27. Tương Ưng thí dụ, Kinh 906-924

27. TƯƠNG ƯNG THÍ DỤ [1]

KINH 906. LUYỆN KIM [2]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trú xứ Kim Sư, tại thành Vương Xá. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ kheo:

“Như người luyện vàng, gom đất cát lại bỏ vào máng; sau đó dùng nước dội lên. Những thứ quặng thô, tạp uế, và các thứ đá vụn [3], đất rắn theo nước trôi đi, còn lại những hạt cát thô liên kết dính chặt vào nhau. Lại dùng nước dội vào những hạt cát thô ấy, chúng theo nước chảy ra. Sau đó mới có vàng sống, [4] nhưng vẫn còn lại những thứ cát mịn [341c] bị đất đen kết dính. Lại dùng nước dội lên những hạt cát mịn, đất đen trên đó theo nước nó trôi đi. Sau đó mới có vàng nguyên [5], nhưng vẫn còn lại những thứ lợn cợn nhơ tợ vàng. Tiếp đó, người thợ vàng đem nó bỏ vào lò, quạt lò tăng  lửa, cho nó tan ra nước, loại bỏ hết cáu bẩn, nhưng chất vàng sống vẫn còn giữ nguyên, vẫn chưa nhẹ, chưa mềm, chưa trở thành bóng loáng, gấp lại kéo ra còn bị gãy. Người luyện vàng hay người đệ tử luyện vàng lại bỏ nó vào lò, quạt lò cho thêm lửa; lúc này mới thật là lúc chuyển luyện thành vàng. Vàng lúc này đã nhẹ, mềm, trở thành bóng loáng, dồn lại kéo ra không bị gãy, tuỳ theo ý muốn, làm các loại đồ trang sức như cà rá, bông tai, vòng xuyến.

“Tỳ-kheo tiến hướng đến tịnh tâm cũng như vậy. Phiền não triền phược thô, nghiệp ác bất thiện, các tà kiến ác dần dần sẽ bị loại bỏ; như đãi vàng sống kia phải loại bỏ đi những khối đất đá rắn.

“Lại nữa, Tỳ-kheo hướng đến  tịnh tâm tiếp tục từ bỏ những cấu thô của tầm tư dục, tầm tư nhuế, tầm tư hại; [6] như vàng sống được loại bỏ những hạt cát thô.

“Lại nữa, Tỳ-kheo hướng đến tâm thanh tịnh tiếp tục loại bỏ những cấu vi tế của tầm về thân thích, tầm tư nhân chúng, tầm tư về sanh thiên; [7] cần phải tư duy loại trừ chúng như vàng sông được loại bỏ đi bụi bẩn cát mịn và đất đen.

“Lại nữa, Tỳ-kheo hướng đến tịnh tâm ngay đến có tầm tư về thiện pháp cũng phải tư duy để trừ diệt hết, cho tâm thanh tịnh; giống như vàng sống được loại bỏ đi những thứ cợn bẩn giống như màu vàng để nó trở thành vàng ròng.

“Lại nữa, Tỳ-kheo còn phải thực hành, đối với các tam-muội còn cần phải hành, cần phải hộ trì, [8] cũng giống như ao nước có bờ giữ chung quanh. Pháp còn cần phải hộ trì nên không được tịch tĩnh thắng diệu, không được an tịnh, dứt sạch các hữu lậu. Cũng như thầy trò thợ vàng lọc luyện vàng sống, loại bỏ những quặng bẩn, nhưng chưa nhẹ, chưa mềm, chưa trở thành bóng loáng, uốn lại kéo ra bị gãy, không thể làm đồ trang sức theo ý muốn được.

“Lại nữa Tỳ-kheo khi đã đắc các tam-muội không còn có sự hành trì nắm giữ, được tịch tĩnh thắng diệu, được đạo an tịnh, nhất tâm nhất ý, dứt sạch các hữu lậu. Cũng như thầy trò thợ vàng luyện lọc sanh kimvàng sống cho đến khi nó nhẹ, mềm, bóng loáng, tuỳ ý uốn vào kéo ra.

“Lại nữa Tỳ kheo, lìa các tầm tứ cho đến đắc đệ nhị, đệ tam, đệ tứ thiền, như vậy là chánh định thuần nhất thanh tịnh, lìa các phiền não, chơn thật nhu nhuyến, bất động đối với chúng. Muốn cầu tác chứng nhập xứ kia, đều có thể được tác chứng. Cũng như thợ vàng, luyện lọc vàng sống đến mức nhẹ, mềm, bóng loáng, không gãy, muốn làm đồ gì tuỳ theo ý muốn. Cũng vậy Tỳ-kheo trụ vào tam-muội chánh định, … cho đến đối  với các nhập xứ, [342a] đều có thể tác chứng được.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 907. LUYỆN KIM (2) [9]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Trúc, Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Phải nên chuyên tâm phương tiện tuỳ lúc tư duy về ba tướng. Những gì là ba? Tuỳ thời tư duy về tướng chỉ, tuỳ thời tư duy về tướng cử, tuỳ thời tư duy vế tướng xả. [10] Nếu Tỳ-kheo chỉ tư duy về tướng chỉ không thôi, thì đở nơi đó, tâm mình thành hạ liệt. Nếu chỉ tư duy về tướng cử không thôi, thì ở nơi đó, tâm trạo loạn khởi lên. Nếu chỉ tư duy về tướng xả không thôi, thì ở đó không được chánh định, vàdứy sạch các hữu lậu. Tỳ-kheo kia tuỳ thời tư duy tướng chỉ, tuỳ thời tư duy tướng cử, tuỳ thời tư duy tướng xả, nên tâm được chánh định, dứt sạch các hữu lậu. Như thầy trò thợ vàng, lấy vàng sống bỏ vào trong lò rồi cho tăng lửa, tuỳ lúc nào quạt lò, tuỳ lúc nào dội nước, tuỳ lúc nào ngưng cả hai. Nếu chỉ quạt lò không thôi,vàng sống nơi này sẽ bị cháy khô. Nếu chỉ dội nước không thôi, vàng sống nơi này sẽ cứng. Hoặc ngưng cả hai, vàng sống nơi này không thuần thục, không thể dùng được. Cho nên thầy trò thợ vàng khéo tay, đối với vàng sống kia tuỳ thời quạt lò, tuỳ thời dội nước, tuỳ thời ngưng cả hai, thì vàng sống như vậy mới thích nghi được, và theo việc mà sử dụng. Cũng vậy Tỳ-kheo chuyên tâm phương tiện lúc nào cũng tư duy nhớ nghĩ về ba tướng, … cho đến lậu tận.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 908. MỤC NGƯU GIẢ [11]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Trúc, Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Vào thời quá khứ, tại nước Ma-kiệt-đề có người chăn bò ngu si không có trí tuệ. Cuối hạ đầu thu, không chịu xem xét kỹ nước sông Hằng bờ này, cũng không chịu xem xét kỹ nước sông Hằng bờ kia,  mà lùa bầy bò xuống bờ cao, lên bờ cao, giữa dòng nước chảy xoáy phát sinh nhiều tai nạn.

“Này các Tỳ-kheo, vào thời quá khứ, tại nước Ma-kiệt-đề có người chănbò, không ngu, không si, có phương tiện trí tuệ. Cuối hạ đầu thu có thể xem xét kỹ nước sông Hằng bờ này, xem xét kỹ nước sông Hằng bờ kia, khéo lùa bầy bò đến [342b] hang núi rộng bằng, nơi cỏ tươi, nước sạch. Khi bắt đầu đưa bò đi, trước tiên lùa những con bò lớn đầu đàn để chận bớt dòng nước đang chảy xiết kia. Tiếp đến lần thứ hai, lùa những con bò tơ sung sức theo sau. Sau cùng lần thứ ba, lùa những con bò nhỏ gầy yếu theo phía dưới dòng nước. Tất cả đều theo thứ lớp qua an sông, ổn qua hết được. Những con trâu nghé mới sinh, còn quyến luyến mẹ chúng, cũng theo sau mẹ qua được bờ kia.

“Cũng vậy, Tỳ-kheo, Ta nói thí dụ này, nên hiểu nghĩa của nó. Người chăn bò ngu si vô trí ở nước Ma-kiệt-đề kia, chúng là những lục sư ngoại đạo Phú-lan-na Ca-diếp, và những người khác, cũng lại như vậy. Họ huân tập những tà kiến, hướng đến đường tà, như người chăn bò ngu si vô trí kia, cuối hạ đầu thu không xem xét kỹ bờ bên này bờ bên kia, núi cao hiểm trở, xuống từ bờ cao, lên bờ cao, giữa dòng nước chảy xoáy phát sinh nhiều tai nạn. Cũng vậy các lục sư ngoại đạo Phú-lan-na Ca-diếp v.v… ngu si, vô trí, không biết xem xét bờ này, là chỉ cho đời này; không biết xem xét bờ kia, là chỉ cho đời khác; giữa dòng nước chảy xoáy, là chỉ cho các ma cảnh tự gặp những khổ nạn. Những người tà kiến kia, những gì họ đã huân tập, cũng sẽ gặp khổ nạn.

“Người khéo chăn bò nước Ma-kiệt-đề kia không ngu, không si, có phương tiện trí tuệ là chỉ cho Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác. Giống như người chăn bò xem xét kỹ bờ này, xem xét kỹ bờ kia, khéo lùa bò đến hang núi rộng bằng. Trước tiên lùa những con bò lớn đầu đàn để chận ngang dòng nước đang chảy xiết, an ổn qua bờ kia. Cũng vậy, hàng Thanh văn của Ta có thể trừ hết các lậu,… cho đến tự biết không còn tái sinh, cắt ngang dòng ác ma tham dục thế gian, được an ổn qua sinh tử, đến bờ kia.

“Cũng như người khéo chăn bò nước Ma-kiệt-đề, kế đến, thứ hai lùa những con bò tơ sung sức, cắt ngang dòng nước mà qua. Cũng vậy các hàng Thanh văn của Ta đoạn tận năm hạ phần kết sử, được A-na-hàm, không thọ sanh trở lại cõi này nữa; lại cũng cắt đứt dòng tham dục ác ma, được an ổn qua sinh tử, đến bờ kia.

“Cũng như người khéo chăn bò nước Ma-kiệt-đề, tiếp đến lần thứ ba, lùa bầy bò nhỏ yếu theo phía dưới dòng,  để được qua an ổn. Cũng vậy hàng Thanh văn của Ta đã đoạn ba kết; tham, sân, si mỏng, được Tư-đà-hàm, tái sinh cõi này một lần, rốt ráo hết khổ, cắt ngang dòng ác ma tham dục kia, được an ổn qua sinh tử, đến bờ kia.

“Cũng như người khéo chăn bò nước Ma-kiệt-đề, những con nghé mới sinh, quyến luyến mẹ chúng cũng lùa theo được. Cũng vậy hàng Thanh văn của Ta đã đoạn ba kết, đắc Tu-đà-hoàn, không rơi vào đường dữ, nhất định hướng thẳng đến Chánh giác, bảy lần qua lại trời người rốt ráo hết khổ, cắt đứt dòng ác ma tham dục, được an ổn qua sinh tử, đến bờ kia.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Đời này và đời khác,

Khéo hiển hiện minh trí;

Các ma được, chưa được,

Cho đến đối ma chết.

Tất cả đều biết cả,

Trí Phật Đẳng chánh giác;

Cắt đứt các dòng ma,

Phá hoại khiến tiêu mất.

Khai mở cửa cam lộ,

Hiển hiện đạo chánh chơn;

Tâm luôn luôn vui vẻ,

Mau được nơi an ổn.

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 909. MỤC NGƯU (2) [12]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Người chăn bò nếu có đủ mười một điều thì sẽ không thể làm cho bò tăng trưởng, cũng không thể giúp cho bầy bò lớn được an ổn. Những gì là mười một? Không biết sắc; không biết tướng; không biết trừ trùng; không băng giữ vết thương; không un khói; không biết đường chánh; không biết chỗ nghỉ; không biết chỗ qua; không biết chỗ cho ăn; vắt hết sữa của nó; không biết lo liệu để lãnh đàn. Đó gọi là người có đủ mười một điều thì không thể bảo vệ đàn bò lớn. Cũng vậy, Tỳ-kheo, ai có đủ mười một điều thì không thể tự mình an ổn, cũng không thể an ổn cho người khác. Những gì là mười một điều? Không biết sắc; không biết tướng; không thể trừ trùng hại; không băng vết thương; không thể un khói; không biết chánh đạo; không biết chỗ nghỉ; không biết chỗ qua; không biết chỗ cho ăn; vắt hết sữa nó; đối với các Thượng toạ đa văn kỳ cựu, tu phạm hạnh lâu, được Đại sư khen ngợi; không hướng đến các bậc minh trí tu phạm hạnh, khen ngợi đức độ kia, khiến tất cả tôn kính, phụng sự, cúng dường.

“Thế nào là không biết sắc? Không biết như thật về những gì là sắc, như tất cả tứ đại kia và tứ đại tạo. Đó gọi là không biết sắc.

“Thế nào gọi là không biết tướng? Không biết như thật về sự nghiệp nào là tướng lỗi, sự nghiệp nào là tướng tuệ. [13] Đó gọi là không biết tướng.

“Thế nào gọi là không biết trừ trùng? Đối với những gì là dục tầm đã khởi, an tâm không xa lìa, không giác sát, không trừ diệt; đối với những gì là sân nhuế tầm, hại tầm đã khởi, [343a] an tâm không xa lìa, không giác sát, không trừ diệt. Đó gọi là không biết trừ trùng.

“Thế nào là không băng vết thương? Mắt thấy sắc, theo đó chấp vào hình tướng, không giữ gìn mắt đối với tham ái thế gian, pháp ác bất thiện; tâm theo đó sinh phiền não không thể phòng hộ. Tai mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Đó gọi là không băng vết thương.

“Thế nào là không un khói?  Như những pháp đã nghe, như những pháp đã thọ, không thể vì người phân biệt, chỉ rõ. Đó gọi là không un khói.

“Thế nào là không biết đường chánh? Tám chi Thánh đạo và pháp luật của Thánh, đó gọi là con đương, mà không biết như thật. Đó gọi là không biết đường chánh.

“Thế nào là không biết chỗ nghỉ? Đối với những pháp đã biết của Như Lai, không đạt được hoan hỷ vui mừng thắng diệu, xuất ly lợi ích. Đó là không biết chỗ dừng.

“Thế nào là không biết chỗ qua? Không biết Kinh Luật Luận, không biết tuỳ thời đến thưa hỏi thỉnh thọ, không biết thế nào là thiện, thế nào là bất thiện, thế nào là có tội, thế nào là không có tội; tạo những pháp nào là pháp thù thắng không phải ác; đối với pháp ẩn mật thì không thể khai phát, đối với pháp hiển lộ thì không thể hỏi rộng, đối với cú nghĩa sâu xa đã tự biết mà không thể diễn rộng chỉ rõ. Đó gọi là không biết chỗ qua.

“Thế nào là không biết chỗ chăn thả bò? Bốn niệm xứ, và pháp luật Thánh Hiền, gọi là chỗ chăn thả bò; ửo đó không biết như thật, đó gọi là không biết chăn thả bò.

“Thế nào là vắt hết sữa?Hàng Sát-lị, Bà-la-môn hay Gia chủ kia, tự tại bố thí y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm thuốc men, và những vật dụng trong đời sống; Tỳ kheo thọ dụng mà không biết hạn lượng, đó gọi là vắt hết sữa.

“Thế nào là đối các Thượng toạ, Đại đức đa văn kỳ cựu, … cho đến không hướng đến chỗ các vị đồng phạm hạnh có thắng trí mà xưng dương công đức kia, để mà tôn trọng thừa sự, cúng dường, để được an vui? Tỳ-kheo không tán dương Thượng toạ kia, … cho đến không đi đến chỗ các đồng phạm phạm hạnh có trí tuệ, nằng thân khẩu ý nghiệp tuỳ thuận thừa sự. Đó gọi là không hướng đến đối với những bậc Thượng toạ đa văn kỳ túc, … cho đến không đi đến chỗ các đồng phạm phạm hạnh có trí tuệ, thừa sự khiến được an vui.

“Người chăn bò nếu có đủ mười một điều thì có thể làm cho đàn trâu kia tăng trưởng, bảo vệ bầy trâu, làm cho an vui. Những gì là mười một? Biết sắc, biết tướng, nói rõ ràng phân biệt như trên, … cho đến có thể lãnh đàn, tuỳ thời [343c] liệu lý khiến được an ổn. Đó gọi là người chăn bò có đủ mười một điều thì sẽ khiến cho bầy bò tăng trưởng, và bảo vệ khiến chúng được an ổn. Cũng vậy, Tỳ-kheo có đầy đủ mười một điều thì tự mình sẽ được an lạc, và cũng có thể làm cho người khác được an lạc. Những gì là mười một? Biết sắc, biết tướng, … cho đến nói đầy đủ phân biệt rõ ràng. Đó gọi là Tỳ-kheo có đủ mười một điều, tự mình an, và làm cho người an.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 910. NA-Đề-CA [14]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở tại Câu-tát-la, du hành trong nhơn gian, đến ở trong rừng Nhất-xa-năng-già-la tại tụ lạc Nhất-xa-năng-già-la. Lúc ấy, cũng có Tôn giả Na-đề-ca [15] là người cựu trú ở tụ lạc Nhất-xa-năng-già-la.

Bấy giờ, Sa-môn, Bà-la-môn ở tụ lạc ấy nghe tin Sa-môn Cù-đàm đang trú tại nước Câu-tát-la du hành trong nhơn gian, đã đến ở trong rừng  thôn Nhất-xa-năng-già-la. Nghe vậy, mỗi người đều sửa soạn một cái chõ đồ ăn để bên cửa rừng, họ tự nghĩ: ‘Tôi cúng dường Thế Tôn trước! Tôi cúng dường Thiện thệ trước!’ Mỗi người tự cao giọng lớn tiếng xướng lên như vậy.

Khi ấy, Thế Tôn nghe trong viên lâm có tiếng nói to lớn của nhiều người, liền hỏi Tôn giả Na-đề-ca:

“Nhân gì, duyên gì ở trong viên lâm có tiếng nói to lớn nhiều người như vậy?”

Tôn giả Na-đề-ca bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, đây là tụ lạc Nhất-xa-năng-già-la. Các Sa-môn, Bà-la-môn, Gia chủ nghe tin Thế Tôn ở trong rừng này, mỗi người sửa soạn một chõ đồ ăn đem để trong viên lâm, và tự họ xướng lên: ‘Tôi cúng dường đức Thế Tôn trước. Tôi cúng dường đức Thiện thệ trước!’ Vì vậy nên có tiếng nói to lớn của nhiều người ở trong rừng này. Cúi xin Thế Tôn hãy nhận đồ ăn của họ.”

Phật bảo Na-đề-ca:

“Chớ đem lợi dưỡng cho Ta, Ta không cầu lợi. Chớ xưng tụng Ta, Ta không cầu xưng tụng! Này Na-đề-ca! Như Lai đã được đẽ dàng an lạc của xuất yếu, viễn ly, tịch diệt, đẳng chánh giác như vậy, thế thì có là gì những thứ lợi lạc như vầy như kia phát sanh, hoặc thưởngthức, hoặc mong cầu. Na-đề-ca, đối với những loại này, khi Ta đạt được an lạc của xuất yếu, viễn ly, tịch diệt, đẳng chánh giác, không cầu mà đạt  được, không khó mà đạt được; thế thì có là gì những thứ lợi lạc thế này hay thế kia, hoặc thưởng thức hoặc mong cầu!

“Này Na-đề-ca, Các ngươi vì đối với sự an lạc tương tợ như vậy, không đạt được an lạc của xuất yếu, viễn ly, tịch diệt, đẳng chánh giác; nê không được cái an lạc không mong cầu, cái an lạc không khó nhọc. Này Na-đề-ca, chư thiên cũng không được cái an lạc không mong cầu, cái an lạc không khổ nhọc của an lạc xuất yếu, viễn ly, tịch diệt, đẳng chánh giác như vậy. Chỉ có Ta đạt được cái an lạc không mong cầu, cái an lạc không khổ nhọc của an lạc xuất yếu, viễn ly, tịch diệt, đẳng chánh giác như vậy. Thế thì có là gì những thứ đó phát sanh, họac thưởng thức, hoặc mong cầu?”

Na-đề-ca bạch Phật:

“Bạch Thê tôn, bây giờ, con muốn nêu thí dụ.”

Phật bảo Na-đề-ca:

“Nên biết đúng thời.”

Na-đề-ca bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, ví như trời mưa, dòng nước thuận theo chỗ thấp. Mỗi khi Thế Tôn đến ở trú xứ nào, thì ở đó những người Sát-lị, Bà-la-môn hay Gia chủ kia đến để kính tín phụng thờ. Vì Thế Tôn giới đức thanh tịnh, chánh kiến chơn trực. Cho nên nay con thưa như vậy. Cúi xin Thế Tôn thương xót nhận lời mời của họ.”

Phật bảo Na-đề-ca:

“Chớ đem lợi cho Ta, Ta không cầu lợi, … cho đến Thế thì có là gì những thứ đó phát sanh, họac thưởng thức, hoặc mong cầu?

“Này Na-đề-ca, Ta thấy có Tỳ kheo ăn đồ ăn ngon, ăn xong thì ngửa bụng mà nằm thở ngắn thở dài. Thấy vậy, Ta tự nghĩ, như trưởng lão này không được cái lạc xuất yếu, viễn ly, tịch diệt, đẳng chánh giác, cái lạc không cầu mà được, cái lạc không khổ nhọc mà được.

“Lại nữa, Này Na-đề-ca, Ta thấy ở đây có hai Tỳ-kheo ăn đò ăn ngon; ăn xong bụng căng tròn nằm ngửa thở dốc, ì ạch mà đi. Ta tự nghĩ, những trưởng lão kia không thể có được cái lạc không cầu, cái lạc không khổ của an lạc xuất yếu, viễn ly, tịch diệt, dẳng chánh giác.

“Này Na-đề-ca, Ta thấy nhiều Tỳ-kheo ăn đồ ăn ngon; ăn xong đi từ vườn này đến vườn kia, từ phòng này đến phòng kia, từ người này đến người kia, từ nhóm này đến nhóm kia. Thấy vậy, Ta tự nghĩ, những trưởng lão kia như vậy không thể có được cái lạc không cầu, cái lạc không khổ của an lạc xuất yếu, viễn ly, tịch diệt, dẳng chánh giác. Duy chỉ có Ta mới đạt được cái lạc không cầu, cái lạc không khổ của an lạc xuất yếu, viễn ly, tịch diệt, dẳng chánh giác như vậy.

“Lại nữa, này Na-đề-ca, một thời Ta đi trên đường thấy có Tỳ-kheo đi xa xa ở trước, lại cũng có Tỳ-kheo từ sau xa đến. Lúc ấy Ta nhàn tĩnh vô vi, cũng không có lao nhọc bời đại tiện hay tiểu tiện. Vì sao? Vì nương vào ăn uống, đắm nhiễm nhiều vào vị nếm nên phải đại tiện, tiểu tiện; đó ó là sở y. Quán sát sự sinh diệt của năm thủ uẩn, mà sống yểm ly; đó là sở y. [344a] Đối với sáu xúc nhập xứ quán sát tập, diệt mà sống yểm ly; đó là sở y. Đối với cái vui của đám đông hội tụ, siêng năng tụ tập nhóm họp, mà sống yểm ly; đó là sở y. Ưa thích tu tập viễn ly thì siêng năng nơi viễn ly, mà yểm ly đám đông tụ hội; đó là sở y. Cho nên, này Na-đề-ca, hãy học như vậy: đối với năm thủ uẩn, quán sát sinh diệt; đối với lục xúc nhập xứ, phải quán sát tập diệt, ưa thích viễn ly, tinh cần viễn ly. Hãy học như vậy.”

Phật nói kinh này xong. Tôn già Na-đề-ca sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tuỳ hỷ đảnh lễ rồi đi.

KINH 911. NA-ĐỀ-CA (2) [16]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở tại Câu-tát-la, du hành trong nhơn gian đến ở trong rừng Nhất-xa-năng-già-la tại tụ lạc Nhất-xa-năng-già-la.

Nói đầy đủ như trên, … cho đến Thế thì có là gì những thứ đó phát sanh, họac thưởng thức, hoặc mong cầu?”

Phật bảo Na-đề-ca:

“Ta thấy tại tinh xá ở ngoài biên tụ lạc, có Tỳ-kheo toạ thiền. Thấy vậy, Ta tự nghĩ: Có thể sẽ có người trong tụ lạc, hoặc Sa-di, qua lại nói năng ồn ào, làm loạn, gây chướng ngại thiền tư, khiến cho Tôn giả này tỉnh giấc chánh thọ, làm trở ngại cho ước muốn đến đến chỗ chưa đến, đạt chỗ chưa đạt, chứng chỗ chưa chứng. Này Na-đề-ca, Ta không hài lòng Tỳ-kheo ấy ở tinh xá cạnh tụ lạc.

“Này Na-đề-ca, Ta thấy có Tỳ-kheo sống trong rừng vằng nhàn tĩnh, [17] nằm ngửa mà thở. Thấy vậy, Ta tự nghĩ:  Có thể Tỳ-kheo này sau khi ngủ nghỉ tỉnh dậy, sẽ tác ý tưởng về rừng vắng. Này Na-đề-ca, Ta cũng không hài lòng với Tỳ-kheo sống trong rừng vắng như vậy. Này Na-đề-ca, Ta lại thấy Tỳ-kheo ngồi ngủ gật ở trong rừng vắng. Thấy vậy, Ta tự nghĩ: Có thể Tỳ-kheo này sau khi thức dậy, không có định, rồi sẽ đắc định; định tâm thì được giải thoát. Cho nên này Na-đề-ca! Ta không hài lòng Tỳ-kheo sống trong rằng vắng như vậy.

“Này Na-đề-ca, Ta lại thấy có Tỳ-kheo sống trong rừng vắng, ngồi ngay thẳng nhập chánh thọ. Thấy vậy, Ta tự nghĩ: Có thể Tỳ-kheo này nếu không giải thoát thì sẽ mau được giải thoát; sau khi giải thoát sẽ khiến tự phòng hộ, không để thối thất. Này Na-đề-ca, Ta hài lòng với Tỳ-kheo sống trong rừng vắng như vậy.

“Này Na-đề-ca, Ta lại thấy có Tỳ-kheo sống trong rừng vắng; nhưng sau đó lìa xa rừng vắng, bỏ hết giường, ngoạ cụ, lại trở về nhận lấy giường, ngoạ cụ nơi tụ lạc. Này Na-đề-ca, Ta cũng không hài lòng với Tỳ-kheo trở lại vào thôn xóm như vậy.

“Lại nữa, này Na-đề-ca, Ta thấy Tỳ-kheo ở tinh xá nơi thôn xóm, đức nhiều nổi tiếng, được các thứ tài lợi, [344c] y phục, ẩm thực, thuốc men, đủ thứ. Sau đó, vị ấy bỏ hết lợi dưỡng, làng xóm, sàng toạ, đến an nghỉ trong rừng vắng. Này Na-đề-ca, Ta rất hài lòng với Tỳ-kheo đã bỏ hết lợi dưỡng, giường nằm, ngoạ cụ, làng xóm như vậy, mà sống trong rừng vắng. Này Na-đề-ca, Tỳ-kheo hãy học như vậy.”

Phật nói kinh này xong. Na-đề-ca nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tuỳ hỷ đảnh lễ rồi đi.

KINH 912. LI-XA TỬ [18]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở bên ao Di-hầu, trong giảng đường Trùng Các, tại nước Tì-xá-li. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Những người Li-xa thường dùng cây gối đầu, gối tay chân, làm ra vẻ chậm chạp, nghi ngại, sợ sệt, không để cho A-xà-thế vua nước Ma-kiệt-đà, con bà Vi-đề-hy, được cơ hội thuân tiện, cho nên thường răn nhắc chính mình, không sống buông lung. Do họ sống không buông lung, nên vua nước Ma-kiệt-đề, A-xà-thế con bà Vi-đề-hy, không thể tìm kiếm được cơ hội thuận tiện. Nhưng sau đó không lâu, những người Li-xa vui chơi thoả thích không ngại việc gì, tay chân trở nên mềm mại, bông thêu làm gối, yên thân nằm ngủ mặt trời mọc vẫn chưa dậy, buông lung mà sống. Vì họ sống buông lung nên vua nước Ma-kiệt-đề A-xà-thế, con bà Vi-đề-hy mới tìm được cơ hội thuận tiện.

“Cũng vậy, các Tỳ-kheo, phải tinh cần, phương tiện, kiên cố chịu đựng, không bỏ pháp thiện; cho dù da bọc lấy xương, cũng phải tinh cần phương tiện, không bỏ pháp thiện, cho đến khi chưa đạt những điều đáng được, thì cũng không lìa bỏ tinh tấn, thường nhiếp tâm không sống buông lung. Do không sống buông lung nên Ma vương Ba-tuần không tìm được cơ hội. Trong đời vị lai có các Tỳ-kheo vui chơi thoả thích không ngại việc gì, tay chân mềm mại, bông thêu làm gối, yên thân nằm ngủ mặt trời mọc vẫn chưa dậy, buông lung mà sống. Vì sống mà buông lung nên Ác ma Ba-tuần tìm được cơ hội. Cho nên, Tỳ-kheo phải học như vậy, tinh cần phương tiện, cho đến khi nào chưa đạt những điều chưa được thì không từ bỏ phương tiện.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 913. TAM BÁCH PHỦ. [19]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Thí như có người, buổi sáng đem ba trăm chảo thức ăn bố thí cho chúng sanh; trưa và chiều cũng lại làm như vậy. Người thứ hai chỉ trong khoảnh khắc tu tập lòng từ đối tất cả chúng sanh, cho đến như khoảnh khắc vắt sữa bò. Nếu so sanh, công đức bố thí của người trước [344c] không bì kịp phần trăm, phần nghìn, phần vạn ức, hay dùng toán số thí dụ cũng không thể so sánh được. Cho nên các Tỳ-kheo, hãy khởi học như vậy: ‘Trong thời gian khoảnh khắc tu tập lòng từ đối tất cả chúng sanh cho đến như khoảnh khắc vắt sữa bò.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 914. ĐA NỮ NHÂN [20]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Thí như gia đình con gái nhiều, con trai ít, nên biết gia đình này dễ bị cướp đoạt bỡi giặc trộm. Cũng vậy, người thiện nam, thiện nữ không thể thường tu tập lòng từ đối tất cả chúng sanh, cho đến như khoảnh khắc vắt sữa bò, nên biết người này sẽ dễ bị lừa dối bởi quỷ thần ác. Thí như gia đình có con trai nhiều, con gái ít; không lúc nào có thể bị cướp đoạt bởi giặc trộm. Cũng vậy, người thiện nam thường tu tập lòng từ đối tất cả chúng sanh, cho đến như khoảnh khắc vắt sữa bò, thì sẽ không bị lừa dối bỡi các quỷ thần ác. Cho nên các Tỳ-kheo, hãy luôn luôn tu tập lòng từ cho đến như trong khoảng khắc vắt sữa bò.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 915. CHỦY THỦ [21]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Thí như có người có con dao chủy thủ; lưỡi nó rất rộng, rất bén. Có người khoẻ mạnh nói rằng: ‘Tôi có thể dùng nắm tay đấm con dao của anh, làm cho nó gãy vụn.’ Này các Tỳ-kheo, người khoẻ mạnh kia có thể dùng tay, hay nắm tay đầm co dao kia, làm cho nó gãy vụn chăng?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, không thể được. Vì con dao chủy thủ kia có lưỡi rất bén. Người đàn ông kia không thể dùng tay, hay nắm tay đánh gãy vụn, mà chính tự tay mình bị khốn.

“Cũng vậy, Tỳ-kheo, Sa-môn, Bà-la-môn tu tập lòng từ đối tất cả chúng sanh cho đến như trong khoảng khắc vắt sữa bò, nếu có quỷ thần ác muốn đến dò tìm chỗ hở, thì không thể tìm được cơ hội thuận tiện, mà tự chúng làm thương tổn lại chính mình. Cho nên các Tỳ-kheo, hãy học như vậy, thường thường tu tập lòng từ cho đến như khoảng khắc vắt sữa bò.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 916. TRẢO THỔ [22]

 [345a]Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn dùng móng tay lấy đất, rồi hỏi các Tỳ-kheo:

“Theo ý các ngươi thế nào, đất trên móng tay Ta nhiều, hay là đất đại địa nhiều?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, đất trên móng tay rất ít, ít lắm! Còn đất đại địa này thì vô lượng, vô số, không thể so sánh được!”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Cũng vậy, chúng sanh có thể thường tu tập lòng từ đối tất cả chúng sanh, cho đến như trong khoảnh khắc khảy móng tay; chúng sanh đó ít như đất trên móng tay. Còn những chúng sanh thường không chịu tu tập lòng từ đối tất cả chúng sanh, cho đến như trong khoảnh khắc khảy móng tay, số chúng sanh đó nhiều như đất đại địa. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy luôn luôn tu tập lòng từ đối tất cả chúng sanh.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 917. CUNG THỦ [23]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở bên ao Di-hầu, trong giảng đường Trùng Các, tại nước Tì-xá-li. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Tất cả hành vô thường, không thường hằng, không an ổn, là pháp biến dịch. Này các Tỳ-kheo, hãy thường xuyên quán sát tất cả các hành, tu tập yểm ly, không ham thích, để giải thoát.”

Bấy giờ, có Tỳ-kheo rời chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, đảnh lễ Phật, quỳ gối phải sát đất, chấp tay bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, mạng sống thay đổi, huỷ diệt mau chậm như thế nào?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Nói thì Ta có thể, nhưng ngươi muốn hiểu thì khó.”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn có thể nói thí dụ được chăng?”

Phật bảo:

“Có thể được.”

Phật lại bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn người, tay cầm cung cứng, cùng lúc bắn ra cả bốn phương. Có một người theo kịp mũi tên, chụp lấy bốn mũi tên khi chúng chưa rơi. Thế nào, Tỳ-kheo, người như vậy là nhanh chóng phải không?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nhanh chóng.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Người chụp những mũi tên này tuy có nhanh chóng, nhưng có Địa thần Thiên tử còn nhanh chóng hơn người đó gấp bội. Nhưng còn Thiên thần Hư không lại nhanh hơn Địa thần gấp bội. Tứ thiên vương lại nhanh hơn Thiên thần Hư không gấp bội. Có Nhật nguyệt Thiên tử lại nhanh hơn Tứ thiên vương gấp bội. Có Đạo Nhật nguyệt thần lại nhanh hơn Nhật nguyệt Thiên tử gấp bội. Này các Tỳ-kheo, sự thay đổi biến hoại của mạng hành còn nhanh hơn Đạo Nhật nguyệt thần gấp bội. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tinh tấn phương tiện quán sát mạng hành là vô thường mau chóng như vậy.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 918. [24]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Lộc uyển, nơi ở của các Tiên nhơn, tại nước Ba-la-nại. Bấy giờ, Thê tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Thời quá khứ có một người tên là Đà-xá-la-ha, [25] ông ta có một cái trống tên là A-năng-ha, [26] có âm thanh sâu xa, vi diệu, vang bốn mươi dặm. Trống kia đã lâu nên chỗ nào cũng bị hư. Bấy giờ thợ bịt trống cắt lột da bò để niền bịt lại hết. Tuy được niền bịt lại, nhưng tiếng trống không còn âm thanh sâu xa, vi diệu nữa. Sau đó một thời gian trống lại hư mục, da bị rớt xuống hết, chỉ còn lại là đống gỗ. Cũng vậy, Tỳ-kheo tu thân, tu giới, tu tâm tu tuệ. Do tu thân, tu giới, tu tâm tu tuệ nên đối với những kinh điển chiếu sáng sâu xa mà Như Lai đã nói là khó nhận khó hiểu, là không thể suy lường quyết định nghĩa vi diệu bí mật, là chỗ biết của bậc minh trí, vị ấy sẽ nhận hiểu nhanh chóng và đầy đủ hết. Nghe những lời nói ấy, vị ấy hoan hỷ, ham thích tu tập để được lợi ích, xuất ly. Tỳ-kheo đời vị lai không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu tuệ, khi nghe kinh điển sáng chiếu sâu xa mà đức Như Lai đã nói, vốn là tướng không, tùy thuận pháp duyên khởi, thì họ không thọ trì liền, không thích đến để nhận lãnh; nghe những lời nói ấy thì không hoan hỷ, không ham thích tu tập. Nhưng đối với những sách dị luận tạp nham thế gian, văn từ bóng bẩy, ngôn cú thế tục, thì họ chuyên tâm lãnh thọ; nghe những lời nói ấy hoan hỷ, ham thích tập theo, nên không được lợi ích xuất ly. Ngược lại, đối với pháp yếu vốn là tướng không, tuỳ thuận duyên khởi, sáng chiếu sâu xa do Như Lai nói kia, đối với chúng thì họ coi như đã mất, giống như trống hư mục kia, chỉ còn lại đống gỗ. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy siêng năng phương tiện tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ; đối với pháp yếu không tướng sáng chiếu sâu xa, tuỳ thuận duyên khởi mà Như Lai nói, sẽ nhận hiểu mau và đầy đủ, nghe những lời nói ấy thì hoan hỷ ham thích tu tập được lợi ích xuất ly.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 919. THIẾT HOÀN [27]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Thí như hòn sắt ném vào trong lửa, nó trở thành cùng một màu với lửa, rồi được gói trong bông kiếp-bối. [28] Thế nào, Tỳ-kheo, nó cháy có nhanh không?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Người ngu si sống nương vào thôn xóm, sáng sớm khóac y ôm bát vào thôn xóm khất thực, không khéo hộ thân, không giữ căn môn, tâm không cột niệm; [345c] khi thấy người thiếu nữ, mà tư duy bất chánh, chấp vào tướng sắc kia, khởi tâm tham dục; dục sẽ thiêu đốt tâm mình, dục sẽ thiêu đốt thân mình; khi thân tâm bị thiêu đốt, người ấy xả giới, thối thất. Người ngu này sẽ lâu dài chịu những điều vô lợi ích, phi nghĩa. Cho nên, này Tỳ-kheo, hãy học tập như vầy: Khéo giữ thân mình, giữ gìn các căn môn, cột niệm khi vào thôn khất thực. Hãy học như vậy.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 920. MIÊU LY [29]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Thời quá khứ, có một con mèo đói khát, gầy yếu, đang ở trong hang rình tìm chuột. Nếu chuột ra thì nó sẽ bắt lấy mà ăn. Một hôm, chuột ra khỏi hang rong chơi, chú mèo kia liền vội chộp và nuốt nhanh. Thân chuột vì nhỏ nên vào bụng vẫn còn sống. Khi vào bụng rồi, nó ăn nội tạng mèo. Bị ăn nội tạng, mèo mê cuồng chạy lung tung khắp nơi, từ nhà trống đến gò mả, không biết đâu mà dừng lại, cho đến chết. Cũng vậy, Tỳ-kheo, có người ngu nương vào làng xóm mà ở, sáng sớm khóac y ôm bát vào tụ lạc khất thực mà không khéo hộ thân, không giữ các căn, tâm không cột niệm, thấy các nữ nhân, khởi tư duy bất chánh, chấp vào tướng sắc mà phát khởi lòng tham dục. Khi tham dục phát khởi, lửa dục cháy bừng, thiêu đốt thân tâm nó. thân bị thiêu đốt, tâm dong ruỗi cuồng phóng, không thích ở tinh xá, không thích nơi rừng vắng tịch mịch, không còn ưa ngồi dưới gốc cây; bị tâm ác bất thiện ăn vào pháp bên trong mà xả giới, thối thất. Hạng người ngu này thường phải chịu khổ đau lâu dài, không được lợi lạc. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy học như vậy: Khéo hộ thân mình, giữ gìn các căn môn, buộc tâm chánh niệm mà vào thôn khất thực. Hãy phải học như vậy.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 921. MỘC XỬ [30]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Thí như cái chày gỗ thường dùng luôn không nghỉ, lâu ngày mòn dần. Cũng vậy, Tỳ-kheo, Sa-môn, Bà-la-môn nào từ trước đến nay không đóng bớt các căn, ăn uống không biết chừng mực, đầu đêm cuối đêm không tinh cần tỉnh giác, tu tập thiện pháp; nên biết hạng người này suốt ngày bị tổn giảm, thiện pháp không tăng, sẽ như cái chày gỗ kia.

“Này các Tỳ-kheo, thí như [364a] ưu-bát-la, bát-đàm-ma, câu-mâu-đâu, phân-đà-lợi mọc ở trong nước, lớn lên trong nước, theo nước tăng trưởng. Cũng vậy, Sa-môn, Bà-la-môn nào khéo đóng bớt các căn môn, ăn uống biết chừng mực; đầu đêm cuối đêm tinh cần tỉnh giác, thì công đức thiện pháp ngày đêm tăng trưởng. Hãy học như vậy.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 922. DÃ HỒ [31]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Trúc, Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, vào cuối đêm, Thế Tôn nghe tiếng chồn hoang. Qua sáng hôm sau, Thế Tôn trải chỗ ngồi, ngồi trước đại chúng, hỏi các Tỳ-kheo:

“Lúc cuối đêm, các ngươi có nghe tiếng chồn hoang không?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, có nghe.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Có một người ngu si tự nghĩ như vầy: ‘Nay ta thọ thân được hình tướng như vầy, nói tiếng nói như vậy.’ Người ngu si này muốn tìm đến chỗ thọ sinh tương tợ như vậy, có gì mà không được! Cho nên, Tỳ-kheo, các ngươi phải tinh cần phương tiện, mong cầu đoạn tận các hữu, đừng tạo phương tiện cho các hữu tăng trưởng. Hãy học như vậy.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 923. PHẨN THỈ [32]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Trúc, Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ta không tán thán thọ hữu thân [33] dù chỉ một chút ít, huống nữa là thọ nhiều. Vì sao? Thọ hữu là khổ. Thí như phân tiểu dù ít cũng đã hôi thối, huống chi là nhiều. Cũng vậy các hữu dù ít cho đến sát-na Ta cũng không tán thán, huống chi lại nhiều. Vì sao? Hữu là khổ. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy học như vậy: Hãy đoạn trừ các hữu, chớ cho hữu tăng trưởng. Hãy học như vậy.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 924. DÃ HỒ [34]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Trúc, Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, sau nửa đêm Thế Tôn nghe tiếng chồn hoang. Qua sáng hôm sau, Thế Tôn trải chỗ ngồi, ngồi trước đại chúng, hỏi các Tỳ-kheo:

“Lúc cuối đêm, các ngươi có nghe tiếng chồn hoang không?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, có nghe.”

 [346b] Phật bảo Tỳ-kheo:

“Con chồn hoang kia bị khốn vì ghẻ lở nên nó phải kêu. Nếu có người nào vì con chồn hoang kia mà chữa trị ghẻ lở cho nó, chồn hoang ắt sẽ biết ơn và báo ơn. Nay có một kẻ ngu si không có biết nhớ ơn và báo ơn. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy học như vầy: ‘Biết ơn và báo ơn. Một chút ơn nhỏ còn không quên báo đáp, huống chi là ơn lớn.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. [35]


 [1] Tương ưng thí dụ, gồm các kinh Đại chánh, kinh 1246-1264 (phần giữa quyên 47). Ấn thuận Hội biên, “Tụng vii. Như Lai sở thuyết; 49. Tương ưng thí dụ.” Tương đương Pāli, S. 20. Opammasaṃyutta.

 [2] Đại chánh, kinh 1246. tương đương Pāli, A. 3. 100. Suvaṇnakāra (phần đầu).

 [3] Nguyên bản, trên chữ cương thạch 剛石, có bốn chữ: thô thượng phiền não麤上煩惱, Ấn Thuận lược bỏ cho là dư thừa theo ngữ cảnh. Nhưng bản Pāli nói: olārikā upakkillasā, trong đó upakkilesā bản Hán hiểu là “thượng phiền não” thay vì các thứ là tạp uế.

 [4] Hán: sanh kim 生金. 

 [5] Chân kim 真金. Pāli: jātarūpa, vàng nguyên, chưa chế biến.

 [6] Ba bất thiện tầm.

 [7] Hán: thân lý giác親里覺, nhân chúng giác人眾覺, sanh thiên giác生天覺. Cf. A. 1. 256: ñātivitakko (thân lý tầm, suy tường về bà con), janadapadavitakko (quốc độ tầm,suy tưởng về đất nước), anavaññāttipaṭisaṃyutto vitakko (bất khinh tiện tương ưng tầm, suy tưởng về danh dự).

 [8] Hán: hữu hành sở trì. Pāli ibid.: sasaṇkhāraniggayhavāritagato, luôn phải phòng hộ bằng sự nỗ lực và duy trì.

 [9] Đại chánh, kinh 1247. A. 3. 100. Suvaṇṇakāra.

 [10] Chỉ tướng 止相, cử tướng 舉相, xả tướng 捨相. Pāli, A. i. 257: samādhinimittaṃ, định tướng, paggahanimittaṃ, cần (tinh tấn) tướng, upekkhānimittaṃ, xả tướng.

 [11] Đại chánh, 1248. M. 34. CūḷaGopālaka. No 125(43.6).

 [12] Đại chánh, kinh 1249. M. 33. MahāGopāka.

 [13] Ý nghĩa: hành vi nào là dấu hiệu của sai lầm, hành vi nào là dấu hiệu của trí tuệ.

 [14] Đại chánh, kinh 1250. A. 5. 30; A. 6. 42; A. 8. Nāgita.

 [15] Na-đề-ca 那提迦. Pāli: Nāgita.

 [16] Đại chánh, kinh 1252. A. 5. 30; 6. 42; 8. 86. Nāgita.

 [17] Không nhàn xứ, tức a-lan-nhã, trong rừng vắng.

 [18] Đại chánh, kinh 1252. S. 20. 8.Kaliṅga.

 [19] Đại chánh, kinh 1253. ba trăm chảo thức ăn. S. 20. 4. Ukkā.

 [20] Đại chánh, kinh 1254. Con gái nhiều.  S. 20. 3. Kula.

 [21] Đại chánh, kinh 1255. S. 20. 5. Satti.

 [22] Đại chánh, kinh 1256. S. 20. 2. Nakkhasikha.

 [23] Đại chánh, kinh 1257. S. 2o. 6. Dhanuggaha.

 [24] Đại chánh, kinh 1258. S. 20. 7. Āṇi.

 [25] Đà-xá-la-ha 陀舍羅訶. Pāli: Dasāraha

 [26] A-năng-ha 阿能訶. Pāli: ānaka.

 [27] Đại chánh, kinh 1259.

 [28] Kiếp-bối: bông gòn.

 [29] Đại chánh, kinh 1269. S. 20. 10 Biḷāra.

 [30] Đại chánh, kinh 1261.

 [31] Đại chánh, kinh 1262. S. 20. 11. Siṅgālaka.

 [32] Đại chánh, kinh 1263. S. 17. 5. Piḷhika.

 [33] Hữu thân有身; có thân? Có thể có sự nhầm lẫn trong bản Hán. Cf. Pāli, S. 17. 5: dāruṇo lābhasakkārasiloko kaṭuko, lợi đắc, tôn kính, danh dự, thật là đáng sợ, kịch liệt. Bản Hán đọc là tanu: thân thể, thay vì dāruṇa: dẽ sợ?

 [34]  Đại chánh, kinh 1264. S. 17. 8. Siṅgāla.

 [35] Bản Hán, đến đây hết quyển 47, đưa hai kinh cuối: 1265, 1266, vào Tương ưng bịnh (Tụng VI. Tạp nhân. 4. Tương ưng bịnh).