36. Tương Ưng Tỳ kheo ni, Kinh 1099-1108

36. TƯƠNG ƯNG TỲ KHEO NI [1]

KINH 1099. A-LẠP-TÌ [2]

 [325c16]Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo-ni A-lạp-tì [3] ở trong tinh xá chúng Tỳ-kheo-ni tại vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm Tỳ-kheo-ni A-lạp-tì choàng y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong, trở về tinh xá, cô cất y bát, rửa chân xong, lấy toạ cụ vắt lên vai phải, vào rừng An-đà [4] toạ thiền.

Khi ấy Ma Ba-tuần nghĩ: “Hôm nay Sa-môn Cù-đàm đang ở nước Xá-vệ, vườn Cấp Cô Độc, có đệ tử là Tỳ-kheo-ni A-lạp-tì, ở trong tinh xá chúng Tỳ-kheo-ni, tại vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm, cô choàng y ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, cô lấy toạ cụ vắt lên vai phải, vào rừng An-đà toạ thiền. Nay ta hãy đến đó làm khó dễ.” Nó liền biến thành thiếu niên tướng mạo xinh đẹp, đi đến chỗ Tỳ-kheo-ni ấy, nói với Tỳ-kheo-ni rằng:

“A-di muốn đi đâu?”

Tỳ-kheo-ni đáp:

 “Hiền giả, tôi đi đến chỗ xa lánh [5].”

Ma Ba-tuần liền nói kệ:

Đời không thể ra khỏi ,

Xa lánh để làm gì?

Trở về hưởng ngũ dục,

Chớ để sau hối tiếc.

Khi ấy Tỳ-kheo-ni A-lạp-tì suy nghĩ: “Người này là ai mà muốn khủng bố ta? Là người hay phi nhân? Hay là người gian giảo?” Cô liền nghĩ đây ắt là Ác ma muốn não loạn ta. Biết rõ rồi, cô liền nói kệ:

Đời có thể ra khỏi,

Ta tự biết sở đắc.

Này ác ma hèn hạ,

Ngươi không biết đạo kia.

Như dao bén tác hại ,

Ngũ dục cũng như vậy.

Như thân bị xẻo thịt,

Khổ thủ uẩn cũng vậy.

Như điều ngươi vừa nói,

Người vui hưởng ngũ dục;

Người đó không thể vui.

Nơi đó đáng sợ hãi.

Lìa tất cả hỷ lạc,

Diệt tất cả tối tăm;

Đã tác chứng diệt tận,

An trụ pháp vô lậu.

Ta biết ngươi ác ma,

Hãy nhanh chóng diệt đi.

Bấy giờ Ma Ba-tuần nghĩ: “Tỳ-kheo-ni A-lạp-tì này đã biết rõ tâm ta.” Rồi buồn bã không vui, nó liền biến mất.

KINH 1100. TÔ-MA [6]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo-ni Tô-ma [7] ở trong tinh xá chúng Tỳ-kheo-ni tại vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm Tỳ-kheo-ni Tô-ma choàng y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, cô lấy toạ cụ vắt lên vai phải, vào rừng An-đà toạ thiền.

Khi ấy Ma Ba-tuần nghĩ: “Hôm nay Sa-môn Cù-đàm đang ở nước Xá-vệ, vườn Cấp Cô Độc, có đệ tử là Tỳ-kheo-ni Tô-ma, ở trong tinh xá chúng Tỳ-kheo-ni, tại vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm cô choàng y ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, cô lấy toạ cụ vắt lên vai phải, vào rừng An-đà toạ thiền. Nay ta nên đến đó làm khó dễ.” Nó liền biến thành thiếu niên tướng mạo xinh đẹp, đi đến chỗ Tỳ-kheo-ni Tô-ma hỏi rằng:

“A-di muốn đi đâu?”

Đáp:

“Hiền giả, tôi muốn đi đến chỗ xa vắng.”

Ma Ba-tuần liền nói kệ:

 [326b] Trú xứ của Tiên nhơn,

Nơi đó khó đến được;

Trí bằng hai ngón tay, [8]

Chẳng  thể đến nơi đó.

Khi ấy, Tỳ-kheo-ni Tô-ma tự nghĩ: “Người này là ai mà muốn khủng bố ta? Là người hay phi nhân? Hay là người gian giảo?” Nghĩ vậy rồi, cô liền biết rõ đây là ác ma muốn nhiễu loạn. Cô liền nói kệ:

Tâm nhập vào chánh thọ,

Thân nữ có làm sao?

Khi trí tuệ phát sinh,

Liền được pháp vô thượng.

Ai với tưởng nam, nữ,

Mà tâm không dứt trừ,

Người đó nói theo ma,

Ngươi đến đó mà  nói.

Lìa thoát  tất cả khổ,

Diệt tất cả tối tăm;

Đã tác chứng diệt tận,

An trụ pháp vô lậu.

Ta biết ngươi ác ma,

Hãy nhanh chóng diệt đi.

Bấy giờ Ma Ba-tuần tự nghĩ: “Tỳ-kheo-ni Tô-ma này đã biết rõ tâm ta.” Rồi buồn bã không vui, nó liền biến mất.

KINH 1101. CÙ-ĐÀM-DI [9]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo-ni Cát-ly-xá Cù-đàm-di [10] ở trong tinh xá chúng Tỳ-kheo-ni. Sáng sớm cô choàng y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, cô lấy toạ cụ vắt lên vai, vào rừng An-đà, kiết già phu toạ, nhập chánh thọ ban ngày, dưới một gốc cây.

Khi ấy Ma Ba-tuần tự nghĩ: “Hôm nay Sa-môn Cù-đàm đang ở nước Xá-vệ, vườn Cấp Cô Độc, có đệ tử là Tỳ-kheo-ni Cát-ly-xá Cù-đàm-di, ở trong tinh xá chúng Tỳ-kheo-ni, tại vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm cô choàng y ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, cô lấy toạ cụ vắt lên vai, vào rừng An-đà kiết già phu tọa nhập chánh thọ ban ngày, dưới một gốc cây. Nay ta hãy đến đó làm khó dễ.” Nó liền hoá thành thiếu niên, dung mạo xinh đẹp, đến chỗ Tỳ-kheo-ni  Cát-ly-xá Cù-đàm-di, nói kệ:

Có phải nàng chôn con,

Mặt buồn rầu khóc lóc?

 [326c]Một mình dưới gốc cây,

Muốn tìm nam tử nào?

Khi ấy Tỳ-kheo-ni Cát-ly-xá tự nghĩ: “Là ai mà muốn khủng bố ta? Là người hay phi nhân? Hay là người gian xảo?” Nghĩ vậy rồi, cô liền biết rõ đây là ác Ma Ba-tuần đến nhiễu loạn ta. Biết là ma rồi, cô liền nói kệ:

Con cái, cùng biên tế, [11]

Tất cả đều mất hết.

Đây biên tế nam tử, [12]

Đã vượt tướng nam tử.

Không não, không lo sầu,

Điều Phật dạy, đã làm;

Lìa tất cả ưu khổc,

Diệt tất cả tối tăm;

Đã tác chứng diệt tận,

An trụ pháp vô lậu.

Ta biết ngươi ác ma,

Hãy nhanh chóng diệt đi.

Bấy giờ Ma Ba-tuần tự nghĩ: “Tỳ-kheo-ni Cát-ly-xá Cù-đàm-di đã biết rõ tâm ta.” Rồi ưu sầu khổ não, nó liền biến mất.

KINH 1102. LIÊN HOA SẮC [13]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo-ni Ưu-bác-la-sắc [14] ở trong tinh xá  chúng Tỳ-kheo-ni tại vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm co choàng y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, co lấy toạ cụ vắt lên vai, vào rừng An-đà ngồi dưới một gốc cây, nhập chánh thọ ban ngày.

Khi ấy Ma Ba-tuần tự nghĩ: “Hôm nay Sa-môn Cù-đàm đang ở nước Xá-vệ, vườn Cấp Cô Độc, có đệ tử là Tỳ-kheo-ni Ưu-bác-la-sắc, ở trong tinh xá chúng Tỳ-kheo-ni, tại vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm  cô choàng y ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, cô lấy toạ cụ vắt lên vai vào rừng An-đà, ngồi dưới một gốc cây, nhập chánh thọ ban ngày. Nay ta hãy đến đó làm khó dễ.” Nó liền hoá thành thiếu niên, dung mạo xinh đẹp, đến chỗ Tỳ-kheo-ni Ưu-bác-la-sắc, nói kệ:

Cây sa-la [15]  hoa đẹp ,

Nương nghỉ dưới bóng cây;

Một mình không bè bạn,

Không sợ người khác sao?

Khi ấy Tỳ-kheo-ni Ưu-bát-la-sắc tự nghĩ: “Đây là những người nào mà muốn khủng bố ta? Là người hay phi nhân? Hay là người gian xảo?” Suy nghĩ như vậy, [327a] liền biết rõ đây ắt là ác ma, muốn nhiễu loạn ta chăng? Cô liền nói kệ:

Giả sử có trăm nghìn,

Đều là người gian xảo;

Như ác ma các người,

Có đi đến chỗ tôi.

Cũng không động lông tóc,

Không sợ ngươi, ác ma.

Ma lại nói kệ:

Nay ta vào bụng cô,

Sẽ ở trong nội tạng.

Hoặc giữa hai lông mày,

Cô không thể thấy ta.

Lúc ấy, Tỳ-kheo-ni Ưu-bát-la-sắc lại nói kệ:

Tâm tôi có sức lớn, [16]

Khéo tu tập thần thông;

Đã cắ đứt giây trói,

Không sợ ngươi, ác ma.

Ta nhổ ba gốc bẩn [17],

Gốc rễ của kinh sợ;

Trụ vững đất an ổn,

Không hề sợ quân ma.

Lìa tất cả ái hỷ,

Diệt tất cả tối tăm;

Đã tác chứng diệt tận,

An trụ pháp vô lậu.

Ta biết ngươi ác ma,

Hãy nhanh chóng diệt đi.

Bấy giờ Ma Ba-tuần tự nghĩ: “Tỳ-kheo-ni Ưu-bát-la-sắc đã biết rõ tâm ta.” Rồi trong lòng ưu sầu, nó liền biến mất.

KINH 1103. THI-LA [18]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo-ni Thi-la [19] ở tại tinh xá  với chúng Tỳ-kheo-ni trong vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm Tỳ-kheo-ni choàng y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, cô lấy toạ cụ vắt lên vai, vào rừng An-đà, ngồi dưới một gốc cây, nhập chánh thọ ban ngày.

Khi ấy Ma Ba-tuần tự nghĩ: “Hôm nay Sa-môn Cù-đàm đang ở nước Xá-vệ, vườn Cấp Cô Độc, có đệ tử là Tỳ-kheo-ni Thi-la, ở tại tinh xá với chúng Tỳ-kheo-ni, trong vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm cô choàng y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực, Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, cô lấy toạ cụ vắt lên vai, vào rừng An-đà, ngồi dưới một gốc cây, nhập chánh thọ ban ngày. Nay ta nên đến đó gây chướng nạn.” Nó liền biến thành thiếu niên, dung mạo xinh đẹp, [327b]đến trước Tỳ-kheo-ni Thi-la, nói kệ:

Chúng sanh sanh thế nào?

Ai là người tạo nó?

Chúng sanh khởi chỗ nào?

Và rồi đi về đâu?

Khi ấy Tỳ-kheo-ni Thi-la tự nghĩ: “Đây là người nào mà muốn khủng bố ta? Là người hay không phải người? Là người gian xảo?” Nghĩ vậy rồi, cô liền biết rõ đó là ác ma muốn gây chướng nạn. Cô liền nói kệ:

Ngươi bảo có chúng sanh,

Đó là thấy của Ma.

Chỉ có uẩn trống rỗng,

Không có ai chúng sanh.

Nhiều thanh gỗ hợp lại,

Đời gọi nó là xe;

Các uẩn do duyên hợp,

Tạm gọi là chúng sanh.

Sinh này là khổ sinh,

Trụ cũng là khổ trụ;

Không pháp nào sinh khổ,

Khổ sinh, khổ tự diệt.

Xả tất cả ưu khổ,

Diệt tất cả tối tăm;

Đã tác chứng diệt tận,

An trụ pháp vô lậu.

Ta biết ngươi ác ma,

Hãy nhanh chóng diệt đi.

Bấy giờ, Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Tỳ-kheo-ni Thi-la đã biết rõ tâm ta.’ Trong lòng ưu sầu, nó liền biến mất.

KINH 1104. TÌ-LA [20]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo-ni Tì-la [21] ở tại tinh xá với chúng Tỳ-kheo-ni trong vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm cô choàng y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực; Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, cô lấy toạ cụ vắt lên vai, vào rừng An-đà, ngồi dưới một gốc cây, nhập chánh tọ ban ngày.

Khi ấy Ma Ba-tuần tự nghĩ: “Hôm nay Sa-môn Cù-đàm đang ở nước Xá-vệ, vườn Cấp Cô Độc, có đệ tử là Tỳ-kheo-ni Tỳ-la, ở tại tinh xá với chúng Tỳ-kheo-ni, trong vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm cô choàng y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực, Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, cô lấy toạ cụ vắt lên vai, vào rừng An-đà, ngồi dưới một gốc cây, nhập chánh thọ ban ngày. Nay ta nên đến đó gây chướng nạn.” Nó liền hoá thành thiếu niên, dung mạo xinh đẹp, đến chỗ Tỳ-kheo-ni  Tỳ-la, nói kệ:

Làm sao tạo hình [22] này?

Ai là người tạo nó?

Hình này từ đâu đến?

Hình này đi về đâu?

Khi ấy Tỳ-kheo-ni Tỳ-la tự nghĩ: “Đây là người nào mà muốn khủng bố ta? Là người hay không phải người? Hay là người gian xảo?” Nghĩ như vậy, cô liền biết rõ ác Ma Ba-tuần muốn làm nhiễu loạn. Cô liền nói kệ:

Hình này không tự tạo,

Cũng không người khác tạo.

Nhân duyên hợp mà sinh,

Duyên tan tức biến diệt.

Như đời gieo hạt giống,

Nhờ đất đai mà sinh.

Đủ đất, nước, lửa, gió,

Uẩn,  giới, xứ cũng thế,

Nhân duyên hoà hợp sinh.

Duyên tan thì biến diệt.

Xả tất cả ưu khổ,

Diệt tất cả tối tăm;

Đã tác chứng diệt tận,

An trụ pháp vô lậu.

Ta biết ngươi ác ma,

Hãy nhanh chóng diệt đi.

Bấy giờ Ma Ba-tuần tự nghĩ: “Tỳ-kheo-ni Tỳ-la đã biết rõ tâm ta.” Trong lòng ưu sầu, nó liền biến mất.

KINH 1105. TÌ-XÀ-DA [23]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo-ni Tì-xà-da [24] ở tại tinh xá với chúng Tỳ-kheo-ni trong vườn vua nước Xá-vê. Sáng sớm côchoàng y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực; Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, cô lấy toạ cụ vắt lên vai, vào rừng An-đà, ngồi dưới một gốc cây, nhập chánh thọ ban ngày.

Khi ấy Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Hôm nay Sa-môn Cù-đàm đang ở nước Xá-vệ, vườn Cấp Cô Độc, có đệ tử là Tỳ-kheo-ni Tỳ-xà-da, ở tại tinh xá với chúng Tỳ-kheo-ni, trong vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm cô choàng y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực, Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, cô lấy toạ cụ vắt lên vai, vào rừng An-đà, ngồi dưới một gốc cây, nhập chánh thọ ban ngày. Nay ta nên đến đó gây chướng nạn.’ Liền hoá thành thiếu niên, dung mạo xinh đẹp, đến trước cô,  nói kệ:

Nay cô còn tuổi  trẻ,

Tôi cũng còn trẻ tuổi.

Nơi này, cùng chung vui,

Tấu năm thứ âm nhạc,

 [328a]Để cùng nhau vui hưởng,

Thiền tư để làm gì?

Khi ấy, Tỳ-kheo-ni Tì-xà-da tự nghĩ: ‘Đây là những người nào mà muốn khủng bố ta? Là người hay không phải người? Hay là người gian xảo? Nghĩ vậy rồi, cô biết rõ đây là ác Ma Ba-tuần muốn nhiễu loạn, liền nói kệ:

Ca múa, các nghệ thuât,

Các thứ cùng vui chơi;

Nay đều cho ngươi hết,

Ta chẳng cần đến chúng.

Với chánh thọ tịch diệt,

Thì ngũ dục Trời, Người;

Tất cả đều cho ngươi,

Ta cũng không cần chúng. [25]

Xả tất cả hỷ lạc,

Diệt tất cả tối tăm;

Đã tác chứng diệt tận,

An trụ pháp vô lậu.

Ta biết ngươi ác ma,

Hãy nhanh chóng diệt đi.

Bấy giờ Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Tỳ-kheo-ni Tỳ-xà-da đã biết rõ tâm ta.’ Trong lòng ưu sầu, nó liền biến mất.

KINH 1106. GIÁ-LA [26]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo-ni Giá-la [27] ở tại tinh xá với chúng Tỳ-kheo-ni trong vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm cô choàng y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực; Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, cô lấy toạ cụ vắt lên vai, vào rừng An-đà, ngồi dưới một gốc cây, nhập chánh thọ ban ngày.

Khi ấy Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Hôm nay Sa-môn Cù-đàm đang ở nước Xá-vệ, vườn Cấp Cô Độc, có đệ tử là Tỳ-kheo-ni Giá-la, ở tại tinh xá với chúng Tỳ-kheo-ni, trong vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm cô choàng y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực, Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, cô lấy toạ cụ vắt lên vai vào rừng An-đà, ngồi dưới một gốc cây, nhập chánh thọ ban ngày. Nay ta nên đến đó gây chướng nạn.’ Nó liền hoá thành thiếu niên, dung mạo xinh đẹp, đến trước Tỳ-kheo-ni Giá-la, nói kệ:

Biết thọ sanh là vui, [28]

Sanh hưởng thụ ngũ dục.

Ai đã truyền dạy cô,

Khiến chán lìa thọ sinh?

Khi ấy Tỳ-kheo-ni Giá-la tự  nghĩ: ‘Đây là người nào mà muốn khủng bố ta? [328b] Là người hay không phải người? Hay là người gian xảo, mà đến đây muốn nhiễu loạn. Cô liền nói kệ:

Có sinh ắt có chết,

Sinh thì chịu các khổ:

Roi vọt, các khổ não,

Duyên sinh có tất cả.

Hãy đoạn tất cả khổ,

Siêu việt hết thay sinh;

Tuệ nhãn quán Thánh đế,

Những gì Mâu-ni nói:

Khổ khổ và khổ tập,

Diệt tận lìa các khổ;

Tu tập tám Thánh đạo,

An ổn đến Niết-bàn.

Pháp Đại sư bình đẳng, 

Tôi hâm mộ pháp này;

Vì tôi biết pháp này,

Không thích thọ sinh nữa.

Xả tất cả ái hỷ,

Diệt tất cả tối tăm;

Đã tác chứng diệt tận,

An trụ pháp vô lậu.

Ta biết ngươi ác ma,

Hãy nhanh chóng diệt đi.

Bấy giờ Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Tỳ-kheo-ni Giá-la đã biết rõ tâm ta.’ Trong lòng ưu sầu, nó liền biến mất.

KINH 1107. ƯU-BA-GIÁ-LA [29]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo-ni Ưu-ba-giá-la [30] ở tại tinh xá với chúng Tỳ-kheo-ni trong vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm cô choàng y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực; Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, cô lấy toạ cụ vắt lên vai, vào rừng An-đà, ngồi dưới một gốc cây, nhập chánh thọ ban ngày.

Khi ấy Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Hôm nay Sa-môn Cù-đàm đang ở nước Xá-vệ, vườn Cấp Cô Độc, có đệ tử là Tỳ-kheo-ni Ưu-ba-giá-la, ở tại tinh xá với chúng Tỳ-kheo-ni, trong vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm cô choàng y ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực, Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, cô lấy toạ cụ vắt lên vai vào rừng An-đà, ngồi dưới một gốc cây, nhập chánh thọ ban ngày. Nay ta hãy đến đó gây chướng nạn.’ Nó liền hoá thành thiếu niên, dung mạo xinh đẹp, đến chỗ Tỳ-kheo-ni Ưu-ba-giá-la, nói kệ:

Trên cõi  Tam Thập Tam,

Diệm-ma, Đâu-suất-đà;

 [328c]Hoá lạc, Tha tự tại,

Hãy nguyện sinh về đó.

Khi ấy Tỳ-kheo-ni Ưu-ba-giá-la tự nghĩ: “Đây là những người nào mà muốn khủng bố ta? Là người hay không phải người? Hay là người gian xảo?” tự nghĩ đã biết rõ đây ắt là ác ma muốn nhiễu loạn, liền nói kệ:

Trên cõi Tam Thập Tam,

Diệm-ma, Đâu-suất-đà;

Hoá lạc, Tha tự tại,

Trên các cõi trời ấy.

Không lìa hành hữu vi, [31]

Nên bị Ma khống chế.

Tất cả các thế gian,

Đều là tụ các hành.

Tất cả các thế gian,

Đều là pháp dao động;

Tất cả các thế gian,

Lửa khổ thường cháy mạnh.

Tất cả các thế gian,

Đều khởi dậy khói bụi.

Không động cũng không lay;

Không tập cận phàm phu;

Không rơi vào đường ma;

Ở nơi đó an vui.

Xả tất cả ưu khổ,

Diệt tất cả tối tăm;

Đã tác chứng diệt tận,

An trụ pháp vô lậu.

Ta biết ngươi ác ma,

Hãy nhanh chóng diệt đi.

Bấy giờ Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Tỳ-kheo-ni Ưu-ba-giá-la đã biết rõ tâm ta.’ Trong lòng ưu ssàu, nó liền biến mất.

KINH1108. THI-LỊ-SA-GIÁ-LA [32]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo-ni Thi-lợi-sa-giá-la [33] ở tại tinh xá với chúng Tỳ-kheo-ni trong vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm cô choàng y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực; Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, cô lấy toạ cụ vắt lên vai, vào rừng An-đà ngồi dưới một gốc cây, nhập chánh thọ ban ngày.

Khi ấy Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Hôm nay Sa-môn Cù-đàm đang ở nước Xá-vệ, vườn Cấp Cô Độc, có đệ tử là Tỳ-kheo-ni Thi-lợi-sa-giá-la , ở tại tinh xá với chúng Tỳ-kheo-ni, trong vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm cô choàng y ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực, Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, cô lấy toạ cụ vắt lên vai, vào rừng An-đà ngồi dưới một gốc cây, nhập chánh thọ ban ngày. Nay ta nên đến đó gây chướng nạn.’ Nó liền hoá thành [329a] thiếu niên, dung mạo xinh đẹp, đến chỗ Tỳ-kheo-ni  Thi-lợi-sa-giá-la, nói rằng:

“A-di! Cô thích đạo giáo [34] nào?”

Tỳ-kheo-ni đáp:

“Tôi không thích bất cứ đạo giáo nào.”

Lúc ấy, Ma Ba-tuần liền nói kệ:

Cô theo lời ai dạy,

Cạo tóc làm Sa-môn,

Mình khóac y ca-sa,

Mang hình tướng xuất gia;

Lại không thích đạo nào,

Mà sống ôm ngu si?

Khi ấy Tỳ-kheo-ni Thi-lợi-sa-giá-la tự nghĩ: ‘Đây là người nào mà muốn khủng bố ta? Là người hay không phải người? Hay là người gian xảo? Nghĩ vậy rồi, cô tự biết rõ là ác Ma Ba-tuần muốn làm nhiễu loạn, liền nói kệ:

Các đạo ngoài  Pháp này ,

Bị trói bới kiến chấp.

Bị các kiến trói rồi,

Thường bị ma khống chế.

Thác sinh nhà họ Thích,

Đấng Đại Sư vô tỉ,

Dẹp trừ các ma oán,

Không bị chúng chế phục.

Thanh tịnh thoát tất cả,

Đạo nhãn quan sát khắp;

Trí nhất thiết biết rõ,

Tối thắng lìa các lậu.

Đó la Thẩy của ta.

Ta chỉ mộ pháp Ngài.

Ta vào pháp Ngài rồi,

Được viễn ly, tịch diệt.

Xả tất cả ái hỷ,

Diệt tất cả tối tăm;

Đã tác chứng diệt tận,

An trụ pháp vô lậu.

Ta biết ngươi ác ma,

Hãy nhanh chóng diệt đi.

Bấy giờ Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Tỳ-kheo-ni Thi-lợi-sa-giá-la đã biết rõ tâm ta.’ Trong lòng ưu sầu, nó liền biến mất.


 [1] Tương ưng Tỳ-kheo-ni, gồm các kinh Đại chánh, 1198-1207 (phần đầu quyển 45). Quốc dịch, quyển 39, ‘ Tụng vii. Kê. 7. Tương ưng Tỳ kheo no.’ Ấn Thuận Hội biên, ‘ Tụng viii. Tám chúng. 23. Tương ưng Tỳ kheo ni,’ 10 kinh: 1298-1307. Phật quang, quyển 45. Tương đương Pāli, S. Bhikkhunīsaṃyutta.

 [2] Đại chánh, quyển 45, kinh 1198. Pāli, S. 5. 1. Āḷavikā. Cf. Theri 57-59. Biệt dịch, No 100(214).

 [3]  A-lạp-tỳ 阿臈毘. No 100@14):Khoáng Dã 曠野. Pāli: Āḷavikā bhikkhunī.

 [4] An-đà 安陀林. Pāli: Andhavana.

 [5] Nguêyn Hán: viễn ly xứ 遠離處, chỗ thanh vắng, vắng vẻ không người. No 100(214): nhàn tĩnh xứ 閑靜處. Pāli: viveka.

 [6] Đại chánh, kinh 1199. Pāli, S. 5. 2. Somā. Cf. Theri 60-62. Biệt dịch, No 100(215).

 [7] Tô-ma  蘇摩比丘尼. Pāli: Somā bhikkhunī.

 [8] Nhị chủ trí 二指智. Pāli: dvaṅgulapaññā, trí tuệ bằng hai ngón tay. Chỉ trí tuệ người nữ. SA. i. 190: yasmā vā dvīhi aṅgulehi kappāsavaṭṭiṃ gahetvā suttaṃ kantati, ‘ Bởi vì (người nữ) dùng hai ngón tay nắm mép vải rồi khâu chỉ.’

 [9] Đại chánh, kinh 1200. Pāli, S. 5. 3. Gotamī. Biệt dịch, No 100(216).

 [10] Cát-li-xá Cù-đàm-di 吉離舍瞿曇彌. No 100(216): Súy-xá Kiêu-đàm-di 翅舍憍 曇彌. Pāli: Kisāgotamī.

 [11] Pāli: accanta, tận cùng, không còn gì nữa. Bản Hán hiểu là ananta: không biên tế.

 [12] Hán sát nghĩa đen Pāli:  purisā etad antikā, ‘ Những người đàn ông, đã chấm dứt (đã tận cùng).’

 [13] Đại chánh, kinh 1201. Pāli, S. 5. 5. Upalavaṇṇā. Cf. Theri. 230-233. Biệt dịch, No 100(217).

 [14] Ưu-bác-la-sắc 優缽羅色; Hán thường được biết qua tên Liên Hoa Sắc 蓮華色. Pāli: Upalavaṇṇā.

 [15] Nguyên bản: kiên cố thọ 堅固樹; cậy sa-la (sāla); nhưng bản Hán đọc là sara: kiên cố. No 100(217): sa-la thọ 娑羅樹.

 [16] No 100(217): “Tâm ta đã tự tại.”

 [17] Tam cấu (căn) 三垢根, chỉ tham, sân si.

 [18] Đại chánh, kinh 1202. Pāli, S. 5. 10. Vajirā. Biệt dịch, No 100(218).

 [19] Thi-la 尸羅比丘尼. No 100(218): Thạch Thất Tỳ-kheo-ni 石室比丘尼. Pāli:có lẽ là Selā trong S. 5. 9.

 [20] Đại chánh, kinh 1203. Pāli, S. 5. 9. Selā. Biệt dịch, No 100(219).

 [21] Tỳ-la 毘羅比丘尼. No 100(219): Tỉ-dung 鼻<gaiji cb='CB2681' des=' [口*(利/(企-止+小))]' mojikyo='M072332' mofont='Mojikyo M113' mochar='7A43'>穃. Pāli: có lẽ là Vajirā trong S. 5. 10.

 [22] Hán: hình 形. Pāli: bimba, hình bóng, ảnh tượng.

 [23] Đại chánh, kinh1204. Pāli, S. 5. 4. Vijayā. Cf. Theri. 139-140. Biệt dịch, No 100(220).

 [24] Tỳ-xà-da 毘闍耶比丘尼, Pāli: Vijayā bhikkhunī.

 [25] Cf. Pāli: ye ca rūpūgatā sattā, ye ca arūpaṭṭhāyino; yā ca santā samāpatti, sabbattha vihato tamo’ ti, ‘ Chúng sinh sinh sắc giới; chúng sinh hành vô sắc; và chánh thọ tịch tĩnh; ở tất cả nơi ấy, bông tối bị tiêu diệt.’

 [26] Đại chánh, kinh 1205. Pāli, S. 5. 6. Cālā. Biệt dịch, No 100(221).

 [27] Giá-la 遮羅比丘尼. No 100(221): Chiết-la 折羅. Pāli:Cālā bhikkhunī.

 [28] Giác thọ sinh vi lạc 覺受生為樂. Bản Pāli: kiṃ nu jātiṃ na rocesi, ‘ Sao cô không thích sự thọ sinh?’

 [29] Đại chánh, kinh 1206. Pāli, S. 5. 7. Upacālā. Cf. Their. 197-198, 200-201. Biệt dịch, No 100(222).

 [30] Ưu-ba-giá-la 優波遮羅. No 100(223): Ưu-ba-chết-la 優波折羅. Pāli: Upacālā bhikkhunī.

 [31] Bản Pāli: kāmabandhanabaddhā te, ‘ chúng bị trói bởi sợi dây ái dục.’

 [32] Đại chánh, kinh 1027. Pāli, S. 5. 8. Sīsupacālā. Biệt dịch, No 100(223).

 [33] Thi-lợi-sa-giá-la 尸利沙遮羅. No 100(223): Động Đầu 動頭. Pāli: Sīsupacālā bhikkhunī.

 [34] Pāli: pāsaṇḍa, đạo giáo, giáo phái. Đây chỉ các giáo phái ngoài Phât giáo.