13. Tương Ưng A-nan, Kinh 555-564

13. TƯƠNG ƯNG A-NAN [1]

KINH 555. VÔ TƯỚNG TÂM TAM-MUỘI  [2]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong rừng An-thiền [3] tại thành Sa-kỳ. [4]

Bấy giờ số đông Tỳ-kheo-ni đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi đứng lui qua một bên. Đức Thế Tôn liền vì các Tỳ-kheo-ni nói pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ. Khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ xong, Phật ngồi im lặng.

Các Tỳ-kheo-ni bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu vô tướng tâm tam muội, [5] không vọt lên, không chìm xuống, [6] sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát; thì vô tướng tâm tam muội này, Thế Tôn dạy nó là quả gì, công đức gì?”

Phật bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Nếu vô tướng tâm tam muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát; thì vô tướng tâm tam muội này là trí quả, là trí công đức.”

Khi các Tỳ-kheo-ni nghe Phật dạy xong, đều tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà lui.

Sau đó các Tỳ-kheo-ni đi đến Tôn giả A-nan, cúi đầu đảnh lễ sát chân Tôn giả,  [146a] rồi ngồi xuống một bên, thưa Tôn giả A-nan:

“Nếu vô tướng tâm tam muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát; thì vô tướng tâm tam muội này là quả gì, công đức gì?” [7]

Tôn giả A-nan bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Này các tỷ muội, nếu vô tướng tâm tam muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát; Thế Tôn nói là trí quả, là trí công đức.”

Các Tỳ-kheo-ni đều nói:

“Lạ thay, Tôn giả A-nan! Đại Sư và đệ tử có cùng một câu nói, cùng một vị, cùng một nghĩa. Tức là là đệ nhất cú nghĩa. Hôm nay các Tỳ-kheo-ni có đến chỗ Thế Tôn, đem câu nói như vậy, vị như vậy, nghĩa như vậy hỏi Thế Tôn. Thế Tôn cũng đã vì chúng con nói câu như vậy, vị như vậy và nghĩa như vậy, giống như những gì Tôn giả A-nan nói không khác. Cho nên thật là kỳ đặc, Đại Sư và đệ tử cùng nói một câu, cùng vị, và cùng nghĩa.”

Các Tỳ-kheo-ni sau khi nghe những gì Tôn giả A-nan nói, tất cả đều tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà lui.

KINH 556. XÀ-TRI-LA [8]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cù sư la, [9] thuộc nước Câu diệm di. Bấy giờ Tôn giả A-nan cũng ở tại đó.

Khi ấy Tỳ-kheo-ni Xà-tri-la [10] đến chỗ Tôn giả A-nan đảnh lễ, rồi ngồi xuống một bên, hỏi Tôn giả A-nan:

“Nếu vô tướng tâm tam muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát; [11] thì thưa Tôn giả A-nan, Thế Tôn dạy nó là quả gì, công đức gì?”

Tôn giả A-nan bảo Tỳ-kheo-ni Xà-tri-la:

“Nếu vô tướng tâm tam muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát; thì Thế Tôn dạy nó là trí quả, trí công đức.”

Tỳ-kheo-ni Xà-tri-la khen ngợi:

“Lạ thay! thưa Tôn giả A-nan, Đại sư và đệ tử nói giống nhau cùng một câu, cùng một ý vị, cùng một nghĩa. Thưa Tôn giả A-nan, ngày trước, lúc Phật ở thành Sa-kỳ, trong rừng An-thiền, lúc đó có nhiều Tỳ-kheo-ni đi đến chỗ Phật hỏi nghĩa này, Thế Tôn đã nói cho các Tỳ-kheo-ni nghe nói câu như vậy, ý vị như vậy, nghĩa cũng như vậy. Cho nên biết là kỳ đặc: Đại sư và đệ tử cùng nói một câu, cùng một vị, và cùng một nghĩa. Đó gọi là đệ nhất cú nghĩa.”

Tỳ-kheo-ni Xà-tri-la sau khi nghe những gì Tôn giả A-nan nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà lui.

Như Tỳ-kheo-ni Xà-tri-la đã hỏi, Tỳ-kheo-ni Ca-la-bạt cũng hỏi như vậy.

KINH 557. A-NAN [12]

 [146b] Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cù-sư-la, nước Câu-diệm-di. Bấy giờ Tôn giả A-nan cũng ở đó.

Lúc bấy giờ, có một Tỳ-kheo kia đạt được vô tướng tâm tam muội, nghĩ rằng: “Ta hãy đến chỗ Tôn giả A-nan, hỏi Tôn giả: ‘Tỳ-kheo đạt được vô tướng tâm tam muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát; thưa Tôn giả A-nan, Thế Tôn dạy nó là quả gì, công đức gì?’ Nếu Tôn giả A-nan hỏi ta: ‘Tỳ-kheo, Ông đã đạt vô tướng tâm tam muội này phải không?’ Đáp, ‘Tôi chưa từng có.’ Hỏi thật mà đáp khác đi. Ta sẽ theo sát Tôn giả A-nan, hoặc giả có người khác hỏi nghĩa này, nhờ đó mà ta được nghe.”

Tỳ-kheo này đi theo Tôn giả A-nan suốt sáu năm, mà không có ai hỏi đến nghĩa này, nên mới tự hỏi Tôn giả A-nan:

“Nếu Tỳ-kheo hỏi vô tướng tâm tam muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát; thưa Tôn giả A-nan, Thế Tôn dạy nó là quả gì, công đức gì?”

Tôn giả An an hỏi Tỳ-kheo này:

“Tỳ-kheo, Ông đã đạt tam muội này chưa?”

Tỳ-kheo này đứng im lặng. Tôn giả A-nan nói với Tỳ-kheo này rằng:

“Nếu Tỳ-kheo đã đạt tâm vô tướng tâm tam muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát; Thế Tôn nói đó là trí quả, trí công đức.”

Sau khi nghe Tôn giả A-nan nói pháp này xong, Tỳ-kheo tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà lui.

KINH 558. GIÀ-MA [13]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại nước Ba-la-lợi-phất-đố-lộ. [14] Bấy giờ Tôn giả A-nan và Tôn giả Già-ma [15] cũng ở tại tính xá Kê lâm, [16] nước Ba-la-lợi-phất-đố-lộ.

Lúc bấy giờ, Tôn giả Già-ma đi đến chỗ Tôn giả A-nan, cùng nhau chào hỏi xong, rồi ngồi xuống một bên, nói với Tôn giả A-nan:

“Lạ thay! Thưa Tôn giả A-nan, có mắt, có sắc [17]; có tai, có tiếng; có mũi, có mùi; có lưỡi, có vị; có thân, có xúc; có  [146c] ý, có pháp. Nhưng có Tỳ-kheo có những pháp này mà lại không giác tri được. Vì sao, Tôn giả A-nan, Tỳ-kheo này vì có tưởng nên không giác tri được, hay vì không có tưởng nên không giác tri được?”

Tôn giả A-nan nói với Tôn giả Già-ma:

“Người có tưởng cũng không giác tri được, huống chi là người không có tưởng.”

Tôn giả Già-ma lại hỏi Tôn giả A-nan:

“Thế nào là có tưởng, mà ở nơi cái có lại không giác tri được?”

Tôn giả A-nan bảo Tôn giả Ca ma:

“Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện, có tầm có tứ, có hỷ lạc phát sanh do viễn ly, chứng và an trụ sơ thiền; Tỳ-kheo có tưởng như vậy, nhưng có pháp mà không giác tri. Cũng vậy, chứng và an trụ đệ nhị thiền, đệ tam thiền, đệ tứ thiền, không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ; Tỳ-kheo có tưởng như vậy, nhưng có pháp mà không giác tri.

“Thế nào là không có tưởng, có pháp mà không giác tri? Tỳ-kheo như vậy không niệm tưởng hết thay tưởng, thân tác chưng, thành tựu và an trú vô tưởng tâm tam muội; [18] đó gọi là Tỳ-kheo không có tưởng, có pháp mà không giác tri.”

Tôn giả Tỳ-kheo Già-ma lại hỏi Tôn giả A-nan:

“Tỳ-kheo đạt được tâm vô tướng tam muội, không vọt lên, không chìm xuông, giải thoát rồi an trụ, an trụ rồi giải thoát, Thế Tôn nói đây là quả gì, công đức gì?”

Tôn giả A-nan bảo Tỳ-kheo Già-ma:

“Tỳ-kheo đạt được tâm vô tướng tam muội, không vọt lên, không chìm xuông, giải thoát rồi an trụ, an trụ rồi giải thoát, Thế Tôn nói đó là trí quả trí công đức.”

Hai vị Tôn giả cùng nhau bàn luận rồi tùy hỷ hoan hỷ; mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.

KINH 559. ĐỘ LƯỢNG [19]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cù-sư-la, nước Câu-diệm-di. Bấy giờ Tôn giả A-nan cũng ở đó.

Lúc ấy Tôn giả A-nan bảo các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào tự xác nhận [20] trước mặt tôi, tôi sẽ chào mừng ủy lạo rằng, ‘Lành thay! Hoặc do suy cầu bốn đạo.’ [21] Những gì là bốn? Đó là, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni ngồi mà trụ tâm [22] như vầy: thiện xảo trụ tâm, cục bộ trụ tâm, điều phục tâm, chỉ quán, nhất tâm, bình đẳng tiếp thọ, phân biệt, đối với pháp mà lượng độ, tu tập, tu tập nhiều rồi, đã đoạn trừ các sử. Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni trước mặt tôi rự xác nhận, tôi ủy dụ, ‘Lành thay như vậy!’ Hoặc suy cầu điều này. Đó là đạo thứ nhất. [23]

“Lại nữa, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni ngồi thẳng tư duy, đối với pháp tuyển trạch, tư lương [24] mà trụ tâm: thiện xảo trụ tâm, cục bộ trụ tâm, điều phục tâm, chỉ quán, nhất tâm, bình đẳng tiếp thọ  [147a] Như thế chánh hướng an trụ nhiều, đoạn trừ các sử. Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni trước mặt tôi rự xác nhận, tôi ủy dụ ‘Lành thay như vậy!’ Hoặc suy cầu điều này. Đó là đạo thứ hai. [25]

“Lại nữa, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni bị nắm giữ bởi sự động loạn, vì để điều phục tâm mà ngồi, ngồi ngay ngắn trụ tâm, thiện xảo trụ tâm, cục bộ trụ tâm, điều phục tâm, chỉ quán, nhất tâm, bình đẳng tiếp thọ. [26] Như thế chánh hướng an trụ nhiều, lìa được các sử. Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni trước mặt tôi tự xác nhận, tôi ủy dụ ‘Lành thay như vậy!’ Hoạc suy cầu điều này. Đó là đạo thứ ba. [27]

“Lại nữa, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni chỉ và quán hòa hợp, cả hai cùng thực hành, tác ý như thế mà chánh hướng an trụ nhiều, sẽ dứt hết các sử. Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni trước mặt tôi rự xác nhận, tôi ủy dụ ‘Lành thay như vậy!’ Hoặc suy cầu điều này. Đó là đạo thứ tư. [28]“

Sau khi các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Tôn giả A-nan dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

KINH 560. BÀ-LA-MÔN [29]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cù-sư-la, nước Câu-diệm-di. Bấy giờ Tôn giả A-nan cũng ở đó.

Lúc ấy có Bà-la-môn đi đến chỗ Tôn giả A-nan. Sau khi cùng chào đón hỏi thăm, ông ngồi xuống một bên, hỏi Tôn giả A-nan:

“Vì sao Tôn giả ở chỗ Sa-môn Cù-đàm tu phạm hạnh?”

Tôn giả A-nan trả lời bà-la-môn:

“Vì đoạn trừ.”

Bà-la-môn ấy lại hỏi:

“Thưa Tôn giả, đoạn dứt cái gì?”

“Đoạn dứt ái [30].”

“Thưa Tôn giả A-nan, y chỉ gì để đoạn dứt ái?”

“Này bà-la-môn, y chỉ dục [31] để đoạn dứt ái.”

“Thưa Tôn giả A-nan, há không phải không có biên tế? [32]”

“Này bà-la-môn, đúng thế, dục có biên tế, không phải không có biên tế.”

“Thưa Tôn giả A-nan, thế nào là có biên tê, không phải không có biên tế?

“Này bà-la-môn, nay tôi hỏi ông, tùy ý mà trả lời. Ông nghĩ thế nào, trước đây có dục muốn đến tinh xá không?”

Bà-la-môn đáp:

“Đúng vậy, thưa Tôn giả A-nan !”

“Như thế, Bà-la-môn, sau khi đến tinh xá, dục kia dứt phải không?”

“Đúng vậy, thưa Tôn giả A-nan, tôi bằng những sự tinh tấn, phương tiên, trù lượng khi mà đi đến tinh xá.”

Tôn giả A-nan lại hỏi:

“Sau khi đến tính xá thì sự tính tấn, phương tiên, trù lượng ấy có dứt không?”

“Đúng vậy.”

Tôn giả A-nan lại nói với bà-la-môn:

“Như thế,  [147b] Bà-la-môn, Như Lai, Ứng cúng, Đẳng Chánh giác, là đấng Tri giả, Kiến giả, nói bốn như ý túc, bằng nhứt thừa đạo mà thanh tịnh chúng sanh, diệt khổ não, đoạn ưu bi. Những gì là bốn? Như ý túc đươc thành tựu với sự cần hành trên dục định. Như ý túc đươc thành tựu với sự cần hành trên tính tấn định, tâm định, tư duy định. [33] Như thế Thánh đệ tử tu dục định, đoạn tham ái, thành tựu bốn như ý túc, y viễn ly, y vô dục, y giải thoát, y diệt, hướng đến xả đoạn dứt ái. Tham ái dứt rồi, dục kia cũng dứt. Tu tính tấn định, tâm định, tư duy định, đoạn tham ái, thành tựu, y viễn ly, y vô dục, y giải thoát, y tịch diệt, hướng đến xả, tham ái dứt sạch. Ái dứt sạch rồi, tư duy định liền dứt.

“Này bà-la-môn, ý ông thế nào, đây chẳng phải là biên tế chăng?”

Bà-la-môn thưa:

“Thưa Tôn giả A-nan, đây là biên tế chứ chẳng phải không có biên tế.”

Bà-la-môn nghe Tôn giả A-nan nói, hoan hỷ, tùy hỷ, làm lễ rồi đi.

KINH 561. CÙ-SƯ [34]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cù-sư-la, nước Câu-diệm-di. Bấy giờ Tôn giả A-nan cũng ở đó. Lúc ấy trưởng giả Cù-sư-la đi đến chỗ Tôn giả A-nan, cúi đầu đảnh lễ Tôn giả, rồi ngồi xuống một bên, thưa Tôn giả A-nan:

“Thưa Tôn giả A-nan, thế nào gọi là vị thuyết pháp trong thế gian? Sao gọi là thiện hướng trong thế gian? [35] Sao gọi là thiện đáo trong thế gian? [36]

Tôn giả A-nan bảo trưởng giả Cù-sư-la:

“Bây giờ, tôi hỏi ông, tùy ý đáp câu hỏi của tôi. Này trưởng giả, ý ông nghĩ sao, nếu có vị thuyết pháp để điều phục tham dục, điều phục sân nhuế, điều phục ngu si, được gọi là vị thuyết pháp trong thế gian không?”

Trưởng giả đáp:

“Thưa Tôn giả A-nan, nếu có vị thuyết pháp để điều phục tham dục, điều phục sân nhuế, điều phục ngu si; vị ấy được gọi là vị thuyết pháp trong thế gian.”

Tôn giả A-nan lại hỏi trưởng giả:

“Ý ông nghĩ sao, nếu trong đời có vị hướng đến điều phục tham dục, điều phục sân nhuế, điều phục ngu si, đó gọi là vị thiện hướng trong thế gian. Nếu trong đời có vị đã điều phục tham dục, sân nhuế, ngu si, vị đó gọi là thiện đáo hay chẳng phải?”

Trưởng giả đáp:

“Thưa Tôn giả A-nan, nếu trong đời có vị đã điều phục tham dục không dư tàn; điều phục sân nhuế, ngu si không dư tàn, vị đó gọi là thiện đáo.”

Tôn giả A-nan nói:

“Tôi thử hỏi ông, ông đã chân thật trả lời nghĩa ấy như vậy, ông hãy thọ trì.”

Trưởng giả Cù-sư-la sau khi nghe những gì Tôn giả A-nan chỉ dạy, hoan  hỷ,  [147b] tùy hỷ, làm lễ rồi lui ra.

KINH 562. NI-KIỀN [37]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di-hầu, nước Tỳ-xá-ly. Bấy giờ Tôn giả A-nan cũng ở đó. Lúc ấy có Vô Úy người Li-xa [38] là đệ tử của Ni-kiền, và Thông Minh đồng tử [39] người Li-xa là đệ tử của A-kì-tì, [40] cả hai cùng đi đến chỗ Tôn giả A-nan. Sau khi cùng nhau ân cần hỏi thăm xong, họ ngồi xuống một bên.

Khi ấy, Li-xa Vô Úy nói với Tôn giả A-nan:

“Thầy tôi Ni-kiền Tử đã diệt trừ pháp thiêu đốt, [41] thanh tịnh siêu xuất, đã vì các đệ tử nói đạo lý như vầy: Nghiệp của đời trước, do thực hành khổ hành nên chắc chắn có thể được trút bỏ; [42] thân nghiệp chẳng tạo tác, chặt đứt cầu đò, trong đời vị lai, không còn các lậu, các nghiệp vĩnh viễn đoạn tận. Nghiệp vĩnh viễn đoạn tận nên các khổ vĩnh viễn chấm dứt. Khổ vĩnh viễn chấm dứt nên cứu cánh biên tế khổ. Thưa Tôn giả A-nan, nghĩa này như thế nào?”

Tôn giả A-nan bảo Vô Úy:

“Như Lai, Ứng cúng, Đẳng Chánh giác, là bạc Tri giả, Kiến giả, nói ba thứ đạo dứt lìa sự thiêu đót, thanh tịnh siêu xuất, [43] bằng nhất thừa đạo mà thanh tịnh chúng sanh, lìa ưu bi, vượt qua khổ não, được pháp chân như. [44] Những gì là ba? Như vậy, Thánh đệ tử sống an trụ trong tịnh giới, thọ trì Ba-la-đề-mộc-xoa, oai nghi đầy đủ, tín nơi các tội lỗi mà sinh ý tưởng sợ hãi. Giữ gìn tịnh giới đầy đủ như vậy; nghiệp cũ dần dần trút sạch, ngay trong hiện tại được lìa nhiệt não, không đợi thời tiết, chứng đắc chánh pháp, quán sát thông đạt bằng sự hiện thấy, tự giác ngộ bằng trí tuê. Này trưởng giả Li-xa, đó gọi là Như Lai, Ứng cung, Đẳng Chánh giác, là bạc Tri giả, Kiến giả, nói ba thứ  [175a] đạo dứt lìa sự thiêu đốt, thanh tịnh siêu xuất, bằng nhất thừa đạo mà thanh tịnh chúng sanh, lìa ưu bi, vượt qua khổ não, được pháp chân như.

“Lại nữa Vô Úy, với tịnh giới đã đầy đủ như thế, mà ly dục, lìa pháp ác bất thiện cho đên, chứng và an trụ đệ tứ thiền. Đó gọi là Như Lai, Ứng cúng, Đẳng Chánh Giác nói lìa nhiệt não được pháp như thật.

“Lại có tam-muội chánh thọ, đối với Khổ Thánh đế này biết như thật; Khổ tập Thánh đế, Khồ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo Thánh đế biết như thật. Thành tựu một cách đầy đủ tâm trí tuệ như thế, nghiệp mới chẳng tạo, nghiệp cũ dần dần dứt sạch, ngay trong hiện tại được lìa nhiệt não, không đợi thời tiết, chứng đắc chánh pháp, quán sát thông đạt bằng sự hiện thấy, tự giác ngộ bằng trí tuệ. Này trưởng giả Li-xa, đó gọi là Như Lai, Ứng cung, Đẳng Chánh giác, là bạc Tri giả, Kiến giả, nói ba thứ đạo dứt lìa sự thiêu đót, thanh tịnh siêu xuất, bằng nhất thừa đạo mà thanh tịnh chúng sanh, lìa ưu bi, vượt qua khổ não, được pháp như thật.”

Bấy giờ, đệ tử của Ni-kiền tử là Li-xa Vô Úy, im lặng trong giây lâu. Đệ tử của A-kì-tì là Li-xa Thông Minh lặp lại với Vô Úy rằng:

“Lạ thay, Vô Úy! Sao im lặng như vậy? Pháp được khéo giảng nói bởi Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác, là đấng Tri giả, Kiến giả, ông nghe mà không tùy hỷ chăng?”

Li-xa Vô Úy đáp:

“Vì tôi đang suy nghĩ nghĩa ấy nên im lặng. Ai nghe pháp được khéo giảng nói bởi Thế Tôn Sa-môn Cù-đàm, mà không tuỳ hỷ? Nếu có người nào nghe pháp được khéo giảng nói bởi Thế Tôn Sa-môn Cù-đàm mà không tuỳ hỷ thì đó là kẻ ngu si, sẽ lâu dài cam chịu khổ quả, không phải nghĩa lợi, không phải hữu ích.”

Bấy giờ đệ tử của Ni-kiền tử là Li-xa Vô Úy, và đệ tử của A-kì-tì là Li-xa Thông Minh nghe lại lời nói pháp của Phật do Tôn giả A-nan nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, từ chỗ gồi đứng dậy ra đi.

KINH 563. TỲ-KHEO-NI [45]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả A-nan cũng ở đó.

Lúc ấy có một Tỳ-kheo-ni khởi tâm nhiễm trước đối với Tôn giả A-nan, sai người đến thưa Tôn giả A-nan:

“Thân con bị bệnh khổ, xin Tôn giả thương xót đến thăm.”

Tôn giả A-nan sáng sớm đắp y mang bát đến chỗ Tỳ-kheo-ni kia. Tỳ-kheo-ni kia từ xa trông thấy Tôn giả A-nan đi đến, để thân thể loã lồ nằm trên giường. Tôn giả A-nan từ xa trông thấy thân thể của Tỳ-kheo-ni liền thu nhiếp các căn, đứng xoay lưng lại. Tỳ-kheo-ni kia trông thấy Tôn giả A-nan thu nhiếp các căn, đứng xoay lưng lại, liền tự cảm thấy hổ thên. Cô đứng lên khoác lại y phục, trải tọa cụ, đón tiếp Tôn giả A-nan, mời ngồi, cúi đầu đảnh lễ sát chân Tôn giả, rồi lui đứng sang một bên.

Lúc ấy, Tôn giả A-nan liền vì Tỳ-kheo-ni này nói pháp:

“Này Cô, như cái thân này là do thức ăn uế tạp nuôi lớn, do kiêu mạn nuôi lớn, do ái nuôi lớn, do dâm dục nuôi lớn. Này Cô, nương nơi thức ăn uế tạp thì nên dứt các thức ăn uế tạp. Nếu nương nơi kiêu mạn, nên dứt kiêu mạn. Nương nơi ái dục, hãy dứt ái dục.

“Này Cô, thế nào gọi là nương nơi thức ăn uế tạp thì dứt thức ăn uế tạp? Thánh đệ tử đối với sự ăn uống, phải xét lường, suy nghĩ mà ăn, không ăn với ý tưởng đắm đuối lạc thú, không ăn với ý tưởng kiêu mạn, không ăn với ý tưởng trau chuốt, không ăn với ý tưởng làm đẹp; mà chỉ vì duy trì thân, chỉ vì nuôi sống, vì trị cái bệnh đói khát, vì nhiếp thọ phạm hạnh, vì muốn làm dứt các cảm thọ cũ, các cảm thọ mới chẳng phát sinh, nuôi lớn theo tập quán cao thượng; hoặc lực, hoặc lạc, hoặc xúc nên trụ như thế. Thí như khách buôn dùng dầu tô hay dầu nấu đặc để bôi xe, không có ý tưởng nhiễm trước, không có ý tưởng kiêu mạn, không có ý tưởng trau chuốt, không ý tưởng làm đẹp mà chỉ vì chuyên chở. Lại như người bị bệnh ghẻ bôi dầu không ý tưởng nhiễm trước hay ưa thích, không ý tưởng kiêu mạn, không có ý tưởng trau chuốt, không có ý tưởng làm đẹp mà vì lành bệnh ghẻ. Như thế Thánh đệ tử xét lường mà ăn, không ăn với ý tưởng đắm đuối lạc thú, không ăn với ý tưởng kiêu mạn, không ăn với ý tưởng trau chuốt, không ăn với ý tưởng làm đẹp; mà chỉ vì duy trì thân,  [148b] chỉ vì nuôi sống, vì trị cái bệnh đói khát, vì nhiếp thọ phạm hạnh, vì muốn làm dứt các cảm thọ cũ, các cảm thọ mới chẳng phát sinh, nuôi lớn theo tập quán cao thượng; hoặc lực, hoặc lạc, hoặc xúc, không lỗi lầm, trụ an ổn. Này cô, đó gọi là nương thức ăn thì dứt ăn.

“Nương kiêu mạn thì dứt kiêu mạn. Thế nào thì nương kiêu mạn dứt kiêu mạn? Thánh đệ tử nghe Tôn giả kia, hay đệ tử của Tôn giả kia sạch hết các hữu lậu, tâm giải thoát vô lậu, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự biết tác chứng, tự biết rằng: Ta, sự sinh đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã xong, không còn tái sinh nữa. Nghe rồi liền nghĩ rằng: Thánh đệ tử kia hết sạch hữu lậu, tự biết không còn tái sinh nữa. Còn ta ngày nay vì sao không hết hữu lậu, vì sao không tự biệt còn tái sinh nữa? Ngay lúc đó chắc chắn sẽ có thể dứt các hữu lậu, tự biết không còn tái sinh nữa. Này Cô, đó gọi là nương kiêu mạn thì dứt kiêu mạn.

“Này Cô, thế nào là nương ái thì dứt ái? Thánh đệ tử nghe Tôn giả kia, hay đệ tử của Tôn giả kia hết sạch các pháp hữu lậu, tự biết không còn tái sinh nữa. Còn chúng ta sao chẳng hết hữu lậu tự biết không còn tái sinh nữa. Ngay lúc ấy có thể dứt các hữu lậu tự biết không còn tái sinh nữa Này Cô, đó gọi là nương ái thì ái dứt. Này Cô, người không còn việc để làm, tức là người đã cắt đứt cầu đò, đoạn tuyệt dâm dục.”

Khi Tôn giả A-nan nói pháp, Tỳ-kheo-ni xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Tỳ-kheo-ni ấy thấy pháp đắc pháp, giác pháp, nhập pháp, không còn hồ nghi, chẳng do người khác, đối với chánh pháp luật, tâm không sợ hãi.

Tỳ-kheo-ni đến đảnh lễ sát chân Tôn giả A-nan và thưa:

“Ngày nay con xin phát lồ sám hối. Con ngu si, bất thiện, làm ra chuyện xấu xa như thế. [148c] Nay ở nơi Tôn giả A-nan, con tự thấy lỗi lầm, tự biết lỗi, con xin phát lồ sám hối, mong Tôn giả thương xót.”

Tôn giả A-nan bảo Tỳ-kheo-ni:

“Bây giờ Cô đã chân thật tự thấy tội, biết lỗi, ngu si, bất thiện. Cô tự biết đã tạo tội xấu xa. Cô tự biết, tự thấy và ăn năn lỗi lầm, ở đời vị lai sẽ được đầy đủ giới. Nay tôi nhận sự sám hối của cô, vì thương xót muốn khiến Cô được tăng trưởng pháp thiện trọn không thối giảm. Vì sao? Người tự thấy tội, tự biết tội, luôn sám hối thì ở đời vị lai sẽ được đầy đủ giới, pháp lành tăng trưởng, trọn không thối giảm.”

Tỳ-kheo-ni này sau khi nghe Tôn giả A-nan nói pháp, khi thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

KINH 564. BÀ-ĐẦU [46]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật cùng Tôn giả A-nan ở tại Kiều trì, [47] du hành trong nhơn gian, đi đến rừng Thân-thứ, [48] phía bắc làng Bà-đầu. [49]

Bấy giờ các thiếu niên tại làng Bà-đầu nghe nói Tôn giả A-nan ở tại Kiều-trì, du hành trong nhơn gian, đi đến rừng Thân-thứ, phía bắc làng Bà-đầu; họ bèn kêu gọi nhau tập họp lại, rồi cùng nhau đi đến chỗ Tôn giả A-nan. Sau khi đảnh lễ Tôn giả, họ ngồi xuống một bên. Lúc ấy Tôn giả A-nan bảo các thiếu niên:

“Này các Hổ chủng, [50] Như Lai, Ứng cúng, Đẳng Chánh Giác, nói bốn thứ thanh tịnh: [51] giới thanh tịnh, tâm thanh tịnh, kiến thanh tịnh, giải thoát thanh tịnh.

“Thế nào là giới thanh tịnh? Thánh đệ tử trụ nơi Ba-la-đề-mộc-xoa, giới tăng trưởng, oai nghi đầy đủ, đối với tội vi tế cũng sinh sợ hãi, giữ gìn các học giới; giới thân chưa trọn vẹn có thể làm cho đầy đủ hoàn toàn, đã đầy đủ rồi tùy thuận giữ gìn, tính tấn nổ lực vượt lên, siêng năng dũng mãnh, thân, tâm pháp luôn luôn nhiếp thọ. Đó gọi là giới tịnh đoạn. [52]

“Này các Hổ chủng? Thế nào là tâm tịnh đoạn? Thánh đệ tử ly dục, lìa pháp ác bất thiện chứng và an trụ đệ tứ thiền; định thân chưa đầy đủ thì làm cho được đầy đủ, đã đầy đủ rồi thì tùy thuận giữ gìn, muốn tính tấn luôn luôn nhiếp thọ. Đó gọi là tâm tịnh đoạn. [53]

“Này các Hổ chủng, thế nào gọi là kiến tịnh đoạn? Thánh đệ tử nghe Đại Sư nói pháp; với pháp được nói như vậy, như vậy; như vậy, như vậy mà nhập chánh quán như thật; như vậy, như vậy mà được hoan  [149a] hỷ, được tùy hỷ, được theo Phật.

“Lại nữa, Thánh đệ tử tuy chẳng nghe Đại Sư nói pháp, nhưng nghe từ bậc minh trí được các đồng phạm hanh tôn trọng. Nghe các đồng phạm hanh được tôn trọng nói như vậy, như vậy; như vậy, như vậy mà nhập chánh quán như thật; như vậy, như vậy mà được hoan hỷ, được tùy hỷ, có tín đối chánh pháp.

“Lại nữa, Thánh đệ tử chẳng được nghe Đại Sư nói pháp, cũng chẳng nghe từ bậc minh trí được các đồng phạm phạm hanh tôn trọng nói. Chỉ nghe những điều đã nghe, và thọ trì trước kia, đọc đi đọc lại tập quen. Sau khi thọ trì những điều đã nghe trước kia mà đọc đi đọc lại như vậy, như vậy rồi; như vậy, như vậy mà thâm nhập có tín đối chánh pháp.

“Lại nữa Thánh đệ tử chẳng nghe Đại Sư nói pháp, cũng chẳng nghe từ bậc minh trí được các đồng phạm hanh tôn trọng nói lại, cũng chẳng có thể đọc lại những điều đã được thọ trì trước kia, nhưng với pháp đã được nghe trước kia mà nói rộng cho người khác; với pháp đã được nghe trước kia mà nói rộng cho người khác như vậy, như vậy rồi; như vậy, như vậy mà thâm nhập có tín đối chánh pháp.

“Lại nữa, Thánh đệ tử chẳng nghe Đại Sư nói pháp, cũng chẳng nghe từ bậc minh trí được các đồng phạm hạnh tôn trọng nói lại, cũng chẳng có thể đọc lại những điều đã được thọ trì trước kia, cũng chẳng có thể với pháp đã được nghe trước kia mà nói rộng cho người khác; nhưng đối với pháp đã được nghe trươc kia, một mình ở chỗ vắng vẻ tư duy quán sát. Tư duy quán sát như vậy, như vậy rồi; như vậy, như vậy mà thâm nhập có tín đối chánh pháp.

“Như thế từ người khác được nghe, bên trong chánh tư duy. Đó gọi là chánh kiến chưa khởi khiến khởi. Chánh kiến đã khởi làm cho rộng thêm. Đó gọi là giới thân chưa đầy đủ làm cho đầy đủ; giới thân đã đầy đủ rồi, tùy thuận giữ gìn, muốn nổ lực tính tấn luôn luôn nhiếp thọ. Đó gọi là kiến tịnh đoạn. [54]

“Này các Hổ chủng, thế nào gọi là giải thoát thanh tịnh đoạn? Thánh đệ tử đối với tâm tham mà vô dục, được giải thoát; đối với tâm sân, si mà vô dục, được giải thoát. Giải thoát như thế chưa đầy đủ khiến cho đầy đủ; đã đầy đủ rồi tùy thuận giữ gìn, muốn tính tấn luôn luôn nhiếp thọ. Đó gọi là giải thoát tịnh đoạn.” [55]

Sau khi nghe Tôn giả A-nan chỉ dạy xong, các thiếu niên làng Bà-đầu, tùy hỷ, hoan hỷ, làm lễ rồi lui.

 


 [1] Ấn Thuận Hội biên, Tụng vi. Đệ tử sở thuyết, 32. Tương ưng A-nan. Gồm các kinh Đại chánh 556 (cuối quyển 20) – 565 (phần đầu quyển 21).

 [2] Đại chánh, kinh 556.

 [3] An-thiền lâm 安禪林. Pāli: Añjanavana, khu rừng gần thị trấn Sāketa.

 [4] Sa-kỳ 娑祇. Pāli: Sāketa, thị trấn phước Kosala.

 [5] Vô tướng tâm tam-muội 無相心三昧. Pāli: animittā (ceto)samādhi.

 [6] Hán: bất dũng bất một 不勇不沒.

 [7] Nội dung như kinh tiếp theo.

 [8] Đại chánh, kinh 557. A. 9. 37 (iv. 428).

 [9] Cù-sư-la viên 瞿師羅園. Pāli: Ghositārāma, tinh xá do Ghosita ở Kosambī dựng.

 [10] Xà-tri-la Tỳ-kheo-ni 闍知羅比丘尼. Pāli: Jaḷilavāsikā bhikkhuni. Sớ giải: Tỳ kheo sống ở thị trấn Jaṭila.

 [11] Cf. A. iv. 428: ayaṃ samādhi na  cābhinato na cāpanato na ca sasaṅkhāra- niggayhavāritagato vimuttattā  ṭhito,  ṭhitattā  santusito,  santusitattā no  paritassati. tam-muội này không bị kéo tới (bởi tham; Hán dịch: không vọt lên), không bị kéo ngang (bởi sân; Hán dịch: không chìm xuông), nhiếp phục chế ngự (các phiền não) không do hữu hành (dụng công), do giải thoát mà an trụ do an trụ mà tri thúc, do tri túc mà không sợ hãi.

 [12] Đại chánh, kinh 558.

 [13] Đại chánh quyển 21, kinh 559. Pāli, S.35.192 Kāmabhū (iv. 166).

 [14] Ba-la-lợi-phất-đố-lộ 波羅利弗妒路. Có lẽ Pāli: Pāṭaliputta. S 35. 192: Phật trú tại tính xá Ghositārāma, Kosambī.

 [15] Già-ma 波羅. Pāli: Kāmabhū.

 [16] Kê lâm tinh xá 雞林精舍, Pāli: Kukkuṭārāma, một tăng-già-lam ở Pāṭaliputta. S 35. 192: tính xá Ghositārāma.

 [17] S.35.192: ‘Con mắt là hệ phược của sắc, hay sắc là hệ phược của con mắt?”

 [18] Vô tưởng tâm tam muôi 無想心三昧; tức vô tướng (tâm) tam muội.

 [19] Đại chánh, kinh 560. Pāli, A..4.170 Yuganandha.

 [20] Tự ký thuyết 自記說. Pāli ibid. : arahattapattiṃ vyākaroti, tự xác nhận đắc quả A-la-hán.

 [21] Pāli ibid;: sabbo so catuhi aṅgehi etesaṃ vā aññatarena, “(tự ký thuyết) bằng bốn chi, hay một trong bốn chi.” Bốn chi này liên hệ tu tập chỉ quán (samatha, vipassana).

 [22] Cf. Du-già 30 (tr. 450c15): tu tập xa-ma-tha 奢摩他 (samatha, chỉ) với 9 tâm trụ: nội trụ, đẳng trụ, an trụ, cận trụ, điều thuận, tịch tĩnh, tối cực tịch tĩnh, chuyên chú nhất thú, đẳng trì.

 [23] Chi thứ nhất A ibid.: samathapubbaṅgaṃ vipassaṃ bhāveti, tu quán dẫn đầu bởi chỉ.

 [24] Du-già 30 (tr. 451b13): y chỉ nội tâm xa-ma-tha mà tu tì-bát-xá-na 毘缽舍那 (vipassanā: quán), đối với pháp mà chân chánh tư lưong giản trạch.

 [25] Chi thứ hai A ibid.: vipassanāpubbaṅgamaṃ samathaṃ bhāveti, tu chỉ dẫn đầu bởi quán.

 [26] Hán: nhất tâm đẳng thọ hoá 一心等受化; không rõ nghĩa.

 [27] Chi thứ ba, A ibid. samathavipassanaṃ yuganaddhaṃ bhāveti, chỉ quán song tu.

 [28] Chi thứ tư A. ibid.: dhammuddhaccaviggahitaṃ mānasaṃ hoti, tác ý để diệt trừ sự loạn động đối với pháp.

 [29] Đại chánh, kinh 561. Pāli, S. 51.15 Brāhmaṇa.

 [30] S 51. 15: chandappahānathaṃ, mục đích đoạn trừ dục. Sớ giải: dục ở đây là ái dục (taṇhāchanda).

 [31] S ibid.: chandasamādhippadhānasaṃkhāra-samannāgataṃ iddhipādaṃ, y chỉ dục tam-ma-địa cần hành thần túc. Tức tu bốn thần túc.

 [32] S ibid: dục đoạn trừ bởi dục, vậy thì có giới hạn hay không giới hạn (santakaṃ hoti no santakaṃ)

 [33] Dục, tính tấn định, tâm định, tư duy định; thứ tự này không đồng với các bản khác: dục, tâm, tính tấn, tư duy. Pāli: chanda-samādhi-, citta-samādhi-, viriya-samādhi-, vīmaṃsā-samādhippadhānasaṃkhāra-samannāgataṃ iddhipādaṃ.

 [34] Đại chánh, kinh 562. S. 35. 129. Ghosita.

 [35] Thế gian thiện hướng. Pāli: loke suppaṭipanna, vị hành trì chân chánh, hay khéo hành trì trong đời..

 [36] Thế gian thiện đáo; chỗ khác: thế gian Thiên thệ. Pāli: loke sugata, vị đã khéo léo đi đến (Niết-bàn).

 [37] Đại chánh, kinh 563. Pāli, A.3.74 Nigaṇṭha.

 [38] Vô Úy Ly-xa 無畏離車. Pāli: Abhaya-licchavi.

 [39] Thông Minh đồng tử 聰明童子. Pāli: Paṇḍita Kumarāka.

 [40] A-kỳ-tỳ 阿耆毘. Pāli: Ājīvīka, tà mạng ngoại đạo. Xem kinh 573.

 [41] Hán: xí nhiên pháp 熾然法.

 [42] Pāli: so purāṇānaṃ kammānaṃ tapasā vyantībhāvaṃ paññapeti, ‘Ngài chủ trương phá trừ nghiệp quá khứ bằng sự khổ hành.”

 [43] Pāli: tisso nijjarā visuddhiyo, ba sự diệt tận, thanh tịnh.

 [44] Hán: đắc chân như pháp 得真如法. Pāli: ñāyassa adhigamāya nibbānassa sacchikiriyāya, để chứng đắc như lý; để thân chứng Niết-bàn.

 [45] Đại chánh, kinh 564. Pāli, A .4.159 Bhikkhunī.

 [46] Đại chánh, kinh 565. Pāli, A .4.194 Sāpūgī.

 [47] Kiều-trì 橋池. A. 4. 194: giữa những người Koliya, trong một xón tên là Sāpūga (Sāmuga).

 [48] Thân-thứ lâm 身恕林, rừng cây siṃsapa.

 [49] Bà-đầu tụ lạc quốc 婆頭聚落國. Pāli: Sāpūga.

 [50] Hổ chủng 虎種, tên gọi một dòng họ. Bản Cao li chép đế 帝; bản TNM: khổ 苦. Nay y theo bản Pāli, sửa lại là ‘hổ” 虎. Pāli: Vyagghapajja.

 [51] Pāli: pārisuddhipadhānyaṅga, thanh tịnh cần chi

 [52] Pāli: sīlapārisuddhipadhāniyaṅgaṃ, giới thanh tịnh cần chi.

 [53] Pāli: cittapārisuddhipadhāniyaṅgaṃ, tâm thanh tịnh cần chi.

 [54] Pāli: ditthipārisuddhipadhāniyaṅgaṃ, kiến thanh tịnh cần chi.

 [55] Pāli: vimuttipārisuddhipadhāniyaṅgaṃ, giải thoát thanh tịnh cần chi.