừa đạo 一乘道, con đường độc đạo, chỉ bốn niệm xứ. (Pāli: ekāyana-maggo = cattāro satipaṭṭhānā).

 [7] Đại chánh, kinh 536. Xem kinh 536 trên.

 [8] Bản Hán, hết quyển 19.

 [9] Đại chánh, quyển 20, kinh 537. Ao tắm Thủ thành. Pāli, S.52.3 Sutanu.

 [10] Thủ thành dục trì 手成浴池, tên một con sông chảy qua Xá-vệ. Pāli: Sutanu.

 [11] S 52. 3: sambahulā bhikkhū, số đông Tỳ-kheo.

 [12] Đại chánh, kinh 538. Pāli, S.52.6 Kaṇṭakī.

 [13] Đại chánh, kinh 539. Pāli, S.52.11 Sahassa.

 [14] Đại chánh, kinh 540. S. 52.10 Bāḷhagilāna (bịnh nặng).

 [15] Kinh số 105.

 [16] Đại chánh, kinh 541. Như kinh trên.

 [17] Đại chánh, kinh 542. S.52.4 Kaṇṭaki (tên khu rừng, có nhiều gai).

 [18] Học địa 學地; Pāli: sekhabhūmi.

 [19] Đại chánh, kinh 543. S. 52. 5 Kaṇḍakī, 9.Ambapālivana.

 [20] Đại chánh, kinh 544. Vì sao xuất gia?

 [21] Đại chánh, kinh 545. Pāli, S.52.8 Salaḷāgāra (tinh xá Tòng lâm).

 [22] Hán: tùy tuấn tùy thâu 隨浚隨輸; thành cú nayg thường dung để nói về các con sông. Đay nói về cành cây. Thành cú tương đương, Pāli: gaṅgā nadī pācīnaninnā pācīnapoṇā pācīnapabbhārā, sông Hằng hướng về đông, xuôi về đông, đổ về đông..

 [23] Pāli, thành cú: cittaṃ dīgharattaṃ vivekaninnaṃ vivekapoṇaṃ vivekapabbhāraṃ, ‘tâm thú lâu ngày hướng viễn ly, xu hướng viễn ly, khuynh hướng viễn ly.”