46. Tương Ưng Bà-sa, Kinh 1338-1345

46. TƯƠNG ƯNG BÀ-SA [1]

KINH 1338. THÂN MẠNG [2]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Trúc, Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ có người xuất gia họ Bà-sa, [3] đến chỗ Phật, chấp tay chào hỏi. Chào hỏi xong, ông ngồi xuống một bên, bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm! C, con có điều muốn hỏi.  Ngài có rảnh để trả lời cho không?”

Phật nói với Bà-sa xuất gia:

“Tùy những gì Ông hỏi, Ta sẽ vì Ông mà nói.”

Bà-sa xuất gia bạch Phật:

“Thế nào, thưa Cù-đàm, có phải mệnh tức là thân không?”

Phật nói với Bà-sa xuất gia:

“Mệnh tức là thân, điều này không xác định [4].”

“Thế nào, thưa Cù-đàm, có phải là mệnh khác thân khác không?”

Phật nói với Bà-sa xuất gia:

“Mệnh khác thân khác, điều này cũng không xác định.”

Bà-sa xuất gia bạch Phật:

“Thế nào, thưa Cù-đàm, tôi hỏi ‘Mệnh tức thân?’ thì được trả lời, ‘Không xác định.’ Hỏi, ‘Mệnh khác thân khác?’ Cũng được trả lời: ‘Không xác định.’

“Sa-môn Cù-đàm, y theo những pháp gì [5] mà khi đệ tử mệnh chung  liền được xác định rằng: ‘Người này sinh chỗ kia. Người kia sinh chỗ nọ.’ Các đệ tử kia, khi ở nơi này mệnh chung xả thân, liền nương theo ý sinh thân, [6] sinh vào nơi khác. Ngay lúc đó, chẳng phải là mệnh khác, thân khác sao?”

Phật nói với Bà-sa:

“Đây là nói về hữu dư, chứ không nói vô dư.” [7]

Bà-sa bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, thế nào là hữu dư, chứ không nói vô dư?”

Phật nói với Bà-sa:

“Thí như lửa, có hữu dư [8] thì có thể cháy, chứ không phải không có hữu dư.”

Bà-sa bạch Phật:

“Tôi thấy có lửa không có hữu dư mà cũng cháy.”

Phật nói với Bà-sa:

“Ông thấy lửa thế nào không có hữu dư mà cũng cháy?”

Bà-sa bạch Phật:

“Thí như một đống lửa lớn bị gió lốc thổi qua, làm lửa bốc lên không trung. Đó há không phải là lửa vô dư [9] sao?”

Phật nói với Bà-sa:

“Lửa được gió thổi bốc lên tức là hữu dư, chứ chẳng phải vô dư.”

Bà-sa bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, lửa bay trong không, sao gọi là hữu dư?”

Phật nói với Bà-sa:

“Lửa bay [244b] trong  không trung nương gió mà trụ, nương gió mà cháy. Vì nương vào gió nên nói là hữu dư [10].”

Bà-sa bạch Phật:

“Chúng sinh mạng chung ở nơi này, nương ý sinh thân, vãng sinh nơi khác, tại sao nói là hữu dư?”

Phật nói với Bà-sa:

“Chúng sinh mạng chung ở nơi này, nương ý sinh thân, sinh nơi khác. Ngay lúc ấy, nhân vì ái mà thủ, nhân vì ái mà trụ, nên nói là hữu dư [11].”

Bà-sa bạch Phật:

“Chúng sanh vì ái lạc nên hữu dư, vì nhiễm đắm nên hữu dư. Chỉ có Thế Tôn mới đạt vô dư này mà thành Đẳng Chánh Giác.

“Thưa Sa-môn Cù-đàm, thế gian nhiều duyên sự, xin phép được cáo từ!”

Phật nói với Bà-sa:

“Ông tự biết đúng lúc.”

Bà-sa xuất gia nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy, ra về.

KINH 1339. MỤC-LIÊN [12]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Trúc, Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cũng ở nơi đây. Lúc ấy, có người xuất gia dòng họ Bà-sa, đến chỗ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, cùng Tôn giả gặp nhau, thăm hỏi  khích lệ nhau, rồi ngồi xuống một bên, thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

“Tôi có việc muốn hỏi. Tôn giả có rảnh thì giờ để trả lời cho không?”

Mục-kiền-liên đáp lời Bà-sa:

“Tùy những gì ông muốn hỏi, nếu biết tôi sẽ trả lời.”

Lúc ấy, Bà-sa xuất gia hỏi Tôn giả Mục-kiền-liên:

“Nhân gì, duyên gì mà các Sa-môn, Bà-la-môn khác, có người đến hỏi: ‘Thế nào, Như Lai sau khi chết có còn, không còn; Như Lai sau khi chết vừa có, vừa không; Như Lai sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không có?’ Họ đều tùy theo đó mà đáp. Còn Sa-môn Cù-đàm, nếu có người đến hỏi: ‘Như Lai sau khi chết có còn, không còn; Như Lai sau khi chết vừa có, vừa không; Như Lai sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không có?’ mà lại không xác định?”

Mục-kiền-liên nói với Bà-sa:

“Các Sa-môn, Bà-la-môn khác vì không biết như thật đối với sắc, sự tập khởi sắc, sự diệt tận sắc, vị ngọt của sắc, sự tai hại của sắc, sự xuất ly sắc, nên đối với việc Như Lai sau chết có còn, sanh ra chấp trước; hay sau khi chết Như Lai không còn, Như Lai sau khi chết vừa có, vừa không, Như Lai sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không có, ở đó  sinh khởi chấp trước. Do không biết như thật đối với thọ, tưởng, hành, thức,... sự tập khởi của thức, sự diệt tận của thức, vị ngọt của thức, sự tai hại của thức, sự xuất ly thức. Vì không biết như thật nên đối với việc Như Lai sau khi chết có còn thì sanh ra chấp trước;  sau khi chết không còn, sau khi chết vừa có vừa không, sau khi chết  chẳng phải có chẳng phải không có, sanh ra chấp trước. Còn Như Lai, biết như thật sắc, biết như thật  sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc, vị ngọt của sắc, sự tai hại của sắc, sự xuất ly sắc. Vì biết như thật nên đối với việc Như Lai [244c] sau khi chết có còn, không chấp trước; hay sau khi chết không còn, sau khi chết vừa có vừa không có, sau khi chết chẳng phải có chẳng phải không có, không sanh chấp trước. Biết như thật đối với thọ, tưởng, hành, thức,... biết như thật đối với sự tập khởi của thức, sự diệt tận của thức, vị ngọt của thức, sự tai hại của thức, sự xuất ly thức. Vì biết như thật nên đối với việc Như Lai sau khi chết có còn, không đúng; hay sau khi chết không còn, sau khi chết vừa có vừa không có, sau khi chết chẳng phải có chẳng phải không có, cũng không đúng. Vì Như Lai là sâu xa, rộng lớn, vô lượng, vô số, nhưng tất cả đều tịch diệt.

“Này Bà-sa, do nhân như vậy, duyên như vậy, các Sa-môn, Bà-la-môn khác khi có người đến hỏi: ‘Như Lai sau khi chết có còn, sau khi chết không còn, sau khi chết vừa có vừa không; sau khi chết chẳng phải có chẳng phải không có,’ thì vì họ mà ký thuyết. Cũng vì nhân như vậy, duyên như vậy, đối Như Lai, nếu có người nào đến hỏi: ‘Như Lai sau khi chết có còn, sau khi chết không còn, sau khi chết vừa có vừa không có; sau khi chết chẳng phải có chẳng phải không có,’ Phật không vì họ mà ký thuyết.”

Bà-sa xuất gia sau khi nghe những gì Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

KINH 1340. KỲ TAI [13]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở tại vườn Trúc, Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ có người xuất gia dòng Bà-sa đến chỗ Phật, chấp tay thăm hỏi.Sau khi thăm hỏi xong, ông ngồi xuống một bên, bạch Phật rằng:

“Thưa Cù-đàm, nhân gì, duyên gì mà các Sa-môn, Bà-la-môn khác, nếu có người đến hỏi…” Nói đầy đủ như trên.

Bấy giờ, Bà-sa xuất gia vui vẻ nói rằng:

“Lạ thay! thưa Cù-đàm! Giữa Đại Sư và đệ tử, nghĩa đồng nghĩa, cú đồng cú, vị đồng vị, cho đến đồng đệ nhất nghĩa. Thưa Cù-đàm, hôm nay con có đến chỗ Đại Mục-kiền-liên, dùng nghĩa như vậy, cú như vậy, vị như vậy mà hỏi Tôn giả. Tôn giả cũng dùng nghĩa như vậy, cú như vậy, vị như vậy mà trả lời cho con, như những gì mà Cù-đàm nói hôm nay. Cho nên thưa Cù-đàm, thật là kỳ đặc, giữa Đại Sư và đệ tử, nghĩa đồng nghĩa, cú đồng cú, vị đồng vị, cho đến đồng đệ nhất nghĩa.”

Bấy giờ, Bà-sa xuất gia có nhân duyên đến tụ lạc Na-lê. [14] Sau khi lo liệu mọi việc đã xong, ông đến chỗ Tôn giả Sằn-đà Ca-chiên-diên, [15] cùng nhau thăm hỏi. Sau khi thăm hỏi xong, ông ngồi xuống một bên, rồi hỏi Sằn-đà Ca-chiên-diên:

“Nhân gì, duyên gì mà Sa-môn Cù-đàm, nếu có người đến hỏi: ‘Như Lai sau khi chết có còn, hay sau khi chết không còn; sau khi chết vừa có, vừa không có; sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không có,’ thì không vì họ mà ký thuyết?”

Sằn-đà Ca-chiên-diên nói với Bà-sa xuất gia:

“Bây giờ tôi hỏi [245a] ông, cứ theo ý mà trả lời tôi. Ý ông thế nào?  Hoặc nhân ấy, hoặc duyên ấy, mà các hành được quan niệm [16] rằng: đây là sắc, đây là  vô sắc, đây là  tưởng, đây là  phi tưởng, đây là  phi tưởng phi phi tưởng. Hoặc nhân kia, duyên kia, hành kia, hành diệt không còn, vĩnh viễn diệt rồi, Như Lai đối với họ có ký thuyết rằng: ‘Sau khi chết có, hay sau khi chết không có; sau khi chết vừa có, vừa không; sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không có,’ không?” [17]

Bà-sa xuất gia trả lời Sằn-đà Ca-chiên-diên:

“Hoặc nhân ấy, hoặc duyên ấy, mà các hành được thi thiết [18] rằng: đây là sắc, đây là  vô sắc, đây là  tưởng, đây là  phi tưởng, đây là  phi tưởng phi phi tưởng. Hoặc nhân kia, duyên kia, hành kia, hành diệt không còn; thì làm sao Cù-đàm đối với họ mà ký thuyết: ‘Như Lai, sau khi chết có còn, sau khi chết không còn; sau khi chết vừa có, vừa không; sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không có.’?”

Sằn-đà Ca-chiên-diên nói với Bà-sa xuất gia:

“Cho nên, vì nhân này, vì duyên này mà có người hỏi Như Lai: ‘Như Lai, sau khi chết có còn, sau khi chết không còn; sau khi chết vừa có, vừa không; sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không có,’ Như Lai không vì họ mà ký thuyết.”

Bà-sa xuất gia hỏi Tiên-đa Ca-chiên-diên:

“Ngài làm đệ tử Sa-môn Cù-đàm đã bao lâu rồi như vậy?”

Sằn-đà Ca-chiên-diên đáp:

“Tôi xuất gia tu phạm hạnh trong Chánh Pháp Luật, mới hơn ba năm.”

Bà-sa xuất gia nói:

“Sằn-đà Ca-chiên-diên, nhanh thay, ngài đwợc điều thiện lợi! Mới xuất gia chỉ một thời gian ngắn mà đã đạt được luật nghi về thân, miệng như vậy, và lại được trí tuệ biện tài như vậy.”

Bà-sa xuất gia sau khi nghe những gì Sằn-đà Ca-chiên-diên  nói, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

KINH 1341. KỲ ĐẶC [19]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở tại vườn Trúc, Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ có xuất gia họ Bà-sa, đến chỗ Phật, chấp tay thăm hỏi. Sau khi thăm hỏi xong, ông ngồi xuống một bên, bạch Phật rằng:

“Thưa Cù-đàm! C, con có điều muốn hỏi. Ngài có rảnh giờ để giải đáp cho không?”

Phật nói với Bà-sa xuất gia:

“Tùy theo những gì ông muốn hỏi, Ta sẽ vì ông mà nói.”

Bà-sa xuất gia bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, do nhân gì, duyên gì, mà có người đến hỏi: ‘Như Lai, sau khi chết có còn, sau khi chết không còn, sau khi chết vừa có vừa không, sau khi chết chẳng phải có chẳng phải không có,’ Ngài không vì họ ký thuyết?”

Phật nói với Bà-sa xuất gia:

“…” Như những gì Sằn-đà Ca-chiên-diên đã nói rộng ở trên,... cho đến “sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không có.”

Bà-sa xuất gia bạch Phật:

“Lạ thay! thưa Cù-đàm! Giữa Đại Sư và đệ tử, nghĩa đồng nghĩa, cú đồng cú, [245b] vị đồng vị, cho đến đồng đệ nhất nghĩa. Thưa Cù-đàm, con có chút duyên sự  đến tụ lạc Na-lị-già để lo liệu công việc đã xong, tạm ghé qua chỗ Sa-môn Ca-chiên-diên, đem nghĩa như vậy, cú như vậy, vị như vậy hỏi Sa-môn Ca-chiên-diên. Tôn giả cũng dùng nghĩa như vậy, cú như vậy, vị như vậy để trả lời những gì con hỏi, như  những gì Sa-môn Cù-đàm nói hôm nay. Cho nên biết, thật là kỳ đặc! Giữa Thầy và đệ tử  nghĩa cú vị cả hai đều đồng.”

Bà-sa xuất gia sau khi nghe những gì Phật  nói, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

KINH 1342. HỮU NGÃ [20]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở tại vườn Trúc, Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ có xuất gia họ Bà-sa, đến chỗ Phật, chấp tay thăm hỏi. Sau khi thăm hỏi xong, ông ngồi xuống một bên, bạch Phật rằng:

“Thế nào, thưa Cù-đàm, có ngã không?”

Bấy giờ, Thế Tôn im lặng không đáp. Ba lần hỏi như vậy, Thế Tôn cũng ba lần không đáp.

Lúc ấy, Bà-sa xuất gia thầm nghĩ: “Ta đã ba lần hỏi Sa-môn Cù-đàm, mà không thấy trả lời. Thôi, ta nên trở về.”

Lúc bấy giờ Tôn giả A-nan, đang cầm quạt đứng hầu sau Phật. Tôn giả A-nan liền bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, Bà-sa xuất gia kia ba lần hỏi, vì sao Thế Tôn không đáp? Há không làm tăng ác tà kiến cho Bà-sa xuất gia kia, rằng Sa-môn không khả năng để giải đáp những gì được hỏi?”

Phật nói với A-nan:

“Nếu Ta đáp là có ngã, sẽ làm tăng tà kiến có từ trước  của người kia. Nếu đáp rằng không ngã, mà trước kia người người ấy đã hoài nghi, nay há không tăng thêm nghi hoặc, rằng trước ta hiện hữu, mà từ nay sẽ đoạn diệt. Nếu từ trước đến nay, ta hiện hữu, đó là thường kiến; mà từ nay lại đoạn diệt, đó là đoạn kiến. Như Lai lìa hai bên, thuyết pháp ở giữa. Nghĩa là: ‘Cái này có, nên cái kia có;  cái này khởi nên cái kia sinh. Đó là, duyên vô minh nên có hành... cho đến sinh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, não,  khổ diệt.’”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1343. KIẾN [21]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở tại vườn Trúc, Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ có xuất gia họ Bà-sa, đến chỗ Phật, cùng nhau  thăm hỏi, thăm hỏi xong, ngồi xuống một bên, bạch Phật rằng:

“Thưa Cù-đàm, thế nào, Cù-đàm có thấy như vầy, có nói như vầy: Thế gian thường, đây là chân thật, ngoài ra là hư vọng?”

Phật nói với Bà-sa xuất gia:

“Ta không quan điểm như vầy, không nói như vầy: Thế gian thường, đó là chân thật, [245c] ngoài ra là hư vọng.”

“Thế nào, thưa Cù-đàm, có thấy như vầy, có nói như vầy: Thế gian vô thường; vừa thường, vừa vô thường; chẳng phải thường, chẳng phải vô thường; có biên, không biên; vừa biên, vừa vô biên; chẳng phải biên, chẳng phải vô biên; mạng tức là thân; mạng khác, thân khác; Như Lai sau khi chết có còn, sau khi chết không còn; sau khi chết vừa có vừa không; sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không?”

Phật nói với Bà-sa xuất gia:

“Ta không thấyquan điểm như vầy, không nói như vầy:... cho đến sau khi chết chẳng phải có, chẳng phai không.”

Lúc ấy, Bà-sa xuất gia bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, những kiến giải này có những sai lầm nào, mà đối với tất cả những kiến giải này Ngài không ký thuyết?”

Phật nói với Bà-sa xuất gia:

“Nếu quan điểm như vấy: ‘Thế gian thường, đó là chân thật, ngoài ra đều là hư vọng,’ thì đây là kiến giải điên đảo, là kiến giải do quán sát, là kiến giải động dao, là kiến giải cấu nhiễm, là kiến giải kết sử, là khổ, là ngại, là não, là nhiệt, bị kiến kết trói buộc; phàm phu ngu si không học ở đời vị lai sẽ chịu sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, não, khổ.

“Này Bà-sa xuất gia, nếu thấyquan điểm như vầy: ‘Thế gian vô thường; vừa thường, vừa vô thường; chẳng phải thường, chẳng phải vô thường; có biên, không có biên; vừa biên, vừa vô biên; chẳng phải có biên, chẳng phải không biên; là mạng là thân; mạng khác thân khác; Như Lai, sau khi chết có còn, sau khi chết không còn; sau khi chết vừa có vừa không; sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không’, đó là đảo kiến,... cho đến ưu, bi, não, khổ.”

Bà-sa xuất gia bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, sở kiến của Ngài thế nào?”

Phật nói với Bà-sa xuất gia:

“Như Lai đoạn trừ mọi sở kiến. Này Bà-sa xuất gia, nhưng Như Lai thấy, là thấy rằng ‘Đây là Khổ Thánh đế; Đây là  Khổ tập Thánh đế, sự diệt tận cùa Khổ diệt Thánh đế, Đây là Khổ diệt đạo Thánh đế.’ Sau khi biết như vậy, thấy như vậy rồi, đối với tất cả kiến, tất cả thọ, tất cả sinh, tất cả kiến chấp về ngã, ngã sở, ngã mạn kết sử, thảy đều khiến cho đoạn diệt, tịch tịnh, thanh lương, chơn thật. Đối với Tỳ kheo giải thoát tất cả như vậy, sinh không đúng, không sinh cũng không đúng.”

Bà-sa bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, vì sao nói, sinh không đúng?”

Phật nói với Bà-sa:

“Bây giờ, Ta hỏi ông, cứ tùy ý mà trả lời cho Ta. Này Ba-sa, giống như  có người đốt lửa ở trước ông. Ông có thấy lửa cháy không? Ngay đó dập tắt lửa ở trước ông, ông có thấy lửa tắt không?”

Ba-tha bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, tôi thấy như vậy.”

Phật nói với Ba-tha:

“Nếu có [246a] người hỏi ông, ‘Lửa vừa cháy đó, nay ở chỗ nào? Nó đi về phương Đông, phương Tây, phương Nam, phương Bắc?’ Nếu được hỏi như vậy, ông sẽ nói thế nào?”

Bà-sa bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, nếu có người nào đến hỏi như vậy, con sẽ trả lời như vầy: ‘Nếu có ai đốt lửa ở trước tôi, nhờ nhân duyên củi, cỏ, nên lửa cháy. Nếu không thêm củi, lửa tắt vĩnh viễn không sinh khởi trở lại được. Nói nó đi về phương Đông, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, là không đúng.”

Phật nói với Bà-sa:

“Ta cũng nói như vầy: ‘Sắc đã đoạn, đã biết; thọ, tưởng, hành, thức đã đoạn, đã biết. Đoạn tận gốc rễ của nó như chặt đứt ngọn cây đa-la không thể sinh lại được; đối với đời vị lai không thể sinh khởi trở lại nữa. Nếu bảo, nó đi đến phương  Đông, phương Nam, Tây, Bắc, điều đó không đúng. Vì điều đó sâu xa, rộng lớn, vô lượng, vô số, vĩnh viễn tịch diệt.”

Bà-sa bạch Phật:

“Con sẽ nói thí dụ.”

Phật nói với Bà-sa:

“Ông tự biết đúng lúc.”

Bà-sa bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, thí như gần thành thị hay làng xóm, có một vùng đất màu mỡ, mọc lên một khu rừng kiên cố [22]. Có một cây kiên cố to lớn. Nó sinh trưởng đã trải qua hàng nghìn năm. Lâu ngày, cành lá rơi rụng; vỏ cây khô mục; chỉ còn gốc cây đứng trơ trọi. Cũng vậy, thưa Cù-đàm, Pháp Luật của Như Lai lìa bỏ những thứ cành nhánh cọng lá, chỉ còn trơ gốc không, đứng một mình như cây kiên cố.”

Bấy giờ, Bà-sa xuất gia nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

KINH 1344. VÔ TRI [23]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở tại vườn Trúc, Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ có xuất gia họ Bà-sa, đến chỗ Phật, cùng Thế Tôn  thăm hỏi.Sau khi chào hỏi khích kệ xong, ông ngồi xuống một bên, bạch Phật rằng:

“Thưa Cù-đàm, người kia do không biết cái gì mà quan điểm như vầy, nói như vầy: Thế gian thường, đấy là chân thật, ngoài ra đều là hư vọng. Thế gian vô thường; thế gian vừa thường vừa vô thường; thế gian chẳng phải thường, chẳng phải vô thường; thế gian hữu biên; thế gian vô biên; thế gian vừa hữu biên vừa vô biên; thế gian chẳng phải hữu biên, chẳng phải vô biên; mạng tức là thân; mạng khác, thân khác; Như Lai, sau khi chết có còn, sau khi chết không còn; sau khi chết vừa có, vừa không; sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không?”

Phật nói với Bà-sa:

“Vì đối với sắc mà không biết, nên thấy như vầy, nói như vầy: Thế gian thường, đây là chân thật, ngoài ra đều là hư vọng.... cho đến sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không. Vì đối với thọ, tưởng, hành, thức mà không biết nên thấy như vầy, nói như vầy: Thế gian thường, đây là chân thật, ngoài ra đều là hư vọng.... cho đến sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không.”

Bà-sa bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, do biết pháp gì mà không quan điểm như vầy, không nói như vầy: Thế gian thường, đây là chân thật, ngoài ra đều là hư vọng.... cho đến cho đến sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không?”

Phật nói với Bà-sa:

“Do biết sắc, nên không quan điểm như vầy, không nói như vầy: Thế gian thường, đây là chân thật, ngoài ra đều là hư vọng.... cho đến sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không. Do biết thọ, tưởng, hành, thức, nên không quan điểm như vầy, không nói như vầy: Thế gian thường, đây là chân thật, [246b] ngoài ra đều là hư vọng.... cho đến sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không.”

Cũng như  không biết, và biết, nên không thấy, và thấy như vầy. Cũng vậy, không nhận thức, có nhận thức; không đoạn, đoạn; không quán, quán; không sát, sát; không giác, giác. [24]

Phật nói kinh này xong, Bà-sa xuất gia nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

KINH 1345. XUẤT GIA [25]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở tại vườn Trúc, Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ có xuất gia họ Bà-sa, đi đến chỗ Phật, cùng Thế Tôn  thăm hỏi. Sau khi chào hỏi khích kệ xong, ông ngồi xuống một bên, bạch Phật rằng:

“Thưa Cù-đàm, con có điều muốn hỏi. Ngài có rảnh thì giờ giải đáp cho không?”

Bấy giờ Thế Tôn ngồi im lặng. Bà-sa xuất gia hỏi hai, ba lần, Phật cũng hai, ba lần ngồi im lặng. Lúc ấy, Bà-sa xuất gia bạch Phật:

“Con cùng Cù-đàm thảy đều tùy thuận nhau. Hôm nay con có điều muốn hỏi, sao Ngài lại im lặng?”

Bấy giờ, Thế Tôn nghĩ rằng: “Bà-sa xuất gia này lúc nào cũng chất trực, không dối trá. Những gì muốn hỏi hôm nay đều từ không biết, chứ không phải cố ý nhiễu loạn. Ta nay, nên dùng A-tì-đàm, Luật  để nạp thọ ông ta.” Nghĩ xong, Phật nói với Bà-sa xuất gia:

“Tùy những gì ông hỏi, Ta sẽ vì ông mà giải đáp.”

Bà-sa bạch Phật:

“Thế nào, thưa Cù-đàm, có pháp thiện, pháp bất thiện [26] không?”

Phật đáp:

“ Có.”

Bà-sa bạch Phật:

“Xin Ngài vì con mà nói về pháp thiện, pháp bất thiện, khiến cho con được hiểu.”

Phật nói với Bà-sa:

“Hôm nay, Ta sẽ vì ông mà nói lược về pháp thiện và pháp bất thiện. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ.

Này Bà-sa, tham dục là pháp bất thiện. Điều phục được tham dục, là pháp thiện. Sân nhuế, ngu si là pháp bất thiện. Điều phục được sân nhuế ngu si là pháp thiện. Sát sinh là pháp bất thiện. Lìa sát sinh, là pháp thiện. Trộm cắp, tà dâm, nói dối, hai lưỡi, ác khẩu, phù phiếm, tham nhuế, tà kiến là [246c] pháp bất thiện. Không trộm cắp... cho đến chánh kiến, đó là pháp thiện. Đó là, này Bà-sa, hôm nay Ta đã nói ba thứ pháp thiện, và ba thứ pháp bất thiện. Cũng vậy, khi Thánh đệ tử biết như thật ba thứ pháp thiện và ba thứ pháp bất thiện; biết như thật mười loại pháp thiện và mười loại pháp bất thiện, đối với tham dục được diệt tận không còn sót. Khi  sân nhuế, ngu si, được diệt tận không còn. tất cả pháp hữu lậu đều diệt tận, vô lậu tâm giải thoát, huệ giải thoát, ngay trong đời này tự biết tác chứng: Ta, sự sinh đã hết, Phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa.”

Bà-sa bạch Phật:

“Có Tỳ kheo nào đối với Pháp Luật này đoạn tận hữu lậu, vô lậu tâm giải thoát,... cho đến không còn tái sinh đời sau nữa không?”

Phật nói với Bà-sa:

“Không những chỉ có một, hai, ba, mà cho đến năm trăm; có rất nhiều Tỳ kheo, ở trong Pháp Luật này đã dứt sạch các hữu lậu,... cho đến không tái sinh đời sau nữa.”

Bà-sa bạch Phật:

“Hãy bỏ qua Tỳ kheo. Có một Tỳ kheo ni nàoở trongi Pháp Luật này mà dứt sạch các hữu lậu,... cho đến không tái sinh đời sau nữa không?”

Phật nói với Bà-sa:

“Không những một, hai, ba Tỳ kheo ni mà cho đến năm trăm, có rất nhiều Tỳ kheo ni, ở trong Pháp Luật này đã hết các hữu,... cho đến không tái sinh đời sau nữa.”

Bà-sa bạch Phật:

“Xin bỏ qua Tỳ kheo ni. Có một Ưu-bà-tắc nào tu các phạm hạnh, ở trong Pháp Luật này đã thoát khỏi hồ nghi không?”

Phật nói với Bà-sa:

“Không những chỉ có một, hai, ba, mà cho đến năm trăm Ưu-bà-tắc, cho đến có rất nhiều Ưu-bà-tắc, tu các phạm hạnh, ở trong Phật Luật này, đã đoạn năm hạ phần kết, được thành A-na-hàm không tái sinh lại cõi này nữa.”

Bà-sa bạch Phật:

“Xin bỏ qua Ưu-bà-tắc. Có một Ưu-bà-di nào, ở trong Pháp Luật này tu các phạm hạnh; đối với Pháp Luật này đã thoát khỏi hồ nghi không?”

Phật nói với Bà-sa:

“Không những chỉ có một, hai, ba, mà cho đến năm trăm Ưu-bà-di, cho đến có rất nhiều Ưu-bà-di, ở trong Pháp Luật này, đã đoạn năm hạ phần kết, hóa sinh đắc A-na-hàm không tái sinh lại cõi này nữa.”“

Bà-áa bạch Phật:

“Xin hãy bỏ qua Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di tu phạm hạnh. Có Ưu-bà-tắc nào hưởng thọ ngũ dục, mà ở trong Pháp Luật này thoát khỏi hồ nghi không?”

Phật nói với Bà-sa:

“Không những chỉ có một, hai, ba, mà cho đến năm trăm, cho đến có rất nhiều Ưu-bà-tắc, có gia đình vợ con, trang sức hương hoa, nuôi dưỡng nô tỳ, [347a] mà ở trong Pháp Luật này đã đoạn trừ ba kết; tham, nhuế, si đã mỏng, đắc Tư-đà-hàm, chỉ còn một lần qua lại, cứu cánh thoát khổ.”

Bà-sa bạch Phật:

“Xin bỏ qua Ưu-bà-tắc. Có một Ưu-bà-di nào hưởng thọ ngũ dục mà ở trong Pháp Luật này thoát khỏi hồ nghi không?”

Phật nói với Bà-sa:

“Không những một, hai, ba mà cho đến năm trăm, cho đến rất nhiều Ưu-bà-di ở tại gia, nuôi nấng con cái, hưởng thụ ngũ dục, trang điểm hoa thơm mà ở trong Pháp Luật này đã đoạn tận ba kết, đắc Tu-đà-hoàn, không còn đọa vào pháp đường dữ, quyết định hướng thẳng Chánh giác, chỉ còn qua lại bảy lần sinh trong trời người, cứu cánh thoát khổ.”

Bà-sa bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, như Sa-môn Cù-đàm đã thành Đẳng Chánh Giác. Nếu Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di tu phạm hạnh; Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di hưởng thụ ngũ dục, mà không được công đức như vậy, không đầy đủ. [27] Nhưng vì Sa-môn Cù-đàm thành Đẳng Chánh Giác; Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà di tu phạm hạnh, cùng Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di hưởng thụ ngũ dục, do thành tựu những công đức như vậy, nên đó là sự đầy đủ. Thưa Cù-đàm, bây giờ con sẽ nói thí dụ.”

Phật nói với Bà-sa:

“Ông cứ tùy ý mà nói.”

Bà-sa bạch Phật:

“Như trời mưa to, nước chảy xuống thành giòng. Pháp Luật của Cù-đàm lại cũng như vậy. Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, hoặc nam, hoặc nữ, tất cả đều theo giòng hướng đến Niết-bàn, chuyển đến Niết-bàn. Kỳ lạ thay! Phật, Pháp, Tăng, bình đẳng pháp và luật. [28] Nếu những xuất gia ngoại đạo khác đến chỗ Cù-đàm, ở trong Chánh Pháp Luật muốn cầu xuất gia thọ cụ túc thì phải mất bao nhiêu thời gan mới cho phép xuất gia?”

Phật nói với Bà-sa:

“Nếu những xuất gia ngoại đạo khác muốn cầu xuất gia thọ cụ túc ở trong Chánh Pháp Luật, phải qua bốn tháng ở bên Hòa thượng thọ y chỉ mà an trụ. Nhưng điều này chỉ vì người mà tạm bày ra giới hạn mà thôi [29].”

Bà-sa bạch Phật:

“Nếu những xuất gia ngoại đạo muốn đến cầu xuất gia thọ cụ túc ở trong Chánh Pháp Luật, được phép ở bên Hòa thượng nhận lãnh y chỉ, và nếu đủ bốn tháng thì cho phép xuất gia. Vậy, nay con có thể ở bên Hòa thượng bốn tháng thọ y chỉ. Nếu ở trong Chánh Pháp Luật mà được xuất gia thọ cũ túc, con sẽ xuất gia thọ cụ túc tu trì Phạm hạnh ở trong pháp Cù-đàm.”

Phật nói với Bà-sa:

“Trước đây Ta không nói là tạm vì người mà bày ra giới hạn sao?”

Bà-sa [347b] bạch Phật:

“Đúng vậy, thưa Cù-đàm!”

Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:

“Các ngươi nên độ Bà-sa này xuất gia thọ cụ túc ở trong Chánh Pháp Luật.”

Xuất gia dòng họ Bà-sa liền được phép xuất gia thọ cụ túc thành Tỳ kheo ở trong Chánh Pháp Luật,... cho đến  trong nửa tháng những gì cần học, cần biết, cần phân biệt, cần thấy, cần đắc, cần hiểu rõ, cần chứng, ông đều biết, đều phân biệt, đều thấy, đều đắc, đều hiểu rõ, đều chứng Chánh pháp của Như Lai.

Tôn giả Bà-sa tự nghĩ: “Nay ta đã học những gì cần biết, cần phân biệt, cần thấy, cần đắc, cần hiểu rõ, cần chứng, tất cả những điều đó ta đều biết, đều phân biệt, đều thấy, đều đắc, đều hiểu rõ, đều chứng. Bây giờ, ta nên đến gặp Thế Tôn.”

Ngay lúc ấy, Bà-sa đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi đứng sang một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn! N, những gì cần học con cần biết, cần phân biệt, cần thấy, cần đắc, cần hiểu rõ, cần chứng, con đều biết, đều phân biệt, đều thấy, đều đắc, đều hiểu rõ, đều chứng chánh pháp của Thế Tôn. Xin Thế Tôn vì con mà thuyết pháp, sau khi con nghe rồi, sẽ ở một mình nơi vắng vẻ  chuyên tinh tư duy, sống không buông lung, tư duy về lý do người thiện nam cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chánh tín xuất gia học đạo,... cho đến tự biết không còn tái sinh đới sau nữa.”

Phật nói với Bà-sa:

“Có hai pháp tu tập, tu tập thường xuyên, đó là chỉ và quán. Tu tập, tu tập nhiều hai pháp này, sẽ biết được quả báo của các giới, hiểu rõ các giới; biết các giới loại sai biệt, hiểu rõ các giới sai biệt. Tỳ kheo, như vậy muốn cầu ly dục, pháp ác bất thiện,... cho đến thành tựu, trụ đệ tứ thiền; an trụ từ, bi, hỷ xả, không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ; khiến ba kết của ta diệt tận, đắc Tu-đà-hoàn; với ba kết đã tân diệt, tham, nhuế, si mỏng, đắc Tư-đà-hàm; với năm hạ phần kết đã diệt tận, đắc A-na-hàm; với  các thứ cảnh giới thần thông, thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm trí, túc mạng trí, sinh tử trí, lậu tận trí, tất cả đều đạt được. Cho nên, Tỳ kheo, hãy tu hai pháp, tu tập, tu tập nhiều. Nhờ tu tập hai pháp, nên biết các thứ giới,... cho đến lậu tận.”

Tôn giả Bà-sa sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ làm lễ mà lui.

Bấy giờ, Tôn giả Bà-sa ở một mình nơi vắng vẻ  chuyên tinh tư duy, sống không buông lung, ... cho đến tự biết không còn tái sinh đới sau nữa.

Lúc ấy có nhiều Tỳ kheo phượng tiện trang nghiêm muốn đến cung kinh cúng dường Thế Tôn. Bấy giờ, Tôn giả Bà-sa hỏi [347c] các Tỳ kheo:

“Có phải các thầy phương tiện trang nghiêm muốn đến cung kính cúng duồng Thế Tôn không?”

Các Tỳ kheo đáp:

“ Vâng.”

Bà-sa nói các Tỳ kheo:

“Tôn giả cho tôi gởi lời kính lễ thăm hỏi Thế Tôn: ‘Thế Tôn sống nhẹ nhàng, ít bệnh, ít não, an lạc không?’ Và bạch: ‘Tỳ kheo Bà-sa bạch Thế Tôn rằng: Con đã cúng dường, phụng sự Thế Tôn đầy đủ, khiến Thế Tôn hài lòng, chứ không phải không hài lòng. Những gì mà đệ tử của Đại Sư cần làm, con đã làm xong. Đã cúng dường Đại Sư, khiến Thế Tôn hài lòng, chứ không phải không hài lòng.”

Bấy giờ, các Tỳ kheo đến chỗ Phật đảnh lễ sát chân, ngồi xuống một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, Tôn giả Bà-sa kính đê đầu kính lễ sát chân Thế Tôn,... cho đến hài lòng chứ không phải không hài lòng.”

Phật nói với các Tỳ kheo:

“Chư Thiên đã nói trước cho Ta rồi, nay các ngươi lại nói. Như Lai đã thành tựu tri kiến đệ nhất, cũng như Tỳ kheo Bà-sa có đức lực như vậy.”

Bấy giờ Thế Tôn vì Tỳ kheo Bà-sa kia mà nói thọ ký bậc nhất.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.


 [1] Tương ưng Bà-sa, gồm các kinh Đại chánh, kinh 957-964 (giữa quyển 34). Quốc dịch, tụng viii. Như lai tụng, Tương ưng 6. Bà-sa chủng. Ấn Thuận Hội biên, tương ưng 46: Bà-sa xuất gia. Tương đương Pāli, một phần các kinh thuộc S. 33. Vacchagottasamyutta.

 [2] Đại chánh, kinh 957. Pāli, tham chiếu S. 44.9. Kutūhalasālā (luận nghị đường). Biệt dịch, No 100(190).

 [3] Bà-sa chủng xuất gia 婆蹉種出家. Pāli: Vacchagottaparibbājaka, xuất gia ngoại đạo thuộc chủng tộc Vaccha.

 [4] Hán: vô ký 無記. Pāli: avyākata.

 [5] Bản Cao-ly: hà đẳng kỳ 何等奇. Bản Phật quang sửa lại: hà đẳng pháp 何等法.

 [6] Ý sinh thân 意生身, hay ý thành thân, Pāli: manomaya-kāyā, thân được tác thành bởi ý; một loại hóa sanh.

 [7] Hữu dư 有餘; Pāli: upādiesa, tàn dư của hữu y. Niết-bàn với sự tồn tại của ngũ uẩn chưa tan rã gọi là hữu dư y niết-bàn (saupādisesa-nibbāna). Niết-bàn với sự xả bỏ hoàn toàn ngũ uẩn gọi là vô dư (y) niết-bàn (anupādiesa-nibbāna).

 [8] Hữu dư, đây được hiểu là nhiên liệu.

 [9] Vô dư, đây chỉ lửa không nhiên liệu.

 [10] Hữu dư, upādiesa, đây được hiểu là sở y.

 [11] Ở đây hữu dư đồng nghĩa với chấp thủ.

 [12] Đại chánh, kinh 958. Pāli, S.44.7. Moggalāna (Āyatana). Biệt dịch, No 100(191).

 [13] Đại chánh, kinh 959. Quốc dịch chia làm hai kinh: “Kỳ tai”, và “Tiên-na Ca-chiên-diên.” Ấn Thuận cũng chia làm hai. Pāli, S.44.11. Sabhiyo. Biệt dịch, No 100(192, 193).

 [14] tụ lạc Na-lê 那梨聚落. Pāli: Nātike Giñjakāvasatte.

 [15] Sằn-đà Ca-chiên-diên 詵陀迦旃延. Pāli: Sabhiyo Kaccāno.

 [16] Bản Cao-ly: hành thân thi thiết. Bản Minh: chủng thi thiết chư hành . Ấn Thuận Hội biên, Phật quang và Quốc dịch đều sữa theo bản Minh. Tham chiếu Pāli: “Có nhân này, có duyên này, để tuyên bố (=thi thiết) rằng: đây là sắc, đây là vô sắc…”

 [17]. Tham chiếu Pāli: so ca hetu, so ca paccayo sabbena sabbaṃ sabbathā sabbaṃ aparisesaṃ nirujjheyya, kena naṃ paññāpanāya rūpī ti vā ảūpī ti vā… “Nếu nhân ấy, duyên ấy hoàn toàn diệt tận, vĩnh viễn diệt tận, do cái gì mà nói (=thi thiết): đây là sắc, đây là vô sắc…?”

 [18] Bản Cao-ly: hành thân thi . Bản Minh: chủng thi thiết chư hành . Ấn Thuận Hội biên, Phật quang và Quốc dịch đều sữa theo bản Minh. Tham chiếu Pāli: “Có nhân này, có duyên này, để tuyên bố (=thi thiết) rằng: đây là sắc, đây là vô sắc…”

 [19] Đại chánh, kinh 950. Pāli, S.44.8 Vaccho (Bhandham). Biệt dịch No 100 (194).

 [20] Đại chánh, kinh 961. Pāli, S.44.10. Ānando. Biệt dịch, No 100(195).

 [21] Đại chánh, kinh 962. Pāli, M. 72. Aggivacchagotta-suttanta. Biệt dịch, No 100(196).

 [22] Kiên cố thọ, tức cây ni-câu-loại, loại cây đa.

 [23] Đại chánh, kinh 863. Pāli, S.33.1-5 Aññāṇā. Biêt dịch, No 100(197).

 [24] Nghĩa là, như khinh trên, thay các từ  “biết/không biêt” bằng các từ tương ứng.

 [25] Đại chánh, kinh 964. Pāli, M.73. MahāVacchagottasuttanta. Biệt dich, No 100(198).

 [26] Bản Cao-ly không có “pháp bất thiện.” Ấn Thuận theo TNM thêm vào. M 73: sādhu me bhavaṃ gotamo saṃkhitena kusālakusaṃ desetu, lành thay, mong tôn giả Gotama nói một cách tóm tắt cho tôi thiện và bất thiện.

 [27] Nghĩa là, pháp của Phật chưa hoàn hảo.

 [28] Hán dịch không rõ nghĩa. Trong bản Pāli, đoạn này là lời Vacchagotta xin Quy y Phật, Pháp, Tăng.

 [29] Pāli: do sự sai biệt về tâm tính của mỗi người.