45. Tương Ưng vô thủy, Kinh 1318-1337

45. TƯƠNG ƯNG VÔ THỦY [1]

KINH 1318. HUYẾT [2]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại giảng đường Trùng các, bên ao Di hầu, nước Tỳ-xá-ly. Bấy giờ có bốn mươi Tỳ-kheo [3] ở làng Ba-lê-gia, [4] tất cả đều tu hạnh a-lan-nhã với y phấn tảo và đi khất thực, [5] còn ở địa vị hữu học, chưa ly dục. Họ cùng đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi xuống một bên.

Bấy giờ, Thế Tôn nghĩ thầm: ‘Bốn mươi Tỳ-kheo này đang ở làng Ba-lê-gia, đều tu hạnh a-lan-nhã với y phấn tảo và đi khất thực, còn ở địa vị hữu học, chưa ly dục. Hôm nay Ta nên thuyết pháp cho họ để ngay đời này họ chẳng khởi các lậu, tâm được giải thoát.’ Thế Tôn nói với bốn mươi Tỳ-kheo ở làng Ba-lê-gia:

“Chúng sanh vô thủy sinh tử, bị vô minh che lấp, ái buộc cổ, mãi mãi xoay vần sinh tử, chẳng biết biên tế nguyên thủy của khổ. [6]

“Này các Tỳ-kheo, các ngươi nghĩ thế nào? Nước sông Hằng cuồn cuộn chảy vào biển lớn, trong khoảng ấy nước sông Hằng nhiều? Hay là, các người từ trước đến nay bị xoay vần trong sinh tử, thân thể bị phá hoại, máu tuôn chảy nhiều?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Theo chúng con hiểu ý nghĩa của lời Phật nói, chúng con đã trôi lăn trong sinh tử quá lâu, thân chúng con bị phá hoại, máu chảy [240c] rất nhiều, nhiều gấp trăm ngàn vạn lần nước sông Hằng.”

Phật nói với các Tỳ-kheo:

“Hãy bỏ qua nước sông Hằng. Cho đến, nước trong bốn biển lớn là nhiều, hay là các ngươi trôi lăn trong sinh tử, thân xác bị phá hoại, máu tuôn chày là nhiều?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Như chúng con hiểu ý nghĩa của lời Thế Tôn nói, chúng con đã trôi lăn trong sinh tử, thân bị phá hoại, máu tuôn chảy rất nhiều, nhiều hơn cả nước bốn biển lớn.”

Phật nói với các Tỳ-kheo:

“Lành thay! Lành thay! Các ngươi mãi luân chuyển sinh tử, máu trong thân thể tuôn chảy rất nhiều, hơn cả nước sông Hằng và nước bốn biển lớn. Vì sao? Vì các ngươi đã từng sinh trong loài voi, hoặc bị cắt tai, mũi, đầu, đuôi, bốn chân, máu huyết vô lượng. Hoặc mang thân ngựa, thân lạc đà, thân trâu, chó, thân các loài cầm thú bị cắt đứt tai, mũi, đầu, chân, toàn thân, máu tuôn chảy vô lượng. Các ngươi đã từng bị giặc cướp, bị người sát hại, cắt đứt đầu, chân, tai, mũi, toàn thân bị phân ly, máu tuôn chảy vô lượng. Các ngươi đã từng chịu thân hoại mệnh chung bỏ trong nghĩa địa, máu huyết tanh nồng, tuôn chảy số lượng không lường. Hoặc đọa địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, rồi thân hoại mênh chung, máu huyết tuôn chảy cũng vô lượng.”

Phật nói với các Tỳ-kheo:

“Sắc là thường hay vô thường?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, vô thường.”

Phật nói với các Tỳ-kheo:

“Vô thường là khổ chăng?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Là khổ.”

Phật nói với:

“Nếu vô thường, khổ, là pháp biến dịch, Thánh đệ tử có thể ở trong ấy thấy là ngã, khác ngã, hoặc ở trong nhau chăng?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn. không.”

Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế.

Phật nói với:

“Những gì là sắc hoặcc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc đẹp hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần, tất cả đều chẳng phải ngã, chẳng khác ngã, chẳng ở trong nhau, biết như thật như vậy. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Thánh đệ tử quán sát như thế đối với sắc sinh chán lìa, đối thọ, tưởng, hành, thức sinh chán lìa, đã chán lìa nên chẳng ưa thích, vì chẳng ưa thích nên giải thoát, giải thoát tri kiến, tự biết rằng ‘Sự sinh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc cầm làm đã làm xong, không cò thọ thân sau.”

Phật nói pháp này, bốn mươi Tỳ-kheoĩ nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1319. LỆ [7]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, rừng cây Kỳ-đà trong vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh từ vô thủy sinh tử cho đến nay, cứ mãi xoay vần, không biết được biên tế nguyên thủy của khổ.

“Các Tỳ-kheo, ý các ngươi nghĩ thế nào? Nước sông Hằng... nước trong bốn biển lớn là nhiều hay là nước mắt của các ngươi tuôn ra trong vòng sinh tử luân hồi là nhiều?”

Các Tỳ-kheo [241a] bạch Phật:

“Như chúng con hiểu ý nghĩa của lời Phật nói, nước mắt của chúng con tuôn rơi trong vòng sinh tử luân hồi rất nhiều, nhiều hơn cả nước sông Hằng và nước bốn biển lớn.”

Phật nói với các Tỳ-kheo:

“Lành thay! Lành thay! Nuóc mắt của các ngươi tuôn rơi trong vòng sinh tử luân hồi rất nhiều, chứ không phải nước sông Hằng và nước bốn biển. Vì sao? Vì các ngươi đã từng bị mất cha mẹ, anh em, chị em, thân thuộc, người quen; bị mất mát tiền của, nước mắt tuôn rơi cho những sự mất mát đó rất nhiều vô lượng. Các ngươi cứ mãi bị ném ra nghĩa địa, máu tanh chảy ra, rồi sinh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

“Này các Tỳ-kheo, các ngươi từ vô thủy sinh tử luân hồi, máu và nước mắt trong thân rất nhiều, nhiều vô lượng.

“Này các Tỳ-kheo, sắc là thường hay vô thường?”

các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, vô thường.

“Nếu vô thường thì đó là khổ chăng?

“Bạch Thế Tôn! Khổ.

“Nếu vô thường, khổ là pháp biến dịch, đa văn Thánh đệ tử có nên ở trong đó thấy là ngã, khác ngã, hoặc ở trong nhau chăng?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, kông.”

Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như thế.

“Này các Tỳ-kheo, Thánh đệ tử biết như thế, thấy như thế... đối với sắc giải thoát, đối với thọ, tưởng, hành, thức, giải thoát, giải thoát sinh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1320. MẪU NHỦ [8]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh từ vô thủy sinh tử, bị vô minh che lấp, ái trói cổ, cứ mãi luân chuyển, chẳng biết biên tế của khổ.”

Phật nói với các Tỳ-kheo:

“Các Tỳ-kheo, ý các ngươi nghĩ thế nào? Nước sông Hằng và nước trong bốn biển lớn là nhiều hay là sữa mẹ mà các ngươi uống mãi trong luân chuyển sinh tử là nhiều?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Như chúng con hiểu ý nghĩa lời Phật nói, sữa mẹ mà chúng con đã uống trong vòng sinh tử còn nhiều hơn nước sông Hằng và nước bốn biển lớn.”

Phật nói với các Tỳ-kheo:

“Lành thay! lành thay! Sữa mẹ mà các ngươi đã uống trong vòng sinh tử còn nhiều hơn nước sông Hằng và nước bốn biển lớn. Vì sao? Các ngươi đã từng hoặc sinh trong loài voi, uống sữa mẹ vô lượng, vô số; hoặc sinh làm lạc đà, ngựa, trâu, lừa v.v... các loài cầm thú uống sữa mẹ vô lượng vô số. Các ngươi đã từng bỏ thân nơi [241b] gò mả, máu mủ cũng tuôn chảy vô lượng; hoặc đọa địa ngục, ngạ quỷ, suúc sanh, máu tủy tuôn chảy cũng như vậy.

“Này các Tỳ-kheo, các ngươi sanh tử từ vô thủy đến nay, chẳng biết biên tế của khổ.

“Này các Tỳ-kheo, sắc là thường hay vô thường?

“Bạch Thế Tôn, vô thường.”

“... Thánh đệ tử đối với năm thọ ấm quán sát chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở, đối với tất cả pháp thế gian không có gì để chấp thủ. Do không thủ nên không dính mắc; việc cần làm đã làm xong, tự biết không cỏn thọ thân sau.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. [9]

KINH 1321. THẢO MỘC [10]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:

“Chúng sanh từ vô thỉ sinh tử luân chuyển mãi, mà không biết biên tế tối sơ của khổ. Các Tỳ kheo, y các ngươi thế nào? Tất cả mọi loại cỏ cây trên mặt đất này, nếu xẻ ra làm thẻ bằng bốn ngón tay dùng để đếm cha mẹ của các ngươi đã trải qua sinh tử luân hồi, số thẻ tre đã hết, nhưng số cha mẹ các ngươi vẫn còn không hết.

“Này các Tỳ kheo, từ vô thỉ sinh tử luân chuyển mãi như vậy, mà không biết biên tế tối sơ của khổ. Cho nên, các Tỳ kheo, nên học như vầy: ‘Hãy siêng năng tinh tấn, đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1322. THỔ HOÀN LIỆP [11]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:

“Chúng sanh từ vô thỉ sinh tử luân chuyển mãi, mà không biết biên tế tối sơ của khổ. Thế nào, các Tỳ kheo, nếu đem hết bùn đất nơi đại địa này vo lại thành viên như trái bà-la [12] để đếm cha mẹ của các người đã trải qua sinh tử luân hồi, số viên đất đã hết, nhưng số cha mẹ các ngươi vẫn còn không hết.

“Này các Tỳ kheo, từ vô thỉ sinh tử luân chuyển mãi như vậy, mà không biết biên tế tối sơ của khổ. Cho nên, các Tỳ kheo, hãy học như vầy: ‘Hãy siêng năng tinh tấn, đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1323. AN LẠC [13]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:

“Chúng sanh từ vô thỉ sinh tử luân chuyển mãi, mà không biết biên tế tối sơ của khổ. Các Tỳ kheo, các ngươi thấy các chúng sinh hưởng thụ khoái lạc an ổn, nên nghĩ rằng: ‘Chúng ta lâu dài ở trong sanh tử luân hồi, cũng đã từng hưởng thụ khoái lạc kia, thú vui kia vô lượng.’

“Này các Tỳ kheo, từ vô thỉ sinh tử luân chuyển mãi như vậy, mà không biết biên tế tối sơ của khổ. Cho nên, các Tỳ kheo, hãy học như vầy: ‘Hãy siêng năng tinh tấn, đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1324. KHỔ NÃO [14]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:

“Chúng sanh từ vô thỉ sinh tử luân chuyển mãi, mà không biết biên tế tối sơ của khổ. Các Tỳ kheo, nếu thấy các chúng sinh chịu các khổ não, nên nghĩ rằng: ‘Ta từ vô thỉ sanh tử luân hồi mãi cho đến nay, cũng đã từng chịu khổ như vậy, đến số vô lượng.’

“Này các Tỳ kheo, từ vô thỉ sinh tử luân chuyển mãi như vậy, mà không biết biên tế tối sơ của khổ. Cho nên, các Tỳ kheo, hãy học như vầy: ‘Hãy siêng năng tinh tấn, đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành

KINH 1325. KHỦNG BỐ [15]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:

“Chúng sanh từ vô thỉ sinh tử luân chuyển mãi, mà không biết biên tế tối sơ của khổ. Này các Tỳ kheo, các ngươi thấy các chúng sinh mà sanh lòng sợ hãi, dựng đứng chân lông; nên nghĩ rằng: ‘Quá khứ chúng ta chắc chắn đã từng sát sinh, đã từng làm tổn thương, đã từng làm hại, đã từng làm ác tri thức, lâu dài ở trong sanh tử luân hồi vô thuỷ, không biết biên tế tối sơ của khổ.’

“Các Tỳ kheo, hãy học như vầy: hãy đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1326. ÁI NIỆM [16]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:

“Chúng sanh từ vô thỉ sinh tử luân chuyển mãi, mà không biết biên tế tối sơ của khổ. Các Tỳ kheo, nếu thấy chúng sinh mà [342a] khởi ái niệm hoan hỷ, nên nghĩ rằng:  ‘Chúng sanh như vậy, trong đời quá khứ chắc chắn đã từng là cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc, thầy bạn, tri thức của chúng ta, cứ mãi lâu dài luân chuyển sinh tử như vậy, không biết biên tế tối sơ của khổ. Cho nên, các Tỳ kheo, hãy học như vầy: ‚Hãy nổ lực  tinh cần, đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành

KINH 1327. HẰNG HÀ [17]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Ba-la-môn đi đến chỗ Phật, cung kính thăm hỏi. Sau khi chào hỏi xong, ông ngồi xuống một bên, bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, đời vi lai sẽ có bao nhiêu đức Phật?”

Phật nói với Bà-la-môn:

“Phật đời vị lai có vô lượng như số cát sông Hằng.”

Bấy giờ, Bà-la-môn nghĩ rằng:

“Các đấng Chánh đẳng Chánh giác đời vị lai sẽ có vô lượng như số cát sông Hằng, ta sẽ theo các Ngài tu phạm hạnh.”

Bà-la-môn sau khi đã nghe những gì đức Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về. Trên đường về, Ba-la-môn vừa đi vừa nghĩ: “Hôm nay ta chỉ hỏi Sa-môn Cù-đàm về chư Phật đời vị lai chứ chưa hỏi chư Phật quá khứ.” Ông liền trở lại, hỏi Thế Tôn:

“Thế nào, thưa Cù-đàm, đời quá khứ có bao nhiêu đức Phật?”

Phật nói với Ba-la-môn:

“Phật đời quá khứ cũng có vô lượng như số cát sông Hằng.”

Lúc ấy Bà-la-môn liền nghĩ: “Chư Phật Thế Tôn trong đời quá khứ cũng có vô lượng như số cát sông Hằng, mà ta chưa từng thân cận. Giả sử vô lượng các đấng Chánh đẳng Chánh giác trong đời vị lai như số cát sông Hằng, ta rồi cũng sẽ không thân cận vui vầy. Trong hiện tại, ta nên ở chỗ Sa-môn Cù-đàm tu hành phạm hạnh.” Nhân đó, ông chấp tay bạch Phật:

“Nguyện xin Thế Tôn cho phép con xuất gia tu phạm hạnh  trong Chánh Pháp Luật.”

Phật nói với Bà-la-môn:

“Chấp thuận cho ông xuất gia tu phạm hạnh, được làm Tỳ kheo trong Chánh Pháp Luật.”

Bấy giờ, Bà-la-môn liền được xuất gia thọ cụ túc. Sau khi xuất gia, một mình ở nơi thanh vắng tư duy về mục đích mà thiện gia nam tử chánh tín xuất gia học đạo, sống không nhà,... cho đến đắc A-la-hán.

KINH 1328. LỤY CỐT [18]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở núi Tì-phú-la, thành Vương Xá. [19] Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:

“Một người, [20] sinh tử luân hồi [342b] trong một kiếp, mà xương trắng chồng chất nếu không bị mục nát, sẽ như núi Tì-phú-la. Thánh đệ tử biết như thật Thánh đế Khổ này, biết như thật về sự tập khởi của Khổ này, biết như thật về sự diệt tận của Khổ này, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt Khổ này, sau khi vị ấy biết như vậy, thấy như vậy, đoạn trừ ba kết: thân kiến, giới thủ, và nghi. Đoạn trừ được ba kết này, đắc Tu-đa-hoàn, không rơi vào pháp đường dữ, quyết định hướng thẳng Chánh giác, chỉ còn bảy lần qua lại trời người, cứu cánh thoát khổ.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Một người, trong một kiếp,

Chồng chất xương cốt khô,

Đề lâu không mục nát,

Như núi Tì-phú-la.

Nếu các Thánh đệ tử,

Chánh trí thấy chân đế;

Khổ cùng nguyên nhân khổ,

Lìa khổ được tịch diệt.

Tu tập tám Chấnh đạo,

Hướng thẳng đến Niết-bàn;

Chỉ còn trải bảy lần ,

Qua lại sanh trời người.

Sạch hết tất cả kết,

Giải thoát bờ mé khổ.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1329. THÀNH TRÌ [21]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:

“Chúng sinh từ vô thỉ sinh tử, mãi luân chuyển, không biết biên tế tối sơ của khổ.”

Bấy giờ, có một Tỳ kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch áo vai phải, đảnh lễ đức Phật, quỳ gối sát đất, chấp tay bạch Phật:

“Thế Tôn, kiếp dài lâu như thế nào?”

Phật nói với Tỳ kheo:

“Ta có thể vì ngươi mà nói, nhưng ngươi khó mà biết được!”

Tỳ kheo bạch Phật:

“Ngài có thể nói thí dụ không?”

Phật nói với:

“Có thể được. Này Tỳ kheo, thí như thành trì bằng sắt, vuông vức một do tuần, từ trên xuống dưới cũng như vậy, bên trong chứa đầy hạt cải. Cứ một trăm năm, có người lấy đi một hạt cải. Số hạt cải kia có thể hết, nhưng kiếp vẫn còn chưa hết. Cũng vậy, Tỳ kheo, kiếp kia dài lâu  như vậy. Kiếp dài cả trăm, nghìn, vạn, ức, khổ lớn nối tiếp nhau, mà xương trắng chất thành gò, máu mủ chảy thành sông, trong các đường dữ địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Tỳ kheo, đó gọi là từ vô thỉ sinh tử mãi luân hồi, không biết biên tế của khổ. Cho nên, Tỳ kheo, hãy học như vầy: ‘Đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1330. NÚI [22]

 [342c]Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:

“Chúng sinh từ vô thỉ sinh tử, mãi luân chuyển, không biết biên tế tối sơ của khổ.”

Bấy giờ, có một Tỳ kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch áo vai phải, đảnh lễ đức Phật, quỳ gối sát đất, chấp tay bạch Phật:

“Thế Tôn, kiếp dài lâu như thế nào?”

Phật nói với Tỳ kheo:

“Ta có thể vì ngươi mà nói, nhưng ngươi khó biết được!”

Tỳ kheo bạch Phật:

“Thế Tôn có thể nói thí dụ không?”

Phật nói với:

“Có thể được. Này Tỳ kheo, thí như núi đá lớn không bị vỡ, không bị lở sụt, vuông vức một do tuần. Nếu có người nào dùng mảnh lụa ca-thi kiếp-bối, [23] cứ một trăm năm phủi qua một lần; phủi không ngừng nghỉ. Núi đá mòn hết, nhưng kiếp vẫn còn chưa hết. Này Tỳ kheo, kiếp kia dài lâu  như vậy, cả đến trăm, nghìn, vạn, ức kiếp chịu các khổ não... cho đến các Tỳ kheo, hãy học như vầy: ‘Đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KIMH 1331. QUÁ KHỨ [24]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:

“Chúng sinh từ vô thỉ sinh tử, mãi luân hồi, không biết nguồn gốc khổ.”

Lúc ấy, có một Tỳ kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch áo vai phải, đảnh lễ đức Phật, quỳ gối sát đất, chấp tay bạch Phật:

“Thế Tôn, auá khứ có bao nhiêu kiếp?”

Phật nói với Tỳ kheo:

“Ta có thể vì ngươi mà nói, nhưng ngươi khó mà biết được!”

Tỳ kheo bạch Phật:

“Thế Tôn có thể nói thí dụ không?”

Phật nói với:

“Có thể được. Này Tỳ kheo, thí như có người sống tới trăm tuổi. Buổi sáng nhớ lại ba trăm nghìn kiếp. Buổi trưa nhớ lại ba trăm nghìn kiếp. Buổi chiều nhớ lại ba trăm nghìn kiếp. Ngày nào cũng nhớ nghĩ đến số kiếp như vậy, cho đến trăm tuổi mạng chung, cũng không thể nhớ được biên tế của số kiếp. Tỳ kheo, nên biết, vô lượng số kiếp quá khứ như vậy. Vô lượng số kiếp quá khứ, lâu dài chịu khổ, xương chất thành núi, máu mủ chảy thành sông, trong các đường dữ địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Cũng vậy, Tỳ kheo, từ vô thỉ sinh tử mãi luân hồi, không biết biên tế tối sơ của khổ. Cho nên Tỳ kheo,hãy học như vầy: ‘Đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1332. VÔ HỮU NHẤT XỨ [25]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:

“Chúng sinh từ vô thỉ sinh tử, mãi luân hồi, không biết biên tế tồi sơ của khổ. Không có một nơi nào mà không sinh không chết. Như vậy, từ vô thỉ sinh tử mãi mãi không biết biên tế tối sơ của khổ. Cho nên, Tỳ kheo, hãy học như vầy: ‘Đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1333. VÔ BẤT NHẤT XỨ [26]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:

“Chúng sinh từ vô thỉ sinh tử, mãi luân hồi, không biết biên tế tối sơ của khổ. Không có một nơi nào mà không có cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc, thân thích, sư trưởng.  Cũng vậy, Tỳ kheo, từ vô thỉ sinh tử mãi mãi luân hồi không biết biên tế tối sơ của khổ. Cho nên, Tỳ kheo, hãy học như vầy: ‘Đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành

KINH 1334. BONG BÓNG NƯƠC MƯA [27]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:

“Chúng sinh từ vô thỉ sinh tử, mãi luân hồi, không biết biên tế sơ của khổ. Thí như trời mưa lớn, bong bóng nước chợt sanh chợt diệt. Cũng vậy, chúng sinh bị vô minh che lấp, ái cột cổ mình, từ vô thỉ sinh tử, nên sự sinh, sự chết mãi mãi luân hồi, không biết biên tế tối sơ của khổ. Cho nên, Tỳ kheo, hãy học như vầy: ‘Đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành

KINH 1335. CƠN MƯA TRÚT [28]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:

“Chúng sinh từ vô thỉ sinh tử, mãi luân hồi, không biết biên tế tối sơ của khổ. Thí như trời mưa lớn tầm tã khắp nơi, cả Đông, Tây, Nam, Bắc không nơi nào là không mưa. Cũng vậy, phương Đông, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, vô lượng quốc độ qua kiếp thành,  kiếp hoại, giống như cơn mưa lớn, giọt mưa khắp nơi trong thiên hạ, không nơi nào là không mưa. Cũng vậy, từ vô thỉ sinh tử luân hồi mãi mãi, không biết biên tế tối sơ của khổ.

“Thí như ném gậy lên không trung, hoặc đầu rơi xuống đất, hoặc là đuôi rơi xuống đất, hoặc quãng gữa rơi xuống đât. Cũng vậy, [243b] từ vô thỉ sinh tử luân hồi mãi mãi, hoặc đọa vào địa ngục, hoặc đọa vào súc sanh, hoặc đọa vào ngạ quỷ. Sinh tử vô thỉ như vậy, luân chuyển mãi mãi. Cho nên Tỳ kheo, hãy học như vầy: ‘Đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1336. NGŨ TIẾT LUÂN [29]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:

“Chúng sinh từ vô thỉ sinh tử, luân hồi mãi mãi, không biết biên tế tối sơ của khổ. Này Tỳ kheo, thí như, có người lăn bánh xe năm tiết; bánh xe luôn luôn quay lăn không nghỉ. Cũng vậy, chúng sinh lăn bánh xe vào năm đường, hoặc rơi vào đường địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, cùng đường trời người, luôn luôn cũng quay lăn không dừng. Cũng vậy, vô thỉ sinh tử luân hồi mãi mãi, không biết biên tế tối sơ của khổ. Cho nên Tỳ kheo, hãy học như vầy: ‘Đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1337. TÌ-PHÚ-LA [30]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật  ở bên núi Tì-phú-la, tại thành Vương Xá. Bấy giờ Thế  tôn nói với các Tỳ kheo:

“Tất cả hành vô thường, tất cả hành không hằng hữu, không an định, là pháp biến dịch. Các Tỳ kheo, đối tất cả hành hãy sinh yểm ly, cầu an lạc giải thoát.

“Các Tỳ kheo, vào thời quá khứ núi Tì-phú-la này gọi là núi Trường Trúc. [31] Chỗ dân chúng ỡ chung quanh núi gọi là ấp Đê-di-la. [32] Người ấp Đê-di-la sống bốn vạn tuổi. Người ấp Đê-di-la lên đỉnh núi này, bốn ngày mới trở về. Đương thời có Phật  Ca-la-ca-tôn-đề [33] Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sỹ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn, xuất hiện thế gian, thuyết pháp giáo hóa; pháp ây, khoảng đầu, khoảng giữa, sau cùng đều thiện, nghĩa thiện, vị thiện, thuần đầy thanh tịnh, phạm hạnh thanh bạch, mở bày hiển thị. Hiện tại tên núi Trường Trúc cũng mất, dân chúng ấp Đê-di-la cũng không còn, đức Phật Như Lai kia cũng đẵ vào Bát-niết-bàn. Tỳ kheo, nên biết, tất cả các hành đều vô thường, không hằng hữu, không an định, là pháp biến dịch, đối tất cả hành, hãy tu tập yểm ly, ly dục, giải thoát.

“Các Tỳ kheo, vào thời quá khứ, núi Tì-phú-la này gọi là Bằng-ca. [34] Lúc ấy chỗ người dân cư trú chung quanh núi gọi là ấp A-tì-ca [35]. Tuổi thọ người dân lúc ấy là ba vạn tuổi. Người A-tì-ca lên đỉnh [243c] núi này  trong vòng ba ngày mời trở về lại. Đương thời có Phật Câu-na-hàm Mâu-ni Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sỹ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn, xuất hiện ở đời, diễn nói kinh pháp, khoảng đầu, khoảng giữa, chặn sau đều thiện, nghĩa thiện, vị thiện, thuần đẩy thanh tịnh, phạm hạnh thanh bạch, mở bày, hiển thị. Các tỳ kheo, tên núi Bằng-ca kia đã mất từ lâu. Dân ấp A-tì-ca từ lâu cũng không còn. Phật Thê tôn kia cũng vào Bát-niết-bàn. Như vậy, Tỳ kheo, tất cả các hành đều vô thường, không hằng hữu, không an định, là pháp biến dịch. Tỳ kheo các ngươi, hãy tu tập yểm ly, cầu vui giải thoát.

“Các Tỳ kheo, vào thời quá khứ, núi Tì-phú-la này tên là Tú-ba-la-thủ. [36] Chỗ nhân dân cư ngụ quanh núi gọi là ấp Xích mã. [37] Tuổi thọ người dân là hai vạn tuổi. Người dân ở đây lên đỉnh núi này trong vòng hai ngày mới về lại được. Đương thời có Phật Ca-diếp Như Lai, Ứng Cúng.... cho đến xuất hiện ở đời, diễn nói kinh pháp, khoảng đầu, khoảng giữa, khoảng sau đều thiện; nghĩa thiện, vị thiện, thuần đầy thanh tịnh, phạm hạnh thanh bạch, mở bày, hiển thị. Tỳ kheo, nên biết, tên núi Ba-la-thủ đã mất từ lâu.  dân ấp Xích Mã từ lâu cũng không còn. Phật Thê tôn kia cũng vào Bát-niết-bàn. Như vậy, Tỳ kheo, tất cả các hành đều vô thường, không hằng hữu, không an định, là pháp biến dịch. Cho nên Tỳ kheo, hãy tu tập yểm ly, ly dục, giải thoát.

“Các Tỳ kheo, ngày nay núi này tên là Tì-phú-la. Chỗ có dân chúng cư ngụ chung quanh núi, gọi là nuóc Ma-kiết-đề. Tuổi thọ của những người dân này là trăm tuổi. Nếu khéo tự điều hòa thì có được trăm tuổi. Người Ma-kiệt-đề lên đỉnh núi này chỉ trong chốc lát là trờ về. Nay Ta ở nơi này được thành Như Lai, Ứng Cúng,  Đẳng chánh giác,...  cho đến Phật, Thế Tôn, diễn nói chánh pháp, giáo hóa khiến được Niết-bàn tịch diệt, chánh đạo, thiện thệ giác tri.

“Tỳ kheo, nên biết, tên núi Tì-phú-la này cũng sẽ tiêu ma, người Ma-kiệt-đề cũng sẽ diệt vong. Chẳng còn bao lâu, Như Lai sẽ vào Bát-niết-bàn.

“Như vậy, Tỳ kheo, Tất cả các hành đều vô thường, không hằng hữu, không an định, là pháp biến dịch. Cho nên, Tỳ kheo, hãy tu tập yểm ly, ly duc, giải thoát.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Thủa xưa núi Trường Trúc,

Tên ấp Đê-di-ca.

 [244a]Tiếp là núi Bằng-ca,

Tụ lạc A-tỳ-la.

Núi Tú-ba-la-thủ,

Tên tụ lạc Xích mã.

Nay núi Tì-phú-la,

Tên nước Ma-kiệt-đà.

Tên núi đều hoại diệt,

Dân chúng cũng không còn.

Chư Phật Bát-niết-bàn,

Đã có gì cũng mất.

Tất cả hành vô thường,

Chúng là pháp sinh diệt.

Có sinh thì có diệt,

Chỉ tịch diệt là vui.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. 


 [1] Tương ưng vô thủy, gồm các kinh Đại chánh, kinh số 937-956, phần sau quyển 33 và một phần đầu quyển 34. Ấn Thuận Hội biên, “45. Tương ưng Vô thủy”. Tương đương Pāli, S.  15. Anamataggasaṃyutta.

 [2] Đại chánh, kinh 937.  Pāli, S. 15.13. Tiṃsamattā.

 [3] S. 15. 13: tiṃsamttā bhikkhū, chỉ có 30 tỳ-kheo.

 [4] Ba-lê-da tụ lạc 波梨耶聚落. Pāli: Pāveyyakā.

 [5] A-luyện-nhã, phấn tảo y, khất thực 阿練若行, 糞掃衣, 乞食, hành trì 3 trong 12 hạnh đầu đà: chỉ sống trong rừng, chỉ khoác y phấn tảo, và chỉ khất thực (không nhận lời mời). Pāli: araññakā paṃsukūlikā piṇḍapātikā.

 [6] Pāli: anamataggoyaṃ saṃsāro, pubbā koṭi na paññāyati, sự luân chuyển này là vô thủy, không biết được giới hạn tối sơ của nó.

 [7] Đại chánh, kinh 938. Nước mắt. Pāli. S. 15.3 Assu.

 [8] Đại chánh, kinh 939. Sữa mẹ. Pāli, S. 15.4 Khīraṃ.

 [9] Bản Hán, hết quyển 33.

 [10] Đại chánh, quyển 34, kinh 940.Tương đương Pāli, S. 15. 1. Tiṇakaṭṭhaṃ. Hán, No 100(336).

 [11] Đại chánh, kinh 941. Hòn đất. Pāli: 15.2  Pathavī. Hán: No100(336).

 [12] Bà-la quả 婆羅果. No 100(336): “như hạt đậu.” Pāli: kollātthimatta, như hạt quả táo.

 [13] Đại chánh, kinh 942. Pāli: S.15.12. Sukhitaṃ. Hán, No 100(335).

 [14] Đại chánh, kinh 943. Pāli: S.15,11. Duggataṃ. Hán Biệt dịch, No 100(336).

 [15] Đại chánh, kinh 944. Pāli: tham chiếu các kinh trên. Hán, No 100(337).

 [16] Đại chánh, kinh 945. Pāli: 15. 14-19. Mātā, v.v. Hán, No 100(338).

 [17] Pāli: S.15.8. Gaṅgā. Hán, N0 100(339).

 [18] Đại chánh, kinh 947. Đống xương nọ. Pāli: S.15.10 Puggala (con người). Hán, No 100(340), 101(11), 150A(30).

 [19] Núi Tì-phú-la毘富羅山. Pāli: Veppulla-pabbata.

 [20] Pāli: ekapuggalassa, đối với một con người.

 [21] Đại chánh, kinh 948. Quốc dịch phẩm 2. Pāli: S.15. 6. Sāsapā. Hán, No 100(341), No 125(52.3).

 [22] Pāli: S.15.5. Pabbata. Hán, No 100(342).

 [23] Ca-thi kiếp-bối 迦尸劫貝. Pāli: Kāsika vattha, vải sản xuất ở nước Kāsi.

 [24] Pāli, S.15.7. Sāvakā (các Đệ tử). Cf. No 100(343).

 [25] Đại chánh, kinh 951. Không có một chỗ nào. Hán biêt dịch, No 100(344). Pāli, không tháy tương đương.

 [26] Đại chánh, kinh 952. Không một nơi nào mà không. Pāli, S.15.14-19. Mātā, v.v. Cf. No 100(345)

 [27] Pāli, tham chiếu,  S.22.95. Phenam (bong bong), S. 48.50. Saddha (tín). Cf. No 100(346).

 [28] Đại chánh, kinh 953. Quốc dịch gồm hai kinh: 1344. Đại vũ hồng chú 大雨洪澍; 1315. Trịch trượng 擲杖 (ném gậy). Pāli, S.15.9. Daṇḍa (cây gậy).

 [29] Đại chánh, kinh 955. Bánh xe 5 tiết (căm). Pāli, không thấy tương đương. Biệt dịch, No 99(432), No 100(349).

 [30] Đại chánh, kinh 956. Pli, S. 15.20. Vepullapbbataṃ. Biệt dịch, No 100(350).

 [31] Trường Trúc 長竹山. Pāli: Pācīnavaṃsa (đông trúc).

 [32] Đề-di-la ấp 低彌羅邑. Pāli: Tivara.

 [33] Ca-la-ca-tôn-đề 迦羅迦孫提: Phật Câu-lưu-tôn. Pāli: Kakusandho.

 [34] Bằng-ca 朋迦. Pāli: Vaṅkaka.

 [35] A-tì-ca 阿毘迦. Pāli: Rohitassa (ngựa đỏ). xem cht. 37 dưới.

 [36] Tú-ba-la-thủ 宿波羅首. Pāli: Supassa.

 [37] Xích mã 赤馬. Pāli: Suppiya.