25. Tương Ưng xứ giới uẩn, Kinh 878-887

25. TƯƠNG ƯNG XỨ GIỚI UẨN [1]

KINH 878. LỤC NỘI XỨ [2]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có sáu nội nhập xứ. Những gì là sáu? Đó là nhãn nội nhập xứ, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, và ý nội nhập xứ. Đối với sáu pháp này kham nhẫn quán sát thì gọi là Tín hành, [3] siêu việt, rời sinh vị, [4] rời địa vị phàm  phu, [224c] nhưng chưa đắc quả Tu-đà-hoàn. Cho đến trước khi mạng chung chắc chắn đắc quả Tu-đà-hoàn. Hoặc đối các pháp này mà kham nhẫn tăng thượng quán sát, gọi là Pháp hành, [5] siêu việt, rời sinh vị, rời địa vị phàm phu, nhưng chưa đắc quả Tu-đà-hoàn. Cho đến trước khi mạng chung chắc chắn đắc quả Tu-đà-hoàn. Hoặc đối các pháp này mà quán sát như thật bằng chánh trí, Ba kết là thân kiến, giới thủ, và nghi đã đoạn tận, đã biến tri. Đó gọi là Tu-đa-hoàn, quyết định không bị đọa vào đường dữ, mà nhất định huóng đến Chánh giác, chỉ còn bảy lần qua lại trời người, rốt rao thoát khổ. Đối với các pháp này mà bằng chánh trí quán sát không khởi lên các lậu, ly dục, giải thoát, gọi là A-la-hán, các lậu đã dứt, những việc cần làm đã làm xong, đã lìa bỏ các gánh nặng, đã được lợi mình, các hữu kết chấm dứt, chánh trí tâm giải thoát.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

Như Sáu nội nhập xứ, cũng vậy Sáu ngoại nhập xứ, Sáu thức thân, Sáu xúc thân, Sáu thọ thân, Sáu tưởng thân, Sáu tự thân, Sáu ái thân, Sáu giới thân, Năm ấm cũng nói như trên.

KINH 879. NGŨ CHỦNG CHỦNG TỬ [6]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có năm loại hạt giống sinh. Những gì là năm? Đó là hạt giống từ rễ, hạt giống từ thân, hạt giống từ cành, hạt giống từ đốt, hạt giống từ hạt. Các loại hạt giống này nếu không bị gián đoạn, không bị phá, không bị mục, không bị thương, không bị xoi lủng; khi mới gặp đất mà không gặp nước, các loại hạt giống này không thể sinh trưởng lớn mạnh được. Hoặc nếu gặp nước mà không gặp đất, các loại hạt giống này cũng sẽ không thể sinh trưởng lớn mạnh được. Điều cần là phải gặp đất, gặp nước, các hạt giống này mới có thể sinh trưởng lớn mạnh được. Cũng vậy, nghiệp, phiền não phải có ái, kiến, mạn, vô minh mới sinh hành. Nếu có nghiệp mà không có phiền não, ái, kiến, vô minh, hành sẽ bị diệt.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

Như Hành, cũng vậy Thức, Danh sắc, Lục nhập xứ, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Lão tử cũng nói như vậy.

KINH 880. NHƯ THẬT TRI [7]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ta, đối với thế  gian [225a] và sự tập khởi của thế gian, nếu không biết như thật, trọn không thể ở giữa các chúng Chư thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn cùng các thế gian được cho là bậc giải thoát, là bậc xuất ly, lìa khỏi vọng tưởng điên đảo, cũng không được gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì Ta biết như thật thế gian, và sự tập khởi của thế gian, cho nên Ta ở giữa Chư thiên, Người đời, Ma, Pham, Sa-môn, Bà-la-môn và, các chúng sanh khác được nói là bậc giải thoát, là bậc xuất ly, tâm lìa điên đảo, an trụ đầy đủ, đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.”

Như thế gian, sự tập khởi thế gian, sự diệt tận thế gian, sự xuất ly thế gian; sự tập khởi thế gian, sự diệt tận thế gian, vị ngọt thế gian, tai hại thế gian, sự xuất ly thế gian; sự tập khởi thế gian, sự diệt tận thế gian, sự xuất ly thế gian; sự tập khởi thế gian, con đường đưa đến sự diệt tận thế gian; sự tập khởi thế gian, sự diệt tận thế gian, con đường đư đến sự tập khởi thế gian, con đường đưa đến sự diệt tận thế gian; sự tập khởi thế gian, sự diệt tận thế gian, vị ngọt thế gian, tai hoạn thế gian, sự xuất ly thế gian; sự tập khởi thế gian, sự diệt tận thế gian, con đường đưa đến sự tập khởi thế gian, con đường đưa đến sự diệt tận thế gian, vị ngọt thế gian, tai hoạn thế gian, sự xuất ly thế gian.

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 881. TAM ÁI [8]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có ba ái. Những gì là ba? Đó là dục ái, sắc ái, vô sắc ái. Vì muốn đoạn trừ ba ái này nên phải cầu bậc Đại Sư.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.”

Như cầu bậc Đại sư, thứ sư, giáo sư, uảng đạo sư, độ sư, quảng độ sư, thuyết sư, quảng thuyết sư, tùy thuyết sư, A-xà-lê, đồng bạn, thiện hữu chân tri thức, thương xót, từ bi, muốn ý nghĩa, muốn an ổn, muốn an lạc, muốn xúc chạm, muốn thông suốt, người muốn, người tinh tấn, người phương tiện, người xuất ly, người kiên cố, người dõng mãnh, người kham năng, người nhiếp thọ, người thường, người học, người không buông lung, người tu, người tư duy, người nhớ nghĩ, người giác tưởng, người suy lường, người phạm hạnh, người thần lực, người trí, người thức, người tuệ, người phân biệt, niệm xứ, chánh cần, căn lực, giác đạo, chỉ quán niệm thân, cầu chánh tư duy cũng nói như vậy.

KINH 882. TAM LẬU [9]

 [225b] Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có ba lậu. Những gì là ba? Đó là dục lậu, hữu lậu, và vô minh lậu. Vì đoạn trừ ba lậu này, nên cầu bậc Đại Sư.” 

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

Như cầu bậc Đại sư, cũng vậy… cho đến cầu Chánh tư duy cũng nói như vậy.

KINH 883. LA-HẦU-LA [10]

Tôi nghe như vầy:

Khi Phật ở trong vườn trúc Ca-lan-đà, tại thành Vương-xá. Bấy giờ tôn giả La-hầu-la đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân, road ngồi lui qua một bên, bạch phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, thấy như thế nào, biết như thế nào, để trong thân có thức này của con cùng trong hết thảy tướng của cảnh giới bên ngoài không được nhớ nghĩ đến, ở trung gian đó mà đoạn tận các hữu lậu?”

Phật bảo La-hầu-la:

“Có sáu nội nhập xứ. Những gì là sáu? Đó là nhãn nhập xứ, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý nhập xứ. Đối với các pháp này phải chánh trí quán sát, dứt sạch các hữu lậu, bằng chánh trí tâm hoàn toàn giải thoát. Đó gọi là A-la-hán, đã hết sạch các hữu lậu, những việc cần làm đã làm xong, đã trút hết gánh nặng, nhanh chóng được lợi mình, các hữu kết chấm dứt, chánh tri, tâm được giải thoát.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

Như Sáu nội nhập xứ, cũng vậy Sáu ngoại nhập xứ,… cho đến Năm ấm cũng nói như vậy.

KINH 884. NHÃN DĨ ĐOẠN [11]

Tôi nghe như vầy:

Khi Phật ở trong vườn trúc Ca-lan-đà, tại thành Vương-xá. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu Tỳ-kheo ở nơi mắt mà đoạn trừ dục tham. Dục tham đã đoạn, gọi là mắt đã đoạn, đã biến tri, chặt đứt gốc rễ của nó, như chặt ngọn cây đa-la, đối với đời vị lai sẽ thành pháp chẳng sanh. Như mắt, cũng vậy tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

Như sáu nội nhập xứ, cũng vậy sáu ngoại nhập xứ,… cho đến Năm ấm cũng nói như vậy.

KINH 885. NHÃN SANH [12]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở trong vườn trúc Ca-lan-đà, tại thành Vương-xá. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo mắt sinh, trụ, thành tựu hiển hiện; khổ sinh, bệnh trụ, già chết hiển hiện. Cũng vậy,… cho đến ý cũng [225c] nói như vậy. Nếu mắt diệt mất đi, khổ được chấm dứt, bệnh dứt, già chết không còn,… cho đến ý cũng nói như vậy.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

Như sáu nội nhập xứ, cũng vậy Sáu ngoại nhập xứ,… cho đến Năm ấm cũng nói như vậy.

KINH 886. VỊ TRƯỚC [13]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở trong vườn trúc Ca-lan-đà, tại thành Vương-xá. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu Tỳ-kheo nơi vị ngọt của mắt mà đắm nhiễm, sẽ sinh tùy phiền não. Tùy phiền não sanh, đối với các nhiễm ô tâm không được ly dục; những chướng ngại kia cũng không thể đoạn được,… cho đến ý nhập xứ cũng nói như vậy.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

Như Sáu nội nhập xứ, cũng vậy Sáu ngoại nhập xứ,… cho đến năm ấn cũng nói như vậy.

KINH 887. THIỆN PHÁP KIẾN LẬP [14]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở trong vườn trúc Ca-lan-đà, tại thành Vương-xá. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Thí như mọi công việc ở thế gian đều nương trên đất để kiến lập. Cũng vậy, tất cả mọi pháp thiện đều y cứ vào sáu nội nhập xứ để tạo lập.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

Như Sáu nội nhập xứ, cũng vậy Sáu ngoại nhập xứ,… cho đến Năm ấm cũng nói như vậy. [15]


 [1] Tương ưng xứ giới uẩn, gồm các kinh Đại chánh 892-901 (phần cuối quyển 31). Ấn Thuận Hội biên, 39. Tương ưng Nhập giới ấm.

 [2] Đại chánh, kinh 892.

 [3] Tín hành 信行, tức tùy tín hành. Pāli: saddhānusārin.

 [4] Hán: ly sanh 離生. Không rõ Pāli. Tham chiếu, Sn. 371: saddho sutavā niyāmadassī, có tín, có văn, có kiến, ly sanh. Về nghĩa ly sanh vị, siêu việt phàm phu vị, xem Câu-xá 8, tr.40c

 [5] Pháp hành, tức tùy pháp hành. Pāli: dhammānusārin.

 [6] Đại chánh, kinh 893. Năm loại hạt giống.

 [7] Đại chánh, kinh 894. Pāli, A. 4.23. Loka.

 [8] Đại chánh, kinh 895.

 [9] Đại chánh, kinh 896.

 [10] Đại chánh, kinh 897. Tham chiếu, Pāli, S. 18. Rāhulasaṃyutta. Xem các kinh trên.

 [11] Đại chánh, kinh 898.

 [12] Đại chánh, kinh 899.

 [13] Đại chánh, kinh 900. Đam mê vị ngọt.

 [14] Đại chánh, kinh 901. Thiết lập pháp thiện.

 [15] Bốn kinh cuối quyển 31, số 902-904, xét nội dung cần đưa vào cuối Tương ưng Bất hoại tịnh (Tương ưng 8). Bản Hán, hết quyển 31.