35. Tương Ưng Phạm thiên, Kinh 1089-1098

35. TƯƠNG ƯNG PHẠM THIÊN [1]

KINH 1089. TÔN TRỌNG [2]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở dưới gốc cây bồ-đề, [3] bên sông Ni-liên-thiền, tại tụ lạc Uất-tì-la, thành đạo chưa bao lâu. Bấy giờ, Thế Tôn một mình yên tĩnh tư duy, suy nghĩ rằng:

“Thật là khổ thay, ai không có cung kính, không có thứ lớp, không có người tự tại nào khác để nễ sợ. [4] Người như vậy sẽ bị tổn thất đối với đại nghĩa lợi. [5] Ai có cung kính, có thứ tự, có người khác tự tại hơn, ngưới ấy sẽ sống được an lạc. Ai có cung kính, có thứ tự, có người khác tự tại hơn, người ấy có đại nghĩa lợi được đầy đủ. Có ai trong chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, Trời, Thần, Người mà có thể thành tựu hơn Ta về giới, tam-muội, trí tuệ, giải thoát, và giải thoát tri, Ta sẽ cung kính tôn trọng, phụng sự cúng dường, nương vào người đó mà an trụ.”

Ngài lại nghĩ:

“Nhưng không có ai trong chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, Trời, Thần, và Người mà có thể có đầy đủ giới, tam-muội, trí tuệ, giải thoát, và giải thoát tri kiến hơn Ta, [322a] để khiến Ta cung kính tôn trọng, phụng sự cúng dường, nương vào người đó mà an trụ. Duy chỉ có chánh pháp khiến Ta tự giác, thành tựu Bồ-đề. Ta hãy cung kính tôn trọng, phụng sự, cúng dường pháp ấy, nương vào đó mà an trụ. Vì sao? Chư Như Lai, Ứng cúng, Đẳng chánh giác quá khứ cũng cung kính, tôn trọng, phụng sự, cúng dường chánh pháp, nương vào đó mà an trụ. Chư Như Lai, Ứng cúng, Đẳng chánh giác vị lai cũng sẽ cung kính, tôn trọng, phụng sự, cúng dường chánh pháp, nương vào đó mà an trụ.”

Bấy giờ, Phạm Thiên vương, Chúa của thế giới Ta-bà, biết tâm niệm Thế Tôn. Nhanh như lực sĩ co duỗi cánh tay, ông biến mất khỏi Phạm thiên, đứng trước Phật, tán thán rằng:

“Lành thay, bạch Thế Tôn,  Đúng vậy, bạch Thiện thệ! Đúng vậy! Những người giải đãi không cung kính thì rất khổ … (nói chi tiết như trên, cho đến) đại nghĩa lợi đầy đủ. Quả thực không có chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, Trời, Thần, Người mà có thể có đầy đủ giới, tam-muội, trí tuệ, giải thoát, và giải thoát tri kiến hơn Thế Tôn, để khiến Thế Tôn cung kính tôn trọng, phụng sự cúng dường, nương vào đó mà sống. Chỉ có Chánh pháp, mà Như Lai tự ngộ thành Chánh đẳng Chánh giác, là chỗ mà Như Lai cung kính tôn trọng, phụng sự, cúng dường Chánh pháp, nương vào đó mà an trụ. Vì sao? Chư Như Lai, Ứng cúng, Đẳng chánh giác quá khứ đã cũng cung kính, tôn trọng, phụng sự, cúng dường Chánh pháp, nương vào đó mà an trụ. Chư Như Lai, Ứng cúng, Đẳng chánh giác vị lai cũng cung kính, tôn trọng, phụng sự, cúng dường Chánh pháp, nương vào đó mà an trụ.   Thế Tôn cũng cung kính, tôn trọng, phụng sự, cúng dường Chánh pháp, nương vào đó mà an trụ.”

Bấy giờ Phạm Thiên vương lại nói kệ:

Chư Phật thời quá khứ,

Và chư Phật vị lai;

Phật, Thế Tôn hiện tại,

Hay trừ chúng sanh ưu;

Hết thảy cung kính Pháp,

Nương chánh pháp an trụ.

Sự cung kính như vậy, 

Là pháp chư Phật.

Phạm Thiên vương sau nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, cúi đầu lễ sát chân Phật rồi biến mất.

KINH 1090. PHẠM THIÊN (1) [6]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở dưới gốc cây bồ-đề, bên sông Ni-liên-thiền, tại tụ lạc Uất-tỳ-la, thành đạo chưa bao lâu.

Bấy giờ, Thế Tôn, một mình yên tĩnh tư duy như vầy:

“Có nhất thừa đạo [7] có thể làm cho chúng sanh thanh tịnh, thoát mọi ưu bi, diệt trừ khổ não, và được pháp chơn như. [8] Đó là bốn niệm xứ. Những gì là bốn?

“Đó là niệm xư quán  thân trên thân, niệm xứ quán  thọ, tâm, pháp trên pháp. Nếu có người nào không thích bốn niệm xứ thì sẽ không thích như Thánh pháp. Không thích như Thánh pháp thì sẽ không thích như Thánh đạo.  Không thích như Thánh đạo thì sẽ không thích pháp cam lồ. Không thích pháp cam lồ thì sẽ không giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.

“Nếu người nào thích tu bốn niệm xứ thì sẽ thích tu như Thánh pháp. Thích tu như Thánh pháp thì sẽ thích như Thánh đạo .Thích như Thánh đạo thì sẽ thích pháp cam lồ. Thích pháp cam lồ thì được giải thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.”

Bấy giờ, Phạm Thiên vương, Chúa của thế giới Ta-bà, biết được tâm niệm của Phật. Nhanh như lực sĩ co duỗi cánh tay, ông biến mất khỏi cõi trời, và hiện đứng trước Phật, tán thán rằng:

“Đúng vậy, bạch Thế Tôn, Đúng vậy, bạch Thiện thệ! Có nhất thừa đạo có thể làm cho chúng sanh thanh tịnh. Đó là bốn niệm xứ, … cho đến giải thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.”

Lúc ấy, Phạm thiên vương lại nói kệ:

Rằng có  nhất thừa đạo,

Thấy đọan tận hữu biên; [9]

Diễn nói nơi chánh pháp,

An ủi  chúng sanh khổ.

Chư Thế Tôn quá khứ,

Nương đạo này vượt qua;

Chư Thế Tôn vị lai,

Cũng nương đạo này qua.

Đấng chánh giác hiện tại,

Nương đây qua biển cả,

Rốt ráo mé sinh tử,

Điều phục tâm thanh tịnh.

Dòng sinh tử lưu chuyển,

Vình viễn đã cạn nguồn.

Biết tất cả cảnh giới,

Huệ nhãn tỏ chánh đạo.

Thí như nước sông Hằng,

Đều chảy về biển lớn;

Dòng nước xiết trôi xa,

Chánh đạo cũng như vậy.

Trí rộng khéo hiển bày,

Đạt được pháp cam lồ;

Bánh xe pháp tối thắng,

Vốn chưa từng được nghe,

Vì thương xót chúng sanh,

Vận chuyển vì chúng sanh.

Che chở chúng Trời, Người,

Khiến đưa qua bờ kia.

 [322c]Cho nên các chúng sanh,

Đều cúi đầu đảnh lễ.

Phạm Thiên vươngĩ nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ cúi đầu lễ sát chân Phật rồi biến mất.

KINH 1091. PHẠM CHÚA [10]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở dưới gốc cây bồ-đề, bên sông Ni-liên-thiền, tại tụ lạc Uất-tì-la, [11] thành đạo chưa bao lâu.

Bấy giờ, có Phạm Thiên vương, Chúa của thế giới Ta-bà, [12] với sắc thân tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên, nói kệ:

Ở trong các chủng tánh,

Sát-lợi tôn quý nhất;

Bậc Minh hạnh đầy đủ,

Tối thắng trong loài Người.

Phật đáp:

“Thật vậy, Phạm thiên! Thật vậy, Phạm thiên!

Ở trong các chủng tánh,

Sát-lợi tôn quý nhất;

Bậc Minh hạnh đầy đủ,

Tối thắng trong loài Người.

Phật nói kinh này xong. Phạm thiên vương chủ thế giới Ta-bà sau khi nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ cúi đầu lễ sát chân Phật rồi biến mất.

KINH 1092. KHÔNG NHÀN XỨ [13]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở tại Câu-tát-la, du hành trong nhơn gian và dừng nghỉ tại một khu rừng không có tụ lạc, [14] cùng với các Tỳ-kheo nghỉ đêm tại đó. Bấy giờ, Thế Tôn vì các Tỳ-kheo nói pháp tùy thuận A-lan-nhã.

Khi ấy Phạm thiên vương, chủ thế giới Ta-bà tự nghĩ rằng: “Hôm nay Thế Tôn đang ở tại Câu-tát-la, du hành trong nhơn gian, và dừng nghỉ tại một khu rừng không có tụ lạc, cùng với các Tỳ-kheo nghỉ đêm tại nơi hoang vắng đó. Bấy giờ, Thế Tôn đã vì đại chúng nói pháp tùy thuận không. Bây giờ, ta nên đến tùy thuận mà tán thán.” Nghĩ vậy xong, nhanh như lực sĩ co duỗi cánh tay, ông biến mất khỏi cõi trời, và hiện đứng trước Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên, mà nói kệ:

Thân cận nơi biên địa, [15]

Đoạn trừ các phiền não;

Nếu không thích rừng vắng,

Nhập chúng, hãy phòng hộ.

Tự điều phục tâm mình,

Đi xin ăn từng nhà;

Nên giữ gìn các căn,

Chuyên tinh nhiếp tâm niệm.

Sau tập quen rừng vắng,

Ngồi nơi a-luyện-nhã;

Xa lìa các sợ hãi,

Trụ an ổn không sợ.

 [323a]Nếu có các hung hiểm,

Rắn dữ, mọi độc hại;

Mây đen, lắm tối tăm,

Sấm sét loé sáng ngời;

Do nhờ lìa phiền não,

Nên ngày đêm an ổn.

Như pháp con đã nghe,

Cho đến không cứu cánh.

Một mình, tu phạm hạnh,

Không sợ nghìn ma chết.

Nếu tu hành giác đạo,

Sốvạn chẳng sợ chi.

Tất cả Tu-đà-hoàn,

Hoặc đắc Tư-đà-hàm;

Cùng với A-na-hàm,

Số này cũng vô lượng.

Không thể tính số được,

Sợ ngườ bảo: nói dối.

Phạm thiên vương, chủ thế giới Ta-bà sau khi nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, làm lễ Phật rồi biến mất.

KINH 1093. TẬP HỘI [16]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở tại rừng Ca-tỳ-la-vệ, ở Ca-tỳ-la-vệ, [17] cùng với năm trăm Tỳ-kheo, đều là những bậc A-la-hán, diệt tận các lậu, việc cần làm đã xong, bỏ các gánh nặng, đã được lợi mình, đoạn trừ hữu kết, chánh trí, tâm khéo giải thoát.

Bấy giờ, Thế Tôn vì đại chúng nói pháp tương ưng Niết-bàn. Khi ấy có đại chúng chư thiên oai lực từ mười phương thế giới, đều đến câu hội, cúng dường Thế Tôn và các Tỳ-kheo Tăng. Lại có các Phạm thiên vương ở tại Phạm thế nghĩ rằng: “Hôm nay Phật đang trú tại Ca-tỳ-la-vệ, … nói đầy đủ như trên, cho đến cúng dường Thế Tôn và đại chúng. Bấy giờ, chúng ta nên đến đó tán thán.” Nghĩ vậy rồi, nhanh như lực sĩ co duỗi cánh tay, họ biến mất khỏi cõi trời, và hiện đứng trước Phật.

Phạm Thiên thứ nhất nói kệ:

Ở trong Đại lâm này,

Đại chúng đều vân tập;

Chúng chư Thiên mười phương,

Tất cả đến cung kính.

Từ xa con đến lễ,

Tăng nan phục, tối thắng.

Phạm Thiên thứ hai lại nói kệ:

Chư Tỳ-kheo Tăng này,

Tinh tấn, tâm chân thật;

Ở trong Đại lâm này,

Cầu độ, nhiếp các căn.

Phạm Thiên thứ ba nói kệ tiếp:

 [323b]Khéo tinh cần tiêu dung

Ân ái sâu, gai nhọn;

Kiên cố không dao động,

Như phướn Nhơn-đà-la. [18]

Vượt dòng nước hào sâu,

Thanh tịnh không cầu dục;

Đấng Đại sư khéo độ

Như voi chúa đã thuần.

Phạm Thiên thứ tư nói kệ tiếp:

Ai quy y nơi Phật,

Quyết không đọa đường dữ;

Đã dứt thân làm người,

Được thân trời thọ lạc.

Mỗi vị nói kệ xong, bốn Phạm thiên liền biến mất.

KINH 1094. CÙ-CA-LÊ [19]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Trúc, Ca-lan-đà, tại thành Vương Xá. Bấy giờ, có Phạm thiên vương, chủ thế giới Ta-bà, hằng ngày tinh cần đến chỗ Phật tôn kính cúng dường. Bấy giờ chủ thế giới Ta-bà nghĩ: “Sáng nay đến gặp Thế Tôn quá sớm. Chắc Thế Tôn còn đang nhập đại định. Ta hãy đến phòng Tỳ-kheo Cù-ca-lê, [20] bạn đảng của Đề-bà-đạt-đa.” Nghĩ rồi, ông liền đến trước phòng Cù-ca-lê gõ cửa và nói rằng:

“Cù-ca-lê! Nên khởi tâm tín thanh tịnh nơi Tôn giả Xá-lợi-phất, và Mục-kiền-liên. Người chớ để chịu khổ lâu dài, không lợi ích.”

Cù-ca-lê nói:

“Ông là ai?”

Phạm Thiên đáp:

“Là Phạm thiên vương, chủ thế giới Ta-bà.”

Cù-lê-ca nói:

“Thế Tôn không thọ ký cho ông đắc A-na-hàm phải không?”

Phạm thiên vương nói:

“Thật vậy, Tỳ-kheo!”

Cù-lê-ca nói:

“Cớ gì  ông đến đây?”

Phạm thiên vương, chủ thế giới Ta-bà đáp, “Người này, không thể trị,” liền nói kệ:

Ở nơi bậc vô lượng,

Sinh lòng muốn ước lượng:

Có người trí tuệ nào,

Lại  sinh giác tưởng này?

Muốn lường bậc khôn lường:

Phàm phu bị che tối.

Bấy giờ, Phạm thiên vương, chủ thế giới Ta-bà đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, hằng ngày con thường siêng đến chỗ Phật gần gũi cúng dường. Con nghĩ rằng sáng nay đến gặp Thế Tôn còn quá sớm, chắc Thế Tôn còn đang nhập đại định, con bèn đến phòng Tỳ-kheo Cù-ca-lê bạn đảng của Đề-bà-đạt-đa, liến đứng trước phòng từ từ gõ cửa và nói rằng: ‘Cù-ca-lê! Cù-ca-lê! Nên khởi lòng tin thanh tịnh nơi Tôn giả Xá-lợi-phất, và Mục-kiền-liên là người trí tuệ, hiền thiện. Người chớ  chịu khổ lâu dài, không lợi ích.’ Cù-ca-lê nói, ‘Ông là ai?’ Con liền đáp, ‘Là Phạm thiên vương, chủ thế giới Ta-bà.’ Cù-lê-ca nói, ‘Thế Tôn không thọ ký cho ông đắc A-na-hàm phải không?’ Con liền đáp, ‘Thật vậy! Bạch Cù-ca-lê.’ Lại hỏii, ‘Cớ gì  ông đến đây?’ Con tự nghĩ, ‘Người này, không thể trị.’ Rồi nói kệ:

Ở nơi không thể lường,

Muốn sinh lòng tính toán;

Đem vô lượng, muốn lường,

Là che lấp phàm phu.”

Phật bảo Phạm thiên:

“Thật vậy! Thật vậy! Phạm thiên.

Ở chỗ không thể lường,

Muốn khởi tâm suy lường;

Có người trí tuệ nào,

Mà sinh vọng tưởng này.

Không thể lường, muốn lường,

Là che lấp phàm phu.”

Phật nói kinh này xong. Phạm thiên vương, chủ thế giới Ta-bà, sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy lễ Phật, rồi biến mất.

KINH 1095. PHẠM THIÊN (2) [21]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Trúc, Ca-lan-đà, tại thành Vương Xá. Bấy giờ, Đại Phạm thiên vương, và các Biệt Phạm thiên [22] khác cùng với Thiện-tí Biệt Phạm thiên, [23] hằng ngày dùng phương tiện đến gặp và cúng dường Thế Tôn. Khi ấy có Bà-cú Phạm thiên [24] thấy Biệt Phạm thiên, và Thiện Tí Phạm thiên tinh cần phương tiện như vậy bèn hỏi:

“Các ông muốn gì?”

Họ liền đáp:

“Muốn gặp Thế Tôn cung kính cúng dường.”

Lúc ấy, Phạm thiên Bà-cú liền nói kệ:

Kia bốn loại  ngỗng trời, [25]

Ba cung điện sắc vàng; [26]

Năm trăm bảy mươi hai,

Người tu hành thiền tư. [27]

Thân sắc vàng rực rỡ,

Chiếu khắp cung Phạm thiên;

Ông hãy nhìn thân ta,

Cần đến đó làm gì?

Khi ấy, Thiên Phạm vương, Biệt Phạm vương, và Thiện Tí Biệt Phạm vương lại nói kệ:

Tuy có thân sắc vàng,

Chiếu khắp cung Phạm thiên;

Nhưng bậc có trí tuệ

Biết sắc có phiền não.

 [324a]Người trí không đắm sắc,

Nên tâm được giải thoát.

Bấy giờ, Thiện Phạm thiên, [28] Biệt Phạm thiên, Thiện Tí Biệt Phạm thiên đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, chúng con phương tiện muốn đến gặp Thế Tôn, cung kính cúng dường, có Bà-cú Phạm thiên thấy chúng con phương tiện như vậy nên đến hỏi chúng con rằng: ‘Hôm nay quý vị muốn phương tiện đi đâu?’ Chúng con liền đáp, ‘Muốn đến gặp Thế Tôn, lễ bái cúng dường .’ Bà-cú Phạm thiên liền nói kệ:

Kia bốn loại  ngỗng trời

Ba cung điện sắc vàng;

Năm trăm, bảy mươi hai,

Người tu hành thiền tư.

Thân sắc vàng rực rỡ,

Chiếu khắp cung Phạm thiên;

Ông hãy nhìn thân ta,

Cần đến đó làm gì?

“Chúng con nói kệ đáp lại:

Tuy có thân sắc vàng,

Chiếu khắp cung Phạm thiên;

Nhưng bậc có trí tuệ,

Biết sắc có phiền não.

Người trí giải thoát sắc,

Không còn ham nơi sắc.”

Phật bảo Phạm thiên:

“Đúng vậy, Phạm thiên! Đúng vậy, Phạm thiên!

Tuy có thân sắc vàng,

Chiếu khắp cung Phạm thiên;

Nhưng bậc có trí tuệ,

Biết sắc có phiền não.

Người trí giải thoát sắc,

Không còn ham nơi sắc.”

Khi ấy những vị Phạn thiên kia vì Tỳ-kheo Ca-tra-vụ-đà-đê-sa [29] mà nói kệ:

Người  sinh ở thế gian,

Búa bén ở trong miệng;

Trở lại chặt thân mình,

Do những ác ngôn này.

Điều đáng chê lại khen,

Điều đáng khen lại chê;

Ác khẩu tăng thêm lỗi,

Đời  sống  không an vui.

Cờ bạc, rượu tán tài,

Lỗi này còn quá nhẹ;

Ác tâm đối Thiện Thệ,

Đó là tội rất nặng.

Có trăm nghìn địa ngục,

Tên Ni-la-phù-đà; [30]

Ba nghìn sáu trăm ngục,

Và năm A-phù-đà. [31]

Chúng là ngục báng Phật,

Do ác nguyện miệng, ý.

 [324b] Phật nói kinh này xong. Các Phạm thiên kia sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ cúi đầu lễ sát chân Phật, rồi biến mất.

KINH 1096.  BÀ-CÚ PHẠM [32]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Trúc, Ca-lan-đà, tại thành Vương Xá.

Bấy giờ, có Bà-cú Phạm thiên [33] ở trên cõi Phạm thiên khởi ác tà kiến, nói rằng:

“Chỗ này thường hằng, không phải là pháp biến dịch, là nơi thuần nhất, là chỗ xuất ly.”

Bấy giờ, Thế Tôn biết tâm niệm của Bà-cú Phạm thiên rồi, bèn nhập tam-muội, với chánh thọ như vậy, biến mất khỏi thành Vương Xá và hiện ra nơi cõi Phạm thiên. Bà-cú Phạm thiên xa thấy Thế Tôn, liền nói kệ:

Phạm thiên, bảy mươi hai:

Tạo tác các phước nghiệp; [34]

Tự tại mà thường trụ,

Đã khỏi sinh, già, chết.

Tôi đối các Minh luận, [35]

Đã tu tập rốt ráo.

Trong hàng chư thiên kia,

Chỉ có tôi trường tồn.

Bấy giờ, Phật nói kệ đáp:

Đời sống này rất ngắn,

Không phải là trường tồn;

Mà Bà-cú Phạn thiên,

Tự bảo là sống lâu.

Ngục Ni-la-phù-đa,

Tuổi thọ trăm nghìn năm;

Ta đều nhớ biết cả,

Ông tự bảo trường tồn.

Bà-cú Phạm thiên lại nói kệ:

Chỗ thấy Phật, Thế Tôn,

Số kiếp không bến bờ.

Sinh, già, chết, ưu, bi,

Tất cả là quá khứ.

Xin nói cho tôi biết,

Quá khứ đã từng qua:

Thọ trì giới nghiệp gì,

Mà được sinh ở đây?

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:

Kiếp quá khứ lâu xa,

Giữa vùng đại hoang mạc,

Có các chúng tu hành,

Nhiều phạm hạnh Hiền Thánh.

Đói thiếu, không đủ ăn,

Ông đến cứu giúp họ.

Tâm từ giúp liên tục,

Trải nhiều kiếp không mất.

Đó là quá khứ ông,

Công đức được thọ trì.

Ta đều nhớ biết cả,

Xa, gần, như ngủ thức.

 [324c]Quá khứ có thôn ấp,

Bị bọn giặc cướp bóc;

Khi ấy ông đến cứu,

Khiến họ được cứu thoát.

Đó là thời quá khứ,

Phước nghiệp được thọ trì.

Ta nhớ nhân duyên này,

Xa, gần, như ngủ thức.

Quá khứ có nhiều người,

Đi thuyền trên sông Hằng;

Ác long giữ thuyền kia,

Muốn hại hết mạng người.

Thời ông dùng thần lực,

Cứu họ được giải thoát.

Đó là quá khứ ông,

Phước nghiệp được thọ trì.

Ta nhớ nhân duyên này,

Xa, gần, như ngủ thức.

Bà-cú Phạm thiên lại nói kệ:

Quyết định đã biết tôi,

Việc thọ mạng xưa nay;

Cũng biết hết tất cả,

Đây là đấng Chánh giác.

Cho nên được thọ thân,

Ánh vàng chiếu rực khắp;

Thân Ngài đứng ở đây,

Sáng khắp cả thế gian.

Bấy giờ, Thế Tôn vì Bà-cú Phạm thiên khai thị, chỉ giáo, soi sáng, là cho hoan hỷ xong. Ngài nhập chánh thọ như vậy biến khỏi cõi Phạm thiên và trở về thành Vương Xá.

KINH 1097. TÀ KIẾN [36]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có vị Phạm thiên ở trên cõi Phạm thiên khởi tà kiến nói như vầy:

“Cõi này thường hằng không biến dịch, thuần nhất, xuất ly. Chưa từng thấy có ai đến cõi này, huống là có người vượt lên trên cõi này.”

Bấy giờ, Thế Tôn biết được những sở niệm trong tâm của Phạm thiên này, liền nhập tam-muội, với chánh thọ như vậy, biến mất khỏi nước Xa-vệ và hiện nơi cung Phạn thiên. Ngài ngồi kiết già, chánh thân buộc niệm ở giữa hư không, ngay trên đỉnh Phạm thiên kia.

Bấy giờ, Tôn giả A-nhã-câu-lân nghĩ thầm: “Hôm nay Thế Tôn đang ở chỗ nào?” Bèn dùng thiên nhãn thanh tịnh hơn mắt người, nhìn thấy Thế Tôn đang ở trên cõi Phạm thiên. Thấy rồi, ngài liền nhập tam-muội, với chánh thọ như vậy, biến mất khỏi nước Xá-vệ và hiện ra ở cõi Phạm thiên; ngồi kiết già ngay thẳng, buộc niệm, ngay dưới toà Phật và trên toà Phạm thiên, quay mặt về hướng Tây, hướng đến Phật.

Khi ấy, Tôn giả Đại Ca-diếp cũng nghĩ: “Hôm nay Thế Tôn đang ở chỗ nào?” Bèn dùng thiên nhãn [325a] thanh tịnh hơn mắt người, nhìn thấy Thế Tôn đang ở trên cõi Phạm thiên. Thấy rồi, ngài liền nhập tam-muội, chánh thọ như vậy, biến mất khỏi nước Xá-vệ và hiện ra ở cõi Phạm thiên, ngồi kiết già ngay thẳng, nhất tâm nhiếp niệm, ngay dưới toà Phật và trên toà Phạm thiên, quay mặt về hướng Bắc, hướng đến Phật .

Khi ấy, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cũng nghĩ: “Hôm nay Thế Tôn đang ở chỗ nào?” Bèn dùng thiên nhãn thanh tịnh hơn mắt người, nhìn thấy Thế Tôn đang ở trên cõi Phạm thiên. Thấy rồi, ngài liền nhập tam-muội, chánh thọ như vậy, biến mất khỏi nước Xá-vệ và hiện ra ở cõi Phạm thiên, ngồi kiết già ngay thẳng, nhất tâm nhiếp niệm, ngay dưới toà Phật và trên toà Phạm thiên, quay mặt về hướng Nam, hướng đến Phật .

Bấy giờ, Thế Tôn nói với Phạm thiên:

“Nay ông lại khởi kiến giải rằng: ‘Từ xưa đến nay chưa từng thấy có người nào vượt qua khỏi ta’ phải không?”

Phạm thiên bạch Phật:

“Hôm nay con không còn dám nói rằng: ‘Ta chưa từng thấy có người nào vượt qua khỏi ta.’ Mà chỉ thấy ánh sáng Phạm thiên bị ngăn che.”

Bấy giờ, Thế Tôn vì Phạm thiên kia thuyết pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, và làm cho hoan hỷ rồi, liền nhập tam-muội, với chánh thọ như vậy, biến mất khỏi cõi Phạm thiên, trở về nước Xá-vệ. Các Tôn giả A-nhã-câu-lân, Ma-ha Ca-diếp, Xá-lợi-phất cũng vì Phạm thiên kia thuyết pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, và làm cho hoan hỷ xong, liền nhập tam-muội, với chánh thọ như vậy, biến mất khỏi cõi Phạm thiên, trở về nước Xá-vệ. Chỉ có Tôn giả Mục-kiền-liên vẫn còn ở lại đó. Lúc này, Phạm thiên kia hỏi Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

“Các vị đệ tử khác của Thế Tôn đều có đại đức đại lực như vậy không?”

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền nói kệ:

Đại đức đủ ba minh,

Thông đạt biết tâm người;

Các La-hán lậu tận,

Số ấy không thể lường.

Lúc ấy, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên vì Phạm thiên kia thuyết pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, và làm cho hoan hỷ xong, liền nhập tam-muội, với chánh thọ như vậy, biến khỏi cõi Phạm thiên, và [325b] trở về nước Xá-vệ.

KINH 1098. NHẬP DIỆT [37]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong rừng Song thọ Kiên cố, [38] sinh địa của Lực sĩ, tại nước Câu-thi-na-kiệt. Bấy giờ, Thế Tôn sắp nhập Bát-niết-bàn, bảo Tôn giả A-nan rằng:

“Ngươi hãy trải giường dây xoay đầu hướng Bắc giữa song thọ kiên cố. Nửa đêm hôm nay Như Lai sẽ vào Vô dư Niết-bàn mà Bát Niết-bàn.”

Tôn giả A-nan vâng lời Thế Tôn dạy, ở giữa song thọ kiên cố vì  Thế Tôn mà trải giường dây, xoay đầu về hướng Bắc, rồi trở lại chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, cn đã vì Như Lai, trải giường dây ở giữa song thọ kiên cố xoay đầu về hướng Bắc.”

Bấy giờ, Thế Tôn đến giường dây, hông phải nghiêng xuống đất, đầu xoay về hướng Bắc, hai chân xếp lên nhau, buộc niệm vào tướng ánh sáng. Bấy giờ là giữa đêm, Thế Tôn ở trong Vô dư Niết-bàn giới mà bát-niết-bàn. Sau khi Phật bát-niết-bàn, rừng cây song thọ liền trỗ hoa, rơi xuống chung quanh cúng dường Thế Tôn. Khi ấy có Tỳ kheo nói kệ:

Đẹp thay, cây Kiên cố,

Rũ cành nhánh lễ Phật;

Cúng dường hoa vi diệu,

Đại sư Bát Niết-bàn.

Lúc ấy, Thích Đề-hoàn-nhơn bỗng nói kệ:

Tất cả hành vô thường,

Chúng là pháp sinh diệt;

Tuy sinh liền đến diệt,

Tịch diệt này an lạc.

Lúc ấy, Phạm thiên vương, chủ thế giới Ta-bà, lại nói kệ:

Mọi sinh vật ở đời,

Sớm muộn phải bỏ thân.

Thánh Đại sư như vậy,

Thế gian không ai bằng.

Thành tựu lực Như Lai, [39]

Làm mắt cho thế gian;

Cuối cùng cũng hoại diệt,

Nhập Vô dư Niết-bàn.

Tôn giả A-na-luật-đà lại nói kệ tiếp:

Ngừng thở ra, thở vào,

Trụ tâm khéo nhiếp hộ;

Từ sở y mà đến,

Thế gian bát-niết-bàn.

Sinh tướng sợ hãi lớn ,

Khiến lông thân người dựng.

Lực, hành, thảy thành tựu,

Đại sư bát-niết-bàn.

Tâm kia không giải đãi,

Cũng không vướng các ái;

 [325c]Tâm pháp dần giải thoát,

Như củi hết, lửa tắt.

Sau khi Như Lai Bát-niết-bàn bảy ngày, Tôn giả A-nan đến chỗ Chi-đề [40] nói kệ:

Thân báu này, Đại Sư,

Lên đến cõi Phạm thiên;

Thần lực lớn như vậy,

Nội hoả lại đốt thân.

Năm trăm lụa quấn thân,

Đốt cháy tiêu rụi hết.

Một nghìn tấm y mịn,

Y quấn thân Như Lai.

Chỉ hai tấm không cháy,

Tối thượng và sát thân.

Khi Tôn giả A-nan nói kệ này rồi, các Tỳ-kheo im lặng thương nhớ. [41]


 [1] Tương ưng Phạm thiên, gồm các kinh Đại chánh, 1188-1197 (cuối quyển 44). Quốc dịch, quyển 38, phần cuối, “Tụng vii. Kệ. 6.Tương ưng Phạm thien” 1 phẩm, 10 kinh. Ấn Thuận, “Tụng viii. 22. Tương ưng Phạm thiên” 10 kinh: 1288-1287. Tương đương Pāli, S. 6. Brahmasaṃyutta.

 [2] Đại chánh, kinh 1188. Pāli, S. 6. 2. Gārava; cf. A. 4. 21. Uruvelā. Biệt dịch, No 100(101).

 [3] Pāli: ajapālanỉgodhamūle, dưới gốc cây Ajapāla-nigrodha.

 [4] Pāli: dukkhaṃ kho agāravo viharati appatisso, “Khổ thay, sống mà không có sự kính trọng, không có sự thuận tùng.”

 [5] Hán: đại nghĩa 大義; được hiểu hiểu là mục đích, hay ích lợi to lớn. No 100(101): vĩnh thất nghĩa lợi永
<lb n="0410a07"/>失義利. 

 [6] Đại chánh, kinh 1189. Pāli, S. 47. 18. Brahmā. Biệt dịch, No 100(102); No 101(4).

 [7] Nhất thừa đạo 一乘道. Pāli: ekāyano maggo, con đường có một lối đi duy nhất, khác với ekayāna, nhất thừa, chỉ một cỗ xe duy nhất.

 [8] Đắc chân như pháp 得真如法. Pāli: ñāyassa adhigamāya, nibbānassa sacchikiriyāya, để đạt đến Như lý, chứng nghộ Niết bàn.

 [9] Hán: kiến sinh chư hữu biên 見生諸有邊. Pāli: jātikhayantadassī, thấy sự sinh được đoạn tận.

 [10] Đại chánh, kinh 1190. Pāli, S. 6. 11. Sanaṃkumāra. Biệt dịch, No 100(103).

 [11] Bản Pāli: trú tại Vương xá, bên bờ sông Sappnī.

 [12] Pāli: Brahmā sanaṃkumāro, vị Phạm thiên thường xuyên dưới dạng hài đồng, Thường Đồng Hình Phạm thiên.

 [13] Đại chánh, kinh 1191. Pāli, S. 6. 1 3. Andhakavinda. Biệt dịch, No 100(104).

 [14] Bản Pāli: giữa những người Ma-kiệt-đà, trong làng Andhakavinda.

 [15] Pāli: sevetha pantāni senāsanāni, các ngươi hãy sống nơi héo lãnh.

 [16] Đại chánh, kinh 1192. Pāli, S. 1. 37. Samaya. Biệt dịch, No 100(105).

 [17] Ca-tỳ-la-vệ Ca-tỳ-la-vệ lâm 迦毘羅衛迦毘羅衛林. Pāli: trong rừng Đại lâm, ở Kaplilavatthu.

 [18] Nhơn-đà-la tràng 因陀羅幢. Cây phướn của Đế Thích.

 [19] Đại chánh, kinh 1193. Pāli, S. 6. 7-9. Kokālika. Biệt dịch, No 100(106); No 101(5).

 [20] Cù-ca-lê 瞿迦梨. Pāli: Kokālika.

 [21] Đại chánh, kinh 1194.  Pāli, S. 6. 6. Pamāda. Biệt dịch, No 100(107).

 [22] Biệt Phạm thiên 別梵天. Pāli: Pacceka-Brahmā. Không thấy các tài liệu giải thích. Có thể chỉ những Phạm thiên độc lập, không có thiên chúng.

 [23] Thiện-tí Biệt Phạm thiên 善臂別梵天. Pāli, đề cập hai vị: Subrahmā va Suddhavāsa.

 [24] Bà-cú Phạm thiên 婆句梵天. Pāli: Bako Brahmā

 [25] Hán: hộc điểu 鵠鳥.  Pāli: haṃsa, thiên nga.

 [26] Bản Pāli: tayo supaṇṇā, ba trăm chim cánh vàng (Kim suý điểu)

 [27] Pāli: vyagghīnisā pañcasatā ca jhāyino, sáng rực với 500 hổ cái?

 [28] Thiện Phạm thiên 善梵天. Pāli: Subrāhmā, một trong hai vị Pacceka-Brahmā mà bản Hán trên kia không nhắc.

 [29] Ca-tra-vụ-đà-đê-sa  迦吒務陀低沙.

 [30] Ni-la-phù-đà 尼羅浮多. Pāli: Nirabbuda.

 [31] A-phù-đà 阿浮陀. Pāli: abbuda.

 [32] Pāli, S. 6. 4. Bako-Brahmā. Biệt dịch, 100(108).

 [33] Bà-cú Phạm thiên 婆句梵天. Baka Brahmā.

 [34] Hán: Phạm thiên thất thập nhị , tạo tác chư phước nghiêp 梵七二造作諸福業; văn cú đảo. Nên hiểu: “Các Phạm thiên đã tạo ra 72 loại phước nghiệp.” Tham chiếu Pāli: dvāsattati Gotma puññakammā, vasavattino jātijaraṃ atītā, “bằng 72 phước nghiêp, chúng tôi có quyền uy siêu việt già và chết.”

 [35] Minh luận 明論. Pāli: Vedagū, người thông thạo các Veda.

 [36] Đại chánh, kinh 1196. Pāli, S. 6. 5. Aparā diṭṭhi.Biệt dịch, No 100(109).

 [37] Đại chánh, kinh 1197. Pāli, S. 6. 15. Parinibbāna. Biệt dịch, No 100(110).

 [38] Song thọ Kiên cố 堅固雙樹林. Pāli: Yamaka-sāla, cụm cây sāla mọc đôi. Bản Hán đọc là sara (kiên cố).

 [39] Chỉ mười Lực của Như Lai.

 [40] Chi-đề 枝提. Pāli: cetiya, tháp miếu.

 [41] Bản Hán, hết quyển 44.