44. Tương Ưng Ma-ha-nam, Kinh 1308-1317

44. TƯƠNG ƯNG MA-HA-NAM [1]

KINH 1308. ƯU-BÀ-TẮC [2]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở trong vườn Ni-câu-luật, nước Ca-tỳ-la-vệ. [3] Bấy giờ có người họ Thích là Ma-ha-nam [4] đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi xuống một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-tắc?” [5]

Phật nói với Ma-ha-nam:

“Có đủ tướng người nam, sống tại gia sống trong sạch, tu tập thanh bạch, và nói rằng: ‘Nay, suốt đời con quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, làm Ưu-bà-tắc. Xin chứng tri cho con!’ Đó gọi là Ưu-bà-tắc.”

Ma-ha-nam bạch Phật:

“Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-tắc có đầy đủ tín?” [6]

Phật nói với Ma-ha-nam:

“Ưu-bà-tác có chánh tín đối với Như Lai, gốc rễ bền chặt, khó lay chuyển, mà các Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma, Phạm, và người thế gian không ai có thể phá hoại được. Ma-ha-nam, đó gọi là Ưu-ba-tắc có đầy đủ tín.”

Ma-ha-nam bạch Phật:

“Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-trắc có giới có đủ?” [7]

Phật nói với Ma-ha-nam:

“Ưu-bà-tắc lìa bỏ sát sinh, không cho mà lấy, tà dâm, nói dối, uống ruợu, không vui thích làm những điều này nữa. Ma-ha-nam, đó gọi là Ưu-bà-tắc có giới đầy đủ.

Ma-ha-nam bạch Phật:

“Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-tắc có nghe đầy đủ?” [8]

Phật nói với Ma-ha-nam:

“Ưu-bà-tắc có nghe đày đủ là, sau khi nghe, có thể ghi nhớ, có thể tích tập. Những gì Phật nói khoảng đầu, khoảng giữa, khỏng cuối đều thiện, thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh trong sạch, người ấy đều có khả năng thọ trì, đó gọi là Ưu-bà-tắt có nghe, có đủ.”

Ma-ha-nam bạch [236c] Phật:

“Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-tắc có thí xả đầy đủ?” [9]

Phật nói với Ma-ha-nam:

“Ưu-ba-tắc có thí xả đày đủ là, khi bị trói buộc bởi caun bẩn của xan tham, tâm lìa cấu bau bẩn của xan tham, sống tại gia [10] mà tu bố thí giải thoát, [11] tinh cần bố thí, thường hành bố thí, ưa xả tài vật, bố thí bình đẳng. Ma-ha-nam. Đó gọi là Ưu-bà-tắc có xả đầy đủ.”

Ma-ha-nam bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-tắc có trí tuệ đầy đủ?”

Phật nói với Ma-ha-nam:

“Ưu-bà-tắc có trí tuệ đầy đủ là, biết như thật rằng ‘Đây là Khổ,’ ‘Đây là Khổ tập,’ ‘Đây là Khổ diệt,’ ‘Đây là Khổ diệt đạo.’ Ma-ha-nam, đó gọi là Ưu-bà-tắc có trí tuệ có đủ.”

Ma-ha-nam họ Thích sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy làm lễ rồi lui.

KINH 1309. THÂM DIỆU CÔNG ĐỨC [12]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Câu-ni-luật, tại nước Ca-tỳ-la-vệ. Bấy giờ có người họ Thích là Ma-ha-nam cùng với năm trăm Ưu-bà-tắc đi đến chỗ Phật đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi xuống một bên, bạch phật:

“Bạch Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-tắc?”

Phật đáp:

“Ưu-bắc-tắc là người sống trong sạch tại gia... cho đến suốt đời quy y Tam bảo, làm Ưu-bà-tắc. Xin chứng tri cho con.”

Ma-ha-nam bạch Phật:

“Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-tắc Tu-đà-hoàn?” [13]

Phật nói với Ma-ha-nam:

“Ưu-bà-tắc Tư-đà-hoàn là vị mà ba kết sử thân kiến, giới thủ, và nghi, đã đoạn tận, đã biến tri. Ma-ha-nam, đó gọi là Ưu-bà-tắc Tu-đà-hoàn.”

Ma-ha-nam bạch Phật:

“Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-tắc Tư-đà-hàm?”

Phật nói với Ma-ha-nam:

“Ưu-bà-tắc Tư-đà-hàm là vị mà ba kết sử đã đoạn tận, đã biến tri; tham dục và sân nhuế đã mỏng. Ma-ha-nam, đó gọi là Ưu-ba-tắc Tư-đà-hàm.”

Ma-ha-nam bạch Phật:

“Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-tắc A-na-hàm?”

Phật nói với Ma-ha-nam:

“Ưu-bà-tắc A-na-hàm là vị mà năm hạ phần kết sử tức thân kiến, giới cấm thủ, nghi, tham dục, và sân nhuế, đã đoạn tận, đã biến tri. Ma-ha-nam, đó gọi là Ưu-bà-tắc A-na-hàm.” [14]

Bấy giờ, Ma-ha-nam quay nhìn năm trăm Ưu-bà-tắc, nói rằng:

“Kỳ diệu thay các vị Ưu-bà-tắc, sống tại gia thanh bạch, lại được công đức sâu xa như vậy!”

Ưu-bà-tắc Ma-ha-nam sau nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ rồi lui.

KINH 1310. NHẤT THIẾT SỰ [15]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Ni-câu-luật, nước Ca-tỳ-la-vệ. [237a] Bấy giờ, có người họ Thích là Ma-ha-nam đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi xuống một bên, bạch Phật:

“Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-tắc?”

Phật nói với Ma-ha-nam:

“Ưu-bà-tắc là người sống tại gia trong sạch,... cho đến suốt đời quy y Tam bảo, làm Ưu-bà-tắc. Xin chứng tri cho con.”

Ma-ha-nam bạch Phật:

“Thế Tôn, sao là làm thành mãn tất cả sự của Ưu-bà-tắc?”

Phật nói với Ma-ha-nam:

“ Ưu-bà-tắc có tín, nhưng không giữ giới, đó là không đầy đủ, mà hãy nổ lực tinh cần, có đủ tịnh giới. Có đủ tín và giới, nhưng không bố thí thì cũng chưa đủ. Vì chưa đủ nên phải nổ lực tinh cần, tu tập bố thí để làm được đủ. Tín, giới và thí đã đầy đủ, nhưng nếu không tùy thời đến Sa-môn để lắng nghe, lãnh thọ chánh pháp, vẫn chưa đủ. Vì chưa đủ cho nên phải nổ lực tinh cần, tùy thời đến chùa tháp, gặp các Sa-môn, nhưng không chuyên tâm lắng nghe lãnh thọ chánh pháp, vẫn chưa đủ. Tín, giới, thí và nghe tu tập đã đầy, nhưng nghe rồi mà không ghi giữ, vẫn chưa có đủ. Vì không đủ nên phải nổ lực tinh cần, tùy thời đến Sa-môn, chuyên tâm lắng nghe pháp, nghe rồi thì phải khéo ghi giữ. Nếu không thể quán sát nghĩa lý sâu xa của các pháp, đó chưa phải là đủ. Vì không chưa đầy đủ nên phải nổ lực tinh cần hơn, làm cho có đủ. Tín, giới, bố thí, nghe, nghe rồi thì khéo ghi giữ, ghi giữ rồi quán sát nghĩa lý sâu xa, mà không tùy thuận để biết hướng đến pháp tùy pháp, đó vẫn chưa là đầy đủ. Vì chưa đầy đủ nên phải nổ lực tinh cần. Tín, giới, bố thí, nghe, ghi giữ, quán sát, hiểu rõ nghĩa lý sâu xa, và tùy thuận thực hành pháp tùy pháp. Ma-ha-nam, đó gọi là có đủ tất cả sự của Ưu-bà-tắc.”

Ma-ha-nam bạch Phật:

“ Thế Tôn, sao là Ưu-bà-tắc hay tự an ủy mình, [16] chẳng an ủy người khác?” [17]

Phật nói với Ma-ha-nam:

“ Ưu-bà-tắc có thể tự mình đứng vững trong giới nhưng không thể khiến cho người đứng vững trong chánh giới; tự mình giữ tịnh giới, nhưng không thể khiến cho người khác giữ giới đầy đủ; tự mình làm việc bố thí, nhưng không thể xác lập bố thí nới người khác; tự mình đi chùa tháp, đến gặp các sa-môn, nhưng không thể khuyên người khác đi chùa tháp, đến gặp Sa-môn; tự mình chuyên nghe pháp, nhưng không thể khuyên người thích nghe chánh pháp; nghe chánh pháp rồi tự mình thọ trì, nhưng không thể khiến người khác thọ trì chánh pháp; tự mình có thể quán sát nghĩ lý sâu xa, nhưng không thể khuyên người quán sát nghĩa lý sâu xa; tự mình biết pháp sâu xa có thể tùy thuận thực hành pháp tùy pháp, nhưng không thể khuyên người khiến họ tùy thuận thực hành pháp tùy pháp.

Này Ma-ha-nam, [237b] người thành tựu tám pháp như vậy, gọi là Ưu-bà-tắc có thể tự an ủi, nhưng không thể an ủi người khác.”

Ma-ha-nam bạch Phật:

“Thế Tôn, Ưu-bà-tắc thành tựu bao nhiêu pháp để tự an úy và giúp người được an úy?”

Phật nói với ma-ha-nam:

“Nếu Ưu-bà-tắc nào thành tựu mười sáu pháp, gọi là Ưu-bà-tắc tự an úy và giúp người được an úyï.”

“Những gì là mười sáu pháp?

“Này Ma-ha-nam, Ưu-bà-tắc đủ có chánh tín, và cũng xác lập chánh tín cho người khác; tự mình giữ tịnh giới, cũng xác lập tịnh giới cho người khác; tự mình hành bố thí và khuyên bảo người hành bố thí; tự mình đến chùa tháp gặp các Sa-môn, cũng khuyên bảo người khác đến gặp các Sa-môn; tự mình chuyên cần nghe pháp, cũng khuyên bảo người nghe; tự mình thọ trì pháp và dạy người khác thọ trì; tự mình quán sát nghĩa khuyên bảo người quán sát; tự mình biết nghĩa lý sâu xa tùy thuận tu, hành pháp tùy pháp, cũng lại khuyên bảo người hiểu rõ nghĩa lý sâu xa, tùy thuận tu hành pháp tùy pháp. Này Ma-ha-nam, người nào thành tựu mười sáu pháp như vậy, gọi là Ưu-bà-tắc có thể tự an úy và làm người khác được an úy.

“Này Ma-ha-nam, Ưu-bà-tắc thành tựu mười sáu pháp như vậy, tất cả mọi người trong các chúng Bà-la-môn, chúng Sát-lị, chúng Trưởng giả, chúng Sa-môn, đều đến chỗ họ. Ở trong các chúng này, oai đức của họ sáng chói. Giống như mặt trời, ánh sáng chiếu soi cả sáng, trưa, chiều. Cũng vậy, Ưu-bà-tắc nào thành tựu mười sáu pháp, oai đức họ cũng tỏ rạng cả đầu, giữa và cuối. Như vậy, này Ma-ha-nam, Ưu-bà-tắc nào thành tựu mười sáu pháp, đó là một điều mà thế gian khó thành tựu được.”

Phật nói kinh này xong, Ma-ha-nam họ Thích sau nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy làm lễ rồi lui.

KINH 1311. TỰ KHỦNG [18]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Ni-câu-luật, nước Ca-tỳ-la-vệ. Bấy giờ, Ma-ha-nam họ Thích đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi xuống một bên, bạch Phật:

“Thế Tôn, nước Ca-tỳ-la-vệ này đang an ổn thịnh vượng, nhân dân phát đạt. Mỗi khi con ra vào, người vật theo hai bên, nào voi điên, người điên, xe điên, thường cùng đi với chúng. Con tự sợ là mình phải cùng sống, cùng chết với bọn điên cuồng này mà quên mất niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tỳ-kheo Tăng. Con tự nghĩ, sau khi mạng chung sẽ sinh vào nơi nào?”

Phật nói với Ma-ha-nam:

“Đừng sợ hãi! Đừng sợ hãi! Sau khi mạng chung ông sẽ không sinh đường dữ, cũng không chết dữ. Thí như cây lớn thuận xuống, nghiêng xuống, chúi xuống, nếu chặt gốc rễ, [237c] sẽ ngả về nơi nào?”

Ma-ha-nam bạch Phật:

“Nó thuận xuống, nghiêng xuống, chúi xuống.”

Phật nói với Ma-ha-nam:

“Ma-ha-nam cũng như vậy, khi mạng chung không sanh đường dữ, cũng không chết dữ. Vì sao? Vì ông đã lâu dài tu tập niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tỳ-kheo Tăng, nên sau khi mạng chung, thân này bị hỏa thiêu, hay bỏ ngoài nghĩa địa, bị gió táp, nắng thiêu lâu ngày thành tro bụi, nhưng vì tâm ý thức đã lâu dài từ trước được huân tập bởi chánh tín, bởi tịnh giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, nên thần thức sẽ hướng lên cõi an lạc, đời sau sanh về cõi trời.”

Sau khi Ma-ha-nam nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, làm lễ rồi lui.

KINH 1312. TU TẬP TRỤ [19]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Ni-câu-luật, nước Ca-tỳ-la-vệ. Bấy giờ, Ma-ha-nam họ Thích đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật, rồi ngồi xuống một bên, bạch Phật:

“Thế Tôn, Tỳ-kheo còn ở nơi học địa mà cầu lên Niết-bàn an ổn chưa được, bạch Thế Tôn, người ấy nên tu tập thế nào, tu tập thường xuyên, để ở trong Pháp Luật này được đoạn tận các lậu, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự tri tự tác chứng, biết rằng: ‘Ta, sự sinh đã dứt, Phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau.’?” [20]

Phật nói với Ma-ha-nam:

“ Tỳ-kheo còn nơi học địa mà cầu lên Niết-bàn an ổn chưa được, Tỳ-kheo ấy lúc bấy giờ, nên tu sáu niệm,... cho đến lên được Niết-bàn. Thí như người đói khát, thân thể ốm yếu, khi được thức ăn ngon, thân thể trở nên mập mạp. Cũng vậy, Tỳ-kheo trụ nơi học địa, cầu con đường lên Niết-bàn an ổn chưa được, nên tu sáu tùy niệm... cho đến chóng đắc Niết-bàn an ổn.

“Những gì là sáu niệm?

“Đối với Phật sự, Thánh đệ tử niệm tưởng: Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sỹ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Thánh đệ tử lúc nhớ nghĩ như vậy không khởi tham dục triền, không khởi tâm sân nhuế, ngu si, tâm chánh trực, đạt nghĩa Như Lai, và được chánh pháp của Như Lai. [21] Đối với chánh pháp Như Lai, đối với Như Lai đạt được tâm tùy hỷ. Do tâm tùy hỷ nên hoan hỷ. Do tâm hoan hỷ nên thân khinh an. Do thân khinh an nên được cảm giác lạc. Do được cảm giác lạc nên tâm được định. Do tâm đã định nên vị Thánh đệ tử này dù ở giữa những chúng sanh hung hiểm mà [22] không bị các chướng ngại, được vào dòng nước pháp... cho đến Niết-bàn.

“Lại nữa, đối với Pháp sự, Thánh [238a] đệ tử niệm tưởng: Pháp Luật của Thế Tôn, ngay trong hiện tại này, có thể lìa nhiệt não sanh tử, không đợi thời tiết, thông đạt hiện pháp, duyên tự mình mà giác tri; Thánh đệ tử niệm Pháp như vậy thì không khởi tham dục, sân nhuế, ngu si... cho đến ý nhớ nghĩ pháp được huân tập, thăng tiến Niết-bàn.

“Lại nữa, đối với Tăng sự, Thánh đệ tử niệm tưởng: Đệ tử Thế Tôn là những vị thiện hướng, chánh hướng, trực hướng, thành thật hướng, [23] hành pháp tùy pháp, có hướng Tu-đà-hoàn, đắc Tu-đà-hoàn; hướng Tư-đà-hàm, đắc Tư-đà-hàm, hướng A-na-hàm, đắc A-na-hàm, hướng A-la-hán, đắc A-la-hán, là bốn đôi tám bậc Hiền thánh. Đó gọi là đệ tử Tỳ-kheo Tăng, tịnh giới có đủ, tam-muôi có đủ, trí tuệ có đủ, giải thoát có đủ, giải thoát tri kiến có đủ của Thế Tôn; đáng được tôn nghinh, thừa sự cúng dường, là ruộng phước tốt. Thánh đệ tử khi niệm tưởng Tăng sự như vậy thì không khởi tham dục, sân nhuế, ngu si... cho đến niệm tưởng Tăng được huân tập, thăng tiến Niết-bàn.

“Lại nữa, đối với tịnh giới sự, Thánh đệ tử tự niệm tưởng: giới không hoại, giới không khuyết, giới không nhơ, giới không tạp, giới không bị nô lệ, [24] giới được khéo hộ trì, giới được người sáng suốt ca ngợi, giới được người trí không nhàm chán. Thánh đệ tử khi niệm tưởng giới như vậy, không khởi tham dục, sân nhuế, ngu si... cho đến niệm tưởng giới được huân tập, thăng tiến Niết-bàn.

“Lại nữa, đối với bố thí sự, Thánh đệ tử tự niệm tưởng: Ta được lợi lộc tốt, giữa những chúng sanh cáu bẩn vì xan tham mà ta lìa được tâm cáu bẩn can tham, sống tại gia [25] mà thực hành bố thí giải thoát, thường tự tay bố thí; thích pháp hành xả, bố thí bình đẳng có đủ. Lúc Thánh đệ tử niệm tuomg bố thí như vậy, không khởi tham dục, sân nhuế, ngu si,... cho đến niệm tưởng bố thí được huân tập, thăng tiến Niết-bàn.

“Lại nữa, đối với chư Thiên, Thánh đệ tử niệm tưởng: Có Tứ đại thiên vương, Tam thập tam thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất-đà thiên, Hóa lạc thiên, Tha hóa tự tại thiên. Nếu người nào có lòng chánh tín, khi mệnh chung ở đây sẽ sinh lên các cõi trời kia. Ta cũng thực hành chánh tín này. Vị kia có tịnh giới, thí, văn, xả, tuệ, đến khi mệnh chung ở đây thì sinh lên cõi trời kia. Nay ta cũng thực hành giới, thí, văn, xả, tuệ này. Thánh đệ tử niệm tưởng thiên như vậy thì không khởi tham dục, sân nhuế, ngu si; tâm chánh trực duyên đến (nhớ nghĩ) chư thiên. Thánh đệ tử kia do trực tâm như vậy mà đạt được pháp lợi, nghĩa lợi sau xa, và được tùy hỷ lợi ích của chư thiên. Do tùy hỷ nên sanh hoan hỷ. Do hoan hỷ nên thân khinh an. Do thân khinh [238b] an nên được cảm giác lạc. Do được cảm giác lạc nên tâm được định. Do tâm định nên vị Thánh đệ tử này dù ở giữa những chúng sanh hung hiểm cũng không bị các chướng ngại, được vào dòng nước pháp. Vì niệm tưởng chư Thiên được huân tập, nên thăng tiến Niết-bàn.

“Này Ma-ha-nam Tỳ-kheo còn ở học địa, muốn cầu lên Niết-bàn an lạc, mà tu tập thường xuyên như vậy, sẽ chóng được Niết-bàn, ở trong Chánh Pháp Luật các lậu nhanh chóng đoạn tận, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự tri tự tác chứng, tự biết rằng ‘Ta, sự sanh đã dứt, Phạm hạnh đã lập, nhưng việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa.’”

Ma-ha-nam sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ rồi lui.

KINH 1313. THẬP NHẤT [26]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Ni-câu-luật, nước Ca-tỳ-la-vệ. Bấy giờ có nhiều Tỳ-kheo tụ tập tại nhà ăn, vá y cho Thế Tôn. Lúc ấy Ma-ha-nam họ Thích nghe các Tỳ-kheo tụ tập tại nhà ăn vá y cho Thế Tôn nói rằng: ‘Không bao lâu, sau ba tháng an cư, khi vá y xong, Thế Tôn sẽ khóac y, mang bát du hành trong nhân gian.’ Sau khi nghe vậy, Ma-ha-nam đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật, rồi ngồi xuống một bên, bạch Phật:

“Thế Tôn, cả người con bất an, bốn phương mờ mịt; pháp đã nghe đều quên hết. Vì con nghe các Tỳ-kheo tụ tập tại nhà ăn, vá y cho Thế Tôn, nói rằng: ‘Không bao lâu, sau ba tháng an cư, khi vá y xong, Thế Tôn sẽ khóac y, mang bát du hành trong nhân gian.’ Cho nên nay con suy nghĩ: ‘Lúc nào mới gặp lại được Thế Tôn và các Tỳ-kheo quen biết?’”

Phật nói với Ma-ha-nam:

“Ngươi dù có gặp, hay chẳng gặp Như Lai, và có gặp, hay chẳng gặp các Tỳ-kheo quen biết, ngươi chỉ cần niệm tưởng năm pháp và tinh cần tu tập. Này Ma-ha-nam, hãy lấy chánh tín làm chủ, chứ không phải là không chánh tín; hãy lấy giới có đủ, đa văn có đủ, thí có đủ, tuệ có đủ làm gốc, chứ không phải là không trí tuệ.

“Cũng vậy, Ma-ha-nam, căn cứ vào năm pháp này, tu sáu niệm xứ. Những gì là sáu? Ma-ha-nam, niệm Như Lai, nên niệm như vầy: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh đẳng Chánh giác... cho đến Phật, Thế Tôn. Nên niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên sự... cho đến tự thực hành, đạt trí tuệ.

“Cũng vậy, Ma-ha-nam, Thánh đệ tử thành tựu mười một pháp thì sự học trọn không bại hoại, có khả năng tri kiến, có khả năng quyết định, trụ cửa cam lộ, gần vị giải thoát, chứ không thể tất cả [238c] cùng lúc chóng đắc cam lộ Niết-bàn. Ví như gà ấp trứng, năm hoặc mười trứng, tùy thời ấp nghỉ, thương yêu bảo vệ chăm sóc; cho dù khoảng giữa lại bỏ bê, cũng còn có thể dùng móng hoặc mỏ để mổ vỡ trứng cho gà con chui ra. Vì sao? Vì gà mẹ lúc ban đầu đã biết tùy thời ấp ủ hay nghỉ ngơi, khéo thương yêu nói với vệ. Cũng vậy, Thánh đệ tử thành tựu mười một pháp, là trụ nơi sự học trọn không bại hoại... không thể tất cả cùng lúc chóng đắc cam lộ Niết-bàn.”

Phật nói kinh này xong, Ma-ha-nam dhọ Thích nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ rồi lui.

KINH 1314. THẬP NHỊ [27]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Ni-câu-luật, nước Ca-tỳ-la-vệ. Bấy giờ có nhiều Tỳ-kheo tụ tập tại nhà ăn để vá y cho Thế Tôn. Lúc ấy Ma-ha-nam họ Thích nghe các Tỳ-kheo tụ tập tại nhà ăn, vá y cho Thế Tôn nói rằng: ‘Không bao lâu, sau ba tháng an cư khi vá y xong, Thế Tôn sẽ khóac y, mang bát du hành trong nhân gian.’ Sau khi nghe, Ma-ha-nam đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật, rồi ngồi xuống một bên, bạch Phật:

“Thế Tôn! Cả người con bất an, bốn phương mờ mịt; trước đây những pháp đã nghe bây giờ bỗng quên hết, vì con nghe các Tỳ-kheo tụ tập tại nhà ăn, vá y cho Thế Tôn,... cho đến du hành trong nhân gian. Con suy nghĩ: ‘Lúc nào mới gặp lại được Thế Tôn và các Tỳ-kheo quen biết?’”

Phật nói với ma-ha-nam:

“Ngươi dù có gặp hay chẳng gặp Như Lai, và có gặp, hay chẳng gặp các Tỳ-kheo quen biết, ngươi lúc nào cũng vẫn phải siêng năng tu sáu pháp. Những gì là sáu pháp? Chánh tín là gốc; giới, thí, văn, xả [28], tuệ là căn bản, chứ không phải không trí tuệ. Cho nên, Ma-ha-nam, ccăn cứ vào sáu pháp này mà nổ lực tu tập tăng thượng sáu tùy niệm: từ niệm Như Lai sự... cho đến niệm Thiên. Thành tựu được mười hai niệm này, Thánh đệ tử đó sẽ giảm bớt các điều ác, không còn tăng trưởng, và bị tiêu diệt không khởi nữa; lìa trần cấu, không tăng trần cấu; lìa bỏ không bám giữ. Không bám giữ nên không dính mắc; vì không dính mắc nên tự chứng Niết-bàn, tự biết rằng ‘Ta, sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa.”

Phật nói kinh này xong, Ma-ha-nam họ Thích nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ rồi lui.

KINH 1315. GIẢI THOÁT [29]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Ni-câu-luật, nước Ca-tỳ-la-vệ. [239a] Bấy giờ, Ma-ha-nam họ Thích đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật, rồi ngồi xuống một bên, bạch Phật:

“Theo như những gì Phật đã dạy, con hiểu: Nhờ chánh định [30] nên giải thoát, không thể không có chánh định. Thế nào, bạch Thế Tôn, có phải đạt chánh định trước, sau mới giải thoát, hay là giải thoát trước rồi sau mới đạt chánh định? Hay chánh định và giải thoát không trước không sau, cả hai sinh cùng lúc?”

Bấy giờ, Thế Tôn im lặng. Ma-ha-nam ba lần hỏi như vậy, nhưng Phật vẫn im lặng. Lúc ấy, Tôn giả A-nan đang đứng sau Phật, cầm quạt hầu Phật. A-nan nghĩ: ‘Ma-ha-nam họ Thích đem nghĩa lý sâu xa hỏi Thế Tôn, nhưng Thế Tôn vừa khỏi bệnh chưa lâu, bây giờ ta nên nói sang chuyện khác để tiếp lời ông.’

“Này Ma-ha-nam, bậc hữu học cũng có giới, bậc vô học cũng có giới; bậc hữu học có tam-muội, bậc vô học cũng có tam-muội; bậc hữu học có tuệ, bậc vô học cũng có tuệ; bậc hữu học có giải thoát, bậc vô học cũng có giải thoát.”

Ma-ha-na m hỏi Tôn giả A-nan:

“Thế nào là giới của bậc hữu học? Thế nào là giới của bậc vô học? Thế nào là tam-muội của bậc hữu học? Thế nào là tam-muội của bậc vô học? Thế nào là tuệ của bậc hữu học? Thế nào là tuệ của bậc vô học? Thế nào là giải thoát của bậc hữu học? Thế nào là giải thoát của bậc vô học?”

Tôn giả A-nan nói với Ma-ha-nam:

“Vị Thánh đệ tử này an trụ nơi giới Ba-la-đề-mộc-xoa, luật nghi, oai nghi, hành xứ; thọ trì học giới; khi đã thọ trì học giới thành tựu rồi, ly dục, pháp ác bất thiện... cho đến chứng và an trụ tứ thiền. Khi đã có đủ tam-muội như vậy rồi, biết như thật ‘Đây là Thánh đế Khổ,’ biết như thật ‘Đây là Thánh đế Khổ tập,’ biết như thật ‘Đây là Thánh đế Khổ diệt,’ biết như thật ‘Đây là Thánh đế Khổ diệt đạo.’ Biết như vậy, thấy như vậy rồi, năm hạ phần kết là thân kiến, giới thủ, nghi, tham dục, sân nhuế, được đoạn tận, được biến tri. Khi năm hạ phần kết này đã đoạn trừ rồi, vị ấy sinh lên cõi kia, đắc Niết-bàn A-na-hàm, không sinh trở lại trong cõi này nữa. Ngay lúc ấy vị ấy thành tựu giới hữu học, tam-muội hữu học, tuệ hữu học, giải thoát hữu học.

“Lại một lúc khác, các hữu lậu diệt tận, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự tác chứng, tự biêt rằng ‘Ta, sự sanh đã dứt, Phạm hạnh đã lập, những việc cầm làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa.’ Lúc bấy giờ, vị ấy thành tựu vô học giới, vô học tam-muội, vô học tuệ, vô học giải thoát.

“Ma-ha-nam, đó [239b] là những gì Thế Tôn nói về học giới, học tam-muội, học tuệ, học giải thoát của bậc hữu học; vô học giới, vô học tam-muội, vô học tuệ, vô học giải thoát của bậc vô học là như vậy.”

Ma-ha-nam họ Thích sau khi nghe những gì Tôn giả A-nan nói, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy lễ Phật rồi lui.

Bấy giờ, Thế Tôn biết Ma-ha-nam vừa đi chưa lâu, nói với Tôn giả A-nan:

“Họ Thích ở Ca-tỳ-la-vệ có thể cùng các Tỳ-kheo bàn luận nghĩa lý sâu xa chăng?”

A-nan bạch Phật:

“Thế Tôn, vâng, họ Thích ở Ca-tỳ-la-vệ có thể cùng bàn luận nghĩa lý sâu xa với các Tỳ-kheo.”

Phật nói với A-nan:

“Những người họ Thích ở Ca-tỳ-la-vệ sẽ nhanh chóng được lợi tốt, bằng tuệ nhãn của Hiền Thánh có thể thâm nhập vào pháp Phật sâu xa.”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1316. SA-ĐÀ [31]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Ni-câu-luật, nước Ca-tỳ-la-vệ. Bấy giờ có họ Thích, tên Sa-đà, [32] nói với Ma-ha-nam:

“Thế Tôn nói Tu-đà-hoàn thành tựu bao nhiêu pháp?”

Ma-ha-nam đáp:

“Thế Tôn nói Tu-đà-hoàn thành tựu bốn pháp. Những gì là bốn? Là đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng có tín thanh tịnh bất hoại, và thành tựu Thánh giới. Đó gọi là Tu-đà-hoàn thành tựu bốn pháp.”

Sa-đà nói với Ma-ha-nam:

“Tôn giả chớ nói, chớ bảo rằng: ‘Thế Tôn nói Tu-đà-hoàn thành tựu bốn pháp.’ Nhưng vị Tu-đà-hoàn đó chỉ thành tựu ba pháp. Những gì là ba? Đối với Phật, đối với pháp, đối với Tăng có tín thanh tịnh bất hoại. Như vậy, Tu-đà-hoàn thành tựu ba pháp.” Ba lần nói như vậy.

Ma-ha-nam họ Thích, không thể khiến cho Sa-đà chấp nhận bốn pháp. Sa-đà họ Thích cũng không thể khiến cho Ma-ha-nam chấp nhận ba pháp. Cả hai cùng đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật, rồi ngồi xuống một bên, Ma-ha-nam họ Thích, bạch Phật:

“Thế Tôn, Sa-đà họ Thích lại chỗ con, hỏi con: ‘Thế Tôn nói Tu-đà-hoàn thành tựu bao nhiêu pháp?’ Con liền đáp: ‘Thế Tôn nói Tu-đà-hoàn thành tựu bốn pháp. Những gì là bốn? Đó là đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng, có tín thanh tịnh bất hoại và thành tựu Thánh giới.’ Tu-đà-hoàn thành tựu bốn pháp như vậy. Sa-đà họ Thích nói: ‘Ma-ha-nam họ Thích chớ [239c] nói rằng: Thế Tôn nói Tu-đà-hoàn thành tựu bốn pháp; mà Tu-đà-hoàn thành tựu chỉ ba pháp. Những gì là ba? Đó là đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng có tín thanh tịnh bất hoại. Thế Tôn nói Tu-đà-hoàn thành tựu ba pháp như vậy.’ Nói ba lần như vậy.

“Con không thể khiến cho Sa-đà họ Thích chấp nhận bốn pháp, và Sa-đà cũng không thể làm cho con chấp nhận ba pháp. Cho nên cả hai đến chỗ Thế Tôn. Nay xin hỏi Thế Tôn, Tu-đà-hoàn thành tựu bao nhiêu pháp?”

Bấy giờ, Sa-đà họ Thích từ chỗ ngồi đứng lên lễ Phật, và chấp tay bạch Phật:

“Thế Tôn, nếu có những pháp tương tự như vậy xảy ra, mà một bên là Thế Tôn, một bên là Tỳ-kheo Tăng, con sẽ theo Thế Tôn, không theo Tỳ-kheo Tăng. Hoặc có những tương tợ như vậy xảy ra, mà một bên là Thế Tôn, một bên là chúng Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, hoặc trời, hoặc Ma, Phạm, hoặc sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, người thế gian, con cũng chỉ theo Thế Tôn, không theo các chúng khác.”

Bấy giờ, Thế Tôn nói với Ma-ha-nam:

“Theo Ma-ha-nam, Sa-đà họ Thích lý luận như vậy, còn ngươi thì thế nào?”

Ma-ha-nam bạch Phật:

“Thế Tôn, Sa-đà họ Thích lý luận như vậy, con còn biết nói sao đây, mà con chỉ còn nói tốt, nói chân thật thôi.”

Phật nói với Ma-ha-nam:

“Cho nên phải biết Tu-đà-hoàn thành tựu bốn pháp: là đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng có tín thanh tịnh bất hoại và thành tựu Thánh giới, và nên thọ trì như vậy.”

Ma-ha-nam họ Thích sau khi nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ rồi lui.

KINH 1317. BÁCH THỦ [33]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong vườn Ni-câu-luật, nước Ca-tỳ-la-vệ. Bấy giờ những người họ Thích ở Ca-tỳ-la-vệ tụ tập tại nhà cúng dường bàn luận, hỏi:

“Ma-ha-nam, thế nào là lời thọ ký tối hậu? Bách Thủ họ Thích [34] mệnh chung, Thế Tôn thọ ký người này đắc Tu-đà-hoàn, không rơi vào pháp đường dữ, nhất định hướng thẳng Chánh giác, còn bảy lần qua lại trời, tgười, cứu cánh thoát khổ. Nhưng Bách Thủ họ Thích phạm giới uống ruợu mà Thế Tôn lại thọ ký người này đắc Tu-đà-hoàn... cho đến cứu cánh thoát khổ. Này Ma-ha-nam, Ông nên đến hỏi Phật rồi như những gì Phật dạy, chúng ta sẽ vâng theo.”

Khi ấy Ma-ha-nam đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi xuống một bên, bạch Phật [240a] rằng:

“Thế Tôn, chúng con, những người họ Thích ở Ca-tỳ-la-vệ tụ tập tại nhà cúng dường bàn luận như vầy: ‘Ma-ha-nam, thế nào là lời nói thọ ký tối hậu? Trong đó Bách Thủ họ Thích mệnh chung, Thế Tôn thọ ký đắc quả Tu-đà-hoàn... cho đến cứu cánh thoát khổ. Nay Ông nên đến hỏi lại Thế Tôn, như những gì Thế Tôn dạy chúng ta sẽ vâng theo.’ Bây giờ con xin hỏi Phật, cúi xin giải thích cho.”

Phật nói với Ma-ha-nam:

“Thánh đệ tử nói: ‘Đại Sư Thiện Thệ! Đại Sư Thiện Thệ!’ Miệng nói Thiện Thệ mà tâm chánh niệm, chánh kiến, tất nhiên thâm nhập Thiện Thệ. Thánh đệ tử nói: ‘Chánh pháp luật! Chánh Pháp Luật!’ Miệng nói Chánh Pháp Luật, mà phát tâm chánh niệm, chánh kiến, tất nhiên thâm nhập Chánh Pháp. Thánh đệ tử nói: ‘Thiện hướng Tăng! Thiện hướng Tăng!’ Miệng nói Thiện hướng, mà phát tâm chánh niệm, chánh kiến thì tất nhiên nhập Thiện hướng. Như vậy, này Ma-ha-nam, Thánh đệ tử đối với Phật một lòng tịnh tín, đối với Pháp, Tăng một lòng tịnh tín, đối với pháp có lợi trí, xuất trí, quyết định trí, tám giải thoát thành tựu, thân tác chứng, bằng trí tuệ mà thấy hữu lậu đã đoạn, đã biến tri. Như vậy, Thánh đệ tử không hướng vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, chẳng đọa đường dữ, nói là A-la-hán Câu giải thoát. [35]

“Lại nữa, Ma-ha-nam, Thánh đệ tử tuyệt đối có tín tâm thanh tịnh đối với Phật... cho đến trí tuệ quyết định, không đạt được bát giải thoát, thân tác chứng, thành tựu an trụ, nhưng vị ấy thấy, biết hữu lậu đã đoạn. Đó gọi là Thánh đệ tử không đọa vào đường dữ,... cho đến tuệ giải thoát.

“Lại nữa, Ma-ha-nam, Thánh đệ tử tuyệt đối có tín tâm thanh tịnh đối với Phật... cho đến trí tuệ quyết định, tuy đã được tám giải thoát, thân tác chứng, an trụ có đủ, nhưng không thấy hữu lậu đoạn. Đó gọi là Thánh đệ tử không đọa vào đường dữ,... cho đến Thân chứng.

“Lại nữa, Ma-ha-nam, Thánh đệ tử tuyệt đối có tín tâm thanh tịnh đối với Phật... cho đến trí tuệ quyết định, không được tám giải thoát, thân tác chứng, thành tựu an trụ, nhưng thấy biết như thật đối với Chánh Pháp Luật. Đó gọi là Thánh đệ tử không đọa vào đường dữ,... cho đến Kiến đáo.

“Lại nữa, Ma-ha-nam, Thánh đệ tử tuyệt đối có tín tâm thanh tịnh đối với Phật... cho đến đến trí tuệ quyết định, tuy có thấy biết như thật đối Chánh Pháp Luật, nhưng chẳng được Kiến đáo. Đó gọi là Thánh đệ tử không đọa vào đường dữ,... cho đến Tín giải thoát.

“Lại nữa, Ma-ha-nam, Thánh đệ tử tin vào ngôn thuyết thanh tịnh của Phật, [36] tin vào ngôn thuyết thanh tịnh của Pháp, của Tăng, đối với năm pháp làm tăng trưởng trí tuệ, quán sát kỹ lưỡng, lãnh thọ [240b], đó là tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ. Đó gọi là Thánh đệ tử không đọa vào đường dữ,... cho đến Tùy pháp hành.

“Lại nữa, Ma-ha-nam, Thánh đệ tử tin nơi ngôn thuyết thanh tịnh của Phật, tin nơi ngôn thuyết thanh của Pháp, của Tăng,... cho đến năm pháp, ít trí tuệ, quán sát kỹ lưỡng, lãnh thọ; đó là tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ. Đó gọi là Thánh đệ tử không đọa vào đường dữ,... cho đến Tùy tín hành.

“Ma-ha-nam, cây kiên cố [37] này mà có thể hiểu nghĩa của những gì Ta đã nói thì thật không có việc này. Nếu nó có thể hiểu thì Ta cũng thọ ký, huống chi Bách Thủ họ Thích mà Ta không thọ ký đắc Tu-đà-hoàn.

“Này Ma-ha-nam, Bách Thủ họ Thích lúc sắp chết, nhờ thọ trì tịnh giới, bỏ uống ruợu nên sau khi mạnh chung Ta ký thuyết ông đắc Tu-đà-hoàn,... cho đến cứu cánh thoát khổ.”

Ma-ha-nam họ Thích nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ rồi lui.


 [1] Tương ưng Ma-ha-nam, gôm các kinh Đại chánh, kinh số 927-936 (giữa quyển 33). Ấn Thuận Hội biên, “44. Tương ưng Ma-ha-nam.” Quốc dịch, quyển 46 tiếp, “4. Tương ưng Ma-ha-nam”.

 [2] Đại chánh, kinh 927. Pāli, S. 55.37  Mahānāma. Cf. No 100(152).

 [3] Pāli: Sakkesu viharati kapilavatthusmiṃ nigrodhārāme.

 [4] Pāli: Sakko Mahānāmo.

 [5] Ưu-bà-tắc 優婆塞. Pāli: upāsaka.

 [6] Hán: tín cụ túc 信具足, cũng nói là tín thành tựu. Pāli: saddhāsampanno.

 [7] Giới cụ túc 戒具足. Pāli: sīlasampanno.

 [8] Văn cụ túc 聞具足. Pali không đề cập.

 [9] Xả cụ túc 捨具足, đây chỉ thí xả hay huệ xả. Pāli: cāgasampanno.

 [10] Trụ ư phi gia 住於非家, có lẽ bản Hán nhầm agāra (nhà) và anagāra (không nhà). Pāli, thành cú: vigatamalamaccherena cetasā agāraṃ ajjhāvasati, sống tại gia với tâm gột trừ cáu bẩn của bỏn xẻn.

 [11] Tu giải thoát thi. Pāli: muttacāgo, thí xả với tâm buông bỏ.

 [12] Đại chánh, kinh 928. Pāli, S. 55.49 Mahānāma. Cf. No 100 (153).

 [13] Bản Pāli: thành tựu bốn chứng tịnh hay bất hoại tịnh.

 [14] Không đề cập A-la-hán. Trong kinh này, tại gia không thể chứng.

 [15] Đại chánh, kinh 929. Pāli, A. 8.25  Mahānāma.

 [16] Hán: tự an ủy 自安慰. Pāli: attahitāya paṭipanno, thực hành vì mục đích tự lợi.

 [17] Hán: an ủy tha 安慰他. Pāli: parahitāya.

 [18] Đại chánh, kinh 930. Tự kinh sợ. Pāli, S. 55. 21-22  Mahānāma.

 [19] Đại chánh, kinh 931. Pāli, A. 6.10  Mahānāma. Cf. No 100 (156).

 [20] Bản Pāli: ariyasāvako āgataphalo viññātasāsano so katamena vihārena bahulaṃ viharati, Thánh đệ tử đã đắc quả, đã thiểu biết giáo pháp, sống thường xuyên với sự an trụ nào?

 [21] Kỳ tâm chánh trực, đắc Như lai nghĩa, đăc Như Lai chánh pháp 其心正直, 得如來義得如來正法. Pāli, thành cú: ujugatacitto labhati atthavedaṃ labhati dhammacedaṃ, tâm chsanh trực, vị ấy đạt được minh triết của nghĩa nghĩa, đạt được minh triết của pháp.

 [22] Pāli: savyāpajjāya pajāya avyāpajjo viharati, sống không hiềm hận đối với người hiềm hận.

 [23]. Hán: thiện hướng, chánh hướng, trực hướng, thành hướng 善向, 正向, 直向, 誠向. Pāli: supaṭipanno (diệu hành), ujupaṭipanno (chất trực hành), ñāyapaæipanno (như lý hành), samīcīpaṭipanno (hòa kỉnh hành).

 [24] Bất thủ tha giới 不他取戒: “không bị người khác lấy đi.” Pāli: bhujissa, tự do, chỉ người nô được giải phóng; đây chỉ giới của người tự do, không bị áp đặt cưỡng chế.

 [25] Xem kinh Đạ chánh 927 trên.

 [26] Đại chánh, kinh 932. Pāli, A. 11.12 Mahānāma.

 [27] Đại chánh, kinh 933. Pāli, A. 11.13 Mahānāma.

 [28] Để bản chép nhầm không空.

 [29] Đại chánh, kinh 934. Pāli, A. 3.73 Sakka.

 [30] Nguyên Hán: chánh thọ 正受, được hiểu là chánh định, tức do tập trung. Pāli: samahitassa ñāṇaṃ, người được chánh định thì có chánh trí.

 [31] Đại chánh, kinh 935. Pāli, S. 55.23  Godhā. Cf. No 100 (159).

 [32] Thích thị Sa-đà 釋氏沙陀. Pāli: sakko godhā.

 [33] Đại chánh, kinh 936. Pāli, S. 55.24  Sarakāni. Cf. No 100 (160).

 [34] Bách Thủ Thích thị 百手釋氏. Pāli: Sarakāni (Saraṇāni). Đọc theo Hán: Satakara hay Satakarī.

 [35] A-la-hán câu giải thoát 阿羅漢俱解脫, hay câu phần giải thoát; A-la-hán chứng diệt tận định. Bản Pāli không có chi tiết này.

 [36] Nhưng vị này chưa thành tựu bốn chứng tịnh.

 [37] Kiên cố thọ 堅固樹, chỉ cây ni-câu-luật (loại); Pāli: nigrodha.