29. Tương Ưng nghiệp báo, Kinh 943-965

29. TƯƠNG ƯNG NGHIỆP BÁO [104]

KINH 943. THUẦN-ĐÀ [105]

 [271b]Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong tinh xá Kim sư, tại thành Vương Xá. [106] Bấy giờ, có Gia chủ Thuần-đà [107] đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi xuống một bên.

Thế Tôn hỏi Gia chủ Thuần-đà:

“Hiện tại, Ông ưa thích tịnh hạnh [108] của những Sa-môn, Bà-la-môn nào?”

Thuần-đà bạch Phật:

“Có Sa-môn, Bà-la-môn thờ phụng nước, thờ Tì-thấp-ba Thiên, [109] cầm trượng, bình nước, thường rửa sạch tay mình. [110] Vị chánh sĩ như vậy thường khéo nói pháp rằng: ‘Này thiện nam, vào ngày mười lăm mỗi tháng, dùng mạt vụn hồ-ma và am-ma-la để gội tóc, tu hành trai pháp, mặc đồ mới sạch, đeo tràng hoa [111] dài, lụa trắng, nằm lên trên đất trết phân bò. Này thiện nam, sáng mai dậy sớm lấy tay sờ đất và nói như vầy: ‘Đất này trong sạch. Ta cũng sạch như vậy.’ Tay cầm cục phân bò cùng nắm một nắm cỏ tươi, miệng nói: ‘Cái này trong sạch. Ta cũng trong sạch như vậy.’ Nếu ai như vậy thì được thấy là trong sạch. Nếu ai không như vậy, hoàn toàn không trong sạch.’ Bạch Thế Tôn, Sa-môn, Bà-la-môn nào, nếu trong sạch như vậy thì đáng cho con kính ngưỡng.”

Phật bảo Thuần-đà:

“Có pháp đen và báo ứng đen; bất tịnh cho quả bất tịnh; gánh nặng thì chúc xuống. Nếu ai đã thành tựu những pháp ác này, dù cho sáng mai dậy sớm lấy tay sờ đất, và nói rằng ‘thanh tịnh’ thì vẫn bất tịnh, cho dù không chạm cũng không thanh tịnh. Người này cầm cục phân bò và nắm cỏ tươi nói rằng ‘thanh tịnh’ thì vẫn bất tịnh, cho dù không chạm cũng không thanh tịnh.

“Này Thuần-đà, thế nào là pháp đen, báo ứng đen, bất tịnh cho quả bất tịnh, gáng nặng thì chúc xuống... cho đến chạm hay không chạm, tất cả đều bất tịnh?

“Này Thuần-đà, đối vơi tất cả chúng sanh, cho đến côn trùng cũng không tránh xa sự sát hại, tay thường tanh máu, tâm thường suy nghĩ đến đánh đập, sát hại, không hổ, không thẹn, tham lam, keo kiệt. Đó là nghiệp ác sát sinh.

“Đối với tài vật, làng xóm, đất trống của người, cũng không xa lìa trộm cắp.

“Đối với những người được bảo hộ bởi cha mẹ, anh em, chị em, phu chủ, thân tộc cho đến người trao vòng hoa, mà dùng sức cưỡng bức, làm mọi việc tà dâm, không lìa bỏ tà dâm.

“Nói dối không chân thật: Hoặc ở chốn vua quan, các nhà nói chơn thật, nơi có nhiều người tụ tập cần lời nói thích đáng, nhưng lại nói lời không thật; không thấy nói thấy, thấy nói không thấy, không nghe nói nghe, nghe nói không nghe; biết nói không biết, không biết nói biết. Vì chính mình, vì người khác, hoặc vì tài lợi, biết mà nói dối không chịu lìa bỏ. [271c] Đó gọi là vọng ngữ.

“Hoặc nói hai lưỡi gây chia lìa; đem chuyện đầu này đến nói đầu kia, đem chuyện chỗ kia đến nói chỗ này, phá hoại lẫn nhau, làm cho tan rã sự hòa hợp. Thấy người chia rẻ thì mừng.

“Hoặc không lìa bỏ lời nói thô ác, mắng nhiếc. Có những lời nói dịu dàng, êm tai, làm vui lòng, rõ ràng dễ hiểu, lời nói được ưa nghe, được nhiều người yêu mến, hợp ý, tùy thuận tam-muội. Xả bỏ những lời như vậy mà nói lời gắt gao, cộc cằn, bị nhiều người ghét, không ưa, không hợp ý, không dẫn đến tâm định. Nói những lời như vậy, không lìa bỏ lời nói thô. Đó gọi là ác khẩu.

“Hoặc lời nói phù phiếm, phá hoịa; nói không đúng lúc, nói không thực tế, lời nói vô nghĩa, lời nói phi pháp, lời nói thiếu suy nghĩ. Nói những lời phá hoại như vậy.

“Không lìa bỏ tham lam; đối với tài vật người khác khởi tham dục, nói rằng ‘Phải chi ta có vật này thì rất tốt.’

“Không xả bỏ sân nhuế tệ ác; trong tâm suy nghĩ: chúng sanh kia đáng bị trói, đáng bị roi vọt, gậy gộc, đáng giết; muốn cho nó khó sống.

“Không bỏ tà kiến;  điên đảo thấy như vầy: ‘Không bố thí, không quả báo, không có phước, không có điều thiện điều ác, không có quả báo của nghiệp thiện ác; không có đời này, đời khác, không có cha mẹ, không có chúng sanh hoá sanh;  thế gian không có A-la-hán, không có các vị chánh hành, chánh hướng mà trong đời này hay đời khác tự biết tác chứng, tự biết ‘Ta, sự sinh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa.’ Này Thuần-đà, đó gọi là pháp đen, báo ứn đen, bất tịnh, quả bất tịnh, gáng nặng nặng chúc xuống ... cho đến cầm lấy hay không cầm lấy tát cả đều bất tịnh.

“Này Thuần-đà, có pháp trắng, báo ứng trắng, tịnh và quả tịnh, nhẹ nhàng đi lên. Nếu ai đã tạo thành những điều này, mà sáng sớm sờ đất, nói cái này tịnh ta tịnh, thì cũng được thanh tịnh, hay không sờ, thì cũng được thanh tịnh. Hoặc cầm cục phân bò cùng nắm cỏ tươi, nếu nhân tịnh quả tịnh thì dù có cầm nắm hay không cầm nắm cũng được thanh tịnh.

“Thuần-đà, thế nào là pháp trắng, báo ứng trắng, đến, sờ hay không sờ, thì cũng được thanh tịnh? 

“Đó là, có người không sát sanh, lìa bỏ sát sanh, bỏ đao trượng, biết hổ thẹn, thương xót nghĩ đến tất cả chúng sanh. Không trộm cướp, lìa bỏ trộm cướp, vật cho thì lấy, không cho không lấy, tâm sạch không tham. Lìa tà dâm hoặc đối người được cha mẹ bảo hộ,... cho đến người trao vòng hoa, đều không cưỡng bức làm chuyện tà dâm. Lìa nói dối, căn cứ vào sự thật mà nói. Xa lìa nói hai lưỡi, không đi đến chỗ này nói chuyện chỗ kia, đến chỗ kia nói chuyện chỗ này, phá hoại lẫn nhau; đã bị ly gián nên làm hòa hợp, đã hòa hợp nên tùy hỷ. Xa lìa ác khẩu, không thô rắn, những lời nói ra khiến nhiều người ưa thích. Tránh xa lời nói phá hoại, nói lời chân thật, [272a] nói đúng lúc, nói đúng sự thật, nói có ý nghĩa, nói như pháp, nói theo hiểu biết. Lìa tham dục, đối với của cải, đồ vật người khác không tưởng là của mình mà sinh tham đắm. Lìa sân nhuế, không nghĩ đến việc đánh đập, bắt trói, giết hại, gây các tai nạn. Thành tựu chánh kiến, không thấy điên đảo, nói có bố thí, có quả báo, có phước, có quả báo thiện hành, ác hành, có đời này, có cha mẹ, có chúng sanh hoá sinh, trong đời có A-la-hán, ngay trong đời này hay đời khác mà hiện tại tự biết tác chứng, tự biết ‘Ta, sự sinh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sinh đời sau nữa.’ Này Thuần-đà, đó gọi là pháp trắng, báo ứng trắng, đến, sờ hay không sờ, thì cũng được thanh tịnh.”

Gia chủ Thuần-đà sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ ra về.

KINH 944. XẢ HÀNH [112]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong tinh xá Kim sư, tại thành Vương Xá. Bấy giờ, có Ba-la-môn vào ngày mười lăm, gội đầu, rồi thọ trai pháp, đeo tràng hoa dài,  khoác áo lụa trắng, tay cầm nắm cỏ tươi, đi đến chỗ Phật. Sau khi cùng Thế Tôn thăm hỏi an úy nhau xong, ông ngồi xuống một bên.

Khi đó Phật bảo Bà-la-môn:

“Ông gội đầu, đeo tràng hoa dài, khoác áo lụa trắng, đó là pháp của ai vậy?’

Bà-la-môn bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, đó là học pháp xả.” [113]

Thế Tôn hỏi Bà-la-môn:

“Thế nào là pháp xả của Bà-la-môn?”

Bà-la-môn bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, cứ vào ngày mười lăm, gội đầu, giữ gìn trai pháp, đeo tràng hoa dài, khoác áo lụa trắng, tay cầm cỏ tươi, tùy khả năng mà bố thí, làm phước. Thưa Cù-đàm, đó gọi là Bà-la-môn tu tập hạnh xả.”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Những thực hành về hạnh xả theo pháp luật của Hiền Thánh thì khác ở đây.”

Bà-la-môn bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, vậy sở hành về hạnh xả theo pháp luật của Hiền Thánh như thế nào?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Lìa sát sinh, không thích sát sinh. Nói đầy đủ như phần thanh tịnh ở trước. Y nơi sự không sát sinh, lìa bỏ sát sinh... cho đến nói đầy đủ như phần thanh tịnh ở trước. Lìa trộm cướp, không thích trộm cướp, y nơi sự không trộm cướp, lìa bỏ sự lấy vật không cho. Lìa tà dâm, không thích tà dâm, y nơi sự không tà dâm, bỏ việc phi phạm hạnh. Lìa vọng ngữ, không thích vọng ngữ, y nơi sự không nói dối, xả bỏ lời nói không thật. Lìa hai lưỡi, không thích nói hai lưỡi, y nơi sự không nói hai lưỡi, xả bỏ hành ly gián. Lìa ác khẩu, không thích ác khẩu, y nơi sự không ác khẩu, bỏ lời thô ác. Lìa lời phù phiếm, không thích lời phù phiếm, [272b] y nơi sự không nói phù phiếm, bỏ lời vô nghĩa. Đoạn trừ tham dục, xa lìa khổ tham, y tâm không tham, xả bỏ ái trước. Đoạn trừ sân nhuế, không sinh phẫn hận, y không giận, xả bỏ sân hận. Tu tập chánh kiến, không khởi điên đảo, y  chánh kiến, xả bỏ tà kiến.

“Này Bà-la-môn, đó gọi là sở hành về hạnh xả theo pháp luật của Hiền Thánh.”

Bà-la-môn bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, lành thay! những sở hành về hạnh xả theo pháp luật của Hiền Thánh.”

Bà-la-môn sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, rời chỗ ngồi đứng dậy ra về.

KINH 945. SANH VĂN [114]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Trúc, Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ có Bà-la-môn Sanh Văn [115] đi đến chỗ Phật. Sau khi cùng Phật thăm hỏi an úy xong, ông ngồi xuống một bên, bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, con có người thân tộc rất thương mến, bỗng nhiên qua đời. Con vì người ấy nên bố thí vơi tín tâm. Thế nào, bạch Thê tôn, người ấy có nhận được không?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Không phải nhất định phải được. Nếu người thân tộc của ông sinh vào trong địa ngục, nó sẽ ăn thức ăn của chúng sanh địa ngục để nuôi sống sinh mạng của nó, chứ không nhận được đồ ăn thức uông mà ông bố thí với tín tâm. Nếu nó sinh vào súc sanh, ngạ quỷ, hoặc loài người, họ sẽ được đồ ăn thức uống của loài người, không nhận được đồ bố thí của ông.

“Này Bà-la-môn, trong đường ngạ quỷ có một nơi tên là Nhập xứ ngạ quỷ. [116] Nếu người thân tộc của ông sinh vào trong Nhập xứ ngạ quỷ kia, thì sẽ nhận được thức ăn của ông.”

Bà-la-môn bạch Phật:

“Nếu người thân tộc của con không sinh vào trong đường nhập xứ ngạ quỷ, thì thức ăn do tín tâm của con bố thí ai sẽ hưởng được?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Nếu ông với tín tâm bố thí cho người thân tộc, nhưng họ không sinh vào chốn Nhập xứ ngạ quỷ, thì có những thân tộc quen biết khác đã sinh vào trong chốn Nhập xứ ngạ quỷ đó sẽ được hưởng.”

Bà-la-môn bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, nếu con do tín tâm bố thí cho người thân tộc, nhưng họ không sinh vào trong chốn Nhập xứ ngạ quỷ, và cũng không có các thân tộc quen biết khác sinh vào chốn Nhập xứ ngạ quỷ, thì thức ăn do tín  bố thí đó ai sẽ hưởng?”

Phật bảo bà-la-môn:

“Giả sử ông vì những thân tộc quen biết mà bố thí, nhưng họ không sinh vào trong chốn Nhập xứ ngạ quỷ, và lại cũng không có những người quen biết khác sinh vào chốn ngạ quỷ, thì việc bố thí do tín, tự mình sẽ được phước. Của bố thí do tín của người thí chủ đó, sẽ không mất đạt-thẩn [117].”

Bà-la-môn bạch Phật:

“Thế nào là thí chủ hành thí, để người bố thí được đạt-thẩn kia ?”

Phật bảo Bà-la-môn:

 [272c] “Có người sát sanh, làm những việc ác, tay thường tanh máu,... cho đến mười nghiệp bất thiện, nói đầy đủ như kinh Thuần-đà.  Sau lại bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn,... cho đến những kẻ ăn xin bần cùng, đều bố thí tiền tài, áo quần, chăn mền, đồ ăn thức uống, đèn đuốc, những vật dụng trang nghiêm.

“Này bà-la-môn, thí chủ kia nếu lại phạm giới sinh trong loài voi, nhưng vì người ấy đã từng bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn tiền của, áo quần, chăn mền, đồ ăn thức uống cho đến những vật dụng trang nghiêm, nên tuy ở trong loài voi, nhưng cũng nhận được phước báo nhờ họ đã bố thí, từ quần áo, đồ ăn thức uống cho đến những vật dụng trang nghiêm.

“Nếu lại sinh vào các loài súc sanh như trâu, ngựa, lừa, la .v.v... nhưng cũng nhờ vào công đức thí ân trước, nên họ ắt sẽ nhận được phước báo kia tùy theo chỗ sinh tương ứng mà được thọ dụng.

“Này Bà-la-môn, nếu thí chủ kia lại trì giới, không sát sinh, trộm cướp,... cho đến chánh kiến, và bố thí cho các Sa-môn, Bà-la-môn,... cho đến những kẻ ăn xin nào là tiền của, áo quần, đồ ăn thức uống, đèn đuốc, thì nhờ công đức này mà sinh trong loài người, ngồi hưởng thụ phước báo này, từ áo quần, đồ ăn thức uống... cho đến những vật dụng như đèn đuốc.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, nếu họ lại trì giới, thì sẽ được sinh lên cõi trời, vì họ nhờ vào những thí ân nên được hưởng những thứ phước báo về tài bảo, áo quần, đồ ăn thức uống,... cho đến những vật dụng trang nghiêm cõi trời.

“Này Bà-la-môn, đó gọi là người bố thí hành thí; khi người bố thí thọ nhhận đạt-thẩn, quả báo không mất.”

Bà-la-môn Sanh Văn sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, rời chỗ ngồi đứng dậy ra về.

KINH 946. TÌ-LA-MA (1) [118]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại Câu-tát-la du hành trong nhơn gian, đang nghỉ trong rừng cây thân-thứ phía bắc làng Tì-la-ma. [119] Bấy giờ, các gia chủ làng Tì-la-ma nghe Thế Tôn đang nghỉ trong rừng cây thân-thứ phía bắc làng. Nghe vậy, họ cùng rủ nhau đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi xuống một bên, bạch Phật:

“Bạch Thê tôn, do nhân gì, duyên gì, có những chúng sanh khi mạng chung sinh vào địa ngục?”

Phật bảo các Gia chủ Bà-la-môn:

“D0 nhân duyên tạo những hành vi phi pháp hành, hành vi nguy hiểm hành, [120] nên khi thân hoại mạng chung sẽ sinh vào địa ngục.”

Các Gia chủ Bà-la-môn bạch Phật:

“Những gì là hành vi phi pháp hành, hành vi nguy hiểm hành, để đến khi thân hoại mạng chung bị sinh vào địa ngục?”

Phật bảo các Gia chủ Bà-la-môn:

“Vì nhân duyên sát sinh... cho đến tà kiến, đủ mười nghiệp bất thiện.

“Này Bà-la-môn, đó là những hành vi phi pháp hành, hành vi nguy hiểm hành, nên khi thân hoại mạng chung sẽ sinh vào địa ngục.”

Bà-la-môn bạch Phật:

“Do những nhân duyên gì mà chúng sanh khi thân hoại mạng chung được [273a] sinh lên trời?”

Phật bảo các gia chủ bà-la-môn:

“Do nhân duyên đã tạo ra những hành vi pháp hành, hành vi chánh hành nên khi thân hoại mạng chung được sinh lên trời.”

Lại hỏi Thế Tôn:

“Tạo những hành vi gì là pháp hành, những hành vi gì chánh hành để khi thân hoại mạng chung được sinh lên trời?”

Phật bảo các Gia chủ Bà-la-môn:

“Nhân duyên lìa sát sanh... cho đến chánh kiến, mười nghiệp lành, khi thân hoại mạng chung được sinh lên trời.

“Này các Gia chủ Bà-la-môn, người nào có những pháp hành, những hành vi chánh hành này, nếu muốn cầu sinh vào nhà quyền quý Sát-lị, hoặc dòng họ Bà-la-môn uy thế, dòng họ Cư sĩ có tiếng, người ấy đều được sinh vào đó. Vì sao? Vì nhân duyên hành vi pháp hành, hành vi chánh hành. Hoặc lại muốn sinh vào Tứ thiên vương, Tam thập tam thiên... cho đến Tha hóa tự tại thiên, người ấy đều sẽ được sinh về. Vì sao? Do hành vi pháp hành, hành vi chánh hành, trì tịnh giới nên tự nhiên sẽ đạt được tất cả những gì mình muốn. Hoặc lại có  người nào có hành vi pháp hành, hành vi chánh hành như vậy, mà muốn cầu sinh vào Phạm thiên, người ấy cũng được sinh về đó. Vì sao? Vì đã có hành vi pháp hành, hành vi chánh hành, trì giới thanh tịnh, tâm lìa ái dục nên sẽ đạt được những sở nguyện. Hoặc lại muốn cầu sinh về cõi Quang âm, Biến tịnh,... cho đến A-già-ni-tra cũng lại như vậy. Vì sao? Vì người này trì giới thanh tịnh, tâm ly dục. Hoặc lại muốn cầu ly dục, pháp ác bất thiện, có tầm có tứ,... cho đến chứng và trụ đệ tứ thiền, tất cả được thành tựu. Vì sao? Vì người này có hành vi pháp hành, hành vi chánh hành, trì giới thanh tịnh, tâm ly ái dục, nên thành tựu mọi ước nguyện. Muốn cầu từ, bi, hỷ, xả, không vô biên xứ, thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, tất cả đều được. Vì sao? Vì hành vi pháp hành, hành vi chánh hành, trì giới thanh tịnh, tâm ly ái dục, nên đạt được mọi ước nguyện. Muốn cầu đoạn tận ba kết, đắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, vô lượng thần thông, thiên nhĩ, tha tâm trí, túc mạng trí, sinh tử trí, lậu tận trí, tất cả đều đạt được. Vì sao? Vì có hành vi pháp hành, hành vi chánh hành, trì giới, ly dục, nên đạt được mọi ước nguyện.”

Các Gia chủ Bà-la-môn sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, làm lễ rồi ra về.

KINH 947. BỀ-LA-MA (2) [121]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại Câu-tát-la, du hành trong nhơn gian, đang nghỉ trong rừng cây thân-thứ phía Bắc làng Tì-la-ma. Bấy giờ, các Gia chủ Bà-la-môn trong làng Tì-la-ma nghe Thế Tôn đang nghỉ trong rừng cây thân-thứ làng Tì-la-ma. Nghe vậy, họ đi xe ngựa trắng, có nhiều tùy tùng theo hai bên, cầm dù lọng cán vàng, bình tắm vàng, ra khỏi làng  Tì-la-ma, đến rừng cây thân-thứ. Đến đầu đường, họ xuống xe đi bộ, tiến vào cửa vườn, đến trước Thế Tôn. Sau khi thăm hỏi an úy nhau xong, họ ngồi xuống một bên, bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, do nhân gì, duyên gì có người khi mạng chung sinh vào địa ngục,... cho đến sinh lên trời?” Nói đầy đủ như kinh trên.

Các Bà-la-môn Tỳ-la-ma sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, rời chỗ ngồi đứng dậy, ra về.

KINH 948. TÌ-NỮU-ĐA-LA [122]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại Câu-tát-la, du hành trong nhơn gian, đang nghỉ trong rừng cây thân-thứ, phía bắc làng Tì-nữu-đa-la. [123] [273b] Gia chủ Bà-la-môn làng Tì-nữu-đa-la nghe Phật đang nghỉ trong rừng cây thân-thứ, phía bắc làng Tì-nữu-đa-la. Nghe vậy, họ rủ nhau đến rừng cây thân-thứ, đến trước Thế Tôn. Sau khi thăm hỏi an úy nhau xong, họ ngồi xuống một bên.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Gia chủ Bà-la-môn:

“Ta sẽ nói pháp tự thông [124] cho ông nghe. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ. Những gì là pháp tự thông? Thánh đệ tử hãy học như vầy: Tôi tự nghĩ, nếu có người muốn giết tôi, điều đó tôi không muốn. Cũng như vậy, điều mà nếu tôi không muốn người khác cũng không muốn. Vậy tại sao tôi lại giết họ? Nhận ra điều này rồi, người ấy sẽ thọ trì sự không sát sinh, không thích sát sinh. Chi tiết như trên.

“Nếu tôi không thích bị người trộm cướp; người khác cũng không thích. Vậy tại sao tôi lại trộm cướp của người? Cho nên tôi phải giữ giới không trộm cướp, không thích việc trộm cướp. Nói như trên.

“Tôi không thích người xâm phạm đến vợ tôi; người khác cũng không thích. Vậy tại sao nay tôi lại xâm phạm đến vợ người? Cho nên phải giữ giới không tà dâm đối với người. Nói như trên.

“Tôi không thích bị người dối gạt; người khác cũng như thế. Vậy tại sao lại dối gạt người khác? Cho nên, phải giữ giới không nói dối. Nói như trên.

“Tôi còn không thích người khác chia lìa thân hữu tôi; người khác cũng như vậy. Vậy tại sao nay tôi lại chia lìa thân hữu người khác? Cho nên không nói hai lưỡi.

“Tôi còn không thích người khác nói lười thô ác; người khác cũng như thế. Vậy tại sao đối với người khác mà lại mạ nhục? Cho nên đối với người khác không nên nói lời ác khẩu. Nói như trên.

“Tôi còn không thích người nói lời phù phiếm: người khác cũng như thế. Vậy tại sao đối với người lại nói lời phù phiếm? Cho nên đối với người khác không nên nói lời phù phiếm. Nói như trên.

 [273c]“Bảy pháp như vậy gọi là Thánh giới. Lại nữa, thành tựu tín thanh tịnh bất hoại đối với Phật, thành tựu tín thanh tịnh bất hoại  đối với Pháp, đối với Tăng. Đó gọi là Thánh đệ tử thành tựu bốn bất hoại tịnh. Tự mình quán sát ngay bây giờ có thể tự ký thuyết, mình không còn vào địa ngục, không còn vào ngạ quỷ, súc sanh và không còn vào tất cả đường dữ; đạt được pháp Tu-đà-hoàn, không rơi vào pháp đường dữ, quyết định thẳng đến Chánh giác, chỉ còn bảy lần qua lại cõi Trời, Người, cứu cánh biên tế khổ.”

Gia chủ Bà-la-môn làng Tì-nữu sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, rời chỗ ngồi đứng dậy ra về.

KINH 949. TÙY-LOẠI [125]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ kheo:

“Có những pháp thân cận, [126] hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi giảng nói:

“Những gì là pháp thân cận? Người sát sinh thân cận người sát sinh. Trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, nói hai lưỡi, nói lời ác, nói phù phiếm, tham, sân, và tà kiến, chúng tùy theo loại thân cận nhau. Thí như vật bất tịnh cùng với vật bất tịnh tự hòa hợp nhau; cũng như vậy, sát sinh cùng sát sinh... cho đến tà kiến cùng tà kiến, tự thân cận nhau. Cũng vậy Tỳ kheo, không sát sinh cùng với không sát sinh thân cận nhau.... cho đến chánh kiến cùng với chánh kiến thân cận nhau. Thí như vật tịnh cùng vật tịnh hòa hợp nhau; sữa sanh lạc, lạc sanh tô, tô sanh đề hồ, đề hồ tự hòa họp nhau. Cũng vậy, không sát sinh cùng với không sát sinh thân cận  nhau... cho đến chánh kiến cùng với chánh kiến thân cận nhau. Đó gọi là pháp thân cận nhau của Tỳ kheo.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 950. XÀ HÀNH [127]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ kheo:

“Có pháp rắn bò, [128] hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi giảng nói.

“Thế nào là là pháp rắn bò? Sát sinh, làm ác, tay thường tanh máu,... cho đến mười nghiệp ác, nói đầy đủ như kinh Thuần-đà trước. Lúc bấy giờ ngưới ấy bò trườn với thân, bò trườn với miệng, bò trườn với  ý. Khi  bò trườn với thân, bò trườn với miệng, bò trườn với ý như vậy, một trong hai đường người đó đang hướng đến là địa ngục hoặc súc sinh. Chúng sanh bò trườn, là chỉ các loài chúng sanh đi bằng bụng như rắn, chuột, mèo, chồn. Đó gọi là pháp rắn bò.

“Thế nào là pháp không phải rắn bò? Không sát sinh... cho đến chánh kiến, nói đầy đủ về mười nghiệp thiện như kinh Thuần-đà trước. [274a] Đó gọi là pháp không phải rắn bò. Khi thân không phải rắn bò, miệng không phải rắn bò, ý không phải rắn bò, một trong hai đường sẽ sinh về là cõi trời hoặc cõi người. Đó gọi là pháp không phải rắn bò.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 951. VIÊN CHÂU (1) [129]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ kheo:

“Có nhân nghiệp ác, nhân tâm ác, nhân kiến ác. Nếu chúng sinh nào có nhân như vậy, khi thân hoại mạng chung chắc chắn rơi vào địa ngục, đường dữ. Giống như ném hạt châu tròn [130] vào hư không, sẽ rơi lại xuống đất lăn đi, không đình trú tại một chỗ. [131] Cũng vậy, nhân nghiệp ác, nhân tâm ác, nhân kiến ác, khi thân hoại mạng chung chắc sẽ rơi vào địa ngục không có trú xứ.

“Thế nào là nghiệp ác? Sát sinh... cho đến nói lời phù phiếm, nói đầy đủ như trên. Đó gọi là nghiệp ác.

“Thế nào là tâm ác? [132] Tâm tham, tâm sân nhuế, nói đầy đủ như trên. Đó gọi là tâm ác.

“Thế nào là kiến ác? Tà kiến điên đảo, nói đầy đủ như trên. Đó gọi là kiến ác. Đây gọi là nhân nghiệp ác, nhân tâm ác, nhân kiến ác, khi thân hoại mạng chung, chắc sẽ rơi vào địa ngục, đường dữ.

“Nếu là nhân nghiệp thiện, nhân tâm thiện, nhân kiến thiện, khi thân hoại mạng chung, chắc sẽ được sinh về cõi trời, đường lành.

“Này Bà-la-môn. thế nào là nghiệp thiện? Lìa sát sinh, không ưa sát sinh,... cho đến không nói lời phù phiếm. Đó gọi là nghiệp thiện.

“Thế nào là tâm thiện? Không tham, không sân, đó gọi là tâm thiện.

“Thế nào là kiến thiện? Chánh kiến, không điên đảo... cho đến kiến không tái sinh đời sau. Đó gọi là kiến thiện. Đây gọi là nhân nghiệp thiện, nhân tâm thiện, nhân kiến thiện, khi thân hoại mạng chung chắc sẽ được sinh về cõi trời. Giống như ném hạt ma ni có bốn phương [133] vào hư không, nó rơi chỗ nào sẽ nằm yên chỗ đó; cũng vậy ba nhân thiện kia tùy thuộc vào chỗ thọ sinh mà an ổn.

Phật nói kinh nầy xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 952. VIÊN CHÂU (2) [134]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ kheo:

“Nếu người sát sinh, mà tập nhiều, hành nhiều, sẽ sinh vào địa ngục. Nếu sinh vào loài người, nó sẽ bị chết yểu. Sự lấy của không cho đươc tập nhiều, hành nhiều, sẽ khiến rơi vào địa ngục. Nếu sinh vào loài người, tiền của nhiều khó khăn. Sự tà dâm được tập nhiều, hành nhiều, sẽ khiến rơi vào địa ngục. Nếu sinh vào loài người, [274b] vợ con của nó bị người xâm phạm. Sự nói dối tập nhiều, hành nhiều, sẽ khiến sinh vào địa ngục. Nếu sinh vào loài người, nó sẽ bị người khác chê bai luôn. Sự nói hai lưỡi được tập nhiều, hành nhiều, nó sẽ sinh vào địa ngục. Nếu sinh vào loài người, nó sẽ bị bạn bè thân hữu xa lìa, chia rẻ. Sự nói thô ác được tập nhiều, hành nhiều, nó sẽ sinh  vào địa ngục. Nếu sinh vào loài người, nó thường nghe những tiếng xấu. Sự nói lời phù phiếm được tập nhiều, hành nhiều, nó sẽ sinh vào địa ngục. Nếu sinh vào loài người, lời nói của nó không được tin dùng. Tham dục được tập nhiều, hành nhiều, sẽ khiến sinh vào địa ngục. Nếu sinh vào loài người, tham dục kia sẽ tăng trưởng. Sân nhuế được tập nhiều, hành nhiều, sẽ khiến sinh vào địa ngục. Nếu sinh vào loài người, sân nhuế kia sẽ tăng trưởng. Tà kiến được tập nhiều, hành nhiều, sẽ khiến sinh vào địa ngục. Nếu sinh vào loài người, ngu si kia sẽ tăng trưởng.

“Nếu tu tập lìa bỏ sát sinh, tu tập nhiều, người ấy sẽ được sinh lên trời. Nếu sinh vào loài người, người ấy tất được sống lâu. Nếu tu tập lìa bỏ trôm cướp, tu tập nhiều, người ấy sẽ được sinh lên trời. Nếu sinh vào loài người, tiền tài sẽ không mất. Nếu tu tập không tà dâm, tu tập nhiều,sẽ được sinh lên trời. Nếu sinh vào loài người, vợ con sẽ thuần lương. Nếu tu tập không nói dối, tu tập nhiều, sẽ được sinh lên trời. Nếu sinh lvào loài ngườ, sẽ không bị chê bai. Nếu tu tập không nói hai lưỡi, tu tập nhiều, sẽ được sinh lên trời. Nếu sinh vào loài người, thân hữu sẽ bền vững. Nếu tu tập không nói lời ác, tu tập nhiều, sẽ được sinh lên trời. Nếu sinh vào loài người, sẽ được nghe những âm thanh dịu dàng. Nếu tu tập không nói lời phù phiếm, tu tập nhiều, sẽ được sinh lên trời. Nếu sinh vào loài người, lời nói sẽ được tin dùng. Nếu tu tập không tham lam, tu tập nhiều, sẽ được sinh lên trời. Nếu sinh vào loài người, ái dục sẽ không tăng trưởng. Nếu tu tập không sân nhuế, tu tập nhiều, sẽ được sinh lên trời. Nếu sinh vào loài người, sân nhuế sẽ không tăng trưởng. Nếu tu tập chánh kiến, tu tập nhiều, sẽ được sinh lên trời. Nếu sinh làm người, ngu si sẽ không tăng trưởng.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 953. NA NHÂN [135]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ kheo:

“Sát sinh có ba thứ: sinh khởi từ tham, sinh khởi từ sân, sinh khởi từ si,... cho đến tà kiến cũng có ba thứ: sinh khởi từ tham, sinh khởi từ sân, sinh khởi từ si.

“Lìa sát sinh cũng có ba thứ: sinh khởi từ không tham, sinh khởi từ không sân, sinh khởi từ không si,... cho đến lìa tà kiến cũng có ba thứ: sinh khởi từ không tham, sinh khởi từ không sân, sinh khởi từ không si.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 954. PHÁP XUẤT KHÔNG XUẤT [136]

 [274c]Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ kheo:

“Nói là có pháp xuất, và pháp xuất không xuất. [137] Những gì là pháp xuất, và pháp xuất không xuất? Không sát sinh, là sự xuất ly đối với sát sinh,... cho đến chánh kiến, là sự xuất ly đối với tà kiến.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 955. BỞ KIA BỜ NÀY [138]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Trúc, Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy Bà-la-môn Sanh Văn đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi xuống một bên, bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, được nói là bờ  này, bờ kia. Thế nào là bờ này? Thế nào là bờ  kia?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Sát sinh là bờ này; không sát sinh là bờ kia. Tà kiến là bờ này; chánh kiến là bờ bên kia. “

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Một ít người tu thiện,

Có thể qua bờ kia;

Tất cả mọi chúng sanh,

Chạy rông bờ bên này.

Đối chánh pháp luật này,

Nếu quán pháp, tướng pháp;

Thì họ qua bờ kia,

Hàng phục bọn ma chết.

Bà-la-môn Sanh Văn sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, rời chỗ ngồi đứng dậy ra về.

Cũng vậy, ba kinh: Những gì Tỳ kheo khác hỏi, Tôn giả A-nan hỏi, và Phật hỏi các Tỳ kheo, cũng nói như trên.

KINH 956. CHÂN THẬT [139]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ kheo:

“Có pháp ác, có pháp chơn thật. [140] Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi giảng nói:

“Thế nào là pháp ác? Sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói phù phiếm, tham, sân, tà kiến. Đó gọi là pháp ác.

“Thế nào là pháp chơn thật? Lìa sát sinh,... cho đến chánh kiến. Đó gọi là pháp chơn thật.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 957. ÁC PHÁP [141]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ kheo:

“Có pháp ác, pháp ác của ác, có pháp chơn thật, pháp chơn thật chơn thật. [142] Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi giảng nói:

“Thế nào là pháp ác? Sát sinh,... cho đến tà kiến. Đó gọi là [275a] pháp ác. 

“Thế nào là pháp ác của ác? Tự mình sát sinh, sai bảo người sát sinh,... cho đến tự khởi tà kiến, lại đem tà kiến sai bảo người làm. Đó gọi là pháp ác ác.

“Thế nào là pháp chơn thật? Lìa sát sinh,... cho đến chánh kiến.

“Thế nào là pháp chơn thật chơn thật? Tự mình không sát sinh, khiến người không sát sinh,... cho đến tự mình thực hành chánh kiến, lại đem chánh kiến khiến cho người thực hành.  Đó gọi là pháp chơn thật chơn thật.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 958. PHÁP CHÂN NHÂN [143]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ kheo:

“Có người nam bất thiện và người nam thiện. [144] Hãy lắng nghe, và suy nghĩ  kỹ, Ta sẽ vì các ngươi giảng nói.

“Thế nào là người nam bất thiện ? Người sát sinh,... cho đến người tà kiến. Đó gọi là người nam bất thiện.

“Thế nào là người nam thiện ? Người không sát sinh,... cho đến chánh kiến. Đó gọi là người nam thiện .”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe nhũng gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 959. MƯỜI PHÁP (10 [145]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ kheo:

“Có người nam bất thiện; có người nam bất thiện hơn người nam bất thiện. Có người nam thiện; có người nam thiện hơn người nam thiện. Các Tỳ kheo hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi giảng nói.

“Thế nào là người nam bất thiện? Người sát sinh,... cho đến người tà kiến. Đó gọi là người nam bất thiện.

“Thế nào là người nam bất thiện hơn người nam bất thiện? Người tự tay sát sinh, rồi khiến người sát sinh,... cho đến tự thực hành tà kiến, rồi khiến người thực hành tà kiến. Đó gọi là người nam bất thiện hơn người nam bất thiện.

“Thế nào là người nam thiện? Người không sát sinh... cho đến chánh kiến. Đó gọi là người nam thiện.

“Thế nào là người nam thiện hơn người nam thiện? Tự mình không sát sinh, và khiến người không sát sinh,... cho đến  tự thực hành chánh kiến, lại đem chánh kiến khiến người khác thực hành. Đó gọi là người nam thiện, người nam thiện..”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 960. MƯỜI PHÁP (2) [146]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ kheo:

“Nếu người nào thành tựu mười pháp, như mâu sắt đâm xuống nước; người kia khi thân hoại mạng chung sẽ hạ nhập vào địa ngục, đường dữ. [275b] Những gì là mười? Đó là sát sinh... cho đến tà kiến. Nếu người nào thành tựu mười pháp, như mâu sắt chỉa lên hư không; khi thân hoại mạng chung được sinh lên trời. Những gì là mười? Đó là không sát sinh... cho đến chánh kiến.

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 961. HAI MƯƠI PHÁP [147]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ kheo:

“Nếu người nào thành tựu hai mươi pháp, như mâu sắt đâm xuống nước, khi thân hoại mạng chung sẽ sinh vào địa ngục, đường dữ. Những gì là hai mươi?  Tự tay sát sinh, và khiến người sát sinh,... cho đến tự mình hành tà kiến,  lại đem tà kiến dạy người hành. Đó gọi là thành tựu hai mươi pháp như mâu sắt đâm xuống nước, khi thân hoại mạng chung sẽ hạ sinh vào địa ngục, đường dữ.

“Nếu người nào thành tựu hai mươi pháp, giống như mâu sắy chỉa lên hư không, khi thân hoại mạng chung sẽ được sinh lên trên trời. Những gì là hai mươi? Tự mình không sát sinh, và khiến người không sát sinh,... cho đến tự mình hành chánh kiến, lại đem chánh kiến dạy người khác hành. Đó gọi là thành tựu hai mươi pháp như thiết mâu chỉa lên hư không, khi thân hoại mạng chung sẽ được sinh lên trên trời.”

Phật nói kinh nay xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 962. BA MƯƠI PHÁP [148]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ kheo:

“Có ba mươi pháp, nếu người nào thành tựu, như thiết mâu đâm xuống nước, khi thân hoại mạng chung sẽ hạ sinh vào địa ngục, đường dữ. Những gì là ba mươi? Là tự mình sát sinh, dạy người sát sinh, và khen ngợi sát sinh,... cho đến tự mình hành  tà kiến, lại đem tà kiến dạy người khác hành, và thường khen ngợi người hành tà kiến. Đó gọi là thành tựu ba mươi pháp như thiết mâu đâm xuống nước, khi thân hoại mạng chung sẽ hạ sinh vào địa ngục, đường dữ.

“Có ba mươi pháp, nếu người nào thành tựu thì giống như thiết mâu chỉa lên hư không, khi thân hoại mạng chung sẽ được sinh lên trên trời. Những gì là ba mươi? Là tự mình không sát sinh, dạy người không sát sinh, và thường khen ngợi công đức không sát sinh,... cho đến tự mình hành chánh kiến, lại đem chánh kiến dạy người hành, và khen ngợi công đức chánh kiến. Đó gọi là thành tựu ba mươi pháp như thiết nâu chỉa lên hư không, khi thân hoại mạng chung sẽ được sinh lên trên trời.”

Các Tỳ kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 963. BỐN MƯƠI [149]

 [275c] Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ kheo:

“Có bốn mươi pháp, nếu thành tựu bốn mươi pháp này thì như giáo sắt ném xuống nước, khi thân hoại mạng chung sẽ hạ sinh vào địa ngục, đường dữ. Những gì là bốn mươi? Là tự mình sát sinh, dạy người sát sinh, khen ngọi sát sinh, và thấy người sát sinh sinh lòng hoan hỷ theo,... cho đến tự mình hành tà kiến, dạy người khác hành, khen ngợi tà kiến, và thấy hành tà kiến sinh lòng hoan hỷ theo. Đó gọi là thành tựu bốn mươi pháp thì sẽ như giáo sắt ném xuống nước, khi thân hoại mạng chung sẽ hạ sinh vào địa ngục, đường dữ.

“Có bốn mươi pháp, nếu thành tựu bốn mươi pháp, như giáo sắt chỉa lên không, khi thân hoại mạng chung được sinh lên trên trời. Những gì là bốn mươi? Là tự mình không sát sinh, dạy người không sát sinh, miệng thường khen ngợi công đức không sát sinh, và thấy người không sát sanh, sinh lòng hoan hỷ theo,... cho đến tự mình hành chánh kiến, dạy người khác hành, thường khen ngợi công đức chánh kiến, và thấy người hành sinh lòng hoan hỷ theo. Đó gọi là thành tựu bốn mươi pháp thì như giáo sắt chỉa lên không, khi thân hoại mạng chung sẽ được sinh lên trên trời.”

Phật nói kinh nay xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 964. PHÁP PHI PHÁP KHỔ [150]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ kheo:

“Có phi pháp, có chánh pháp. Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi giảng nói:

“Thế nào là phi pháp? Là sát sinh,... cho đến tà kiến. Đó gọi là phi pháp.

“Thế nào là chánh pháp? Là không sát sinh,... cho đến chánh kiến.  Đó gọi là chánh pháp.”

Phật nói kinh nay xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 965. PHI LUẬT THÁNH LUẬT [151]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ kheo:

“Có phi luật, có chánh luật. Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi giảng nói:

“Thế nào là phi luật? Là sát sinh,... cho đến tà kiến. Đó gọi là phi luật.

“Thế nào là chánh luật? Là không sát sinh,... cho đến chánh kiến.  Đó gọi là chánh luật.”

Phật nói kinh nay xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Giống như Phi luật và chánh luật; cũng thế Phi Thánh và Thánh, Bất thiện và thiện, Phi thân cận và thân cận, Chẳng lành thay và lành thay, Hắc pháp và bạch pháp, Phi nghĩa và chánh nghĩa, [276a] Pháp kém và pháp hơn, Pháp tội và pháp không tội, Pháp bỏ và pháp không bỏ, tất cả đều nói như trên. [152]

 


 [104] Tương ưng nghiệp báo, gôm các kinh Đại chánh, kinh 1039-1061 (hết nửa quyển sau quyển 47). Quốc dịch, “Tụng vi. Tám chúng; 4. Tương ưng ứng báo.” Ấn Thuận Hội biên, “ Tụng vii. Như lai sở thuyết; 51. Tương ưng Nghiệp báo.”

 [105] Đại chánh, kinh 1039.  Pāli, A. 10. 176. Cunda.

 [106] A. 10. 176: trú tại Pāvā trong rừng xoài của Cunda, con trai người thợ rèn (hay thợ vàng?).

 [107] Thuần-đà trưởng 淳陀長者. Pāli: xem cht. 3 trên.

 [108] Tịnh hạnh 淨行. Pāli: soceyya, sự thanh khiết, thanh tịnh.

 [109] Tì-thấp-ba thiên 毘濕波天. Pāli: Issara (Skt. Iśvara).

 [110] Pāli: brāhmaṇā pacchābhūmakā kamaṇḍalukā sevālamālikā aggiparicārikā udakorohakā soceyyāni paññapenti, những người Bà-la-môn ở phương Tây, mang theo bình nước, đeo vòng hoa huệ, thờ lửa, thường xuyên tắm gội, cử hành các lễ thanh tẩy.

 [111] Bản Nguyên Minh: man 鬘. Bản Cao-ly: phát 髮. Bản Tống: tu 鬚.

 [112] Đại chánh, kinh 1040. Pāli, A. 10. 167. Paccorohaṇī.

 [113] Xả pháp 捨法. Pāli: paccorohaṇī, lễ Đi xuống; một nghi thức cúng tế Lửa của Bà-la-môn.

 [114] Đại chánh, kinh 1041.  Pāli, A. 10. 177. Jāṇussoṇi.

 [115] Phạm chí Sanh Văn 生聞梵志. Pāli: Jāṇussoṇi brāhmaṇo.

 [116] Nhập xứ ngạ quỷ 入處餓鬼. Không rõ lai lịch.

 [117] Đạt-thân 達嚫. Từ phiên âm; Pāli: dakkhiṇā, cũng dịch là cúng vật, thí vật. Phẩm vật cúng dường hay bố thí được cúng cho Tăng sau khi đã thọ trai. Đây chỉ sự thuyết pháp, chú nguyện hay hồi hướng của Tăng đối với vật được cúng dường.

 [118] Đại chánh, kinh 1042.

 [119] Tì-la-ma 鞞羅磨聚落.

 [120] Phi pháp hành非法行, nguy hiểm hành 危嶮行.

 [121] Đại chánh, kinh 1043.

 [122] Đại chánh, kinh 1044. Pāli, S. 55. 7. Veḷudvāreyyā.

 [123] Tì-nữu-đa-la 鞞紐多羅. Pāli: Veḷudvāra, thôn Bà-la-môn thuộc nước Kosala.

 [124] Tự thông pháp 自通之法. Pāli: attupanāyika dhammapariyāya, phấp môn liên hệ đên bản thân (tự ngã); chỉ sự tự tu dưỡng dể được tự lợi ích.

 [125] Đại chánh, knh 1045. Pāli, A. 10. 199. Sevitabbabahupuñña.

 [126] Tương tập cận pháp 相習近法. Pāli: āsevitabbadhamma, cần được thân cận, cần được phục vụ.

 [127].Đại chánh, kinh 1046.   Pāli, A. 10. 205. Saṃsappaniya.

 [128] Xà hành pháp 蛇行法. Pāli: saṃsapanīyadhammapariyā, pháp môn quanh co, bò trườn như rắn bò.

 [129] Đại chánh, kinh 1047. Pāli, A. 10. 206. Mani.

 [130].  Viên châu 圓珠. Pāli:  apaṇṇaka maṇi, viên ngọc ma-ni hoàn hảo.

 [131] Pāli: yena yevena patiṭṭhāti supatiṭṭhitaṃyeva patiṭṭhāti, dừng chỗ nào thì đứng im tại chỗ đó.

 [132] Ác tâm. Pāli: akusalasañcetana, tư duy, ý chí bất thiện; bất thiện tư niệm

 [133] Tứ phương ma ni 四方摩尼; ngọc ma ni có 4 phương: vuông bốn góc? Pāli: apaṇṇaka maṇi?

 [134] Đại chánh, kinh 1048. Pāli, A. 10. 206. Maṇi.

 [135] Đại chánh, kinh 1049. Pāli, A. 10. 174. Hetu.

 [136].Đại chánh, kinh 1050.  Pāli, A. 10. 175. Parikkamma.

 [137] Xuất pháp xuất bất xuất pháp 出法。出不出法. Pāli: saparikkammo... ayaṃ dhammo… nāyaṃ dhammo apparikkammo, pháp này có thoát ly; pháp này không phải không thoát ly.

 [138] Đại chánh, kinh 1051. Pāli, A. 10. 170. Tīra.

 [139].Đại chánh, kinh 1052.   Pāli, A. 10. 191. Saddhamma.

 [140] Ác pháp, chân thật pháp 惡法真實法. Pāli: saddhammañca, asaddhammañca, pháp vi diệu và pháp không vi diệu.

 [141] Đại chánh, kinh 1053. Pāli, A. 4. 207-210. Pāpadhammā.

 [142] Ác pháp ác ác pháp, chân thật pháp chân thật chân thật pháp 惡法惡惡法,真實法真實真實法. Pāli: pāpadhammañca pāpadhammena pāpadhammaarañca; kalyāṇa-dhammañca kalyāṇadhammena kalyāṇadhammatarañca, pháp ác và pháp ác hơn pháp ác; pháp thiện lương và pháp thiện lương hơn pháp thiẹn lương.

 [143] Đại chánh, kinh 1054. Pāli, A. 10. 192. Sappurisadhamma.

 [144] Bất thiện nam tử thiện nam tử 不善男子善男子. Pāli: asappurisadhamma, sappurisa-dhamma, pháp không phải thiện sỹ, pháp thiện sỹ.

 [145] Đại chánh, kinh 1055.  Pāli, A. 4. 201. Sikkhāpada.

 [146].Đại chánh, kinh 1056.   Pāli, A. 10. 210. Dasadhammā.

 [147].Đại chánh, kinh 1057.   Pāli, A. 4. 211. Vīsatidhammā

 [148].Đại chánh, kinh 1058.   Pāli, A. 4. 212. Tiṃsādhammā.

 [149].Đại chánh, kinh 1059.   Pāli,  A. 10. 213. Cattārīsadhammā.

 [150] Đại chánh, kinh 1060.  Pāli,  A. 10. 198. Sacchikātabba.

 [151] Đại chánh, kinh 1061. Pāli, A. 10. Sādhu.

 [152] Bản Hán, hết quyển 37.