21. Tương Ưng học, Kinh 784-800

21. TƯƠNG ƯNG HỌC [1]

KINH 784. HỌC (1) [2]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có ba học. Những gì là ba? Đó là tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, [3] tăng thượng tuệ học.“

Sau đó Thế Tôn liền nói kệ rằng:

Người đầy đủ ba học,

Là Tỳ-kheo chánh hành;

Tăng thượng giới, tâm, tuệ,

Nổ lực siêng ba pháp.

Dũng mãnh, thành trì vững,

Luôn giữ gìn các căn.

Ngày cũng như ban đêm,

Ban đêm cũng như ngày.

Trước lại cũng như sau,

Sau lại cũng như trước;

Như trên cũng như dưới,

Như dưới cũng như trên.

Các tam-muội vô lượng,

Chiếu khắp cả các phương;

Đó lối đi giác ngộ,

Tập tươi mát bậc nhất.

Lìa bỏ vô minh tránh,

Tâm ấy khéo giải thoát.

Ta đấng Thế gian giác,

Minh Hành đều đầy đủ.

Trụ chánh niệm không quên,

Tâm này được giải thoát.

Khi thân hoại mạng chung,

Như đèn hết dầu  tắt.

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 785. HỌC (2) [4]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Cũng có ba học nữa. Những gì là ba? Đó là tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học.

“Thế nào là tăng thượng giới học? Tỳ-kheo an trụ Ba-la-đề-mộc-xoa, thực hành đầy đủ luật nghi, oai nghi, thấy tội nhỏ nhặt sanh lòng sợ hãi, thọ trì học giới.

“Thế nào là tăng thượng tâm học? Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện… cho đến, chứng và an trụ đệ tứ thiền.

“Thế nào là tăng thượng [210b] tuệ học? Tỳ-kheo biết như thật Khổ Thánh đế này, biết như thật Tập, Diệt, Đạo Thánh đế, đó gọi là tăng thượng tuệ học.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn liền noi kệ như đã nói ở trên.

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 786. HỌC (3) [5]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có Tỳ-kheo học tăng thượng giới, không phải học tăng thượng tâm, tăng thượng tuệ. Có vị học tăng thượng giới, tăng thượng tâm, không phải học tăng thượng tuệ.

“Thánh đệ tử an trụ tăng thượng tuệ, phương tiện tùy thuận mà thành tựu và an trụ, sự tu tập tăng thượng giới, tăng thượng tâm cũng sẽ đầy đủ. Cũng vậy, Thánh đệ tử an trụ tăng thượng tuệ, phương tiện tùy thuận mà thành tựu và an trú, sẽ sống theo tuổi thọ của trí tuệ vô thượng.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 787. HỌC (4) [6]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Hơn hai trăm năm mươi giới, [7] cứ mỗi nửa tháng, lại thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa. Để cho kia tự mình cầu học mà học, nói ba học có thể tổng nhiếp các giới. Những gì là ba? Đó là tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, và tăng thượng tuệ học.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 788. HỌC (5) [8]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

Nói như trên, nhưng có một vài sai biệt:

“Thế nào là tăng thượng giới học? Tỳ-kheo thiên trọng nơi giới, [9] giới tăng thượng; không thiên trọng nơi định, định không tăng thượng; không thiên trọng nơi tuệ, tuệ không tăng thượng. Đối với từng phần từng phần giới vi tế, nếu phạm thì theo đó mà sám hối. Vì sao? Ta không nói là kia không có khả năng, nếu giới kia tùy thuận phạm hạnh, làm lợi ích cho phạm hạnh, làm tồn tại lâu dài phạm hạnh; Tỳ-kheo như vậy giới vững chắc, giới sư luôn tồn tại, [10] giới thường tùy thuận mà sinh, thọ trì mà học. Biết như vậy, thấy như vậy, sẽ đoạn trừ ba kết là thân kiến, giới thủ, và nghi. Ba kết này đã đoạn trừ, đắc Tu-đà-hoàn, không còn đọa vào pháp đường dữ, nhất định sẽ hướng đến Vô thượng Chánh giác, chỉ còn qua lại bảy lần trời người, cứu cánh thoát khổ. Đó gọi là tăng thượng giới học.

 [210c]  “Thế nào là tăng thượng tâm học? Tỳ-kheo thiên trọng giới, giới tăng thượng; thiên trọng định, định tăng thượng; không thiên trọng tuệ, tuệ không tăng thượng. Đối với từng phần từng phần giới vi tế… cho đến thọ trì học giới. Biết như vậy, thấy như vậy, đoạn trừ năm hạ phần kết, là thân kiến, giới thủ, nghi, tham dục, sân nhuế. Năm hạ phần kết này đã đoạn trừ, đắc sanh bát-niết-bàn A-na-hàm, không còn trở lại đời này. Đó gọi là tăng thượng tâm học.

“Thế nào là tăng thượng tuệ học? Tỳ-kheo Tỳ-kheo thiên trọng giới, giới tăng thượng; thiên trọng định, định tăng thượng; thiên trọng tuệ, tuệ tăng thượng. Tỳ kheo biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục hữu lậu, tâm giải thoát hữu hữu lậu, tâm giải thoát vô minh hữu lậu; giải thoát tri kiến, tự biết rằng ‘Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sinh đời sau nữa.’ Đó gọi là tăng thượng tuệ học.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 789. HỌC (6) [11]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Hơn hai trăm năm mươi giới, [12] cứ mỗi nửa tháng, lại thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa. Nếu thiện nam tử tự theo ý muốn của mình mà học, Ta nói cho ba học. Nếu học ba học này, sẽ tóm thâu được tất cả mọi học giới. Những gì là ba? Đó là tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học.

“Thế nào là tăng thượng giới học? Tỳ-kheo thiên trọng nơi giới, [13] giới tăng thượng; không thiên trọng nơi định, định không tăng thượng; không thiên trọng nơi tuệ, tuệ không tăng thượng. Đối với từng phần từng phần giới vi tế,… cho đến nên giữ gìn học giới. Tỳ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, đoạn ba kết là thân kiến, giới thủ, nghi; tham, nhuế, si đã mỏng, thành tựu nhất chủng đạo. [14] Ở vào địa này chưa phải là đẳng giác, nên gọi là Tư-đà-hoàn, hay gọi là gia-gia, gọi là thất hữu, gọi là tùy pháp hành, gọi là tùy tín hành. Đó gọi là tăng thượng giới học.

“Thế nào là tăng thượng tâm học? Tỳ-kheo thiên trọng giới, giới tăng thượng; thiên trọng định, định tăng thượng; không thiên trọng tuệ, tuệ không tăng thượng. Đối với từng phần từng phần giới vi tế… cho đến thọ trì học giới. Nếu Tỳ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, đoạn được Năm hạ phần [211a] kết, là thân kiến, giới thủ, nghi, tham dục, sân nhuế; nếu đoạn trừ được năm hạ phần này có thể được trung bát-niết-bàn. Ở địa vị này nếu chưa được đẳng giác, được sanh bát-niết-bàn; ở địa vị này nếu chưa được đẳng giác, được vô hành baat-niết-bàn; ở địa vị này nếu chưa được đẳng giác, được hữu hành bát-niết-bàn; ở địa vị này nếu chưa được đẳng giác, được thượng lưu bát-niết-bàn. Đó gọi là tăng thượng tâm học.

“Thế nào là tăng thượng tuệ học? Tỳ-kheo thiên trọng giới, giới tăng thượng; thiên trọng định, định tăng thượng; thiên trọng tuệ, tuệ tăng thượng. Tỳ kheo biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục hữu lậu, tâm giải thoát hữu hữu lậu, tâm giải thoát vô minh hữu lậu; giải thoát tri kiến, tự biết rằng, ‘Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa.’ Đó gọi là tăng thượng tuệ học.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 790. NIẾT-BÀN [15]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu Tỳ-kheo an trụ giới đầy đủ, khéo nhiếp trì Ba-la-đề-mộc-xoa, đầy đủ oai nghi hành xứ, thấy những tội vi tế hay sanh lòng sợ hãi. Tỳ-kheo khi đã an trụ giới đầy đủ, khéo nhiếp trì Ba-la-đề-mộc-xoa, đầy đủ oai nghi hành xứ, thấy những tội vi tế hay sanh lòng sợ hãi, bình đẳng thọ trì học giới, khiến cho sự tu tập ba học đầy đủ. Những gì là ba? Đó là tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học.

“Thế nào là tăng thượng giới học? Tỳ-kheo giới đầy đủ, [16] nhưng định ít, tuệ ít; đối với mỗi một phần giới vi tế… cho đến nên gìn giữ giới học. Tỳ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, đoạn trừ được ba kết, đó là thân kiến, giới thủ, và nghi; khi đã đoạn trừ ba kết này, đắc Tu-đà-hoàn, không còn đọa vào đường dữ, nhất định hướng đến Vô thượng Chánh giác, chỉ còn bảy lần qua lại trời người, cứu cánh thoát khổ.

“Thế nào là tăng thượng tâm học? Tỳ-kheo định đã đầy đủ, tam-muội đã đầy đủ, nhưng tuệ ít; đối với mỗi một phần giới vi tế, nếu phạm thì theo đó mà sám hối… cho đến nên gìn giữ học giới. Tỳ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, đoạn trừ năm hạ phần kết, đó là thân kiến, giới thủ, nghi, tham dục, sân nhuế; khi đã đoạn trừ năm hạ phần kết này, được sanh bát-niết-bàn, A-na-hàm, không còn tái sanh vào đời này. Đó gọi là tăng thượng tâm học.

“Thế nào là tăng thượng tuệ học? Tỳ-kheo học giới đã đầy đủ, định đã đầy đủ, tuệ đã đầy đủ. [211b] Tỳ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục hữu lậu, tâm giải thoát hữu hữu lậu, tâm  giải thoát tvô minh hữu lậu, giải thoát tri kiến, tự biwts rằng ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa.’ Đó gọi là tăng thượng tuệ học.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 791. NIẾT-BÀN (2) [17]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo an trụ giới đầy đủ, khéo nhiếp trì Ba-la-đề-mộc-xoa, đầy đủ oai nghi hành xứ, thấy những tội vi tế hay sanh lòng sợ hãi. Tỳ-kheo khi đã an trụ giới đầy đủ, khéo nhiếp trì Ba-la-đề-mộc-xoa, đầy đủ oai nghi hành xứ, thấy những tội vi tế hay sanh lòng sợ hãi, bình đẳng thọ trì học giới, khiến cho sự tu tập ba học đầy đủ. Những gì là ba? Đó là tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học.

“Thế nào là tăng thượng giới học? Tỳ-kheo giới đầy đủ, [18] nhưng định ít, tuệ ít; đối với mỗi một phần giới vi tế… cho đến nên gìn giữ giới học. Tỳ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, đoạn trừ ba kết, và tham, nhuế, si còn mỏng, được nhất chủng đạo. Ở địa vị này nếu chưa được đẳng giác, được Tư-đà-hàm; ở địa vị này nếu chưa được đẳng giác, được gọi là gia-gia; ở địa vị này nếu chưa được đẳng giá, được Tu-đà-hoàn; ở địa vị này nếu chưa được đẳng giác, sẽ được tùy pháp hành; ở địa vị này nếu chưa được đẳng giác, sẽ được tùy tín hành. Đó gọi là tăng thượng giới học.

“Thế nào là tăng thượng tâm học? Tỳ-kheo định đầy đủ, tam-muội đầy đủ, nhưng tuệ ít; đối với mỗi một phần giới vi tế, nếu phạm thì theo đó mà sám hối… cho đến nên gỉn giữ học giới. Tỳ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, đoạn trừ năm hạ phần kết là thân kiến, giới thủ, nghi, tham dục, sân nhuế; đoạn trừ năm hạ phần kết này, được trung bát-niết-bàn. Ở đây nếu chưa được đẳng giác, được sanh bát-niết-bàn; ở đây nếu chưa được đẳng giác, được vô hành bát-niết-bàn; ở đây nếu chưa được đẳng giác, sẽ được hữu hành bát-niết-bàn; ở đây nếu chưa được đẳng giác, được thượng lưu bát-niết-bàn. Đó gọi là tăng thượng tâm học.

“Thế nào là tăng thượng tuệ học? Tỳ-kheo học giới đầy đủ, định đầy đủ, tuệ đầy đủ. Tỳ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục hữu lậu, tâm giải thoát hữu hữu lậu, tâm giải thoát vô minh hữu lậu; giải thoát tri kiến, tự biết rằng, ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh dời sau nữa.’ Đó gọi là tăng thượng tuệ học.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 792. HỌC (6) [19]

 [211c] Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có hai học. Những gì là hai? Đó là tăng thượng oai nghi học, và tăng thượng Ba-la-đề-mộc-xoa học.”

Sau đó Thế Tôn liền nói kệ rằng:

Người học, [20] lúc học giới,

Thẳng đường, đi theo đó;

Chuyên xét, siêng phương tiện,

Khéo tự giữ thân mình.

Được sơ vô lậu trí, [21]

Kế, cứu cánh chánh trí; [22]

Được chánh trí giải thoát,

Đã vượt qua tri kiến.

Thành bất động giải thoát,

Các hữu kết diệt hết;

Các căn kia đầy đủ,

Các căn vui vắng lặng.

Mang thân tối hậu này,

Hàng phục các ma oán.

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 793. HỌC (7) [23]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Học giới sẽ mang lại nhiều phước lợi, an trú trí tuệ là vô thượng [24]; giải thoát là kiên cố, [25] niệm là tăng thượng. [26] Tỳ-kheo đã học giới được phước lợi; an trú trí tuệ là vô thượng; giải thoát là kiên cố, niệm là tăng thượng, khiến cho ba học đầy đủ. Những gì là ba? Đó là tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, và tăng thượng tuệ học.”

Sau đó Thế Tôn liền nói kệ rằng:

Phước lợi theo học giới,

Thiền định chuyên tư duy;

Trí tuệ là tối thượng,

Đời này là tối hậu.

Thân Mâu-ni cuối cùng,

Hàng Ma, qua bờ kia.

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 794. HỌC (8) [27]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

Như đã nói ở trên, nhưng có một vài sai biệt:

“Này các Tỳ-kheo, thế nào là học giới đưa đến phước lợi [28]? Đại Sư vì các Thanh văn chế giới để nhiếp thủ Tăng, tích cực nhiếp thủ Tăng, khiến người không tin, được tin; người đã tin, tăng trưởng  lòng tin; điều phục người ác; người tàm quý được sống an vui; phòng hộ hữu lậu hiện tại; chánh thức đối trị được đời vị lai; khiến cho phạm hạnh tồn tại lâu dài. [29] Như Đại Sư đã vì Thanh văn chế giới để nhiếp thủ Tăng… cho đến khiến cho phạm hạnh tồn tại lâu dài. [212a] Học giới như vậy như vậy, hành trì giới kiên cố, giới hằng tại, giới thường hành, giữ gìn học giới. Đó gọi là Tỳ-kheo nhờ giới mà được phước lợi.

“Thế nào trí tuệ là vô thượng? Đại Sư vì Thanh văn nói pháp với lòng đại bi thương cảm, vì nghĩa lợi, hoặc vì an ủi, hoặc vì an lạc, hoặc vì an ủi, an lạc. Như vậy, Đại Sư vì các Thanh văn nói pháp với lòng đại bi thương cảm, vì nghĩa lợi, an ủi, an lạc. Như vậy, đối với pháp nào, chỗ nào cũng dùng trí tuệ quán sát. Đó gọi là Tỳ-kheo trí tuệ là vô thượng.

“Thế nào là giải thoát là kiên cố? Đại Sư vì các Thanh văn nói pháp với lòng đại bi thương cảm, vì nghĩa lợi, an ủi, an lạc. Như vậy, thuyết giảng pháp nào, chỗ nào, nơi nào cũng đem lại được an vui giải thoát. Đó gọi là Tỳ-kheo giải thoát kiên cố.

“Thế nào, Tỳ-kheo, niệm là tăng thượng? Người chưa đầy đủ giới thân, chuyên tâm cột niệm an trụ; điều chưa được quán sát, ở chỗ này chỗ kia bằng trí tuệ cột niệm an trụ. Điều đã được quán sát, ở chỗ này chỗ kia trùng khởi khởi niệm an trụ. Pháp chưa được xúc, ở chỗ này chỗ kia giải thoát niệm an trụ. Pháp đã được xúc, ở chỗ này chỗ kia giải thoát niệm an trụ. Đó gọi là Tỳ-kheo chánh niệm là tăng thượng.“ Sau đó Thế Tôn liền nói kệ rằng:

Phước lợi theo học giới,

Thiền định chuyên tư duy;

Trí tuệ là tối thượng,

Đời này là tối hậu.

Thân Mâu-ni cuối cùng,

Hàng ma qua bờ kia.

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh Thi-bà-ca như Phật sẽ nói ở sau. Cũng vậy, Tỳ-kheo A-nan, và Tỳ-kheo khác hỏi, đức Phật hỏi các Tỳ-kheo, ba kinh này cũng nói như trên.

KINH 795. CANH MA [30]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Thí như điền phu, có ba viêc để làm ruộng, phải khéo tùy theo thời mà làm. Những gì là ba? Điền phu kia phải theo thời mà cày bừa, phải theo thời mà dẫn nước vào, phải theo thời mà gieo hạt. Khi điền phu kia đã theo thời cày bừa, đã dẫn nước, đã gieo hạt xuống rồi, không nghĩ rằng: ‘Muốn ngay ngày hôm nay chúng sanh trưởng, có quả ngay hôm nay, chín ngay hôm nay, hoặc là ngày mai hay ngày sau.’ [212b] Nhưng, này các Tỳ-kheo, gia chủ kia sau khi đã cày bừa, dẫn nước, gieo hạt xuống rồi, tuy không nghĩ rằng: ‘đang sinh trưởng, có quả, và chín ngay hôm nay, hoặc ngày mai hay ngày sau.’ Mà những hạt giống kia khi đã được gieo vào trong đất, tự chúng theo thời mà sinh trưởng, mà có quả, mà chín.

“Cũng vậy, Tỳ-kheo đối với ba học này, phải khéo tùy thời mà học, nghĩa là phải khéo học giới, khéo học tâm, khéo học tuệ; khi đã học chúng rồi không nghĩ rằng: ‘Mong ta ngày nay không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát, hoặc ngày mai hay ngày sau.’ Cũng không nghĩ rằng, ‘Mong có thần lực tự nhiên mà có thể khiến cho không khởi lên các lậu, tâm giải thoát ngay hôm nay, hoặc ngày mai hay ngày sau.’  Khi đã tùy thời học tăng thượng giới, học tăng thượng tâm, học tăng thượng tuệ rồi, tùy thời mà tự mình đạt không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát.

“Này Tỳ-kheo, thí như gà mái ấp trứng, có thể từ mười cho đến mười hai ngày; phải tùy thời thăm chừng, chăm sóc giữ gìn ấm lạnh. Con gà mái ấp kia không nghĩ rằng: ‘Ngay hôm nay, hoặc ngày mai hay ngày sau, ta sẽ dùng mỏ mổ, hoặc dùng móng cào, để cho con của ta thoát ra khỏi vỏ một cách an toàn.’ Nhưng gà mái ấp kia khéo ấp con nó, tùy thời chăm sóc thương yêu, con của nó sẽ tự nhiên thoát ra khỏi vỏ an toàn. Cũng vậy, Tỳ-kheo khéo học ba học, tùy theo thời tiết sẽ tự đạt được không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 796. LÔ [31]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Thí như con lừa đi theo đàn bò, tự nghĩ rằng: ‘Ta phát ra tiếng bò.’ Nhưng hình dáng của nó không giống bò, màu sắc cũng không giống, âm thanh phát ra không giống, mà theo đàn bò, rồi tự cho mình là bò, phát ra tiếng bò kêu, mà thật ra khác bò xa.

“Cũng vậy, có một nam tử ngu si, vi phạm giới luật, mà còn đi theo đại chúng nói rằng: ‘Ta là Tỳ-kheo! Ta là Tỳ-kheo!’ mà không học tập thắng dục về tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học. Còn theo đại chúng tự cho rằng: ‘Ta là Tỳ-kheo! Ta là Tỳ-kheo!’ Nhưng kỳ thật khác xa Tỳ-kheo.”

Rồi Thế Tôn liền nói kệ rằng:

Thú cùng móng, không sừng,

Đủ bốn chân, tiếng kêu;

Đi theo sau đàn bò,

Luôn cho là bạn bè.

 [212c]Hình dạng chẳng phải bò,

Không thể kêu tiếng bò.

Cũng vậy, người ngu si,

Chẳng theo cột tâm niệm.

Nơi lời dạy Thiện Thệ,

Không muốn siêng phương tiện;

Tâm biếng nhác, khinh mạn,

Không được đạo Vô thượng.Như lừa trong đàn bò,

Mà luôn xa đàn bò.

Kia tuy theo đại chúng,

Nhưng luôn trái tâm hành.

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 797. BẠT-KỲ TỬ [32]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại thôn Bạt-kỳ. Bấy giờ Tôn giả Bạt-kỳ Tử [33] là thị giả của Phật. Tôn giả Bạt-kỳ Tử đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân, rồi ngồi xuống một bên, bạch Phật rằng:

“Thế Tôn đã nói hơn hai trăm năm mươi giới khiến cho thiện gia nam tử cứ mỗi nửa tháng đến thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa tu-đa-la, khiến thiện gia nam tử tùy ý muốn mà học. Nhưng nay, Bạch Thế Tôn, con không thể theo đó để học.”

Phật bảo Bạt-kỳ Tử:

“Ngươi có thể tùy thời mà học ba học được không?”

Bạt-kỳ Tử bạch Phật rằng:

“Có thể, Bạch Thế Tôn.”

Phật bảo Bạt-kỳ Tử:

“Ngươi sẽ tùy thời mà học tăng thượng giới, học tăng thượng tâm, học tăng thượng tuệ. Khi đã theo thời siêng năng học tăng thượng giới, học tăng thượng tâm, học tăng thượng tuệ, không bao lâu các hữu lậu được diệt tận, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, hiện tại tự biết, tự tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa.’”

Bạt-kỳ Tử sau khi nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, làm lễ mà lui.

Bấy giờ, Tôn giả bạt-kỳ Tử sau khi nhận lãnh những lời dạy dỗ, giáo giới của Phật xong; một mình ở nơi vắng, chuyên tinh tư duy, như đã nói ở trên… cho đến tâm khéo giải thoát, đắc A-la-hán. [34]

KINH 798 BĂNG-GIÀ-XÀ [35]

 [213a] Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong rừng Băng-già-kì tại Băng-già-xà. [36] Bấy giờ đức Thế Tôn vì các Tỳ-kheo nói pháp tương thích với giới, [37] khen ngợi phép chế giới. Lúc ấy, Tôn giả Ca-diếp Thị [38] đang ở tại thôn Băng-già nghe Thế Tôn nói pháp tương ưng với giới, khen ngợi giới này, trong lòng rất không kham nhẫn, không hoan hỷ, nói rằng: “Sa-môn ấy khen ngợi giới này, tích cực chế giới này.” [39]

Sau khi đã trú ở đó như ý muốn tại thôn Băng-già, đức Thế Tôn hướng đến nước Xá-vệ. Lần lượt du hành đến vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xa-vệ.

Sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, Tôn giả Ca-diếp Thị liền sanh lòng hối hận: ‘Ta nay mất lợi, bị bất lợi lớn, khi Thế Tôn nói về pháp tương ứng với giới, khen ngợi việc chế giới; đối với Thế Tôn tâm ta không kham nhẫn, không hoan hỷ. Với tâm khong hoan hỷ, nói rằng, ‘Sa-môn tích cực chế giới này, hết lòng khen ngợi giới này.’”

Sáng sớm hôm sau, Tôn giả Ca-diếp Thị đắp y mang bát vào thôn Băng-già khất thực. Ăn xong trở về tinh xá, Tôn giả gởi ngọa cụ, [40] rồi tự mang y bát đến thành Xá-vệ. Sau khi lần lượt du hành đến nước Xá-vệ, cất y bát và rửa chân xong, Tôn giả đi đến Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, và bạch Phật rằng:

“Con xin hối lỗi, bạch Thế Tôn! Con xin hối lỗi, bạch Thiện Thệ! Con là kẻ ngu si bất thiện, không phân biệt; khi con nghe Thế Tôn vì các Tỳ-kheo mà nói pháp tương ứng với giới, khen ngợi việc chế giới, đối với Thế Tôn con đã không kham nhẫn, không hoan hỷ. Với tâm khong hoan hỷ, nói rằng, ‘Sa-môn tích cực chế giới này, hết lòng khen ngợi giới này.’”

Phật bảo Ca-diếp Thị:

“Ở chỗ nào nơi Ta mà ngươi không kham nhẫn, không hoan hỷ. Với tâm khong hoan hỷ, nói rằng, Sa-môn tích cực chế giới này, hết lòng khen ngợi giới này?”

Ca-diếp Thị bạch Phật rằng:

“Lúc Thế Tôn ở trong rừng Bằng-già-kỳ, tại thôn Bằng-già-xà, vì các Tỳ-kheo nói pháp tương ứng với giới, khen ngợi giới này. Con lúc bấy giờ đối với Thế Tôn tâm không kham nhẫn, không hoan hỷ. Với tâm không hoan hỷ, nói rằng, ‘Sa-môn tích cực chế [213b] giới này, hết lòng khen ngợi giới này.’ Bạch Thế Tôn, hôm nay con tự biết hối tội, tự thấy hối tội mình. Xin đức Thế Tôn thương xót nhận sự hối lỗi của con.”

Phật bảo Ca-diếp Thị:

“Ngươi đã tự biết hối lỗi vì đã ngu si, bất thiện, không phân biệt, nên khi nghe Ta vì các Tỳ-kheo nói pháp tương ứng với giới, khen ngợi việc chế giới, đối với Ta mà không kham nhẫn, không hoan hỷ. Với tâm không hoan hỷ, nói rằng, ‘Sa-môn tích cực chế Giới này, hết lòng khen ngợi Giới này.’ Ca-diếp, nay ngươi đã tự biết hối lỗi, đã tự thấy hối lỗi rồi, trong đời vị lai luật nghi giới sẽ sinh. Nay Ta vì thương xót ngươi nên nhận sự sám hối của ngươi.”

Sau khi Ca-diếp Thị sám hối như vậy rồi, thiện pháp tăng trưởng, không bao giờ bị suy giảm. Vì sao? Nếu người nào tự biết tội, tự thấy tội, mà sám hối tội lỗi, trong đời vị lai luật nghi giới sẽ sinh, thiện pháp tăng trưởng, không bao giờ suy giảm.

“Giả sử Ca-diếp là một vị Thượng tọa, không muốn học giới, không coi trọng giới, không muốn chế giới, Tỳ-kheo như vậy Ta không khen ngợi. Vì sao? Vì nếu Đại Sư mà khen ngợi người này, những người khác sẽ lại gần gũi, cung kính, tôn trọng. Nếu người khác cùng gần gũi, tôn trọng, sẽ cũng có đồng kiến giải, đồng việc làm. Nếu người nào có việc làm giống như kia, lâu dài sẽ chịu khổ không lợi ích gì. Cho nên Ta đối với Truỏng lão này, ban đầu không khen ngợi, vì vị ấy ngay lúc đầu đã không thích học giới. Như truỏng lão, trung niên, thiếu niên cũng như vậy.

“Nếu Thuọng tọa Truỏng lão này, ban đầu coi trọng học giới, khen ngợi việc chế giới, Truỏng lão như vậy, Ta sẽ khen ngợi, vì ban đầu họ đã thích học giới. Đại Sư sẽ khen ngợi người này thì những người khác sẽ lại gần gũi, cung kính, tôn trọng. Nếu người khác cùng gần gũi, tôn trọng, sẽ cũng có đồng kiến giải, đồng việc làm. Đồng sở kiến, cho nên, đời vị lai được ích lợi lâu dài. Cho nên đối với vị Trưởng lão Tỳ-kheo kia, thường phải khen ngợi, vì sơ thủy đã vui thích học giới. Vị trung niên thiếu niên cũng lại như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 799. GIỚI [41]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu các Tỳ-kheo Thượng tọa Trưởng lão, sơ thủy không vui thích học giới, không coi trọng học giới, thấy Tỳ-kheo khác ban đầu vui thích học giới, coi trọng giới, khen ngợi việc chế giới, vị ấy cũng không tùy [213c] thời khen ngợi, đối với những Tỳ-kheo này Ta cũng không khen ngợi, vì vị ấy sơ thủy không vui thích học giới. Vì sao? Vì nếu Đại Sư khen ngợi vị ấy, người khác sẽ lại gần gũi tôn trọng, đồng kiến giải. Vì đồng kiến giải nên lâu dài chịu khổ không có lợi ích. Cho nên Ta đối với các trưởng lão,... trung niên, thiếu niên kia, cũng lại như vậy. Người vui thích học giới như trước đã nói.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 800. HỌC [42]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có ba học. Những gì là ba? đó là tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học.

“Thế nào là tăng thượng giới học? Tỳ-kheo an trụ giới Ba-la-đề-mộc-xoa, đầy đủ oai nghi hành xử, thấy tội vi tế sinh lòng sợ hãi, thọ trì học giới. Đó gọi là tăng thượng giới học. 

“Thế nào là tăng thượng tâm học? Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện, có tầm có tứ, hỷ lạc do viễn ly sanh, chúng và an trụ sơ thiền,... cho đến chứng và an trú đệ tứ thiền. Đó gọi là tăng thượng tâm học.

“Thế nào là tăng thượng tuệ học? Tỳ-kheo nào biết như thật Khổ Thánh đế này, biết như thật khổ Tập Thánh đế này, khổ Diệt Thánh đế này, khổ diệt Đạo tích Thánh đế này; đó gọi là tăng thượng tuệ học.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

“Các kinh khác nói về Ba học, như đã nói Niệm xứ ở trước.

Như Thiền, Vô lượng, Vô sắc cũng vậy. Như Bốn Thánh đế, cũng vậy Bốn niệm xứ, Bốn chánh đoạn, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy giác chi, Tám Thánh đạo, Bốn đạo, Bốn pháp cú, và tu tập Chỉ quán cũng nói như vậy.


 [1] Tương ưng học, gồm các kinh Đại chánh 816-832 (cuối quyển 29 & đầu quyển 30). Ấn Thuận Hội biên, “15 Tương ưng học,” gồm 32 kinh, số 1104-1135  Không có tương đương Saṃyutta Pāli; phần lớn tượng đương Aṅguttara, pháp ba (tikanipāta). Quốc dịch, quyển 26, “7 Tương ưng học,” kinh số 12577-12608 (qua một phần quyển 27), chia làm 2 phẩm, Phẩm 1, kinh 12577-12593, Phẩm 2, kinh 12594-12608.

 [2] Đại chánh, kinh 816. Pāli, A 3.89 Sikkhā.

 [3] Tăng thượng ý 增上意, tức tăng thượng tâm, chỉ định học Pāli: tisso sikkhā – adhisīlasikkhā, adhicittasikkhā, adhipaññāsikkhā.

 [4] Đại chánh, kinh 817. Pāli, S 3.88 Sikkhā.

 [5] Đại chánh, kinh 818.

 [6] Đại chánh, kinh 819. Pāli, S 3.87  Sādhika (Sikkhā).

 [7] Hán: quá nhị bách ngũ thập giới 過二百五十戒. Pāli: diyaddhasikkhāpadasataṃ, 150 điều học giới.

 [8] Đại chánh, kinh 820. Pāli, A 3.86 Sekha.

 [9] Pāli: sīlesu paripūrakārī hoti samādhismiṃ mattaso kārī paññaya mattaso kārī, nơi giới hành trì toàn phần, nơi định, huệ hành trì một phần nhỏ.

 [10] Hán: giới sư thường trú 戒師常住 Pāli:ṭhitasīlo, giới trụ vững.

 [11] Đại chánh, kinh 821. Pāli, A 3.85 Sekhā.

 [12] Xem cht. 7 trên.

 [13] Xem cht. 9 trên.

 [14] Nhất chủng đạo 一種道, quả vị thuộc Tư-đà-hàm Pāli: ekabīja.

 [15] Đại chánh, kinh 822. Xem kinh Đại chánh 821.

 [16] Xem cht 9 kinh Đại chánh 820.

 [17] Đại chánh, kinh 823.

 [18] Xem cht 9 kinh Đại chánh 820.

 [19] Đại chánh, kinh 824. Pāli, cf. Itv. 46. Sikkhā.

 [20] Hán: học giả 者學, tức học nhân, chỉ Thánh giả hữu học Pāli: sekha.

 [21] Pāli (Itv. tr. 53): khayasmiṃ paṭhamaṃ ñāṇaṃ, trong sự đoạn tận, trí thứ nhất (khởi kên).

 [22] Hán: thứ cứu cánh vô tri 次究竟無知 Pāli ibid.: tato aññā anantarā, kế đó, không gián đoạn, chánh trí (khởi lên) Bản Hán đọc aññāṇa, vô tri hay vô trí, thay vì là aññā: chánh trí (của A-la-hán).

 [23] Đại chánh, kinh 825. Cf It. 46. Sikkhā.

 [24] Trí tuệ vi thượng 智慧為上. Pāli (It. tr. 40): paññuttarā, vô thượng của tuệ, tuệ siêu xuất thê gian.

 [25] Giải thoát kiên cố解脫堅固. Pāli ibid.: vimuttisārā, tinh yếu hay tinh thể của giải thoát, chỉ cho quả vị A-la-hán.

 [26] Niệm vi tăng thượng念為增上. Pāli ibid.: satādhipateyyā, uy lực của niệm.

 [27] Đại chánh, kinh 826.

 [28] Hán; học giới tùy phước lợi 學戒隨福利, đảo ngữ; nên hiểu: phước lợi tùy học giới, tức những ịch lợi do giới mang đến. Cf. It. tr. 40: sikkhānisaṃsā.

 [29] Mười mục đích chế giới của Phât. Tứ phần: tập thập cú nghĩa; Thập tụng: thập lợi; Tăng-kì: thập lợi ích sự. Pāli: dasa atthavase paṭicca.

 [30] Đại chánh, kinh 827. Cày bừa. Pāli, S 3.82 Sukhetta.

 [31] Đại chánh, kinh 828. Con lừa Pāli A 3.81 Samaṇa.

 [32] Đại chánh, kinh 829. Pāli, A 3.83 Vajjiputta.

 [33] Bạt-kì Tử 跋耆子. Pāli: Vajjiputta.

 [34] Bản Hán, hết quyển 29.

 [35] Đại chánh, quyển 30, kinh 830. Quốc dịch quyển 27, “7.Tương ưng học” tiếp theo, phẩm 2.- Pāli, A. 3.90 (i. 236). Paṅkadhā.

 [36] Băng-già-xà Băng-già-kỳ lâm 崩伽闍崩伽耆林. Pāli: Paṅkadhā (Saṅkava).

 [37] Giới tương ưng pháp 戒相應法. Pāli: sikkhāpadapaṭisaṃyutta.

 [38] Ca-diếp Thị 迦葉氏. Pāli: Kassapagotta.

 [39] Pāli (A. i. 136): adhisallikhat’evāyaṃ samaṇo, vị sa-môn này quá khắt khe.

 [40] Hán: phó chúc ngọa cụ 付囑臥具. Pāli: senāsanaṃ saṃsametvā, thâu thập tọa ngọa cụ.

 [41] Đại chánh, kinh 831. Pāli, A. 3.90. Paṅkadhā.

 [42] Đại chánh, kinh 832. Pāli, A. 3.88. Sikkhā.