4. Tương Ưng sáu xứ, Kinh 190-320

TỤNG II. SÁU XỨ [1]

4. TƯƠNG ƯNG SÁU XỨ [2]

KINH 190. LY HỶ THAM [3]

 [49b7] Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Hãy quán sát chân chánh mắt là vô thường. Quán sát như vậy gọi là chánh kiến. Do chánh quán nên sanh nhàm tởm. Do nhàm tởm nên lìa hỷ, lìa tham. [4] Do lìa hỷ, lìa tham, Ta nói là tâm chánh giải thoát [5]. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý lìa hỷ, lìa tham. Do lìa hỷ, lìa tham, Ta nói là tâm chánh giải thoát. Tâm chánh giải thoát rồi, có thể tự ghi nhận, tự biết ‘Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như kinh nói về “vô thường,” cũng vậy, nói về “khổ, không, phi ngã.”

KINH 191. LY DỤC THAM [6]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Đối với mắt, hãy tư duy chân chánh [7], quán sát là vô thường. Vì sao? Đối với mắt mà tư duy chân chánh, quán sát là vô thường thì ở nơi mắt dục tham được đoạn trừ. Do dục tham được đoạn trừ, Ta nói là tâm chánh giải thoát. Cũng vậy, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, do tư duy chân chánh, quán sát, nên dục tham được đoạn trừ. Do dục tham đã được đoạn trừ, Ta nói là tâm chánh giải thoát. Như vậy, này các Tỳ-kheo, ai được tâm chánh giải thoát thì có thể ký thuyết, tự biết ‘Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 192. TRI (1) [8]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu đối với mắt mà không phân biệt, không biết rõ, không đoạn trừ, không ly dục [9], thì không thể hoàn toàn diệt tận khổ. Đối với tai, mũi lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Này các Tỳ-kheo, đối với mắt hoặc phân biệt, hoặc biết rõ, [49c] hoặc đoạn trừ, hoặc ly dục, thì có thể thật sự hoàn toàn chấm dứt khổ. Đối với tai, mũi. Lưỡi, thân, ý hoặc phân biệt được, hoặc biết rõ, hoặc đoạn trừ, hoặc xa lìa dục, thì có thể có khả năng hoàn toàn diệt tận khổ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 193. TRI (2) [10]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu đối với mắt mà không phân biệt, không biết rõ, không đoạn trừ, không ly dục [11], thì không thể [12] vượt qua khỏi khổ của sanh, già, bệnh, chết. Đối vời tai, mũi lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Này các Tỳ-kheo, đối với mắt hoặc phân biệt, hoặc biết rõ, hoặc đoạn trừ, hoặc ly dục, thì có thể vượt qua khỏi khổ của sanh, già, bệnh, chết. Đối với tai, mũi. Lưỡi, thân, ý hoặc phân biệt được, hoặc biết rõ, hoặc đoạn trừ, hoặc xa lìa dục, thì có thể vượt qua khỏi khổ của sanh, già, bệnh, chết.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 194. BẤT LY DỤC (1) [13]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Đối với mắt mà không ly dục, tâm không giải thoát, thì không thể có khả năng hoàn toàn diệt tận khổ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý mà không ly dục, tâm không giải thoát, thì không thể hoàn toàn diệt tận khổ. Này các Tỳ-kheo, đối với mắt nếu ly dục, tâm giải thoát, thì có khả năng hoàn toàn diệt tận khổ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý mà ly dục, tâm giải thoát, thì có thể hoàn toàn diệt tận khổ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 195. BẤT LY DỤC (2) [14]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Đối với mắt mà không ly dục, tâm không giải thoát, thì không thể c vượt qua khổ của sanh, già, bệnh, chết. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý mà không ly dục, tâm không giải thoát, thì không thể vượt qua khổ của sanh, già, bệnh, chết. Này các Tỳ-kheo, đối với mắt nếu ly dục, tâm giải thoát, thì có thể vượt qua cái khổ của sanh, già, bệnh, chết. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý mà ly dục, tâm giải thoát, thì có thể vượt qua cái khổ của sanh, già, bệnh, chết.”

 Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 196. SANH HỶ [15]

 [50a]Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Ai đối với mắt mà sanh hỷ, thì đối với khổ cũng sanh hỷ [16]. Ai đối với khổ mà sanh hỷ, Ta nói người đó không thể giải thoát khổ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý mà sanh hỷ, thì đối với khổ cũng sẽ sanh hỷ. Ai đối với khổ mà sanh hỷ, Ta nói người đó không thể giải thoát khổ.

“Này các Tỳ-kheo, ai đối với mắt mà không sanh hỷ, thì đối với khổ cũng không sanh hỷ. Ai đối với khổ mà không sanh hỷ, Ta nói người đó có thể giải thoát khổ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý mà không sanh hỷ, thì đối với khổ cũng không sanh hỷ. Ai đối với khổ mà không sanh hỷ, Ta nói người đó có thể giải thoát khổ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 197. VÔ THƯỜNG (1) [17]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Tất cả đều vô thường. [18] Tất cả cái gì đều vô thường? Mắt là vô thường. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc, thọ với cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, hay cảm thọ không khổ không lạc, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc; tất cả chúng đều là vô thường. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy, ở nơi mắt mà sanh nhàm tởm. Ở nơi sắc, nhãn thức, nhãn xúc, thọ với cảm thọ khổ, cảm thọ lạc hay cảm thọ không khổ không lạc phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc, ở nơi chúng mà sanh nhàm tởm. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý; thanh, hương, vị, xúc, pháp, ý thức, ý xúc, thọ với cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, hay cảm thọ không khổ không lạc, phát sanh bởi nhân duyên là ý xúc, ở nơi tất cả chúng mà sanh nhàm tởm. Do nhàm tởm nên không ái lạc, do không ái lạc nên được giải thoát, giải thoát tri kiến, biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’” [19]

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như kinh nói về “vô thường,” các kinh nói về “khổ, không, phi ngã” cũng nói như trên như vậy. [20]

KINH 198. VÔ THƯỜNG (2) [21]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Tất cả đều là vô thường. Cái gì là tất cả? Mắt là vô thường. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc, thọ với cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, hay cảm thọ không khổ không lạc, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc, tất cả chúng đều là vô thường. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp, ý thức, ý xúc, và thọ với cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, hay cảm thọ không khổ không lạc, phát sanh bởi nhân duyên là ý xúc, thì chúng cũng vô thường.

“Đa văn [50b] Thánh đệ tử quán sát như vậy, đối với mắt được giải thoát. Đối với sắc, nhãn thức, nhãn xúc, thọ với cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, hay cảm thọ không khổ không lạc, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc, được giải thoát. Cũng vậy, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp, ý thức, ý xúc, thọ với cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, hay cảm thọ không khổ không lạc, phát sanh bởi nhân duyên là ý xúc, được giải thoát. Ta nói, người này giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như kinh nói “tất cả là vô thường,” cũng vậy, các kinh nói :

Tất cả là khổ, Cf. S. 35. 44. Dukkha.

Tất cả là không, S. 35. 85. Suñña.

Tất cả chẳng phải ngã, S. 35. 45. Anattā.

Tất cả là pháp nghiệp hư dối, S. 35. 40. Vaya.

Tất cả là pháp phá hoại, S. 35. 39. Khaya.

Tất cả pháp sanh, S. 35. 33. Jāti.

Tất cả pháp già, S. 35. 34. Jarā.

Tất cả pháp bệnh, S. 35. 35. Vyādhi.

Tất cả pháp chết, S. 35. 36. Maraṇa.

Tất cả pháp sầu lo, S. 35. 37. Soko

Tất cả pháp phiền não, S. 35. 38. Saṃkilesa.

Tất cả pháp tập khởi, S. 35. 41. Samudaya.

Tất cả pháp diệt tận, S. 35. 42. Nirodha.

Tất cả pháp biết, S. 35. 46. Abhiññeyya.

Tất cả pháp phân biệt, S. 35. 49. 47. Pariññeyya.

Tất cả pháp dứt trừ, S. 35. 48. Pahātabba.

Tất cả pháp giác, S. 35. Abhiñīpariññeyya

Tất cả pháp chứng, S. 35. Sacchikātabba.

Tất cả Ma,

Tất cả thế lực Ma,

Tất cả khí cụ Ma

Tất cả thiêu đốt,

Tất cả cháy bùng,

Tất cả thiêu cháy, S. 35.28. Āditta.

cũng đều nói chi tiết như hai kinh trên như vậy.

KINH 199. THỊ HIỆN [22]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong chi-đề Thị-lợi-sa [23], tại Già-xà, cùng với một ngàn vị Tỳ-kheo mà trước kia là những Bà-la-môn bện tóc.

Bấy giờ đức Thế Tôn vì một ngàn vị Tỳ-kheo thị hiện ba sự giáo hóa [24]. Những gì là ba? Đó là, thị hiện thần túc biến hóa, thị hiện tha tâm, thị hiện giáo giới.

Thị hiện thần túc là, đức Thế Tôn tùy theo sự thích hợp mà thị hiện nhập thiền định chánh thọ [25]; vượt qua hư không đến phương Đông hiện bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi; vào hỏa tam muội [26], rồi cho ra ánh lửa màu xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, pha lê; cả nước lửa đều hiện, hoặc dưới thân ra lửa, trên thân ra nước, hoặc trên thân ra lửa, dưới thân ra nước, bốn phía chung quanh lại cũng như vậy. Thế Tôn sau khi thị hiện thần biến rồi, trở lại ngồi giữa đại chúng, đó gọi là thị hiện thần túc.

Thị hiện tha tâm là, như tâm người kia, tự thân an trú và chứng nghiệm, biết rằng ý của người kia như vậy, thức của người kia như vậy, người kia đang nghĩ như vậy, hay không đang nghĩ như vậy, đang xả như vậy. Đó gọi là thị hiện tha tâm.

Thị hiện giáo giới là, như Thế Tôn nói: ‘Này các Tỳ-kheo, tất cả bị thiêu đốt [27]. Thế nào tất cả bị thiêu đốt? Mắt bị thiêu đốt. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc, thọ với cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, hay cảm thọ không khổ không lạc, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc, tất cả đều bị thiêu đốt. Cũng vậy, [50c] tai, mũi, lưỡi, thân, ý, bị thiêu đốt; pháp, ý thức, ý xúc, thọ với cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, hay cảm thọ không khổ không lạc, phát sanh bởi nhân duyên là ý xúc tất cả bị thiêu đốt. Bị cái gì thiêu đốt? Bị lửa tham thiêu đốt, lửa nhuế thiêu đốt, lửa si thiêu đốt, lửa sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não thiêu đốt.”

Bấy giờ, một ngàn vị Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, không còn khởi lên các lậu hoặc, tâm được giải thoát.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 200. LA-HẦU-LA (1) [28]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trên núi Kỳ-xà-quật, thành Vương-xá.

Bấy giờ Tôn giả La-hầu-la đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Biết như thế nào, thấy như thế nào, để bên trong thân có thức của con này [29] cùng trong tất cả những tướng bên ngoài không sanh ngã, ngã mạn, ngã sở và ngã mạn kết sử? [30]”

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo La-hầu-la:

“Lành thay, La-hầu-la, ngươi đã có thể hỏi Như lai về ý nghĩa sâu xa này!”

 Phật bảo La-hầu-la tiếp:

“Mắt hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng phải ở trong nhau, hãy biết như thật như vậy. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Này La-hầu-la, biết như vậy, thấy như vậy, bên trong thân có thức của ta cùng trong tất cả những tướng bên ngoài không sanh ngã, ngã mạn, ngã sở và ngã mạn kết sử.

“Này La-hầu-la, như vậy, ngã, ngã sở, ngã mạn kết sử không sanh, này La-hầu-la, đó gọi là đoạn trừ kiến chấp ái trược, đắc chánh hiên quán, cứu cánh biên tế của khổ.”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả La-hầu-la nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

Cũng như nói về “nội nhập xứ,” cũng vậy, “ngoại nhập xứ: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; nhãn thức, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức; nhãn xúc, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc; thọ phát sanh bởi nhãn xúc, thọ phát sanh bởi nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc; tưởng phát sanh bởi nhãn xúc, tưởng phát sanh bởi nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc; tư phát sanh bởi nhãn xúc, tư phát sanh bởi nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc; ái phát sanh bởi nhãn xúc, ái phát sanh bởi nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc” đều nói như trên.

KINH 201. LA-HẦU-LA (2) [31]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Trúc Ca-lan-đà, tại thành Vương-xá.

Bấy giờ đức Thế Tôn bảo La-hầu-la:

“Biết như thế nào, thấy như thế nào, để bên trong thân có thức này cùng trong tất cả những tướng bên ngoài không sanh ngã, ngã mạn, ngã sở và ngã mạn kết sử?”

 [51a] La-hầu-la bạch Phật:

“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, là sở y của pháp. Lành thay, Thế Tôn! Xin vì các Tỳ-kheo mà dạy đầy đủ nghĩa này. Các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ vâng lời thực hành.”

Phật bảo La-hầu-la:

“Lành thay! hãy lắng nghe cho kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.

“Những gì thuộc về mắt, hoặc là quá khứ, hoặc là vị lai, hoặc là hiện tại; hoặc là trong, hoặc là ngoài; hoặc là thô, hoặc là tế; hoặc là tốt, hoặc là xấu; hoặc là xa, hoặc là gần; tất cả chúng đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau, hãy quán sát chân chánh như vậy.

“Này La-hầu-la, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Này La-hầu-la, biết như vậy, thấy như vậy, trong thân có thức này cùng trong tất cả những tướng bên ngoài không sanh ngã, ngã mạn, ngã sở và ngã mạn kết sử.”

“Này La-hầu-la, Tỳ-kheo như vậy vượt cả hai [32], xa lìa các tướng, tịch diệt, giải thoát.

“Này La-hầu-la, Tỳ-kheo như vậy đoạn trừ các ái dục, chuyển kết sử, cứu cánh biên tế khổ.”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả La-hầu-la nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

Cũng như nói về “nội nhập xứ,” cũng vậy, “ngoại nhập xứ,” cho đến “cảm thọ phát sanh bởi nhân duyên là ý xúc,” cũng nói chi tiết như vậy.

KINH 202. LA-HẦU-LA (3) [33]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả La-hầu-la đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Lành thay, Thế Tôn! Xin vì con mà nói pháp. Sau khi con nghe pháp, một mình con ở nơi thanh vắng, chuyên tinh tư duy, không buông lung. Sau khi sống một mình ở nơi thanh vắng, chuyên tinh tư duy, sống không buông lung, con sẽ tư duy về mục đích mà một thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc, chánh tín xuất gia học đạo, sống không gia đình, tu trì phạm hạnh, ngay trong đời này, tự tri tự tác chứng, biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Bấy giờ, đức Thế Tôn xét thấy tâm giải thoát, và tuệ của La-hầu-la chưa thuần thục, chưa có thể nhận lãnh pháp tăng thượng được [34], nên hỏi La-hầu-la:

“Ngươi đã từng diễn nói năm thủ uẩn cho người khác chưa?”

La-hầu-la bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, chưa.”

Phật bảo La-hầu-la:

“Ngươi nên vì người khác mà diễn nói năm thủ uẩn.”

Khi La-hầu-la nghe lời dạy của Phật rồi, sau đó vì người khác diễn nói về năm thủ uẩn. Sau đó, Tôn giả trở lại chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn con đã vì người khác nói về năm thủ uẩn rồi. Nay xin Thế Tôn vì [51b] con mà nói pháp. Sau khi con nghe pháp xong rồi sẽ ở một mình chuyên tinh suy nghĩ, sống không buông lung, và cho đến ‘… tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Bấy giờ, đức Thế Tôn lại xét thấy tâm giải thoát, và trí tuệ của La-hầu-la là chưa thuần thục, chưa có thể nhận lãnh pháp tăng thượng được, nên hỏi La-hầu-la:

“Ngươi đã vì người khác nói về sáu nhập xứ chưa?”

La-hầu-la bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, chưa.”

Phật bảo La-hầu-la:

“Ngươi nên vì người khác diễn nói về sáu nhập xứ.”

Rồi, vào một lúc khác, La-hầu-la lại diễn nói sáu nhập xứ cho người khác nghe. Sau khi nói sáu nhập xứ xong, đi đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con đã vì người khác mà diễn nói sáu nhập xứ rồi. Xin đức Thế Tôn vì con mà nói pháp. Sau khi con nghe pháp xong sẽ ở một mình nơi vắng vẻ, chuyên tinh suy nghĩ, sống không buông lung, cho đến ‘… tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Bấy giờ, đức Thế Tôn xét thấy tâm giải thoát và trí tuệ của La-hầu-la chưa thuần thục, chưa có thể nhận lãnh pháp tăng thượng được, nên hỏi La-hầu-la:

“Ngươi đã vì người khác nói pháp ni-đà-na [35] chưa?”

La-hầu-la bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, chưa.”

Phật bảo La-hầu-la:

“Ngươi nên vì người khác mà diễn nói pháp ni-đà-na đi.”

Rồi, vào môt lúc khác, La-hầu-la lại vì người khác nói đầy đủ pháp ni-đà-na xong, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, rồi đứng lui sang một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn vì con mà nói pháp, sau khi con nghe pháp xong, sẽ ở một mình nơi chỗ vắng chuyên tinh suy nghĩ, sống không buông lung, cho đến ‘… tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Bấy giờ, đức Thế Tôn xét thấy tâm giải thoát, và trí tuệ của La-hầu-la vẫn chưa thuần thục, cho đến… bảo La-hầu-la:

“Ngươi nên đối với những pháp đã nói ở trên, ở một mình nơi vắng vẻ chuyên tinh suy nghĩ, mà quán sát nghĩa lý của chúng.”

Bấy giờ, La-hầu-la vâng lời Phật dạy, như pháp đã nói, như pháp đã được nghe suy nghĩ cân nhắc, quán sát nghĩa lý của chúng, tự nghĩ: “Các pháp này, tất cả đều thuận hướng Niết-bàn, lưu nhập Niết-bàn, cuối cùng an trụ Niết-bàn.

Rồi, một lúc khác, La-hầu-la đi đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, rồi lui đứng sang một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, đối với pháp đã được nói, pháp con đã được nghe như trên, con đã ở một mình nơi vắng vẻ, tư duy cân nhắc và quán sát nghĩa lý của chúng, biết những pháp này tất cả đều thuận hướng Niết-bàn, lưu nhập Niết-bàn, cuối cùng an trụ Niết-bàn.

Bấy giờ, đức Thế Tôn xét thấy tâm giải thoát và trí tuệ của La-hầu-la đã được thuần thục, có thể nhận [51c] lãnh được pháp tăng thượng, nên bảo La-hầu-la:

“Tất cả đều vô thường. Những pháp nào là vô thường? Mắt là vô thường. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc, vân vân, đều vô thường (chi tiết như các kinh trước).”

Tôn giả La-hầu-la sau khi nghe những gì Phật nói, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà lui.

Sau khi La-hầu-la vâng theo lời Phật dạy, một mình ở nơi vắng vẻ, sống không buông lung, chuyên tinh tư duy về mục đích mà một thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chánh tín xuất gia học đạo, sống không gia đình, chuyên tu phạm hạnh cho đến… ngay trong đời này, tự tri tự tác chứng, tự biết ‘Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’ La-hầu-ha thành A-la-hán, tâm khéo giải thoát.

Phật nói kinh này xong, La-hầu-la nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 203. LẬU TẬN [36]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Tỳ-kheo đi đến chỗ Phật, làm lễ sát chân Phật, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, biết thế nào, thấy thế nào, để lần lượt nhanh chóng chứng đắc lậu tận?”

Đức Thế Tôn bảo Tỳ-kheo kia:

“Hãy chân chánh quán sát vô thường. Những pháp nào là vô thường? Mắt là vô thường. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc, hãy quán sát là vô thường. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, hãy quán sát là vô thường. Pháp, ý thức, ý xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là ý xúc, tất cả chúng cũng đều là vô thường. Này Tỳ-kheo, biết như vậy, thấy như vậy, để lần lượt nhanh chóng chứng đắc lậu tận.”

Khi Tỳ-kheo kia đã nghe những gì đức Phật đã dạy, vui mừng làm lễ mà lui.

Như kinh đức Phật đã dạy cho Tỳ-kheo trên, nhưng có điểm sai biệt ở chỗ:

Biết thế nào, thấy thế nào, để lần lượt dứt sạch các kiết sử [37],

Đoạn trừ tất cả những hệ phược [38],

Đoạn trừ tất cả những sử [39],

Đoạn trừ tất cả những tùy phiền não [40],

Đoạn trừ tất cả những kết [41],

Đoạn trừ những lưu [42],

Đoạn trừ những ách [43],

Đoạn trừ những thủ [44],

Đoạn trừ những xúc,

Những ngăn che được đoạn trừ,

Đoạn trừ các triền cái,

Đoạn trừ những cấu uế,

Đoạn trừ những ái,

Đoạn trừ những ý,

Đoạn trừ những tà kiến, sanh chánh kiến,

Đoạn trừ vô minh sanh minh. (… ) “Này Tỳ-kheo, quán sát mắt là vô thường như vậy, cho đến… biết như vậy, thấy như vậy lần lượt vô minh được đoạn trừ để sanh ra minh.

Khi Tỳ-kheo kia nghe những gì đức Phật đã dạy rồi hoan hỷ, làm lễ mà lui.

KINH 204. NGÃ KIẾN ĐOẠN [45]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. [51c] Bấy giờ, có Tỳ-kheo đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, rồi bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, biết thế nào, thấy thế nào để lần lượt ngã kiến được đoạn trừ, vô ngã kiến phát sanh?”

Phật bảo Tỳ-kheo kia:

“Đối với mắt mà chánh quán vô thường. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc, kia chánh quán là vô ngã. Cũng vậy, cho đến, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là ý xúc, kia chánh quán là vô ngã.

“Này Tỳ-kheo, biết như vậy, thấy như vậy, sẽ lần lượt ngã kiến được đoạn trừ, vô ngã kiến phát sanh. Tỳ-kheo kia sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ làm lễ mà lui.

KINH 205. NĂNG ĐOẠN NHẤT PHÁp [46]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Am-la của thầy thuốc Kỳ-bà Câu-ma-la [47] tại Tỳ-xá-ly. [48] Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo đoạn trừ được một pháp sẽ đạt được chánh trí, và có thể tự tuyên bố, tự biết ‘Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong không còn tái sanh đời sau nữa.’” 

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, là sở y của pháp. Cúi xin diễn nói. Các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ vâng theo lời chỉ dạy mà thực hành.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.

“Này các Tỳ-kheo, thế nào là đoạn trừ một pháp cho đến… không còn tái sanh đời sau nữa? Đó là vô minh, ly dục, minh phát sanh, đạt được chánh trí, và có thể tự tuyên bố, tự biết ‘Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Lúc ấy có Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch áo vai hữu, đảnh lễ Phật, gối phải quỳ sát đất, chấp tay bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, biết thế nào, thấy thế nào để vô minh ly dục, minh phát sanh?”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy quán sát chân chánh mắt là vô thường. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc, hãy quán sát là vô thường. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cũng như vậy. Tỳ-kheo nào, biết như vậy, thấy như vậy đối với vô minh ly dục, thì minh phát sanh.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 206. NHƯ THẬT TRI KIẾN [49]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Am-la của thầy thuốc Kỳ-bà Câu-ma-la [50] tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:

“Đối với mắt, hãy biết như thật, thấy như thật. Hoặc sắc, nhãn thức, nhãn xúc, [52b] cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc, hãy biết như thật, thấy như thật. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Khi đã biết như thật về chúng, đã thấy như thật về chúng rồi, ở nơi mắt sanh ra nhàm tởm. Ở nơi sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc, sanh ra nhàm tởm. Ở nơi tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Do nhàm tởm mà không ái lạc. Do không ái lạc mà được giải thoát, giải thoát tri kiến, tự biết ‘Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong không còn tái sanh đời sau nữa.’” 

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành. 

KINH 207. ƯU-ĐÀ-NA [51]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Am-la của thầy thuốc Kỳ-bà Câu-ma-la [52] tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ đức Thế Tôn nói những bài kệ ưu-đà-na rồi, bảo Tôn giả A-nan:

“Mắt là vô thường, khổ, biến dịch, là pháp dị phần [53]. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc; chúng là vô thường, khổ, biến dịch, là pháp dị phần. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Đa văn Thánh đệ tử nên quán sát như vậy, đối với mắt mà được giải thoát; đối với sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc mà được giải thoát. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp, ý, ý thức, ý xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là ý xúc, cmà được giải thoát. Ta bảo người này  giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, não, khổ.”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 208. NHƯ THẬT TRI [54]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Am-la của thầy thuốc Kỳ-bà Câu-ma-la tại Tỳ-xá-ly [55]. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy chuyên cần phương tiện thiền tư [56] để được nội tâm tịch tĩnh.Vì sao? Này các Tỳ-kheo, do phương tiện thiền tư, được nội tâm tịch tĩnh, nên tri khiến như thật như vậy được hiển hiện [57]. Hiển hiện như thật tri về cái gì? Hiển hiện như thật tri đối với mắt. Hiển hiện như thật tri đối với sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Các pháp này là vô thường, hữu vi, được hiển hiện như thật tri như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 209. TAM-MA-ĐỀ [58]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Am-la của thầy thuốc Kỳ-bà [52c] Câu-ma-la tại Tỳ-xá-ly [59]. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy tu tập vô lượng tam-ma-đề, [60] chuyên cần tập trung ý nghĩ. Vì sao? Do tu tập vô lượng tam-ma-đề, chuyên cần tập trung ý nghĩ mà được như thật hiển hiện. [61] Như thật hiển hiện cái gì? Như thật hiển hiện đối với mắt.”

Chi tiết như trên... cho đến:

“Các pháp này là vô thường, hữu vi cũng được hiển hiện như thật như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 210 VÔ THƯỜNG [62]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Am-la của thầy thuốc Kỳ-bà Câu-ma-la tại Tỳ-xá-ly [63]. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Mắt quá khứ, vị lai là vô thường, huống chi là mắt hiện tại. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy, không hoài niệm mắt quá khứ, không mong cầu mắt vị lai, và đối với mắt hiện tại mà nhàm tởm, không ham muốn, ly dục, hướng đến chán bỏ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như vô thường, đối với khổ, không, vô ngã cũng dạy như vậy.

Như bốn kinh nội nhập xứ, bốn kinh ngoại nhập xứ, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, và bốn kinh nội ngoại nhập xứ cũng dạy như vậy.

KINH 211. LỤC XÚC NHẬP XỨ [64]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Am-la của thầy thuốc Kỳ-bà Câu-ma-la tại Tỳ-xá-ly [65]. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có sáu xúc nhập xứ. Những gì là sáu? Đó là, nhãn xúc nhập xứ; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc nhập xứ. Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với sáu xúc nhập xứ này mà không biết như thật về sự tập khởi, sự diệt tận, vị ngọt, sự tai hại, và sự xuất ly, nên biết, Sa-môn, Bà-la-môn này cách xa Pháp, Luật của Ta như trời và đất.”

Lúc ấy, có Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục đảnh lễ Phật, rồi chấp tay bạch Phật:

“Con có đầy đủ tri kiến như thật về sự tập khởi, sự diệt tận, vị ngọt, sự tai hại, và sự xuất ly của sáu nhập xứ này.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Bây giờ, Ta hỏi ngươi, hãy theo câu hỏi của Ta mà trả lời. Này Tỳ-kheo, ngươi có thấy nhãn xúc nhập xứ là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Lành thay! Lành thay! Đối với nhãn xúc nhập xứ này là chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Người nào thấy, biết như thật, không khởi lên các lậu hoặc, tâm không nhiễm đắm, tâm được giải thoát. Đó gọi là xúc nhập xứ [53a] đầu tiên đã đoạn trừ, đã biết rõ, đã đoạn trừ cội gốc của nó như chặt ngọn cây đa-la, đối với pháp vị lai, nhãn thức và sắc vĩnh viễn không khởi lên lại.

“Ngươi có thấy tai, mũi, lưỡi, thân, ý xúc nhập xứ là ngã, khác ngã, ở trong nhau không?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Lành thay! Lành thay! Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý xúc nhập xứ chẳng phải là ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Người nào biết, thấy như thật như vậy, không khởi lên các lậu hoặc, tâm không đắm nhiễm, tâm đạt được giải thoát. Đó gọi là Tỳ-kheo đối với sáu xúc nhập xứ, đã đoạn trừ được, đã biết rõ, đã đoạn trừ được cội gốc này như chặt ngọn cây đa-la, ý thức và pháp sẽ không còn sanh trở lại ở đời vị lai nữa.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 212. ĐỊA NGỤC [66]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Am-la của thầy thuốc Kỳ-bà Câu-ma-la tại Tỳ-xá-ly [67]. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Chớ lạc, chớ khổ. Vì sao? Có địa ngục gọi là Sáu xúc nhập xứ [68]. Chúng sanh, sanh ở trong địa ngục này, mắt chỉ thấy sắc không đáng ưa, chứ không thấy sắc đáng ưa; chỉ thấy sắc không đáng tưởng nhớ, chứ không thấy sắc đáng được tưởng nhớ; chỉ thấy sắc không lành, chứ không thấy sắc lành. Vì những nhân duyên này nên chỉ một mực nhận lãnh buồn khổ mà thôi. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý thức đối pháp cũng chỉ thấy không đáng yêu, chứ không thấy đáng yêu; chỉ thấy cái không đáng nhớ, chứ không thấy đáng nhớ; chỉ thấy pháp không lành, chứ không thấy pháp lành. Vì những nguyên nhân này nên luôn luôn phải chịu buồn khổ.

“Này các Tỳ-kheo, có cõi trời gọi là Sáu xúc nhập xứ [69]. Chúng sanh sanh vào nơi này, mắt chỉ thấy sắc đáng yêu, chứ không thấy sắc không đáng yêu; chỉ thấy sắc đáng nhớ, chứ không thấy sắc không đáng nhớ; chỉ thấy sắc lành, chứ không thấy sắc không lành. Vì những nguyên nhân này, nên luôn luôn chỉ cảm nhận vui thích mà thôi. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý thức đối với pháp là đáng yêu, chứ không phải không đáng yêu; là đáng nhớ, chứ không phải không đáng nhớ; là lành, chứ không phải là không lành.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 213. THẾ GIAN NGŨ DỤC [70]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Am-la của thầy thuốc Kỳ-bà Câu-ma-la tại Tỳ-xá-ly [71]. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Xưa kia, khi Ta chưa thành Chánh giác, ở một mình nơi thanh vắng, thiền định tư duy, quán sát xem tự tâm phần nhiều hướng đến nơi nào? Tự tâm phần nhiều chạy theo năm công đứccủa dục quá khứ, [53b]  phần ít chạy theo năm công đức của dục hiện tại, lại càng rất ít chạy theo đời vị lai. Khi Ta quán sát thấy tâm phần nhiều chạy theo năm dục quá khứ, bèn nỗ lực tìm phương tiện, tinh cần tự giữ gìn, không để chạy theo năm công đức của dục quá khứ nữa.

“Do tinh cần tự giữ, nên Ta dần dần đến gần được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác [72].

“Này các Tỳ-kheo, các ngươi cũng phần nhiều chạy theo năm công đức của dục quá khứ, còn đối với hiện tại, vị lai lại cũng rất ít. Hiện tại, các ngươi cũng nên vì tâm phần nhiều chạy theo năm công đức của dục quá khứ đó, tăng cường tự phòng hộ, không bao lâu cũng sẽ chứng đắc lậu tận, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời hiện tại này tự tri tự tác chứng, tự biết rằng ‘Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’

Vì sao? Mắt thấy sắc làm nhân duyên sanh ra nội cảm thọ, hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ không vuiTai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với pháp làm nhân duyên sanh ra nội cảm thọ, hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ không vui. Cho nên, các Tỳ-kheo, đối với những nhập xứ này cần phải giác tri [73], khi mắt kia diệt thì sắc tưởng sẽ lìa; tai, mũi, lưỡi, thân, ý diệt thì pháp tưởng sẽ lìa.”

Phật nói cần phải nhận biết sáu nhập xứ rồi, liền vào thất tọa thiền.

Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo, sau khi đức Thế Tôn đi rồi, bàn luận như vầy: “Thế Tôn đã nói gọn pháp yếu cho chúng ta, nhưng không phân tích đầy đủ mà đã vào thất tọa thiền. Thế Tôn bảo rằng: ‘Sáu nhập xứ cần phải giác tri; khi mắt kia diệt thì sắc tưởng sẽ lìa; tai, mũi, lưỡi, thân, ý diệt thì pháp tưởng sẽ lìa.’

“Hiện tại, đối với pháp do đức Thế Tôn đã nói gọn, chúng ta vẫn còn chưa hiểu. Nay ở trong chúng này, ai là người có trí tuệ có thể vì chúng tôi, đối với pháp đã được đức Thế Tôn nói gọn đó, mà vì chúng tôi diễn nói đầy đủ nghĩa của nó?”

Họ lại nghĩ: “Chỉ có Tôn giả A-nan, luôn luôn hầu đức Thế Tôn, thường được Thế Tôn và các vị đồng phạm hạnh có trí khen ngợi. Chỉ có Tôn giả A-nan mới có thể vì chúng ta diễn nói lại nghĩa pháp đã được đức Thế Tôn nói gọn đó. Nay, chúng ta cùng nhau đến chỗ Tôn giả A-nan hỏi về ý nghĩa quan trọng của chúng, và theo những gì Tôn giả A-nan nói tất cả chúng ta sẽ phụng hành.”

Bấy giờ, số đông chúng Tỳ-kheo đi đến chỗ Tôn giả A-nan, cùng nhau thăm hỏi rồi ngồi qua một bên, Bạch Tôn giả A-nan:

“Tôn giả, nên biết cho, đức Thế Tôn vì chúng tôi đã nói gọn pháp yếu, (chi tiết như đã nói ở trên). Xin Tôn giả vì chúng tôi nói đầy đủ nghĩa của chúng.”

Tôn giả A-nan nói với các Tỳ-kheo:

“Hãy lắng nghe, [52c] và suy nghĩ kỹ, Tôi sẽ vì các thầy mà nói về pháp đã được đức Thế Tôn nói gọn một cách đầy đủ nghĩa của chúng. “Đức Thế Tôn đã nói tóm gọn chỉ cho việc diệt sáu nhập xứ, còn những điều khác sẽ nói là nhãn xứ diệt thì sắc tưởng sẽ lìa; tai, mũi, lưỡi, thân, ý nhập xứ diệt, thì pháp tưởng sẽ lìa. Đức Thế Tôn nói gọn pháp này xong vào thất thiền định. Nay tôi đã vì các thầy phân tích nghĩa này.”

Tôn giả A-nan nói nghĩa này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Tôn giả đã nói, hoan hỷ phụng hành.

KINH 214. BẤT PHÓNG DẬT [74]

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Ta không nói hạnh không buông lung cho tất cả các Tỳ-kheo, cũng chẳng phải không nói hạnh không buông lung cho tất cả các Tỳ-kheo.

“Ta không nhắm đến những hạng Tỳ-kheo nào để nói hạnh không buông lung? Nếu Tỳ-kheo đã chứng đắc A-la-hán, đã diệt tận các lậu, đã rời bỏ các gánh nặng, đã đạt được mục đích của mình, đã tận trừ các kết sử hữu, tâm chánh giải thoát; đối với hạng Tỳ-kheo như vậy, Ta không vì họ nói hạnh không buông lung. Vì sao? Vì các hàng Tỳ-kheo này đã không buông lung, nên không thể tạo việc buông lung được nữa. Hiện tại Ta thấy các Tôn giả kia đã đạt được quả không buông lung, cho nên không phải vì họ mà nói hạnh không buông lung.

“Vì những hạng Tỳ-kheo nào mà nói hạnh không buông lung? Đó là hàng Tỳ-kheo còn ở học địa, tâm, ý chưa được tăng thượng an ổn, hướng đến an trụ Niết-bàn. Đói với những hàng Tỳ-kheo như vậy, Ta vì họ mà nói hạnh không buông lung. Vì sao? Vì hàng Tỳ-kheo này đang tập học các căn, tâm còn ái lạc theo các phương tiện sinh sống, gần gũi bạn lành, chẳng bao lâu các lậu được đoạn trừ, được vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; ngay trong hiện tại tự tri tự tác chứng, tư biết ‘Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’ Vì sao? Vì con mắt của họ nhận thức sắc đáng được yêu thích và đắm trước đó; các Tỳ-kheo này thấy rồi mà không vui, không khen ngợi, không nhiễm, không trói đắm vào. Vì không vui, không khen ngợi, không nhiễm, không bị trói đắm vào, nên nổ lực tinh tấn, thân tâm an chỉ tịch tĩnh, tâm tuyệt đối an trụ không quên, thường định nhất tâm, pháp hỷ không lường, sớm được tam muội chánh thọ đệ nhất, cuối cùng không còn bị lệ thuộc vào mắt và sắc. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý và pháp cũng lại như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 215. PHÁP [75]

 [54a] Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Ta sẽ vì các ngươi diễn nói hai pháp. Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ. Hai pháp đó là gì? Nhãn và sắc là hai; tai và thanh, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp là hai. Đó gọi là hai pháp.

“Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào nói như vầy: ‘Đây chẳng phải là hai. Hai pháp mà Sa-môn Cù-đàm nói, đó thật sự không phải là hai.’ [76] Người kia nói hai pháp theo ý của mình, đấy chỉ có trên ngôn thuyết; khi hỏi đến người ấy sẽ không biết, khiến sẽ tăng thêm nghi hoặc cho họ, vì đây chẳng phải là cảnh giới của họ. Vì sao? Duyên vào mắt và sắc sanh ra nhãn thức, do duyên ba sự hòa hiệp này mà có xúc, [77] duyên xúc sanh thọ, hoặc khổ, hoặc lạc, hoặc không khổ không lạc. Ai không biết như thật về sự tập khởi của thọ, về sự diệt tận của cảm thọ, về vị ngọt của cảm thọ, về sự tai hại của cảm thọ, về sự xuất ly cảm thọ này, người gieo trồng tham dục thân xúc, gieo trồng sân nhuế thân xúc, sẽ gieo trồng giới thủ thân xúc, gieo trồng ngã kiến thân xúc; cũng gieo trồng và làm tăng trưởng các ác pháp bất thiện trở thành thuần một tụ khổ lớn như vậy, đều từ sự tập khởi mà sanh ra.

“Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và pháp làm nhân duyên sanh ra ý thức. Ba sự hòa hiệp là xúc xúc, nói chi tiết như trên.

“Lại nữa, khi nhãn duyên vào sắc sanh ra nhãn thức, cả ba chúng hòa hợp sanh ra xúc, và xúc làm duyên sanh thọ, hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ không vui. Khi đã biết về sự tập khởi của cảm thọ, về sự diệt tận của cảm thọ, về vị ngọt của cảm thọ, về sự tai hại của cảm thọ, về sự xuất ly của cảm thọ như vậy rồi, không gieo trồng tham dục thân xúc, không gieo trồng sân nhuế thân xúc, không gieo trồng giới thủ thân xúc, không gieo trồng ngã kiến thân xúc, không gieo trồng các pháp ác bất thiện. Như vậy các pháp ác bất thiện bị tiêu diệt, thuần một tụ khổ lớn cũng bị tiêu diệt. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý và pháp lại cũng như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 216. NHỊ PHÁP [78]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có hai nhân duyên sanh ra thức. Những gì là hai? Đó là, mắt và sắc; tai và mũi; lưỡi và vị; thân và xúc; ý và pháp. Nói chi tiết như trên, cho đến… chẳng phải là cảnh giới của họ.

“Vì sao? Mắt và sắc làm nhân duyên sanh ra nhãn thức, chúng là pháp hữu vi, vô thường, tâm duyên mà sanh. Hòa hợp ba pháp này là xúc, xúc rồi sanh thọ; thọ rồi sanh tư; tư rồi sanh tưởng. Tất cả những pháp này là pháp hữu vi, vô thường, tâm duyên mà sanh, tức là: xúc, tưởng, tư. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.”

 [54b] Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 217. PHÚ-LÂU-NA [79]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả Phú-lưu-na [80] cùng các Tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân Phật, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:

“Thế Tôn nói pháp hiện thấy, nói dập tắt sự rực cháy, nói không đợi thời, nói hướng đạo chân chánh, nói chính nơi đây mà thấy, nói duyên tự tâm mà giác ngộ [81]. Vậy, Bạch Thế Tôn thế nào là pháp hiện thấy, cho đến duyên tự tâm mà giác ngộ?

Phật bảo Phú-lưu-na:

“Lành thay! Phú-lưu-na có thể hỏi những điều này. Này Phú-lưu-na, Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.

“Này Phú-lưu-na, mắt thấy sắc rồi giác tri [82] sắc, giác tri sắc tham. Nếu bên trong ta có sự tham ái đối với sắc được nhận thức bởi mắt, thì biết như thật rằng bên trong ta có sự tham ái đối với sắc được nhận thức bởi mắt. Này phú-lưu-na, nếu mắt thấy sắc rồi giác tri sắc, giác tri sắc tham, biết như thật rằng bên trong ta có sự tham ái đối với sắc được nhận thức bởi mắt. Đó gọi là pháp được hiện thấy [83].

“Thế nào là dập tắt sự rực cháy? Thế nào là không đợi thời? Thế nào là hướng đạo chân chánh? Thế nào là chính nơi đây mà thấy? Thế nào là duyên tự tâm mà giác ngộ?

“Này Phú-lưu-na, mắt thấy sắc rồi giác tri sắc, nhưng không khởi giác tri sắc tham; biết như thật rằng bên trong ta có sự tham ái đối với sắc được nhân thức nhưng không khởi giác tri sắc tham. Nếu Tỳ-kheo Phú-lưu-na, khi mắt thấy sắc, rồi giác tri sắc, không khởi giác tri sắc tham, và biết như thật về sắc, biết như thật là không khởi giác tri sắc tham; gọi đó là dập tắt sự rực cháy, không đợi thời, hướng đạo chân chánh, chính nơi đây mà thấy, duyên tự tâm mà giác ngộ. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.”

Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo Phú-lưu-na nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 218. ĐẠI HẢI [84]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nói biển lớn; đó là lời nói của người ngu nói, chứ không phải là lời nói của bậc Thánh. Biển lớn này chỉ là một ít nước thôi. Biển mà Thánh nói là cái gì? Đó là, sắc được nhận thức bởi mắt, đáng mong muốn, đáng yêu thích, trong đó nghiệp thân, khẩu, ý chìm đắm tham lạc; đó gọi là biển. Tất cả thế gian bao gồm chúng A-tu-la, cho đến Trời, Người tham lạc chìm đắm trong đó. Như trong ruột chó, như đống cỏ rối [85], đời này và đời khác được nối kết chằng chịt lại cũng như vậy. Đối với tiếng được nhận thức bởi tai, mùi được nhận thức bởi mũi, vị được nhận thức bởi lưỡi, xúc được nhận thức bởi thân, đời này và đời khác được nối kết [54c] chằng chịt lại cũng như vậy.”

 Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như nói về nghiệp thân, miệng, ý; tham, nhuế, si, già, bệnh, chết cũng nói chi tiết như vậy. Giống như ba kinh nói về năm căn, ba kinh nói về sáu căn cũng như vậy.

KINH 219. ĐẠI HẢI (2) [86]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nói biển lớn; đó là lời nói của người ngu nói, chứ không phải là lời nói của bậc Thánh. Bậc Thánh nói mắt là biển lớn của con người, và sắc kia là sóng cả [87]. Nếu người nào chịu nổi sắc ba đào, người ấy sẽ vượt qua bờ bên kia của biển cả của mắt, với các sóng cả, các dòng xoáy, sâu trùng độc hại, và nữ quỷ La-sát. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý, chúng là biển cả của con người, thanh, mùi hương, vị, xúc, pháp là sóng cả. Nếu ai kham chịu nổi pháp ba đào này, người sẽ vượt qua bờ bên kia của biển cả của mắt, với các sóng cả, các dòng xoáy, sâu trùng độc hại, và nữ quỷ La-sát.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn đọc bài kệ:

Biển cả sóng cuồn cuộn,

Quỷ, ác trùng, ghê sợ;

Khó vượt nhưng vượt được.

Vĩnh viễn đoạn tập khởi,

Dứt trừ tất cả khổ,

Không tái sanh đời khác.

Vĩnh viễn trụ Niết-bàn,

Không còn buông lung nữa.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 220. KHỔ TẬP DIỆT [88]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ vì các ngươi mà nói về con đường dẫn đến tập khởi của khổ và con đường dẫn đến diệt tận khổ [89]. Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.

“Thế nào là con đường dẫn đến tập khởi khổ? Do duyên con mắt và sắc nhãn thức phát sanh; hòa hợp  là xúc; [90] xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già, bệnh, chết, ưu, bi, não, khổ tập khởi như vậy. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Đó gọi là con đường tập khởi của khổ.

“Thế nào là con đường dẫn đến diệt tận khổ? Do duyên con mắt và sắc nhãn thức phát sanh; hòa hợp ba sự xúc. Xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì già, bệnh, chết, ưu, bi, não, khổ cũng diệt luôn, thuần một tụ khổ lớn như vậy bị tiêu diệt. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như vậy. [55a] Đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của khổ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 221. NIẾT-BÀN ĐẠO TÍCH [91]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói về con đường đưa đến Niết-bàn. Vậy, thế nào là con đường đưa đến Niết-bàn? Quán sát mắt là vô thường. Quán sát sắc, nhãn thức, và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc; chúng cũng đều là vô thường. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Đó gọi là con đường đưa đến Niết-bàn.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 222. TỢ THÚ NIẾT-BÀN ĐẠO TÍCH [92]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo: 

“Có con đường tương tợ đưa đến Niết-bàn. [93] Vậy, thế nào là con đường tương tợ đưa đến Niết-bàn? Quán sát mắt chẳng phải ngã. Quán sát sắc, nhãn thức, và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc; chúng được quán sát là vô thường [94]. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Đó gọi là con đường tương tợ đưa đến Niết-bàn.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 223. THỦ [95]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có con đường đưa đến tất cả thủ. Vậy, thế nào là con đường đưa đến tất cả thủ? Duyên con mắt và sắc mà nhãn thức phát sanh; hòa hợp ba sự xúc. Xúc duyên sanh thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, vì được chấp thủ bởi thủ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cũng vậy; vì được chấp thủ bởi thủ. Đó gọi là con đường đưa đến tất cả thủ.

“Thế nào là con đường đoạn tận tất cả thủ? Duyên con mắt và sắc mà nhãn thức phát sanh; hòa hợp ba sự xúc. Nếu xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 224. TRI THỨC [96]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nên biết tất cả pháp được liễu tri, tất cả pháp được nhận thức [97]. Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.

Thế nào là [55b] tất cả pháp được liễu tri? Tất cả pháp được nhận thức? Này các Tỳ-kheo, mắt là pháp được liễu tri, được nhận thức. Sắc, nhãn thức, và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc, tất cả chúng đều là pháp được liễu tri, được nhận thức. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 225. ĐOẠN [98]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Ta không nói có một pháp không được liễu tri, không được nhận thức, mà có thể cứu cánh biên tế khổ. Thế nào là không nói có một pháp không được liễu tri, không được nhận thức, mà cứu cánh biên tế khổ? Ta không nói, đối với mắt không được liễu tri, không được nhận thức, mà có thể cứu cánh biên tế khổ. Sắc, nhãn thức, và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc, Ta không nói, không được liễu tri, không được nhận thức, mà có thể cứu cánh biên tế khổ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 226. ĐOẠN [99]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Tất cả pháp dục cần phải đoạn trừ [100]. Vậy, thế nào là tất cả pháp dục cần phải đoạn trừ? Mắt là tất cả pháp dục cần phải đoạn trừ. Sắc, nhãn thức, và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc, chúng là tất cả pháp dục cần phải đoạn trừ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 227. ĐOẠN [101]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Ta không nói một pháp nếu không được biết rõ, không bị đoạn trừ mà có thể cứu cánh biên tế khổ. Vậy, thế nào là không nói một pháp nếu không được biết rõ, không bị đoạn trừ mà có thể cứu cánh biên tế khổ? Ta không nói mắt, không được biết rõ, không bị đoạn trừ mà có thể cứu cánh biên tế khổ. Sắc, nhãn thức, và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc, thì tất cả chúng, Ta không nói, không được biết rõ, không bị đoạn trừ mà có thể cứu cánh biên tế khổ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 228. KẾ [102]

 [55b] Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói về sự đoạn trừ tất cả kế chấp. [103] Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.

“Thế nào là không kế chấp? Không chấp ngã thấy sắc, không chấp mắt là ngã sở, không chấp lệ thuộc vào nhau. [104] Sắc, nhãn thức, và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc, đối với chúng không đam mê chấp là ngã, hay là ngã sở, không chấp là khoái lạc, hỗ tương khoái lạc [105]. Không chấp tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Người nào không chấp như vậy, người ấy đối với các pháp thế gian  thường không có gì để chấp giữ. Không có gì để chấp giữ nên không có gì để đắm nhiễm. Không có gì để đắm nhiễm nên tự mình giác ngộ Niết-bàn, tự biết ‘Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 229. KẾ [106]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Kế chấp là bệnh, kế chấp là ung nhọt, kế chấp là gai nhọn [107]. Như lai vì không trụ kế chấp nên xa lìa bệnh, xa lìa ung nhọt, xa lìa gai nhọn. Cho nên này các Tỳ-kheo, nếu muốn cầu không trụ kế chấp, để xa lìa bệnh, xa lìa ung nhọt, xa lìa gai nhọn, Tỳ-kheo các ngươi chớ kế chấp mắt là ngã, là ngã sở, chớ kế chấp tương thuộc của mắt; chớ chấp sắc, nhãn thức, và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc, cũng không chấp cho là ngã, là ngã sở, hay ở trong nhau. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

Này các Tỳ-kheo, người nào không chấp như vậy, đối với mắt sẽ không có gì để chấp giữ. Không có gì để giữ, nên không có gì để đắm nhiễm. Không có gì để đắm nhiễm nên tự mình giác ngộ Niết-bàn, tự biết ‘Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như mắt… đã nói trên, còn tất cả những nội dung khác cũng như vậy.

KINH 230. TĂNG TRƯỞNG [108]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói về pháp tăng trưởng, và pháp tổn diệt. Thế nào là pháp tăng trưởng? Duyên con mắt và sắc mà nhãn thức phát sanh; hòa hợp ba sự xúc. Xúc duyên sanh thọ... (nói chi tiết đầy đủ cho đến…), thuần một tụ khổ lớn. [56a] Đó gọi là pháp tăng trưởng. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy, đó gọi là pháp tăng trưởng.

“Thế nào là pháp tổn diệt? Duyên con mắt và sắc mà nhãn thức phát sanh; hòa hợp ba sự xúc. Xúc diệt thì thọ diệt, chi tiết cho đến… thuần một tụ khổ lớn bị diệt tận. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy, đó gọi là pháp tổn diệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như pháp tăng trưởng và tổn diệt, cũng dạy như trên: pháp khởi, pháp xứ, pháp biến dịch, pháp tập khởi, pháp diệt tận.

KINH 231. HỮU LẬU VÔ LẬU [109]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói về pháp hữu lậu và pháp vô lậu. Vậy, thế nào là pháp hữu lậu? Sắc, nhãn thức, và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp, ý thức, ý xúc, và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên ý xúc; thuộc thế tục, nên gọi là pháp hữu lậu.

“Thế nào là pháp vô lậu? Vượt ra ngoài ý thế gian, hoặc pháp, ý thức, ý xúc, và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên ý xúc, thuộc xuất thế gian, nên gọi là pháp vô lậu.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành. [110]

KINH 232. TAM-DI-LY-ĐỀ [111]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Tỳ-kheo tên là Tam-di-li-đề [112] đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, gọi là thế gian. Vậy, thế nào gọi là thế gian?”

Phật bảo Tam-di-li-đề:

“Con mắt, sắc, nhãn thức, nhãn xúc và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp, ý thức, ý xúc, và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân [56b] duyên ý xúc. Đó gọi là thế gian. Vì sao? Sáu nhập xứ tập khởi nên xúc tập khởi, như vậy cho đến thuần một tụ khổ lớn cũng tập khởi.

“Này Tam-di-li-đề, nếu không có con mắt kia, không có sắc, không có nhãn thức, không có nhãn xúc và không có cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc; không có tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp, ý thức, ý xúc, và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên ý xúc, không có thế gian, cũng không có thi thiết thế gian [113]. Vì sao? Sáu nhập xứ diệt nên xúc diệt, cho đến thuần một tụ khổ lớn cũng diệt.”

Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo Tam-di-li-đề nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như thế gian, chúng sanh, Ma cũng được nói như vậy.

KINH 233. TAM-DI-LY-ĐỀ (2) [114]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo tên là Tam-di-li-đề, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi lui sanh một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, gọi là thế gian. Vậy, thế nào gọi là thế gian?”

Phật bảo Tam-di-li-đề:

“Mong manh tan vỡ, đó gọi là thế gian. [115] Thế nào là mong manh tan vỡ?

“Này Tam-di-li-đề, mắt là pháp mong manh tan vỡ. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc, tất cả chúng đều mong manh tan vỡ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Đó là nói rằng vì nó mong manh tan vỡ cho nên gọi là thế gian.”

Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo Tam-di-li-đề nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 234. KHÔNG [116]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo tên là Tam-di-li-đề, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nói rằng ‘Thế gian trống không.’ [117] Vậy, thế nào gọi là ‘Thế gian không’?”

Phật bảo Tam-di-li-đề:

“Mắt là không; pháp thường trú, vĩnh hằng, không biến dịch là không; ngã sở là không [118]. Vì sao? Vì tánh của nó tự là như vậy. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc, tất cả chúng cũng không; pháp thường trú, vĩnh hằng, không biến dịch là không; ngã sở là không. Vì sao? Vì tánh của nó tự như vậy. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Đó gọi là thế gian không.”

Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo Tam-di-li-đề [56c] nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 235. THẾ GIAN [119]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói về thế gian, về sự tập khởi của thế gian, về sự diệt tận thế gian, về con đường đưa đến sự diệt tận thế gian. Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ.

“Thế nào là thế gian? Đó là sáu nội xứ. Những gì là sáu? Nhãn nội xứ, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý nội xứ.

“Thế nào là sự tập khởi thế gian? Đó là tham ái đối hữu tương lai, đi đôi với tham và hỷ, ước vọng tái sanh chỗ này chỗ kia.

“Thế nào là sự diệt tận thế gian? Đó là tham ái đối với hữu tương lai, đi đôi với tham và hỷ, ước vọng tái sanh chỗ này chỗ kia, đã được đoạn trừ không dư tàn, đã xả bỏ, đã nhả ra, đã dứt sạch, đã ly dục, tịch diệt, tịch tịnh, tĩnh chỉ.

“Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận? Tám Thánh đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 236. THẾ GIAN BIÊN [120]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Ta không nói là có người đi đến tận cùng biên tế của thế giới. [121] Ta cũng không nói là không đi đến tận cùng biên tế của thế giới mà có thể cứu cánh tận cùng biên tế của khổ.”

Ngài nói như vậy rồi vào thất Thiền định.

Sau khi đức Thế Tôn đi rồi, bấy giờ có số đông Tỳ-kheo cùng nhau bàn luận:

“Đức Thế Tôn vừa rồi đã tóm lược nói pháp là: ‘Ta không nói là có người đi đến tận cùng biên tế của thế giới. Ta cũng không nói là không đi đến tận cùng biên tế của thế giới mà có thể cứu cánh tận cùng biên tế của khổ.’ Ngài nói như vậy rồi vào thất thiền định. Nay chúng ta chưa hiểu rõ ý nghĩa của bài pháp mà đức Thế Tôn đã nói tóm lược đó. Ở trong các vị, ai là người có thể vì chúng tôi nói đầy đủ ý nghĩa bài pháp mà đức Thế Tôn đã nói tóm lược đó không?”

Lại nói:

“Chỉ có Tôn giả A-nan là người thông minh, trí tuệ ghi nhớ tất cả; thường theo hầu bên cạnh Thế Tôn, được Thế Tôn và các vị đồng phạm hạnh có trí khen ngợi là đa văn, có thể vì chúng ta mà nói đầy đủ ý nghĩa bài pháp mà đức Thế Tôn đã nói tóm lược đó. Chúng ta hãy đi đến chỗ Tôn giả A-nan nhờ Tôn giả giải thích.”

Rồi số đông Tỳ-kheo đến chỗ Tôn giả A-nan, thăm hỏi nhau rồi ngồi qua một bên, đem hết mọi chuyện trên hỏi Tôn giả A-nan.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Tôi sẽ vì các Tôn giả mà nói. Hoặc là thế gian, hoặc là danh của thế gian, giác của thế gian, ngôn từ của thế gian, ngữ thuyết của thế gian, tất cả những thứ này đều thuộc vào số mục của thế gian [122]. Bạch các Tôn giả, [57a] mắt là thế gian, [123] là danh của thế gian, là giác của thế gian, là ngôn từ của thế gian, là ngữ thuyết của thế gian, tất cả chúng đều thuộc vào số mục của thế gian. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Đa văn Thánh đệ tử đối với sáu xứ nên biết như thật về sự tập khởi, về sự diệt tận, về vị ngọt, về sự tai hại, về sự xuất của chúng; đó gọi là đa văn Thánh đệ tử đã đến chỗ tận cùng của thế gian, biết được thế gian, điều mà thế gian trọng [124], vượt qua khỏi thế gian.”

Bấy giờ Tôn giả A-nan lại nói kệ:

Chẳng phải do bước đi,

Mà đến biên thế gian.

Không đến biên thế gian,

Thì không thoát khỏi khổ.

Cho nên đức Mâu-ni,

Là đấng Biết thế gian [125],

Đã đến biên thế gian,

Các phạm hạnh đã lập.

Biên thế giới chỉ có

Chánh trí mới biết rõ.

Giác tuệ đạt thế gian,

Nên nói vượt biên kia.

“Như vậy, các Tôn giả, vừa rồi đức Thế Tôn đã tóm lược bài pháp, rồi vào thất thiền định. Nay tôi vì các Tôn giả phân biệt nói đầy đủ.”

Khi Tôn giả A-nan nói bài pháp này rồi, số đông các Tỳ-kheo nghe những lời đó xong, hoan hỷ phụng hành.

KINH 237. CẬN TRỤ [126]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có thầy, có đệ tử cận trụ, [127] là khổ đối với đời sống cô độc. Không thầy, không đệ tử cận trụ, là an lạc đối với đời sống cô độc [128]. Thế nào là có thầy, có đệ tử cận trụ, là khổ đối với đời sống cô độc? Khi duyên vào mắt thấy sắc mà sanh ra các niệm tưởng ác bất thiện [129] câu hữu với tham, nhuế, si. Tỳ-kheo sống với pháp này, gọi là có thầy. Những gì cư trú trụ bên cạnh đó, [130] gọi là đệ tử cận trụ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy.

“Như vậy nói là có thầy, có đệ tử cận trụ, luôn luôn là khổ đối với đời sống cô độc.

“Thế nào là không thầy, không đệ tử cận trụ, luôn luôn là an lạc đối với đời sống cô độc? Khi duyên vào mắt thấy sắc mà sanh ra niệm ác bất thiện câu hữu với tham, nhuế, si; Tỳ-kheo này không sống với nó, đó gọi là không thầy. Chúng không nương vào Tỳ kheo đó mà trụ, gọi là không đệ tử cận trụ. Đó gọi là không thầy, không đệ tử cận trụ, uôn luôn là an lạc đối với đời sống cô độc.

“Nếu Tỳ-kheo nào, không thầy, không đệ tử cận trụ, Ta nói người này phước phạm hạnh. [131] Vì sao? Không thầy, không đệ tử cận trụ, Tỳ-kheo ấy đã kiến lập phạm hạnh ở nơi Ta, có thể chân chánh diệt tận khổ, cứu cánh biên tế khổ.”

 [57b] Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 238. THANH TỊNH KHẤT THỰC TRỤ [132]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vào buổi sáng sớm, Tôn giả Xá-lợi-phất đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Khất thực xong, Tôn giả trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân, rồi cầm tọa cụ vào trong rừng tọa thiền nghỉ trưa. Sau khi tọa thiền xong Tôn giả Xá-lợi-phất đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên. Bấy giờ, đức Phật hỏi Xá-lợi-phất:

“Ngươi từ đâu lại?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Bạch Thế Tôn, con từ chỗ tọa thiền nghỉ trưa ở trong rừng lại.”

Phật hỏi Xá-lợi-phất:

“Hôm nay ngươi nhập vào thiền nào mà an trú?”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Hôm nay con ở trong rừng, nhập an trụ thiền Không tam-muội [133].”

Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Lành thay! Lành thay, Xá-lợi-phất! Hôm nay ông đã nhập thiền trú bậc thượng mà tọa thiền [134]. Tỳ-kheo muốn nhập thiền thượng tọa, cần phải học như vầy:

“Hoặc khi vào thành, hoặc khi đi khất thực, hoặc lúc ra khỏi thành, phải tư duy như thế này: ‘Hôm nay mắt ta thấy sắc, có khởi lên dục, ân ái, ái lạc, niệm tưởng, đắm nhiễm không?’ Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo quán sát như vậy, nếu nhãn thức đối với sắc mà có ái niệm, đắm nhiễm, Tỳ-kheo này vì để đoạn ác bất thiện nên phải phát khởi quyết ý tinh cần, có khả năng buộc chặt ý niệm để tu học. Ví như có người bị lửa đốt cháy đầu và áo, vì muốn dập tắt hết lửa, nên phải phát khởi nỗ lục quyết tâm để dập tắt lửa. Tỳ-kheo này lại cũng phải như vậy, phải phát khởi quyết ý tinh cần, buộc chặt ý niệm để tu học.

“Nếu Tỳ-kheo khi quán sát, hoặc ở giữa đường, hoặc đi khất thực ở trong làng xóm, hoặc đi ra khỏi làng xóm, ngay trong lúc đó mà nhãn thức đối với sắc không có ái niệm, đắm nhiễm, Tỳ-kheo này ước nguyện bằng thiện căn hỷ lạc này, ngày đêm tinh cần cột niệm tu tập. Đó gọi là Tỳ-kheo đi, đứng, ngồi, nằm, với sự khất thực đã được thanh tịnh. Cho nên kinh này gọi là thanh tịnh khất thực trụ.”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả Xá-lợi-phất nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 239. TÌ-DA-LY [135]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tì-da-li. Bấy giờ có gia chủ tên là Úc-cù-lũ [136] đi đến [57c] chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch phật:

“Vì sao có Tỳ-kheo nhập Niết-bàn ngay trong đời hiện tại này, và có Tỳ-kheo không nhập Niết-bàn ngay trong đời hiện tại này?”

Phật bảo gia chủ:

“Tỳ-kheo đối với sắc được nhận thức bởi mắt mà có ái niệm, đắm nhiễm; do ái niệm, đắm nhiễm, [137] thức luôn luôn bám trên đó, [138] bị nó trói buộc, bị nó giữ chặt, nên không thể nhập Niết-bàn ngay trong đời hiện tại. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy.

“Tỳ-kheo đối với sắc được nhận thức bởi mắt mà không ái niệm, đắm nhiễmKhông có ái niệm, đắm nhiễm nên thức bám trên đó. Do không bị xúc, không bị dính mắc, không bị chấp thủ, nên các Tỳ-kheo này nhập Niết-bàn ngay trong đời hiện tại. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Cho nên, này Gia chủ, có Tỳ-kheo nhập Niết-bàn ngay trong đời này, có Tỳ-kheo không nhập Niết-bàn ngay trong đời này.”

Như kinh Gia chủ hỏi, kinh A-nan hỏi và kinh tự Phật vì các Tỳ-kheo mà nói cũng nói như trên như vậy.

KINH 240. NHÂN DUYÊN [139]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tì-da-li. Bấy giờ có Tỳ-kheo đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi lui sang một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì mà thức con mắt sanh? Do nhân gì duyên gì mà thức tai, mũi, lưỡi, thân, ý sanh?”

Phật bảo Tỳ-kheo: 

“Mắt do duyên sắc nên thức con mắt sanh. Vì sao? Khi thức con mắt sanh, do tất cả mắt và sắc làm nhân duyên. Tai và thanh làm nhân duyên, mũi và hương làm nhân duyên, lưỡi và vị làm nhân duyên; ý và pháp làm nhân duyên nên ý thức sanh. Vì sao? Vì những gì là ý thức, tất cả chúng đều do ý và pháp làm nhân duyên sanh ra.

“Này Tỳ-kheo, đó gọi là nhân duyên sanh ra thức con mắt, cho đến do nhân duyên sanh ra ý thức.”

Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo kia nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 241. KẾT [140]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tì-da-li. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói về pháp bị kết buộc và pháp kết buộc [141].

“Thế nào là pháp bị kết sử trói buộc? Mắt và sắc, tai và thanh, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp; đó gọi là pháp bị kết sử trói buộc.

“Thế nào là pháp kết sử? Dục tham [142]. Đó gọi là pháp kết sử.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 242. THỦ [143]

 [58a] Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tì-da-li. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói về pháp bị chấp thủ, và pháp chấp thủ. [144]

“Thế nào là pháp bị chấp thủ? Mắt và sắc, tai và thanh, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp. Đó gọi là pháp bị chấp thủ.

“Thế nào là pháp chấp thủ? Dục tham. Đó gọi là pháp chấp thủ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 243. THIÊU NHIỆT [145]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tì-da-li. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo, phàm phu ngu si không học, thà dùng lửa nấu chảy đồng sôi đem thiêu đốt con mắt của mình, khiến cho nó cháy thiêu, chứ không để nhãn thức chấp vào sắc tướng mà chạy theo hình dáng tốt đẹp. Vì sao? Chấp vào sắc tướng, chạy theo những hình ảnh tốt đẹp, nên bị rơi vào đường ác, như hòn sắt bị chìm.

“Phàm phu ngu si, không học, thà nung đỏ dùi sắt đem dùi lỗ tai mình còn hơn là dùng nhĩ thức chấp vào thanh mà chạy theo tiếng hay. Vì sao? Nhĩ thức chấp vào thanh mà chạy theo tiếng hay, khi thân hoại mạng chung sẽ rơi vào trong đường ác, như hòn sắt bị chìm.

“Phàm phu ngu si, không học, thà dùng lưỡi dao bén cắt đứt mũi mình đi, còn hơn là dùng nhĩ thức chấp vào mùi mà chạy theo hương thơm. Vì sao? Vì chấp vào hương mà chạy theo mùi thơm, khi thân hoại mạng chung sẽ rơi vào tromg dường ác, như hoàn sắt bị chìm.

“Phàm phu ngu si, không học, thà dùng lưỡi dao bén cắt đứt lưỡi mình đi, còn hơn là dùng thiệt thức chấp vào vị mà chạy theo vị ngon. Vì sao? Chấp vào vị mà chạy theo vị ngon, khi thân hoại mạng chung sẽ rơi vào trong đường ác, như hoàn sắt bị chìm.

“Phàm phu ngu si, không học, thà dùng thanh sắt cứng, cây dáo mũi nhọn đâm vào thân thể mình, còn hơn là dùng thân thức chấp vào sự xúc chạm mà chạy theo cảm giác xúc chạm êm ái. Vì sao? Chấp vào sự xúc chạm mà chạy theo cảm giác xúc chạm êm ái, khi thân hoại mạng chung, sẽ rơi vào trong đường ác, như hoàn sắt bị chìm,

“Này các Tỳ-kheo, ham ngủ là sinh hoạt của người ngu, là mạng sống của người, không lợi, không phước [146]. Nhưng này các Tỳ-kheo, thà nên mê ngủ còn hơn là đối với sắc kia mà khởi lên ý tưởng tỉnh giấc. Nếu khởi lên giác tưởng ắt sẽ sanh ra triền phược, tranh tụng, có thể khiến cho mọi người đưa đến việc làm phi nghĩa, không mang lại lợi ích và an lạc cho Trời Người [147].

“Đa văn Thánh đệ tử kia nên phải học [58b] như vầy: ‘Nay ta thà nung đỏ cây thương bằng sắt đem đâm vào con mắt, còn hơn là dùng nhãn thức để chạy theo sắc tướng rồi chắc chắn sẽ bị rơi vào ba đường ác phải chịu khổ lâu dài. Từ hôm nay, ta phải tư duy chân chánh, quán sát mắt là vô thường, hữu vi, là pháp tâm duyên mà sanh. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc, tất cả chúng đều là vô thường, hữu vi, là pháp tâm duyên để sanh. Đối với tai, mũi lưỡi, thân nhập xứ, cũng phải học như vậy. Thà dùng cây thương sắt đâm thủng thân mình, còn hơn là đem thân thức chấp vào sự xúc chạm mà chạy theo cảm giác xúc chạm êm ái, sẽ rơi vào ba đường ác. Từ hôm nay, ta phải tư duy đúng, quán sát thân là pháp hữu vi vô thường, do tâm duyên sanh. Hoặc xúc, thân thức, thân xúc, và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên thân xúc, chúng cũng là vô thường, hữu vi, là pháp tâm duyên sanh.’

“Đa văn Thánh đệ tử nên học như vầy: ‘Ham ngủ là sinh hoạt của người ngu, là mạng sống của người ngu, không lợi, không phước. Ta không ham ngủ, cũng không khởi tưởng tỉnh giấc. Nếu khởi tưởng tỉnh giấc thì sẽ sanh ra triền phược, tranh tụng, khiến cho mọi người làm những việc phi nghĩa, không lợi ích, không đem lại an lạc.’

“Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy đối với mắt sanh ra nhàm tởm. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc, đối với chúng cũng sanh ra nhàm tởm. Do nhàm tởm nên không yêu thích; vì không yêu thích nên được giải thoát, giải thoát tri kiến, tự biết rằng ‘Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’ Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh 244. TRI [148]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tì-da-li. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Đối với mắt mà không liễu tri, không nhận thức, không đoạn tận, không ly dục, không thể chân chánh diệt khổ. Đối với mắt, nếu liễu tri, nhận thức, đoạn tận, ly dục, có thể chân chánh diệt khổ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như bốn kinh nói về mắt, cho đến ý, hai mươi bốn kinh cũng nói như trên như vậy.

KINH 245. VỊ [149]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tì-da-li. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo, nếu nếm vị nơi mắt, nên biết, Sa-môn, Bà-la-môn đó không tự tại [58c] thoát khỏi bàn tay của Ma, bị Ma trói buộc, lọt vào sự trói buộc của Ma. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà không nếm vị nơi mắt, nên biết Sa-môn, Bà-la-môn đó không tùy thuộc theo Ma, thoát khỏi bàn tay của Ma, không lọt vào sự trói buộc của Ma.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như vị ngọt, với hoan hỷ, khen ngợi, đắm nhiễm, trụ vững, yêu thích, ghen ghét cũng nói như vậy. Như bảy kinh nội nhập xứ, bảy kinh ngoại nhập xứ cũng nói như vậy.

KINH 246. MA CÂU [150]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tì-da-li. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có sáu móc câu của Ma. [151] Những gì là sáu? Đó là, sắc được con mắt nếm vị, đó là móc câu của Ma. Tiếng được tai nếm vị, đó lá móc câu của Ma. Hương được mũi nếm vị, đó là móc câu của ma. Lưỡi đắm vào vị ngọt của vị, đó là móc câu của Ma. Xúc được thân nếm vị, đó là móc câu của Ma. Pháp được ý nếm vị, đó là móc câu của Ma. Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà mắt nếm vị ngọt của sắc, nên biết là Sa-môn, Bà-la-môn ấy bị móc câu của ma móc vào yết hầu của họ, đối với ma không được tự tại.”

Nói uế, nói về tịnh, cũng chi tiết như trên.

KINH 247. TỨ PHẨM PHÁP [152]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở nơi tụ lạc Điều phục Bác ngưu, tại Câu-lưu-sấu [153], bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ vì các ngươi nói pháp, ngôn ngữ phần đầu thiện xảo, ngôn ngữ phần giữa thiện xảo, ngôn ngữ phần cuối cũng thiện xảo, nghĩa thiện xảo, vị thiện xảo, thuần nhất, thanh tịnh, phạm hạnh thanh bạch; đó là kinh ‘Tứ phẩm pháp.’ Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.

“Kinh Tứ phẩm pháp là gì? Có sắc được nhận thức bởi mắt là đáng yêu, đáng nhớ, đáng thích, đáng say đắm. Tỳ-kheo thấy rồi thì hoan hỷ, tán thán, ái lạc, bám chặt vào đó. Có sắc được nhận thức bởi mắt là không đáng yêu, không đáng nhớ, không đáng thích đắm vào, chỉ có khổ, đáng nhàm tởm. Tỳ-kheo thấy rồi thì sân hận, bất mãn. Những Tỳ-kheo như vậy không được tự tại thoát khỏi Ma, chi tiết cho đến, không giải thoát khỏi sự trói buộc của Ma. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Có sắc được nhận thức bởi mắt là đáng yêu, đáng nhớ, đáng thích, đáng say đắm. Tỳ-kheo thấy rồi không hoan hỷ, không tán thán, không ái lạc mà bám chặt vào đó. Có sắc được nhân thức bởi mắt là không đáng yêu, không đáng nhớ, không đáng thích đắm vào, chỉ có khổ, đáng nhàm tởm. Tỳ-kheo thấy rồi không sân hận, không bất mãn. Tỳ-kheo như vậy, không bị Ma tự tại chi phối, chi tiết cho đến, [ 59a] thoát khỏi mọi sự trói buộc của Ma. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Đó gọi là kinh Tứ Phẩm Pháp của Tỳ-kheo.”

KINH 248. THẤT NIÊN [154]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật tại thành Vương xá [155]. Bấy giờ vào lúc sáng sớm Thế Tôn đắp y bưng bát vào thành Vương-xá khất thực. Lúc ấy [156] Thiên ma Ba-tuần nghĩ rằng, “Vừa sáng sớm mà Sa-môn Cù-đàm đã đắp y mang bát vào thành Vương xá khất thực. Nay ta nên đến đó làm nhiễu loạn ý đạo của ông ấy.” Rồi Ma Ba-tuần hóa làm một người đánh xe, cầm roi đi tìm bò, mặc đồ rách rưới, đầu tóc rối bù, tay chân sần sùi. Tay cầm roi bò, nó đến trước Thế Tôn hỏi:

“Cù-đàm có thấy con bò của tôi ở đâu không?”

Đức Thế Tôn liền nghĩ, “Đây là Ác ma, muốn đến gây nhiễu loạn Ta.” Ngài liền nói với Ma:

“Này Ác ma, ở đâu có bò? Ngươi cần bò để làm gì?”

Ma liền nghĩ, Sa-môn Cù-đàm đã biết ta là Ma rồi, bèn bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, nhãn xúc nhập xứ là xe tôi cưỡi. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý xúc nhập xứ là xe tôi cưỡi”

Lại hỏi:

“Bạch Cù-đàm, Ngài muốn đi đến đâu?”

Phật bảo ác ma:

“Ngươi có nhãn xúc nhập xứ, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc nhập xứ. Nơi nào là chỗ không có nhãn xúc nhập xứ, không có nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc nhập xứ, chỗ đó không đến được, Ta đi đến nơi đó.”

Bấy giờ Thiên ma Ba tuần nói kệ rằng:

Ở đâu thường có ngã,

Chúng đều là của ta,

Tất cả thuộc về ta.

Cù-đàm đi đến đâu?

Đức Thế Tôn dùng kệ đáp lại:

Nếu ai nói có ngã,

Kia nói ngã là quấy.

Như vậy biết Ba tuần,

Tự hãm vào bế tắc.

Ma lại nói kệ:

Nếu bảo rằng biết đạo,

An ổn đến Niết-bàn;

Ngài một mình đi đến,

Phiền gì dạy người khác?

Đức Thế Tôn nói kệ đáp:

Nếu có người lìa ma,

Hỏi đường qua bờ giác,

Vì họ nói bình đẳng,

Chân thật quyết không sót,

Tu tập không buông lung,

Thường khỏi Ma chi phối.

 [59b] Ma lại nói kệ:

Có đá tựa cục thịt,

Quạ đói đến muốn ăn,

Nó tưởng là mềm ngon,

Muốn lấp vào bụng trống.

Xong không được vị kia;

Mỏ gãy mà bay đi.

Ta nay giống như quạ,

Cù-đàm như cục đá,

Không được, thẹn mà đi.

Như quạ bay giữa trời,

Trong lòng ôm sầu độc,

Biến nhanh mất đường bay.

KINH 249. TẬP CẬN [157]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật tại thành Vương xá. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào mắt quen gần gũi [158] sắc, bị rơi vào chỗ tự tại của Ma, cho đến không giải thoát được sự trói buộc của Ma. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào, mà mắt không quen gần gũi sắc, không bị rơi vào chỗ tự tại của ma, cho đến giải thoát được sự trói buộc của ma. Đối với tai mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như kinh tập cận, trói buộc, đắm nhiễm, vị ngọt, chòm xóm láng giềng, nếu sai giữ gìn, trói buộc, đắm nhiễm, ngã sở cầu mong, nồng hậu không bỏ, cũng nói như trên như vậy.

KINH 250. THUẦN-ĐÀ [159]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại Kê lâm viên [160], nước Ba-tra-lợi-phất-đa-la [161]. Bấy giờ Tôn giả A-nan đến chỗ Tôn giả Đại Thuần-đà [162], cùng nhau thăm hỏi xong, ngồi qua một bên. Bấy giờ Tôn giả A-nan bạch Tôn giả Thuần-đà:

“Có những điều tôi muốn hỏi, Tôn giả có rảnh rỗi để giải đáp cho không?”

Tôn giả Thuần-đà nói với Tôn giả A-nan:

“Tùy theo những gì nhân giả hỏi, nếu biết, tôi sẽ trả lời.”

Tôn giả A-nan hỏi Tôn giả Thuần-đà:

“Như những điều được biết, những điều được thấy bởi đức Thế Tôn Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, sắc do bốn đại tạo được thi thiết, được hiển thị, rằng sắc do bốn đại tạo này là phi ngã. Theo những điều được biết, những điều được thấy bởi Như Lai Chánh đẳng Chánh giác, cũng có thể nói thức là phi ngã chăng?” [163]

Tôn giả Thuần-đà bảo Tôn giả A-nan:

“Tôn giả là đa văn bậc nhất. Tôi từ xa đến chỗ Tôn giả là vì muốn hỏi pháp này. Hôm nay Tôn giả xin vì tôi mà nói nghĩa này.”

Tôn giả A-nan bảo Thuần-đà:

“Nay tôi hỏi Tôn giả, hãy tùy ý mà trả lời. Thưa Tôn giả Thuần-đà, vì có mắt, có sắc nên có nhãn [59c] thức phải không?”

Đáp: “Phải.”

Tôn giả A-nan lại hỏi:

“Do duyên mắt và sắc nên nhãn thức sanh phải không?”

Đáp: “Đúng như vậy.”

Tôn giả A-nan lại hỏi:

“Duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức; nhân này, duyên này là thường hay là vô thường?”

Đáp: “Là vô thường.”

Tôn giả A-nan lại hỏi:

“Nhân này, duyên này sanh ra nhãn thức; nhân này, duyên này là vô thường, biến dịch, vậy thức kia có trụ không?”

Đáp: “Tôn giả, không.”

Tôn giả A-nan lại hỏi:

“Theo ý Tôn giả thế nào, pháp kia hoặc sanh hoặc diệt có thể biết được, đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Đáp: “Bạch Tôn giả A-nan, không.”

“Theo ý Tôn giả thế nào, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý và pháp; có ý, có pháp, có ý thức không?”

Đáp: “Có.”

Tôn giả A-nan lại hỏi:

“Do duyên ý và pháp mà ý thức sanh chăng?”

Đáp: “Đúng như vậy.”

Tôn giả A-nan lại hỏi:

“Nếu ý duyên pháp mà ý thức sanh; nhân này, duyên này là thường hay vô thường?”

Đáp: “Là vô thường.”

Tôn giả A-nan lại hỏi:

“Hoặc nhân, hoặc duyên sanh ra ý thức; nhân này, duyên này là vô thường, biến dịch, vậy ý thức có trụ không?”

Đáp: “Không.”

Tôn giả A-nan lại hỏi:

“Theo ý Tôn giả thế nào, pháp này hoặc sanh hay diệt có thể biết, đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Đáp: “Bạch Tôn giả A-nan, không.”

Tôn giả A-nan nói với Tôn giả Thuần-đà:

“Cho nên Tôn giả, theo những điều được biết, những điều được thấy mà Như Lai Ứng cúng Chánh đẳng Chánh giác đã nói, thức cũng vô thường.

“Giống như có người cầm rìu vào núi, thấy cây chuối, cho là có thể dùng được, liền chặt đứt gốc, tách bỏ lá, lột bẹ để tìm lõi của nó, nhưng lột đến chỗ tận cùng vẫn không thấy chỗ nào chắc cả. Cũng vậy, đa văn Thánh đệ tử quán sát chân chánh nhãn thức, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức. Khi quán sát chân chánh, không có gì để chấp thủ. Vì không có gì để chấp thủ nên không có gì để đắm nhiễm; vì không có gì để đắm nhiễm nên tự mình chứng ngộ Niết-bàn, biểt rằng ‘Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Khi hai vị chánh sĩ kia nói pháp trên, cả hai đều hoan hỷ và mỗi vị trở về chỗ ở của mình.

KINH 251. CÂU-HI-LA [164]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả A-nan đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Tôi có những điều muốn hỏi, Tôn giả có thì giờ vì tôi mà giải [60a] thích cho chăng?”

Tôn giả Xá-lợi-Phất nói:

“Tùy theo những gì Tôn giả hỏi, nếu biết, tôi sẽ trả lời.”

Tôn giả A-nan hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Sáu xúc nhập xứ, sau khi đã đoạn tận, ly dục, diệt, tịch tĩnh, có còn gì nữa không?”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả A-nan:

“Đừng hỏi rằng: ‘Sáu xúc nhập xứ, sau khi đã đoạn tận, ly dục, diệt, tịch tĩnh, có còn gì nữa không?’”

Tôn giả A-nan lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Sáu xúc nhập xứ, sau khi đã đoạn tận, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, không còn gì nữa chăng?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời Tôn giả A-nan:

“Cũng đừng nên hỏi rằng: “Sáu xúc nhập xứ, sau khi đã đoạn tận, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, không còn gì nữa chăng’”

Tôn giả A-nan lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Sáu xúc nhập xứ, sau khi đã đoạn tận, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, có vừa còn vừa không còn gì, vừa chẳng phải còn vừa, chẳng phải chẳng còn gì chăng?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời Tôn giả A-nan:

“Ở đây, cũng không nên hỏi rằng: ‘Sáu xúc nhập xứ, sau khi đã đoạn tận, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, có vừa còn vừa không còn gì, vừa chẳng phải còn vừa, chẳng phải chẳng còn gì chăng?’”

Tôn giả A-nan lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Như những gì Tôn giả đã nói, sáu xúc nhập xứ, sau khi đã bị đoạn tận, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, không nên nói có, cũng không nên nói không, cũng không nên nói vừa có vừa không, cũng không nói chẳng phải có chẳng phải không; vậy thì, những lời nói này có nghĩa gì?”

Tôn giả Xá-lợi-phất bảo Tôn giả A-nan:

“Sáu xúc nhập xứ, sau khi đã đoạn tận, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, có còn gì chăng? Đây là những lời hư vọng. Hoặc không còn gì chăng? Đây cũng là lời hư vọng. Hoặc có và không còn gì chăng? Đây cũng là lời hư vọng. Hoặc chẳng phải có còn chẳng phải không còn gì chăng? Đây cũng là những lời hư vọng. Nếu nói, sáu xúc nhập xứ sau khi đã đoạn tận, ly dục, diệt tận, tịch diệt, xa lìa các hư ngụy, đạt được Niết-bàn; đó là những lời dạy của Phật.”

Bấy giờ, hai vị chánh sĩ đều hoan hỷ, và mỗi người trở về chỗ của mình.

KINH 252. CÂU-HI-LA [165]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc Ca-lan-đà, thành Vương-xá.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la cùng ở trong núi Kỳ-xà-quật.

Buổi chiều sau khi từ thiền tịnh dậy, Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cùng nhau thăm hỏi, rồi ngồi lui qua một bên, nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Tôi có điều muốn hỏi, Nhân giả có rảnh để giải đáp cho chăng?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời:

“Tùy theo những gì nhân giả hỏi, nếu tôi biết, tôi sẽ trả lời.”

Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, thế nào, mắt kết buộc sắc [166], hay sắc [60b] kết buộc mắt? Tai và âm thanh, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp; ý kết buộc pháp hay pháp kết kết buộc ý?”

Tôn giả Xá-lợi-phát trả lời Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la:

“Chẳng phải mắt kết buộc sắc, cũng chẳng phải sắc kết buộc mắt, cho đến, chẳng phải ý kết buộc pháp, cũng chẳng phải pháp kết buộc ý. Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, ở giữa hai cái đó, cái gì là dục tham thì cái đó là kết buộc.

“Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, giống như hai con bò, một đen một trắng, cùng bị buộc vào một cái ách. Có người hỏi, ‘Bò đen buộc bò trắng, hay bò trắng buộc bò đen?’ Hỏi như vậy có đúng không?”

Đáp: “Không, Tôn giả Xá-lợi-phất. Chẳng phải bò đen buộc bò trắng, cũng chẳng phải bò trắng buộc bò đen. Nhưng ở đây, hoặc là cái ách, hay là dây buộc cổ, là cái kết buộc chúng.”

“Cũng vậy, Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, chẳng phải mắt kết buộc sắc, cũng chẳng phải sắc kết buộc mắt, cho đến, chẳng phải ý kết buộc pháp, cũng chẳng phải pháp kết buộc sắc. Ở đây dục tham kết buộc chúng. Bạch Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, nếu mắt kết buộc sắc, hay nếu sắc kết buộc mắt, cho đến, nếu ý kết buộc pháp, hay nếu pháp kết buộc ý, Thế Tôn đã không dạy người kiến lập phạm hạnh để đoạn tận khổ. Vì chẳng phải mắt kết buộc sắc, cũng chẳng phải sắc kết buộc mắt, cho đến, chẳng phải ý kết buộc pháp, cũng chẳng phải pháp kết buộc ý, nên đức Thế Tôn dạy người kiến lập phạm hạnh để đoạn tận khổ. Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, Thế Tôn khi mắt thấy sắc hoặc tốt, hoặc xấu, không khởi dục tham; còn những chúng sanh khác khi mắt thấy sắc hoặc tốt, hoặc xấu thì khởi dục tham. Cho nên đức Thế Tôn nói hãy đoạn tận dục tham, tâm được giải thoát, cho đến, ý và pháp lại cũng như vậy.”

Bấy giờ, hai vị chánh sĩ đều hoan hỷ, và mỗi người trở về chỗ của mình.

KINH 253. CÂU-HI-LA [167]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc Ca-lan-đà, thành Vương-xá.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la cùng ở trong núi Kỳ-xà-quật.

Buổi chiều sau khi từ thiền tịnh dậy, Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cùng nhau thăm hỏi, rồi ngồi lui qua một bên, nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Tôi có điều muốn hỏi, Nhân giả có rảnh để giải đáp cho chăng?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời:

“Tùy theo những gì nhân giả hỏi, nếu tôi biết, tôi sẽ trả lời.”

Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Gọi là vô minh, vậy thế nào là vô minh?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời;

“Đó là [60c] không biết; không biết tức là vô minh. Không biết cái gì? Không biết như thật mắt là vô thường; đó gọi là không biết. Không biết như thật mắt là pháp sanh diệt; đó gọi là không biết. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Như vậy, Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, đối với sáu xúc nhập xứ này mà không như thật thấy, biết, không hiện quán, [168] ngu si, không sáng, tối tăm, đó gọi là vô minh.”

Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Gọi là minh, vậy thế nào là minh?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời:

“Đó là biết; biết tức là minh. Biết những gì? Mắt là vô thường, nên biết như thật mắt là vô thường. Mắt là pháp sanh diệt, nên biết như thật mắt là pháp sanh diệt. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, đối với sáu xúc nhập xứ này mà như thật biết, thấy, sáng tỏ, giác ngộ, có trí tuệ, có hiện quán, đó gọi là minh.”

Bấy giờ, hai vị chánh sĩ đều tùy hỷ, mỗi người trở về chỗ của mình.

KINH 254. ƯU-BA-TIÊN-NA [169]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà thành Vương-xá. Bấy giờ có Tỳ-kheo tên là Ưu-ba-tiên-na [170] ở trong khu Hàn lâm [171], giữa bãi tha ma, dưới chân núi Xà-đầu, hành xứ Ca-lan-đà tại thành Vương-xá [172]. Bấy giờ Tôn giả Ưu-ba-tiên-na đang ngồi thiền một mình trong hang đá, có một con rắn rất độc, dài khoảng một thước, từ trên phiến đá rơi xuống trên người Ưu-ba-tiên-na. Ưu-ba-tiên-na gọi Tôn giả Xá-lợi-phất đi nói với các Tỳ-kheo:

“Có con rắn độc rơi xuống trên người tôi. Thân tôi đang bị trúng độc. Các thầy hãy đến nhanh lên, khiêng người tôi ra để bên ngoài, chớ để người tôi hủy hoại như một đống trấu nát.”

Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất đang ngồi dưới bóng cây gần đó, nghe Ưu-ba-tiên-na nói, liền đến chỗ Ưu-ba-tiên-na nói với Ưu-ba-tiên-na:

“Hiện tại nhìn sắc tướng của thầy, tôi thấy các căn vẫn bình thường không đổi khác, mà nói là trúng độc, rằng ‘Nhờ khiêng người tôi ra để bên ngoài, chớ để người tôi hủy hoại như một đống trấu.’ Vậy thì rốt cuộc là thế nào?”

Ưu-ba-tiên-na nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Nếu ai đó nói, ‘Con mắt là tôi, là của tôi. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý; tai, mũi, lưỡi, thân, ý là tôi, là của tôi; sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là tôi, là của tôi; địa giới, địa giới là tôi, là của tôi; nước, lửa, gió, không, thức giới; nước, lửa, gió, không, thức giới là tôi, là của tôi; [61a] đối với sắc ấm, chấp sắc ấm là tôi, là của tôi; thọ, tưởng, hành, thức ấm, thọ, tưởng, hành, thức ấm là tôi, là của tôi; với người đó, sắc mặt và các căn có thể biến đổi khác đi. Nhưng hiện tại tôi không như vậy. Mắt không phải là tôi, là của tôi, cho đến, thức ấm không phải tôi, không phải của tôi, vì vậy cho nên sắc mặt và các căn không có biến đổi khác đi.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

“Như vậy, này Ưu-ba-tiên-na, nếu thầy vĩnh viễn xa lìa ngã, ngã sở, ngã mạn kết sử, khiến đoạn tận gốc rễ của chúng như chặt ngọn cây đa-la, đối với đời vị lai vĩnh viễn không khởi lên trở lại, vậy làm sao sắc mặt và các căn biến đổi khác đi được?”

Rồi thì, Tôn giả Xá-lợi-phất liền đi vòng qua dìu thân Tôn giả Ưu-ba-tiên-na ra khỏi hang. Thân người bị trúng độc của Tôn giả Ưu-ba-tiên-na đang hủy hoại như một đống trấu nát.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất liền nói kệ:

Từ lâu, trồng phạm hạnh,

Khéo tu bát Thánh đạo,

Hoan hỷ xả bỏ thân,

Giống như vất bát độc.

Từ lâu, trồng phạm hạnh,

Khéo tu bát Thánh đạo,

Hoan hỷ xả bỏ thân,

Như người bệnh hết bịnh.

Từ lâu, trồng phạm hạnh,

Khéo tu bát Thánh đạo,

Như ra khỏi nhà lửa,

Lúc chết không lo tiếc.

Từ lâu, trồng phạm hạnh,

Khéo tu bát Thánh đạo,

Dùng tuệ quán thế gian,

Giống như cây cỏ thối,

Không còn mong gì nữa,

Cũng không tiếp tục nữa.

Sau khi cúng dường thi thể Tôn giả Ưu-ba-tiên-na xong, Tôn giả Xá-lợi-phất đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, Tôn giả Ưu-ba-tiên-na bị con rắn nhỏ cực độc bằng chiếc thẻ tre trị mắt, rơi xuống trên người. Thân thể Tôn giả đã hủy hoại như trấu nát.”

Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Nếu Ưu-ba-tiên-na tụng bài kệ này, sẽ không trúng độc, và thân thể cũng không bị hủy hoại như trấu nát được.”

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, tụng những bài kệ nào, và văn cú của nó ra sao?”

Phật liền vì Xá-lợi-phất đọc kệ:

Thường từ niệm chúng,

Kiên cố Lại-tra-la;

Từ niệm Y-la-bàn,

Thi-bà-phất-đa-la,

Khâm-bà-la-thượng-mã;

Từ niệm Ca-câu-tra,

 [61b] Cùng Cù-đàm đen kia,

Nan-đà, Bạt-nan-đà.

Từ niệm loài không chân,

Và cả loài hai chân,

Bốn chân, cùng nhiều chân,

Cũng khởi lòng thương xót.

Từ niệm các loài rồng,

Trên đất liền, dưới nước.

Thương tất cả chúng sanh,

Dễ sợ, không dễ sợ [173].

An vui cho tất cả,

Cũng lìa sanh phiền não.

Mong cho tất cả hiền,

Tất cả chớ sanh ác.

Thường ở núi Xà-đầu,

Các ác không nhóm hợp.

Rắn hung hại ác độc,

Thường hại mạng chúng sanh,

Như lời chân thật này,

Đại sư Vô thượng dạy.

Nay ta tụng kệ này,

Lời Đại sư chân thật:

Tất cả các ác độc,

Không thể hại thân ta.

Tham dục, sân, nhuế, si,

Ba độc của thế gian,

Như ba ác độc này,

Vĩnh trừ, là Phật bảo.

Pháp bảo diệt các độc.

Tăng bảo cũng diệt hết,

Phá hoại ác hung độc,

Nhiếp thủ hộ người lành,

Phật phá tất cả độc.

Nay vì phá rắn độc,

Nên nói chú thuật này:

Ô-đam-bà-lệ, đam-bà-lệ, đam-lục, ba-la-đam-lục, nại-tí, túc-nại-tí, chỉ-bạt-tí, văn-na-di, tam-ma-di, đàn-đế, ni-la-chỉ-thí, bà-la-câu-bế-ô-lệ, ô-ngu-lệ, tất-bà-ha [174].

 

“Này Xá-lợi-phất, nếu lúc ấy thiện gia nam tử Ưu-ba-tiên-na mà đọc bài kệ này, tụng những câu này, chắc chắn rắn độc không rơi trúng người, và thân thể cũng không hủy hoại như đống trấu nát.”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, Tôn giả Ưu-ba-tiên-na chưa từng nghe bài kệ này, chưa từng nghe những câu chú thuật này. Hôm nay Thế Tôn mới nói nó, mục đích chính là vì đời sau.”

Sau khi nghe Phật nói kinh này xong, Tôn giả Xá-lợi-phất hoan hỷ, làm lễ rồi lui.

KINH 255. TÌ-NỰU-CA-CHIÊN-DIÊN [175]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Tôn giả Ưu-đà-di [176] đi qua nước [61c] Câu-tát-la, du hành trong nhơn gian, đến thôn Câu-bàn-trà [177], trú trong vườn Am-la của nữ Bà-la-môn dòng họ Tì-nữu-ca-chiên-diên. [178]

Bấy giờ có những người đệ tử nhỏ tuổi của nữ Bà-la-môn họ Tì-nữu Ca-chiên-diên đi nhặt củi trong vườn Am-la, thấy Tôn giả Ưu-đà-di đang ngồi dưới bóng cây, tướng mạo đoan chánh, các căn vắng lặng, tâm ý an trụ, thành tựu sự điều phục bậc nhất. Thấy vậy, họ bèn đến chỗ ngài, cùng nhau thăm hỏi, rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, Tôn giả Ưu-đà-di vì các thiếu niên bằng nhiều hình thức, thuyết pháp, khích lệ họ xong, rồi im lặng. Sau khi nghe Tôn giả dạy, các thiếu niên tùy hỷ hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi. Các thiếu niên vác củi trở về chỗ nữ Bà-la-môn họ Tì-nữu Ca-chiên-diên, đặt củi xuống đất, rồi đến chỗ nữ Bà-la-môn họ Tì-nữu Ca-chiên-diên, thưa:

“Hòa-thượng-ni của chúng con biết cho, trong vườn Am-la có Sa-môn Ưu-đà-di, dòng họ Cù-đàm, đang ở nơi đó. Ông ấy nói pháp rất hay.”

Nữ Bà-la-môn họ Tì-nữu Ca-chiên-diên bảo các thiếu niên:

“Các con hãy đến đó mời Sa-môn Ưu-đà-di dòng họ Cù-đàm ngày mai đến đây dùng cơm.”

Bấy giờ, các đệ tử thiếu niên vâng lời nữ Bà-la-môn  họ Tì-nữu Ca-chiên-diên đi đến chỗ Tôn giả Ưu-đà-di, thưa rằng:

“Tôn giả biết cho, nữ Bà-la-môn Tì-nữu Ca-chiên-diên, thầy của chúng con, mời Tôn giả ngày mai đến dùng cơm.”

Bấy giờ, Ưu-đà-di im lặng nhận lời. Các thiếu niên biết Tôn giả Ưu-đà-di đã nhận lời mời rồi, trở về chỗ nữ Bà-la-môn Tì-nữu Ca-chiên-diên, thưa:

“Bạch Hòa-thượng-ni, chúng con đã vâng lời Hòa-thượng-ni mời Tôn giả Ưu-đà-di, và Tôn giả Ưu-đà-di đã im lặng nhận lời mời rồi. Xin Hòa- thượng-ni biết cho.”

Qua khỏi đêm, sáng hôm sau, Tôn giả Ưu-đà-di đắp y mang bát đến nhà nữ Bà-la-môn Tì-nữu Ca-chiên-diên. Nữ Bà-la-môn Tì-nữu Ca-chiên-diên từ xa trông thấy Tôn giả Ưu-đà-di lại, vội vàng trải giường chiếu mời ngồi; dọn các thứ đồ ăn thức uống ra, tự tay mình cúng dường các món ngon đầy đủ. Sau khi ăn xong, rửa tay, rửa bát, bà trở lại chỗ ngồi. Bấy giờ, nữ Bà-la-môn Tì-nữu Ca-chiên-diên biết Tôn giả đã ăn xong, bà mang một đôi giày tốt, lấy vải phủ đầu, để riêng [62a] một cái giường cao, tỏ vẻ khinh thường, ngạo mạn mà ngồi lên đó, và nói với Tôn giả Ưu-đà-di:

“Tôi có điều muốn hỏi, Ngài có rảnh để trả lời cho không?”

Tôn giả Ưu-đà-di đáp:

“Thưa Chị, hôm nay không phải lúc.”

Nói như vậy xong, Tôn giả rời chỗ ngồi đứng dậy ra đi. Sáng hôm sau các đệ tử lại đến vườn Am-la nhặt củi và nghe pháp, rồi trở về lại bạch với Hòa-thượng-ni. Hòa-thượng-ni lại sai đi mời Tôn giả thọ trai. Ba lần như vậy bà thỉnh pháp, Tôn giả vẫn trả lời là chưa đúng lúc, mà không nói pháp. Các đệ tử thiếu niên lại bạch Hòa-thượng-ni:

“Ở trong vườn Am-la Sa-môn Ưu-đà-di nói pháp rất hay.”

Nữ Hòa-thượng-ni nói:

“Ta cũng biết là Ông ấy nói pháp rất hay. Nhưng qua ba lần mời đến cúng dường và hỏi pháp, luôn luôn ông bảo là chưa đúng lúc, không nói mà bỏ đi.

Các đệ tử Bạch:

“Hòa-thượng-ni mang giày tốt, dùng vải che đầu, ngồi không cung kính, Tôn giả này làm sao nói được. Vì sao? Tôn giả Ưu-đà-di này rất cung kính pháp nên không nói mà bỏ đi.”

Hòa-thượng-ni bảo:

“Nếu như vậy thì nên vì ta mời lại Tôn giả đi.”

Các đệ tử vâng lời dạy, thỉnh cúng dường trở lại như trước.

Bấy giờ, Hòa-thượng-ni biết Tôn giả đã ăn uống xong xuôi, bà liền cởi giày, sửa lại quần áo, ngồi xuống một chiếc ghế thấp, cung kính bạch:

“Tôi có điều muốn hỏi, Tôn giả có rảnh mà trả lời cho không?”

Tôn giả Ưu-đà-di đáp:

“Hôm nay, Chị cứ hỏi, tôi sẽ nói cho Chị nghe.”

Bà liền hỏi:

“Có Sa-môn, Bà-la-môn nói: ‘Khổ lạc là do mình tự tạo.’ Hoặc lại có người nói: ‘Khổ lạc là do người khác tạo.’ Hoặc lại có người nói: ‘Khổ lạc là do tự mình tạo và người khác tạo.’ Hoặc có người nói: ‘Khổ lạc chẳng phải do mình tạo cũng chẳng do ngưới khác tạo.’ [179] Vậy theo Tôn giả thì thế nào?”

Tôn giả Ưu-đa-di đáp:

“Này Chị, A-la-ha nói khổ vui phát sanh bằng cách khác, chứ không phải nói như vậy”

Nữ Bà-la-môn lại hỏi:

“Nghĩa ấy như thế nào?”

Tôn giả Ưu-đà-di đáp:

“A-la-ha nói, từ nhân duyên các khổ và lạc sanh.”

Tôn giả Ưu-đà-di lại nói với nư Bà-la-môn:

“Bây giờ tôi hỏi Chị, tùy ý mà trả lời tôi. Ý Chị nghĩ sao, có mắt không?”

Đáp:

“Thưa có.”

“Có sắc không?”

Đáp:

“Thưa có.”

“Có nhãn thức, nhãn xúc, và các cảm thọ khổ, lạc, phi khổ phi lạc trong nội thân phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc không?”

Đáp:

“Thưa Tôn giả Ưu-đà-di, có như vậy.”

Tôn giả Ưu-đà-di lại hỏi:

“Có tai, mũi, lưỡi, thân, ý, các cảm thọ khổ, lạc, phi khổ phi lạc trong nội thân phát sanh bởi nhân duyên là ý xúc không?”

Đáp:

 [62b] “Thưa Tôn giả Ưu-đà-di, có như vậy.”

Tôn giả Ưu-đà-di nói:

“Đó là điều mà các A-la-ha nói, khổ lạc sanh do nhân duyên.”

Nữ Bà-la-môn Bạch Tôn giả Ưu-đà-di:

“A-la-ha nói, khổ lạc sanh do nhân duyên, là như vậy chăng?”

Tôn giả Ưu-đà-di đáp:

“Nữ Bà-la-môn, đúng như vậy.”

Nữ Bà-la-môn lại hỏi:

“Thưa Sa-môn, A-la-ha nói như thế nào, khổ lạc, không khổ không lạc diệt do nhân duyên?”

Tôn giả Ưu-đà-di đáp:

“Bây giờ tôi hỏi Chị, cứ tùy ý mà trả lời tôi. Này Nữ Bà-la-môn, khi tất cả mắt, tất cả thời, diệt không còn gì, bấy giờ còn tồn tại chăng các cảm thọ khổ, lạc, phi khổ phi lạc trong nội thân phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc?”

Đáp:

“Thưa Sa-môn, không.”

“Cũng vậy, khi tai, mũi, lưỡi, thân, ý và, tất cả thời cũng diệt tận vĩnh viễn không còn gì hết, bấy giờ còn tồn tại chăng các cảm thọ khổ, lạc, phi khổ phi lạc trong nội thân phát sanh bởi nhân duyên là ý xúc?”

“Bạch Sa-môn, không.”

“Như vậy, này Nữ Bà-la-môn, đó là điều mà bậc A-la-ha nói, khổ lạc, không khổ không lạc diệt do nhân duyên.”

Khi Tôn giả Ưu-đà-di nói pháp này, nữ Bà-la-môn Tì-nữu Ca-chiên-diên xa lìa trần cấu, được con mắt pháp thanh tịnh.

Bấy giờ, nữ Bà-la-môn Tì-nữu Ca-chiên-diên, thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, nhập pháp, vượt qua khỏi mọi nghi hoặc, không do ai khác, thâm nhập vào giáo pháp của Phật, đối với pháp đạt được vô sở úy, từ chỗ ngồi đứng dậy sửa lại y phục, cung kính chấp tay Bạch Tôn giả Ưu-đà-di:

“Hôm nay, con quyết định, ngay từ bây giờ con xin qui y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ nay cho đến suốt đời con xin quy y Tam bảo.”

Lúc bấy giờ Tôn giả Ưu-đà-di vì nữ Bà-la-môn nói pháp, soi sáng, chỉ bày, dạy bảo, làm cho vui vẻ, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.

KINH 256. NHỊ THẬP ỨC NHĨ [180]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà thành Vương-xá. Bấy giờ có Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ [181] ở núi Kỳ-xà-quật, thường tinh tấn chuyên cần tu tập pháp bồ-đề phần. Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ một mình lặng lẽ thiền tư, và nghĩ rằng: “Ở trong hàng đệ tử Thanh văn tinh tấn chuyên cần của đức Thế Tôn, ta có trong số đó. Nhưng hôm nay Ta chưa diệt tận được các lậu. Ta là con nhà danh tiếng, có nhiều của cải quí báu. Ta hãy hoàn tục để hưởng thọ ngũ dục, rồi làm phước, bố thí rộng rãi, còn tốt hơn nhiều.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn biết tâm niệm của Nhị-thập-ức-nhĩ nên bảo một Tỳ-kheo:

“Ngươi hãy đến chỗ Nhị-thập-ức-nhĩ bảo [62c] là Thế Tôn cho gọi.”

Tỳ-kheo này vâng lời Phật dạy đến chỗ Tỳ-kheo Nhị-thập-ức-nhĩ, nói rằng:

“Đức Thế Tôn cho gọi thầy.”

Nhị-thập-ức-nhĩ nghe Tỳ-kheo kia bảo là Đại sư gọi, liền đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên.

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Nhị-thập-ức-nhĩ:

“Có thật ngươi ở một mình lặng lẽ thiền tư, suy nghĩ rằng: ‘Ở trong hàng Thanh văn đệ tử tinh tấn chuyên cần của đức Thế Tôn, ta có trong số đó. Nhưng mãi đến hôm nay ta vẫn chưa diệt tận được các lậu. Ta là con nhà danh tiếng, có nhiều của cải quí báu. Tốt hơn ta nên hoàn tục để hưởng thọ ngũ dục, rồi làm phước, bố thí rộng rãi.’ Có phải không?”

Khi ấy, Nhị-thập-ức-nhĩ nghĩ rằng: ‘Thế Tôn đã biết tâm ta.’ Vừa kinh ngạc vừa sợ hãi, lông dựng đứng, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, thật như vậy.”

Phật bảo Nhị-thập-ức-nhĩ:

“Nay Ta hỏi ngươi, ngươi cứ theo ý mình mà trả lời cho Ta. Này Nhị-thập-ức-nhĩ, khi ngươi còn ở ngoài đời, ngươi đàn hay lắm phải không?”

“Bạch, đúng vậy.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Theo ý ngươi thì thế nào, khi ngươi khảy đàn, nếu sợi giây của nó căng quá, âm thanh có hòa nhã, và vi diệu không?”

“Bạch, không.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Thế nào, nếu sợi giây của nó chùng quá, âm thanh có phát ra hòa nhã, và vi diệu không?”

“Bạch, không.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Thế nào, nếu biết điều chỉnh sợi giây đàn không căng quá cũng không chùng quá, sau đó mới phát ra âm thanh hòa nhã, vi diệu phải không?”

“Bạch Thế Tôn, đúng như vậy.”

Phật bảo Nhị-thập-ức-nhĩ:

“Người nào tinh tấn thái quá thì sẽ tăng thêm trạo cử, [182] còn người thiếu tinh tấn quá thì sẽ sanh ra giải đãi. Cho nên, ngươi phải bình đẳng trong tu tập và nhiếp thụ, không đắm nhiễm, không buông lung, không chấp tướng.”

Sau khi được Thế Tôn dạy, Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ luôn luôn nghĩ về thí dụ cây đàn cầm của đức Thế Tôn đã nói. Tôn giả một mình lặng lẽ thiền tư, như trên đã nói, cho đến các lậu được diệt hết, tâm được giải thoát, thành A-la-hán.

Khi Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ đạt được A-la-hán, bên trong có cảm giác hỷ lạc giải thoát, bèn tự nghĩ: ‘Nay ta nên đến thăm viếng đức Thế Tôn.’ Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ liền đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, trong pháp của Thế Tôn, đạt được A-la-hán, đoạn tận các lậu việc cần làm đã làm xong, rời bỏ gánh nặng, đạt được mục đích của mình, dứt sạch các hữu kết, chánh trí tâm giải thoát; ngay lúc đó được giải thoát trong sáu xứ [183]. Những gì sáu? Đó là: giải thoát ly dục, giải thoát lìa nhuế, giải thoát  viễn ly [63a], giải thoát ái tận, giải thoát các thủ, giải thoát tâm không xao lãng giải thoát. 

“Bạch Thế Tôn, nếu có người nào dựa vào một ít tín tâm mà bảo là ly dục [184] giải thoát, điều này không đúng. Đoạn tận tham, nhuế, si, đó mới gọi là chân thật ly dục giải thoát.

“Nếu có người nào lại chỉ dựa vào một ít việc trì giới mà bảo rằng ta được lìa nhuế giải thoát, điều này cũng không đúng. Đoạn tận tham, nhuế, si, đó mới gọi là chân thật giải thoát.

“Nếu có người nào lại chỉ dựa vào sự tu tập để có lợi dưỡng mà bảo là đã viễn ly [185] giải thoát, điều này cũng không đúng. Đoạn tận tham, nhuế, si, đó mới gọi là chân thật xa lìa được giải thoát.

“Đoạn tận được tham, nhuế, si, cũng gọi là lìa ái, cũng là lìa thủ, cũng gọi là lìa xao lãng [186] giải thoát.

“Như vậy, bạch Thế Tôn, nếu các Tỳ-kheo chưa đắc La-hán, chưa đoạn tận các lậu, Tỳ kheo không được giải thoát trong sáu xứ này.

“Lại nếu có Tỳ-kheo nào còn ở nơi học địa, chưa được Niết-bàn an lạc tăng thượng, mà tu tập hướng về an trụ tâm, bấy giờ thành tựu được học giới, thành tựu được học căn, sau đó lậu hoặc sẽ được đoạn hết, được vô lậu tâm giải thoát, cho đến... ‘tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Ngay lúc bấy giờ được vô học giới, được vô học các căn. Như đứa trẻ mới sinh ngu ngơ, còn nằm ngửa, sau đó một thời gian các căn của đứa bé mới được thành tựu và từ từ tăng trưởng; bấy giờ mới thành tựu được các căn của người lớn. Người còn ở tại học địa lại cũng như vậy, khi chưa được an lạc tăng thượng, cho đến, thành tựu vô học giới, vô học các căn.

“Nếu mắt thường phân biệt sắc, vẫn không hề phương hại tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Vì ý an trụ chắc chắn, bên trong tu vô lượng thiện giải thoát, và quán sát sanh diệt, cho đến vô thường. Tai phân biệt tiếng, mũi phân biệt mùi hương, lưỡi phân biệt vị, thân phân biệt xúc chạm, ý phân biệt pháp trần, vẫn không hề phương hại tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Vì ý đã an trụ chắc chắn, bên trong tu vô lượng thiện giải thoát, cùng quán sát sanh diệt. Như núi đá lớn ở gần thôn ấp, không bị chẻ đứt, không bị đập vỡ, không bị đục thủng, vì núi đá dày đặc. Giả sử như có gió bốn phương thổi đến thì cũng không làm cho nó lay động được, không thể xuyên thủng qua được. Người vô học kia cũng lại như vậy, mắt thường phân biệt sắc, cho đến ý thường phân biệt pháp trần, vẫn không hề phương hại tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Vì ý đã an trụ chắc chắn, bên trong tu vô lượng thiện giải thoát, cùng quán sát sanh diệt.”

Bấy giờ, Nhị-thập-ức-nhĩ lập lại bằng bài kệ:

Ly dục, tâm giải thoát,

Không nhuế thoát, cũng vậy;

 [63b]Viễn ly tâm giải thoát,

Tham ái quyết không còn.

Tâm giải thoát các thủ,

Và ý không mất niệm,

Khi các xứ phát sanh,

Tâm kia vẫn giải thoát.

Vị ấy tâm giải thoát,

Tỳ-kheo ý đình chỉ,

Đã làm những gì cần,

Không còn việc để làm.

Giống như núi đá lớn,

Gió bốn phương không động;

Sắc, thanh, hương, vị, xúc,

Và những pháp tốt xấu,

Luôn luôn trong sáu xứ,

Không lay động tâm mình;

Tâm thường trụ vững chắc,

Quán sát pháp sanh diệt.

Khi Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ nói bài kệ này, tâm Đại sư hoan hỷ, và các đồng phạm hạnh đa văn nghe những gì Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ nói cũng đều rất hoan hỷ.

Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ sau khi nghe đức Phật nói pháp, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà lui.

Sau khi biết Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ đi không lâu, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Người có tâm khéo giải thoát, nên tuyên bố như vậy, giống như Nhị-thập-ức-nhĩ đã bằng trí tuệ mà tuyên bố, không phải tự cao, cũng không phải coi rẻ người, nói đúng nghĩa của nó, không phải như những người tăng thượng mạn, không đạt được nghĩa của nó, mà tự khen ngợi mình được pháp hơn người, để tự mình phải chuốc lấy tổn giảm.”

KINH 257. LỖ-HÊ-GIÁ [187]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên trú tại hang A-luyện-nhã, trong thôn Di-hầu, bên cạnh sông Thấp-ma-đà, nước A-bàn-đề [188]. Có Bà-la-môn Lỗ-hê-giá [189], cung kính phụng sự theo pháp của một La-hán.

Bấy giờ là sáng sớm, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đắp y mang bát vào thôn Di-hầu-thất, theo thứ tự khất thực, khất thực xong trở về, cất y bát, rửa chân rồi, vào thất ngồi Thiền.

Khi ấy có các đệ tử thiếu niên của Bà-la-môn Lỗ-hê-giá đi nhặt củi, đến bên cạnh hang của Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, cùng nhau cười đùa nói: “Có Sa-môn trọc đầu đang ở trong này. Ông là người đen đủi, chẳng phải là hạng người đáng tôn quý, nhưng Bà-la-môn Lỗ-hê-giá lại tôn trọng cúng dường, đúng như pháp La-hán?” Bấy giờ, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên bảo các thiếu niên:

“Này các cậu trẻ, các cậu chớ làm ồn!”

Các thiếu niên này trả lời:

“Chúng con không dám nói nữa.”

Qua ba lần như vậy, chúng vẫn nói [63c] mãi không ngừng. Lúc ấy Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên phải ra ngoài cửa nói với các thiếu niên:

“Này các cậu trẻ, các cậu đừng làm ồn nữa. Bây giờ, Ta sẽ vì các cậu mà nói pháp, các cậu hãy lắng nghe.”

Các thiếu niên nói:

“Vâng ạ, xin Ngài giảng pháp cho, chúng con sẽ lắng nghe và lãnh thọ.”

Bấy giờ, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên liền nói bài kệ:

Bà-la-môn xưa kia,

Tu tập giới thắng diệu,

Được sanh trí túc mạng,

An vui thiền chân thật,

Thường ở trong từ bi,

Đóng hết cửa các căn,

Điều phục lỗi về miệng,

Xưa kia hành như vậy.

Bỏ gốc hành chân thật,

Mà giữ việc hư dối,

Giữ tộc tánh buông lung,

Theo căn duyên sáu cảnh,

Đói khát ở gò mả,

Tắm ba (lần), tụng ba kinh,

Không giữ gìn cửa căn,

Giống như mộng được báu.

Bện tóc, khoác áo da,

Ngăn trộm, mình trét tro,

Áo thô dùng che hình,

Chống gậy mang bình nước,

Giả hình Bà-la-môn,

Vì tìm cầu lợi dưỡng.

Khéo nhiếp hộ thân mình,

Lắng sạch lìa trần cấu,

Không não hại chúng sanh,

Là đạo Bà-la-môn.

Bấy giờ, các thiếu niên Bà-la-môn, lòng sân hận không vui, bảo Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên là đã hủy báng kinh điển họ, hủy hoại những gì kinh điển đã nói, và nhục mạ Bà-la-môn. Rồi họ ôm củi trở về chỗ Bà-la-môn Lỗ-hê-giá, tâu lại với Bà-la-môn Lỗ-hê-giá rằng:

“Hòa thượng biết không, Ông Ma-ha Ca-chiên-diên phỉ báng kinh điển ta, dùng lời lẽ chê bai, mạ nhục Bà-la-môn.”

Bà-la-môn Lỗ-hê-giá nói với các thiếu niên:

“Các con chớ nói những lời như vậy. Vì sao? Ngài Ma-ha Ca-chiên-diên giữ trọng giới đức, không lý lại đi hủy báng kinh điển ta, dùng lời lẽ chê bai, mạ nhục Bà-la-môn?”

Các thiếu niên Bạch:

“Nếu Hòa thượng không tin những lời của chúng con, nên tự mình đến đó xem sao?”

 Khi ấy Bà-la-môn Lỗ-hê-giá không tin những lời nói của các thiếu niên, liền đi đến chỗ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên. Sau khi cùng nhau thăm hỏi sức khỏe rồi, ông ngồi lui qua một bên, bạch với ngài Ma-ha Ca-chiên-diên:

“Các đệ tử thiếu niên [64a] của tôi có đến đây không?”

Đáp:

“Có đến đây.”

“Ngài có nói chuyện ít nhiều gì với chúng không?”

Đáp:

“Có nói chuyện cùng với chúng.”

Bà-la-môn Lỗ-hê-giá Bạch:

“Ngài đã nói chuyện với các thiếu niên, vậy nay Ngài có thể vì tôi mà nói lại hết mọi chuyện.”

Ngài Ma-ha Ca-chiên-diên liền kể lại đầy đủ câu chuyện.

Khi ấy, Bà-la-môn Lỗ-hê-giá cũng nổi sân nhuế, tâm không vui, nói với Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

“Trước đây, tôi không tin những lời của bọn trẻ, nhưng bây giờ thì đích thật là Ngài đã phỉ báng kinh điển tôi, nói những lời lẽ chê bai, và mạ nhục Bà-la-môn.”

Ngừng một lát, ông lại nói với Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

“Nhân giả đã nói về cửa. Vậy cái gì là cửa?”

Ma-ha Ca-chiên-diên nói:

“Lành thay, lành thay, Bà-la-môn! Điều ông hỏi là đúng pháp. Nay tôi sẽ vì ông mà nói về cửa. Này Bà-la-môn, mắt là cửa, vì nó thấy sắc. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý là cửa, vì nó nhận thức pháp.”

Bà-la-môn nói:

“Kỳ diệu thay, ngài Ma-ha Ca-chiên-diên! Tôi hỏi về cửa thì ngài liền nói về cửa. Như những gì Ngài đã nói, không giữ gìn cửa. Vậy thế nào là không giữ gìn cửa?”

Ngài Ma-ha Ca-chiên-diên nói:

“Lành thay, lành thay, Bà-la-môn! Ông đã hỏi về việc không giữ gìn cửa, là câu hỏi đúng pháp. Bây giờ tôi sẽ ông nói về việc không giữ gìn cửa. Này Bà-la-môn, kẻ phàm phu ngu si không học, khi mắt thấy sắc rồi, nếu là sắc đáng nhớ thì khởi tâm duyên vào đắm nhiễm, nếu là sắc không đáng nhớ thì khởi tâm sân nhuế, không an trụ vào thân niệm xứ nên, đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát, không biết như thật; ở trong đó sẽ khởi lên các thứ pháp ác bất thiện, không đạt được Vô-dư Niết-bàn, và đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát có phương hại, không được thành tựu. Vì tâm giải thoát, tuệ giải thoát không thành tựu, nên thân dẫy đầy những ác hạnh, không dừng nghỉ, tâm không được tịch tĩnh. Vì nó không tịch tĩnh nên đối với các căn nó không điều phục, không giữ gìn, không tu tập. Như mắt và sắc, tai và tiếng, mũi và mùi hương, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp cũng lại như vậy.”

Bà-la-môn Lỗ-hê-giá nói:

“Kỳ diệu thay, kỳ diệu thay, ngài Ma-ha Ca-chiên-diên! Tôi hỏi về việc không giữ gìn cửa, Ngài liền vì tôi nói về việc không giữ gìn cửa. Vậy, Bạch ngài Ma-ha Ca-chiên-diên, thế nào gọi là việc khéo giữ gìn cửa?”

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nói với Bà-la-môn:

“Lành thay! Lành thay! Ông đã hỏi tôi về việc khéo giữ gìn cửa. Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ. Tôi sẽ vì ông mà nói về nghĩa khéo giữ gìn. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật, khi mắt thấy sắc [64b] rồi, đối với sắc đáng nhớ thì không khởi lên tâm duyên vào mà đắm nhiễm; đối với sắc không đáng nhớ, không khởi lên tâm sân nhuế; thường nhiếp tâm mình, an trụ vào thân niệm xứ, vô lượng tâm giải thoát, tuệ giải thoát; đối với những pháp ác bất thiện khởi lên đó, vắng lặng không còn gì nữa; đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát thì được thành tưu, vì đã giải thoát thành tựu rồi nên những ác hạnh của thân xúc tất cả đều được dừng nghỉ, tâm đạt được chánh niệm. Đó gọi là cửa đầu tiên của việc khéo điều phục giữ gìn trong lúc tu tập. Như mắt và sắc, đối với tai và tiếng, mũi và mùi hương, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp lại cũng như vậy.”

Bà-la-môn Lỗ-hê-giá nói:

“Kỳ diệu thay, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên! Tôi hỏi về nghĩa giữ gìn cửa, Ngài liền vì tôi nói về nghĩa giữ gìn cửa. Giống như người tìm cỏ thuốc độc mà lại được cam lồ; nay tôi cũng như vậy, ôm lòng sân nhuế đến ngồi nơi đây, mà lại được Ngài dùng mưa pháp rưới lên thân tôi như mưa cam lồ. Bạch Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, tôi đang bận nhiều công việc tại nhà, xin phép Ngài tôi cáo từ.”

Tôn giả Ma ha Ca-chiên-diên nói:

“Bà-la-môn, nên biết đúng thời.”

Sau khi nghe những gì Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nói xong, Bà-la-môn tùy hỷ hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về. [190]

KINH 258. THỦ THANH DỤ [191]

 [72b20] Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo một mình lặng lẽ tư duy: “Thế nào là ngã? Ngã làm gì? Những gì là ngã? Ngã trụ ở đâu?” Sau khi từ thiền tịnh tỉnh giác, Tỳ-kheo này đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch phật:

“Bạch Thế Tôn, con một mình ở chỗ vắng tư duy: ‘Thế nào là ngã? Ngã làm gì? Những gì là ngã? Ngã trụ ở đâu?’”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ vì ngươi mà nói hai pháp [192]. Ngươi hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ. Thế nào là hai? Mắt và sắc là hai. Tai và tiếng, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp. Đó gọi là hai pháp.

“Này Tỳ-kheo, nếu có người bảo rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm nói hai pháp, nhưng đó chẳng phải là hai. Nay tôi sẽ bỏ cái này để lập hai pháp khác.’ Người kia chỉ nói, nhưng nếu gạn hỏi vài lần [72c] thì không biết, và càng tăng thêm nghi hoặc, vì chẳng phải là cảnh giới của họ. Vì sao? Vì duyên mắt và sắc nên sanh ra nhãn thức.

“Này Tỳ-kheo, mắt này là hình thịt [193], là bên trong, là nhân duyên, là cứng [194], được chấp thọ [195]. Đó gọi là nội địa giới, hình thịt của mắt. Này Tỳ-kheo, nếu hình thịt của mắt, hoặc bên trong, hoặc nhân duyên, chất dịch từ mắt tiết ra, được chấp thọ; đó gọi là nội thủy giới hình thịt của mắt. Này Tỳ-kheo, nếu hình thịt của mắt này, hoặc bên trong, hoặc nhân duyên, phát ra ánh sáng ấm nóng, được chấp thọ; đó gọi là nội hỏa giới hình thịt của mắt. Này Tỳ-kheo, nếu hình thịt của mắt này, hoặc ở trong, hoặc nhân duyên, dao động nhẹ nhàng, được chấp thọ; đó là nội phong giới hình thịt của mắt. Này Tỳ-kheo, thí như hai tay chập lại tạo thành âm thanh, cũng vậy duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức. Hòa hợp ba sự sanh xúc, xúc sanh thọ, tưởng, tư. Các pháp này chẳng phải ngã, chẳng phải thường, mà đó là cái ngã vô thường; [196] cũng chẳng phải lâu bền, chẳng phải an ổn, mà đó là cái ngã biến dịch. [197] Vì sao? Này Tỳ-kheo, vì nó là pháp thọ sanh có sanh, già, chết, tiêu mất.

“Này Tỳ-kheo, các hành như huyễn, như quáng nắng, trong khoảnh sát na, tàn lụi, không thật đến không thật đi. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với các hành vốn không, nên biết, nên hoan hỷ, nên suy niệm rằng, trống không là các hành thường tồn, vĩnh hằng, ổn trụ, pháp không biến dịch; trống không không có ngã, không có ngã sở.

“Ví như người mắt sáng tay cầm đèn sáng vào trong nhà trống, xem xét cái nhà trống ấy. Cũng vậy, Tỳ-kheo, đối với tất cả hành trống không, tâm quán sát, hoan hỷ, rằng trống không là các hành thường tồn, vĩnh hằng, ổn trụ, pháp không biến dịch; trống không không có ngã, không có ngã sở. Cũng vậy, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và pháp làm nhân duyên sanh ra ý thức, hòa hợp ba sự xúc; xúc sanh thọ, tưởng, tư; các pháp này vô ngã, vô thường, chi tiết cho đến không, vô ngã, vô ngã sở. Tỳ-kheo, ý ngươi thế nào? Mắt là thường hay là vô thường?”

“Bạch Thế Tôn, vô thường.”

Phật lại hỏi:

“Nếu vô thường là khổ chăng?”

“Bạch Thế Tôn, là khổ.”

Phật lại hỏi:

“Nếu vô thường là khổ, là pháp biến dịch, vậy đa văn Thánh đệ tử có nên ở trong ấy thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

“Bạch Thế Tôn, không.”

“Tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Như vậy đa văn Thánh đệ tử đối với mắt sanh nhàm tởm; nhàm tởm nên không không ưa thích, không ưa thích nên giải thoát, giải thoát tri kiến, tự biết rằng ‘Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’ Tai, mũi, lưỡi, thân , ý lại cũng như vậy.”

Tỳ-kheo ấy nghe Phật thuyết về kinh thí dụ hai tay họp lại phát tiếng, một mình đi đến chỗ vắng, tinh cần tư duy, sống không buông lung, [73a] cho đến… tự biết không còn thọ thân sau, thành A-la-hán.

KINH 259. KHÍ XẢ [198]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Những gì không phải là sơ hữu của các ngươi, cần phải xả bỏ hết; khi đã xả bỏ hết pháp đó rồi, các ngươi được an vui lâu dài. Này các Tỳ-kheo, ý các ngươi thế nào? Ở trong rừng Kỳ-hoàn này, các thứ cỏ cây, cành lá, nếu có người mang đi, các người có nghĩ rằng: ‘Những vật này là tôi, là của tôi, người kia sao lại đem đi?’”

Các Tỳ-kheo đáp: 

“Bạch Thế Tôn, không. Vì sao? Những vật này chẳng phải ta, chẳng phải của ta.”

“Tỳ-kheo, các ngươi cũng lại như vậy, đối với vật không phải sở hữu của mình, phải xả bỏ hết; khi đã xả bỏ những pháp này rồi, các ngươi được an vui lâu dài. Những gì không phải sở hữu của các ngươi? Mắt, không phải sở hữu của các ngươi, nên xả bỏ; khi đã xả bỏ rồi, các ngươi được an vui lâu dài. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Thế nào, Tỳ-kheo, mắt là thường hay là vô thường?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, là vô thường.”

Phật lại hỏi:

“Nếu là vô thường thì khổ phải không?”

“Bạch Thế Tôn, là khổ.”

Phật lại hỏi:

“Nếu vô thường, là khổ, là pháp biến dịch, vậy đa văn Thánh đệ tử đối với sáu nhập xứ này, nên quán sát chẳng phải ta, chẳng phải của ta. Khi quán sát rồi, đối với các pháp thế gian không có gì để chấp thủ; không chấp thủ nên không đắm trước; do không đắm trước nên tự mình giác ngộ Niết-bàn, tự biết rằng ‘Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành. 

KINH 260. NAN-ĐÀ [199]

Tôi nghe như vầy:

Khi đức Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-Vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có người nói: ‘Người có sức mạnh nhất chỉ có Nan-đà.’ Đây là lời nói chính xác. Có người nói: ‘Người đẹp trai nhất cũng chỉ có Nan-đà.’ Đây là lời nói đúng. Có người lại nói: ‘Người ái dục nặng cũng chỉ có Nan-đà.’ Đây là lời nói đúng. Này các Tỳ-kheo, nhưng hiện tại Nan-đà đã đóng cửa các căn, ăn uống điều độ, đầu đêm, cuối đêm tinh tấn siêng năng tu tập, thành tựu chánh trí, có thể suốt đời thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh thanh bạch.

“Tỳ-kheo Nan-đà này đã đóng cửa các căn. Nếu [73b] mắt thấy sắc, không còn chấp giữ tướng dạng của sắc, không chấp giữ vẻ đẹp riêng [200]. Nếu những gì khiến nhãn căn không được phòng hộ [201], bị ngăn che bởi vô minh, tham ái thế gian; Tỳ-kheo khởi tâm phòng hộ, [202] không để các pháp ác bất thiện ấy tiết lậu vào tâm. Tỳ-kheo sanh các luật nghi để phòng hộ các căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý [203]. Đó gọi là Tỳ-kheo Nan-đà đóng cửa các căn. [204]

“Thế nào là ăn uống có điều độ? Tỳ-kheo Nan-đà đối với việc ăn có hệ số [205], không tự cao, không buông lung, không vì sắc đẹp, không vì trang nghiêm, vừa đủ nuôi thân mà thôi, không kể ngon dở, cốt trừ đói khát để tu phạm hạnh; vì để đối với những cảm giác khổ đã khởi lên trước đây, liền làm cho dập tắt; những cảm giác khổ chưa khởi khiến cho không khởi; vì để thành tựu được ý chí hướng thượng [206]; vì để khí lực an lạc, sống một mình không cần ai biết đến [207]. Như người đi xe phải bôi dầu, không vì tự cao, (chi tiết như trên, cho đến) không vì trang điểm, mà vì để vận tải. Cũng giống như xức ghẻ, không vì tham vị thuốc mà vì muốn hết đau. Cũng vậy, thiện gia nam tử Nan-đà biết ăn uống có điều độ,… cho đến, sống một mình không cần ai biết đến. Đó gọi là Nan-đà biết ăn uống có điều độ.

“Thiện nam tử Nan-đà đầu đêm, cuối đêm, tinh tấn siêng năng tu tập. Nan-đà ban ngày kinh hành, tọa thiền, trừ bỏ ấm chướng để cho thân thanh tịnh; đầu đêm kinh hành, tọa thiền, trừ bỏ ấm chướng để cho thân thanh tịnh [208]; nửa đêm ra ngoài phòng rửa chân, rồi vào trong phòng nằm nghiêng bên phải, hai chân chồng lên nhau, buộc niệm vào tướng ánh sáng, nghĩ tưởng đến sự tỉnh dậy; cuối đêm từ từ tỉnh dậy, kinh hành, tọa thiền. Đó gọi là thiện nam tử Nan-đà, đầu đêm, cuối đêm, tinh tấn siêng năng tu tập.

“Thiện gia nam tử Nan-đà kia có thắng niệm, chánh tri [209]. Thiện nam tử Nan-đà quán sát phương Đông, nhất tâm chánh niệm, an trú quán sát. Quán sát phương Nam, phương Tây, phương Bắc lại cũng như vậy. Nhất tâm chánh niệm, an trú quán sát; người nào quán sát như vậy, các pháp bất thiện, tham ưu ở thế gian không lọt vào tâm được.

“Thiện nam tử Nan-đà kia tỉnh giác khi các thọ sinh khởi, tỉnh giác khi các thọ đình trú, tỉnh giác khi các thọ diệt; luôn trú trong chánh niệm, không cho tán loạn; tỉnh giác khi các tưởng sinh khởi, tỉnh giác khi các tưởng đình trú, tỉnh giác khi các tưởng diệt; tỉnh giác khi các tầm [210] sinh khởi, tỉnh giác khi các tầm trú, tỉnh giác khi các tầm diệt; luôn trú trong chánh niệm, không cho tán loạn. Đó gọi là thiện nam tử Nan-đà thành tựu chánh niệm, chánh trí.

“Cho nên, các Tỳ-kheo nên học như vầy: ‘Đóng kín cửa các căn như thiện nam tử Nan-đà; ăn uống có [73c] điều độ như thiện nam tử Nan-đà; đầu đêm, cuối đêm tinh tấn siêng năng tu tập như thiện nam tử Nan-đà; thành tựu chánh niệm, chánh trí như thiện nam tử Nan-đà.’ Như pháp truyền dạy cho Nan-đà cũng nên được đem dạy cho người khác.”

Khi ấy có Tỳ-kheo nọ nói kệ:

Khéo đóng cửa các căn,

Nhiếp tâm, trú chánh niệm,

Ăn uống biết điều độ,

Giác biết các tướng tâm,

Thiện nam tử Nan-đà,

Được Thế Tôn khen ngợi.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 261. NAN-ĐÀ THUYẾT PHÁP [211]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có chúng Đại Thanh văn ni ở trong vườn vua nước Xá-vệ. Tên các Tỳ-kheo-ni này là Thuần-đà Tỳ-kheo-ni, Dân-đà Tỳ-kheo-ni, Ma-la-bà Tỳ-kheo-ni, Ba-la-giá-la Tỳ-kheo-ni, Đà-la-tì-ca Tỳ-kheo-ni, Sai-ma Tỳ-kheo-ni, Nan-ma Tỳ-kheo-ni, Cáo-nan-xá Cù-đàm-di Tỳ-kheo-ni, Ưu-bát-la-sắc Tỳ-kheo-ni, Ma-ha Ba-xà-ba-đề Tỳ-kheo-ni. Những vị này cùng một số Tỳ-kheo-ni khác đều ở trong vườn vua.

Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề [212] cùng với năm trăm Tỳ-kheo-ni lần lượt trước sau đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên. Lúc ấy, Thế Tôn vì Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề mà thuyết pháp, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ [213]. Sau khi bằng nhiều cách thuyết pháp, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ, Ngài khiến họ lui về, rằng:

“Tỳ-kheo-ni! Thời gian thích hợp, nên đi!”

Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ làm lễ mà lui.

Bấy giờ, đức Thế Tôn biết Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề đã về rồi, mới bảo các Tỳ-kheo:

“Ta nay tuổi đã già yếu, không còn có thể vì các Tỳ-kheo-ni thuyết pháp được. Tỳ-kheo Tăng các người, từ nay các Thượng tọa tôn đức hãy giáo thọ các Tỳ-kheo-ni.”

Các Tỳ-kheo vâng lời đức Thế Tôn, tuần tự theo thứ lớp giáo thọ các Tỳ-kheo-ni. Theo thứ tự, đến phiên Nan-đà.

Bấy giờ, theo thứ tự, Nan-đà  đi nhưng không muốn đi giáo thọ.

Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề cùng năm trăm Tỳ-kheo-ni trước sau lần lượt đến chỗ đức Thế Tôn, [74a]  cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, cho đến… xin được nghe pháp. Nghe xong họ hoan jỷ, đảnh lễ rồi ra về.

Bấy giờ, đức Thế Tôn biết Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề đã về rồi, liền hỏi Tôn giả A-nan:

“Hôm nay đến phiên ai giáo thọ các Tỳ-kheo-ni?”

Tôn giả A-nan bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, các Thượng tọa đã lần lượt giáo thọ Tỳ-kheo-ni rồi, nay tới phiên Nan-đà, nhưng Nan-đà không muốn giáo thọ.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Nan-đà:

“Ngươi hãy giáo thọ các Tỳ-kheo-ni, vì các Tỳ-kheo-ni mà nói pháp. Vì sao? Vì Ta đã đích thân dạy dỗ các Tỳ-kheo-ni, nên ngươi cũng phải như vậy. Ta đã vì các Tỳ-kheo-ni mà nói pháp, ngươi cũng nên như vậy.” 

Bấy giờ, Nan-đà im lặng vâng lời.

Sáng sớm hôm sau, Nan-đà đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong, Tôn giả trở về tinh xá, thu cất y bát, rửa chân xong vào thất tọa thiền. Sau khi tỉnh giác thiền tịnh, Nan-đà đắp y tăng-già-lê, và dẫn theo một Tỳ-kheo đi đến vườn vua. Các Tỳ-kheo-ni từ xa trông thấy Tôn giả Nan-đà đến, vội vàng trải chỗ ngồi, và mời ngồi. Tôn giả Nan-đà an tọa xong, các Tỳ-kheo-ni cúi đầu đảnh lễ, rồi ngồi lui qua một bên. Tôn giả Nan-đà nói với các Tỳ-kheo-ni:

“Này các cô! Các cô có điều chi xin hỏi tôi, tôi sẽ vì các cô mà nói pháp. Các cô nếu hiểu rồi, xin nói là đã hiểu; nếu chưa hiểu, nên nói là chưa hiểu. Đối với những nghĩa lý mà tôi đã nói ra, nếu đã hiểu thì hãy khéo thực hành, nếu không hiểu thì phải hỏi lại, tôi sẽ sẵn sàng nói lại.”

Các Tỳ-kheo-ni Bạch Tôn giả Nan-đà:

“Ngày nay chúng con nghe Tôn giả dạy, cho phép chúng con hỏi, bảo chúng con rằng: ‘Các cô nếu hiểu rồi, xin nói là đã hiểu; nếu chưa hiểu, nên nói là chưa hiểu. Đối với những nghĩa lý mà tôi đã nói ra, nếu đã hiểu thì hãy khéo thực hành, nếu không hiểu thì phải hỏi lại.’ Chúng con nghe được điều này, lòng rất vui mừng. Bây giờ, chúng con xin hỏi về những nghĩa lý chưa được hiểu.”

Lúc đó Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:   

“Thế nào các cô, khi quán sát về nội nhập xứ của mắt, có thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Hỏi tiếp:

“Khi quán sát về nội nhập xứ của tai mũi, lưỡi, thân, ý có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Bạch Tôn giả Nan-đà, đối với pháp này chúng con đã từng thấy biết như thật. Đối với sáu nội nhập xứ quán sát là vô ngã, chúng con từng hiểu ý như vầy: sáu nội nhập xứ là vô ngã.”

Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Lành thay! Các cô nên hiểu như vậy. Sáu nội nhập xứ nên quán sát là vô ngã.

“Này các Tỳ-kheo-ni, ngoại nhập xứ của sắc có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Hỏi tiếp:

“Ngoại nhập xứ của thanh, hương, vị, xúc, pháp, có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau chăng?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu ngoại nhập xứ này, chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã. [74b] Chúng con thường hiểu ý này: Sáu ngoại nhập xứ như thật là vô ngã.”

Tôn giả Nan-đà khen ngợi các Tỳ-kheo-ni:

“Tốt lắm! Các cô đối với nghĩa này nên quán sát như vầy: ‘Sáu ngoại nhập xứ là vô ngã. Nếu duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức, vậy thì nhãn thức này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?’”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Hỏi tiếp:

“Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý,… pháp làm duyên sanh ra ý thức, vậy thì ý thức này có phải là ngã, là khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu thức thân này chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã. Chúng con cũng thường hiểu ý này: Sáu thức thân như thật là vô ngã.”

Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Lành thay! đối với nghĩa này các cô nên quán sát như vầy: ‘Sáu thức thân như thật là vô ngã; duyên mắt và sắc sanh nhãn thức, ba sự hòa hợp này sanh xúc, vậy xúc này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?’”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Hỏi tiếp:

“Tai, mũi, lưỡi, thân, ý,… pháp làm duyên sanh ý thức, ba sự hòa hợp sanh xúc, vậy thì úc này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu xúc này chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã. Chúng con cũng thường hiểu ý như vầy: Sáu xúc như thật là vô ngã.”

Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Đối với nghĩa này, các cô nên quán sát như vầy: ‘Sáu xúc thân như thật là vô ngã. Duyên mắt và sắc sanh nhãn thức, ba sự hòa hợp sanh xúc, xúc duyên thọ, vậy thọ này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?’”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Hỏi tiếp:

“Tai, mũi, lưỡi, thân, ý,… pháp làm duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp sanh xúc, xúc duyên thọ, vậy thọ này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu thọ thân này [74b] chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã. Chúng con cũng thường hiểu ý này: Sáu thọ thân như thật là vô ngã.”

Tôn giả Nan-đà lại bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Đối với nghĩa này, các cô nên quán sát như vầy: ‘Sáu thọ thân này như thật là vô ngã. Duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức, ba sự hòa hợp này sanh xúc, xúc duyên tưởng, vậy tưởng này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?’”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Hỏi tiếp:

“Tai, mũi, lưỡi, thân, ý,... pháp làm duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp này sanh xúc, xúc duyên tưởng, vậy tưởng này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu tưởng thân này, chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã. Chúng con cũng thường hiểu ý này: Sáu tưởng thân như thật là vô ngã.”

Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Tỳ-kheo-ni, đối với nghĩa này, các cô nên quán sát như vầy: ‘Sáu tưởng thân này như thật là vô ngã. Duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức, ba sự hòa hợp này sanh xúc, xúc duyên tư, vậy tư này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?’”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Hỏi tiếp:

“Tai, mũi, lưỡi, thân, ý,… pháp làm duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp này sanh xúc, xúc duyên tư, vậy tư này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu tư thân này, chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã. Chúng con thường hiểu ý này: Sáu tư thân này như thật là vô ngã.”

Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Tỳ-kheo-ni, đối với nghĩa này, các cô nên quán sát như vầy: ‘Sáu tư thân này như thật là vô ngã. Duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức, ba sự hòa hợp này sanh xúc, xúc duyên ái, vậy ái này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?’”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Hỏi tiếp:

“Tai, mũi, lưỡi, thân, ý,… pháp làm duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp này sanh xúc, xúc duyên ái, vậy ái này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu ái thân này, chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã. Chúng con thường hiểu ý này: Sáu ái thân này như thật là vô ngã.”

Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Đối với nghĩa này các cô nên quán sát như vầy: ‘Sáu ái thân này như thật là vô ngã.’

“Này các Tỳ-kheo-ni, ví như nhờ vào có dầu mỡ, và nhờ vào tim đèn nên đèn được cháy sáng. Dầu này là vô thường, tim đèn là vô thường, lửa là vô thường, cây đèn [75a] cũng là vô thường. Nếu có người bảo rằng không dầu, không tim, không lửa, không đèn mà có ánh sáng thường trụ mãi mãi, không biến đổi, lời nói này có đúng không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Tôn giả Nan-đà nói:

“Vì sao? Vì nhờ vào có dầu, tim, cây đèn, nên đèn cháy sáng. Dầu, tim, và cây đèn này đều là vô thường. Nếu không dầu, không tim, không đèn thì ánh sáng của cây đèn cũng theo đó mà diệt mất, vắng lặng, mát mẻ, chân thật. Như vậy, này các cô, sáu nội nhập xứ này là vô thường. Nếu có người bảo rằng ‘hỷ lạc do nhân duyên sáu nội nhập xứ này mà sanh, nó thường hằng, thường trụ, không biến đổi, an ổn,’ thì lời nói này có đúng không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì chúng con đã từng quán sát như thật rằng vì những pháp kia làm duyên sanh ra những pháp này; nếu những pháp làm duyên kia diệt, các pháp được sanh ra này cũng tùy theo đó mà diệt mất, vắng lặng, mát mẻ, chân thật.”

Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Đối với nghĩa này, các cô nên quán sát như vầy: Do những pháp kia làm duyên sanh ra những pháp này; những pháp làm duyên kia nếu diệt đi, các pháp được sanh ra này cũng tùy theo đó mà diệt mất, vắng lặng, mát mẻ, chân thật.”

“Này các Tỳ-kheo-ni, thí như cây đại thọ có gốc, cành, nhánh, lá; gốc chúng cũng là vô thường, nên cành, nhánh, lá cũng đều là vô thường. Nếu có người bảo rằng không có cành, nhánh, lá của cây này, mà chỉ có cái bóng của nó là thường trụ mãi mãi, không biến đổi, lời nói này có đúng không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì như gốc, cành, nhánh, lá cây lớn này; gốc chúng cũng là vô thường, nên cành, nhánh, lá cũng là vô thường. Không gốc, không cành, không nhánh, không lá, cái bóng nương vào nơi cây đó, tất cả cũng đều không.”

Hỏi tiếp:

“Này các cô, duyên vào ngoại lục nhập xứ vô thường. Nếu bảo rằng ‘hỷ lạc do nhân duyên sáu ngoại nhập xứ mà sanh là thường trụ mãi mãi, không biến đổi, và an ổn,’ lời nói này có đúng không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả, không. Vì sao? Vì đối với nghĩa này chúng con đã quán sát như thật, là do những pháp kia làm duyên sanh ra những pháp này; nếu những pháp làm duyên kia diệt, các pháp được sanh ra này cũng tùy theo đó mà diệt mất, vắng lặng, mát mẻ, chân thật.”

Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Các Tỳ-kheo-ni, đối với nghĩa này nên quán sát như thật, là do những pháp kia làm duyên sanh ra những pháp này; nếu những pháp làm duyên kia diệt, các pháp được sanh ra này cũng tùy theo đó mà diệt mất, vắng lặng, mát mẻ, chân thật.

“Các cô hãy nghe tôi [75b] nói thí dụ, người trí nhờ thí dụ này mà hiểu rõ. Như người đồ tể mổ bò một cách thiện nghệ, hay người học trò của ông ta, tay cầm dao bén để lột da con bò, bằng cách lòn lách vào giữa da và thịt mà không phạm vào phần thịt bên trong, cũng không rách phần da ở bên ngoài, kể cả việc mổ lột chân cẳng gân cốt con bò, sau đó dùng tấm da ấy phủ lên nó trở lại. Nếu có người bảo rằng: ‘Da thịt của con bò này hoàn toàn không bị cắt rời.’ Vậy, lời nói này có đúng không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì người đồ tể thiện nghệ này, và học trò của ông ta tay cầm dao bén, lòn lách vào giữa da và thịt, để lột da mà không chạm đến da thịt của nó, kể cả chân cẳng gân xương, tất cả đều đứt hết, sau đó trùm lại con trâu ấy. Nhưng da thịt đã bị cắt đã rời, không phải là không bị cắt rời.”

“Này các cô, tôi sẽ giải thích về ý nghĩa của thí dụ này: Con bò dụ cho sắc thô của thân người, như được nói chi tiết trong kinh Giỏ rắn độc. Thịt là chỉ cho nội sáu nhập xứ. Da ngoài chỉ cho ngoại sáu nhập xứ. Người đồ tể chỉ cho bậc hữu học thấy đạo tích [214]. Gân xương ở khoảng giữa da thịt chỉ cho sự câu hữu của hai món tham-hỷ. Dao bén chỉ cho trí tuệ sắc bén. Đa văn Thánh đệ tử dùng dao bén trí tuệ chặt đứt tất cả những kết sử, triền phược, tùy miên, phiền não, tùy phiền não. Cho nên, các cô nên học như vậy. Đối với những pháp đáng yêu thích, tâm không nên đắm trước, vì để đoạn trừ tham vậy. Đối với những pháp đáng sân hận, cũng không nên sanh tâm sân hận, vì để đoạn trừ sân vậy. Đối với những pháp đáng si, không nên sanh tâm si, vì để đoạn trừ si vậy. Đối với năm thủ uẩn phải quán sát sanh diệt. Đối với sáu xúc nhập xứ phải quán sát về sự tập khởi, và sự diệt tận. Đối với bốn niệm xứ nên khéo buộc tâm. An trú nơi bảy giác phần; khi tu bảy giác phần rồi, đối với dục lậu kia tâm không duyên đắm, tâm giải thoát. Đối với hữu lậu, tâm không duyên đắm, tâm giải thoát. Đối với vô minh lậu, tâm không duyên đắm, tâm được giải thoát. Các cô nên học như vậy.”

Bấy giờ, Tôn giả Nan-đà vì các Tỳ-kheo-ni thuyết pháp làm cho hoan hỷ [215]. Sau khi bằng nhiều cách thuyết pháp, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về. Lúc ấy, Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề cùng đi với năm trăm Tỳ-kheo-ni quyến thuộc lần lượt đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ Phật, lui đứng qua một bên,… cho đến đảnh lễ Phật rồi trở về.

Bấy giờ Thế Tôn biết Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề đã ra về, Ngài mới bảo các Tỳ-kheo:

“Thí như trăng sáng đêm mười bốn, có nhiều người ngắm trăng; trăng đã tròn hay chưa tròn? Nên biết vầng trăng ấy chưa tròn lắm. Cũng vậy, thiện nam tử Nan-đà vì năm [75c] trăm Tỳ-kheo-ni chân chánh giáo thọ, chân chánh thuyết, đối với sự giải thoát của họ, vẫn chưa phải là rốt ráo. Nhưng những Tỳ-kheo-ni này khi mạng chung không một kết sử nào là không đoạn, để có thể khiến cho họ sanh trở lại đời này.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn lại bảo Nan-đà:

“Hãy vì các Tỳ-kheo-ni mà nói pháp.”

Lúc ấy, Tôn giả Nan-đà im lặng vâng lời. Sáng hôm sau, Tôn giả mang bát vào thành khất thực. Thọ trai xong, Tôn giả đi tới vườn vua, rồi ngồi xuống chỗ ngồi, vì các Tỳ-kheo-ni nói pháp, làm cho hoan hỷ. Sau khi bằng nhiều cách thuyết pháp, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ, rời khỏi chỗ ngồi, đứng dậy ra về.

Một hôm, Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề, cùng năm trăm Tỳ-kheo-ni trước sau lần lượt đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật,… cho đến đảnh lễ ra về.

Bấy giờ, đức Thế Tôn biết Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề đã đi rồi, bảo các Tỳ-kheo :

“Thí như trăng sáng đêm rằm, không còn ai nghi ngờ về vầng trăng tròn hay không tròn, nhưng vầng trăng kia hoàn toàn tròn đầy. Cũng vậy, thiện gia nam tử Nan-đà đã vì các Tỳ-kheo-ni chân chánh giáo thọ như vậy, cứu cánh giải thoát. Nếu lúc mạng chung, dù không có người nào nói họ sẽ đi về đâu, nhưng họ cũng có thể tự biết đây là biên tế của khổ.”

Bấy giờ, Thế Tôn thọ ký cho năm trăm Tỳ-kheo-ni chứng quả thứ nhất [216].

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 262. LUẬT NGHI BẤT LUẬT NGHI [217]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bất luật nghi và luật nghi [218], các Tỳ-kheo hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói. Thế nào là bất luật nghi? Nếu nhãn căn không được luật nghi thâu giữ [219], nhãn thức bị đắm sắc; vì bị đắm sắc nên sanh ra khổ thọ; vì khổ thọ nên không được nhất tâm [220]; vì không nhất tâm nên không thấy biết như thật; vì không thấy biết như thật nên không lìa nghi hoặc; vì không lìa nghi hoặc nên bị chúng làm mê lầm chịu khổ mãi mãi. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Đó gọi là bất luật nghi.

“Thế nào là luật nghi? Nếu nhãn căn được luật nghi thâu giữ, khi nhãn thức nhận thức sắc, tâm không nhiễm trước [221]; khi tâm không nhiễm trước thì thường trụ an vui; vì tâm đã trụ trong an vui nên thường được nhất tâm, vì đã nhất tâm nên thấy biết như thật, vì đã thấy biết như thật nên lìa nghi hoặc, vì đã lìa nghi hoặc nên không bị chúng làm mê lầm, và thường trụ trong an vui. Tai, mũi, lưỡi, [76a] thân, ý lại cũng như vậy. Đó gọi là luật nghi.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 263. THỐI BẤT THỐI [222]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có pháp thối chuyển, không thối chuyển, và sáu xúc xứ. [223] Các Tỳ-kheo hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.

“Thế nào là pháp thối chuyển? Khi mắt biết sắc, suy tầm dục vọng phát sanh [224], Tỳ-kheo đó hoan hỷ, tán thán, chấp lấy, dính mắc, thuận theo sự xoay chuyển của pháp này, nên biết, Tỳ-kheo này đã thối chuyển các pháp lành [225]. Thế Tôn nói đó là pháp thối chuyển. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Thế nào là pháp không thối chuyển? Khi mắt biết sắc mà kết buộc củasuy tầm dục vọng không sanh, Tỳ-kheo đó không hoan hỷ, không tán thán, không chấp lấy, không dính mắc, và đối với pháp này không thuận theo sự xoay chuyển, nên, biết Tỳ-kheo này không thối chuyển các pháp lành. Thế Tôn nói đó là pháp không thối chuyển. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Thế nào là sáu thắng xứ [226]? Khi nhãn thức duyên sắc, mà không sanh suy tầm dục vọng dẫn đến kết buộc ô nhiễm, nên biế,t Tỳ-kheo này đã thắng được nhập xứ kia [227]. Thế Tôn nói đó là thắng được nhập xứ kia. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Tỳ-kheo đối với sáu thắng xứ đã thắng được rồi, sẽ đoạn trừ được kết sử tham dục, và sẽ đoạn trừ được kết sử ngu si, sân hận. Giống như ông vua đánh thắng oán địch, và được tôn là ‘Ông vua chiến thắng;’ người đã đoạn trừ các kiết sử rồi được gọi là ‘Bà-la-môn chiến thắng.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 264. ĐIỀU PHỤC [228]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Đối với sáu căn này mà không điều phục, không đóng kín, không thủ hộ, không chấp trì, không tu tập, [229] đời vị lai sẽ chịu quả báo khổ.

“Sáu căn là những gì? Nhãn căn không điều phục, không đóng kín, không thủ hộ, không chấp trì, không tu tập, ở đời vị lai sẽ chịu báo khổ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Phàm phu ngu si không học, khi mắt thấy sắc, chấp thủ tướng chung, chấp thủ tướng riêng; bất kể nhãn căn hướng đến nơi nào, đều an trụ với bất luật nghi được chấp thọ [230], các ác pháp bất thiện tham ái của thế gian lọt vào tâm; những điều như thế đều do không thể chấp trì luật nghi, phòng hộ nhãn. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Như thế [76b] đối với sáu căn, không điều phục, không đóng kín, không giữ gìn, không chấp trì, không tu tập, ở đời vị lai sẽ chịu quả báo khổ.

“Thế nào là sáu căn khéo điều phục, khéo đóng kín, khéo giữ gìn, khéo chấp trì, khéo tu tập, ở đời vị lai sẽ được an vui? Đa văn Thánh đệ tử khi mắt thấy sắc không chấp thủ tướng chung, không chấp thủ tướng riêng; bất kể nhãn căn hướng đến nơi nào, vẫn thường an trú với luật nghi. Những pháp ác, bất thiện tham ái ở thế gian không lọt vào tâm, có thể sanh ra các luật nghi, khéo thủ hộ nhãn căn [231]. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Đó gọi là sáu căn khéo điều phục, khéo đóng kín, khéo giữ gìn, khéo chấp trì, khéo tu tập, ở đời vị lai sẽ được an vui.

Đức Phật liền nói bài kệ: 

Nơi sáu xúc nhập xứ,   

Sống với không luật nghi;

Những Tỳ-kheo như vậy,

Mãi mãi chịu khổ lớn.

Đối với các luật nghi,

Luôn tinh cần tu tập,

Chánh tín, tâm không hai,

Các lậu chẳng vào tâm.

Mắt thấy những sắc kia,

Vừa ý không vừa ý;

Vừa ý, không sanh muốn,

Không vừa ý, chẳng ghét.

Tai nghe những âm thanh,

Khả niệm, không khả niệm;

Khả niệm, không ưa đắm,

Không khả, không khởi ác.

Mũi ngửi đến các mùi,

Hoặc thơm, hoặc là hôi;

Đối thơm, hôi, bình đẳng,

Không muốn, cũng không trái.

Đối các vị để ăn,

Chúng cũng có ngon, dở;

Vị ngon không khởi tham,

Vị dở không kén chọn.

Thân xúc tạo vui sướng,

Mà chẳng sanh buông lung;

Xúc chạm bị khổ đau,

Không sanh tưởng oán ghét.

Khổ vui đều buông hết,

Chưa diệt khiến cho diệt.

Phải quán sát tâm ý,

Các tướng, các tướng kia.

Giả dối mà phân biệt,

Dục tham càng rộng lớn.

Giác ngộ các ác kia,

An trú tâm lìa dục.

Khéo nhiếp sáu căn này, [76b]

Sáu cảnh xúc không động,

Dẹp sạch các ma oán,

Vượt qua bờ sống chết.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 265. TẦN-ĐẦU THÀNH [232]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại nước Câu-tát-la du hành trong nhân gian đến ở trong rừng Thân-thứ [233], phía bắc thành Tần-đầu [234].

Bấy giờ trong thành Tân-đầu có các gia chủ Bà-la-môn đều nghe Thế Tôn đang ở nước Câu-tát-la, du hành trong nhân gian, đến ở trong rừng Thân-thứ, phía bắc thành Tân-đầu. Họ nghe vậy rồi, tất cả đều ra khỏi thành, đi đến rừng Thân-thứ, chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên. Bấy giờ, đức Phật nói với các gia chủ Bà-la-môn thành Tân-đầu:

“Nếu có người hỏi các Ông: ‘Những hạng Sa-môn, Bà-la-môn nào không đáng cung kính, lễ bái, thừa sự, cúng dường?’ thì các Ông nên đáp là: ‘Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào, mắt thấy sắc mà chưa lìa được tham, chưa lìa được dục, chưa lìa ái, chưa lìa khao khát, chưa lìa niệm, nội tâm không tịch tịnh, việc làm phi pháp, hành vi thô tháo. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng như vậy. Những hạng Tì-kheo như vậy không đáng cung kính, tôn trọng, lễ bái, thừa sự, cúng dường.’ Nói như vậy xong, lại có người khác hỏi: ‘Vì sao những Sa-môn này không đáng cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự, cúng dường?’ Các Ông nên trả lời: “Chúng tôi mắt thấy sắc mà không lìa dục, không lìa ái, không lìa khao khát, không lìa niệm, trong tâm không tịch tịnh, và đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng như vậy. Những Sa-môn, Bà-la-môn kia, khi mắt thấy sắc cũng không lìa tham, không lìa dục, không lìa ái, không lìa khao khát, không lìa niệm, trong tâm họ không tịch tịnh, hành động phi pháp, việc làm lôi thôi, và đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng như vậy. Chúng tôi tìm sự sai biệt ở đây, nhưng không thấy họ khác biệt chúng tôi chỗ nào. Vì vậy, chúng tôi không cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự cúng dường các hạng Sa-môm, Bà-la-môn như vậy.’

“Nếu có người hỏi: ‘Những Sa-môn, Bà-la-môn nào đáng cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự, cúng dường?’ Các Ông nên trả lời: ‘Nếu những vị ấy khi mắt thấy sắc mà lìa dục, lìa tham, lìa ái, lìa khao khát, lìa niệm, trong tâm họ tịch tịnh, không hành động phi pháp, làm những hạnh bình đẳng, việc làm không lôi thôi; đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng như vậy; những hạng Sa-môn, Bà-la-môn như vậy đáng được cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự, cúng dường.’

 [77a] “Nếu lại hỏi: ‘Vì sao những Sa-môn, Bà-la-môn này được cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự, cúng dường?’ Các Ông nên trả lời: ‘Chúng tôi mắt thấy sắc không lìa tham, không lìa dục, không lìa ái, không lìa khao khát, không lìa niệm, trong tâm không tịch tịnh, hành động phi pháp, việc làm lôi thôi. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, y, pháp lại cũng như vậy. Những vị Sa-môn, Bà-la-môn này lại lìa tham, lìa dục, lìa ái, lìa khao khát, lìa niệm, nội tâm tịch tịnh, hành động đúng pháp, hành động không thô tháo; và đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng như vậy. Ở đây, chúng tôi tìm sự khác biệt, và thấy những vị ấy có chỗ khác chúng tôi. Vì thấy có sự sai biệt, nên chúng tôi cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn ấy .’

“Đã trả lời như vậy, nếu có người lại hỏi: ‘Những Sa-môn, Bà-la-môn này có hành vi gì, có hình mạo thế nào, và có dấu hiệu nào để khiến cho các ông biết những Sa-môn, Bà-la-môn này lìa tham, hướng đến điều phục tham; lìa sân, hướng đến điều phục lìa sân; lìa si, hướng đến điều phục lìa si?’ Các Ông phải trả lời rằng: ‘Chúng tôi thấy Sa-môn, Bà-la-môn này có những biểu hiện như thế này: Ở trong rừng vắng, dưới bóng cây, giường thấp, hoặc nơi nệm cỏ, tu hạnh viễn ly, xa lìa người nữ, ưa gần người độc cư để cùng thiền tịnh tư duy; nếu ở những chỗ đó mà không sắc được thấy bởi mắt có thể sanh tâm tham đắm; không tiếng được nghe bởi tai có thể sanh tâm tham đắm; không mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, có thể sanh tâm tham đắm. Những Sa-môn, Bà-la-môn này có hành vi như vậy, có hình mạo thế như vậy, và có dấu hiệu như vậy để khiến cho các chúng tôi biết những Sa-môn, Bà-la-môn này lìa tham, hướng đến điều phục tham; lìa sân, hướng đến điều phục lìa sân; lìa si, hướng đến điều phục lìa si.”

Khi ấy, các Sa-môn, và gia chủ Bà-la-môn, bạch Phật:

“Kỳ diệu thay, Thế Tôn! Ngài không tự khen mình, không chê người, mà chỉ nói ý nghĩa. Mỗi người nơi các nhập xứ tự mình phân biệt nhiễm ô hay thanh tịnh, nói rộng duyên khởi đúng lời nói của Như Lai Ứng cúng, Chánh đẳng Chánh giác. Giống như người cứu được kẻ chết chìm, như mở chỗ bít kín, như chỉ lối cho kẻ lầm đường, như thắp đèn nơi tối. Cũng vậy, Thế Tôn không khen mình, chê người, mà chỉ nói ý nghĩa… cho đến, như lời Như Lai nói.”

Các gia chủ Bà-la-môn ở thành Tân-đầu, sau khi nghe những gì đức Phật đã nói, vui vẻ, làm lễ ra về.

KINH 266. OANH PHÁT MỤC-KIỀN-LIÊN [235]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn trúc Ca lan đà [77a] nơi thành Vương-xá.

Bấy giờ có Mục-kiền-liên tóc búi xuất gia, [236] đi đến chỗ Phật, cùng nhau hỏi thăm xong, ngồi qua một bên. Bấy giờ, đức Thế Tôn nói với Mục-kiền-liên tóc búi:

“Ông từ đâu đến?”

Mục-liên liền bạch Phật:

“Tôi theo chúng ngoại đạo, Sa-môn, Bà-la-môn Giá-la-ca [237] xuất gia, vừa hội họp ở giảng đường Vị tằng [238] để nghe pháp, và từ rừng đó đến đây.”

Phật bảo Mục-kiền-liên tóc búi:

“Ông vì những phước lực [239] gì mà nghe thuyết pháp từ các chúng Sa-môn, Bà-la-môn ngoại đạo Giá-la-ca xuất gia kia?”

Mục-kiền-liên tóc bện Bạch:

“Tôi thử nghe phước lợi mà họ luận nghị tranh hơn nhau, nghe phước lợi mà họ phản bác luận nghị nhau.”

Phật bảo Mục-kiền-liên:

“Từ xưa tới nay, các Sa-môn, Bà-la-môn ngoại đạo Giá-la-ca xuất gia, luận nghị tranh hơn nhau, phản bác luận nghị nhau về phước lợi, phá hoại lẫn nhau.”

Mục-kiền-liên tóc bện bạch Phật:

“Cù-đàm vì phước lợi mà nói những pháp gì cho các đệ tử, để cho các đệ tử nói lại cho người khác nghe mà không phỉ báng Như Lai, không thêm, không bớt; nói chân thật, nói đúng pháp, nói đúng theo thuận thứ của pháp, để không một người nào có thể đến so sánh, nạn vấn, chỉ trích?”

Phật bảo Mục-kiền-liên:

“Vì phước lợi quả báo của minh, giải thoát, mà nói lại cho người nghe, không phỉ báng Như Lai, không trái đạo lý, nói đúng pháp, đúng thuận thứ của pháp, không ai có thể đến so sánh, nạn vấn, chỉ trích.”

Mục-kiền-liên tóc bện bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, có pháp nào mà các đệ tử tu tập, thường xuyên tu tập, sẽ khiến thành tựu viên mãn phước lợi, minh [240], giải thoát chăng?”

Phật bảo Mục-kiền-liên tóc bện:

“Có bảy giác phần, tu tập, và thường xuyên tu tập, sẽ khiến thành tựu viên mãn phước lợi, minh, giải thoát.”

Mục-kiền-liên tóc bện bạch Phật:

“Có pháp nào mà tu tập, tu tập nhiều, sẽ khiến cho bảy giác phần đầy đủ chăng?”

Phật bảo:

“Có bốn niệm xứ, tu tập, tu tập nhiều, sẽ khiến bảy giác phần được đầy đủ.”

Mục-kiền-liên tóc búi lại bạch Phật:

“Lại có pháp nào mà tu tập, tu tập nhiều, sẽ khiến cho bốn niệm xứ đầy đủ chăng?”

Phật bảo Mục-kiền-liên tóc bện:

“Có ba diệu hành, tu tập, tu tập nhiều, sẽ khiến cho bốn niệm xứ đầy đủ.”

Mục-kiền-liên bạch Phật:

“Lại có pháp nào mà tu tập, tu tập, sẽ khiến cho ba diệu hạnh đầy đủ chăng?”

Phật bảo Mục-kiền-liên:

“Có luật nghi của sáu xúc xứ [241], tu tập, tu tập nhiều, sẽ khiến ba diệu hành đầy đủ.”

Mục-kiền-liên tóc bện bạch Phật:

“Thế nào là luật nghi của sáu xúc xứ mà tu tập, tu tập nhiều, sẽ khiến cho ba diệu hạnh đầy đủ?”

Phật bảo Mục-kiền-liên tóc bện:

 [77c] “Nếu sắc được nhận thức bởi mắt, vừa ý, đáng ưa, đáng nhớ, có khả năng nuôi lớn dục lạc, sẽ khiến cho người hệ lụy; Tỳ-kheo kia, khi thấy sắc này, không hoan hỷ, không tán thán, không duyên theo, không đắm trước, không trụ vào. Hoặc sắc được nhận thức bởi mắt, không vừa ý, không đáng ưa, không đáng nhớ, đưa đến cảm giác khổ; các Tỳ-kheo này khi thấy, không sợ, không ghét, không hiềm, không tức tối. Đối với sắc đẹp kia, khi mắt đã thấy, hoàn toàn không duyên đắm. Đối với sắc không đẹp, khi mắt đã thấy, hoàn toàn không duyên đắm, nội tâm an trụ bất động, khéo tu giải thoát, tâm không lười mỏi. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, thức pháp lại cũng như vậy. Như vậy, đối với sáu xúc xứ mà tu tập, tu tập nhiều, đầy đủ ba diệu hành.

“Thế nào là tu ba diệu hành khiến đầy đủ bốn niệm xứ? Đa văn Thánh đệ tử ở chỗ vắng vẻ trong rừng, dưới bóng cây, tu học như vầy, tư duy như vầy: ‘Ác hành của thân này, đời này đời sau phải chịu báo ác. Nếu ta hành động với ác hành của thân, chắc phải tự sanh chán nãn, hối hận, bị người khác chê trách, Đại sư cũng chê trách, những người đồng phạm hạnh [242] cũng đúng pháp mà chê trách ta; tiếng ác đồn khắp mọi nơi, thân hoại mạng chung sẽ rơi vào địa ngục.’ Đối với ác hành của thân, thấy quả báo đời này, đời sau như vậy. Cho nên phải dứt trừ ác hành của thân, phải tu thân diệu hành; đối với ác hành của miệng, ý lại cũng như vậy. Đó gọi là đã tu tập ba diệu hành, được bốn niệm xứ thanh tịnh đầy đủ.

“Thế nào là tu tập bốn niệm xứ để được bảy giác phần đầy đủ? Này Mục-kiền-liên, như vậy, an trụ với quán thân trên toàn thân. Kia khi an trụ với quán thân trên toàn thân, nhiếp niệm an trú không xao lãng; bấy giờ, phương tiện [243] tu tập niệm giác phần. Khi đã phương tiện tu tập niệm giác phần rồi, được niệm giác phần đầy đủ; ở nơi tâm niệm kia mà chọn lựa pháp, rồi suy tầm, suy tưởng, tư lường; bấy giờ, phương tiện tu tập trạch pháp giác phần. Khi phương tiện tu tập trạch pháp giác phần rồi, được trạch pháp giác phần đầy đủ; chọn lựa pháp này, suy tầm, suy tưởng, tư lường, phương tiện tu tập tinh tấn giác phần. Khi đã phương tiện tu tập tinh tấn giác phần rồi, được tinh tấn giác phần đầy đủ, nhờ siêng năng tinh tấn nên sanh tâm hoan hỷ; bây giờ, dùng phương tiện tu tập hỷ giác phần. Khi phương tiện tu tập hỷ giác phần rồi, được hỷ giác phần đầy đủ; [78a] do tâm hỷ, thân tâm tịch tĩnh; bây giờ, tu tập khinh an [244] giác phần. Khi đã tu tập khinh an giác phần rồi, được khinh an giác phần đầy đủ, thân tâm tịch tĩnh, được tam-ma-đề [245]; bây giờ, tu tập định giác phần. Khi đã tu tập định giác phần rồi, được định giác phần đầy đủ. Tức là tâm chuyên nhất, tham ưu đình chỉ, nội tâm hành xả [246]; phương tiện tu tập xả giác phần. Khi đã phương tiện tu tập xả giác phần, được xả giác phần thanh tịnh đầy đủ. Đối với thọ, tâm, pháp niệm xứ cũng nói như vậy. Tu tập bốn niệm xứ như vậy, bảy giác phần được đầy đủ.

“Thế nào là tu tập bảy giác phần để đầy đủ minh, giải thoát? Này Mục-kiền-liên, nếu Tỳ-kheo tu tập niệm giác phần, y viễn ly, y ly dục, y diệt tận, hướng đến xả [247], tiến đến tu niệm giác phần, chứng đắc minh, giải thoát, thanh tịnh viên mãn. (Chi tiết, cho đến) Tu tập xả giác phần cũng nói như vậy. Đó gọi là tu tập bảy giác phần, chứng đắc minh, giải thoát, thanh tịnh viên mãn. Như vậy, Mục-kiền-liên, pháp pháp nương nhau từ bờ này mà đến bờ kia.”

Sau khi nghe Phật thuyết pháp xong, Mục-kiền-liên tóc bện xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh.

Khi ấy, Mục-kiền-liên thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, nhập pháp, hết những nghi ngờ mê hoặc, không do ai khác mang đến, ở trong Chánh pháp luật, tâm đạt được sự không sợ hãi; ông từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, đảnh lễ Phật, chấp tay bạch rằng:

“Nay con có được xuất gia, thọ cụ túc ở trong chánh pháp luật không?”

Phật bảo Mục-kiền-liên:

“Nay Ông đã được xuất gia, được thọ cụ túc giới trong chánh pháp luật.”

Sau khi được xuất gia rồi, Mục-kiền-liên chuyên cần tư duy, không buông lung, cho đến thành A-la-hán.

KINH 267. CHƯ CĂN TU [248]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại Ca-vi-già-la Mâu-chơn-lân-đà [249].

Bấy giờ có một niên thiếu tên là Uất-đa-la [250], là đệ tử của Ba-la-xa-na [251], đi đến chỗ Phật, cung kính hỏi thăm, rồi lui ngồi một bên.

Bấy giờ, đức Thế Tôn hỏi Uất-đa-la:

“Thầy con là Ba-la-xà-na có dạy cho các con tu tập các căn không?”

Uất-đa-la trả lời:

“Bạch Cù-đàm, đã có dạy.”

Đức Phật bảo Uất-đa-la:

“Thầy con dạy tu về các căn như thế nào?”

Uất-đa-la bạch Phật:

 “Thầy con nói, mắt không nhìn thấy sắc, tai không nghe tiếng [252]; đó là tu về căn.

Phật bảo Uất-đa-la:

 [78b] “Nếu như lời thầy con nói thì những người mù tu căn chăng? Vì sao? Vì chỉ có người mù mới không thấy sắc bằng mắt.”

Bấy giờ, Tôn giả A-nan đang đứng phía sau cầm quạt hầu Phật. Tôn giả nói với Uất-đa-la:

“Như lời của Ba-la-xà-na nói, người điếc tu căn chăng? Vì sao? Vì chỉ có người điếc tai mới không nghe tiếng.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn nói với Tôn giả A-nan:

“Khác sự tu căn vô thượng [253] trong Pháp Luật của Hiền Thánh.”

Tôn giả A-nan bạch Phật:

“Xin đức Thế Tôn vì các Tỳ-kheo nói về sự tu căn vô thượng trong Pháp Luật của Hiền Thánh, để cho các Tỳ-kheo nghe xong sẽ vâng lời thực hành theo.”

Phật bảo A-nan:

“Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.

“Duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, thấy sắc vừa ý, [254] muốn tu sự nhàm tởm của Như Lai với chánh niệm chánh trí. Do duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, không vừa ý, muốn tu sự không nhàm tởm của Như Lai với chánh niệm chánh trí. Do duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, vừa ý không vừa ý, muốn tu sự nhàm tởm không nhàm tởm của Như Lai với chánh niệm chánh trí. Do duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, không vừa ý vừa ý, muốn tu sự không nhàm tởm nhàm tởm của Như Lai với chánh niệm chánh trí. Do duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, vừa ý không vừa ý, vừa không vừa ý, muốn tu lìa bỏ cả hai, sự nhàm tởm và không nhàm tởm của Như Lai, an trụ xả tâm, với chánh niệm chánh trí. [255]

“Như vậy, A-nan, nếu có người nào đối với năm trường hợp [256] này, tâm khéo điều phục, khéo đóng kín, khéo thủ hộ, khéo nhiếp trì, khéo tu tập, đó là ở nơi mắt và sắc mà tu tập căn vô thượng. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý… pháp cũng lại như vậy.

“Này A-nan, đó gọi là tu căn vô thượng trong Pháp Luật của Hiền Thánh.”

Tôn giả A-nan bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, thế nào là sự tu căn của Hiền Thánh trong pháp luật của Hiền Thánh?”

Phật bảo A-nan:

“Duyên và sắc, nhãn thức sanh, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý. [78c] Thánh đệ tử kia cũng phải biết như thật như vầy:  ‘Ta, duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý. Đây là tịch diệt, đấy là thắng diệu, tức là xả bỏ hết. Khi đã xả bỏ được hết, lìa bỏ cả nhàm tởm và không nhàm tởm. Giống như người lực sĩ trong khoảnh khắc khảy móng tay, thoáng chốc biến mất [257]; cũng vậy, duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, trong chốc lát như vậy đều diệt hết, đạt đến chỗ lìa bỏ nhàm tởm và không nhàm tởm, an trụ xả.’

“Cũng vậy duyên tai và tiếng, sanh nhĩ thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý. Thánh đệ tử biết như thật như vầy: ‘Ta, nhĩ thức nghe tiếng, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý. Đấy là tịch diệt, đây là thắng diệu, tức là xả bỏ hết. Khi đã xả bỏ được hết, lìa bỏ cả nhàm tởm và không nhàm tởm. Giống như người lực sĩ trong khoảnh khắc khảy móng tay, thoáng chốc tiếng phát ra liền mất; cũng vậy, duyên tai và tiếng, sanh nhĩ thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý; sanh rồi đều diệt tận, đó là xả. Đạt được xả rồi, lìa nhàm tởm, không nhàm tởm.’

“Duyên mũi và mùi, sanh tỷ thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý. Thánh đệ tử biết nhu thật như vậy: ‘Ta, duyên mũi và mùi, nhau sanh tỷ thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý. Đây là tịch diệt, đây là thắng diệu, tức là xả bỏ hết. Khi đã xả bỏ được hết, lìa bỏ cả nhàm tởm và không nhàm tởm. Thí như hoa sen ở dưới nước không nhiễm bùn; cũng vậy, duyên mũi và mùi, sanh tỷ thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý; sanh rồi đều diệt hết. Có nghĩa là buông xả, khi buông xả rồi thì sẽ lìa nhàm tởm, không nhàm tởm.’

“Duyên lưỡi và vị, sanh thiệt thức, sanh vừ ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý. Thánh đệ tử kia biết như thật như vầy: ‘Ta, duyên lưỡi và vị, sanh thiệt thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, sanh rồi đều diệt tận, tịch diệt, thắng diệu. Có nghĩa là buông xả, khi buông xả rồi thì sẽ lìa nhàm tởm, không nhàm tởm. Như người lực sĩ nhổ hết vị ra không còn gì nữa; cũng vậy, duyên lưỡi và vị, sanh thiệt thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý; sanh rồi đều diệt tận. Nghĩa là buông xả, khi buông xả hết rồi, sẽ xa lìa nhàm tởm, không nhàm tởm.’

“Duyên thân và thức, sanh thân thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, sanh rồi đều diệt tận. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật như vầy: ‘Ta, duyên thân và xúc sanh thân thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, sanh rồi đều diệt tận, tịch diệt, thắng diệu. Nghĩa là buông xả, khi buông xả rồi thì sẽ lìa nhàm tởm, không nhàm tởm. Thí như viên sắt đốt thật nóng, rưới vào một giọt nước, giọt nước liền tiêu mất; cũng vậy, duyên thân và xúc sanh thân thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, sanh rồi đều diệt tận. Nghĩa là buông xả, khi buông xả rồi thì sẽ lìa nhàm tởm, không nhàm tởm.’

“Duyên ý và pháp sanh ý thức, sanh vừa ý, sanh không [79a] vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, sanh rồi đều diệt tận. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật nh vầy: ‘Ta, duyên ý và pháp sanh ý thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, sanh rồi đều diệt tận, đó là tịch diệt, thắng diệu. Nghĩa là buông xả, khi buông xả rồi thì sẽ lìa nhàm tởm, không nhàm tởm. Thí như người lực sĩ chặt ngọn cây ta-la, cũng vậy, duyên ý và pháp sanh ý thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, sanh rồi đều diệt tận. Nghĩa là buông xả, khi buông xả rồi thì sẽ lìa nhàm tởm, không nhàm tởm.’

“Này A-nan, đó là sự tu căn của Hiền Thánh trong pháp luật của Hiền Thánh .

“Thế nào là vị hữu học thấy đạo tích [258] trong pháp luật Hiền Thánh?”

Phật bảo A-nan:

“Duyên mắt và sắc sanh nhãn thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, đa văn Thánh đệ tử kia hổ thẹn, ghét tởm. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý và pháp làm duyên nhau sanh ra ý thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, đa văn Thánh đệ tử kia hổ thẹn, ghét tởm. Này A-nan, đó gọi là hữu học thấy đạo trong pháp luật Hiền Thánh.

“Này A-nan, đó gọi là sự tu căn của Hiền Thánh trong pháp luật của Hiền Thánh.

“Ta đã nói về sự tu căn của Hiền Thánh trong pháp luật của Hiền Thánh; đã nói hữu học thấy đạo trong pháp luật Hiền Thánh.

“Này A-nan, Ta vì các Thanh văn đã làm việc cần làm. Các ngươi cũng hãy làm những việc cần làm. Nói chi tiết như kinh Giỏ rắn độc.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành. [259]

KINH 268. LỤC LỤC [260]

 [86c23] Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu [261], Câu-lưu-sấu.

Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo :

“Nay Ta sẽ nói pháp cho các ngươi, khoảng đầu, khoảng giữa, và khoảng cuối đều thiện, thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh thanh bạch. Hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ! Có sáu pháp sáu. [262] Những gì là sáu? Đó là, sáu nội nhập xứ, sáu ngoại nhập xứ, sáu thức thân, sáu xúc thân, sáu thọ thân, sáu ái thân.

“Sáu nội nhập xứ [263] là những gì? Đó là, nhãn nhập xứ, nhĩ nhập xứ, tỷ nhập xứ, thiệt nhập xứ, thân nhập xứ, ý nhập xứ.

“Sáu [87a] ngoại nhập xứ [264] là những gì? Đó là, sắc nhập xứ, thanh nhập xứ, hương nhập xứ, vị nhập xứ, xúc nhập xứ, pháp nhập xứ.

“Sáu thức thân [265] là những gì? Đó là, nhãn thức thân, nhĩ thức thân, tỷ thức thân, thiệt thức thân, thân thức thân, ý thức thân.

“Sáu xúc thân [266] là những gì? Đó là, nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc thân.

“Sáu thọ thân [267] là những gì? Đó là, nhãn xúc sanh thọ, nhĩ xúc sanh thọ, tỷ xúc sanh thọ, thiệt xúc sanh thọ, thân xúc sanh thọ, ý xúc sanh thọ.
”Sáu ái thân [268] là những gì? Đó là, mắt tiếp xúc sanh ái, tai tiếp xúc sanh ái, mũi tiếp xúc sanh ái, lưỡi tiếp xúc sanh ái, thân tiếp xúc sanh ái, ý tiếp xúc sanh ái.

“Nếu có người nói rằng ‘mắt là ngã,’ điều này chẳng đúng. Vì sao? Vì mắt là sanh diệt. Nếu mắt là ngã, ngã này phải chịu sanh tử. Cho nên nói mắt là ngã, điều này chẳng đúng. Cũng vậy, hoặc là sắc, hoặc nhãn thức, hoặc nhãn xúc, hoặc cảm thọ sanh bởi nhãn xúc, nếu là ngã, điều này cũng chẳng đúng. Vì sao? Thọ do mắt tiếp xúc sanh ra, nó là pháp sanh diệt. Nếu thọ do mắt tiếp xúc sinh ra là ngã, ngã này phải chịu sanh tử. Cho nên nói thọ do nhãn xúc sinh ra là ngã, điều này không đúng. Vì vậy, thọ do mắt tiếp xúc sanh ra chẳng phải là ngã. Cũng vậy, thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý tiếp xúc sinh ra chẳng phải ngã. Vì sao? Thọ do ý tiếp xúc sanh ra, nó là pháp sanh diệt. Nếu nó là ngã, ngã này phải chịu sanh tử. Cho nên nói thọ do ý tiếp xúc sinh ra là ngã, điều này chẳng đúng. Cho nên thọ do ý tiếp xúc sinh ra chẳng phải là ngã.

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên biết như thật cái được tác thành bởi trí, cái được tác thành bởi mắt, cái được tác thành bởi tịch diệt, khai phát thần thông, chánh hướng Niết-bàn.

“Thế nào là thấy biết như thật cái được tác thành bởi do mắt, cho đến hướng đúng Niết-bàn? Như vậy, này các Tỳ-kheo, mắt chẳng phải ngã. Sắc, nhãn, thức, nhãn xúc, hoặc cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc [269]; kia cũng quán sát là chẳng phải ngã. Đối với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng nói như vậy. Đó gọi là biết thấy như thật sự tác thành do mắt, cho đến chánh hướng Niết-bàn. Đó gọi là kinh nói về sáu pháp sáu.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hona hỷ phụng hành.

KINH 269. LỤC NHẬP XỨ [270]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu-lưu-sấu.

Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo :

“Nay, Ta sẽ nói pháp cho các ngươi, khoảng đầu, khoảng giữa, và khoảng cuối đều thiện, thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh thanh bạch. [87b] Đó là kinh Sáu phân biệt sáu nhập xứ. Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ nói cho các ngươi.

“Thế nào là kinh Sáu phân biệt sáu nhập xứ? Đối với nhãn nhập xứ mà không thấy biết như thật; sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc, không thấy biết như thật; không thấy biết như thật nên đắm nhiễm nơi mắt; đắm nhiểm nơi sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc. Cũng vậy, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp, ý thức, ý xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi ý xúc. Như vậy, sự niệm tưởng, sụ ngu tối tương ưng với nhiễm trước kết buộc tâm, [271] năm thủ uẩn được tăng trưởng; tham ái hữu đương lai [272] câu hữu với hỷ tham cũng đều được tăng trưởng; do đó, thân tâm mệt nhọc [273], thân tâm thiêu đốt, thân tâm hẫy hừng, thân tâm cuồng loạn, thân sinh ra cảm giác khổ. Vì thân sinh ra cảm giác khổ nên sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, não, khổ trong đời vị lai sẽ tăng trưởng. Đó gọi là thuần một khối khổ lớn.

“Này các Tỳ-kheo, nếu đối với mắt mà thấy biết như thật; đối với sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc, mà thấy biết như thật; vì thấy biết như thật, nên đối với mắt không đắm nhiễm; đối với sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc, không đắm nhiễm. Cũng vậy, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý… pháp thấy biết như thật; đối với pháp, ý thức, ý xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi ý xúc, thấy biết như thật. Do thấy biết như thật nên đối với ý không đắm nhiễm; đối với pháp, ý thức, ý xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi ý xúc, mà không đắm nhiễm. Do không đắm nhiễm nên không tương tạp [274], không ngu tối, không niệm tưởng, không hệ lụy, tổm giảm năm thủ uẩn, tham ái hữu tương lai câu hữu tham, hỷ, nhiễm trước nơi này hay nơi kia, tất cả đều bị tiêu diệt; do đó, thân không khổ nhọc, tâm không khổ nhọc, thân không cháy, tâm không bị thiêu đốt, thân không hẫy hừng, tâm không hẫy hừng, thân cảm thấy khoái lạc, tâm cảm thấy an vui. Vì thân tâm cảm thấy an vui nên sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, não, khổ trong đời vị lai đều bị tiêu diệt, và thuần một khối khổ ấm lớn cũng bị diệt.

“Biết như vậy, thấy như vậy, gọi là đã tu tập đầy đủ chánh kiến, [87c] chánh tư duy, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh ngữ đã nói trước, chánh nghiệp, chánh mạng, tu tập thanh tịnh đầy đủ, đó gọi là tu tập bát Thánh đạo thanh tịnh đầy đủ. Khi tu tập bát Thánh đạo đã đầy đủ rồi, bốn biệm xứ cũng tu tập đầy đủ; bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy bồ-đề phần cũng tu tập đầy đủ. Đối với pháp nên biết, nên thấu rõ, tất sẽ biết, sẽ thấu rõ; pháp nên biết, nên đoạn trừ, tất sẽ biết, sẽ đoạn trừ; pháp nên biết, nên chứng, tất sẽ biết, sẽ chứng; pháp nên biết, nên tu tập, sẽ tu tập [275].

“Những pháp nào nên biết, nên thấu rõ? Đó là danh sắc. [276] Những pháp nào cần phải biết, cần phải dứt trừ? Đó là vô minh, hữu ái. [277] Những pháp nào nên biết, nên chứng? Đó là minh, giải thoát. [278] Những pháp nào nên biết, nên tu? Đó là chỉ và quán. [279]

“Tỳ-kheo đối với pháp nên biết, nên thấu rõ này, mà tất biết, tất thấu rõ; pháp nên biết, nên đọan trừ, mà tất biết, tất đoạn trừ; pháp nên biết, nên chứng, mà tất biết, tất chứng; pháp nên biết, nên tu, mà tất biết, tất tu; đó gọi là Tỳ-kheo đoạn trừ mọi ràng buộc của ái, chan chánh hiện quán [280], đạt đến cứu cánh khổ biên.

“Này các Tỳ-kheo, đó gọi là kinh Sáu phân biệt sáu nhập xứ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 270. NHÂN [281]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo một mình ở chỗ vắng vẻ, chuyên tinh tư duy, nghĩ thầm: “Tỳ-kheo nên biết thế nào, thấy thế nào để được thấy pháp?” Suy nghĩ như vậy rồi, từ chỗ ngồi thiền đứng dậy đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, một mình con ở nơi vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, nghĩ rằng: ‘Tỳ-kheo nên biết thế nào, nên thấy thế nào để được thấy pháp?’”

Thế Tôn bảo Tỳ-kheo kia:

“Ngươi hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.

“Có hai pháp. Hai pháp gì? Mắt và sắc là hai. (Nói chi tiết như trên [282] cho đến)... những thứ chẳng phải là cảnh giới. Vì sao? Mắt và sắc làm duyên sanh ra nhãn thức, ba sự hòa hợp sanh xúc; thọ, tưởng, tư câu sanh với xúc; bốn vô sắc ấm này, mắt và sắc, những pháp này gọi là con người, đối với những pháp này mà khởi ý tưởng là con người, là chúng sanh, na-la, ma-nậu-xà, ma-na-bà, sĩ phu, phước-già-la, kỳ-bà, thiền-đầu [283].

“Lại nói như [88a] vầy: ‘Mắt tôi thấy sắc, tai tôi nghe tiếng, mũi tôi ngửi mùi, lưỡi tôi nếm vị, thân tôi chạm biết, ý tôi phân biệt pháp.’ Kia giả lập rồi nói như vầy: ‘Vị Tôn giả này tên như vậy, sinh như vậy, họ như vậy, ăn uống như vậy, cảm thọ khổ lạc như vậy, sống lâu như vậy, trụ lâu như vậy, thọ mạng như vậy.’ Này Tỳ-kheo, đó là tưởng, là ghi nhớ, là ngôn thuyết [284]; tất cả các pháp này đều là hữu vi, vô thường, do suy nghĩ mong cầu mà sinh ra. Nếu là pháp hữu vi, vô thường, do suy nghĩ mong cầu mà sanh ra, chúng là khổ. Khổ này phát sinh, rồi khổ đình trụ, rồi khổ diệt; và rồi khổ này tái diễn xuất sanh nhiều lần; tất cả đều khổ. Nếu cái khổ này dứt đi, không còn dư tàn, nhả ra hết, ly dục, tịch diệt, tịch tĩnh, mà các khổ khác không tiếp nối, không phát sinh nữa; đây là tịch diệt, đây là thắng diệu, tức là xả tất cả hữu dư, tất cả ái tận, vô dục, diệt tận, Niết-bàn. Tai, mũi, lưỡi, thân,… thân, xúc làm duyên sanh thức thân, ba sự hòa hợp sanh xúc; thọ câu sanh với xúc, tưởng, tư; bốn vô sắc ấm này, với thân căn là sắc ấm, gọi đó là con người. Chi tiết như trên cho đến diệt tận Niết-bàn.

“Duyên ý và pháp sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp sanh xúc, thọ câu sanh với xúc, tưởng, tư; bốn vô sắc ấm này, và bốn đại, là sở y của con người; những pháp này gọi là con người. Chi tiết đầy đủ như trên, cho đến diệt tận Niết-bàn.

“Nếu có người nào đối với các pháp này mà tâm tùy nhập, an trú, giải thoát, không thối chuyển, đối với người ấy những hệ lụy khởi lên đều không có ngã. Tỳ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, đó là thấy pháp.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 271. KIẾN PHÁP [285]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo ở một mình nơi vắng vẻ, chuyên cần tinh tấn tư duy, nghĩ rằng: “Biết thế nào, thấy thế nào, để được gọi là thấy pháp?” Suy nghĩ xong, thầy từ nơi ngồi thiền đứng dậy, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con một mình ở nơi vắng vẻ, chuyên cần tinh tấn tư duy, nghĩ rằng: ‘ Tỳ-kheo biết thế nào, thấy thế nào, gọi là thấy pháp?’ Nay con xin hỏi Thế Tôn, cúi mong Ngài giải thích cho.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói. Có hai pháp: Mắt và sắc làm duyên sanh ra nhãn thức… Nói đầy đủ như trên.”

Tỳ-kheo này như lời Phật dạy, trình bài kệ: [88b]

Mắt, sắc, hai thứ duyên,

Sanh tâm và tâm pháp,

Thức, xúc cùng câu sanh,

Thọ, tưởng,… đều có nhân.

Chẳng ngã, chẳng ngã sở,

Chẳng phải phước-già-la,

Chẳng phải ma-nậu-xà,

Cũng chẳng ma-na-bà.

Đây là pháp sanh diệt,

Khổ uẩn, pháp biến dịch.

Nơi pháp này giả tưởng,

Giả lập là chúng sanh.

Na-la, ma-nậu-xà,

Cùng với ma-na-bà,

Cũng còn nhiều tưởng khác,

Đều từ khổ uẩn sanh.

Các nghiệp ái vô minh,

Uẩn tích lũy đời khác.

Sa-môn các đạo khác,

Nói về hai pháp khác.

Nếu họ nói như vậy,

Nghe rồi càng nghi hoặc.

Tham ái dứt không còn,

Vô minh lắng, diệt hẳn,

Ái sạch, các khổ dứt,

Vô thượng, Phật nói rõ.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 272. BẤT NHIỄM TRƯỚc [286]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Chư Thiên, người thế gian đối với sắc thì yêu thích, đắm nhiễm, bám trụ. Sắc này nếu vô thường, biến đổi, hoặc diệt mất, Trời và Người sẽ cảm thấy rất khổ đau. Đối với tiếng, mùi, vị, xúc, pháp mà yêu thích, đắm nhiễm, bám trụ; nếu các pháp này vô thường, biến đổi, hoặc diệt mất, Trời, Người sẽ sống trong đau khổ. Đối với sự hiện hữu của sắc, sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc, vị ngọt của sắc, sự tai hại của sắc, sự xuất ly sắc, Như Lai biết như thật. Vì đã biết như thật, nên đối với sắc không còn yêu thích, đắm nhiễm, bám vào. Cho dù nếu sắc này là vô thường, biến đổi, diệt tận đi nữa, vẫn sống an vui. Đối với sự hiện hữu, sự tập khởi, sự diệt tận, vị ngọt, tai hại, xuất ly của thanh, hương, vị, xúc, pháp, nên biết như thật. Khi đã biết như thật thì không còn ưa thích, đắn nhiễm, bám vào. Cho dù sắc này là vô thường, biến đổi, diệt tận đi nữa, vẫn sống an vui. Vì sao? Mắt và sắc làm duyên sanh ra nhãn thức, ba sự hòa hợp sanh nhãn xúc; xúc làm duyên sanh ra cảm thọ, hoặc khổ hoặc lạc, hoặc không khổ không lạc; sự tập khởi của thọ này, sự diệt tận của thọ này, vị ngọt của thọ này, sự tai hại của thọ này, xuất ly thọ này, nên biết như thật. Do nhân duyên sắc kia sự ách ngại phát sanh; ách ngại bị diệt tận, đó gọi là vô thượng an ổn, Niết-bàn. Đối với sự hiện hữu của tai, mũi, lưỡi, thân, ý và pháp làm duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp này sanh xúc. Xúc duyên thọ, hoặc khổ hoặc lạc, hoặc không khổ [88c] không lạc như vậy, đối với sự tập khởi của thọ, sự diệt tận của thọ, vị ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, sự xuất ly thọ này cũng phải biết như thật. Khi đã biết như thật rồi, pháp này làm nhân duyên sanh ra trở ngại, trở ngại ấy được dẹp bỏ, đó gọi là vô thượng an ổn, Niết-bàn.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn nói bài kệ:

Nơi sắc, thanh, hương, vị,

Xúc, pháp, sáu cảnh giới,

Một mực sinh hoan hỷ,

Ái nhiễm, tham đắm sâu.

Chư Thiên và Người đời,

Chỉ thấy dây là lạc.

Khi nó biến đổi, diệt,

Chúng trở thành khổ lớn.

Chỉ có bậc Hiền Thánh,

Thấy chúng diệt là lạc,

Cái thế gian tham đắm,

Quán sát là thù địch.

Cái Hiền Thánh thấy  khổ,

Thế gian cho là lạc.

Cái thế gian thấy khổ,

Hiền Thánh thấy là lạc.

Pháp sâu xa khó hiểu,

Thế gian sanh nghi hoặc,

Chìm đắm trong tối tăm,

Mờ mịt chẳng thấy chi.

Chỉ có người trí tuệ,

Mở bày sự sáng tỏ,

Lời sâu xa như vậy,

Phi Thánh nào ai biết?

Không còn thọ thân sau,

Đạt xa lẽ chân thật.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành. 

KINH 273. LỘC NỮu [287]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở bên cạnh bờ hồ Yết-già [288] tại nước Chiêm-bà. Bấy giờ Tôn giả Lộc-nữu [289], đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, như đức Thế Tôn đã dạy, ‘Có người sống với người thứ hai; có người sống đơn độc một mình.’ [290] Vậy thế nào là sống với người thứ hai? Sống đơn độc một mình?”

Phật bảo Lộc-nữu:

“Lành thay! Lành thay! Ông đã hỏi Như Lai nghĩa này.”

Phật bảo Lộc-nữu:

“Sắc được biết bởi mắt mà vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục [291]. Tỳ-kheo kia thấy rồi, sanh ra hỷ lạc, tán thán, hệ lụy; do hỷ lạc, tán thán, hệ lụy, tâm càng hoan hỷ; do hoan hỷ, càng đắm sâu hoan lạc; đắm sâu hoan lạc mà tham ái sanh; do tham ái sanh, mà bị ách ngại [292]. Ở đây, hoan hỷ, đắm sâu hoan lạc, tham ái, ách ngại; chúng được gọi là sống với người thứ hai. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.

“Này Lộc-nữu, Tỳ-kheo như vậy, dù ngay lúc ở một mình nơi vắng vẻ, cũng gọi là sống với người thứ hai. Vì sao? Hỷ ái không đoạn, không diệt. Người mà ái dục không được đoạn trừ, [89a] không được biến tri, Chư Phật Như Lai gọi là sống với người thứ hai.

“Tỳ-kheo đối với sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục vọng, Tỳ-kheo này thấy mà không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy; do không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy, nên không hoan hỷ; do không hoan hỷ, không đắm sâu hoan lạc; không đắm sâu hoan lạc nên không tham ái; do không tham ái, nên không bị ách ngại. Ở đây, không hoan hỷ, không đắm sâu hoan lạc, không tham ái, không ách ngại; chúng được gọi là sống đơn độc một mình. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.

“Này Lộc-nữu, Tỳ-kheo như vậy, dù ở nơi lầu các, gác cao cũng vẫn là sống đơn độc một mình. Vì sao? Tham ái đã diệt tận, đã biến tri. Người mà tham ái diệt tận, đã biến tri, Chư Phật Như Lai gọi là người sống đơn độc một mình.”

Bấy giờ Tôn giả Lộc-nữu nghe Phật dạy xong, hoan hỷ tùy hỷ, đảnh lễ mà đi.

KINH 274. LỘC NỮU (2) [293]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở bên cạnh bờ hồ Yết-gia [294] tại nước Chiêm-bà. Bấy giờ Tôn giả Lộc-nữu [295], đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

 “Lành thay, bạch Thế Tôn! Cúi xin vì con mà nói pháp. Con nghe pháp rồi, sẽ một mình ở chỗ vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung,… cho đến: tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.”

Phật bảo:

“Lành thay! Lành thay! Lộc-nữu có thể hỏi Như Lai nghĩa như vậy. Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.”

Phật bảo Lộc-nữu:

“Tỳ-kheo mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục vọng, Tỳ-kheo này thấy mà hỷ lạc, tán thán, hệ lụy. Do hỷ lạc, tán thán, hệ lụy, nên hoan hỷ tập khởi. Do hoan hỷ tập khởi nên khổ tập khởi. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.

“Này Lộc-nữu, Tỳ-kheo mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục vọng, Tỳ-kheo này thấy rmà không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy. Do không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy, nên hoan hỷ không tập khởi. Do hoan hỷ không tập khởi nên diệt tận khổ. Các pháp tai, mũi, lưỡi, thân, ý… pháp lại cũng nói như vậy.”

Tôn giả Lộc-nữu sau khi nghe Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, làm lễ lui ra.

Bấy giờ, Tôn giả Lộc-nữu nghe Phật giáo giới xong, một mình ở chỗ vắng, chuyên tinh tư duy, sống không buông lung, cho đến đắc quả A-la-hán, tâm khéo giải thoát.

KINH 275. PHÚ-LAN-Na [296]

 [89b]Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả Phú-lâu-na đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi đứng qua một bên, bạch Phật:

“Lành thay, Thế Tôn! Cúi xin vì con mà thuyết pháp. Con ở nơi vắng vẻ một mình, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung,... cho đến: tự biết không tái sanh đời sau nữa.”

Phật bảo Phú-lâu-na:

“Lành thay! Lành thay! Ngươi có thể hỏi Như Lai nghĩa như vậy. Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.

“Tỳ-kheo mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục; Tỳ-kheo kia thấy mà sanh hỷ lạc, tán thán, hệ lụy; do hỷ lạc, tán thán, hệ lụy, tâm càng hoan hỷ; do hoan hỷ, càng đắm sâu hoan lạc; đắm sâu hoan lạc mà tham ái sanh; do tham ái sanh, mà bị ách ngại. Do đó cách xa Niết-bàn. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.

“Này Phú-lâu-na, Tỳ-kheo mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục; Tỳ-kheo kia thấy mà không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy; do không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy, nên không hoan hỷ; do không hoan hỷ, nên không hoan lạc; không hoan lạc nên không tham; do không tham, mà không bị ách ngại;, cho nên dần dần tiếp cận Niết-bàn. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cũng nói như vậy.”

Phật bảo Phú-lâu-na:

“Ta đã tóm lược giáo pháp. Vậy, Phú-lâu-na, ngươi muốn an trú chỗ nào?”

Tôn giả Phú-lâu-na bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con đã được Thế Tôn tóm lược giáo giới, nay con muốn du hành trong nhân gian, đi về xứ Thâu-lô-na ở phương Tây [297].”

Phật bảo Phú-lâu-na:

“Người ở Thâu-lô-na phương Tây hung dữ, nóng nảy, thô bạo, ưa mắng chưởi. Phú-lâu-na, nếu ngươi nghe những lời hung ác, nóng nảy, thô bạo, ưa mắng rủa, hủy nhục, ngươi sẽ như thế nào?”

Phú-lâu-na bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu người nước Thâu-lô-na phương Tây kia mà trước mặt con có những lời hung ác, mắng chửi, hủy nhục, con nghĩ rằng: ‘Những người Thâu-lô-na ở phương Tây này vẫn tốt lành, có trí tuệ; tuy họ ở trước mặt ta tỏ ra hung ác, thô bạo, mắng chưởi hay hủy nhục, ta vẫn chưa bị họ dùng tay để đánh hoặc ném đá.’”

Phật bảo Phú-lâu-na:

“Người Thâu-lô-na ở phương Tây này tuy hung ác, nóng nảy, thô bạo, mắng chưởi, hủy nhục đối với ngươi, ngươi có thể tránh được; nhưng nếu họ lại còn dùng tay đánh, đá ném nữa, ngươi sẽ như thế nào?”

Phú-lâu-na bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu người Thâu-lô-na ở phương Tây [89c] dùng tay đánh, hay dùng đá ném con đi nữa, con nghĩ rằng: ‘Những người Thâu-lô-na vẫn còn tốt lành, có trí tuệ, tuy họ dùng tay đánh, đá ném nhưng họ chẳng dùng dao gậy.’”

Phật bảo Phú-lâu-na:

“Nếu những người này dùng dao gậy để hại ngươi, ngươi sẽ như thế nào?”

Phú-lâu-na bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu những người này, lại dùng dao gậy để hại con, con nghĩ rằng: ‘Những người Thâu-lô-na này vẫn còn tốt lành, có trí tuệ, tuy họ dùng dao gậy hại ta, nhưng chưa giết ta.’”

Phật bảo Phú-lâu-na:

“Giả sử những người này giết ngươi, ngươi sẽ như thế nào?”

Phú-lâu-na bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu những người Thâu-lô-na phương tây giết con, con nghĩ rằng: ‘Các đệ tử của Thế Tôn có người nhàm chán thân này, hoặc dùng dao tự sát, hoặc uống thuốc độc, hoặc dùng dây tự thắt cổ, hoặc gieo mình xuống hố sâu. Người Thâu-lô-na phương Tây này vẫn còn tốt lành, có trí tuệ. Đối với cái thân hủ bại của ta, chỉ tạo chút phương tiện khiến ta được giải thoát.’”

Phật bảo:

“Lành thay! Phú-lâu-na! Ngươi khéo học hạnh nhẫn nhục. Nay Ngươi có thể đến ở lại Thâu-lô-na, Ngươi nên đến đó độ cho người chưa được độ, an cho người chưa được an, người chưa được Niết-bàn khiến cho được Niết-bàn.”

Bấy giờ, Tôn giả Phú-lâu-na, sau khi nghe Phật dạy, hoan hỷ phấn khởi, làm lễ rồi mà đi.

Sáng hôm sau Tôn giả Phú-lâu-na đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực, thọ thực xong trở ra, giao lại ngọa cụ, cầm y bát du hành đến nước Thâu-lô-na phương Tây và an cư tại đó. Tôn giả thuyết pháp cho năm trăm vị Ưu-bà-tắc, và kiến lập năm trăm Tăng-già-Lam, cúng dường các thứ giường nằm, chăn, mền đều đầy đủ; trải qua ba tháng hạ, đầy đủ tam minh, liền ở nơi ấy nhập Vô dư Niết-bàn.

KINH 276. MA-LA-CA-CỮu [298]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Ma-la-ca-cữu [299] đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Lành thay! Bạch Thế Tôn, xin vì con mà nói pháp. Khi nghe pháp xong, một mình con ở chỗ vắng vẻ, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung,… cho đến không còn tái sanh đời sau nữa.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Ma-la-ca-cữu:

“Những người trẻ tuổi, thông minh, lanh lợi, xuất gia chưa bao lâu, ở trong [90a] pháp luật của Ta còn không biếng nhác; huống chi ngươi ngày nay tuổi đã già, các căn đã suy yếu, mà ở trong pháp luật của Ta lại muốn nghe Ta giáo giới vắn tắt.”

Ma-la-ca-cữu bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con tuy tuổi già, các căn suy yếu, nhưng con vẫn còn muốn nghe Thế Tôn sơ lược chỉ dạy, nhắc nhở. Xin Thế Tôn vì con mà chỉ dạy sơ lược, nhắc nhở. Sau khi nghe pháp xong, một mình con sẽ ở chỗ vắng vẻ, chuyên cần tinh tấn tư duy,… cho đến: tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.”

Ma-la-ca-cữu bạch như vậy ba lần.

Phật bảo Ma-la-ca-cữu:

“Hãy thôi đi!”

Ba lần nói như vậy.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Ma-la-ca-cữu:

“Bây giờ, Ta hỏi ngươi, cứ tùy ý mà trả lời Ta.”

Phật bảo Ma-la-ca-cữu:

“Đối với sắc mà mắt chưa từng thấy, ngươi sẽ muốn thấy. Ở nơi sắc này ngươi có khởi lên dục, khởi lên ái, khởi niệm, khởi nhiễm trước không?”

Ma-la-ca-cữu đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

“Tai đối với tiếng, mũi đối với hương, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp cũng nói như vậy.”

Phật bảo Ma-la-ca-cữu:

“Lành thay! Này Ma-la-ca-cữu, thấy, do thấy giới hạn; nghe, do nghe giới hạn [300]; cảm giác, do cảm giác giới hạn; nhận thức, do nhận thức giới hạn.”

Phật nói bài kệ:

Nếu ngươi chẳng ở kia,

Kia cũng chẳng phải đây,

Cũng chẳng giữa hai bên,

Thì đây làn khổ tận. [301]

Ma-la-ca-cữu bạch Phật:

“Con đã hiểu, bạch Thế Tôn. Con đã hiểu, bạch Thiện thệ.”

Phật bảo Ma-la-ca-cữu:

“Ngươi hiểu thế nào về cái nghĩa rộng rãi của pháp mà Ta đã nói lược?”

Ma-la-ca-cữu trình lên Phật bài kệ:

Nếu mắt đã thấy sắc,

Mà mất đi chánh niệm,

Ở nơi sắc được thấy,

Chấp thủ tướng yêu thích.

Ai thủ tướng yêu thích,

Tâm luôn bị troi buộc,

Khởi lên các thứ ái,

Vô lượng sắc tập sinh.

Tham dục, nhuế, hại tầm, [302]

Khiến tâm mình thoái thất,

Nuôi lớn thêm các khổ,

Vĩnh viễn xa Niết-bàn.

Thấy sắc chẳng chấp tướng,

Tâm mình theo chánh niệm,

Không nhiễm ái, ác tâm,

Cũng chẳng sanh hệ lụy.

Không khởi lên các ái,

Vô lượng sắc tập sinh,

Tham dục, nhuế, hại tầm,

Chẳng thể hại tâm mình.

Ít nuôi lớn các khổ,

Lần lượt gần Niết-bàn.

Đấng Nhật Tôn đã nói,

Ái tận, đạt Niết-bàn.

Nếu tai nghe các tiếng,

Tâm mất đi chánh niệm,

Chấp thủ tướng âm thanh,

Giữ chặt mà không xả.

Mũi hương, lưỡi nêm vị,

Thân  xúc, ý nhớ pháp,

Quên mất đi chánh niệm,

Chấp tướng cũng như vậy;

Tâm mình sanh yêu thích,

Buộc đắm bám vững chắc,

Khởi lên các thứ ái,

Vô lượng pháp tập sinh,

Tham dục, nhuế, hại tầm,

Thaói thất hại tâm mình,

Nuôi lớn các tụ khổ,

Vĩnh viễn xa Niết-bàn.

Chẳng nhiễm nơi các pháp,

Chánh trí, trụ chánh niệm,

Tâm mình chẳng nhiễm ô,

Lại cũng không thích đắm,

Chẳng khởi lên các ái,

Vô lượng pháp tập sinh,

Tham, sân, nhuế, hại tầm,

Chẳng thoái thất tâm mình,

 [90b] Các khổ theo đó giảm,

Dần dần gần Niêt-bàn.

Ái tận, bát-niết-bàn,

Thế Tôn đã nói thế.

“Đó gọi là con giải rộng nghĩa của pháp Phật đã lược nói.”

Phật bảo Ma-la-ca-cữu:

“Thật sự ngươi đã giải thích rộng nghĩa của nó đối với pháp Ta đã nói lược. Vì sao? Như ngươi đã nói kệ:

Nếu mắt thấy các sắc,

Quên mất đi chánh niệm,

Thì đối sắc được thấy,

Chấp thủ tướng ái niệm.

Như trên, nói đầy đủ chi tiết.

Tôn giả Ma-la-ca-cữu, sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà đi.

Tôn giả Ma-la-ca-cữu Sau khi đã giải thích rộng nghĩa của nó, đối với pháp Thế Tôn đã nói lược, rồi một mình ở chỗ vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung,… cho đến thành A-la-hán, tâm được giải thoát.

KINH 277. KINH PHÁP [303]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có kinh pháp, mà đối với kinh pháp này các Tỳ-kheo sùng kính, hướng tới; dù khác với tín tâm, khác với sở thích, khác với sở văn, khác với tư duy sở hành, [90c] khác với kiến giải thẩm sát và nhẫn khả [304], nhưng có thể bằng chánh trí mà nói rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Các Tỳ-kheo bạch phật:

“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của mắt pháp, là sở y của pháp. Lành thay, bạch Thế Tôn, xin Ngài nói rộng thêm; các Tỳ-kheo sau khi nghe sẽ y theo lời dạy mà thực hành.”

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy lắng nghe kỹ, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.

“Này các Tỳ-kheo, khi mắt đã thấy sắc, có nhận biết sắc nhưng không cảm giác tham ở nơi sắc, vị ấy biết như thật rằng: ‘Ta trước kia có tham ở nơi sắc được nhận thức bới mắt. Nhưng hiện tại không có tham ở nơi sắc được nhận thức bởi mắt.’ Tỳ-kheo mắt đã thấy sắc, có nhận biết sắc nhưng không khởi tham ở nơi sắc, vị ấy biết như thật rằng: ‘Ta trước kia có tham ở nơi sắc được nhận thức bởi mắt. Nhưng hiện tại không có tham đ ở nơi sắc được nhận thức bởi mắt.’ Các ngươi nghĩ sao? Ở đây, người này có do tín, do sở thích, do sở văn, do tư duy sở hành, do kiến giải thẩm sát và nhẫn khả không?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, có như vậy. [305]”

“Quy hướng trên pháp này, có biết như thật bằng chánh trí những điều sở tri sở kiến ấy chăng?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng như vậy.”

“Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý… pháp cũng nói như vậy.”

“Này các Tỳ kheo, đó gọi là có kinh pháp, mà đối với kinh pháp này các Tỳ kheo sùng kính, hướng tới; dù khác với tín tâm, khác với sở thích, khác với sở văn, khác với tư duy sở hành, khác với kiến giải thẩm sát và nhẫn khả, nhưng có thể bằng chánh trí mà nói rằng: ‘Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 278. ĐOẠN DỤC [306]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Hãy đoạn dục. Sau khi đã đoạn trừ dục nơi mắt, mắt cũng được đoạn tận, được biến tri, cắt đứt gốc rễ của nó, như chặt đầu cây đa-la, ở đời vị lai vĩnh viễn không tái sanh nữa. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 279. NHÃN SANh [307]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu mắt sinh khởi, đình trú, chuyển sanh, xuất hiện, khổ sanh khởi, bệnh đình trú, lão, tử xuất hiện. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy. Nếu mắt diệt tận, khổ sanh cũng diệt, bệnh dứt, tử biến mất. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật [91a] đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 280. NHÃN VÔ THƯỜNG [308]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Mắt là vô thường. Nếu mắt là thường thì đáng lý không phải chịu khổ bức bách, và đối với con mắt cũng có thể nói ‘ta muốn nó phải như thế này, hay không muốn nó phải như thế này.’ Nhưng vì mắt là vô thường nên mắt phải chịu khổ bức bách sanh ra, và đối với mắt không thể muốn nó như thế này, hay không muốn nó như thế này. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 281. NHÃN KHỔ [309]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Mắt là khổ. Nếu mắt là lạc, đáng lý không phải chịu khổ bức bách; và đối với mắt có thể muốn nó phải được như thế này, hay không muốn nó phải như thế này. Nhưng vì mắt là khổ nên phải chịu khổ bức bách, và đối với mắt không thể muốn nó phải như thế này, hay không muốn nó phải như thế này. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 282. NHÃN PHI NGÃ [310]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Mắt chẳng phải ngã. Nếu mắt là ngã thì đáng lý không phải chịu khổ bức bách, và đối với mắt có thể muốn nó phải được như thế này, hay không muốn nó phải như thế này. Nhưng vì mắt chẳng phải là ngã, nên phải chịu khổ bức bách, và đối với mắt không thể muốn nó phải như thế này, hay không muốn nó phải như thế này. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như ba kinh nội lục nhập xứ, ba kinh ngoại lục nhập xứ cũng nói như vậy.

KINH 283. NHẤT THIẾT [311]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Bà-la-môn Sanh-văn đi đến chỗ Phật, sau khi chào đón hỏi thăm nhau, ngồi một bên bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, nói rằng “Tất cả.” Vậy thế nào là tất cả?”

Phật bảo Bà-la-môn :

“Tất cả, là chỉ cho mười hai nhập xứ, mắt đối với sắc, tai đối với tiếng, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc chạm, ý đối với pháp; đó gọi là tất cả. Nếu có người lại nói rằng: ‘Đó không phải là tất cả, mà Sa-môn Cù-đàm nói là tất cả. [91b] nay tôi bỏ cái tất cả này mà lập riêng cái tất cả khác,’ người này chỉ nói trên ngôn thuyết; nếu được hỏi đến người ấy lại không biết, và chỉ tăng thêm nghi hoặc. Vì sao? Vì chẳng phải là cảnh giới của họ.”

Bà-la-môn Sanh-văn nghe Phật nói xong, hoan hỷ phụng hành.

KINH 284. NHẤT THIẾT HỮU [312]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Bà-la-môn Sanh-văn đi đến chỗ Phật, sau khi cùng Phật chào hỏi xong, ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, Ngài nói ‘Tất cả đều có.’ [313] Vậy thế nào là tất cả đều có?”

Phật bảo Bà-la-môn Sanh-văn:

“Nay Ta hỏi, Ông cứ tùy ý mà trả lời câu hỏi của Ta. Này Bà-la-môn , ý Ông thế nào, mắt là có chăng?”

Đáp:

“Bạch Sa-môn Cù-đàm, có.”

“Sắc là có chăng?”

Đáp:

“Bạch Sa-môn Cù-đàm, có.”

“Này Bà-la-môn, vì có sắc, có nhãn thức, có nhãn xúc, nên sinh ra cảm thọ hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ không vui chăng?”

Bà-la-môn Sanh-văn đáp:

“Bạch Sa-môn Cù-đàm, có.”

“Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy. Nói rộng ra như trên cho đến chẳng phải cảnh giới của người ấy.”

Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn Sanh-văn nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành, đứng lên từ giã.

KINH 285. NHẤT THIẾT [314]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Bà-la-môn Sanh-văn đi đến chỗ Phật, sau khi cùng Phật chào hỏi xong, ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Sa-môn Cù-đàm, nói là tất cả pháp, vậy thế nào là tất cả pháp?”

Phật bảo Bà-la-môn Sanh-văn:

“Mắt, sắc, nhãn thức sanh ra nhãn xúc, nhãn xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ, hoặc khổ, hoặc lạc, hoặc không khổ không lạc. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý… pháp, ý thức sanh ra ý xúc; ý xúc làm hân duyên sanh ra cảm thọ, hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ không vui, đó gọi là tất cả pháp. Nếu có người lại nói: ‘Ở đây không phải là tất cả các pháp, như Sa-môn Cù-đàm nói là tất cả pháp. Nay tôi bỏ tất cả pháp này mà lập riêng tất cả pháp khác,’ người ấy chỉ nói trên ngôn thuyết, nếu được hỏi đến thì lại không biết, chỉ tăng thêm nghi hoặc. Vì sao? Vì chẳng phải là cảnh giới của người ấy.”

Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn Sanh-văn nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Giống như ba kinh Bà-la-môn Sanh-văn đã hỏi, ba kinh có Tỳ-kheo nọ hỏi, và ba kinh Tôn giả A-nan hỏi, ba kinh đức Thế Tôn nói về Pháp nhãn, pháp căn, pháp y cũng dạy như trên.

KINH 286. NHÃN NỘI NHẬP XỨ [315]

 [91b] Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, như lời Thế Tôn đã dạy, mắt là nội nhập xứ. Thế Tôn chỉ nói lược, không phân biệt đầy đủ. Vậy thế nào mắt là nội nhập xứ?”

Phật bảo Tỳ-kheo này:

“Mắt là nội nhập xứ, là tịnh sắc do bốn đại tạo, không thể thấy, có đối ngại. [316] Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý nội nhập xứ cũng nói như vậy.”

Lại bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, như lời Thế Tôn đã dạy, ý là nội nhập xứ, nhưng không phân biệt rộng. Vậy thế nào ý là nội nhập xứ?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Ý nội nhập xứ là tâm, ý, thức, phi sắc, không thể thấy, không đối ngại. Đó gọi là ý nội nhập xứ.”

Lại hỏi:

“Như lời đức Thế Tôn đã dạy, sắc ngoại nhập xứ. Thế Tôn nói lược, không phân biệt đầy đủ. Vậy bạch Thế Tôn, thế nào là sắc ngoại nhập xứ?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Sắc ngoại nhập xứ, là sắc do bốn đại tạo, có thể thấy, có đối ngại. Đó gọi là sắc ngoại nhập xứ.”

Lại hỏi Phật:

“Thế Tôn nói thanh là ngoại nhập xứ, nhưng không phân biệt đầy đủ. Vậy thế nào thanh là ngoại nhập xứ?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Nếu thanh do bốn đại tạo, không thể trông thấy, nhưng có đối ngại, như thanh, mùi vị cũng như vậy.”

Lại hỏi:

“Thế Tôn đã nói, xúc ngoại nhập xứ, nhưng không phân biệt đầy đủ. Vậy thế nào là xúc ngoại nhập xứ?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Xúc ngoại nhập xứ, là bốn đại và sắc do bốn đại tạo, không thể thấy, nhưng có đối ngại. Đó gọi là xúc ngoại nhập xứ.”

Lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn chỉ nói pháp ngoại nhập xứ, chứ không phân biệt đầy đủ.”

Phật bảo Tỳ-kheo :

“Pháp ngoại nhập xứ là những pháp không gồm trong mười một loại nhập xứ này, không thể thấy, không đối ngại.Đó gọi là pháp ngoại nhập xứ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 287. LỤC NỘI NHẬP XỨ [317]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu nội nhập xứ, là mắt nội nhập xứ, và tai, mũi, lưỡi, thân, ý nội nhập xứ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 288. LỤC NGOẠI NHẬP XỨ [318]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu ngoại nhập xứ. Vậy thế nào là sáu ngoại nhập xứ? Sắc ngoại nhập xứ, thanh, hương, vị, xúc, pháp ngoại nhập [92a] xứ. Đó gọi là sáu ngoại nhập xứ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 289. LỤC THỨC THÂN [319]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-Vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có sáu thức thân: nhãn thức thân, nhĩ thức thân, tỷ thức thân, thiệt thức thân, thân thức thân, ý thức thân. Đó gọi là sáu thức thân.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hona hỷ phụng hành.

KINH 290. LỤC XÚC THÂN [320]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu xúc thân: nhãn xúc thân, nhĩ xúc thân, tỷ xúc thân, thiệt xúc thân, thân xúc thân, ý xúc thân. Đó là sáu xúc thân.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 291. LỤC THỌ THÂN [321]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thọ thân: mắt tiếp xúc sanh ra thọ; tai mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ra thọ. Đó gọi là sáu thọ thân.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 292. LỤC TƯỞNG THÂN [322]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-Vệ . Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có sáu tưởng thân: mắt tiếp xúc sanh ra tưởng; tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ra tưởng. Đó gọi là sáu tưởng thân.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hona hỷ phụng hành.

KINH 293. LỤC TƯ THÂN [323]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu tư thân: mắt tiếp xúc sanh tư; tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh tư. Đó gọi là sáu tư thân.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 294. LỤC ÁI THÂN [324]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-Vệ . Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có sáu ái thân: [91b] mắt tiếp xúc sanh ái; tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ái. Đó gọi là sáu ái thân.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 295. LỤC CỐ NIỆM [325]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thứ luyến niệm [326], đó là luyến niệm sắc, luyến niệm thanh, luyến niệm hương, luyến niệm vị, luyến niệm xúc, luyến niệm pháp. Đó gọi là sáu thứ luyến niệm.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hona hỷ phụng hành.

KINH 296. LỤC PHÚ [327]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thứ phú tàng [328], đó là sắc hữu lậu chấp thủ tâm phú tàng; thanh, hương, vị, xúc, pháp hữu lậu chấp tâm phú tàng.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 297. VÔ THƯỜNG [329]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Mắt quá khứ, vị lai là vô thường, huống chi là mắt hiện tại. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy, chẳng luyến tiếc mắt quá khứ, chẳng hân hoan mắt vị lai, đối với mắt hiện tại sanh nhàm tởm, ly dục, hướng đến diệt tận. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy. Như vô thường, khổ, không, vô ngã cũng nói như vậy.”

Như bốn kinh nội nhập xứ, bốn kinh ngoại nhập xứ cũng nói như vậy.

KINH 298. HỮU NHÂN HỮU DUYÊN HỮU PHƯỢC PHÁP [330]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu-lưu-sấu. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo :

“Nay, Ta sẽ nói pháp cho các Tỳ-kheo, ban đầu, khoảng giữa, sau cùng đều thiện, thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, Phạm hạnh trong sạch. Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ. Đó là kinh có nhân, có duyên, có pháp hệ phược.

“Thế nào là kinh có nhân, có duyên, có pháp hệ phược? Mắt có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì là nhân của mắt, là duyên của mắt, là hệ phược của mắt? Nghiệp là nhân, nghiệp là duyên, nghiệp là hệ phược của mắt.

“Nghiệp có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì là nhân của nghiệp, là duyên của nghiệp, là hệ phược của nghiệp? Ái là nhân của nghiệp, ái là duyên của nghiệp, ái là hệ phược của nghiệp.

“Ái có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì là nhân của ái, là duyên của ái, là hệ phược của ái? Vô minh là nhân của ái, vô minh là duyên của ái, vô minh là hệ phược của ái.

“Vô minh [92c] có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì là nhân của vô minh, là duyên của vô minh, là hệ phược của vô minh? Không tư duy đúng là nhân, không tư duy đúng là duyên, không tư duy đúng là hệ phược của vô minh.

“Không tư duy đúng có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì là nhân của không tư duy đúng, là duyên của không tư duy đúng, là hệ phược của không tư duy đúng? Do mắt thấy sắc không tư duy đúng nên sanh si mê, sự ngu si ấy là vô minh; mong cầu si gọi là ái; do ái tạo tác hành vi nên gọi là nghiệp.

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, không tư duy đúng là nhân của vô minh, vô minh là nhân của ái, ái là nhân của nghiệp, nghiệp là nhân của mắt. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy. Đó gọi là kinh có nhân, có duyên, có pháp hệ phược.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hona hỷ phụng hành.

KINH 299. ĐỆ NHẤT NGHĨA KHÔNG [331]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu-lưu-sấu. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo :

“Nay, Ta sẽ vì các ngươi mà nói pháp ban đầu, khoảng giữa, sau cùng đều thiện, thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh thanh bạch, đó là kinh đệ nhất nghĩa Không. Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.

“Thế nào là kinh đệ nhất nghĩa Không? Này các Tỳ-kheo, khi mắt sanh thì nó không có chỗ đến; lúc diệt thì nó không có chỗ đi. Như vậy mắt chẳng thật sanh, sanh rồi diệt mất; có nghiệp báo mà không tác giả. Uẩn này diệt rồi, uẩn khác tương tục, trừ pháp tục số [332]. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy, trừ pháp tục số.

“Pháp tục số, tức là nói, cái này có thì cái kia có, cái này khởi thì cái kia khởi, như vô minh duyên hành, hành duyên thức, nói chi tiết đầy đủ cho đến thuần một khối khổ lớn tập khởi. Lại nữa, cái này không thì cái kia không, cái này diệt thì cái kia diệt, vô minh diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt. Như vậy, nói rộng cho đến thuần một khối khổ lớn tụ diệt.

“Này các Tỳ-kheo, đó gọi là kinh đệ nhất nghĩa Không.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 300. LỤC HỶ HÀNH [333]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu hỷ hành [334], đó là, này các Tỳ-kheo, ngay khi thấy sắc, hỷ tiến hành nơi sắc xứ ấy. [93a] Khi tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý tiếp xúc pháp trần, khi ấy hỷ tiến hành nơi pháp xứ hành này. Các Tỳ-kheo gọi đó là sáu hỷ hành.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 301. LỤC ƯU HÀNH [335]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu ưu hành [336], đó là, này các Tỳ-kheo, mắt thấy sắc, mà ưu tiến hành nơi sắc xứ đó. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà ưu tiến hành nơi pháp xứ này, các Tỳ-kheo gọi đó là sáu ưu hành.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 302. LỤC XẢ HÀNH [337]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu xả hành [338], đó là, này các Tỳ-kheo, khi mắt thấy sắc, xả tiến hành nơi sắc xứ này. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp cũng vậy, xả tiến hành nơi pháp xứ này, đó gọi là, này Tỳ kheo, sáu xả hành.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 303. LỤC THƯỜNG HÀNH [339]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thường hành [340], đó là, Tỳ-kheo, mắt thấy sắc, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí; đó gọi là, này Tỳ kheo, sáu thường hành.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 304. LỤC THƯỜNG HÀNh [341]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thường hành, đó là, này Tỳ-kheo, mắt thấy sắc, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí.

“Tỳ-kheo thành tựu sáu thường hành này là điều thế gian khó làm được.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 305. LỤC THƯỜNG HÀNH [342]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, [93b] rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thường hành, đó là, này Tỳ-kheo, mắt thấy sắc, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí.

 “Tỳ-kheo thành tựu sáu pháp thường hành này điều thế gian khó làm được, người này đáng được phụng sự, cung kính, cúng dường, là ruộng phước vô thượng của thế gian.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 306. LỤC THƯỜNG HÀNH [343]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thường hành, đó là, Tỳ-kheo, mắt thấy sắc, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí.

 “Tỳ-kheo thành tựu được sáu pháp thường hành này, nên biết, đó là Xá-lợi-phất. Tỳ-kheo Xá-lợi-phất khi mắt thấy sắc, an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí.

“Tỳ-kheo Xá-lợi-phất thành tựu sáu pháp thường hành mà thế gian khó làm được, nên xứng đáng được phụng sự, cung kính, cúng dường, là ruộng phước vô thượng của thế gian.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành. [344]

KINH 307. BÀ-LA-DIÊN [345]

 [310b20] Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Lộc uyển trú xứ của các Tiên nhơn, nước Ba-la-nại. Bấy giờ, có số đông các Tỳ-kheo tụ tập tại giảng đường bàn luận như vầy:

“Chư Tôn! Như lời đức Thế Tôn đã đáp cho câu hỏi Bà-la-diên-đê-xá-di-đức-lặc: [346]

Nếu người biết nh biên,

Không dính mắc khoảng giữa;

Được gọi Đại trượng phu,

Không mê luyến ngũ dục,

Thoát thợ khâu ưu phiền. [347]

“Chư Tôn! Những câu này có nghĩa gì? Cái gì là biên? Cái gì là nhị biên? Cái gì là giữa? Cái gì là thợ khâu? Cái gì là tư, do trí mới biết, bằng liễu tri mà liễu tri; khi được biết bởi trí, được liễu tri bởi liễu tri, đoạn tận khổ biên, thoát khỏi khổ?”

Có một Tye kheo giải đáp:

 [310c] “Sáu nội xứ là một biên; [348] sáu ngoại xứ là biên thứ hai; thủ [349] là ở giữa; ái là thợ khâu. Thân cận với ái, [350] rồi nhân đó mà có thân này, thân kia lần lần tăng trưởng xuất sinh. Những pháp này do trí mà biết, do liễu tri mà liễu tri; [351] khi đựợc biết bởi trí, được liễu tri bởi liễu tri, đoạn tận khổ biên, mới thoát khỏi khổ.”

Một Tỳ kheo khác lại nói:

“Đời quá khứ là một biên; đời vị lai là biên thứ hai; đời hiện tại là giữa; ái là thơ khâu, tập cận những ái này, do nhân bởi đó mà thân này  kia lần lần tăng trưởng xuất sinh ... cho đến thoát khổ.”

Lại có Tỳ kheo nói:

“Thọ lạc là một biên; thọ khổ là biên thứ hai; không khổ không lạc là giữa; ái là thợ khâu, tập cận những ái này, tự thân sở đắc do chúng lần lần tăng trưởng xuất sinh ... cho đến thoát khổ.”

Lại có người nói:

“Hữu là một biên; tập là biên thứ hai; thủ là giữa; ái là thợ khâu. Như vậy nói đầy đủ, ... cho đến thoát khổ.”

Lại có người nói:

“Thân là một biên; thân tập là biên thứ hai; ái là thợ khâu. [352] Như vậy nói đầy đủ, ... cho đến thoát khổ.”

Lại có Tỳ kheo nói:

“Tất cả những gì chúng ta nói ra không giống nhau, chỉ đưa ra những dị thuyết, không hy vọng gì  để hiểu được. Thế Tôn còn nói điều gì nữa trong kinh “Những câu hỏi của Đê-xá Di-đức-lặc”? Chúng ta nên đến Thế Tôn thưa hỏi. Như những gì Thế Tôn dạy, chúng ta phụng trì.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Thế nào, bạch Thế Tôn! Có những giải thuyết khác nhau về kinh  Ba-la-diên-đê-xá-di-đức-lặc sở vấn, Vừa rồi các Tỳ-kheo nhóm họp tại giảng đường, bàn luận như vầy: ‘Những gì mà Thế Tôn đã dạy trong kinh Ba-la-diên-đê-xá-di-đức-lặc sở vấn, về hai biên ... cho đến thoát khổ.’ Có người bảo: ‘Nội lục nhập xứ là một biên, ngoại lục nhập xứ là biên thứ hai, thủ ở giữa, ái là thợ khâu. Nói đầy đủ như trước. Tất cả đều không quyết định được, nên hôm nay chúng con đến đây thỉnh vấn Thế Tôn về những nghĩa này. Những gì chúng con nói, ai là người nào nói đúng nghĩa?”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Những gì các ông đã nói đều là khéo nói. Nay Ta sẽ vì các ông mà nói về kinh khác. Ta đã vì Ba-la-diên-đê-xá-di-đức-lặc, có nói kinh khác. Xúc là một biên; xúc tập là biên thứ hai; thủ là ở giữa; ái là thợ khâu. Sau khi đã tập cận ái rồi, thân này thân kia duyên vào đó mà tăng trưởng xuất sinh. Đối với pháp này, do trí  mà biết, do liễu tri  mà liễu tri; do được biết bởi trí, liễu tri bởi liễu tri, mà đoạn tân khổ biên, thoát khỏi khổ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 308. TÂN-ĐẦU LÔ [353]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Tôn giả Tân-đầu-lô [354] ở trong vườn Cù-sư-la, tại Câu-diệm-di. Bấy giờ, có Quốc vương Bà-sa tên Ưu-đà-diên-na, [355] đến chỗ Tôn giả Tân-đầu-lô. Thăm hỏi nhau xong, ngồi lui qua một bên, Quốc vương Bà-sa Ưu-đà-diên-na bạch Tôn gia Tân-đầu-lô:

“Tôi có điều muốn hỏi, Tôn giả có rảnh rổi để đáp cho không?”

Tôn giả Tân-đầu-lô đáp:

“Này Đại vương! Đại vương cứ hỏi, điều gì tôi biết sẽ đáp.”

Quốc vương Bà-sa Ưu-đà-diên-na hỏi Tôn giả Tân-đầu-lô:

“Nhân gì, duyên gì, mà các Tỳ-kheo tuổi trẻ mới học, xuất gia chưa lâu ở trong pháp luật này, sống rất an lạc, các căn tươi vui, tướng mạo  sáng sủa, da dẻ tươi tốt, thích tĩnh, ít động, mặc người mà sống như dã thú, tâm họ kham năng suốt đời, tu trì phạm hạnh, thanh tịnh thuần nhất?”

Tôn giả Tân-đầu-lô đáp:

“Như những gì Phật đã dạy. Như Lai, Ứng cúng, Đẳng chánh giác, là bậc Tri giả, Kiến giả, đã dạy các Tỳ-kheo: ‘Tỳ-kheo các ngươi! Nếu gặp người nữ lớn tuổi thì nên coi như mẹ. Gặp người trung niên thì nên coi như chị em. Gặp người non trẻ thì nên coi như con gái. Vì nguyên nhân này nên các Tỳ-kheo tuổi trẻ xuất gia chưa bao lâu ở trong pháp luật này sống an lạc vui vẻ, an ổn, các căn tươi vui, tướng mạo sáng sủa, da dẻ tươi mát, thích tĩnh, ít động, mặc người mà sống như dã thú, tâm họ kham năng suốt đời, tu trì phạm hạnh, thanh tịnh thuần nhất.”

Quốc vương Bà-sa  Ưu-đà-diên-na hỏi Tôn giả Tân-đầu-lô:

“Hiện tại người thế gian, tâm họ tham cầu, dù có gặp người lớn tuổi coi như mẹ, trung niên coi như chị, non trẻ coi như con gái; nhưng lúc đó tâm họ cũng theo sự thiêu đốt của tham dục, sân nhuế, ngu si mà khởi lên. Còn có nhân duyên nào đặc biệt hơn không?”

Tôn giả Tân-đầu-lô nói với quốc vương Bà-sa Ưu-đà-diên-na:

“Còn có nhân duyên khác nữa. Như Thế Tôn đã dạy. Ngài là bậc Tri giả, Kiến giả, đã dạy các Tỳ-kheo: ‘Thân này từ chân đến đỉnh đầu, bộ xương được trét bởi thịt, được che đậy bởi một lớp da mỏng, trong đó chứa dẫy đầy những thứ bất tịnh. Quán sát tất cả: tóc, lông, móng, răng, bụi dơ, nước dãi, da, thịt, xương trắng, gân, mạch, tim, gan, phổi, lá lách, thận, ruột, dạ dày, ruột non, ruột già, [311b] màng, nước mắt, mồ hôi, nước mũi, nước bọt, mỡ, tuỷ, đàm âm, mũ, máu, dịch não, phẩn, nước tiểu.’ [356] Này Đại vương, vì nhân này, duyên này nên các Tỳ-kheo tuổi trẻ xuất gia chưa bao lâu ở trong pháp luật này, vẫn sống lạc, an ổn ... cho đến thanh tịnh tràn đầy thuần nhất.”

Quốc vương Bà-sa Ưu-đà-diên-na hỏi Tôn giả Tân-đầu-lô:

“Tâm người hay phiêu nhanh. Nếu quán bất tịnh, có khi sẽ theo tưởng tịnh mà hiện. Vậy còn có nhân duyên nào khiến cho Tỳ kheo tuổi trẻ xuất gia chưa bao lâu trong pháp luật này, sống lạc, an ổn ... cho đến thanh tịnh tràn đầy thuần nhất không?”

Tôn giả Tân-đầu-lô đáp:

“Còn có nhân duyên khác nữa. Như Thế Tôn đã dạy. Ngài là bậc Tri giả, Kiến giả, đã dạy các Tỳ-kheo : ‘Các ngươi nên giữ gìn các căn môn, khéo thu nhiếp tâm mình. Khi mắt thấy sắc, chớ nắm bắt sắc tướng, chớ nắm bắt hình tướng tốt đẹp, mà tăng thêm sự gìn giữ. [357] Nếu đối với mắt mà không an trụ với sự thúc liễm, những pháp ác bất thiện tham ưu  thế gian sẽ lọt vào tâm mình. Cho nên cácngươi phải giữ gìn luật nghi của mắt. Đối tai và tiếng, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp cũng lại như vậy, ... cho đến giữ gìn luật nghi của ý.”

Bấy giờ Quốc vương Bà-sa, Ưu-đà-duyên-na hỏi Tôn giả Tân-đầu-lô:

“Lành thay! Ngài khéo nói pháp, ... cho đến giữ gìn luật nghi các căn. Bạch Tôn giả Tân-đầu-lô, tôi cũng như vậy, có khi không giữ gìn thân, không giữ gìn luật nghi các căn, khi vào cung không nhất niệm thì tâm mình sinh ra tham dục hừng hực, ngu si  thiêu đốt. Ngay khi đóng cửa phòng ở một mình, ba độc cũng lại thiêu đốt tâm mình, huống lại là ở trong cung. Lại có lúc tôi khéo nhiếp hộ được các căn, nhiếp hộ được thân mình, chuyên tâm nhất niệm, khi vào trong cung, tham dục, nhuế, si không còn dấy khởi thiêu đốt tâm mình; khi ở trong cung nội còn không bị thiêu đốt thân tâm, huống chi là khi ở một mình. Vì vậy cho nên, do nhân này, do duyên này hay khiến cho Tỳ-kheo tuổi trẻ xuất gia chưa bao lâu trong pháp luật này sống lạc, an ổn, .... cho đến thanh tịnh tràn đầy thuần nhất.”

Sau khi quốc vương Bà-sa, Ưu-đà-duyên-na nghe những gì Tôn giả nói, hoan hỷ, tùy hỷ từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

KINH 309. THỦ TÚC DỤ [358]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la, tại nước Câu-diệm-di. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Vì có tay, nên biết có lấy, có bỏ. Vì có chân nên biết có tới, có lui. Vì có các khớp nên biết có co, có duỗi. Vì có bụng nên biết có đói, có khát. Cũng vậy, Tỳ-kheo, vì có mắt nên có [331c] nhãn xúc làm nhân duyên sinh ra cảm thọ bên trong, hoặc khổ lạc, hoặc không khổ không lạc. Tai mũi lưỡi thân ý lại cũng như vậy.

“Này các Tỳ-kheo, nếu không tay thì không biết lấy bỏ. Nếu không chân thì không biết tới lui. Nếu không có các khớp thì không biết co duỗi. Nếu không có bụng thì không biết đói khát. Cũng vậy, các Tỳ-kheo, nếu không có mắt thì không có nhãn xúc làm nhân duyên sinh ra cảm thọ bên trong, hoặc khổ, hoặc lạc, hoặc không khổ không lạc. Tai mũi lưỡi thân ý lại cũng như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 310. QUI [359]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la, tại nước Câu-diệm-di. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Vào thời quá khứ, có đám cỏ trong sông; có con rùa sống trong bụi cỏ ấy. Khi đó có một con dã can đói đi tìm thức ăn. Vừa thấy con rùa, nó vội nhảy tới vồ lấy. Con rùa thấy vậy, liền thu hết đầu đuôi và bốn chân vào trong mai. [360] Dã can canh đợi con rùa thò đầu, chân ra là chụp ăn liền. Nhưng chờ lâu quá, mà nhất định rùa không thò đầu và chân ra. Dã can đói quá, tức tối bỏ đi.

“Này các Tỳ-kheo, nay các ngươi cũng hãy biết như vậy. Ma Ba-tuần luôn luôn dò xét tìm cơ hội bên các ngươi. Mong đợi mắt các ngươi đắm sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý nhớ pháp mà xúi dục sinh tâm đắm nhiễm sáu trần. Cho nên, Tỳ-kheo, các ngươi phải luôn luôn giữ gìn luật nghi của mắt. Khi đã giữ gìn an trụ nơi luật nghi của mắt, dù mắt có sinh khởi hoặc duyên cảnh, Ác ma Ba-tuần cũng không thể tìm được cơ hội. Tai mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Dù sáu căn kia có sinh khởi hoặc duyên cảnh, nó cũng không thể tìm được tiện lợi. Giống như con rùa, dã can không thể tìm được cơ hội nào.”

Bấy giờ Phật liền nói kệ:

Rùa vì sợ dã can,

Dấu thân vào trong mai.

Tỳ-kheo khéo nhiếp tâm,

Dấu kín các giác tưởng.

Không nương, không sợ hãi,

Kín tâm chớ nói năng.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 311. KHÓANG MẠCH [361]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la, tại nước Câu-diệm-di. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Thí như lúa [362] đặt ở ngã tư đường, có sáu tráng niên cầm chày giã, trong chốc lát nát ra như bụi. Rồi có [312a] người thứ bảy cầm chày giã lại. Này các Tỳ-kheo, ý các ngươi thế nào, đống lúa đã bị sáu nguời giã, rồi người thứ bảy giã lại, lúc này  bị nát nhừ phải không?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Phật dạy:

“Này các Tỳ-kheo, cũng vậy, người ngu si bị sáu xúc nhập xứ nện đả. Những gì là sáu? Nhãn xúc nhập xứ thường nện đả. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý xúc nhập xứ thường nện đả. Người ngu si kia, tuy bị sáu xúc nhập xứ nện đả, nhưng vẫn còn ý niệm mong cầu sinh hữu đời vị lai, [363] như người thứ bảy giã lại cho nát thêm.

“Này các Tỳ-kheo, nếu nói là ngã, đó là dao động; nói là ngã sở, đó là dao động; vị lai sẽ hiện hữu, đó là dao động; vị lai sẽ không hiện hữu, đó là dao động; sẽ lại có sắc, đó là dao động; [364] sẽ lại không sắc, đó là dao động; sẽ lại có tưởng, đó là dao động; sẽ lại không có tưởng, đó là dao động; sẽ lại không phải có tưởng, chẳng phải không tưởng, đó là dao động. Vì dao động nên là bệnh, vì dao động nên là ung nhọt, vì dao động nên là gai nhọn, vì dao động nên là dính mắc. Chơn chánh quán sát rằng vì dao động nên là khổ; do đó được tâm không dao động, tu tập nhiều, an tru, cột niệm, chánh trí. Giống như dao động, tư lương, hư cuống [365] cũng như vậy.

“Vì có hành do ái. Nói  ngã, đó là ái; [366] nói ngã sở, đó là ái; nói vị lai sẽ hiện hữu, đó là ái; nói vị lai sẽ không hiện hữu, đó là ái; nói sẽ có sắc, đó là ái; nói sẽ không có sắc, đó là ái; nói sẽ có tưởng, đó là ái; nói sẽ không tưởng, đó là ái; nói sẽ chẳng phải tưởng, chẳng phải không tưởng, đó là ái. Vì ái nên là bệnh, vì ái nên là ung nhọt, vì ái nên là gai nhọn. Chơn chánh quán sát rằng vì dao động nên là khổ; do đó được tâm không dao động, tu tập nhiều, an tru, cột niệm, chánh trí.

“Này các Tỳ-kheo, vào thời quá khứ, A-tu-la đem quân chiến đấu với Đế Thích. Khi ấy Thiên đế Thích bảo chư thiên Tam Thập Tam rằng: ‘Hôm nay chư Thiên cùng chiến đấu với A-tu-la. Nếu chư Thiên thắng, A-tu-la thua, hãy bắt sống vua A-tu-la, lấy dây cột chặt lại năm chỗ đem về cung trời.’ Vua A-tu-la cũng nói với binh chúng mình: ‘Hôm nay A-tu-la cùng chiến đấu với chư Thiên. Nếu A-tu-la thắng, chư Thiên thua, hãy bắt sống Thiên đế Thích, lấy dây cột chặt lại năm chỗ đem về cung A-tu-la.’

“Trong lúc đánh nhau, chư Thiên thắng, A-tu-la thua. Bấy giờ chư thiên  Tam Thập Tam bắt sống được vua A-tu-la là [312b] Tì-ma-chất-đa-la [367], trói năm chỗ, đem về cung trời. Lúc này, vua A-tu-la Tì-ma-chất-đa-la, thân bị trói  năm chỗ, được đặt trên điện Chánh Pháp, cho hưởng thụ năm thứ dục lạc của chư Thiên. Vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la tự nghĩ: ‘Chư Thiên tuy là giỏi, nhưng chỉ có A-tu-la là hiền thiện thông tuệ hơn. Nay ta sẽ trở về cung A-tu-la.’ Trong lúc đang nghĩ như vậy, tự thấy thân mình năm chỗ bị dây ấy thắt chặt lại, ngũ dục của chư Thiên tự nhiên biến mất.

“Vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la lại nghĩ: ‘A-tu-la tuy giỏi, nhưng chư Thiên hiền thiện trí tuệ và sáng suốt hơn. Nay ta sẽ ở lại cung trời này.’ Trong lúc đang nghĩ như vậy, tự thấy năm chỗ  thân mình dây lỏng ra, ngũ dục chư Thiên tự nhiên xuất hiện trở lại.

“Tuy vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la bị sự cột trói vi tế như vậy, nhưng sự cột trói của Ma Ba-tuần càng vi tế hơn. Khi tâm bị dao động, liền theo đó bị Ma trói. Tâm không dao động thì cũng liền theo đó mà cởi ra. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy luôn luôn trụ vào tâm không dao động, chánh niệm, chánh trí. Cần phải học như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 312. CẦM [368]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la, tại nước Câu-diệm-di, Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Với Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo ni nào, ở nơi sắc được nhận thức bởi con mắt mà phát sinh hoặc dục, [369] hoặc tham, hoặc nhiễm, hoặc ái niệm, hoặc cố chấp; [370] đối với những tâm như vậy, phải khéo tự phòng hộ. Vì sao? Những tâm này đều là con đường đưa đến sợ hãi, có chướng nạn. Đây là chỗ nương tựa của người ác, không phải chỗ nương tựa của người thiện. Cho nên, phải tự phòng hộ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Thí như người nông phu có đám mạ tốt, mà người giữ ruộng thì lười biếng, buông lung, để bò vào ăn lúa mạ. Phàm phu ngu si cũng lại như vậy, sáu xúc nhập xứ… cho đến buông lung cũng lại như vậy.

“Đám mạ tốt, nếu người giữ ruộng mà tâm không buông lung, bò không ăn được. Giả sử có vào ruộng cũng bị đuổi ra hết. Nghĩa là tâm, ý, hay thức của Thánh đệ tử đa văn, đối với công năng ngũ dục phải khéo tự nhiếp hộ, tĩnh chỉ hết, khiến cho diệt tận.

“Đám mạ tốt, người giữ ruộng không tự buông lung, nếu bò vào ruộng, sẽ dùng tay trái kéo dây mũi, tay phải cầm roi nện sả vào thân, đuổi ra khỏi ruộng. Này các [312c] Tỳ-kheo, ý các ngươi nghĩ sao? Khi con bò kia đã bị thống khổ vậy rồi, từ làng về nhà, từ nhà ra làng, nó có còn dám ăn lúa mạ non như lỗi trước không?”

Đáp rằng:

“Bạch Thế Tôn, không. Vì sao? Nó nhớ lần trước vào ruộng, đã bị cái đau khổ bởi roi vọt.

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, nếu tâm, ý, hay thức của Thánh đệ tử đa văn  đối với sáu xúc nhập xứ cực kỳ sinh lòng yểm ly, sợ hãi, nội tâm an trụ, chế ngự nhất tâm.

“Này các Tỳ-kheo, thời quá khứ có ông vua nghe tiếng đàn hay chưa từng có được, nên sinh yêu thích, say mê, chìm đắm. Vua hỏi các vị đại thần rằng: ‘Đó là những thanh gì mà nghe khả ái quá vậy?’ Đại thần tâu: ‘Tâu bệ hạ! Đó là những tiếng đàn.’ Vua nói với đại thần: ‘Khanh hãy đem những âm thanh đó đến đây.’ Đại thần vâng lời, liền đem cây đàn đến tâu: ‘Tâu đại vương!  Đây chính là cây đàn đã tạo ra thanh hay.’ Vua nói đại thần: ‘Ta không cần cây đàn, mà chỉ cần đem những âm thanh khả ái đã nghe lần trước đến.’ Đại thần tâu: ‘Cây đàn này cần phải có nhiều thứ, là phải có cán, có máng, có thùng, có dây, có da, và người đàn giỏi. Cần phải hội đủ những nhân duyên này mới thành âm thanh. Nếu thiếu đi những dụng cụ này thì sẽ không có được âm thanh. Âm thanh mà bệ hạ đã nghe trước đây đã qua lâu rồi, chúng đã biến chuyển và cũng đã diệt mất rồi, không thể đem đến được.’ Lúc ấy, nhà vua tự nghĩ: ‘Ôi! Cần gì vật hư nguỵ này! Đàn ở thế gian là vật hư nguỵ, mà khiến cho người đời say đắm vậy sao? Bây giờ các khanh hãy đem chẻ ra từng mảnh, rồi vất bỏ khắp mười phương.’ Các đại thần vâng lệnh, chẻ ra thành trăm mảnh, ném khắp mọi nơi.

“Cungc vậy, Tỳ-kheo, đối với sắc, thọ, tưởng, tư, dục; biết những pháp này là vô thường, hữu vi do tâm duyên sinh, rồi liền cho là ngã, ngã sở. Những thứ ấy, ở vào lúc khác, tất cả đều không. Này các Tỳ-kheo, hày bằng chánh trí bình đẳng như vậy mà quán sát như thật.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 313. LẠI BỆNH [371]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la, tại nước Câu-diệm-di. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Như người bị bệnh hủi, tay chân bị thương lở loét, nếu vào cỏ tranh sẽ bị những lá nhọn như mũi kim đâm chích bị thương, đau khổ vô cùng. Cũng vậy, phàm phu ngu si mà sáu xúc nhập xứ chịu những sự đau khổ cũng lại như vậy. Cũng như người bị hủi kia bị lá cỏ nhọn đâm bị thương, máu mủ chảy ra. Cũng vậy, phàm phu ngu si, tánh tình thô bạo, xấu xa, [313a] bị xúc bởi sáu  xúc nhập xứ, liền nổi sân nhuế, lời thô tiếng ác tuôn ra, như người bị phong hủi kia. Vì sao? Phàm phu ngu si vô học, tâm như phong hủi.

“Bây giờ, Ta sẽ nói về luật nghi và bất luật nghi. [372] Thế nào là luật nghi, và thế nào là bất luật nghi?

“Phàm phu ngu si vô học, khi mắt thấy sắc rồi, đối sắc khả ái thì khởi lên tham đắm, với sắc không khả ái thì khởi lên sân nhuế. Từ nơi đó, lần lượt phát sinh ra nhiều giác tưởng tương tục, không thấy lỗi lầm, hoặc có thấy lỗi lầm cũng không thể trừ diệt. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Này Tỳ-kheo, đó gọi là bất luật nghi.

“Thế nào gọi là luật nghi? Thánh Đệ tử đa văn  khi mắt thấy sắc, với sắc khả ái không khởi tưởng dục, với sắc không khả ái không khởi tưởng sân nhuế, lần lượt cũng không khởi những giác tưởng tương tục mà an trụ, [373] thấy sắc là lỗi lầm; vì đã thấy lỗi lầm nên phải lìa bỏ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Đó gọi là luật nghi.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 314. LỤC CHÚNG SINH [374]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la, tại nước Câu-diệm-di. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Thí như người dạo trong căn nhà trống bắt được sáu loài chúng sanh. Đầu tiên được con chó, liền bắt nó cột một chỗ. Kế đến được con chim, rồi được rắn độc, dã can, cá sấu [375] và con khỉ. Sau khi bắt được những chúng sanh này, tất cả đều bị cột vào một chỗ. Con chó muốn vào làng; chim luôn luôn muốn bay lên không; rắn luôn muốn bò vào hang; dã can muốn đến gò mả; cá sấu lúc nào cũng muốn vào biển; con khỉ muốn vào rừng núi. Sáu con vật này đều bị cột một chỗ, nhưng sở thích của chúng không giống nhau. Mỗi con đều muốn đến chỗ an ổn của nó, không con nào thích bị cột vào chỗ mà nó không ưa thích, nên mỗi con tự dùng sức để trở về chỗ ưa thích của mình, nhưng không thể thoát được.

“Cũng vậy, sáu căn có cảnh giới riêng của chúng; mỗi mỗi tự tìm đến cảnh giới ưa thích của nó, không ưa cảnh giới khác. Như mắt thường tìm đến sắc khả ái, nếu là sắc không vừa ý thì sẽ sinh ra chán. Tai thường tìm thanh vừa ý, nếu là thanh không vừa ý, sẽ sinh ra chán. Mũi thường tìm mùi vừa ý, nếu là mùi không vừa ý, sẽ sinh ra chán. Lưỡi thường tìm vị vừa ý, nếu là vị không vừa ý, sẽ sinh ra chán. Thân thường [313b] tìm xúc chạm vật vừa ý, nếu xúc chạm vật không vừa ý, sẽ sinh ra chán. Ý thường tìm đến pháp vừa ý, nếu là pháp không vừa ý, sẽ sinh ra chán. Sáu căn này có bao nhiêu hành xứ, cảnh giới khác nhau, mỗi cái không tìm đến cảnh giới của căn khác. Sáu căn này, chúng có cái lực kham năng tự tại mà lãnh thọ cảnh giới của mình. Như người kia, cột sáu con vật vào cây cột vững chắc, cho dù chúng có dùng sức muốn thoát ra theo ý mình mà đi, nhưng lui tới chỉ mệt nhọc, vì đã bị dây cột, cuối cùng cũng bị dính vào cây trụ.

“Này các Tỳ-kheo, Ta nói thí dụ này là muốn vì các Thầyngươi hiển bày nghĩa ấy. Sáu con vật là dụ cho sáu căn. Cây trụ chắc là dụ cho thân niệm xứ. [376] Nếu thân niệm xứ được khéo tu tập, có niêm, không niệm sắc, thấy sắc khả ái mà không sinh đắm, sắc không khả ái mà không sinh chán. Tai đối với tiếng; mũi đối với mùi; lưỡi đối với vị; thân đối với xúc; ý đối với pháp,… đối với pháp khả ái, không tìm cầu ưa muốn; với pháp không khả ái thì không sinh chán. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy siêng năng tu tập nhiều thân niệm xứ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 315. RẮN ĐỘC [377]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la, tại nước Câu-diệm-di. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Thí như có bốn con rắn hổ hung ác, độc nghiệt, được nhốt trong một cái tráp. Bấy giờ có một người thông minh, không ngu si, có trí tuệ, tìm lạc, nhàm khổ, cầu sống chán chết. Khi ấy, có một người kia nói với người này rằng: ‘Này, anh giữ cái tráp đựng rắn độc này. Hãy lau chùi, tắm rửa cho chúng; gần gũi, cho chúng ăn. Thỉnh thoảnh, cho chúng ra, vào.  Nếu bốn con rắn này thoát ra, rất có hại, hoặc có thể cắn chết, hoặc gần chết. Bạn hãy coi chừng.’

“Bấy giờ, người này sợ hãi bỏ chạy. Bỗng có năm kẻ oán thù cầm dao rượt theo muốn bắt giết, ‘Này bạn, hãy đề phòng.’ Trong lúc anh đang sợ bốn con rắn độc và năm kẻ oán thù hoa dao nên ruổi chạy, người kia lại nói: ‘Này bạn! Bên trong còn có sáu tên giặc đang đuổi theo rình rập anh. Nếu bắt được, chúng nó sẽ giết. Anh nên đề phòng .’

“Bấy giờ, người này vì sợ bốn con rắn độc, năm kẻ oán thù cầm dao, với sáu tên giặc ở bên trong, nên kinh hãi bỏ chạy, lại chạy vào trong xóm vắng. Thấy một căn nhà trống mục nát nguy hoại kia, với những đồ vật xấu ác, dòn tan, dễ vỡ, không có gì chắc thật. Người kia lại nói: ‘Này bạn, thôn xóm vắng vẻ này sẽ có bọn giặc đến. Chúng sẽ hại anh.’

“Khi ấy, người này vì sợ bốn con rắn độc, năm tên giặc đang cầm dao, sáu tên giặc dữ bên trong, và một đám giặc trong xóm vắng, [313c] nên anh tiếp tục chạy. Chợt gặp một con sông lớn chắn ngang đường, dòng nước sâu đang chảy siết, chỉ thấy bờ bên này có nhiều sự sợ hãi, còn thấy bờ bên kia an ổn khoái lạc, mát mẻ, không có sợ hãi. Nhưng không có cầu, thuyền để đưa qua được đến bờ kia. Anh ta tự nghĩ: ‘Ta hãy lấy cây cỏ kết thành một chiếc bè, dùng tay chân làm phương tiện vượt qua bên kia sông.’ Nghĩ như vậy rồi, liền thâu thập cây cỏ, tại cạnh bờ sông kết lại thành chiếc bè, dùng tay chân làm phương tiện cắt dòng sang ngang. Như vậy, người này thoát khỏi bốn con rắn độc, năm kẻ oán thù cầm dao, sáu tên giặc ác bên trong, và lại thoát được bọn giặc nơi xóm vắng; vượt qua khỏi dòng sâu, bỏ lại mọi sự sợ hãi ở bờ bên này, đến được bờ bên kia, an ổn, khoái lạc.

“Này các Tỳ-kheo, Ta nói thí dụ đó là để giải thích nghĩa này:

“Cái tráp là dụ cho sắc thân gồm bốn đại thô và sở tạo của bốn đại phù này, thể tinh huyết, được nuôi lớn bằng các thức ăn tạp uế, tắm gội, y phục. Đó là những pháp mong manh, biến hoại, vô thường.

“Bốn rắn độc là dụ cho bốn đại: đất, nước, gió, lửa. Nếu như địa đại cạnh tranh, có thể làm cho thân này chết, hoặc là gần  chết. Đối với  nước, lửa, gió cạnh tranh nhau cũng lại như vậy. Năm kẻ oán thù cầm dao là dụ cho năm thủ uẩn. Sáu tên giặc ác bên trong là dụ cho sáu ái hỷ. Xóm vắng là dụ cho sáu nội xứ. Này thiện nam tử, hãy quán sát nhãn nhập xứ là vô thường, biến hoại. Cái chấp trì mắt cũng là pháp vô thường hư nguỵ. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý nhập xứ cũng lại như vậy.

“Bọn giặc nơi xóm vắng là dụ cho sáu xứ bên ngoài. Mắt bị sắc vừa ý, không vừa ý làm hại; tai đối tiếng, mũi đối mùi, lưỡi đối  vị, thân đối xúc,… ý đối  pháp dù vừa ý hay không vừa ý cũng đều bị hại.

“Dòng nước xiết dụ cho bốn bộc lưu: dục bộc lưu, hữu bộc lưu, kiến bộc lưu, và vô minh bộc lưu.

“Con sông dụ cho ba ái: dục ái, sắc ái, và vô sắc ái.

“Bờ bên này nhiều sợ hãi dụ cho hữu  thân. Bờ bên kia mát mẻ, an lạc dụ cho Vô dư Niết-bàn. Chiếc bè dụ cho bát chánh đạo. Dùng tay chân làm phương tiện cắt dòng sang sông dụ cho tinh tấn dõng mãnh đến bờ kia. Trụ xứ của Bà-la-môn dụ cho Như Lai, Ứng cúng, Đẳng chánh giác.

“Như vậy, các Tỳ-kheo, Đại Sư từ bi, an ủi đệ tử. Những gì cần làm Ta đã làm xong. Nay các ngươi cũng phải nên làm những gì cần làm. Hoặc dưới bóng cây vắng vẻ, hay nơi phòng xá thanh tịnh, trải cỏ làm toà, hoặc chỗ đất trống hay gò mả, xa lìa tất cả, tinh cần thiền tư, cẩn thận chớ buông lung mà sau này hốitiếc. Đây là giáo giới của Ta .”

Phật nói kinh này xong, [314a]các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 316. KHỔ PHÁP [378]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la, tại nước Câu-diệm-di. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Thánh Đệ tử đa văn thấy biết như thật, đối với tất cả pháp khổ, tập, diệt, vị, hoạn, ly. Thấy ngũ dục như hầm lửa. Sau khi quán sát ngũ dục như vậy rồi, ở nơi ngũ dục mà  dục tham, dục ái, dục niệm, dục trước [379] vĩnh viễn không còn che đậy tâm; [380] biết hành xứ và trụ xứ của dục tâm kia mà tự phòng hộ. Sau khi hành xứ, trụ xứ đã được phòng hộ, đóng chặt cửa  rồi, pháp ác bất thiện và tham ưu thế gian không  tùy theo hành xứ và trụ xứ kia mà lọt vào tâm mình.

“Thế nào gọi là Thánh đệ tử đa văn thấy biết như thật đối với tất cả pháp khổ, tập, diệt, vị, hoạn, ly? Thánh đệ tử đa văn  biết như thật về Khổ Thánh đế này; biết như thật về Khổ tập này, về Khổ diệt  này, về Khổ diệt đạo tích Thánh đế này. Đó gọi là đệ tử đa văn của bậc Thánh biết như thật tất cả pháp khổ, tập, diệt, vị, hoạn, ly.

“Thế nào gọi là Thánh đệ tử đa văn  thấy năm dục như hầm lửa,… cho đến các pháp ác bất thiện, và tham ưu thế gian vĩnh viễn không còn che đậy tâm nữa?

“Thí như bên cạnh thôn xóm có một cái hầm sâu chứa đầy lửa, không có khói và lửa ngọn. Khi ấy có một người không ngu si, thông minh trí tuệ, ưa lạc, chán khổ, ham sống, sợ chết. Ông tự nghĩ: ‘Ở đây có cái hầm chứa đầy lửa, nếu ta rơi vào trong đó chắc chắn phải chết không còn nghi nữa.’ Người kia phát sinh sự tránh xa, nghĩ tránh xa, muốn tránh xa. Cũng vậy, Thánh đệ tử đa văn  thấy ngũ dục như hầm lửa… cho đến  pháp ác bất thiện, tham ưu thế gian, vĩnh viễn không còn che đậy tâm. Nếu hành xứ, trụ xứ mà được phòng hộ trước, biết trước… cho đến các pháp ác bất thiện tham ưu thế gian không còn lọt vào tâm.

“Thí như bên cạnh thôn xóm có khu rừng gai [381] nhiều cây gai nhọn. Khi  ấy có người vào rừng có công việc. Khi vào rừng, y thấy phía trước, phía sau, bên phải, bên trái, trên, dưới, toàn là gai nhọn. Bấy giờ người kia chánh niệm mà đi, chánh niệm tới lui, chánh niệm mở mắt sáng, chánh niệm nhìn thẳng, chánh niệm khom người. Vì sao? Vì không để gai nhọn làm tổn thương thân mình. Thánh Đệ tử đa văn  cũng lại như vậy. Nếu y tựa nơi làng xóm, thành ấp; sáng sớm đắp y, ôm bát vào xóm khất thực, phải khéo nhiếp hộ thân và giữ gìn tâm mình, chánh niệm an trú, chánh niệm mà đi, chánh niệm mở mắt sáng, chánh niệm quán sát. Vì sao? Vì không để cho [314b] gai nhọn làm tổn thương đến Thánh pháp luật. Thế nào là gai nhọn làm tổn thương đến Thánh pháp luật? Sắc vừa ý, đáng yêu, đáng nhớ. Đó gọi là gai nhọn làm tổn thương đến Thánh pháp luật.

“Thế nào là sắc vừa ý, đáng yêu, đáng nhớ, lại làm tổn thương đến Thánh pháp luật? Đó là năm công năng của dục.  Mắt nhận thức thấy sắc sinh ra yêu, nhớ, nuôi lớn dục lạc; tai nhận thức nghe tiếng; mũi nhận thức ngửi mùi; lưỡi nhận thức nếm vị; thân nhận thức tiếp xúc sinh ra yêu, nhớ, nuôi lớn dục lạc. Đó gọi là sắc đáng yêu, đáng nhớ, làm tổn thương đến Thánh pháp luật. Đó cũng gọi là  Thánh đệ tử đa văn phòng hộ trước và biết trước chỗ hành xứ và trú xứ,… cho đến không để các pháp ác bất thiện, tham ưu thế gian lọt vào tâm.

“Hoặc khi Thánh đệ tử đa văn mất chánh niệm, sinh ra suy tầm ác bất thiện, nuôi lớn tham dục, sân nhuế, ngu si. Đó là  Thánh đệ tử đa văn thuộc độn căn. [382]  Tuy khởi tập, diệt nhưng bị dục che đậy tâm. Giống như hòn sắt nóng đỏ rực, dùng vài giọt nước nhỏ xuống liền khô mất. Cũng vậy, Thánh đệ tử đa văn  độn căn sinh niệm cũng liền diệt mất như vậy.

“Đa văn Thánh đệ tử đi như vậy, đứng như vậy. Nếu quốc vương hay đại thần đến chỗ họ dùng bỗng lộc để mời dụ rằng: ‘Này người  nam, cần gì phải cạo bỏ râu tóc, cầm bát sành, thân khóac áo ca-sa, đi xin ăn từng nhà? Sao bằng an uý hành ngũ dục lạc, bố thí làm phước’

“Thế nào, Tỳ-kheo, Thánh đệ tử đa văn có vì bỗng lộc mời dụ của các thân tộc, đàn-việt, đại thần, quốc vương mà họ sẽ hoàn giới, thối giảm không?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, không. Vì sao? Thánh đệ tử đa văn  đã thấy biết như thật đối với tất cả pháp khổ, tập, diệt, vị, hoạn, ly. Thấy ngũ dục như hầm lửa,… cho đến  pháp ác bất thiện, tham ưu thế gian, vĩnh viễn không còn che đậy tâm nữa, nhờ đã phòng hộ trước, và biết trước những hành xứ và trú xứ của phiền não,… cho đến các pháp ác bất  thiện, tham ưu thế gian, không còn lọt vào tâm mình. Nếu quốc vương, đại thần hay thân tộc dùng bỗng lộc mời dụ người  ấy hoàn  giới,  thối giảm, điều này không thể có được.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Lành thay, Lành thay! Thánh đệ tử đa văn từ lâu  tâm  xuôi về, rót về, đổ dốc về, hướng đến viễn ly, hướng đến ly dục, hướng đến Niết-bàn tịch tĩnh, xả ly, vui nơi Niết-bàn; ở nơi hữu lậu đã được đạp tắt, được làm mát nguội. Nếu bị quốc vương, gia chủ hay thân tộc dùng bỗng lộc mời dụ để hoàn giới  thối giảm, chịu khổ lớn khác, điều này không thể có được. Giống như sông Hằng luôn luôn xuôi về, rót về, đổ dốc về phương Đông. [383] Có nhiều người  ngăn nó, muốn nó xuôi về, rót về, [314c] đổ dốc về phương Tây, có được không?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, không thể. Vì sao? Vì  dòng nước sông Hằng đã lâu ngày chảy về phương Đông mà muốn nó chảy về phương Tây thì không thể được. Những người kia, họ sẽ chịu khổ cực!”

“Cũng vậy, Thánh Đệ tử đa văn đã lâu ngày tâm  xuôi về, rót về, đổ dốc về, hướng đến viễn ly,… cho đến muốn khiến thối giảm, điều này không thể có được, họ phải chịu khổ cực mà thôi.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 317. ĐẠI THỌ [384]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật, tại A-tì-xà, [385] bên Hằng thuỷ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Lành thay, Thế Tôn! Xin vì con thuyết pháp. Sau khi nghe pháp rồi, con một mình ở chỗ vắng, chuyên tinh tư duy, sống không buông lung, và hiểu được lý do mà nột thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc, chánh tín xuất gia học đạo, không nhà, tiến tu phạm hạnh, thấy pháp, tự biết tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa.’”

Bấy giờ, Thế Tôn ngắm sông Hằng, thấy trong nước có một khúc cây lớn trôi theo dòng nước chảy xuống. Phật với vị Tỳ-kheo kia:

“Ông có thấy khúc cây lớn trong dòng nước sông Hằng này không?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, Ccon có thấy.”

Phật bảo:

“Cây lớn này, nếu không vướng bờ bên này, không vướng bờ bên kia, không chìm xuống đáy, không mắc ở bãi cù lao, không vào dòng nước xoáy, không bị người vớt lên, phi nhơn không giữ lại, cũng không bị mục, sẽ xuôi theo dòng nước, thuận dòng mà rót về, đổ về biển lớn phải không?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Phật bảo:

“Tỳ-kheo cũng lại như vậy. nếu không vướng bờ bên này, không vướng bờ bên kia, không bị chìm, không mắc bãi cù lao, không vào dòng nước xoáy, cũng không bị người vớt lấy, phi nhơn không giữ lại, cũng không bị mục, Tỳ kheo ấy sẽ  theo dòng nước mà xuôi về, rót về, đổ về Niết-bàn.”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, thế nào là bờ bên này? Thế nào là bờ bên kia? Thế nào là chìm mất? Thế nào là bị mắc bãi cù lao? Thế nào là dòng nước xoáy? Thế nào là người vớt lấy? Thế nào là phi nhơn giữ? Thế nào là mục nát? Lành thay, Thế Tôn! Xin vì con giảng rộng. Sau khi nghe xong, con sẽ một mình ở chỗ vắng, chuyên tinh tư duy, sống không buông lung,… cho đến tự biết không còn tái sinh đời sau nữa.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Bờ bên này là sáu nhậpnội xứ. Bờ bên kia là sáu ngoại xứ. Bị người vớt lấy; [386] là như người  nào sống gần gũi với người thế tục, hay với người xuất gia; [315a] nếu gặp chuyện sướng, khổ, buồn, vui, người ấy sẽ theo những việc làm của họ tất cũng  cùng họ cộng đồng. Đó gọi là bị người vớt lấy. Bị phi nhơn giữ lại; là như có người nào nguyện tu phạm hạnh, rằng ‘Nay ta trì giới, khổ hạnh, tu các phạm hạnh để được sinh lên các cõi trời.’ Đó gọi là bị phi nhơn giữ lại. Bị dòng nước xoáy; là như có người nào hoàn giới thối chuyển. Hư mục là phạm giới, hành các pháp bất thiện, hủ bại, ít học, giống như cỏ dại, như tiếng thổi tù và. Họ không phải là Sa-môn mà giống Sa-môn, không phải là phạm hạnh mà giống phạm hạnh.

“Như vậy, Tỳ-kheo, đó gọi là không vướng bờ bên này, bờ bên kia,… cho đến Niết-bàn.”

Sau khi Tỳ-kheo kia nghe những gì Phậy dạy, hoan hỷ làm lễ ra về. Bấy giờ, một mình ở chỗ vắng, tư duy về những lời đức Phật đã dạy trong kinh Cây lớn trôi theo dòng nước,… cho đến tự biết không còn tái sinh đời sau nữa, và đắc A-la-hán.

Lúc ấy có một người chăn bò là Nan-đồ [387] cách Phật không xa, đang cầm gậy chăn bò. Sau khi vị Tỳ-kheo đã đi rồi, người ấy đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, hiện tại con có thể không vướng bờ bên này, không vướng bờ bên kia, không bị chìm mất, không mắc ở bãi cù lao, không bị người vớt lấy, không bị phi nhơn giữ, không vào dòng nước xoáy, và cũng không bị  mục nát. Vậy con có được xuất gia tu phạm hạnh ở trong chánh pháp luật của Thế Tôn không?”

Phật hỏi người chăn bò:

“Con đưa bò trở về cho chủ chưa?”

Người chân bò bạch:

“Trong đàn bò có con đầu đàn có thể tự dẫn trở về, không cần con đưa. Xin cho phép con xuất gia học đạo.”

Phật bảo người chăn bò:

“Tuy bò  tự có thể về nhà được. Nhưng con đã nhận lãnh cơm ăn áo mặc của người, điều cần là con phải về báo cho chủ nhà con biết.”

Khi ấy, người chăn bò vâng lời Phật, hoan hỷ lễ Phật ra về.

Sau khi người chăn bò đi chưa được bao lâu, bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất cũng đang ở trong hội này, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, người chăn bò Nan-đồ muốn xin xuất gia, sao Thế Tôn  bảo trờ về nhà.”

Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Người chăn bò Nan-đồ nếu trở về nhà để hưởng thụ ngũ dục, không có việc đó. Sau khi giao bò lại cho người chủ rồi, người ấy sẽ nhanh chóng trở lại đây để xuất gia học đạo, tịnh tu phạm hạnh, trong pháp luật này,… cho đến tự biết không còn tái sinh đời sau nữa, đắc A-la-hán.”

Bấy giờ, người chăn bò Nan-đồ sau khi giao bò lại cho chủ rồi liền trở lại chỗ Phật, cúi đầu [315b] lễ sát chân, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con đã giao bò cho chủ rồi. Xin cho phép con xuất gia học đạo trong chánh pháp luật.”

Phật bảo người chăn trâu Nan-đồ:

“Con được xuất gia học đạo, thọ giới cụ túc làm Tỳ-kheo, ở trong chánh pháp luật này.”

Sau khi xuất gia rồi, vị ấy tự tư duy về lý do mà một thiện nam tử cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo, không nhà, tiến tu phạm hạnh,… cho đến không còn tái sinh đời sau nữa, thành A-la-hán.

KINH 318. KHẨN-THÚ DỤ [388]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo một mình ngồi thiền tại chỗ vắng, tự nghĩ: “Tỳ-kheo biết thế nào, thấy thế nào, để được cái thấy thanh tịnh?” Nghĩ rồi, thầy đến các chỗ các Tỳ-kheo, bạch các Tỳ-kheo rằng:

“Thưa các Tỳ-kheo, biết thế nào, thấy thế nào để khiến cái thấy được thanh tịnh?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Tôn giả, biết đúng như thật về tập, diệt, vị, hoạn, ly của sáu xúc nhập xứ. Tỳ kheo nào biết, thấy như vậy thì sẽ được cái thấy  thanh tịnh.”

Tỳ-kheo này nghe Tỳ-kheo kia nói như vậy, tâm không hoan hỷ, lại  đến chỗ Tỳ-kheo khác, hỏi Tỳ-kheo kia rằng:

“Chư tôn Tỳ-kheo, biết thế nào, thấy thế nào để được cái thấy thanh tịnh?”

Tỳ-kheo kia đáp:

“Biết đúng như thật về tập, diệt, vị, hoạn, ly của sáu giới. Tỳ-kheo nào biết như vậy, thấy như vậy thì  sẽ được cái thấy  thanh tịnh.”

Tỳ-kheo này nghe Tỳ-kheo kia ký thuyết như vậy tâm cũng không hoan hỷ, lại đến Tỳ-kheo khác hỏi:

“Tỳ-kheo, biết thế nào, thấy thế nào để được cái thấy thanh tịnh?”

Tỳ-kheo kia đáp:

“Quán sát năm thủ uẩn như là bệnh tật, như ung nhọt, như gai nhọn, như giết hại, là vô thường, khổ, không, phi ngã. Biết như vậy, thấy như vậy, sẽ được cái thấy thanh tịnh.”

Tỳ-kheo này nghe Tỳ-kheo kia ký thuyết như vậy tâm cũng không hoan hỷ, ông đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con một mình ở chỗ vắng tư duy: ‘Tỳ-kheo, biết thế nào, thấy thế nào để được cái thấy thanh tịnh?’ Sau khi nghĩ như vậy, rồi con đi đến chỗ các Tỳ-kheo, ba nơi đã nói những gì, như vậy mà bạch đầy đủ lên Thế Tôn, con nghe họ nói vậy, tâm không hoan hỷ, nên đến Thế Tôn đem nghĩa này xin hỏi Thế Tôn: ‘Tỳ-kheo, biết thế nào, thấy thế nào để được cái thấy thanh tịnh?’”

Phật đáp:

“Vào thời quá khứ, có một người chưa từng thấy cây khẩn-thú, [389] tìm đến người đã từng thấy khẩn-thú; hỏi người đã từng thấy khẩn thú [315c] rằng: ‘Ông biết cây khẩn-thú không?’ Đáp: ‘Biết.’ Lại hỏi: ‘Hình dạng của nó thế nào?’ Đáp: ‘Nó màu đen như cái cột bị cháy.’ Vì người kia đang lúc thấy khẩn-thú màu đen như cột trụ cháy sém. Người này nghe nói khẩn-thú màu đen như cái cột cháy sém thì không hoan hỷ lắm. Lại đi đến người khác đã từng thấy khẩn-thú và hỏi: ‘Ông đã biết khẩn thú phải không?’ Người kia đáp: ‘Biết.’ Lại hỏi: ‘Hình dạng của nó thế nào?’ Người từng thấy khẩn-thú đáp: ‘Sắc của nó màu đỏ, hoa nở  ra như khúc thịt.’ Vì  người kia lúc thấy khẩn-thú nở hoa thật như một khúc thịt. Người này nghe những gì người kia nói như vậy cũng không hoan hỷ. Lại đến người đã từng thấy khẩn thú khác, hỏi: ‘Ông đãù biết khẩn thú phải không?’ Người kia đáp: ‘Biết.’ Lại hỏi: ‘Hình dạng của nó thế nào?’ Đáp: ‘Lông thân của nó dài thườn thượt rủ xuống như quả thi-lợi-sa.’ [390] Người này nghe rồi, tâm cũng không hoan hỷ. Lại đi hỏi người đã biết khẩn-thú khác: ‘Ông đã biết khẩn thú phải không?’ Đáp: ‘Biết.’ Lại hỏi: ‘Hình dáng của nó thế nào?’ Người kia trả lời: ‘Nó màu xanh lá cây, lá bóng, lá dài rộng như cây ni-câu-lâu-đà.’ [391] Như những người kia, khi hỏi về khẩn-thú, nghe xong, tâm không hoan hỷ. Lại đi tìm khắp nơi, nhưng những người  thấy khẩn-thú, tùy thời tùy sở kiến của mỗi người mà trả lời; cho nên không giống nhau.

“Cũng vậy, các Tỳ-kheo nếu ở nơi thanh vắng, chuyên tinh tư duy, sống không buông lung, nhân theo pháp tư duy mà không khởi lên các lậu, tâm được giải thoát, và tùy theo sở kiến của họ mà ký thuyết. Nay ông nghe Ta nói thí dụ, người trí nhờ thí dụ sẽ hiểu được. Thí như có một quốc vương  biên địa, khéo chỉnh trị thành quách, dưới cửa kiên cố, đường sá bằng phẳng. Bốn cửa thành đặt bốn người canh gác. Tất cả đều thông minh trí tuệ, biết người đi, người đến. Trong thành này, tại một con đường ngã tư, an trí giường chõng. Thành chủ ngồi trên đó. Nếu có sứ giả từ phương Đông đến hỏi người giữ cửa: ‘Thành chủ ở đâu?’ Liền được trả lời: ‘Đang ngồi trên tòa, ở ngã tư đường, trong thành.’ Vị sứ giả kia nghe rồi, đến chỗ thành chủ, nhận chỉ thị rồi trở về đường cũ. Những sứ giả từ Nam, Tây, Bắc, đến cũng hỏi người giữ cửa: ‘Thành chủ ở đâu?’ Họ cũng đáp: ‘Ở giữa ngã tư đường, trong thành.’ Các sứ giả kia nghe rồi đều  đến chỗ thành chủ, nhận chỉ thị cùa ông, rồi mỗi người trở về chỗ cũ của mình.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Ta đã nói thí dụ. Nay sẽ nói ý nghĩa. Thành là dụ cho sắc thô của [316a] thân người. Giống như kinh nói thí dụ về cái tráp rắn độc. [392] Khéo sửa sang tường thành là chỉ cho chánh kiến. Đường sá bằng phẳng là sáu nội xứ. Bốn cửa chỉ cho bốn trú xứ của thức. Bốn người giữ cửa chỉ cho tứ niệm xứ. Thành chủ chỉ cho thức thủ uẩn. Sứ giả là chánh quán. Nói lời như thật là bốn chơn đế. Trở về đường cũ là bát Thánh đạo.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Nếu Đại sư có những điều cần làm cho đệ tử; thì nay Ta đã làm xong. Do lòng thương tưởng, … như kinh thí dụ về cái tráp rắn độc.”

Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, chuyên tinh tư duy, không sống buông lung, tiến tu phạm hạnh,… cho đến không tái sinh đời sau nữa, thành A-la-hán.

KINH 319. LẬU PHÁP [393]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật du hành nhơn gian, giữa những người họ Thích; rồi đến ở trong vườn Ni-câu-luật-đà, nước Ca-tỳ-la-vệ.

Bấy giờ, những người họ Thích ở Ca-tỳ-la làm xong giảng đường mới, chưa có Sa-môn, Bà-la-môn, thiếu niên họ Thích-ca và nhân dân nào ở trong đó. Họ nghe Thế Tôn du hành trong nhơn gian, đến nước Ca-tỳ-la-vệ dòng họ Thích, và đang trú trong vườn Ni-câu-lâu-đà, giảng về nghĩa khổ lạc. Họ bàn với nhau: “Nhà này mới hoàn thành, chưa có ai  ở, nên thỉnh Thế Tôn và đại chúng về đây cúng dường, sẽ được công đức phước báo vô lượng, an ổn lâu dài. Rồi sau đó chúng ta mới sử dụng.” Bàn luận xong, họ cùng nhau ra khỏi thành, đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân, ngồi lui qua một bên.

Bấy giờ, Thế Tôn vì những người họ Thích, diễn nói pháp yếu, khai  thị, soi sáng, làm cho vui mừng xong, rồi ngồi im lặng. Khi ấy, những người họ Thích từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, đảnh lễ Phật, đầu gối hữu quỳ sát đất, chấp tay bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, chúng con những người họ Thích, làm xong giảng đường mới, chưa có ai ở. Hôm nay, thỉnh Thế Tôn và đại chúng đến giảng đường cho chúng con được cúng dường, để chúng con được công đức phước lợi và an lạc mãi mãi. Rồi  sau đó chúng con sẽ sử dụng.”

Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời. Khi ấy những người họ Thích biết Thế Tôn đã nhận lời mời rồi, cúi đầu lễ sát chân Phật, rồi mỗi người trở về chỗ của mình. Ngay ngày hôm đó, họ dùng xe chở hết đồ đạc đến trang hoàng giảng đường mới, trải sàng toà và lót thảm cỏ mịn trên đất, dầu đèn đầy đủ. Khi mọi việc đã sửa soạn xong, họ đến chỗ Phật, cúi đầu bạch rằng:

“Mọi việc đã chuẩn bị xong rồi, mong Ngài biết thời.”

Bấy giờ, Thế Tôn và, đại chúng tuỳ tùng trước sau đi đến ngoài giảng đường. Sau khi rửa chân, Thế Tôn bước lên nhà, ngồi trước cây cột ở giữa, hướng về  Đông. Khi ấy các Tỳ-kheo [316b] cũng rửa chân xong, lần lượt vào giảng đường, ngồi quay mặt hướng về Tây, phía đức Phật. Bấy giờ, những người họ Thích cũng ngồi quay mặt hướng về Tây.

Thế Tôn vì những người dòng họ Thích rộng nói pháp yếu, khai thị, soi sáng, làm cho hoan hỷ xong, rồi nói với những người họ Thích:

“Này các Cù-đàm, đã quá đầu đêm, bây giờ các người có thể trở về Ca-tỳ-la-vệ.”

Khi ấy, những người họ Thích sau khi nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ, tùy hỷ ra về.

Thế Tôn biết những người họ Thích đã đi rồi, bèn bảo Đại Mục-kiền-liên:

“Thầy nên vì các Tỳ-kheo thuyết pháp cho họ. Ta đang đau lưng, cần được nghỉ ngơi.”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên im lặng nhận lời. Bấy giờ, Thế Tôn xếp y uất-đa-la bốn lớp lót dưới sườn, và cuốn y tăng-già-lê đặt dưới đầu làm gối, nằm nghiêng hông bên phải, xếp đầu gối chân  lên nhau, cột niệm vào tướng ánh sáng, với ý tưởng sẽ thức dậy.

Bấy giờ, Đại Mục-kiền-liên nói với các Tỳ-kheo:

“Pháp của Thế Tôn đã dạy, khoảng đầu, khoảng giữa, khoảng cuối đều thiện, nghĩa thiện, vị thiện, thuần nhất, mãn tịnh, thanh bạch phạm hạnh. Hôm nay, Tôi sẽ nói về pháp hữu lậu, và vô lậu. Các thầy hãy lắng nghe:

“Thế nào là pháp hữu lậu? Phàm phu ngu si vô học, khi mắt thấy sắc, với sắc khả ái khởi lên ưa đắm, với sắc không khả ái khởi lên chán ghét, không trụ vào thân niệm xứ, không có một phần trí đối với tâm giải thoát và tuệ giải thoát; đủ các thứ pháp ác bất thiện khởi lên, không được hoàn toàn diệt trừ, không vĩnh viễn hoàn toàn đoạn tận. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Này Tỳ-kheo, người như vậy Thiên Ma Ba-tuần sẽ đến chỗ họ để dò xét những chỗ yếu kém tai hại, ở nơi mắt thấy sắc, mà nắm chỗ được sơ hở. Đối với tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi niếm vị, thân với xúc, ý với pháp cũng lại như vậy, liền nắm được chỗ sơ hở. Giống như đống cỏ khô, nổi lửa bốn bên, bị cháy tiêu tức thì. Cũng vậy, Tỳ-kheo, ở nơi  sắc được nhận thức bởi mắt của Tỳ kheo, Thiên Ma Ba-tuần liền nắm được chỗ sơ hở. Cũng vậy, Tỳ-kheo không thắng ở nơi sắc. Tai đối với tiếng, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp,… đối với bị pháp chế phục, không thắng được pháp. Không thắng sắc, không thắng thanh, hương, vị, xúc, pháp. Cũng lại  không thắng ý, cùng các pháp ác bất thiện phiền não, thiêu bức, khổ báo, sẽ bị sinh, già, bệnh, chết ở đời vị lai. Chư Tôn giả, ta đã tự thân nhận lãnh các pháp hữu lậu này từ đức Thế Tôn. Đó gọi là ‘kinh Pháp Hữu Lậu.’

“Thế nào là pháp vô lậu? Thánh Đệ tử đa văn mắt thấy sắc, đối với sắc khả ái không khởi  ưa đắm, với sắc không khả ái không khởi chán ghét, cột niệm an trụ, [316c] vô lượng tâm giải thoát, tuệ giải thoát, biết một cách như thật. Các pháp ác bất thiện đã khởi kia bị biệt tận không dư tàn.  Tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Tỳ-kheo  như vậy, Ác ma Ba-tuần có đến dò xét tìm sở đoản nơi  sắc được thấy bởi mắt, cũng không thể tìm được sở đoản. Tai đối với tiếng, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, để tìm cầu chỗ yếu kém, cũng không tìm được chỗ yếu kém đó. Giống như lầu các, nếu tường vách kiên cố, cửa ngõ nhiều lớp đóng, lấp dày kín, dù đốt lửa bốn bên cũng không thể cháy được. Các Tỳ-kheo này cũng lại như vậy, dù Ma Ba-tuần đến chỗ dò xét để tìm tòi chỗ yếu cũng không thể tìm được. Tỳ-kheo như vậy, có thể thắng được sắc kia, không bị sắc chiết phục. Thắng được thanh, hương, vị, xúc, pháp không bị những pháp ấy chiết phục. Thắng được sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp rồi thì cũng thắng luôn những pháp ác bất thiện, phiền não, khổ báo dẫy đầy, cùng sinh, già, bệnh, chết đời vị lai. Tự thân tôi nhận được pháp này từ đức Thế Tôn. Đó gọi là ‘kinh Pháp Vô Lậu.’”

Bấy giờ, Thế Tôn biết Đại Mục-kiền-liên thuyết pháp xong, Ngài ngồi dậy cột niệm trước mặt, bảo Mục-kiền-liên:

“Lành thay! Lành thay! Mục-kiền-liên! Ông thuyết kinh pháp này cho người, mang lại nhiều lợi ích, khiến vượt qua nhiều phiền não, và được an lạc Trời, Người lâu dài.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Các ngươi nên thọ trì kinh pháp Hữu Lậu, Vô Lậu này. Hãy  nói  rộng cho mọi người. Vì sao? Vì nghĩa lý đầy đủ, pháp đầy đủ, phạm hạnh đầy đu, khai mở thần túc,hướng thẳng Niết-bàn,… cho đến người thiện nam có lòng tin, ở nhà hay xuất gia cũng nên thọ trì độc tụng và nói rộng cho mọi người.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 320. HÔI HÀ [394]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Thí như có một sông tro, bờ Nam rất nóng, nhiều gai nhọn, ở nơi tối tăm, có nhiều tội nhơn ở trong sông trôi dạt theo dòng. Trong đó có một người thông minh trí tuệ, không ngu si, ưa lạc chán khổ, ham sống sợ chết, tự nghĩ: ‘Hiện tại ta vì duyên gì mà ở sông tro này, bờ Nam thì nóng bức lại nhiều gai nhọn; ở nơi tối tăm, trôi dạt theo dòng như vậy? Ta sẽ dùng chân tay làm phương tiện, bơi ngược dòng lên.’ [317a] Dần dần thấy được chút ánh sáng, người ấy thầm nghĩ, ‘Ta đã gắng sức mới thấy được chút ánh sáng này.’ Rồi lại vận dụng tay chân, gắng thêm, nỗ lực thêm, và thấy được đất bằng. Tức thì người ấy dừng lại đó quan sát chung quanh, thấy núi đá lớn nguyên vẹn không bị lở, khộng sụt, không bị đục thủng. Y liền leo lên trên, lại thấy ao nước trong mát có đủ tám phần: mát lạnh, đẹp đẽ, nhẹ nhàng, êm dịu, thơm tho, trong xanh, khi  uống không bị nghẹn, không trở ngại trong cổ, đã uống vào rồi thì thân thể an lạc. Người ấy liền vào trong đó, hoặc uống hoặc tắm, tẩy sạch được nóng bức. Sau đó y leo lên trên núi lớn, gặp bảy loài hoa: hoa ưu-bát-la, hoa bát-đàm-ma, hoa câu-mâu-đầu, hoa phân-đà-lợi, hoa tu-kiên-đề, hoa di-ly-đầu-kiên-đề, hoa a-đề-mục-đa, nghe thấy mùi hương thơm. Rồi y lại lên núi đá, thấy toà nhà bốn tầng cấp, liền ngồi trên ấy;  thấy  màn  che có năm trụ, y liền vào trong đó, điều thân ngồi ngay thẳng. Ở trong này, có đầy đủ gối chăn, hoa rải khắp nơi, trang hoàng đẹp đẽ; tự do ngồi nằm, gió mát bốn bề, làm cho thân thể an ổn. Ngồi trên cao, người ấy nhìn xuống cất lớn tiếng xướng rằng:

“ - Hỡi chúng sanh, các Hiền chánh sĩ trong sông tro! Sông này bờ Nam nóng bức, phần nhiều là gai  nhọn;  nơi đó tối tăm, nên tìm cách ra khỏi sông ấy!

“Có người nghe được những lời này, nương theo tiếng, hỏi rằng:

“ - Hướng nào ra được? Theo chỗ nào để ra?”

“Trong đó, nghe có lời nói:

“ - Ngươi cần gì hỏi chỗ nào ra được? Cái người kia lớn tiếng gọi kia, chính nó cũng không biết, không thấy theo chỗ nào để ra. Nó cũng ở lại trong sông tro này, bờ Nam nóng bức, phần nhiều gai nhọn; ở đây tối tăm, theo dòng trôi xuống. Hỏi nó  làm gì!

“Cũng vậy, Tỳ-kheo, Ta nói thí dụ này, nay Ta sẽ giải thích nghĩa của nó.

“Tro chỉ cho ba ác bất thiện tầm. [395] Những gì là ba? Dục tầm, nhuế tầm và hại tầm. “Sông chỉ cho ba ái: dục ái, sắc ái, vô sắc ái. Bờ Nam rất nóng bức, chỉ cho nội ngoại sáu nhập xứ. Phần nhiều là gai nhọn, chỉ cho  năm công năng của dục. Chỗ tối tăm, chỉ cho vô minh che lấp tuệ nhãn. Nhiều người, chỉ cho phàm phu ngu si. Dòng nước, chỉ cho sông sinh tử. Trong đó có một người không ngu không si, chỉ cho Đại Bồ-tát. Dùng tay chân làm phương tiện bơi ngược dòng, chỉ cho tinh cần tu học.  Thấy một chút ánh sáng ẩn hiện, là được pháp nhẫn. Gặp được đất bằng, là chỉ cho trì giới. Quan sát bốn phương, là chỉ cho thấy được bốn chân đế. Núi đá lớn là chỉ cho chánh kiến. Nước tám phần, là chỉ cho bát Thánh đạo. Bảy loài hoa, là chỉ cho bảy [316b] giác chi. Nhà bốn tầng cấp, là chỉ cho bốn như ý túc. Năm trụ màn che, là chỉ cho năm căn: tín, tấn, niệm, định, tuệ. Thân ngồi ngay thẳng, là chỉ cho Vô dư Niết-bàn. Hoa rải khắp nơi, là chỉ cho các thiền định, giải thoát, tam-muội, chánh thọ. Người tự do ngồi nằm, là chỉ cho Như Lai, Ứng cúng, Đẳng chánh giác. Gió thổi bốn bề, là chỉ cho bốn tâm tăng thượng hiện pháp lạc trụ. [396] Cất tiếng kêu gọi, là chỉ cho chuyển pháp luân. Kia có người hỏi: ‘Chư Hiền chánh sĩ  ra chỗ nào?’ là chỉ cho Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên và các Tỳ-kheo Hiền Thánh. Ở trong đó có lời nói, ‘Ngươi cần gì hỏi, chỗ nào ra được? Cái người kia cũng không biết, không thấy theo chỗ nào để ra. Nó cũng ở lại trong sông tro này, bờ Nam nóng bức, phần nhiều gai nhọn; và chỗ tối tăm theo dòng trôi xuống,’ chỉ cho lục sư và các người tà kiến. Đó là Phú-lan-na Ca-diếp, Mạt-già-lê Cù-xá-lê Tử, Tán-xà-da Tỳ-la-chi Tử, A-kỳ-đa-chỉ-xá Khâm-bà-la, Gìa-câu-la Ca-đàn-diên, Ni-kiền-liên-đà-xà-đề Phất-đa-la và những người tà kiến khác.

“Như vậy, Tỳ-kheo, Đại Sư vì các Đệ tử mà làm những việc cần làm. Nay Ta đã làm xong. Bây giờ, các ngươi phải làm những việc cần làm như Ta đã nói trong kinh Tráp Rắn Độc.” [397]

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. [398]

 


 [1] Tụng II, chỉ có một tương ưng: có 152 kinh bao gồm các kinh Đại chánh 188-225 (quyển 8-9), kinh 273-282 (quyển 11), 304-342 (quyển 13),   kinh 1164-1177 (quyển 43).  Tương đương Pāli, Samyutta Nikāya v. Salāyatanavaggo.

 [2] Tụng 2 chỉ có một tương ưng duy nhất, tương đương Pāli, S. 35. Salāyatana-samyutta.

 [3] Đại chánh, quyển 8, kinh 188. Pāli, S. 35. 155-156 Nandikkhaya; 35. 170-81. Yadanicca; 35. 185 Ajjhata.

 [4] S 35. 156: nandikhayā rāgakkhayā, hỷ đoạn tận, tham đoạn tận.

 [5] Tâm chánh giải thoát : tâm thiện giải thoát. Pāli, thành cú: cittaṃ suvimuttaṃ, tâm khéo giải thoát, hoàn toàn giải thoát.

 [6] Đại chánh, kinh 189. Pāli, S. 35. 157-158. Nandikkhaya.

 [7] Pāli: yoniso manasikāro, như lý tác ý.

 [8] Đại chánh, kinh 190. Pāli, S. 35. 26-27. Parijānanā.

 [9] Bất thức, bất tri, bất đoạn, bất ly dục 不識,不知,不斷,不離欲. S 35. 26: anabhijānaṃ aparijānaṃ avirājayaṃ appajahaṃ, không thắng tri, không biến tri, không ly dục, không đoạn trừ.

 [10] Đại chánh, kinh 191; nội dung gần với kinh trên.

 [11] Xem cht. 8 kinh 192.

 [12] Hán: bất kham nhiệm 不堪任. Pāli: abhabbo, bất khả năng, không thể.

 [13] Đại chánh, kinh 192. Pāli, S. 35. 21-22. Uppādena.

 [14] Đại chánh, kinh 193. Tham chiếu kinh 194.

 [15] Đại chánh, kinh 194. Pāli, S. 35. 19-20. Abhinandena.

 [16] S 35. 19: yo cakkhuṃ abhinandati dukkhaṃ so abhinandati, ai hoan hỷ sắc thì người đóhoan hỷ khổ.

 [17] Đại chánh, kinh 195. Pāli, S. 35. 43 Anicca.

 [18] Pāli: sabbaṃ aniccaṃ.

 [19] Pāli, thành cú: nibbindaṃ virajjati; vỉāgā vimuccati; vimuttasmiṃ vimuttam iti ñāṇaṃ hoti. khīṇā jāti, vusitaṃ brahmacariyaṃ, kataṃ karaṇīyaṃ, nāparaṃ itthattāyā ti pajānāti.  “do nhàm tởm mà ly tham; do ly tham mà giải thoát; khi giải thoát, biết là đã giải thoát; biết rằng: sanh đã hết, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, sau đời này không còn đời nào khác nữa.”

 [20] Tương đương các kinh Pāli, S. 35. 44: sabbaṃ dukkhan, tất cả la khổ;  45. sabbaṃ anattā, tất cả là vô ngã.

 [21] Đại chánh, kinh 196. Pāli, S. 35. 43. Anicca.

 [22] Đại chánh, kinh 197. Pāli, S. 35. 28. Āditta.

 [23] Già-xà Thị-lợi-sa chi-đề. S 35. 28: trú tại thôn Gāya, trên núi Gāyasīsa (Tượng đầu sơn).

 [24] Ba sự thị hiện giáo hóa 三種示現教化; cũng gọi là ba thị đạo. Xem Tập dị 3: thần biến thị đạo, ký tâm thị đạo, giáo giới thị đạo; Xem No 1(24). Xem D. 11. Kevaddha, tīṇi pāṭihāriyāni: iddhipāṭihāriyaṃ, ādesanāpāṭihāriyaṃ, anusāsani pāṭihāriyaṃ.

 [25] Thiền định chánh thọ 禪定正受, hay tam-muội chánh thọ, tam-muội đẳng chí, chỉ năng lục thiền định. Pāli: samādhi-samāpatti.

 [26] Hỏa tam-muội 火三昧, năng lục thiền định làm thân thể bốc lửa.

 [27] Pāli: sabbaṃ bhikkhave ādittaṃ.

 [28] Đại chánh, kinh 198. Pāli, S. 18. 21. Anusaya (tùy miên); 22. 91. Rāhula.

 [29] S 22.91: imasmiṃ saviiññāiahe kāye.

 [30] Ngã ngã sở ngã mạn sử hệ trước, 我我所我慢使繫著; Pāli: ahaṃkāramamaṃkāra-mānānusayā, ngã, ngã sở mạn tùy miên.

 [31] Đại chánh, kinh 199. Pāli, S. 18. 22. Apagata; 22. 92. Rāhula.

 [32] Việt ư nhị 越於二; đây chỉ vượt qua hai mạn tùy miên: ngã mạn và ngã sở mạn. S 22. 92: ahaṃkāramamaṃakāramānāpagtaṃ mānasaṃ hoti vidhā samatikkantaṃ santaṃ suvimuttnti, ý thoát ly ngã mạn và ngã sở mạn, vượt ngoài các tướng trạng sai biệt, an tĩnh, giải thoát.

 [33] Đại chánh, kinh 200. Pāli, S. 35. 121. Rāhula.

 [34] Hán: vị thục, vị kham nhiệm 未熟未堪任. Chi tiết này có khác với Pāli. Cf. Pāli (S. 35. 121), Phật nhận xét: paripakkā kho rāhulassa vimuttaparipācaniyā dhammā; yaṃ nūnāhaṃ rāhulaṃ uttariṃ āsavānaṃ khaye vineyyan ti, đối với Rāhula, các pháp cần thành thục đã được thành thục; vậy Ta hãy hướng dẫn Rāhula vào trong lậu tận vô thượng.

 [35] Ni-đà-na 尼陀那. Pāli: nidāna, nhân duyên, hay nguyên nhân, mối quan hệ, hay nguồn gốc phát sanh của một cái gì.

 [36]. Đại chánh, kinh 201. Pāli, S. 35. 53-59. Avijjā v.v.

 [37] Pāli, S. 35. 54. Saṃyojana-pahānaṃ, đoạn trừ kết sử.

 [38] Pāli, S. 35. 55. Saṃyojana-samugghātaṃ, triệt đoạn kết sử.

 [39] Sử 使, hay tùy miên; Pāli: anusaya.

 [40] Tùy phiền não, 隨煩惱 nguyên Hán: thượng phiền não, 上煩惱. Pāli: upakilesa.

 [41] Kết, 結 đây chỉ bốn phược hay bốn thân hệ; cf. N 1(9), Tập dị: tham thân hệ, sân thân hệ, giới cấm thủ thân hệ (ràng buộc với thân), thử thật chấp thủ thân hệ (chấp thủ cái này là có thật); D. 33 : cattāro ganthā, abhijjhā-kāya-ganho, vyāpādo kāya-gantho, sīlabbata-parāmāso kāyagantho, idaṃcābhiniveso kāyagantho.

 [42] Chư lưu, 諸流 có lẽ chỉ bốn bộc lưu (dòng xoáy), No 1(9) kinh Chúng tập: dục bộc lưu, hữu bộc lưu, kiến bộc lưu, vô minh bộc lưu. Pāli, D. 33. Saṅgitī: cattāro oghā, kāmogho bhavogho diṭṭhogho avijjogho.

 [43] Có bốn ách: dục ách, hữu ách, kiến ách, vô minh ách. Pāli: cattāro yogā, kāma-yogo, bhavayogo, diṭṭhiyogo, avijjayogo.

 [44]. Bốn thủ: dục thủ, kiến thủ, giới cảm thủ, ngã ngữ thủ. Pāli: cattāri upādānāni, kāmūpādānaṃ, diṭṭhūpādānaṃ, sīlabbatūpādānaṃ, attavādūpādānaṃ.

 [45] Đại chánh, kinh 202. Pāli, S. 35. 166. Attano.

 [46] Có thể đoạn một pháp. Đại chánh, kinh 203.

 [47] Vườn Am-la của thầy thuốc Kỳ-bà Câu-ma-la 耆婆拘摩羅藥師菴羅園. Pāli: Jīvaka-Komārabhaccambavana.

 [48] Có thể có sự nhầm lẫn. Vườn xoài của ông ở tại Vương xá. Ông là thầy thuốc của A-xà-thế.

 [49] Đại chánh, kinh 204.

 [50] Xem cht. kinh 205.

 [51] Pāli: udāna, cảm hưởng, tự thuyết. Đại chánh, kinh 205.

 [52] xem cht. kinh 205.

 [53] Dị phần 異分. Pāli: aññathābhāvi (biến thái, đổi khác) ?

 [54] Đại chánh, kinh 206. Pāli, S. 35. 160. Jīvakambavane; 35. 100. Paṭisallānā.

 [55] Xem cht. 13 kinh 205 .

 [56] Phương tiện thiền tư, 方便禪思 chuyên cần tu tập ở nơi thanh vắng, chuyên tâm tu tập trầm tư mặc tưởng. Pāli: paṭisallāne bhikkhave yogam āpajjatha.

 [57] Như thật tri hiển hiện 如實知顯現. Pāli: yathābhūtaṃ pakkhayati, được hiển hiển một cách trung thực (như thực).

 [58] Đại chánh, kinh 207. Pāli, S. 35. 159. Jīvakambavane; 35. 99. Samādhi.

 [59] Xem cht. kinh 208..

 [60] Tam-ma-đề, chánh định. Pāli: samādhi.

 [61] Pāli: samāhito bhikkhave bhikkhu yathābhūtaṃ pajānāti, Tỳ-kheo tập trung tư tưởng thì nhận thức một cách như thật.

 [62] Đại chánh, kinh 208. Pāli, S. 35. 10-12. Anicca,vv.

 [63] Xem cht. kinh. 208

 [64] Đại chánh, kinh 209. Pāli, S. 35. 71-73. Chaphassāyatanikā (sáu xúc xứ).

 [65] Xem cht. kinh. 208

 [66] Đại chánh, kinh 210. Pāli, S. 35. 135. Saṅgayha.

 [67] Xem cht. kinh. 208

 [68]. Lục xúc nhập xứ, 六觸入處, tên một địa ngục. Pāli: chaphassāyatanikā nirayā.

 [69] Pāli: chaphassāyatanikā saggā.

 [70] Đại chánh, kinh 211. Pāli, S. 35. 117. Lokakāmaguṇa.

 [71] Xem cht. kinh. 208

 [72] Trong nguyên bản, a-nậu-đa-la tam-miệu-tam-bồ-đề, 阿耨多羅三藐三菩提.

 [73] Pāli: se āyatane veditabbe, các xứ này cần được biết rõ.

 [74] Không buông lung. Đại chánh, kinh 212. Pāli, S. 35. 134. Devadahakhaòa.

 [75] Đại chánh, kinh 213. Pāli, S. 35. 92. Dvaya.

 [76] Pāli (S. iv. 67): aham etaṃ dvayaṃ paccakhāya aññaṃ dvayaṃ paññapessamī ti, “Tôi loại bỏ qua hai pháp này mà sẽ công bố hai pháp khác.”

 [77] Pāli: tiṇṇaṃ saṅgati phasso, tập hợp ba sự này là xúc.

 [78] Đại chánh, kinh 214. Pāli, S. 35. 93. Dvayaṃ.

 [79] Đại chánh, kinh 215. Pāli, S. 35. 88. Puṇṇa.

 [80] Phú-lưu-na 富留那. Pāli: Puṇṇa.

 [81] Hán: hiện pháp, xí nhiên, bất đãi thời, chánh hướng, tức thử kiến, duyên tự giác 現法, 熾然, 不待時, 正向, 即此見, 緣自覺; các phẩm tính của Chánh pháp; định cú theo Pāli:svākkhāto bhagavatā dhammo sandiṭṭhikio akāliko ehi-passiko opnayiko paccattaṃ veditabbo viññuhī ti. Hán dịch, Phẩm loại 2 (tr. 462a08): thiện thuyết, hiện kiến, vô nhiệt, ứng thời, dẫn đạo, cận quán, trí giả nội chứng 善說現見無熱應時引導近觀智者內證; tham chiếu Du-già 84 (tr. 766c17): hiện kiến, vô xí nhiên, ứng thời, dẫn đạo, duy thử kiến, nội sở chứng.

 [82] Giác tri 覺知, tức được cảm thọ, cảm nhận. Pāli: vedayita.

 [83] Hiện kiến pháp 現見法, ở trên Hán dịch là hiện pháp. Pāli: sandiṭṭhiko.

 [84] Đại chánh, kinh 216. Pāli, S. 35 (iv. 157). Samudda.

 [85]Loạnn thảo uẩn亂草蘊. S. iv. 158: tantākulakajātā kulagaṇṭhikajātā muñja-pabbajabhutā, giống như cuộn chỉ rối, như vật sình thối được che đậy, như cỏ muñja, cỏ pabbaja.

 [86] Đại chánh, kinh 217. Pāli, S. 35. 187. Smudda.

 [87] Pāli (S. iv. 157): tassa rūpamayo vego, dòng nước chảy xiết của nó được tạo thành bởi sắc.

 [88] Đại chánh, kinh 218. Pāli, S. 35. 106. Dukikha.

 [89] Khổ tập đạo tích, khổ diệt đạo tích 苦集道跡, 苦滅道跡. Cf S 35. 106: dukkhassa samudayañ ca atthaṅgamañ ca, sự nổi lên và sự chìm xuống (sanh khởi và diệt tận) của khổ.

 [90] Tam sự hòa hiệp xúc三事和合觸. Pāli: tiṇṇaṃ saṅgati phasso, tổ hợp ba sự là xúc.

 [91] Đại chánh, kinh 219. Pāli, S. 35. 146 (iv. 133) Sappāya.

 [92] Con đường tương tợ (gần giống) dẫn đến niết bàn. Đại chánh, kinh 220. Pāli, S. 35. 147-149. Sappāya.

 [93] Niết bàn đạo tích 似趣涅槃道跡. Cf. S. iv. 133: nibbānasappāyaṃ paṭipadaṃ, hành trì tương thuận Niết=bàn. Sớ giải: nibbānassa sappāyaṃ upakārapaṭipadaṃ, hành trì với tư trợ thích hợp dẫn đến Niết-bàn.

 [94] Trong nguyên bản: vô thường 無常, hay chính xác là vô ngã 無我?

 [95] Đại chánh, kinh 221.

 [96] Đại chánh, kinh 222. Pāli, S. 35. 26-27. Parijānanā.

 [97] Tri pháp, thức pháp, 知法, 識法. Cf. S. 35. 26: anabhijānaṃ, aparijānaṃ: không được thắng tri (nhận thức rõ ràng), không được biến tri (nhận thức toàn diện).

 [98] Đại chánh, kinh 223. Pāli, xem kinh 224.

 [99] Đại chánh, kinh 224. Pāli, S. 35. 24-25. Pahāna.

 [100] Cf. S 35. 24: sabbappahānāya dhammaṃ, pháp dể đoạn trừ triệt để.

 [101] Đại chánh, kinh 225. Pāli, xem kinh 226.

 [102] Đại chánh, kinh 226. Pāli, S. 35. 90-91. Eja (bị kích thích bởi sự dụ hoặc).

 [103] Kế 計: phân biệt chấp trước. Nhưng, theo Pāli tương đương, S. 3590-91, từ này tương đương từ Pāli: ejā: động tham. Sớ giải: đồng nghĩa với taṇhā, tham ái. Xem nội dung kinh 229 dưới.

 [104] Nhãn tương thuộc眼相屬: mắt trong ngã, ngã trong mắt. Cf. S 35. 90: cakkhuṃ na maññeyya, cakkhusmiṃ na maññeyya, cakkuto na maññeyya, không tư duy mắt, không tư duy trong mắt, không tư duy từ mắt.

 [105] Hán: bất kế lạc tương lạc 不計樂相樂, chưa hiểu nghĩa chính xác.

 [106] Đại chánh, kinh 227. Pāli, xem kinh 228.

 [107] Kế giả thị bịnh 計者是病. Cf. S. 35. 90: ejā rogo ejā gaṇḍo ejā sallaṃ, động tham (kích thích bởi tham dục) là bịnh; động tham là gai nhọn; động tham là mũi tên độc.

 [108] Đại chánh, kinh 228.

 [109] Đại chánh, kinh 229.

 [110] Bản Hán, hết quyển 8.

 [111] Bản Hán, Đại chánh, quyển 9, kinh 230. Pāli, S. 35. 68. Samiddhi.

 [112] Tam-di-li-đề 三彌離提. Pāli: Samiddhi.

 [113] Thi thiết thế gian 施設世間, giả thiết hay khái niệm về thế gian. Pāli: lokapaññatti, lakassa paññatti.

 [114] Đại chánh, kinh 231. Pāli, xem kinh 232; tham chiếu, S. 35. 82. Loka.

 [115] Nguy thúy bại hoại 危脆敗壞: mong manh, dòn, dễ tan vỡ. Pāli, S. 35. 82: lijjatī ‘ti kho, bhikkhu, tamsā lokoti vuccati, nó bị tan vỡ, do đó nó được gọi là thế gian. Theo định nghĩa này, danh từ loka (thế gian) là do gốc động từ lujjati (tan vỡ, vì quá dòn, hay mong manh).

 [116] Đại chánh, kinh 232. Pāli, S. 35. 85. Suñña.

 [117] Hán: thế gian không 世間空. S. 35. 85: (Ānando) suñño loko suñño loko ti bhante vuccati..

 [118] Pāli ibid.: cakkhuṃ suññaṃ attena vā attaniyena vā, con mắt trống không vì không ngã hay ngã sở.

 [119] Đại chánh, kinh 233. Pāli, S. 35. 107. Loka.

 [120] Đại chánh, kinh 234. Pāli, S. 35. 116. Lokakāmaguṇa.

 [121]Pāli (S. iv. 93): nāhaṃ, bhikkhave, gamanena lokassa antaṃ ñāteyyaṃ, daṭṭheyyaṃ, patteyyaṃ vadāmi, Ta không nói rằng, do đi mà có thể đến và thấy và biết tận cùng biên tế cuả thế giới.

 [122] Pāli ibid. : yena āvusao lokasmiṃ lokasaññī hoti lokamānī – ayaṃ vuccati ariyassa vinaye loko, cái mà do bởi nó người ta có khái niệm về thế gian, có kiêu mạn về thế gian, cái đó trong Thánh pháp luật được gọi là thế gian (=thế giới).

 [123] Pāli, ibid.: cakkhunā lokasmiṃ lokasaññī hoti lokamānī, “do mắt mà ở trong thế gian người ta có tưởng về thế gian, có kiêu mạn về thế gian

 [124] Thế gian sở trọng 世間所重.

 [125] Tri thế gian 知世間, tức Thế gian giải, một trong mười hiệu của Phật.

 [126] Đại chánh, kinh 235. Pāli, S. 35. 150. Anrevāsī.

 [127] Cận trụ đệ tử 近住弟子, đệ tử nội trú, hầu cạnh thầy. Pāli: antevāsika.

 [128] Pāli (S. iv. 136): santevāsiko, bhikkhave, bhikkhu sācariyako dukkhaṃ na phāsu viharati. tỳ kheo có đệ tử nội trú, có thầy, sống không an lạc, thoải mái.

 [129] Ác bất thiện giác 惡不善覺. Pāli, ibid.: pāpakā akusalā dhammā sarasaṅkappā saṃyojaniyā, các pháp ác bất thiện được tưởng nhớ, được ước vọng, dẫn đến sự trói buộc (kết sử).

 [130] Hán: thử biên trụ 此邊住. Cf. Pāli, ibid.: tyāssa anto vasanti, chúng cư trú bên trong Tỳ kheo đó. Từ anto, trạng từ có nghĩa là bên trong, trong bản Hán được nó hiểu là danh từ: biên tế, không phù hợp với định nghĩa vừa nêu.

 [131] Cf. Pāli, inid.: anantevāsikam idaṃ brahmacariyaṃ vussati ancariyakaṃ, “phạm hạnh này được sống không đệ tử, không thầy.

 [132] An trụ nơi sự thanh tịnh của khất thực; sống với sự khất thực thanh tịnh. Đại chánh, kinh 236. Pāli, M. 151. Piṇḍapātapārisuddhi-sutta.

 [133] Không tam-muội 空三昧. M 151 (iii. 294): suññatāvihāra, không trụ hay không hành, an trụ trong không tánh.

 [134] Pāli ibid.: mahāpurisavihāro eso, sāriputta, yadidaṃ suññaṃ, “đây là sự an trụ của bậc Đại nhân, này Sariputta, đó là an trụ không.”

 [135] Đại chánh, kinh 237. Pāli, S. 35. 124. Vesāli.

 [136] Úc-cù-lũ 郁瞿婁 . Pāli: Ugga (Úc-già)

 [137] Cf. Pāli (S.iv. 109): tañce abhinandati abhivadati ajjhosāya tiṭṭhati, “(Nếu Tỳ kheo) hoan hỷ nó (sắc,…), tán thán nó, bám chặt nó mà tồn tại.”

 [138] Thường y ư thức; văn cú đảo trang, dẽ khiến nhầm chủ ngữ. Cf. Pāli ibid.: tannissitaṃ vaññāṇaṃ hoti taduapādānaṃ, thức y chỉ nó, chấp thủ nó. Sớ giải: nghiệ hức y chỉ tham ái (taṇhānissitaṃ kammavuññāṇaṃ hoti).

 [139] Đại chánh, kinh 238.

 [140] Kết, 結 hay kết sử 結使 chỉ sự trói buộc của phiền não. Đại chánh, kinh 239. Pāli, S.35. 109, 122.Saṃyojana.

 [141] Kết sở hệ pháp, kết pháp 結所繫法, pháp bị trói buộc bởi kết sử, và kết sử. Pāli: saṃyojaniye dhamme, saṃyojanaṃ.

 [142] Dục tham 欲貪Pāli: chandarāgo.

 [143] Đại chánh, kinh 240. Pāli, s. 35. 110, 123. Upādāna.

 [144] Sở thủ pháp, và thủ pháp 所取法,取法. Pāli: upādāniye dhamme ca upādānañ ca.

 [145] Thiêu nhiệt, 燒熱 hay xí nhiên 熾然: rực cháy; ngọn lửa đang bùng cháy. Đại chánh, kinh 241. Pāli, S. 35. 194. Ādittena.

 [146] Pāli (S. iv. 169): sottaṃ kho... vañjhaṃ jīvitānaṃ... aphalaṃ jīvitānaṃ... momūhaṃ jīvitānaṃ vadāmi, ngủ, Ta nói là sự không sinh sản của sinh mạng, là sự không kết trái của sinh mạng, là sự ngu mê của sinh mạng.

 [147] Pāli ibid.: còn có thể khiến phá hòa hiệp Tăng.

 [148] Đại chánh, kinh 242. Pāli, S. 35. 111-112. Pajāna.

 [149] Đại chánh, kinh 243. Pali, S. 35. 15-18. Assādena, vv..

 [150] Móc câu của Ma. Đại chánh, kinh 244. Pāli, S. 35. 114-115. Mārapāsa.

 [151] Ma câu 魔鉤. Pāli: mārapāso.

 [152] Đại chánh, kinh 245. Pāli, S. 35. 189 (iv. 159). Bālisika.

 [153] Câu-lâu-sấu Điều phục giao ngưu tụ lạc 拘留搜調伏駁牛聚落 , tức Pāli: Kurusu Kammāsadamma.

 [154] Bảy năm. Đại chánh, kinh 246. Pāli, S. 4. 24 (i. 122). Sattavassāni.

 [155] S 4. 24: Phật trú tại Uruvela (Ưu-lâu-tần-loa), bên bờ sông Nerañjara (Ni-liên-thiền)

 [156] S. ibid: lúc bấy giờ, Ma Ba tuần theo gót Thế Tôn suốt bảy năm.

 [157] Đại chánh, kinh 247.

 [158] Tập cận 習近; Pāli: sevati: thân cận và phục vụ.

 [159] Đại chánh, kinh 248. S. 35. 193 (iv. 166) Udāyī.

 [160] Kê lâm viên 雞林園, Kê viên. Pāli: Kukkuṭārāma.

 [161] Ba-tra-lợi-phất-đa-la quốc 波吒利弗多羅國, Hoa thị thành. Pāli: Pātaliputta.

 [162] Đại thuần-đà 大純陀. Em trai của ngài Xá-lợi-phất. Pāli: Mahā-Cunda.

 [163] Tham chiếu, S. 35. 193 (iv. 166). Udāyī: yatheva nu kho, āvuso ānanda, ayaṃ kāyo bhagavatā anekapariyāyena akkhāto vivaṭo pakāsito – itipāyaṃ kāyo anttā ti sakkā evameva viññāṇaṃ pidaṃ ācikkhituṃ desetuṃ paññapetuṃ paṭṭhapetuṃ vivarituṃ vibhajituṃ uttānīkātuṃ – itipidaṃ viññāṇaṃ anattā ti? Thế Tôn bằng nhiều phương tiện thuyết minh thân này, rằng thân này là vô ngã. Theo như vậy, thì có thể thuyết minh, hiển thị, phân biệt, làm sáng tỏ về thức này, rằng thức này là vô ngã, được chăng?

 [164] Đại chánh, kinh 249. Pāli, A. 4. 174. Koṭṭhita.

 [165] Đại chánh, kinh 250. Pāli, S. 35. 191 (iv. 162) Koṭṭhita.

 [166] Nhãn hệ sắc, sắc hệ nhãn? 眼繫色, 色繫眼. Pāli (iv. 192): kiṃ nu kho... cakkhu rūpānaṃ saṃyojanaṃ, rūpā cakhussa saṃyojanan ti: Mắt là kết sử của các sắc, hay các sắc là kết sử của mắt?

 [167] Đại chánh, kinh 251. Pāli, A. 4. 175. Koṭṭhita (Upavāṇa); M. 43. Mahāvedalla.

 [168] Tức không hiện quán, không lý giải chính xác.

 [169] Đại chánh, kinh 252. Pāli, S. 35. 69. Upasena.

 [170] Ưu-ba-tiên-na 優波先那. Pāli Upasena.

 [171] Hàn lâm 寒林, rừng lạnh, khu đất trống vất xác người chết, không thiêu. Pāli: sītavana.

 [172] Vương xá thành, Xà đầu nham, Ca-lăng-già hành xứ 王舍城, 蛇頭巖, 迦陵伽行處. Pāli ibid.: rājagahe viharati sītavane sappasoṇḍikapabbhāre.

 [173] Bản Cao-ly: hữu lượng 有量 (lường được); Tống-Nguyên-Minh: hữu úy 有畏 (dễ sợ).

 [174] Chưa tìm thấy gốc tiếng Phạn. Xem Tứ phần 42 (tr. 871a02). Vin ii. 110, bài chú Pāli: Virūpakkhehi me mettaṃ, mettaṃ erāpathehi me./ chabyāputtehi me mettaṃ, mettaṃ kaṇhāgotamakehi ca./ Apādakehi me mettaṃ, mettaṃ dvipādakehi me;/           catuppadehi me mettaṃ, mettaṃ bahuppadehi me./ Mā maṃ apādako hiṃsi, mā maṃ hiṃsi dvipādako;/ mā maṃ catuppado hiṃsi, mā maṃ hiṃsi bahuppado./           “Sabbe sattā sabbe pāṇā, sabbe bh³tā ca kevalā;/ sabbe bhadrāni passantu, mā kiñci pāpamāgamā./ Appamāṇo buddho, appamāṇo dhammo,/ appamāṇo saṅgho, pamāṇavantāni sarīsapāni./ Ahi vicchikā satapadī, uṇṇanābhi sarabū mūsikā;/        katā me rakkhā kataṃ me parittaṃ, paµikkamantu bhūtāni./ sohaṃ namo bhagavato, namo sattannaṃ sammāsambuddhānan”ti./

 [175] Đại chánh, kinh 253. Pāli, S. 35. 133. Verahaccāni

 [176] Ưu-đà-di 優陀夷. Pāli: Udāyi.

 [177] Câu-tát-la quốc, Câu-bàn-trà tụ lạc 拘薩羅國,拘磐茶聚落. S. 35. 133: trú ở Kāmaṃḍa, trong vườn xoài (ambavane) của Bà-la-môn Todeyya.

 [178] Tỳ-nữu-ca-chiên-diên thị bà-la-môn-ni 毘紐迦旃延氏婆羅門尼. Pāli: Verahaccānigotta brāmaṇi.

 [179] Cf. S,\. 35. 133: kismiṃ nu kho bhante arahanto sukhadukkhaṃ paññapenti, kismiṃ asati arahanto sukhadukkhaṃ paññapenti, do cái gì tồn tại, và cái gì không tồn tại, các A-la-hán tuyên bố về khổ và lạc?

 [180] Đại chánh, kinh 254. Pāli, A. 6. 55. Soṇa.

 [181] Nhị-Thập-Ức-Nhĩ 二十億耳. Pāli: Soṇa.

 [182] Nguyên hán: điệu hối 掉悔. Pāli: uddhacca.

 [183] Giải thoát lục xứ 解脫六處, giải thoát trong sáu trường hợp. Pāli: cha ṭhānāni adhimutto hoti: nekkhammādhimutto, pavivekādhimutto, avyāpajjādhimutto, taṇhakkhayādhimutto, upādānakkhayādhimutto, asammohādhimutto, sáu thắng giải xứ, hay sáu trường hợp quyết tâm: quyết tâm xuất gia, quyết tâm viễn ly (sống cô độc), quyết tâm không sân, quyết tân đoạn tận ái, quyết tâm diệt tận thủ, quyết tâm vô si.

 [184] Ly dục ở đây chỉ xuất gia. Pāli: nekkhamma.

 [185] Viễn ly ở đây chỉ đời sống ẩn dật, xa lánh thế tục. Pāli: paviveka.

 [186] Thất niệm, tức quên mất chánh niệm. Pāli: asammoha, không si.

 [187] Đại chánh. kinh 255. Pāli, S. 35. 132. Lohicca.

 [188] A-bàn-đề quốc, Thấp-ma-đà giang trắc, Di-hầu thất, A-luyện-nhã quật 阿磐提國, 濕摩陀江側, 獼猴室, 阿練若窟. Pāli: trú tại Avanti, ngoài thị trấn Makkarakata (bản Hán đọc là Makkarakuṭikā), trong một thảo am trong khu rừng vắng (Pāli: araññakuṭikāyaṃ, bản Hán đọc là arññakūṭāyaṃ)

 [189] Lỗ-hê-giá 魯醯遮 . Pāli: Lohicca

 [190] Bản Hán, hết quyển 9.

 [191] Ví dụ về tiếng và bàn tay. Đại chánh quyển 11, kinh 273. Pāli, S. 35. 92-93. Dvayaṃ.

 [192] Xem kinh 215.

 [193] Hán: Nhục hình 肉形, chỉ khối thịt.

 [194] Chỉ thuộc địa đại, thể rắn.

 [195] Thọ, tức chấp thọ đại chủng.

 [196] Vô thường chi ngã無常之我.

 [197] Biến dịch chi ngã變易之我.

 [198] Đại chánh, kinh 274. Pāli, S. 22. 33. Natumhākṃ; 35. 101-102. Natumhākaṃ; 35. 137-138. Palāsinā.

 [199] Đại chánh, kinh 275. Pāli, A. 8. 9. Nanda; 9. 4. Nandaka.

 [200] Hán: tùy hình hảo 隨形好. Pāli: anuvyañjana, dấu hiệu riêng biệt hay đặc biệt.

 [201] Nguyên Hán: Tăng bất luật nghi 增不律儀. Xem kinh 276. Pāli: asaṃvuttaṃ (asaṃvara)

 [202] Nguyên Hán:Sanh chư luật nghi. Pāli: tassa saṃvarāya paṭipajjati.

 [203] Hán: phòng hộ ư nhãn,... căn, sanh chư luật nghi 防護於眼耳鼻舌身意根生諸律儀. Pāli: rakkhati cakkhundriyaṃ, cakkhundriye saṃvara āpajjati: Thủ hộ nhãn căn, vị ấy thực hành sự phòng hộ nơi nhãn căn.

 [204] Đoạn này nói về sự phòng hộ căn môn hay căn luật nghi của Tỳ kheo (indriya-saṃvara), nhưng bản Hán rất tối khó dịch sát được.

 [205] Hán: Ư thực hệ số 於食繫數, ý nói, biết ước lượng việc ăn. Pāli: paṭisaṅkhā yoniso āhāraṃ āhārati, (Nan-đa) ăn thức ăn với sự tư duy (ước luợng) chính xác. Pāli: paṭisaṅkhā: tư trạch hay tư khảo, bản Hán hiểu là con số (do saṅkhā: con số).

 [206] Hán: thành kỳ sùng thượng cố, 成其崇向故. Có lẽ Pāli: yātrā ca me bhavissati anavajjatā, và ở đây ta sẽ không có lỗi lầm (sẽ không trở thành hèn kém).

 [207] Hán: vô văn độc trú 無聞獨住. Bản Cao-ly chép vô văn, TNM vô vấn 無 問.

 [208] Pāli: āvaraṇīyehi dhammehi cittaṃ parisodheti, tẩy sạch tâm khỏi những pháp che lấp.

 [209] Thắng niệm chánh tri 勝念正知. Pāli: satisampajañña, chánh niệm tỉnh giác.

 [210] Giác 覺. Pāli: vitakka, tầm, suy tầm.

 [211] Đại chánh, kinh 276. Pāli, M.146. Nandakovāda-sutta.

 [212] Ma-ha Ba-xà-ba-đề 摩訶波闍波提. Pāli: Mahā-pajapatī.

 [213] Thị, giáo, chiếu, hỷ, 示教照喜. Xem cht. kinh 109.

 [214] Hán: học kiến tích, 學見跡. cht. kinh 112.

 [215] Thị, giáo, chiếu, hỷ, Xem cht. kinh 109.

 [216] Tức Tu-đà-hoàn.

 [217] Đại chánh, kinh 277. Pāli, S. 35. 97. Pamādavihārī.

 [218] Luật nghi, bất luật nghi 律儀, 不律儀. Pāli: saṃvara, asaṃvara, phòng hộ và không phòng hộ.

 [219] Pāli: cakkhundriyaṃ asaṃvuttaṃ, nhãn căn không được nhiếp hộ (phòng hộ).

 [220] Pāli: dukkhino cittaṃ na samādhiyati, vì khổ nên tâm không được tập trung (không thể nhập định).

 [221] Pāli: cakkhundriyaṃ saṃvuttassa, bhikkhave, viharato cittaṃ na vyāsiñcati cakkhuviññeyyesu rūpesu, an trú với sự nhiếp hộ nhãn căn, tâm không bị đọa lạc (mhiễm ô) trong các sắc được nhận thức bởi mắt.

 [222] Đại chánh, 278. Pāli, S. 35. 96. Parihāna.

 [223] Thối, bất thối, lục xúc nhập xứ 退, 不退法, 六觸入處. Đoạn dưới, nói là thắng nhập xứ. Pāli: parihānadhammañca aparihānadhammañca cha ca abhibhāyatanāni, pháp thoái chuyển, pháp không thoái chuyển và sáu thắng xứ.

 [224] Dục giác 欲覺. Pāli: cakkhunā rūpaṃ disvā uppajjanti pāpakā akusalā sarasaṅkappā saṃyojaniyā, khi nhận thức sắc bởi mắt, các hoài niệm và ước vọng bất thiện dẫn đến hệ lụy sanh khởi.

 [225] Pāli: parihayāmi kusalehi dhammehi, ta đã thụt lùi khỏi các pháp lành.

 [226] Thắng nhập xứ. Xem cht. 32 trên.

 [227] Thắng bỉ nhập xứ 勝彼入處. Pāli: abhibhūtam etaṃ āyatanaṃ, xứ này đã bị chiến thắng (chinh phục).

 [228] Đại chánh, kinh 279. Pāli, S. 35. 94. Saṅgayha (Adanta-agutta).

 [229] Pāli: chayime bhikkhave phassaāyatanā adantā aguttā arakkhitā asaṃvuttā, sáu xúc này không được chế ngự, không được canh gác, không được phòng vệ, không được nhiếp hộ.

 [230].Bất luật nghi chấp thọ不律儀執受住. Quốc dịch đưa từ trụ xuống câu dưới. Đay theo nghĩa Pāli đưa nó lên câu trên. Pāli: cakkhundriyā asaṃvuttā viharantā, sống với nhãn căn không được phòng hộ (bất luật nghi).

 [231] Đoạn văn Hán này có nhiều chỗ tối nghĩa, cần tham chiếu thêm Pāli, thành cú (D. 2): yatvādhikaraṇanaṃ eṇaṃ cakkhundriyaṃ asaṃvuttaṃ viharantaṃ abhijjhā-domanassā pāpakā akusalā dhammā anvāssaveyyuṃ, tassa saṃvarāya paṭipajjati, do nguyên nhân nào mà nhãn căn không được an trụ phòng ngự (Hán: bất luật nghi) để cho tham và ưu, các pháp ác bát thiện tuôn chảy vào, vị ấy tu tập để phòng ngự nguyên nhân ấy.

 [232] Đại chánh, kinh 280. Pāli, M. 150. Nagaravindeyya-sutta.

 [233] Thân thứ lâm 申恕林; rừng cây siṃsapa.M 150: tạm trú tại một làng Nagaravinda, một ngôi làng bà-la-môn của người Kosala

 [234] Tần-đầu thành 頻頭城. Pāli: Nagaravinda.

 [235] Đạo sĩ búi tóc. Đại chánh, kinh 181.

 [236] Oanh phát Mục-kiền-liên 縈髮目揵連. Cf. A. ii. 232: Sikhāmoggallāno.

 [237] Giá-la-ca 遮羅迦. Pāli: caraka, chỉ du sĩ lang thang.

 [238] Vị tằng giảng đường, 未曾講堂. xem quyển 35 (Đại 2, tr. 252a).

 [239] Tức hỏi “Vì mục đích gì”

 [240] Minh, chỉ ba minh. Giải thoát, chỉ tâm giải thoát và huệ giải thoát.

 [241] Tức phòng hộ sáu căn môn.

 [242] Chỉ bạn đồng tu.

 [243] Phương tiện, ở đây hiểu là tinh cần nỗ lục.

 [244] Ỷ tức giác phần, cũng nói là khinh an giác chi.

 [245] Tức được định tĩnh.

 [246] Hành xả, tức xả đối với các hành, chỉ trạng thái quân bình (xả) đối với mọi hiện tượng sanh diệt của các hành.

 [247] Hán: y diệt, xả 依滅捨; quyển 27, kinh 741: y diệt hướng xả. Pāli, thành cú: nirodhanissitaṃ vossagapariṇāmiṃ, y diệt tận, hướng đến xả ly.

 [248] Tu tập các căn. Đại chánh, kinh 282. Pāli, M. 152. Indriyabhāvanā-sutta.

 [249] Ca-vi-già-la Mâu-chơn-lân-đà 迦微伽羅牟真鄰陀. Pāli: Gajaṅgala Mukkheluvana.

 [250] Niên thiếu Uất-đa-la 年少名鬱多羅. Pāli Uttara māṇva.

 [251] Ba-la-xa-na 波羅奢那. Pāli: Pārāsiviya.

 [252] Pāli: cakkhunā rūpaṃ na passati; sotena saddaṃ na suṇāti, không thấy sắc bằng mắt, không nghe tiếng bằng tai.

 [253] Vô thượng tu căn 無上修根. Pāli: ariyassa vinaye anuttarā indriyabhāvanā.

 [254] Cf. M 152: cakkhunā rūpam disvā uppajati manāpaṃ, sau khi thấy sắc bằng mắt, sự khả ý khởi lên.

 [255] Đoạn kình này, chi tiết có khác với bản Pāli. Xem thêm cht. dưới.

 [256] Ngũ cú 五句, Ấn Thuận Hội biên, dẫn Du-già 92 (tr. 823b23), gọi đây là ngũ chuyển vô thượng tu căn 五轉無上修根, theo đó là năm phẩm bậc tu căn cũa đệ tử mà Như lai hoặc vừa ý hoặc không vừa ý.

 [257] Nguyên hán không có câu này. Phong theo đoạn dưới thêm vào cho đủ nghĩa.

 [258] Trong bản: giác kiến tích. Sữa lại là học kiến tích, chỉ vị hữu học bắt đầu thấy Thánh đế.

 [259] Bản Hán, hết quyển 11.

 [260] Kinh Sáu sáu. Đại chánh, quyển 13, kinh 304. Ấn Thuận xếp lại vào quyển 12. Quốc dịch quyển 11. Phẩm x, Tương ưng sáu xứ tiếp theo. Pāli, M. 148. Chachakka-sutta.

 [261] Câu-lưu-sấu Điều ngưu tụ lạc 拘留搜調牛聚落, xem kinh 295; cũng dịch là Điều phục giao (bác?) ngưu tụ lạc , kinh 247

 [262] Lục lục pháp 六六法. Pāli: cha chakāni.

 [263] Nội nhập xứ 內入處. Pāli: ajjhatikāni āyatanāni.

 [264] Ngoại nhập xứ 外入處. Pāli: bāhirāni āyatanā.

 [265] Thức thân 識身. Pāli: viññāṇakāyā.

 [266] Xúc thân 觸身. Pāli: phassakāyā.

 [267] Thọ thân 受身. Pāli: vedanakāyā.

 [268] Ái thân 愛身. Pāli: taṇhakāyā.

 [269] Pāli: cakkhuñca bhikkhave paṭicca rūpe ca uppajjati viññāṇaṃ, tiṇṇaṃ saṅgati samphasso; samphassapaccayā uppajjati vedayitaṃ sukhaṃ vā dukkhaṃ vā adukkhamasukhaṃ vā, duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh; ba sự hòa hiệp là xúc; do duyên xúc, cảm thọ khổ, lạc, phi khổ phi lạc sanh.

 [270] Đại chánh, kinh 305. Pāli, M. 149. Mahāsaḷāyatana-sutta.

 [271] Cf. Pāli: tassa sārattassa saṃyuttassa sammūḷhassa assādānupassino viharato, vị ấy sống quán sát vị ngọt, bị mê hoặc, bị trói buộc, bị đắm nhiễm.

 [272] Đương lai hữu ái 當來有愛. Xem thêm cht. dưới. Pāli: taṇhā ponobhavikā.

 [273] Thân tâm bì ác 身心疲惡. Pāli: kāyikāpi darathā, cetasikāpi darathā pavaḍḍhanti, những sự bất an của thân, của tâm, đều tăng trưởng.

 [274] Xem lại đoạn trên: (…) không tương ưng.

 [275] Đối với bốn Thánh đế: khổ nên biết, tập nên đoạn, diệt nên chứng, đạo nên tu.

 [276] Pāli: katame dhammā abhiññā pariññeyā? pañcupādānakkhandhā. Những pháp nào cần được biến trí bắng thắng trí? Năm thủ uẩn.

 [277] Vo minh, hữu ái. Pāli: avijjā ca bhavataṇhā ca.

 [278] Minh, giải thoát. Pāli: vijjā ca vimutti ca.

 [279] Nguyên Hán: chánh quán 正觀, chép nhầm chỉ 止 với chánh 正. Pāli: katame dhammā abhiññā bhāvetabbā? samatho ca vipassanā ca. Những pháp nào cần được tu tập bằng thắng trí? Chỉ và quán.

 [280] Nghĩa là, thành tựu hiện quán Thánh đế, chứng đắc Tu-đà-hoàn.

 [281] Đại chánh, kinh 306.

 [282] Xem kinh 215.

 [283] Các danh từ và ý niệm liên hệ tự ngã: na-la那羅 (Pāli: nara, con người, nói chung), ma-nậu-xà摩 [少/兔]闍(manussa, con người trong xã hội, ma-na-bà摩那婆 (māṇavaka, niên thiếu), sĩ phu士夫(puruss, đàn ông), phước-già-la福伽羅  (puggala, con người, nhân xưng), kỳ-bà耆婆(jīva, mạng, sinh mạng hay linh hồn), thiền-đầu禪頭 (jantu, sinh loại).

 [284] Hán: tưởng, chí, ngôn thuyết 想, 誌, 言說.

 [285] Đại chánh, kinh 307.

 [286] Đại chánh, kinh 308.

 [287] Lưới bắt nai. Tên người. Đại chánh, kinh 309. Pāli, S. 35. 63. Migajāla.

 [288] Yết-già trì 揭伽池. Pāli: Gaggarā pokkharaṇī.

 [289] Lộc Nữu 鹿紐. Pāli: Migajāla.

 [290] Đệ nhị trú 第二住; Pāli: sadutiyavihārī, sống với người thứ hai. Nhất nhất trú 一一住; Pāli: ekavihārī, sống một mình.

 [291] Pāli: kāmupasaṃhitā rajaniyā, (sắc bị) tham nhiễm liên hệ với ái dục.

 [292] Ách ngại 阨礙, bị cái ách cùm cổ. Pāli: saṃyogo, sự kết buộc (buộc cổ hai con bò vào một cái ách).

 [293] Đại chánh, kinh 310. Pāli, như kinh 287.

 [294] Yết-già trì 揭伽池 . Pāli: Gaggarā pokkharaṇī.

 [295] Lộc Nữu  鹿紐. Pāli: Migajāla.

 [296] Đại chánh, kinh 311. Pāli, M. 145. Puṇṇovādasutta.

 [297] Tây phương Thâu-lô-na  西方輸盧那. Pāli: Sunāparantaka; quê của Phú-lan-na.

 [298] Đại chánh, kinh 312. Pāli, S. 35. 95. Saṅgayha (Mālukyaputta).

 [299] Ma-la-ca-cữu 摩羅迦舅. Pāli: Mālukyaputta.

 [300] Kiến dĩ kiến vi lượng 見以見為量. Pāli: diṭṭhe diṭṭhamattaṃ bhavissati, sẽ chỉ thấy nơi cái được thấy.

 [301] Pāli: tato tvaṃ, mākukyaputta, nevidha, na huraṃ na ubhayam antarena. esevanto dhussā’ti, vì vậy, Māluhyaputta, ngươi đời này không có, đời sau không có, giữa hai đời không có. Đây chính là chỗ tận cùng sự khổ.

 [302] Nguyên Hán: giác. Đây nói ba bất thiện tầm.

 [303] Đại chánh, kinh 313. Pāli, S. 35. 152. Atthinukhopariyāya.

 [304] Pāli: atthi nu kho, bhikkhave, pariyāyo yaṃ pariyāyaṃ āgamma bhikkhu aññatreva saddhāya aññatra ruciyā, aññatra anussavā, aññatra ākāraparivitakkā aññatra diṭṭhinijjhānakkhantiyā aññanaṃ vyākāreyya: khīṇā jāti…, có pháp môn nào, mà y trên pháp môn đó, chứ không y nơi tín tâm, không y theo sở thích, không y nơi sự học hỏi, không y nơi luận biện, y nơi sự đam mê suy lý huyền tưởng, mà Tỳ-kheo có thể tuyên bố: “sự sanh đã dứt...”?

 [305] Pāli: trả lời “không phải.”

 [306] Đại chánh, kinh 314. Pāli, S. 27. 1 (iii. 232). Cakkhu.

 [307] Đại chánh, kinh 315. Pāli, S. 26. 1 (iii. 228). Cakkhu.

 [308] Đại chánh, kinh 316.

 [309] Đại chánh, kinh 317.

 [310] Đại chánh, kinh 318.

 [311] Đại chánh, kinh 319. Pāli, S. 35. 23. Sabba.

 [312] Đại chánh, kinh 320. Pāli, như kinh trên; nhưng nội dung không hoàn toàn tương đồng. Hình như kinh này riêng biệt của Hữu bộ, là cơ sở giáo lý về chủ trương “Nhất thiết hữu.” Chú thích cùa Ấn Thuận.

 [313] Nhất thiết hữu 一切有.

 [314] Đại chánh, kinh 321.

 [315] Đại chánh, kinh 322.

 [316] Bất khả kiến, hữu đối不可見有對.  Quan điểm về nội xứ của Hữu bộ. Xem Câu xá 1 và 2.

 [317] Đại chánh, kinh 323.

 [318] Đại chánh, kinh 324.

 [319] Đại chánh, kinh 325.

 [320] . Ñaêò chaùnh, kinh 326.

 [321] Đại chánh, kinh 328.

 [322] Đai chánh, kinh 329

 [323] Đại chánh, kinh 330

 [324] Đại chánh, kinh 330.

 [325] Đại chánh, kinh 331.

 [326] Lục cố niệm 六顧念. Có lẽ Pāli: pema. Cf. A. ii. 213.

 [327] Đạo chánh , kinh 332.

 [328] Lục phú 六覆. Không rõ Pāli.

 [329] Đại chánh, kinh 333. Pāli, S. 35. 7-12. Anicca, v.v.

 [330] Đại chánh, 334.

 [331] Đại chánh, kinh 335.

 [332] Tục số pháp, túc pháp nói theo tục đế.

 [333] Đại chánh, kinh 336.

 [334] Sáu hỷ hành, Tập dị 15 (tr. 430a01): sáu hỷ cận hành. Pāli, D. 33. Saṅgīti, cha somanassūpavicārā: cakkhunā rūpaṃ disvā somanassṭhāniyaṃ rūpaṃ upavicarati, sau khi nhận thức sắc bằng con mắt vị ấy tư niệm (đi sát, tiếp cận) sắc tùy thuận với hỷ.

 [335] Đại chánh, kinh 337.

 [336] Sáu ưu hành; Tập dị 15 (tr. 430a11): sáu ưu cận hành.

 [337] Đại chánh, kinh 338.

 [338] Sáu xả hành; Tập dị 15 (tr. 430a21): sáu xả cận hành.

 [339] Đại chánh, kinh 339.

 [340] Sáu thường hành; Tập dị 15 (tr. 430b02): sáu hằng trụ. Pāli, D. 33. Saṅgīti, cha satatavihārā.

 [341] Đại chánh, kinh 340.

 [342] Đại chánh, kinh 341.

 [343] Đại chánh, kinh 342.

 [344] Bản Hán, hết quyển 13.

 [345] Đại chánh, quyển 43, kinh 1164. Tương ưng sáu xứ tiếp theo. Quốc dịch, quyển 12, “2. Tương ưng nhập», phẩm 12. Phật quang, quyển 10. Pāli, A. 6. 61. Pārāyana.

 [346] Bà-la-diên-đđê-xá-di-đđức-lặc sở vấn 波羅延低舍彌德勒所問: Những câu hỏi của Đê-xá-di-đức-lặc(Tissametteyyamānavapucchā), trong phẩm Ba-la-diên (Pārāyana). Pāli: Sn. 5. 3. Tissamettyyamānavapucchā.

 [347] Hán: siêu xuất phùng trất ưu 超出縫紩憂. A. iii. 399: taṃ brūmi mahāpuriso’ti, so idha sibbinimaccagā, (…) người ấy Ta gọi là Đại trượng phu mà ở đây đã thoát  khỏi người thợ may.

 [348] Pāli ibid.: cha ajjhattikāni āyatāni eko anto, cha bāhirāni āyatāni dutiyo anto, viññāṇaṃ majjhe, taṇhā sibbinī, “sáu nội xứ là một biên, sáu ngoại xứ là biên thứ hai, thức ở khoảng giữa, ái là cô thợ may.”

 [349] Nguyên hán: thọ.

 [350] Đại chánh: thọ. Quốc dịch và Phật quang đọc là thọ. Ấn Thuận đọc là ái. Cf. Pāli: taṇhā naṃ sibbati tassa tasseva bhavassa abhinibbattiyā, ái kết dệt khiến phát sanh hữu như vầy như kia.

 [351] Cf. Pāli ibid.: abhiññeyyaṃ abhijānāti, pariññeyyaṃ parijānāti, “thắng tri cấi cần được thắng tri; biến tri cái cần được biên tri.”

 [352] Hán dịch sót khoảng giữa. Cf. Pāli ibid.: sakkāyo (…) sakkāyasamudayo (…) sakkāyanirodho majjhime, taṇhā sibbinī, “hữu thân, hữu thân tạp, hữu thân diệt là khoảng giữa, ái là cô thợ may.

 [353] Đại chánh, kinh 1165. Pāli, S. 35. 127. Bhāradvāja (Piṇḍola).

 [354] Tân-đầu-lô 賓頭盧. Pāli: Piṇḍolabhāradvāja.

 [355] Bà-sa vương ƯƯu-đđà-diên-na 婆蹉王優陀延那. Pāli: Udena, vua nước Kosambī.

 [356] Pāli liệt kê 32 thư bất tinh trong than. Bản Hán, nhiều hơn.

 [357] Tăng thượng chấp trì 增上執持. về thủ hộ căn môn.

 [358] Đại chánh, kinh 1166. Pāli, S. 35. 195-196. Hatthapādupama.

 [359] Pāli, S. 35. 199. Kumma.

 [360] Hán: tàng lục 藏六.  Pāli: soṇḍipañcamāni aṅgāni, năm chi mà cái đầu là thứ năm.

 [361] Đại chánh, kinh 1168. Pāli, S. 35. 207. Yavakalāpi.

 [362] Hán: khoáng mạch [麩-夫+黃]麥, một loại đại mạch. Pāli: yavakalāpī, bó lúa.

 [363] Đương lai thế hữu 當來世有. Pāli: āyātiṃ punabbhava, hữu tái sinh trong đời tương lai.

 [364] Pāli: asmī’ ti…iñjitam etaṃ, ayam aham asmī’ti …bhavissan’ti … na bhavissan’ti …rūpī bhavissan’ti … iñjitam etaṃ: “Tôi hiện hữu, đây là cái bị dao động (lung lay, lắc lư). Cái nay là tôi… Tôi sẽ hiện hữu… Tôi sẽ không hiện hữu … sẽ có sắc… đây là cái bị dao động.”

 [365]Tư lương, hưư cuống  思量虛誑. Pāli: asmī’ti … phanditam etaṃ : Tôi hiện hữu, đây là cái bị chấn động (run rẫy);  asmī’ti… papañcitam etaṃ: tôi hiên hữu, cái này là hý luận.

 [366] Ngã … ái ; Pāli: asmī’ti… mānagatam etaṃ, tôi hiện hữu, cái này là mạn.

 [367] Tì-ma-la-chất-đa-la 毘摩質多羅. Pāli: Vepacitti.

 [368] Cây đàn. Đại chánh, kinh 1169. Pāli, S. 35. 205. Viṇā.

 [369] Pāli: cakkhuviññeyyesu rūpesu uppajjeyya chando: tham dục sinh khởi nơi các sắc được nhận thức bởi mắt.

 [370] Hán: hoặc dục, nhược tham, nhược nật, nhược niệm, nhược quyết định trước xứ 若欲若貪若昵若念若決定著處.Pāli: chando vā rāgo vā doso vā moho vā paṭighaṃ vāpi: dục, tham, sân, si, hận.

 [371] Cùi hũi. Đại chánh, kinh 1170. Pāli, S. 35. 206. Chapāṇa.

 [372] Luật nghi và bất luật nghi 律儀不律儀. Pāli: saṃvaro asaṃvaro.

 [373] (…) giác tưởng tương tục trụ 覺想相續住. Pāli: upaṭṭhitakāyassati ca viharati appamāṇacetaso, “sống an trụ chánh niệm trên thân, với tâm tư vô lượng.»

 [374] Đại chánh, kinh 1171. Pāli, S. 35. 206 (5-8) Chappāṇa.  Cf. No 125(38.8).

 [375] Thất-thâu-ma-la 失收摩羅. Pāli: suṃsumāra, con cá sấu.

 [376] Pāli: upaṭṭhitakāyassati, an trụ chánh niệm trên thân.

 [377] Đại chánh, kinh 1172. Pāli, S. 35. 197. Āsīvisa. Biệt dịch, No 125(31,6).

 [378] Đại chánh, kinh 1173. Pāli, S. 35. 203. Dukkhaddhamma.

 [379] Pāli: kāmachando kāmasneho kāmamucchā kāmapariḷāho, ham muốn của dục, mê luyến của dục, mê đắm của dục, nóng bức của dục.

 [380] Pāli (S. iv. 188): so nānuseti, cái đó không tiềm phục (tùy miên).

 [381] Nại lâm 奈林: rừng xoài; nhưng hiểu rừng gai phù hợp hơn. Pāli: bahukaṇṭakaṃ dāyaṃ, khu rừng có nhiều gai.

 [382] Pāli: dandho satuppādo,  niệm khởi lên một cách chậm chạp.

 [383].                Hán: lâm thú. lưu chú. tuấn thâu đông phương 臨趣流注浚輸東方. Pāli: Gangā nadī pācīnaninnā pācīnapoṇā pācīnapabbhārā.

 [384] Khúc gỗ trôi. Đại chánh, kinh 1174. Pāli, S. 35. 200. Dārukkhandha. Biệt dịch, No 125(43.3).

 [385] A-tì-xà Hằng thuỷ biên 阿毘闍恒水邊. S 35. 200: trú tại Kóambhi, bên bờ sông Hằng.

 [386] Bản Hán hình như bị nhảy sót: Tham chiếu Pāli: bị chìm giữa dòng là hỷ tham (nandīrāga); bị mắc cạn là ngã mạn (asmīmāna).   

 [387] Nan-đđồ 難屠.  Pāli: Nando gopālako.

 [388] Đại chánh, kinh 1175. Pāli, S. 35. 204. Kiṃsuka.

 [389] Khẩn-thú 緊獸, cững âm là chân-thúc ca. Tên một loai cây, hoa màu đỏ như thịt tươi. Pāli: kiṃsuka.

 [390] Thi-lợi-sa 尸利沙. Hán dịch là họp hoan thọ. Pāli: sirīsa, cây Bồ-đề. Cf. D.ii. 4. Sammāsambuddho sirīsassa mūle abhisambuddho, “Đức Phật ngồi dưới gốc cây Sirīsa mà thành Chánh giác.»

 [391].Ni-câu-lâu-đà 尼拘婁陀. Pāli: nigrodha.

 [392] Kinh 315.

 [393] Đại chánh, kinh 1176. Pāli,S. 35. 202. Avassuta.

 [394] Đại chánh, kinh 1177. Pāli, không thấy tương đương.

 [395] Hán: ác bất thiện giác.

 [396] Chỉ bốn thiền.

 [397] Kinh 315.

 [398] Bản Hán, hết quyển 43.