20. Tương Ưng An-na-ban-na, Kinh 769-783

20. TƯƠNG ƯNG AN-NA-BAN-NA [1]

KINH 769. NGŨ PHÁP [2]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có năm pháp mang lại nhiều lợi ích cho sự tu tập an-na-ban-na niệm. Những gì là năm? An trụ luật nghi Ba-la-đề-mộc-xoa tịnh giới, oai nghi hành xử đầy đủ; đối với những tội vi tế hay sanh lòng sợ hãi, thọ trì học giới. Đó gọi là pháp thứ nhất mang lại nhiều lợi ích cho sự tu an-na-ban-na niệm.

“Lại nữa, Tỳ-kheo ít muốn, ít sự việc, ít tác vụ. Đó là pháp thứ hai mang lại nhiều lợi ích cho sự tu an-na-ban-na niệm.

 [206a] “Lại nữa, Tỳ-kheo ăn uống biết lượng, không ít cũng không nhiều. Không vì việc ăn uống mà sanh ra tư tưởng ham muốn; luôn tinh cần tư duy. Đó là pháp thứ ba mang lại nhiều lợi ích cho sự tu an-na-ban-na niệm.

“Lại nữa, Tỳ-kheo đầu đêm, cuối đêm, không đắm say ngủ nghỉ, mà luôn tinh cần tư duy. Đó là pháp thứ tư mang lại nhiều lợi ích cho sự tu an-na-ban-na niệm.

“Lại nữa, Tỳ-kheo ở trong rừng vắng, xa lìa những nơi náo nhiệt. Đó là pháp thứ năm mang lại nhiều lợi ích cho sự tu an-na-ban-na niệm.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 770. AN-NA-BAN-NA NIỆM [3]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy tu an-na-ban-na niệm. Tỳ-kheo tu tập an-na-ban-na niệm, tu tập nhiều, thân khinh an và tâm khinh an, [4] có tầm, có tứ, tịch diệt, thuần nhất, phân minh tưởng, tu tập đầy đủ.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 771. AN-NA-BAN-NA NIỆM [5]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy tu tập an-na-ban-na niệm. Tỳ-kheo tu tập an-na-ban-na niệm, tu tập nhiều, thân khinh an và tâm khinh an, có tầm, có tứ, tịch diệt, thuần nhất, phân minh tưởng, tu tập đầy đủ. Thế nào là tu tập an-na-ban-na niệm, tu tập nhiều, thân khinh an và tâm khinh an, có tầm, có tứ, tịch diệt, thuần nhất, phân minh tưởng, tu tập đầy đu? Tỳ-kheo, nương vào xóm làng, thành ấp mà ở; sáng sớm đắp y mang bát vào thôn khất thực, hãy khéo hộ trì thân, giữ gìn các căn, khéo cột tâm an trụ; khất thực xong trở về chỗ ở, cất y bát, rửa chân xong, hoặc vào trong rừng, trong phòng vắng, dưới bóng cây, hoặc nơi đất trống, thân ngồi ngay thẳng, cột niệm trước mặt, cắt đứt mọi tham ái thế gian, ly dục thanh tịnh, đoạn trừ sân nhuế, thụy miên, trạo hối và nghi, vượt qua các nghi hoặc, đối với các pháp lành, tâm được quyết định; viễn ly năm triền cái vốn làm phiền não tâm, khiến tuệ lực suy giảm, là phần chướng ngại, không hướng đến Niết-bàn.

“Niệm hơi thở vào, [6] cột niệm, hãy khéo học. Niệm hơi thở ra, [7] cột niệm, hãy khéo học. Hơi thở dài, [8] hơi thở ngắn. [9] Cảm giác biết toàn thân khi thở vào, khắp toàn thân thờ vào, hãy khéo học. [10] Cảm giác biết toàn thân khi thở ra, khắp toàn thân thờ ra, hãy khéo học. Giác tri tất cả sự an tịnh của tất cả thân hành khi thở vào, [11]  tất cả thân hành an tịnh thở vào, hãy khéo học. Giác tri tất cả sự an tịnh của tất cả thân hành khi thở ra,  tất cả [206b] thân hành an tịnh thở vào, hãy khéo học. Giác tri hỷ, giác tri lạc, giác tri tâm hành, [12] giác tri sự an tịnh của tâm hành khi thở vào, giác tri tâm hành an tịnh thở vào, hãy khéo học. [13]  Giác tri sự an tịnh của tâm hành khi thở ra, giác tri tâm hành an tịnh thở ra, hãy khéo học. Giác tri tâm, giác tri tâm hoan hỷ, giác tri tâm định, giác tri tâm giải thoát khi thở vào, [14] giác tri tâm giải thoát thở vào, hãy khéo học. Giác tri tâm giải thoát khi hơi thở ra, giác tri tâm giải thoát thở ra, hãy khéo học. Quán sát vô thường, quán sát đoạn, quán sát vô dục, quán sát diệt [15] khi hơi thở vào, quán sát diệt thở vào, phải khéo học. Quán sát diệt khi hơi thở ra, quán sát diệt thở ra, phải khéo học. Đó gọi là tu an-na-ban-na niệm, thân khinh an và tâm khinh an, có tầm, có tứ, tịch diệt, thuần nhất, phân minh tưởng, tu tập đầy đủ.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 772. ĐOẠN GIÁC TƯỞNG [16]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy tu an-na-ban-na niệm tu tập an-na-ban-na niệm, tu tập nhiều, sẽ đoạn trừ các giác tưởng. Thế nào tu tập an-na-ban-na niệm, tu tập nhiều, sẽ đoạn trừ các giác tưởng? Tỳ-kheo nào nương vào làng xóm, thành ấp mà ở, nói đầy đủ như trên… cho đến khéo học đối với việc quán sát diệt khi hơi thở ra. Đó gọi là tu tập an-na-ban-na niệm, tu tập nhiều, sẽ đoạn trừ các giác tưởng.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như đoạn trừ giác tưởng, cũng vậy không dao động sẽ được quả lớn, phước lợi lớn; cũng vậy sẽ được cam lồ, cứu cánh cam lồ, và sẽ được hai quả, bốn quả, bảy quả, kinh nào cũng nói như trên.

KINH 773. A-LÊ-SẮT-TRA [17]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Như an-na-ban-na niệm mà Ta đã giảng dạy, các ngươi có tu tập không?”

Lúc ấy, có Tỳ-kheo tên là A-lê-sắt-tra, [18] đang ngồi ở trong chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, đảnh lễ Phật, quỳ gối phải sát đất, chấp tay bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, con đã tu tập an-na-ban-na niệm mà Thế Tôn [206c] đã giảng dạy.”

Phật bảo Tỳ-kheo A-lê-sắt-tra:

“Ngươi tu tập an-na-ban-na niệm mà Ta đã giảng dạy như thế nào?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Đối các hành quá khứ con không luyền tiếc, các hành vị lai không hân hoan, đối với các hành hiện tại không sanh đắm nhiễm; khéo chân chánh trừ diệt những tưởng về đối ngại [19] bên trong và bên ngoài. Con đã tu tập an-na-ban-na niệm mà Thế Tôn đã giảng dạy như vậy.”

Phật bảo Tỳ-kheo A-lê-sắt-tra:

“Ngươi thật sự đã tu an-na-ban-na niệm mà Ta đã giảng dạy, chứ chẳng phải không tu. Song có Tỳ-kheo đối với chỗ tu tập an-na-ban-na niệm của ngươi lại còn có phần vi diệu hơn, vượt trội hơn. Những gì là an-na-ban-na niệm vi diệu hơn, vượt trội hơn những gì an-na-ban-na niệm mà ngươi đã tu  tập? Tỳ-kheo nương vào làng xóm, thành ấp mà ở, như đã nói ở trên… cho đến, quán sát diệt, thở ra, hãy khéo học. Này Tỳ-kheo A-lê-sắc-ra! Đó gọi là an-na-ban-na niệm vi diệu hơn, vượt trội hơn những gì an-na-ban-na niệm mà ngươi tu  tập.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 774. KẾ-TÂN-NA [20]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vào sáng sớm, đức Thế Tôn đắp y bưng bát vào thành Vương Xá khất thực. Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát,  rửa chân xong, Thế Tôn mang ni-sư-đàn vào rừng An-đà, ngồi dưới một bóng cây, thiền tịnh ban ngày.

Lúc bấy giờ, Tôn giả Kế-tân-na, [21] cũng vào sáng sớm, đắp y mang bát vào thành Vương Xá khất thực. Xong, trở về cất y bát, rửa chân xong, mang ni-sư-đàn  vào rừng An-đà ngồi thiền dưới một bóng cây cách đức Phật không xa; thẳng người bất động, thân tâm chánh trực, tư duy thắng diệu.

Vào buổi chiều hôm ấy, có số đông các Tỳ-kheo sau khi từ thiền tịnh tỉnh giấc, đi đến chỗ đức Phật, cúi đầu dảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi xuống một bên. Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Các ngươi có thấy Tôn giả Kế-tân-na không? Cách Ta không xa, vị đó đang ngồi ngay thẳng trang nghiêm, thân tâm bất động, an trú  thắng diệu trú.”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Chúng con thường xuyên thấy Tôn giả này ngồi thẳng trang nghiêm, khéo thu nhiếp thân mình không rung, không động, chuyên tâm thắng diệu.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu Tỳ-kheo nào tu tập tam-muội, thân tâm an trụ, không rung, không động, trụ vào thắng diệu, Tỳ-kheo ấy sẽ đạt được tam-muội này mà không tinh cần phương tiện, tùy theo ý muốn liền có được.”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Tam-muội gì [207a] mà Tỳ-kheo đạt được tam-muội này thì thân tâm bất động, an trụ thắng diệu trụ?”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“ Tỳ-kheo nương vào làng xóm mà ở, sáng sớm đắp y mang bát vào thôn khất thực, ăn xong trở về tinh xá cất y bát, sau khi rửa chân xong vào ngồi trong rừng, hoặc nơi phòng vắng, đất trống, cột niệm tư duy… cho đến, quán sát diệt, thở ra, hãy khéo học. Đó là tam-muội, nếu Tỳ-kheo nào ngồi trang nghiêm suy tư, thân tâm bất động, an trụ thắng diệu trụ.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 775. NHẤT-XA-NĂNG-GIÀ-LA [22]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong rừng Nhất-xa-năng-già-la. [23] Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ta muốn tọa thiền trong vòng hai tháng. Các Tỳ-kheo chớ nên tới lui, chỉ trừ Tỳ-kheo đưa thức ăn và khi bố-tát.” [24]

Thế Tôn sau khi nói những lời này xong, liền ở lại đây hai tháng để thiền tọa, không một Tỳ-kheo nào dám tới lui, chỉ trừ lúc đưa thức ăn và bố-tát.

Bấy giờ, sau khi trải qua hai tháng thiền tọa xong, Thế Tôn từ thiền định ra, ngồi trước Tỳ-kheo Tăng; bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu có những xuất gia ngoại đạo nào đến hỏi các ngươi: ‘Sa-môn Cù-đàm trong hai tháng tọa thiền gì?’ Các ngươi nên đáp rằng: ‘Trong hai tháng Như Lai bằng an-na-ban-na niệm an trú trong thiền định tư duy. Vì sao? Suốt trong hai tháng này Ta luôn luôn an trụ tư duy bằng niệm an-na-ban-na, thường xuyên an trụ tư duy. Khi hơi thở vào, biết như thật niệm hơi thở vào. Khi hơi thở ra, biết như thật niệm hơi thở ra. Hoặc dài, hoặc ngắn. Cảm giác toàn thân, biết như thật niệm hơi thở vào. Cảm giác toàn thân, biết như thật niệm hơi thở ra. An tịnh thân hành, biết như thật niệm hơi thở vào… cho đến, diệt, biết như thật hơi thở ra. Sau khi Ta đã biết, bấy giờ, Ta tự nghĩ: ‘Ở đây vẫn còn trụ tư duy thô. Nay  Ta sau khi  đình chỉ tư duy này, hãy  tu thêm các tu tập vi tế khác mà an trụ.’

“Rồi, Ta sau khi đình chỉ tư duy thô, liền nhập tư duy vi tế và an trụ nhiều nơi đó mà an trụ. Khi đó có ba vị Thiên tử, tướng mạo rất  tuyệt diệu, sáng sớm, đi đến chỗ Ta. Một Thiên tử nói như vầy, ‘Sa-môn Cù-đàm đã chết.  [25]’ Lại có một Thiên tử nói, ‘Đây chẳng phải đã chết, mà sắp chết.’ Vị Thiên tử thứ ba nói, ‘Chẳng phải đã chết, cũng chẳng phải sắp chết, mà đây là an trụ tu tập. Đây là sự tịch diệt của vị  A-la-hán tịch diệt vậy.’”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu có chánh thuyết nào về Thánh trụ, [26] Thiên trụ, [27] Phạm trụ, [28] Học trụ, [29] [207b] Vô học trụ, [30] Như Lai trụ; [31] và hiện pháp lạc trụ [32] của Thánh nhân vô học mà hàng hữu học chưa được sẽ được, chưa đến sẽ đến, chưa chứng sẽ chứng; đó là nói về an-na-ban-na niệm. Đây là chánh thuyết. Vì sao? An-na-ban-na niệm là Thánh trụ, Thiên trụ, Phạm trụ… cho đến vô học hiện pháp lạc trú.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 776. CA-MA [33]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn cây Ni-câu-luật tại Ca-tì-la-việt. [34] Bấy giờ có Ma-ha-nam họ Thích [35] đi đến chỗ Tôn giả Tỳ-kheo Ca-ma, [36] đảnh lễ sát chân Tỳ-kheo Ca-ma, rồi ngồi xuống một bên, thưa Tỳ-kheo Ca-ma rằng:

“Thế nào, Tôn giả Ca-ma, có phải bậc học trụ [37] tức là Như Lai trụ  [38] không? Hay học trụ khác, Như Lai trụ khác?”

Tỳ-kheo Ca-ma đáp rằng:

“Này Ma-ha-nam, học trụ khác, Như Lai trụ khác. Ma-ha-nam, học trụ là do đoạn trừ năm triền cái mà an trụ nhiều. Như Lai trụ là đối với năm triền cái đã đoạn, đã biến tri, chặt đứt gốc rễ của nó, như chặt đầu cây đa-la, làm cho không còn sanh trưởng nữa, ở đời vị lai trở thành pháp bất sanh.

“Một thời, Thế Tôn ở trong rừng Nhất-xà-năng-già-la. [39] Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: ‘Ta muốn ở trong rừng Nhất-xà-năng-già-la này thiền tọa trong vòng hai tháng. Tỳ-kheo các Ngươi chớ tới lui, chỉ trừ Tỳ-kheo đưa thức ăn và, lúc bố-tát. Nói đầy đủ như trước… cho đến Vô học hiện pháp lạc trụ.’ Này Ma-ha-nam, vì vậy cho nên biết, học trụ khác, Như Lai trụ khác.”

Sau khi Ma-ha-nam họ Thích nghe những gì Tỳ-kheo Ca-ma đã nói, hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

KINH 777. KIM-CANG [40]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong rừng Tát-la-lê, [41] bên bờ sông Bạt-cầu-ma [42] tại tụ lạc Kim cang. [43] Bấy giờ đức Thế Tôn vì các Tỳ-kheo nói về bất tịnh quán, khen ngợi bất tịnh quán rằng:

“Các Tỳ-kheo nên tu tập bất tịnh quán. Người tu tập bất tịnh quán nhiều đạt được quả lớn, phước lợi lớn.”

Các Tỳ-kheo sau khi tu tập bất tịnh quán, thảy đều rất chán sợ thân này, hoặc dùng đao tự sát, hoặc uống thuốc độc, hoặc dùng dây tự vẫn, hoặc lao đầu vào vách núi tự sát, hoặc nhờ Tỳ-kheo khác giết. [44]

Có Tỳ-kheo kia sanh lòng cực kỳ nhàm chán sự bất tịnh ác lộ, nên đến chỗ con của Bà-la-môn Lộc Lâm [45] nói với người con Bà-la-môn Lộc Lâm rằng:

“Hiền thủ! Người làm ơn giết tôi, y bát xin tặng lại ông.”

Bấy giờ, người con của Bà-la-môn Lộc Lâm liền giết Tỳ-kheo này, rồi mang [207c] đao đến bờ sông Bạt-cầu-ma để rửa. Lúc ấy, có Ma thiên ở giữa hư không, khen ngợi con của Bà-la-môn Lộc Lâm rằng:

“Lành thay! Lành thay, Hiền thủ! Ông được vô lượng công đức, có thể khiến cho Sa-môn Thích tử trì giới có đức, người chưa độ được độ, người chưa thoát được thoát, người chưa yên nghỉ khiến được yên nghỉ, người chưa được Niết-bàn khiến được Niết-bàn; y bát, và các thứ tạp vật cùng những lợi dưỡng tất cả đều thuộc về ông.”

Sau khi con của Bà-la-môn Lộc Lâm nghe những lời khen ngợi này rồi, ác tà kiến tăng thêm tự nghĩ: ‘Hôm nay ta đã thật sự tạo ra phước đức lớn, khiến cho Sa-môn Thích tử, người trì giới, công đức, người chưa độ được độ, người chưa thoát được thoát, người chưa yên nghỉ khiến được yên nghỉ, người chưa được Niết-bàn khiến được Niết-bàn; y bát, và các thứ tạp vật cùng những lợi dưỡng tất cả đều thuộc về ta.’  Nghĩ xong tay cầm đao bén đi đến các phòng xá, những nơi kinh hành, phòng riêng, phòng Thiền, gặp các Tỳ-kheo, y nói như vầy:

“Những Tỳ-kheo nào trì giới có đức, ai chưa được độ tôi có thể độ cho; ai chưa thoát tôi sẽ khiến cho thoát, ai chưa yên nghỉ tôi sẽ khiến được yên nghỉ, chưa Niết-bàn, tôi sẽ khiến được Niết-bàn.”

Lúc ấy, các Tỳ-kheo đang chán sợ thân này, đều ra khỏi phòng nói với con của Bà-la-môn Lộc Lâm rằng:

“Tôi chưa được độ, ông nên độ tôi; tôi chưa được thoát, ông nên giải thoát tôi; tôi chưa được yên nghỉ, ông nên khiến cho tôi được yên nghỉ; tôi chưa được Niết-bàn, ông nên khiến cho tôi được Niết-bàn.” Bấy giờ con Bà-la-môn Lộc Lâm liền dùng đao bén giết Tỳ-kheo này, và lần lượt, giết chết cho đến sáu mươi người.

Bấy giờ, đến ngày mười lăm, lúc thuyết giới, đức Thế Tôn ngồi trước đại chúng, bảo Tôn giả A-nan:

“Vì lý do gì mà các Tỳ-kheo càng lúc càng ít, càng lúc càng giảm, càng lúc càng hết như vậy?”

A-nan bạch Phật rằng:

“Thế Tôn đã vì các Tỳ-kheo nói về tu  bất tịnh quán, khen ngợi bất tịnh quán. Khi các Tỳ-kheo tu tập bất tịnh quán, đâm ra chán sợ thân này, nói đầy đủ… cho đến giết hại sáu mươi Tỳ-kheo. Bạch Thế Tôn, vì lý do này nên khiến cho các Tỳ-kheo càng lúc càng ít, càng lúc càng giảm, càng lúc càng hết. Cúi xin Thế Tôn thuyết giảng pháp khác, để cho các Tỳ-kheo sau khi nghe xong tinh cần tu tập trí tuệ, an lạc mà tiếp thọ Chánh pháp; an vui sống trong Chánh pháp.”

Phật bảo A-nan:

“Vì vậy, nay Ta sẽ lần lượt nói về sự an trụ vi tế trụ, tùy thuận mà khai giác, khiến pháp ác bất thiện đã khởi hay chưa khởi đều nhanh chóng lắng xuống. Như trời mưa lớn, những thứ bụi bặm đã khởi lên hay chưa khởi lên đều khiến cho chúng lắng xuống. Cũng vậy, Tỳ-kheo khi tu tập [208a] an trụ nơi vi tế trụ, có thể khiến các pháp ác bất thiện đã khởi hay chưa khởi đều lắng xuống.

“Này A-nan! Thế nào là an trụ vi tế trụ, tùy thuận mà khai giác, khiến pháp ác bất thiện đã khởi hay chưa khởi đều lắng xuống? Đó là  an trụ vào an-na-ban-na niệm.”

A-nan bạch Phật:

“Thế nào là tu tập an trụ vào an-na-ban-na niệm, tùy thuận mà khai giác, những pháp ác bất thiện dù đã khởi hay chưa khởi lên cũng có khả năng khiến chúng dừng lại?”

Phật bảo A-nan:

“Nếu Tỳ-kheo, nương vào làng xóm mà ở, như đã nói đầy đủ ở trước… cho đến khéo học như  diệt, khi niệm hơi thở ra.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 778. A-NAN [46]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong rừng Tát-la-lê, cạnh sông Bạt-cầu-ma tại tụ lạc Kim cang. Bấy giờ giờ Tôn giả A-nan ở một mình nơi vắng, thiền quán tư duy, suy nghĩ như vầy: “Có một pháp nào được tu tập, tu tập nhiều, khiến cho bốn pháp đầy đủ. Bốn pháp đã đầy đủ rồi, bảy pháp đầy đủ. Bảy pháp đã đầy đủ rồi, hai pháp đầy đủ?”

Sau khi từ thiền tịnh tỉnh giấc, Tôn giả A-nan đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân, rồi ngồi xuống một bên, bạch Phật rằng:

“Khi con ở một mình nơi chỗ vắng, thiền quán tư duy suy nghĩ: ‘Có một pháp nào được tu tập, tu tập nhiều, khiến cho bốn pháp đầy đủ. Bốn pháp đã đầy đủ rồi, bảy pháp đầy đủ. Bảy pháp đã đầy đủ rồi, hai pháp đầy đủ?’”

Phật bảo A-nan:

“Có một pháp được tu tập, tu tập nhiều,…  cho đến hai pháp đầy đủ. Những gì là một pháp? Đó là an-na-ban-na niệm, được tu tập, tu tập nhiều, có khả năng làm cho bốn niệm xứ đầy đủ. Bốn niệm xứ đã đầy đủ rồi, bảy giác chi đầy đủ. Bảy giác chi đã đầy đủ rồi, minh và giải thoát đầy đủ.

“Thế nào là tu tập an-na-ban-na niệm, bốn niệm xứ đầy đủ? Tỳ-kheo nương vào làng xóm mà ở… cho đến khéo học quán diệt, khi niệm hơi thở ra.

“Này A-nan, như vậy Thánh đệ tử, khi niệm hơi thở vào, học như niệm hơi thở vào; khi niệm hơi thở ra, học như niệm hơi thở ra. Hoặc dài hoặc ngắn. Giác tri tất cả thân hành, khi niệm hơi thở vào, học như niệm hơi thở vào; khi niệm hơi thở ra, học như niệm hơi thở ra. Thân hành an tịnh khi niệm hơi thở vào, học như thân hành an tịnh niệm hơi thở vào; thân hành an tịnh khi niệm hơi thở ra, học như thân hành an tịnh niệm hơi thở ra. Thánh đệ tử lúc bấy giờ an trụ chánh niệm quán thân trên thân. [208b] Ở nơi thân khác, kia cũng như vậy, tùy theo thân tuơng tự tư duy.  [47]

“Nếu có lúc Thánh đệ tử giác tri hỷ, [48] giác tri lạc, [49] giác tri tâm hành, [50] giác tri tâm hành an tịnh, khi niệm hơi thở vào, học như tâm hành an tịnh niệm hơi thở vào;  tâm hành an tịnh khi niệm hơi thở ra, học như tâm hành an tịnh niệm hơi thở ra. Thánh đệ tử lúc bấy giờ, an trụ chánh niệm quán thọ trên thọ. Ở nơi thọ khác, kia cũng vậy, tùy theo thọ tương tự tư duy. [51]

“Nếu có khi Thánh đệ tử giác tri tâm, giác tri tâm hoan hỷ, tâm định, tâm giải thoát, khi niệm hơi thở vào, học như niệm hơi thở vào. Tâm giải thoát khi niệm hơi thở ra, học như tâm giải thoát niệm hơi thở ra. Thánh đệ tử lúc bấy giờ, an trư chánh niệm quán tâm nơi tâm. Ở nơi tâm khác, kia cũng vậy,  tùy theo tâm tương tự tư duy.

“Nếu có khi Thánh đệ tử quán vô thường, đoạn, vô dục, diệt, học an trụ quán như vô thường, đoạn, vô dục, diệt. Thánh đệ tử lúc bấy giờ, an trụ chánh niệm quán pháp trên pháp. Ở nơi pháp khác, kia cũng vậy, theo pháp tương tự tư duy. Đó gọi là tu an-na-ban-na niệm, bốn niệm xứ đầy đủ.”

A-nan bạch Phật:

“Khi tu tập an-na-ban-na niệm như vậy, khiến cho bốn niệm xứ đầy đủ. Thế nào là tu bốn niệm xứ làm cho bảy giác chi đầy đủ?”

Phật bảo A-nan:

“Tỳ-kheo an trụ chánh niệm quán thân trên thân. Sau khi an trụ với chánh niệm, cột niệm trụ yên không cho mất, bấy giờ, phương tiện tu niệm giác chi. Tu niệm giác chi cho đến khi niệm giác chi được viên mãn. Khi niệm giác chi được viên mãn, đối với pháp mà tuyển trạch, tư lường; bấy giờ phương tiện tu trạch pháp giác chi. Tu trạch pháp giác chi cho đến khi trạch pháp giác chi được viên mãn. Sau khi đối với pháp đã tuyển trạch, phân biệt, tư lường, phương tiện tinh cần đạt được, lúc bấy giờ phương tiện tu tập tinh tấn giác chi. Tu tinh tấn giác chi cho đến khi tinh tấn giác chi được viên mãn. Sau khi phương tiện tinh tấn, tâm được hoan hỷ, lúc bấy giờ phương tiiện tu hỷ giác chi. Tu hỷ giác chi cho đến khi hỷ giác chi được viên mãn. Khi đã có hoan hỷ, thân tâm khinh an, lúc bấy giờ phương tiện tu khinh an giác chi. Tu khinh an giác chi cho đến khi khinh an giác chi được viên mãn. Sau khi thân tâm an lạc, đạt được tam-muội, lúc bấy giờ tu định giác chi. Tu định giác chi cho đến khi định giác chi được viên mãn. Khi định giác chi được viên mãn, tham ưu thế gian bị diệt, đạt được xả bình đẳng, lúc bấy giớ phương tiện tu xả giác chi. Tu xả giác chi cho đến khi xả giác chi được viên mãn. Đối với thọ, tâm, pháp trên pháp niệm xứ cũng nói như vậy. Đó gọi là tu bốn niệm xứ, bảy giác chi được đầy đủ.”

A-nan bạch Phật:

 [208c]  “Đó gọi là tu bốn niệm xứ, bảy giác chi được đày đủ. Thế nào là khi tu bảy giác chi, minh và giải thoát được đầy đủ?”

Phật bảo A-nan:

“Tỳ-kheo tu niệm giác chi, y cứ viễn ly, y vô dục, y diệt, hướng đến xả. Sau khi đã tu niệm giác chi, minh giải thoát được đầy đủ… cho đến khi tu xả giác chi  y viễn ly, y vô dục, y diệt, hướng đến xả. Cũng vậy, khi tu xả giác chi, minh giải thoát được đầy đủ.

“A-nan, đó gọi là mọi pháp đều tùy thuộc vào nhau, mọi pháp đều ảnh hưởng lẫn nhau. Mười ba pháp như vậy, một pháp làm tăng thượng, một pháp là cửa ngõ, theo thứ lớp tiến lên, tu tập đầy đủ.”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan sau khi nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 779-780. TỲ-KHEO [52]

Cũng vậy, những gì Tỳ-kheo khác hỏi, và đức Phật hỏi các Tỳ-kheo cũng nói như trên.

KINH 781. KIM-TÌ-LA [53]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong rừng Kim-tì, tụ lạc Kim-tì-la. [54] Bấy giờ Thế Tôn bảo Tôn giả Kim-tì-la [55]:

“Nay Ta sẽ nói về sự tinh tấn tu tập bốn niệm xứ. Hãy lắng nghe và, suy nghĩ cho kỹ, Ta sẽ nói ông nghe.”

Đức Thế Tôn lập lại ba lần như vậy, trong khi Tôn giả Kim-tì-la vẫn ngồi im lặng. Bấy giờ, Tôn giả A-nan nói với Tôn giả Kim-tì-la:

“Nay Đại Sư  nhắc bảo Thầy.”

Ba lần như vậy.

Tôn giả Kim-tì-la nói với Tôn giả A-nan:

“Tôi đã biết, Tôn giả A-nan! Tôi đã biết, bạch Tôn giả Cù-đàm [56].”

Khi ấy Tôn giả A-nan bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn thật đúng lúc! Bạch Thế Tôn đã đúng lúc! Bạch Thiện Thệ, xin vì các Tỳ-kheo nói về tu tập tinh tấn bốn niệm xứ. Các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ phụng hành.”

Phật bảo A-nan:

“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ nói cho các ngươi.

“Tỳ-kheo, nếu lúc niệm hơi thở vào, học như  hơi thở vào;… cho đến lúc quán diệt, niệm hơi thở ra, nên học như quán diệt niệm hơi thở ra.

“Bấy giờ Thánh đệ tử khi niệm hơi thở vào, học như niệm hơi thở vào;… cho đến thân hành tĩnh chỉ khi niệm hơi thở ra, học như thân hành tĩnh chỉ hơi thở ra.

“Bấy giờ Thánh đệ tử an trụ chánh niệm quán thân trên thân. Bấy giờ Thánh đệ tử an trụ chánh niệm quán thân trên thân, biết khéo tư duy bên trong cũng như vậy.”

Phật bảo A-nan:

“Thí như, có người cỡi xe từ phương Đông lắc lư mà đến, lúc bấy giờ có dẫm đạp lên gò nỗng không?”

A-nan bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, có như vậy.”

Phật bảo A-nan:

“Cũng vậy, Thánh đệ tử lúc niệm hơi thở vào, [209a] học như niệm hơi thở vào. Cũng vậy,… cho đến khéo tư duy bên trong. Nếu bấy giờ Thánh đệ tử giác tri hỷ,... cho đến, học giác tri tâm hành tĩnh chỉ. Thánh đệ tử an trụ chánh niệm  quán thọ nơi thọ; khi Thánh đệ tử đã an trụ chánh niệm quán thọ trên thọ, biết khéo tư duy bên trong cũng như vậy.

“Thí như, có người cỡi xe từ phương Nam đi xe lại. Thế nào, A-nan, nó có dẫm đạp lên gò nỗng không?”

A-nan bạch Phật:

“Thư Thế Tôn, có như vậy.”

Phật bảo A-nan:

“Cũng vậy, Thánh đệ tử khi an trụ chánh niệm  quán thọ trên thọ, biết khéo tư duy bên trong. Thánh đệ tử giác tri tâm, tâm hân hoan, tâm định, tâm giải thoát khi hơi thở vào, học như tâm giải thoát hơi thở vào; tâm giải thoát khi hơi thở ra, học như tâm giải thoát hơi thở ra.

“Thánh đệ tử bấy giờ sống quán niệm tâm trên tâm. Khi Thánh sống quán niệm tâm trên tâm như vậy, phải biết khéo tư duy bên trong.

“Thí như, có người đi xe từ phương Tây lại, có dẫm đạp lên gò nỗng không?”

A-nan bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, có như vậy.”

Phật bảo A-nan:

“Cũng vậy, Thánh giác tri tâm… cho đến tâm giải thoát khi hơi thở ra, học như tâm giải thoát hơi thở ra.

“Cũng vậy, Thánh đệ tử bấy giờ an trụ chánh niệm quán tâm trên tâm, biết khéo tư duy bên trong. Khéo ở nơi thân, thọ, tâm mà diệt bỏ tham ưu. Bấy giờ, Thánh đệ tử an trụ chánh niệm quán pháp trên pháp. Khi Thánh đệ tử an trụ chánh niệm quán pháp trên pháp như vậy, biết khéo tư duy bên trong.

“Này A-nan, thí như  nơi ngã tư đường có ụ mô đất, có người cỡi xe từ phương Bắc đi xe lại, có đẫm đạp lên ụ mô đất không?”

A-nan bạch Phật:

“Bạch Thế tôn, có như vậy.”

Phật bảo A-nan:

“Cũng vậy, Thánh đệ tử an trụ chánh niệm quán pháp trên pháp, biết khéo tư duy bên trong.

“Này A-nan, đó gọi là Tỳ-kheo phương tiện tinh tấn tu bốn niệm xứ.”

Phật nói kinh này xong, Tôn già A-nan sau khi nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 782. BẤT BÌ [57]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy tu an-na-ban-na niệm. An-na-ban-na niệm được tu tập, tu tập nhiều, thân  không mệt mỏi, mắt cũng không đau nhức, tùy thuận quán an trụ lạc, giác tri lạc, không đắm nhiễm.

“Thế nào là tu an-na-ban-na niệm, thân  không mệt mỏi, mắt cũng không đau nhức, tùy thuận quán an trụ lạc, giác tri lạc, không đắm nhiễm?

“Tỳ-kheo khi nương vào làng xóm mà ở… cho đến quán diệt, hơi thở ra, học như quán diệt hơi thở ra. Đó gọi [209b] là khi tu an-na-ban-na niệm, thân  không mệt mỏi, mắt cũng không đau nhức, tùy thuận quán an trụ lạc, giác tri lạc, không đắm nhiễm. Như vậy, tu an-na-ban-na niệm sẽ được quả lớn, phước lợi lớn.

“Tỳ-kheo muốn cầu ly dục pháp ác bất thiện, có tầm, có tứ, có hỷ lạc do viễn ly sanh, chứng và an trú sơ thiền; Tỳ-kheo ấy nên tu an-na-ban-na niệm. Như vậy, nếu tu an-na-ban-na niệm đạt được quả lớn, phước lợi lớn.

“Tỳ-kheo muốn cầu đệ nhị, đệ tam, đệ tứ thiền, từ, bi, hỷ, xả, không nhập xứ, thức nhập xứ, vô sở hữu nhập xứ, phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ; ba kết hoàn toàn hết, đắc quả Tu-đà-hoàn; ba kết đã hết, tham, nhuế, si đã mỏng, đắc quả Tư-đà-hàm; năm hạ phần kết sử đã hết, đắc quả A-na-hàm; đạt được vô lượng sức thần thông, thiên nhĩ, tha tâm trí, túc mạng trí,  sinh tử trí, lậu tận trí; Tỳ-kheo ấy nên tu an-na-ban-na niệm. Như vậy, nếu tu an-na-ban-na niệm, đạt được quả lớn, phước lợi lớn.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 783. BỐ-TÁT [58]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật hạ an cư ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ số đông các Thượng tọa Thanh văn, an cư ở chung quanh Thế Tôn, hoặc duới gốc cây, hoặc trong hang động.

Khi ấy, có số đông các Tỳ-kheo trẻ đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi xuống một bên. Đức Phật vì các Tỳ-kheo trẻ nói pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ. Sau khi khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hy rồi, Ngài ngồi im lặng. Các Tỳ-kheo trẻ sau khi nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ mà đi.

Các Tỳ-kheo trẻ đến chỗ Tỳ-kheo Thượng tọa, lễ sát chân Thượng tọa, rồi ngồi một bên. Khi ấy các Tỳ-kheo Thượng tọa suy nghĩ như vầy: “Chúng ta nên nhiếp thọ các Tỳ-kheo trẻ này. Hoặc một người nhận một người; hoặc một người nhận một, hai, ba hay nhiều người.” Sau khi nghĩ như vậy xong, các ngài nhiếp thọ, hoặc một người nhận một người, hoặc nhận hai, ba, hay nhiều người; hoặc có Thượng tọa… cho đến nhận sáu mươi người.

Bấy giờ là ngày mười lăm, lúc bố-tát, đức Thế Tôn trải chỗ ngồi mà ngồi ở trước đại chúng. Thế Tôn sau khi quán sát các Tỳ-kheo xong, bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hôm nay Ta rất hoan hỷ vì các Tỳ-kheo đã làm [209c] những việc chính đáng. Cho nên Tỳ-kheo phải nổ lực tinh tấn.”

Ở tại Xá-vệ, sau khi tháng Ca-đề [59] đã mãn, các Tỳ-kheo du hành trong nhân gian, nghe rằng “Đức Thế Tôn an cư ở nước Xá-vệ, hạn tháng Ca-đề đã mãn, may y đã xong, đắp y mang bát đang du hành trong nhân gian ở nước Xá-vệ.” Các Tỳ-kheo đi dần đến nước Xá-vệ, sau khi cất y bát, rửa chân xong, họ đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ sát chân, rồi ngồi xuống một bên.

Bấy giờ, Thế Tôn vì các Tỳ-kheo du hành nhân gian nói pháp khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ. Sau khi khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hy rồi, Ngài ngồi im lặng. Các Tỳ-kheo du hành nhân gian sau khi nghe Phật nói pháp, thảy đều hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ mà đi. Họ đến chỗ Tỳ-kheo Thượng tọa, cúi đầu đảnh lễ sát chân, rồi ngồi xuống một bên.

Khi ấy, các Tỳ-kheo Thượng tọa nghĩ như vầy, “Chúng ta nên nhiếp thọ các Tỳ-kheo du hành nhân gian này. Hoặc một người nhận một người, hoặc một ngườn nhận một, hai, ba hay nhiều người. ” Sau đó các ngài nhiếp thọ, hoặc một người nhận một người, hoặc nhận hai, ba,… cho đến nhận sáu mươi người. Có Tỳ-kheo Thượng tọa nhận các Tỳ-kheo du hành nhân gian giáo giới, giáo thọ, khiến họ kheo biết rõ thứ lớp trước sau.

Bấy giờ, ngày mười lăm, ngày bố-tát, đức Thế Tôn trải chỗ ngồi mà ngồi trước đại chúng, sau khi quán sát chúng Tỳ-kheo, Ngài bảo các Tỳ-kheo:

“Lành thay! Lành thay! Các Tỳ-kheo, Ta rất hoan hỷ vì các ngươi đã làm những việc chính đáng. Các Tỳ-kheo! Chư Phật quá khứ, cũng có chúng Tỳ-kheo mà sở hành chính đáng, như chúng hiện tại này vậy. Chư Phật vị lai cũng sẽ có chúng, và cũng sẽ có những sở hành chính đáng như vậy, như chúng hiện tại này vậy. Vì sao? Các Tỳ-kheo Trưởng lão trong chúng hiện tại này, có vị đã đắc và an trụ đầy đủ sơ thiền, đệ nhị thiền, đệ tam thiền, đệ tứ thiền, từ, bi, hỷ, xả, không nhập xứ, thức nhập xứ, vô sở hữu nhập xứ, phi tưởng phi phi tửng xứ. Có Tỳ-kheo ba kết đã hết, đắc Tu-đà-hoàn, không đọa vào pháp đường dữ, nhất định hướng đến Vô thượng Chánh giác, chì còn bảy lần qua lại trời người, cứu cánh hết khổ. Có Tỳ-kheo ba kết đã hết, tham, thuế, si mỏng, đắc Tư-đà-hàm. Có Tỳ-kheo năm hạ phần kết đã hết, đắc A-na-hàm, sanh bát-niết-bàn, không tái sinh vào cõi đời này nữa. Có Tỳ-kheo đắc cảnh giới vô lượng thần thông thiên nhĩ, tha tâm trí, túc mạng trí, sanh tử trí, lậu tận trí. Có Tỳ-kheo tu quán bất tịnh để đoạn tham dục, tu tâm từ để đoạn sân nhuế, tu vô thường để đoạn ngã mạn, tu [210a] an-na-ban-na niệm để đoạn giác tưởng.

“Thế nào là tu an-na-ban-na niệm để đoạn giác tưởng? Tỳ-kheo nương vào làng xóm mà ở… cho đến quán diệt khi hơi thở ra, học như quán diệt hơi thở ra. Đó gọi là tu an-na-ban-na niệm để đoạn trừ giác tưởng.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.


 [1] Tương ưng An-na-ba-na, gồm các kinh Đại chánh, số 801-815 (phần giữa quyển 29). Phật quang quyển 29, kinh số 813-827. Quốc dịch, quyển 26, Tụng 5 Đạo tụng, Tương ưng 6 An-na-ban-na, gồm 18 kinh, kinh số 12559-12576; một phẩm duy nhất Ấn Thuận Hội biên, Tụng 4 Đạo phẩm, Tương ưng 14 An-na-ban-na niệm, gồm 22 kinh, kinh số 1082-1103 Phần lớn tương đương Pāli, S 54 Ānāpānasaṃyutta.

 [2] Đại chánh, kinh 801.

 [3] Đại chánh, kinh 802.

 [4] Nguyên Hán: thân chỉ tức, tâm chỉ tức身止息心止息.

 [5] Đại chánh, kinh 803. Pāli, S.54.1 Ekadhamma  Cf No 101(15).

 [6] Hán: nội tức 內息 Pāli: passasati, thở vào.

 [7] Hán: ngoại tức 外息 Pāli: assasati, thở ra.

 [8] Hán: tức trường 息長 Pāli: dīghaṃ vā assasanto dīghaṃ assasāmī’ ti pajānāti, trong khi thở ra dài, biết rằng “Tôi đang thở ra dài.”

 [9] Hán: tức đoản 息短 Pāli: rassaṃ vā assasanto rassaṃ assasāmī’ ti pajānāti, trong khi thở ra ngắn, biết rằng “Tôi đang thở ra ngắn.”

 [10] Pāli: sabbakāyapaṭisaṃvedī passasissāmī’ ti sikkhati, vị ấy học tập rằng, “cảm giác toàn thân tôi sẽ thở vào.”

 [11] Hán: ...nhất thiết thân hành tức nhập tức 一切身行息入息 Pāli: passaṃbhayaṃ kāyasaṃkhāraṃ assasissāmī’ti sikkhati, vị ấy học tập rằng, “thân hành an tĩnh, tôi sẽ thở vào.”

 [12] Hán: giác tri hỷ, giác tri lạc, giác tri tâm hành 覺知喜, 覺知樂, 覺知身行 Pāli: pītippaṭisaṃvedī..., sukhappaṭisaṃvedī..., cittasaṃkhārappaṭisaṃvedī...

 [13] Hán: ...tâm hành tức nhập tức.. 心行息入息 Pāli: passambhayaṃ cittasaṃkhāraṃ passasissāmī’ti sikkhati, vị ấy học rằng, “tâm hành an tĩnh, tôi sẽ thở vào,”

 [14] Giác tri tâm, giác tri tâm duyệt, giác tri tâm định, giác tri tâm giải thoát 覺知心, 覺知心悅, 覺知心定, 覺知心解脫 Pāli: cittappaṭisaṃvedī..., abhippamodayaṃ cittaṃ..., samādahaṃ cittaṃ..., vimoccayaṃ cittaṃ...,

 [15] Hán: quán sát vô thường.. đoạn… vô dục.. diệt 觀察無常, 觀察斷, 觀察無欲, 觀察滅 Pāli: aniccānupassī.. virāgānupassī.. nirodhānupassī.. paṭinissaggānupassī, quán vô thường, quán ly dục, quán diệt, quán xả ly.

 [16] Đại chánh, kinh 804. Pāli, S 54. 2-5 Bojjhaṅga,v.v.

 [17] Đại chánh, kinh 805. Pāli, S 54.6 Ariṭṭha.

 [18] A-lê-sătc-tra 阿梨瑟吒. Pāli: Ariṭṭha.

 [19] Hán: ư nội ngoại đối ngại tưởng 於內外對礙想 Pāli: ajjhattaṃ bahidṛhā ca dhammesu paṭighasañña, tri giác tưởng về tính đối ngại (tính đối kháng của vật chất, cũng có nghĩa sự sân hận) nơi các pháp nội và ngoại.

 [20] Đại chánh, kinh 806.Pāli, S 54.7 Kappina.

 [21] Kế-tân-na 罽賓那. Pāli: Kippina.

 [22] Đại chánh, kinh 708. Pāli, S 54.11 Icchānaṅgala.

 [23] Nhất-xa-năng-già-la 一奢能伽羅 Pāli: Icchānaṅgala.

 [24] Xem kinh Đại chánh 481 trên.

 [25] Nguyên Hán: thời đáo 時到.

 [26] Thánh trụ 聖住; Pali: ariyavihāra.       

 [27] Thiên trụ 天住; dibbavihāra.

 [28] Phạm trụ 梵住; brahmavihāra.

 [29] Học trụ 學住; sekhavihāra.

 [30] Vô học trụ 無學住; asekhavihāra.

 [31] Như lai trụ 如來住; tathāgatavihāra.

 [32] Hiện pháp lạc trụ 現法樂住; diṭṭhadhammasukhavihāra.

 [33] Đại chánh, kinh 808. Pāli, S.54.12  Kaṅkheyya

 [34] Ca-tì-la-việt Ni-câu-luật thọ viên 迦毘羅越尼拘律樹園 Pāli: Kapilavatthusmiṃ nigrodhārāme.

 [35] Thích thị Ma-ha-nam 釋氏摩訶男 Pāli: Mahānāmo sakko.

 [36] Ca-ma tỳ-kheo 迦磨比丘Pāli: āyasmā Lokasakaṃbhiyo.

 [37] Học trụ 學住 Pāli: sekhavihāra.

 [38] Như lai trụ 如來住 Pāli: tathāgatavihāra.

 [39] Xem kinh 807.

 [40] Đại chánh, kinh 809. Pāli, S 54. 9  Vesāli.

 [41] Tát-la-lê lâm 薩羅梨林.

 [42] Bạt-cầu-ma 跋求摩河. Tức Pāli, sông Vaggumudā, thuộc nước Vajji.

 [43] Kim-cang tụ lạc金剛聚落. Pāli, Vajji, nưng Hán đọc là Vajira (Skt. Vajra).

 [44] Chuyện xảy ra, Thập tung 2, tại nước Bạt-kì, bên sông Bạt-cầu-ma. Tứ phần 2, trong lúc Phật trú tại Tì-xá-li. Pāli, Vin. iii. 70, Phật ở tại Vesāli.

 [45] Lộc Lâm phạm-chí tử 鹿林梵志子. Tứ phần 2: Vật-lực-già Nan-đề 勿刀伽難提. Thập tụng 2: Lộc Trượng phạm chí 鹿杖梵志.Vin. iii. 68: một người giả trang sa-môn (samaṇakuttaka) tên là Migadaṇḍa.

 [46] Đại chánh, kinh 810. Pāli, S 54 13-14 Ānanda.

 [47] Pāli: kāyaññatarāhaṃ etaṃ vadāmi yadidaṃ assāpassāsaṃ, Ta nói, tùy theo mỗi thân, hơi thở ra, hơi thở vào.

 [48] Pāli: pītippaṭisaṃvedī assasissāmi, cam giác hỷ, tôi sẽ thở ra…

 [49] Pāli: sukhappaṭisaṃvedī assissāmi, cảm giác lạc, tôi sẽ thở ra …

 [50] Pāli: cittasaṅkhārappaṭisaṃvedī (…), cảm giác tâm hành…

 [51] Pāli: vedanāññatarāhaṃ etaṃ vadāmi yadidaṃ assāsapassāsāaṃ, Ta nói, tùy theo mỗi cảm thọ, hơi thở ra vào.

 [52] Đại chánh, kinh 811-812.

 [53] Đại chánh, kinh 813. Pāli, S 54.10 Kimbila.

 [54] Kim-tì-la tụ lạc Kim tỳ lâm 金毘羅聚落金毘林 Pāli: Kimilāyaṃ veḷuvane.

 [55] Kim-tì-la 金毘羅. Pāli: Kimila.

 [56] Cù-đàm, đay chỉ A-nan, gọi tên theo dòng họ.

 [57] Đại chánh, kinh 814. Không mệt nhọc Pāli, S 54.8 Dīpa.

 [58] Đại chánh, kinh 815.

 [59] Ca-đê nguyệt 迦低, Pāli: kaṭṭika, thường chỉ tháng sau ngày giải chế an cư.